Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.259
123.156.050
 
Mùa xuân của má
Nguyễn Trọng Tấn

Má thắp nhang lên bàn thờ ba lâm râm khấn vái:

- Ông ơi, năm hết Tết đến, ông về ăn Tết với tui cho ấm cửa ấm nhà, chiều ba mươi rồi mấy đứa nhỏ chưa thấy đứa nào về.

 

Từ sáng đến giờ má cứ đi ra đi vào, lóng nga lóng ngóng, con Mực hực hực sủa má đau đáu trông ra ngoài ngõ, chờ riết tới chiều bóng dáng các anh chị vẫn bặt tăm. Hồi đám giỗ ba, chị Hai nói Tết sẽ về. Chị Hai ở xa quá lại nghèo, Tết có năm về năm không, thường về từ hôm hai chín.

 

Hồi đó chị Hai đi làm ở thành phố quen anh Phụng ngoài Long Khánh, hai người dự định cưới nhau, chị Hai dẫn anh Phụng về thỏ thẻ với má, thấy anh hiền lành má cũng thương nhưng ngặt nỗi quê anh xa quá. Má không cản chị Hai, chỉ nói:

- "Chim đa đa đậu nhánh đa, chồng gần không lấy sao lấy chồng xa", má chỉ nói vậy thôi tùy con định liệu.

Chị Hai nghĩ tới lui rồi khóc. Má an ủi:

- Má nói vậy chớ con thương đâu má gả đó, có duyên nợ với nhau cấm cản sao đành.

Đêm đó má trằn trọc không ngủ được, nước mắt chảy hoài ướt cả gối. Hồi má ba thương nhau ông bà ngoại cũng không bằng lòng, không phải ghét bỏ gì cũng tại quê ba xa quá. Má ở Cà Mau, ba ở tuốt trên Cổ Cò, thương nhau hứa lấy nhau má cũng chưa đến Cổ Cò lần nào. Ông bà ngoại sợ má về đó xa xôi không về thăm nhà được, nhưng thấy má cương quyết cũng bằng lòng. Cưới rồi năm đầu về thăm ông bà ngoại được hai lần. Năm sau sinh con về một lần. Ngày bà ngoại hấp hối má nhận được tin về liền, về đến nơi đã khâm liệm ngoại rồi. Năm ông ngoại mất cũng vậy, má về đến sắp tới giờ chôn. Từ ngày ông bà ngoại mất đến giờ má về giỗ được hai ba lần gì đó. Má nhớ lại cảnh của mình mà thương chị Hai, tủi cho mình. Rồi đây mai mốt má chết biết có được nhìn mặt chị Hai lần cuối?

Từ ngày chị Hai có chồng mỗi năm về một lần dịp giỗ ba hay ngày Tết. Gia đình chị suốt năm trông chờ vào công chôm chôm, năm nào trúng mùa thì thất giá, được giá thì thất mùa. Anh Phụng làm thuê làm mướn quanh năm nhưng hai đứa nhỏ cứ đau ốm suốt, tiền vào nhà như gió vào nhà trống.

 

Anh Ba đi biền biệt mấy năm nay. Hồi đó anh Ba yêu chị Nguyệt ở xóm trên. Chị Nguyệt hiền dịu xinh đẹp không ít người dòm ngó, ông bà Năm, ba má chị Nguyệt không chịu gả cho anh Ba. Bà Năm nói:

- Mầy lấy thằng đó mai mốt cạp đất ăn hả?

Câu ấy lọt đến tai anh Ba, cả tháng trời anh lặng lẽ không nói với ai tiếng nào, mặt khoặm lại, mắt nổi vằn đỏ dữ tợn. Anh thường ngồi thẫn thờ như người mất hồn, ánh mắt xa xôi. Rồi má cũng biết chuyện bà Năm ngăn cản anh và chị Nguyệt yêu nhau. Anh Ba đau một, má đau mười. Má biết anh Ba và chị Nguyệt yêu nhau hai năm nay, dành dụm hoài không mua nổi đôi bông tai đành làm lơ, không dám hỏi chị Nguyệt cho anh. Nhưng không tiền để con ở vậy hoài hay sao? Má chờ con heo trong chuồng hễ trọng trọng một chút kêu bán. Lúa ngoài đồng đã cong trái me. Bầy gà cũng phủ lông cánh. Vậy mà… Nhìn anh Ba suốt ngày lặng lẽ đăm chiêu má đau đứt ruột, đau nỗi đau của con, của mẹ, tối trằn trọc không ngủ được. Má đợi anh nguôi nguôi lựa lời khuyên tìm chỗ khác phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình hơn. Nhưng má chưa kịp nói anh đã ra đi. Anh nói:

- Má đừng trông, chừng nào tui làm có nhiều tiền mới về!

 

Biết tính anh làm gì cũng cho bằng được, má không ngăn cản, chỉ nói:

- Con không nói sớm má mua cho vài cái áo, cái khăn tắm cũng rách hết rồi.

Má móc trong túi lấy chai dầu cù là, vét hết còn đâu được vài chục ngàn nhét hết vào túi anh:

- Con đợi má sang nhà chú Bảy mượn thêm.

Anh Ba không cho má đi, lấy tiền nhét lại vào túi má. Hai má con cứ giằng co nhau, thấy má òa khóc anh Ba mới chịu lấy. Suốt bốn năm nay, ngày nào má cũng khắc khoải chờ mong anh về, nhất là những ngày giỗ, Tết. Năm nay má có linh tính anh sẽ về. Vậy mà… Chiều ba mươi rồi.

 

Rồi hồi năm ngoái đến lượt thằng Út cũng bỏ má mà đi. Nó nói ở đây làm quần quật suốt một năm cũng chỉ dư được đôi mươi giạ lúa. Có năm còn thiếu ăn nữa. Mấy đứa bạn nó lên thành phố làm một tháng bằng ở đây làm cả năm. Má đứng chết lặng, ánh mắt như dại đi.

- Mình phụ đất chớ đất có phụ mình đâu con!

Thằng Út chỉ mái nhà dột nát nói:

- Mình ở đây mấy chục năm có được căn nhà cho ra hồn đâu. Con ráng làm kiếm tiền về lợp lại mái nhà mùa mưa má ngủ thẳng giấc.

 

Nghe thằng Út nói vậy lẽ ra má phải vui, đằng này má cảm thấy như ai lấy kim ghim vào tim mình. Má nhớ hồi thằng Út còn nhỏ, có lần má vừa lấy roi định đánh thì nó chạy lại ôm chặt tay má nhõng nhẻo nói: "Má ơi đừng đánh con đau, để con bắt ốc hái rau má nhờ". Vậy là má bẻ gãy cây roi không nỡ đánh nó. Nhưng không lẽ nó nghĩ "bắt ốc hái rau cho má nhờ" là phải rời bỏ quê hương kiếm tiền?

Má nắm tay thằng Út:

- Út ơi, ông bà nội con ở đây, ba má cũng ở đây, các con cũng sinh ra ở đây, không giàu nhưng đất nuôi các con lớn khôn, đâu để các con đói bữa nào.

Thằng Út vẫn cố bào chữa:

- Con biết đất không phụ mình nhưng đất càng ngày càng cằn cỗi…

Thằng Út đi vài tháng đem về cho má xấp tiền dày cộm nhét vào túi má thỏ thẻ:

- Má cứ xài, đừng hà tiện nữa, công việc ruộng vườn cứ mướn người làm.

Hôm sau nó kêu thợ lợp lại mái nhà xong rồi mới đi. Sau lần đó má chờ hoài không thấy thằng Út về nữa. Thằng Quân, bạn nó trên thành phố về ghé qua cho hay thằng Út theo bạn bè rủ ren lên tận rừng sâu đào vàng. Má chết lặng người. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Ai xui nó lên chốn rừng thiêng nước độc ấy? Nếu vì má mà nó phải lên chốn ấy thì thà để má thắt cổ chết còn hơn. Làm mẹ ai nỡ để con mình chui vào miệng hùm hang rắn. Má thắp nhang lên bàn thờ ba khấn vái:

- Ông ơi! Có linh thiêng về phù hộ cho con…

Mắt má nhòa đi, hai dòng nước mắt chảy dài xuống đôi gò má nhăn nheo.

Cúng cơm ba xong, má bày nếp ra gói bánh tét. Năm nào cũng vậy, túng quẫn đến đâu má cũng phải có nồi bánh tét cúng ông bà ngày Tết, cả nhà cùng ăn với nhau. Năm nay má gói đủ ba loại bánh như mọi năm. Nhà có mấy chị em mỗi người một ý. Chị Hai thích ăn bánh nhân chuối, anh Ba thích ăn bánh nhân mỡ đậu xanh, thằng Út thích ăn bánh nhân ngọt. Còn má thì các anh chị thích cái gì má thích cái ấy. Gói một thứ bánh sợ đứa vui đứa buồn má gói cả ba thứ. Mấy năm trước anh Ba không về, bánh nhân mỡ đậu xanh không ai ăn. Năm nay má định gói một thứ bánh nhân chuối thôi, nhưng nghĩ lại biết đâu anh Ba về. Và thằng Út nữa…

 

Trời tối hẳn. Má ngồi lặng lẽ một mình bên nồi bánh tét. Bếp lửa reo tí tách như vẫy gọi mùa xuân về. Má nghe mắt mình cay xè. Má nhớ hồi đó chị Hai anh Ba thằng Út ngồi quanh bên bếp lửa canh nồi bánh đón giao thừa như thế này, má kêu mấy chị em đi ngủ để má thức canh, giao thừa sẽ kêu dậy nhưng không ai chịu.

 

Hồi đó Tết nào ba má cũng chạy vạy tiền mua cho mỗi đứa cái áo mới, cái quần mới. Có năm phải bán lúa non hay ba lãnh tiền công cắt lúa trước. Vậy mà vui, mà hạnh phúc. Còn bây giờ cứ luôn thấy thiếu trước hụt sau…

 

Những giây phút cuối cùng của năm cũ đã qua. Giao thừa. Má sắp bánh mứt lên bàn thờ ba rồi thắp nhang khấn vái:

- Năm mới đến rồi, ông phù hộ cho mấy đứa nhỏ được mạnh giỏi, bình an!

Mùa xuân đến trong nụ mai biêng biếc hé nở chúm chím trên cành. Mùa xuân đến trong cơn gió nhẹ lùa qua cửa sổ. Mùa xuân đến trong làn hương trầm thoang thoảng. Nhưng mùa xuân của má còn xa lắm…

 

Nguyễn Trọng Tấn
Số lần đọc: 2322
Ngày đăng: 29.01.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kẻ giết người - Nguyễn Ngọc Phan
Bông trang đỏ - Thái Phong
Niềm hạnh phúc lắng sâu - Tường Oanh
Đi qua giao thừa - Hoàng Đình Quang
Cái ra-dô cũ - Thảo Bích
Hai chị em - Khánh Liêm
Tiếng hát trong cỏ - Lá Me
Tiếng cu gáy - Nguyễn Tri Nha
Lệ nến - Tường Oanh
Phiên chợ tết cuối cùng - Hoàng Đình Quang
Cùng một tác giả
Ông Mười (truyện ngắn)
Biển gọi (truyện ngắn)
Mùa xuân của má (truyện ngắn)