Nhà thơ Lê Nhật Ánh sinh năm 1965 tại Kon Tum, nguyên quán Tiên Phước – Quảng Nam. Anh nguyên là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sinh sống và làm việc tại Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu. Do một tai nạn bất ngờ, Lê Nhật Ánh đột ngột qua đời hồi những ngày đầu xuân vừa qua (8/3/2025), khi khả năng và niềm đang mê sáng tạo của anh còn đang sung sức, để lại nhiều thương tiếc cho bạn bè và người thân…
Hồi gặp Lê Nhật Ánh lần đầu tại Trại sáng tác của LH các Hội VHNT Đà Nẵng tại Vũng Tàu năm 2020. Mới thoáng qua, chúng tôi ai cũng lầm tưởng anh là một tay nhiếp ảnh náo hoạt, kiêm hướng dẫn du lịch. Bởi vì, dù chỉ là một thành viên Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhưng anh hết sức xông xáo, đã thường xuyên gặp gỡ, ân cần đưa đón anh em văn nghệ Đà Nẵng tham quan thực tế nơi này, nơi kia suốt những ngày dự Trại tại Vũng Tàu. Cho đến một lần, qua buổi sinh hoạt giao lưu thơ nhạc, chúng tôi mới biết rõ hơn: ngoài việc nhiếp ảnh, Lê Nhật Ảnh còn là một nhà thơ đã có nhiều tác phẩm ấn hành được nhiều bạn đọc yêu chuộng, quan tâm. Nhà thơ Vũ Thanh Hoa giới thiệu về anh: “ Lê Nhật Ánh viết đa dạng: thơ lục bát, thơ tự do, thơ văn xuôi… Và dù là thơ tình hay thơ thế sự, nhìn chung đều toát lên khí chất của người miền Trung Nam bộ khẳng khái, bộc trực. Biết đâu nếu Lê Nhật Ánh thể hiện cách nghĩ, cách nhìn vòng vèo hơn, đa chiều hơn có thể anh sẽ ít gặp hệ luỵ hơn chăng?”.
Một số tập thơ của Lê Nhật Ánh đã xuất bản như : Thu qua ngõ (NXB Thanh Niên, 2003); Ngày của anh (NXB Hội Nhà văn, 2013); Chuyện của núi ( NXB Hội Nhà văn, 2018); Chiều không để làm thơ (NXB Hội Nhà văn, 2021) … Thơ của anh cũng được các nhạc sĩ phổ nhạc phát hành rộng rãi như : Gió đêm (nhạc Minh Huề), Yêu cái người năm mươi (nhạc Minh Huề)… Ngay trong dịp giao lưu tại Trại sáng tác của LH các Hội VHNT Đà Nẵng tại Vũng Tàu, các nhạc sĩ xứ Quảng tuy lần đầu gặp Lê Nhật Ánh cũng đã phổ nhạc thành công các bài thơ của anh như: Vũng Tàu ngày vắng em (nhạc Phan Thanh Trường), Bậu ơi! (nhạc Quang Khánh)…
Là một nhà thơ lại có sở trường nhiếp ảnh, Lê Nhật Ánh có thế mạnh ở chủ đề tình tự quê hương. Bởi qua những chuyến đi trải nghiệm dọc theo chiều dài đất nước, Lê Nhật Ánh luôn quan sát, chụp ảnh và suy tư với những góc nhìn đầy xúc cảm và tinh tế. Và một điều đáng chú ý, trong số những tập thơ đã ấn hành, anh dành một một dung lượng lớn về đề tài Tây nguyên, nơi anh chào đời và khôn lớn. Thật vậy, nếu không phải từng hít thở không khí đất trời nơi miền quê hương ấy, thì đâu dễ tìm được những câu thơ đầy xúc cảm dưới đây:
“Cao Nguyên nắng gió mà ên
Cái đại ngàn nóng bắt đền ai đây ?
Cái rừng sót lại cái cây
Bụng Ê đê nhớ cái ngày núi non .
Cái gùi có cái đế thon
Gái Thượng xuống phố còn con mắt buồn…
(Ê đ ê c ủ a e m)
Đôi khi vì quá gắn bó, yêu thương mà có lúc nhà thơ đã sẻ chia đến mức nghèn ngẹn, xót xa:
“Cái đất Thượng Du nắng mưa đến lạ
Cái nước trên ngàn chảy mãi về xuôi
Cái bếp Thượng Du đồng bào giữ lửa
Ủ choé rượu rừng cây lá lên men .
Cái đất Thượng Du chiều đi nghèn nghẹn
Cái núi hoang tàn chẳng thấy cái cây
Cái rẫy trọi trơ quên lần hoa trái
Sơn nữ bỏ làng ra phố đi đâu ?
(Thượng Du)
Thế rồi, năm tháng trôi qua…Đứa con trai lớn lên từ miền quê hương sương mù, đất đỏ cũng đến lúc trưởng thành, lăn lóc, trải nghiệm trên mọi nẻo đường đất nước, vẫn luôn yêu thương, nhung nhớ, tìm về cao nguyên, bởi đó là nơi bình yên nhất:
“Mình theo em thêm mùa vất vả
Xưa ở quê tay cũng đã cuốc cày
Hồn yêu núi nên tìm về lại
Chút bình yên với nắng gió cao nguyên”
(Đăk R Lấp)
Kể cả nơi ấy là buổi sớm mai, đêm tối hay ngày mưa:
“Trấn Đăk Mil mình cà phê sớm
Những đồi nương hun hút ngàn xanh
Sêrêpôk chảy sang nước bạn
Về Buôn Đôn nghe kể chuyện voi .
Buổi tối về trên Buôn Ma Thuột
Mưa nặng mưa lặng ngắt con đường
Cơn gió lạc ngang thềm phố muộn
Mưa Cao Nguyên ướt cả ngày yêu” .
(Mưa Cao nguyên)
Bên cạnh miền đất Cao nguyên, đối với Quảng Nam, đặc biệt là Tiên Phước, quê hương nguồn cội của tổ tiên, Lê Nhật Ánh vẫn thường xuyên thể hiện trong thơ bằng tình yêu sâu nặng: “Mai về Tiên Phước hỉ
Đứng ngóng sông đầu nguồn
Tài Thành mưa ướt núi…
Quê cũ chùng trong sương”
(Mai về Tiên Phước)
Nơi đó:
“Đêm ngủ ở quê
Con muỗi làm như mình không phải
người nhà
Nên cứ vo ve, rủ rỉ”
(Đêm ngủ ở quê nhà)
Nguyễn Bình, một bạn thơ có lẽ là người đồng cảm với thơ Lê Nhật Ánh nhiều nhất đã nêu nhận xét : “Lê Nhật Ánh đã vận dụng vốn sống ngồn ngộn của anh trong quá trình tác nghiệp ảnh để làm thơ, vì thế, thơ anh luôn tươi mới, không trùng lặp, mỗi bài thơ có một đề tài, mang một sắc thái riêng biệt.”
Trước ngày rời xa cõi tạm không lâu, Lê Nhật Ánh cùng nhóm bạn có chuyến đi xuyên Việt từ Nam ra Bắc. Tất nhiên, anh không bỏ quên cơ hội về thăm quê nhà Tiên Phước và ghé qua Đà Nẵng thăm anh em văn nghệ mà anh từng gặp gỡ. Anh còn hứa hẹn trong lần tới, anh sẽ về chơi lâu hơn, để thực hiện một tập thơ ảnh đặc biệt về xứ Quảng. Và hôm nay, trong số những di cảo Lê Nhật Ánh đã gởi tặng còn lưu giữ trong tay, bất chợt lòng tôi quá đổi bùi ngùi khi tình cờ gặp lại mấy câu thơ:
“Giật mình, mới tháng tư
Hồn đã mơ tháng sáu
Đi giữa mùa hoa trái
Đêm ngập ngừng hương cau
Ừ! Hẹn em tháng sáu
Trở về rừng hái sim
Ta mơ về tháng sáu
Đi bên em dịu hiền
(Tháng sáu về rứng hái sim)
Ừ, mới đó mà tháng 6 đã gần kề… Xin tiễn biệt Lê Nhật Ánh, người bạn nghệ sĩ tài hoa, hãy an nghỉ thanh thản, nơi bạn có thể gặp lại miền quê hương thanh bình của những hoa trái, mùa màng cùng rừng sim thơ mộng như hằng mơ ước…./
Ảnh 1/ (từ trái sang): Lê Nhật Ánh, Trần Trung Sáng, Nguyễn Ngọc Hạnh

Ảnh 2: Lê Nhật Ánh (bìa phải) cũng các đồng nghiệp ở Tiên Phước, Quảng Nam
