Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
29.225 tác phẩm
2.771 tác giả
485
127.574.480
 
Cuộc sống vẫn tiếp diễn trong niềm yêu thương
Trang Thùy

 

 

Trong ba tập sách của nhà văn Phạm Nguyên Tường, không hiểu sao tôi lại đặc biệt chú ý đến cuốn sách có nhan đề rất đặc biệt: Chết Như Thế Nào với chiếc bìa sách cũng đặc biệt không kém được thiết kế với hai màu đen, trắng làm chủ đạo.

 

Có lẽ sau trận ốm vừa rồi và sau khi được bác sĩ cho làm sinh thiết để tầm soát ung thư (tạ ơn trời phật khi bác sĩ thông báo kết quả là âm tính), tôi đã trải qua những ngày chờ đợi trong lo âu và thể trạng sức khỏe giảm sút tôi càng cảm nhận được rất rõ câu "sức khỏe là vàng". Những ngày đó những ý niệm về sự sống chết, bệnh tật, về những "cuộc vô thường" giữa nhân gian luôn xâm chiếm mặc dù đã cố gắng dặn lòng phải lạc quan tự tin và mạnh mẽ vì "ai chả một lần sinh, tử". Cho đến lúc cầm tập sách Chết như thế nào, vậy là tôi chọn để đọc nó trước trong những cuốn sách mình đã được tặng gần đây.

 

Với đặc thù là một nhà văn nhưng đồng thời cũng là một bác sĩ chuyên ngành khoa Ung bướu nên nhà văn Phạm Nguyên Tường có nhiều dịp đi tu nghiệp, công tác trong và ngoài nước. Đặc biệt với môi trường bệnh viện đã là những trải nghiệm thực tế không thể nào xác thực hơn trong những câu chuyện ở Chết như thế nào.

Trước tiên phải nói rằng Chết như thế nào không chỉ xoay quanh những câu chuyện ở bệnh viện, của những người bệnh mà nhà văn buộc phải tiếp xúc hàng ngày, còn có những mẩu chuyện tưởng chẳng hề dính líu chi đến cái tựa sách mang hơi hướm "chết chóc" đó, ấy vậy nhưng ngẫm ra lại là có, như câu chuyện của một cụ ông người gốc Tàu bị ung thư ở Singapore, có bốn người con công ăn việc làm ổn định kiếm được nhiều tiền nhưng giờ đây không ai ở với cụ ngoài người hầu gái chăm sóc sớm hôm. Chỉ vì họ bận công việc, đó là một thực tế trong guồng quay của cuộc sống hiện đại. Tất cả phải nhờ đến maid, những người phụ nữ trẻ đến từ những ngôi làng xa xôi nghèo khó nhận chăm sóc cho những người già cả, neo đơn mắc các bệnh mãn tính. Chuyện cô hầu gái vì cuộc mưu sinh phải rời xa gia đình nhỏ để chấp nhận những công việc hàng ngày tiếp xúc với người bệnh để hàng tháng nhận được 300 đô Sing, dù không cao ở đất nước đó nhưng cũng là một món tiền không hề nhỏ so với làng quê xa xôi còn nhiều khó khăn của họ: (Kedung Wringin đường về còn xa). Câu chuyện của những cô gái điếm Tàu, Ấn, Mã, Indo, thậm chí Việt trong Casino, "một đất nước vốn nghiêm túc, ngặt nghèo như  Singapore, các khoản ăn chơi, rượu chè, cờ bạc vốn rất nhạy cảm và thường gây nên những luồng dư luận trái chiều mà chủ yếu là phản ứng mạnh mẽ . Vậy mà cũng đã đến lúc mở Casino rồi!".(Đồng hương không "linh" ở khu Geylang!)...

Kể cũng thích thật, đọc những câu chuyện trong Chết như thế nào có cảm giác đang được nghe tác giả kể những câu chuyện bên trời Tây mà đâu phải ai cũng đã từng đến được đó, nên rất thi vị và phần nào bổ sung thêm cho mình những kiến thức, những trải nghiệm để biết cuộc sống ngoài kia, "sau lũy tre làng" như thế nào. Những câu chuyện được tác giả kể bằng giọng văn lôi cuốn, đôi lúc lại lồng vào những câu từ dí dỏm, làm mềm mại và đa dạng trong cách hành văn trong Chết như thế nào.

Đọc Chết như thế nào để cảm nhận tâm hồn của một bác sỹ lại đa mang thêm nghiệp cầm bút. Đó là những dòng văn thấm đẫm tình cảm khi tác giả viết về một phận người, vừa là người anh thân tình, vừa là người mà anh chịu ơn: Nhà thơ Phương xích lô của Huế; Người mà theo nhà văn Phạm Nguyên Tường viết rằng: đã dẫn dắt anh bước vào con đường văn chương: "Những kỉ niệm trong veo của những ngày đầu tôi đến với thơ, chính là ở bên cạnh Phương." ... Rất lâu sau này tôi mới hiểu, chính là Phương đang cố lấp đầy đời mình bằng thơ. ...Đời Phương nhàu nát và xộc xệch. ... Có lẽ Phương là một hơi thở, một hơi thở của người. Một hơi thở thơm tho. Một hơi thở hôi hám. Một hơi thở của người, bình dị, vô thủy vô chung". Thiết nghĩ không thể có những câu từ nào diễn tả sát ý, thấu hiểu lại chứa chan tình cảm của một người bạn dành cho một người bạn thơ của mình như Phạm Nguyên Tường.

 

Là một nhà khoa học, bác sĩ công tác trong ngành y tế chuyên khoa Ung bướu, ung thư là một căn bệnh hiểm nghèo, người bệnh nếu không phát hiện và được điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Thêm vào đó chi phí điều trị quá tốn kém nên nhà  nào có người mắc bệnh thì không chỉ bản thân người bệnh phải chịu cảnh đau đớn mà áp lực ấy cũng là một gánh nặng đè lên vai những người thân trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Sự khó khăn ấy lại càng áp lực, mệt  mỏi thêm khi bệnh nhân là những người nghèo, ăn bữa hôm lo bữa mai lại còn phải bỏ bê công việc trong khi chi phí cho mỗi đợt điều trị rất tốn kém nên điều này thực sự là một nỗi ám ảnh dai dẳng của người bệnh lẫn người chăm bệnh. Bằng sự thấu cảm, nhân ái của một người mang sứ mệnh cứu người, trước những hoàn cảnh đáng thương những dòng văn của Chết như thế nào như chùng xuống, đồng cảm, xót xa với những nỗi đau tận cùng của người bệnh. Và, chết như thế nào cũng là một trăn trở của những người mang sứ mệnh cứu rỗi khoác áo blu trắng, xanh. Đã đành chấp nhận chiến đấu đến cùng.

 

 

Trang Thùy
Số lần đọc: 96
Ngày đăng: 15.04.2025
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gạt bỏ sự đố kỵ - Đặng Xuân Xuyến
Diệu âm – một ấn phẩm độc đáo của Lễ hội Quan Thế Âm Đà Nẵng - Trần Trung Sáng
Ngày Mới Saigon- “Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào” - Elena Pucillo Truong
Dust Child – Bụi đời của Nguyễn Phan Quế Mai - Đào Như
Trò chuyện với thiên thần hay liên tiểu luận về vấn nạn toàn cầu - Phạm Ngọc Dũ
“Sắc Xuân” – Món quà tinh thần chào Xuân Ất Tỵ của Nguyễn Đại Duẫn - Phạm Sinh
Đã đi, phải đến - Trần Trung Sáng
Võ Chí Nhất xuất bản tiểu thuyết ở Ý - Đình Đình
Đọc “Trò chuyện với thiên thần” – Những tai họa thế giới và giấc mơ Việt Nam. - Phạm Chu Sa
The Rhythm of Vietnam (Kết nối những niềm vui lấp lánh) - Trang Thùy
Cùng một tác giả
Mùa nấm mối (truyện ngắn)
Mít vườn nhà (truyện ngắn)
Ngày mùa (tạp văn)