Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
29.225 tác phẩm
2.771 tác giả
520
127.560.599
 
Nước Anh vốn thèm muốn lãnh thổ Việt Nam, nhưng tại sao không dám xâm lăng?
Hồ Bạch Thảo

 

Vị trí bờ biển Việt Nam nằm sát tuyến hàng hải huyết mạch từ Ấn Độ dương đến Trung Quốc; kể từ thế kỷ thứ 17 công ty Đông Ấn [East India Company] của Anh tại Ấn độ liên tục mang hàng hóa đến trao đổi với nước này. Sir Barrow từng giữ chức Bí thư thứ hai bộ hải quân Anh, trong tác phẩm A voyage to Cochinchina, in the years 1792 and 1793  [ Chuyến đi đến nước Việt Đàng Trong vào các năm 1792 và 1793] ông không dấu diếm rằng nếu móng vuốt sư tử Anh vồ được con mồi Việt Nam, hoặc chí ít cảng Đà Nẵng, thì lợi ích thật không nhỏ:

Có thể cần thiết cho cái móng của con sư tử British vươn ra vồ mọi mục tiêu, nhắm tăng an ninh cho nước Anh dũng cảm và nền kỹ nghệ và tinh thần mạo hiểm của nước này đã thu hoạch và sáp nhập vào lãnh thổ của mình. Nhưng ngoài sự an ninh, chiếm giữ bán đảo mạnh Tu ron [Đà Nẵng] một mặt có thể giúp cho hạm đội đáng giá của chúng ta thực hiện tốt buôn bán với Trung Quốc; mặt khác sự khó chịu không thể không mang lại cho chúng ta, nếu nó nằm trong tay kẻ thù năng động [Pháp]. Những lợi thế quan trọng mà công ty thương mại Đông Ấn của chúng ta sẽ đạt được, khi có một bến cảng an toàn ở khu vực này của thế giới, nơi có thể cung cấp nước và mọi loại bồi dưỡng, không được đánh giá thấp. Chỉ xét về mặt này mà thôi, nếu sự quản lý đoàn tàu thiếu bén nhạy, bảo trì sức khỏe thủy thủ kém hiệu quả như thường lệ, có được cảng như vậy để lui tới khi tàu quá chậm vì thời tiết hoặc gió mùa, thì thực quí giá.” (trang 337-338)

Nhưng tại sao suốt mấy thế kỷ, nước Anh không ra tay thực hiện được giấc mơ đó? Thực ra họ đã thử mấy lần, nhưng không may, đều rước lấy thất bại.

Vào đầu thế kỷ thứ 18, quân Anh đến chiếm Côn Sơn. Trấn thủ dinh Trấn Biên [Biên Hoà] Trương Phúc Phan dùng dân Chà Và [Java] làm nội tuyến tiêu diệt bọn chúng; sự việc ghi trong Đại Nam Thực Lục (1) như sau:

Tháng 8 năm Nhâm Ngọ [1702]…Giặc biển là người Man, An Liệt [English] có 8 chiếc thuyền đậu ở đảo Côn Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người, tự xưng là Nhất ban, Nhị ban, Tam ban, Tứ ban [mấy ban chỉ cấp bực, như quan Một, quan Hai, quan Ba, quan Tư], cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên [Biên Hoà] là Trương Phúc Phan ( con Chưởng dinh Trương Phúc Cương, lấy Công chúa Ngọc Nhiễm) đem việc báo lên. Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy.

…Mùa đông tháng 10 năm Quí Mùi [1703] dẹp yên đảng An Liệt [English]. Trước đó Trấn thủ Trương Phúc Phan mộ 15 người Chà Và [Java, Indonesia] sai làm kế trá hàng đảng An Liệt, để thừa chúng sơ hở thì giết. Bọn An Liệt không biết; ở Côn Lôn hơn 1 năm không thấy Trấn Biên xét hỏi tự lấy làm đắc chí. Người Chà Và nhân đêm phóng lửa đốt trại; đâm chết Nhất ban, Nhị Ban, bắt được Ngũ ban trói lại; còn Tam ban, Tứ ban thì theo con đường biển trốn đi. Phúc Phan nghe tin báo, tức thì mang binh thuyền ra Côn Lôn, thu hết của cải bắt được dâng nộp. Chúa trọng thưởng người Chà Và và tướng sĩ theo thứ bực. Tên Ngũ ban thì đóng gông giải đi, chết ở dọc đường.”

Sự kiện nêu trên được Trần Luân Quýnh [1687-1751], giữ chức Thuỷ sư đề đốc tỉnh Chiết Giang xác nhận trong sách Hải Quốc Văn Kiến Lục như sau:

Vào thời Khang Hy thứ 45, 46 [1706-1707] Hồng Mao [Anh] lại mưu lấy Côn Lôn, nhưng không dám trú gần núi, bèn làm phố gần bờ biển; cho rằng Côn Lôn là chỗ 4 biển lưu thông, nên tham vọng không dừng. Có thuyền buôn Trung Quốc chở gạch ngói đến bán cho Hồng Mao; thứ hàng này vốn ít, mà lời nhiều. Tối họ trú tại bãi cát, thấy người thiếu đi, sau biết rằng đã bị cá sấu ăn; bèn chặt cây làm rào vây quanh mới được yên; tối nghe trong núi có tiếng [chim?] kêu như dục về. Hồng Mao không hợp thuỷ thổ nên chết nhiều; lại bị phiên Quảng Nam [chúa Nguyễn] cướp giết gần hết, nên bèn bỏ nơi này.”

[康熙四十五、六年间,红毛又图昆仑,不敢近山居住,就海傍立埔头;以昆仑介各洋四通之所,嗜涎不休。有中国洋艘载砖瓦往易红毛洋货,以其本廉而利大。夜团宿于沙洲,人寂寂稀少,后密窥知为鳄鱼步岸所吞;伐木围栅稍宁,夜闻山中语语促归。红毛为水土不服,毙者甚多;又为广南番劫杀殆尽,仍虚其地].                     

Chép về phần đất Chúa Nguyễn tại miền nam Việt Nam, gọi là nước Quảng Nam,  vị trí từ phía bắc sông Nhật Lệ, Quảng Bình chạy dài cho đến Đông Bộ Trại [Campuchia]; tác giả Trần Luân Quýnh đánh giá thực lực nước Quảng Nam mạnh hơn Chúa Trịnh tại miền bắc; nhấn mạnh việc quân Chúa Nguyễn đánh bại tàu Anh [Hồng Mao] tại cửa biển, khiến tàu thuyền Anh phải lấy làm răn không dám xông vào vịnh Quảng Nam. Sách chép về nước Quảng Nam như sau:

Nước Quảng Nam:

Bàn về An Nam tiếp giáp Trung Quốc, về mặt biển giáp với châu Liêm, theo núi hướng tây bắc rồi vòng xuống nam đến Chiêm Thành theo hình bán nguyệt, gọi là vịnh Quảng Nam. An Nam đời Tần là Tượng quận; Hán, Giao Chỉ; Đường, Giao Châu; Tống, An Nam; Minh gọi là Giao Chỉ. Về biên giới đất liền tiếp giáp với Lưỡng Quảng, Vân Nam; nhân văn, phong tục, thổ sản, sử sách ghi đầy đủ. Sau đó lấy đất Thuận Hoá, Tân Châu [Qui Nhơn], Quảng Ngãi của Chiêm Thành gọi là Quảng Nam. Nhân vì cậu cháu (2) nên được giao cho giữ đất Thuận Hoá [Huế] sau đó giữ pháo đài Mã Long Giác, phía bắc cách một con sông, tiếp với pháo đài Giao Chỉ. Từ Thuận Hoá vào nam đến Chiêm Thành là nước Quảng Nam, cũng gọi là nước An Nam. Vương họ Nguyễn, vốn người Trung Quốc [?], xưa đất này là Nhật Nam. Thổ sản vàng, nam hương, trầm hương, chì, thiếc, quế, ngà voi, quyên, yến sào, vây cá, củ cải đỏ; nói chung cũng giống như Giao Chỉ. Đông Kinh tại Giao Chỉ; Tây Kinh tại Quảng Nam, mạnh hơn Giao Chỉ. Hạt phía nam có Lộc Lại [Nông Nại, Đồng Nai] Đông Bộ Trại [Campuchia], Côn Đại Minh, tây nam tiếp cận với Tiêm La, tây bắc tiếp giáp với Miến Điện; thành vây quanh bằng tre.

Dân giỏi về lặn lội, thuyền Giáp Bản của Hồng Mao [Anh quốc] gặp lúc sóng nước không thuận, chạy vào vịnh Quảng Nam không ra được, nước này điều mấy trăm thuyền nhỏ, thuỷ thủ lưng đeo ống trúc, cầm giây thừng, lặn xuống nước ngầm đóng đinh có gắn dây thừng vào đáy thuyền; rồi chuyền giây lên thuyền, kéo thuyền Hồng Mao đến chỗ cạn, dùng hoả công, cướp lấy hàng hoá. Nay thuyền Hồng Mao lấy làm răn, có lệnh không được đến gần thấy núi Quảng Nam, nếu vào sát thấy núi Quảng Nam thì thuyền trưởng bị tội.”

[就安南接联中国而言,海接廉州,山绕西北而环南,直至占城,形似半月;名曰广南湾。秦象郡、汉交址、唐交州、宋安南、明交址,陆接两粤、云南;风土人物,史典备载。后以淳化、新州、广义、占城谓广南。因舅甥委守淳化,随据马龙角炮台;北隔一水,与交址炮台为界。自淳化而南至占城,为广南国,亦称安南。王阮姓,本中国人氏;古日南郡。产金、楠沉诸香、铅、锡、桂皮、象牙、绫绢、燕窝、鱼翅、赤菜、糖,与交址相类。以交址为东京,广南为西京;强于交址。南辖禄赖、柬埔寨、昆大吗,西南邻暹罗,西北接缅甸;栽䓶竹为城。人善没,红毛呷板风水不顺,溜入广南湾内者,国遣小舟数百,人背竹筒、携细缕,没水密钉细缕于呷板船底,远桨牵绁,船以浅搁,火焚而取某辎重。今红毛呷板以不见广南山为戒;见则主驾舟者(曰伙长),]

Tiến sĩ Nguỵ Nguyên, bạn Tổng đốc Lâm Tắc Từ; Tổng đốc Lâm là nhà ái quốc đời Thanh, từng ra lệnh thiêu huỷ trên 20 ngàn rương nha phiến của thương gia Anh tại Hỗ Môn, Quảng Châu vào năm 1839. Viên Tổng đốc còn cho sưu tầm nhiều tài liệu liên quan đến các nước Tây Phương; sau đó giao cho Nguỵ Nguyên, để soạn nên bộ sách nỗi tiếng 100 quyển, nhan đề Hải Quốc Đồ Chí 海國圖志]. Trong sách này, Nguỵ Nguyên tham khảo các sách Hoàng Thanh Thông Khảo Tứ Châu Chí (3) xác nhận Việt Nam 2 lần đánh bại quân Anh:

Xét: Việt Nam 2 lần đánh bại Di Anh đều dụ thuyền chúng thâm nhập vào trong sông, rồi dùng thuyền nhỏ vây, đánh thắng. Loát thuyền Việt Nam phá địch, được ghi tại mục Tứ di môn trong Hoàng Thanh Thông Khảo, chứ không phải chỉ là chuyện tiểu thuyết. Lại thấy việc này trong Tứ Châu Chí ghi những điều Di Anh soạn; đó là công luận trong lòng địch, tức có sự thực, không phải là lời khoa trương truyền thuyết. Bảo rằng Việt Nam không có sở trường trên đại dương, nhưng có sở trường trong sông thì đúng; còn bảo Việt Nam sở trường đánh trên bộ mà không sở trường thuỷ chiến thì không đúng.”

[按:越南兩次擊敗英夷,皆誘其深入內河,而後以小船環攻勝之,非以馳逐大洋角勝也。越南軋船破敵見於《皇清通考》,四夷門並非說部,又見於英夷所撰之《四洲志》。則敵國公論,必得其實,非誇張傳說之詞。謂越南不長於大洋而長於內河,則可謂越南長於陸戰而不長水不可  ] (4)

Ngay trong hồi ký A voyage to Cochinchina, in the years 1792 and 1793  [ Chuyến đi đến nước Việt Đàng Trong vào các năm 1792 và 1793] Sir Barow cũng xác nhận một chiếc thuyền của người Anh ngược dòng sông Hàn, Hội An, do thám, bị quân Tây Sơn bắt gọn, rồi báo cho biết:

Giao hảo giữa chúng tôi và người bản xứ bị tạm thời ngăn trở, do phần lỗi bởi chúng tôi. Muốn thu hoạch chính xác các yếu tố về vịnh và cảng tuyệt vời này; một buổi sáng nhóm chúng tôi dùng thuyền vào bờ đo đường cơ sở của bãi cát, lấy góc độ cần thiết để quyết định vị trí của điểm quan trọng. Trong những giờ đầu tiên, nhóm đặc nhiệm đã hoàn thành được công tác, và trở về không bị cản trở. Nhưng rồi một sĩ quan của họ đã nhanh nhẹn theo lên tàu chuyển lời viên Thống đốc cho biết không hài lòng với việc làm của chúng tôi và yêu cầu không được đo nữa. Một sự vụng về khác đã xãy ra khằng định sự nghi ngờ khác của họ, lớn hơn ta thừa nhận. Một sĩ quan trên tàu Lion với nhiệt tình muốn khám phá con sông ngược dòng Fai-foo [Hội An], gặp đối thủ cừ hơn sự thận trọng của viên này, nên bị bắt trong đêm, giam tại đồn nhỏ với thủy thủ và cả thuyền. Không nhận được tin tức về chiếc thuyền này, chúng tôi phỏng đoán nó bị đắm vào vũng lầy, và mọi người trên thuyền đều chết. Tuy nhiên cuối cùng tin tức đã đưa đến tàu Lion bởi các sĩ quan của nhà nước này, kèm với sự phàn nàn đau buồn rằng chúng tôi không cư xử công bằng với họ. Sứ bộ đã từ chối bất cứ hiểu biết nào về vấn đề này, xin thả ngay viên sĩ quan, đưa lên tàu để viên này trả lời về lỗi lầm không tuân mệnh lệnh của cấp chỉ huy; tội của viên này sẽ bị trừng trị xứng đáng. Trong khi đó viên sĩ quan này rơi vào tay viên quan lại bản xứ, y gần như liên tục trong tình trạng say sưa, thường ra lệnh đưa viên sĩ quan đến trước mặt, đôi khi tự giải trí bằng cách vung một lưỡi hái lớn trên đầu, và đeo quanh cổ khung gỗ hoặc sắt nặng, giống như chiếc cùm của Trung Quốc. Sự việc rồi được giải quyết thỏa đáng, và chúng tôi có mọi lý do tin rằng dù có sự nghi ngờ không thuận lợi, nhưng họ đã  nhận chúng tôi làm khách vào vịnh Turon [Đà Nẵng] và tin rằng chúng tôi không có ý định dính dấp vào các phe tranh chấp.”  Chuyến đi đến nước Việt Đàng Trong vào các năm 1792 và 1793, trang 291-292

Chiến công này, phải chăng quân Tây Sơn đã dùng lại chiến thuật “thuỷ thủ lưng đeo ống trúc [thông hơi], cầm giây thừng, lặn xuống nước ngầm đóng đinh có gắn dây thừng vào đáy thuyền [Hồng Mao]; rồi chuyền giây lên thuyền, kéo thuyền Hồng Mao đến chỗ cạnđược Trần Luân Quýnh đề cập ở trên, trong sách Hải Quốc Văn Kiến Lục ?

Nói đến thể lực cá nhân, Sir Barow tỏ ra kính nể võ Việt khi mô tả một người Việt Đàng Trong dùng môn võ địa phương đá gục viên thủy thủ sử dụng môn đánh bốc [boxing] (5) của người Anh:

Thực sự không có nơi đâu, có thể vượt quá hoạt động và năng lượng của những người đàn ông Cochinchinese [nước Việt Đàng Trong]. Một thủy thủ của tàu Lion cãi cọ với một người trong bọn này; đòi hỏi làm một cái vòng, đánh bốc một cách công bằng. Trong khi viên thủy thủ gồng ngang tay, tìm chỗ nhược để đấm gục đối thủ; thì anh nước Việt Đàng Trong kia, miệng mĩm cười bất ngờ quay gót đá mạnh vào hàm đối phương, rồi bỏ đi một cách bình tĩnh; để mặc viên thủy thủ ngạc nhiên và đám đông cười nhạo vui vẻ; đôi chân họ năng động, khéo léo điều khiển không kém phần đáng chú ý.”  Chuyến đi đến nước Việt Đàng Trong vào các năm 1792 và 1793, trang 298.

*

Nếu so sánh thực lực giữa hai đế quốc Anh Pháp vào thế kỷ thứ 19 trở về trước, thì thế lực Anh vượt trội Pháp trên trường quốc tế. Nhưng nước Anh mấy lần tiếp xúc với Việt Nam, gặp những trường hợp thiếu may mắn; nên không muốn dấn thân vào. Riêng nước Pháp gần gủi với Việt Nam hơn, có các vị Thừa sai ủng hộ, sẵn cơ sở bên trong, nằm trong chăn ắt thấy rận, nắm rõ nhược điểm; đã thực hiện cuộc xâm lăng thành công, cuối cùng đưa Việt Nam vào vòng thuộc địa.

 

Chú thích:

 

1.Đại Nam Thực Lục, tập 1, trang 115.

2.Cậu cháu: Chỉ Chúa Nguyễn, Nguyễn Hoàng là cậu Chúa Trịnh, Trịnh Tùng.

3.Tứ Châu Chí: Với chủ trương học Di phương Tây để đánh Di phương Tây, Tổng đốc Lâm Tắc Từ cho dịch các tư liệu Tây phương gộp lại vào quyển sách nhan đề “Tứ Châu Chí”; tứ châu tức châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ; bấy giờ chưa có tên châu Úc.

4.Nguỵ Nguyên, Hải Quốc Đồ Chí, quyển 7.

                        5.Đánh bốc: Quyền Anh [boxing], môn võ thuật từ Tây phương.

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 50
Ngày đăng: 13.05.2025
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Hoà và di sản vanchuongviet.org - Trương Văn Dân
Bản tính tự nhiên về triết học phân tích - Võ Công Liêm
A voyage to Cochinchina, in the years 1792 and 1793 [Chuyến đi đến nước Việt Đàng Trong vào các năm 1792 và 1793] - Hồ Bạch Thảo
Anh Nguyễn Hòa ơi! Lời tiếc thương từ Huế - Võ Quê
Những điểm không chính xác trong lý thuyết kinh dịch và ngũ hành - Lê Huỳnh Lâm
Saigon vẫn còn đây ! - Phan Văn Thạnh
A voyage to Cochinchina, in the years 1792 and 1793 [Chuyến đi đến nước Việt Đàng Trong vào các năm 1792 và 1793] - Hồ Bạch Thảo
Soi bóng mình... - Đoàn Quân
A voyage to Cochinchina, in the years 1792 and 1793 [Chuyến đi đến nước Việt Đàng Trong vào các năm 1792 và 1793] - Hồ Bạch Thảo
A voyage to Cochinchina, in the years 1792 and 1793 [Chuyến đi đến nước Việt Đàng Trong vào các năm 1792 và 1793] - Hồ Bạch Thảo
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)