- Thu ơi, ra bờ sông chơi không?
Nghị tay ôm cây ghi-ta ghé phòng tôi rủ. Tôi bật dậy:
- Đi! Chờ Thu chút nghen!
Tôi chải sơ mái tóc, khóa cửa phòng cùng Nghị ra sông. Phòng tôi cuối dãy ký túc xá, gần bờ sông An Phú, chiều thứ bảy nào cũng vắng hoe, đứa đi chơi với "bồ", đứa về quê, đứa tới nhà bà con "nạp thêm năng lượng" sau tuần lễ cặm cụi học hành. Tôi chưa có người yêu, nhà ở xa, có người cô ở quận 5 nhưng không biết đi xe đạp nên cũng ít về chơi. "Chiều thứ bảy máu chảy về tim", bạn bè tôi thường nói vui như thế, nhưng đối với tôi chiều thứ bảy là những chiều buồn nhất, cô đơn nhất. Một mình nằm chèo queo trong căn phòng vắng ngắt, bài vở học không vô, đầu óc cứ lan man nghĩ ngợi chuyện tầm phào.
Thỉnh thoảng cũng có đứa không đi chơi chiều thứ bảy, ở lại ký túc xá cùng người yêu thủ thỉ chuyện trò hoặc bày ra nấu nướng để âu yếm nhau. Tôi trở thành kẻ thừa thãi, thường lang thang ra bờ sông hứng gió.
Bờ sông có một ngôi nhà trẻ xinh xắn, chỉ giữ trẻ buổi sáng, buổi chiều sinh viên ký túc xá thường ra đó học bài, có đứa ở lại ngủ trưa cho mát. Đặc biệt vào những đêm trăng, đây là nơi lý tưởng để chuyện trò tâm sự, mơ mộng viễn vông.
Đối diện với nhà trẻ là ngôi biệt thự một tầng lầu, dưới sân có trồng mấy cây xoài vào mùa lủng lẳng những chùm trái xanh, bọn tôi vẫn thường nhìn… nuốt nước miếng cho đỡ thèm! Xung quanh nhà, cỏ với những bụi hoa hồng mọc chen chúc nhau, cao quá gối. Nghe những người dân ở đây kể lại rằng, bà chủ nhà này còn một ngôi nhà khác lớn hơn ở Sài Gòn. Ngôi biệt thự nơi heo hút này là để cho anh Thông, con trai út của bà tĩnh dưỡng.
Hồi mới nhập học chúng tôi một phen hú vía vì anh ấy. Bữa đó, sau khi nghe nhà trường thông báo một số nội quy, chúng tôi được hướng dẫn về ở khu ký túc xá. Phòng tôi có tám đứa con gái, đều từ các làng quê heo hút mới lên thành phố. Chúng tôi mỗi đứa một tay đang dọn dẹp, bỗng từ ngoài cửa một người đàn ông ngang nhiên đi vào, nhìn chúng tôi cười cười. Ngỡ là quản lý ký túc xá tới kiểm tra, cả tám đứa đều ngoan ngoãn gật đầu chào, nhưng anh ta không thèm đáp lễ, cứ đi tới đi lui trong phòng rồi đột ngột bỏ đi.
- Người đâu mà mất lịch sự quá! - Hằng làu bàu.
Chiều, Hương đang tắm, người đàn ông ấy lại xuất hiện cũng vừa cười, vừa xồng xộc đi xuống nhà sau, nơi có nhà tắm cửa không khóa được.
- Chú ơi, có người trong nhà tắm, chú đừng xuống đó!
Mặc những lời cản ngăn của Nguyệt, anh ta đẩy mạnh cửa làm hồn vía bọn tôi bay hết lên mây, cũng may lúc đó Hương đã quần áo chỉnh tề rồi. Tuy vậy Hương vẫn tức điên lên, giọng Huế nặng trịch:
- Mời chú lên phòng quản lý để giải quyết chuyện ni!
Anh ta cười hí hí, dập gót đưa tay chào Hương theo đúng kiểu nhà binh:
- Gút-bay, ngày mai dậy sớm!
Cả tám đứa đều sững sờ, vừa buồn cười, vừa lo sợ.
Mỗi ngày anh Thông ra vào phòng tôi không biết bao nhiêu lần, có khi vừa ra tới ngõ anh lại quay vào. Ban đầu chúng tôi sợ lắm, nhưng dần dà cũng quen. Vả lại anh rất hiền, chẳng phá phách chọc ghẹo ai, ngoài việc đi lung tung trong phòng và thỉnh thoảng nói một vài câu ngớ ngẩn. Để đảm bảo "an ninh", chúng tôi làm lại cái then cửa thật chắc chắn.
Một lần, mẹ anh Thông đến, vẻ áy náy:
- Xin lỗi các cô, con tôi có làm phiền gì các cô không? Nếu có, tôi sẽ khóa cổng không cho nó ra khỏi nhà!
- Dạ thưa bác, anh Thông không làm gì phiền tụi con. Bác cứ để ảnh tự do, đừng bó buộc quá không tốt cho sức khỏe.
Hằng đại diện cả phòng nói với mẹ anh Thông. Bà cảm động lắm, hết cầm tay đứa này lại xoa tóc đưa kia.
- Bác cảm ơn các cháu, các cháu tốt quá! Nó hiền lắm, các cháu đừng sợ, nhưng nếu có gì các cháu phải cho bác hay.
Anh Thông hiền thật, ngoan và dễ bảo như một đứa con nít. Những khi rảnh rỗi chúng tôi chuyện trò với anh, chủ yếu chúng tôi nói, anh chỉ cười, nụ cười luôn gắn trên môi anh. Những lúc chúng tôi bận rộn bài vở, chẳng ai ngó ngàng tới anh, một mình anh ra vào lặng lẽ.
Bọn con trai lớp tôi dạy anh nói mấy câu tiếng Nga khi lớp bắt đầu học Nga văn. Anh chăm chỉ lắm, học được tiếng nào suốt ngày lẩm bẩm nói đi nói lại tiếng ấy: "bờ-rát bui-che" (xin chào), "đa" (vâng), "nhét" (không)… Tuần rồi nhỏ Thủy còn dạy cho anh "hap-py bớt-đê" để chúc mừng sinh nhật nó.
Tối nay, tôi với Nghị ra bờ sông đã thấy anh Thông ngồi lù lù trên ghế đá. Nhận ra chúng tôi, anh dịch người sang một bên nhường chỗ, thấy cây ghi-ta trong tay Nghị, anh vui vẻ bảo:
- Đàn đi! Hát đi! Hát "Cháu lên 3" đi!
Nghị thân mật vỗ vai anh:
- Được rồi, bây giờ Nghị đàn và hát cho hai người nghe. Nhưng không hát "Cháu lên 3" đâu, mình lớn rồi!
- Mình lớn rồi hả? - Anh ngô nghê hỏi lại.
- Ừ, lớn lắm rồi!
Nghị búng nhẹ vào mấy sợi dây đàn, quay sang tôi:
- Thu thích bài gì?
- Bài gì cũng được! - Tôi thờ ơ đáp.
- Vậy thì… "Triệu hoa hồng", nhé!
- Ừ, anh hát đi!
Tiếng ghi-ta bập bùng, tiếng hát của Nghị lúc thiết tha day dứt, lúc sôi nổi nồng nàn khiến tâm trí tôi chơi vơi, buồn rũ. Tội nghiệp cho anh chàng họa sĩ si tình đã bán hết gia tài để mua những đóa hồng đỏ thắm tặng người yêu nhưng lại không được nàng biết đến, và hạnh phúc thay cho cô gái được chàng yêu! Ước gì trên đời này có một người yêu thương tôi, yêu thương bằng một phần nhỏ tình yêu cuồng nhiệt của anh chàng họa sĩ kia, tặng tôi một đóa hồng tôi sẽ sung sướng lắm. Ngày trước, cũng có một người yêu tôi nhưng người ấy có thật lòng đâu. Một mối tình đến rồi đi, hư ảo như một giấc mơ, chẳng có gì sâu sắc nhưng sao cứ âm ỉ sống trong tôi, để những chiều thứ bảy quạnh buồn tôi cứ phải lê la ra ngồi bên bờ dòng sông này để tưởng nhớ tới một dòng sông khác.
Giờ đây, tôi bỗng nhớ cồn cào, không hẳn là nhớ quê, nhớ nhà, cũng không nhớ một người nào đó. Trong lòng tôi lúc này có cái gì đó như đã dồn nén từ lâu, giờ chỉ chợt vỡ ra…
Nghị vẫn say sưa hát, bài hát về tình yêu, về những bông hồng đỏ thắm. Bất chợt anh Thông rời ghế đá, đến bên khóm hồng trước cổng ngắt lấy một bông, chìa ra trước mắt tôi nói:
- Hap-py bớt-đê!
Nghị cười vang. Tôi run tay nhận lấy bông hồng anh tặng, lặng người đi vì xúc động. Và cũng chợt nhớ ra hôm nay là mười một tháng mười một, tôi vừa tròn hai mươi tuổi.
Nước mắt tuôn ra, tôi mỉm cười sung sướng…