Trước 75, thành phố Đà Nẵng có nhiều rạp xi-nê (rạp chiếu bóng) như rạp Kim Châu, rạp Đông Kinh, rạp Trưng Vương, rạp Kim, rạp Chợ Cồn, rạp Lido v.v… Mỗi rạp đều có chủ đề riêng nhằm đáp ứng “gu” người xem, tới rạp xin tờ progam (tóm tắt nội dung phim) coi trước, sau đó xem hoặc không tùy ý. Có bữa đi học, tôi tới rạp xin tờ progam về nhà coi thử, chờ lúc nào rảnh thì coi. Kể vài rạp cinema Đà Nẵng bấy giờ như sau:
*Rạp Trưng Vương chuyên chiếu phim võ thuật, kiếm hiệp như Đường Sơn Đại Huynh, Long Tranh Hổ Đấu v.v…
*Rạp Kim Châu chuyên chiếu phim tình cảm, gu người lớn, đa số phim Việt Nam như Chân Trời Tím,Thằng Vọi, Người Tình Không Chân Dung, Nắng Chiều, Anh Yêu Em v.v…
*Rạp Kinh Đô chuyên chiếu phim nước ngoài, phim ma kinh dị của Pháp, là nguồn cảm hứng cho trí tưởng tượng và sáng tạo. Còn nhớ phim hài Mỹ “Cảnh Sát Tuần Tra Bãi Biển” thật vui nhộn, hôm đó cảnh sát tuần tra núp đàng xa đưa ống dòm kiểm tra phụ nữ trần truồng nằm bờ biển xem họ có hút cần sa không, buồn cười là các cảnh sát dành nhau ống dòm về mình để coi hihi… Riêng phim Đức Phật (Ấn Độ) rạp chiếu cả tháng trời mới đổi phim, lượng khách rất đông.
Nói chung các chủ rạp hồi đó là tư nhân không phải nhà nước như bây giờ, phim nào đông khách thì rạp chiếu dài ngày, ít khách thì họ thay phim khác. Vào rạp hai bên có phòng kín bán đồ ăn nhanh như bánh mì bọc giấy bạc, kem hộp, kem cây, kẹo sinh-gum, đậu phụng rang đủ thứ, thức uống như coca, pepsi v.v… phục vụ khán giả. Đặc biệt rạp Đông Kinh trên đường Độc Lập chiếu phim theo phong cách tự do mà tôi rất thích, đó là thời gian chiếu phim liên tục, không dừng, hết phim rạp chiếu lại tức thì, khán giả vô ra lúc nào cũng được, xem rồi ngồi lại xem nữa vẫn bình thường, “ớn” thì ra thôi, không có cảnh chen lấn, người đến rạp coi phim với phong thái tự do, thoải mái. Rõ ràng tư nhân năng động hơn nhà nước là chắc rồi.
1.
Hôm đó tôi và bạn Huỳnh Hai cúp cua 2 tiết đầu (trốn học) môn tiếng Pháp, buổi chiều, đi coi xi nê rạp Kim Châu, phim “Anh Yêu Em” (nghe trong lớp các bạn xầm xì hay lắm). Tới rạp, hai đứa chấp nhận mang sách vở bên người chớ chẳng biết dấu ở mô, dị òm, kệ, đã rứa còn thấy trước rạp treo bảng “cấm trẻ em dưới 18 tuổi” nữa chớ, dị thêm. Tuy nhiên vào rạp xem phim thấy hay lắm, xúc động nữa, bảng cấm trẻ em càng khiêu gợi người coi. Sau đây tôi xin kể sơ lược phim “Anh Yêu Em” như sau, lâu quá không nhớ tên nhân vật, chỉ nhớ các diễn viên gạo cội bấy giờ gồm có nam diễn viên Hùng Cường, nam diễn viên Trần Quang và nữ diễn viên Trâm Anh, những nhân vật chính trong phim như sau:
Trước hết, (diễn viên) Hùng Cường là thợ sửa xe Honda, tánh tình thật thà chất phát. Tiếp theo là (diễn viên) Trần Quang, thanh niên lịch lãm, con nhà giàu ở Sài Gòn. Cả hai cùng yêu người thiếu nữ xinh đẹp đó là (diễn viên) Trâm Anh. Để giải quyết tình cảm khó xử này, Trần Quang đưa ra ý tưởng đua xe Honda, xe ai chạy tới đích trước thì thắng, nghĩa là được “người yêu” với nàng Trâm Anh, còn lại người thua cuộc phải chấp nhận xa nàng vĩnh viễn. Cả hai đồng ý. Chuyện đua xe mới nghe có vẻ sòng phẳng và dễ thương, nhưng thực tế xe honda Trần Quang là motor phân khối lớn 125cc, còn honda của Hùng Cường phân khối 90cc thôi, nhỏ hơn sao mà đua được, do đó thợ sửa xe Hùng Cường phải lao động đổ mồ hôi mấy ngày liền rã máy đôn zen, xoáy nòng, xoáy piston nhằm tăng dung tích buồng đốt mới đua. Phải nói, nhìn từ góc độ này ta mới thấy tình yêu của Hùng Cường đối với Trâm Anh là trong vắt từ trái tim, dẫu là con nhà nghèo, chàng phải cố gắng phấn đấu cam go mới dành nàng về mình ! Ngày đua xe đã đến.
2.
Chuẩn bị đua, hai xe honda đứng ngang hàng ở vạch xuất phát, máy nổ hai xe “quỳnh quỳnh” vang lên chờ lịnh phất cờ. Bắt đầu đua, xe Trần Quang chở người đẹp Trâm Anh ngồi sau rồ ga dọt trước cái “ào”, xe Hùng Cường liền bám theo sau kêu “vút vút”. Lúc này người đẹp Trâm Anh quay lại nhìn xe Hùng Cường mỉm cười, tóc nàng phất phơ trong gió. Ban đầu hai xe chạy ngang hàng, Hùng Cường cuối sát người tăng ga “quỳnh quỳnh” rướn tới, rướn tới…
Chạy đua một đoạn dài bỗng dàn máy xe honda Hùng Cường bốc khói kêu “phịch phịch” đứng lại, thì ra xi-lanh nóng lên làm pit-tông không co dãn bình thường, gọi là lúp-pê (luppe), đành chờ ngụi máy mới đi tiếp. Thực tế xe honda xoáy nòng thường bị sự cố này nếu chạy đường dài, thợ sửa xe Hùng Cường đều biết nhưng giờ chịu thôi. Không nản, Hùng Cường lấy chai nước uống tưới vào dàn máy honda cho nguội dần sau đó mới chạy tiếp. Đàng xa, xe Trần Quang đã lên đường đèo rồi, xung quanh là đồi núi quanh co. Nhìn lại phía sau, Trần Quang và Trâm Anh nhoẻn miệng cười đắc thắng khi Hùng Cường còn ở tuốt đàng xa. Chiếc motor phân khối lớn của Trần Quang nổ “quỳnh quỳnh” vang vọng giữa núi rừng bát ngát, mái tóc Trâm Anh vờn bay trong gió lộng phía sau, dưới triền núi là biển xanh bao la tình tứ.
3.
Bỗng bất ngờ có sự cố xảy ra trên đường đèo, tại khúc cua chiếc xe Trần Quang té xuống lật ngược lăn mấy vòng bốc cháy, thì ra xe Trần Quang không chịu giảm tốc ở khúc cua nên gây ra sự cố này, quá bất ngờ và thương tâm. Thân thể Trần Quang và Trâm Anh văng xuống triền núi cách nhau khá xa, Trâm Anh thì văng xuống bãi biển sóng ru ngút ngàn. Tích tắc, Trần Quang và Kim Anh trở về với thế giới hư vô, trở về với cõi chết !
Tới sau, Hùng Cường lao tới ôm thi thể Trâm Anh trên hai tay sầu muộn, biển cả chập chùng gió hú, nước mắt chàng chảy ra ràn rụa, máu trong miệng nàng trào ra tức tưởi đỏ tươi. Chàng ôm nàng trên hai tay, lê từng bước chân tê tái, biển cát gió thổi trùng trùng.
4.
Đúng lúc này trong rạp phát ra bài hát “Anh Yêu Em Vào Cõi Chết”, nhạc Phạm Duy, giọng hát Hùng Cường. (Hùng Cường quả là nghệ sĩ tài năng, vừa là diễn viên đóng phim vừa là ca sĩ âm nhạc, cải lương nổi tiếng), tiếng hát vang xa, cả rạp đều yên lặng:
"Anh đã biết, anh đã biết yêu em là tuyệt vọng
Mà vì sao, mà vì sao anh vẫn cứ yêu thương
Con giun con, nằm uốn khúc giữa đêm trường
Rồi giun chết, chết tương tư vì sao sáng.
Em đã sống, em đã sống như côn trùng khờ dại
Tìm lửa thiêu, tìm lửa thiêu em đốt cháy cơn vui
Em đưa em vào sâu kín cánh tay người
Vòng tay trói tấm thân em vào oan trái
Anh yêu em, anh yêu em như rừng yêu thú dữ
Anh yêu em, anh yêu em như tình cây với gió
Anh yêu em, anh yêu em không còn chi nói nữa
Biết nói gì đã yêu rồi, biết nói gì em ơi…
…
Em đã chết, em đã chết trên con đường định mạng
Và từ nay, và từ nay em vĩnh viễn cho anh
Em cho anh một thân xác đã yên lành
Và cho nốt chút linh thiêng hồn đã tắt
Em đã chết, em đã chết cho anh vào cuộc tình
Cuộc tình ta, cuộc tình ta nơi thế giới bên kia
Anh theo em vào cõi chết chốn mây mờ
Ở nơi đó sẽ không ai giành em nữa
Anh yêu em, anh yêu em như rừng yêu thú dữ
Anh yêu em, anh yêu em như tình cây với gió
Anh yêu em, anh yêu em không còn chi nói nữa
Biết nói gì, đã yêu rồi, em ơi !
5.
Khán giả vẫn ngồi coi đoạn cuối bi thương, bài hát vẫn vang vọng trong rạp chiếu, tôi và Huỳnh Hai lần mò ra trước sợ đèn rạp sáng tỏ, lở gặp người quen khó coi (vì trốn học). Ra tới cửa rạp hai đứa giật mình, phía trước là hai bạn nữ cùng lớp đi trước mình chớ đâu, đúng vậy, tôi và Huỳnh Hai đi chậm lại phía sau cho chắc ăn, lở chộ (thấy) khó coi hi… Cúp cua coi ci-nê là kỷ niệm khó quên thời học trò ngày ấy ./.