Nói đến tiền lẻ người ta thường nghĩ ngay tới những tờ/ nắm tiền giấy nhàu nát dính nhớp mồ hôi trong tay, trong hầu bao các cô - bà bán rong có được sau cả ngày vất vưởng trên hè đường đầy bụi khói hoặc góc chợ quê đìu hiu… Nhưng nói đền tiền tỷ thì thường gắn với những tập Đô-la dày cộm đựng trong va-li hay trong bọc giấy thường cất trong ngăn kéo phòng làm việc của các quan chức đương nhiệm…
Mấy hôm rồi, sau khi nghe một vị tu hành béo tốt tuyên bố với Phật tử đang cúi rạp người tựa nghe Thánh phán, rằng: cúng dường tiền lẻ thì sẽ mắc nghiệp nặng, không hiểu sao hắn nhớ đến một chiếc ngăn kéo đựng tiền tỷ như vậy mấy chục năm trước (vào lúc mà hắn cầm 01 tỷ đồng Nhà nước trong cương vị giám đốc sản xuất ép uổng thì đã đủ kinh phí thực hiện một phim điện ảnh nhựa quy mô, còn bây giờ thì phải vài chục tỷ đồng!). Có điều, đó là ngăn kéo phòng làm việc của một đại quan chức Tỉnh không may qua đời khi “vi hành” vào đám dân nghèo đương lo kiếm tiền lẻ, mà không thể quay lại lấy gói tiền tỷ kia…
Ông ấy (xin hương hồn ông hẵng an nghỉ chốn Cửu tuyền và tha thứ cho hắn đã kể lại chuyện này có liên quan đến ông, song coi như ông là người vô danh), vốn sinh ra & trưởng thành từ một làng dân khai hoang dưới xuôi lên miền núi định cư... Ông chịu khó học bổ túc hết cấp Ba (Phổ thông trung học bây giờ), rồi không hiểu có lý lịch thế nào, quan hệ ra sao, hành xử những gì mà được cử học Lý luận chính trị cao cấp, để cứ thế quan lộ thăng tiến - từ Chủ tịch xã đến Bí thư Huyện, rồi tới Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh,- và đó là chức vụ khi ông huấn thị cho hắn về bộ phim tài liệu chuẩn bị thực hiện theo đơn đặt hàng của Tỉnh về công cuộc chặt phá cây thuốc phiện & Hậu cây thuốc phiện đang được triển khai toàn vùng Tây Bắc rộng lớn…
Ông thạo mấy thứ tiếng dân tộc, am hiểu sâu trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng được giao quản lý - nhất là đời sống đồng bào dân tộc vùng cao đang đứng trước cuộc vận động thế kỷ là triệt bỏ một phương thức canh tác lâu đời đem lại lợi nhuận lớn là cây thuốc phiện… Những gợi ý riêng của ông - ngoài định hướng chung của Tỉnh ủy, Ủy Ban Dân tộc Tỉnh - đã giúp hắn rất nhiều điều bổ ích để có thể hoàn thành được bộ phim tài liệu phóng sự khá quy mô mang tên “Trăn trở vùng cao” - sau vài tháng lăn lộn ở nhiều vùng cao Tây Bắc, chủ yếu là vùng người Mông…
Lúc duyệt phim lần đầu, ông ngồi xem rất chăm chú, bắt chiếu lại thêm lần nữa rồi vỗ tay tán thưởng đầy hào hứng, sau đó là mấy nhận xét cặn kẽ, chi tiết, và chính xác để hắn có thể hoàn chỉnh lúc sửa phim. Nhưng có một tình tiết trong phim hắn phải tranh luận khá căng với ông: Ông bảo cần bỏ đi cảnh một người phụ nữ Mông gạt nước mắt xót xa tiếc của bên đống cây thuốc phiện vừa chặt.
Hắn nói: “Anh à, bỏ thì dễ thôi, nhưng theo em sẽ mất đi một cảnh rất có ý nghĩa…”. Ông nghiêng đầu lắng nghe, vẻ tò mò. “Anh nghĩ xem: cây thuốc phiện gắn bó bao đời với tập quán canh tác của người Mông, vậy mà họ dũng cảm chặt bỏ, vận động cả làng cùng chặt bỏ! Nhưng họ đâu phải là cái máy anh ơi, họ có bao kỷ niệm với thứ cây này, vì vậy giọt nước mắt của họ em quay chộp được càng có ý nghĩa, có thể giúp người xem xúc động hơn trước sự hy sinh lớn lao, lòng dũng cảm đáng ca ngợi của đồng bào vùng cao trước sự nghiệp chung…” Ông chợt rơm rớm nước mắt, lặng im hồi lâu rồi đứng lên bắt tay hắn thật chặt: “Cám ơn… Cám ơn chú em nhà báo đạo diễn! Đúng vậy, nếu cắt bỏ những cảnh thế này, tôi cũng sẽ không thể có được cái cảm xúc thương mến, tự hào về đồng bào lúc nãy xem phim… Chú em hãy tìm thêm vài cảnh đau đớn như thế nữa đi, bộ phim sẽ thêm thấm đó…”
Trong đời làm phim của hắn, có thể nói đó là một kỷ niệm thật đặc biệt, không thể quên nổi, và giúp hắn có một ấn tượng tốt đẹp chung về tập thể lãnh đạo địa phương này… Cho tới mấy năm sau, quay trở lại, tình cờ được nghe chuyện từ người trong Ủy ban, một người bạn làm văn hóa, hắn ngỡ ngàng: Ông ấy từ khi sang làm Bí thư tỉnh đã dần trở thành con người khác, ít ra là nhờ “công lao” của bà vợ vốn là người chăn nuôi lợn gà tại gia bỗng được bầu làm Chủ tịch Hội phụ nữ. Bà ta dần dà thay mặt đức ông là “Thái thượng hoàng” tư tưởng - chính trị của môt địa phương nghèo đói để làm “đại sứ” giao dịch với các doanh nghiệp lớn nhỏ tìm đến địa bàn làm ăn miền núi dân tộc ít người nhưng có nhiều tiềm năng du lịch, được Trung ương quan tâm…
Và một năm nữa, vác máy quay lên địa bàn làm phim cũ, hắn đã nghe được chuyện giật gân kinh hoàng đối với cán bộ nhân dân tỉnh này và ngậm ngùi đối với hắn: Sau khi ông Bí thư Tỉnh bị đột quỵ trên đường làm việc với một Huyện xa, người ta đã tìm thấy trong ngăn kéo ở phòng làm việc của đồng chí có địa vị chót Tỉnh ấy một gói gồm tiền, vàng, nữ trang, bạc trắng hoa xòe trị giá Ba tỷ đồng…
Ba tỷ đồng lúc ấy có thể tương đương với ngót trăm tỷ đồng bây giờ, nói một cách rất khiêm tốn và chi tiêu hết sức hợp lý tiết kiệm như các “đại gia” sản xuất phim hiện nay, thì có thể thực hiện được ba bộ phim dã sử - lịch sử quy mô chiếu ở trên 900 rạp Kỹ thuật số hiện đại toàn quốc…
Hắn bỗng nhớ tới những đồng tiền lẻ nhớp nháp trả lại (mà hắn không nỡ cầm) của bà con vùng cao năm ấy, khi hắn mua mấy bắp ngô luộc nguội ngắt bày dọc đường núi, trên đường làm phim về Hậu cây thuốc phiện…