Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.277
123.159.816
 
Việt mượn Hán hay Hán mượn Việt ?
Hà văn Thùy

Nhiều năm nay ông Huệ Thiên giữ chân chủ xị mục Chuyện Đông chuyện Tây của tạp chí Kiến thức ngày nay. Công bằng mà nói, ông có giúp cho độc giả những phút thư giãn bổ ích khi biết thêm những điển tích, những chữ nghĩa cổ. Người đọc nhận ra rằng, ông chịu tra cứu, phần nhiều nói có sách mách có chứng. Tuy nhiên, trong một số bài viết của ông có những kiến giải chưa thỏa đáng. Những kiến giải đó xuất hiện trên tạp chí, trên nhật trình, nguyệt trình là chuyện thoảng qua nhưng khi tập hợp lại thành sách NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM* gây không ít ngộ nhận. Điều khiến chúng tôi băn khoăn là ông có cái nhìn thiên lệch trước một số hiện tượng tế nhị trong ngôn ngữ Việt. Chúng tôi có vài điều xin thưa lại.

 

Trong bài Về những địa danh "thuần Việt" thời Hùng Vương, trang 145, khi bài bác quan điểm cho rằng, yếu tố "Kẻ" và những địa danh đi liền sau nó như "Mẩy", "Cót", "Vòng"… (thành những "Kẻ Mẩy", "Kẻ Cót", "Kẻ Vòng") là những tên Nôm làm thành một "hệ thống tên xã thôn hoàn toàn khớp với cương vực nước Văn Lang được ghi lại trong truyền thuyết dựng nước," ông "đã chứng minh rằng "kẻ" là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ (giới) mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là giới, âm Hán Việt hiện đại ít thông dụng hơn là giái, còn âm chính thống gọi là cái." Và "những cái gọi là tên Nôm hoặc "thuần Việt" như Mẩy, Cót, Vòng… chẳng qua chỉ là âm xưa của những chữ Hán nay đã được đọc theo âm Hán việt hiện đại mà thôi(!)"

  

Đọc những dòng trên hẳn không ít người phải than "hỡi ôi" cho tiếng Việt, cho dân tộc Việt! Một dân tộc có 70% tiếng nói vay từ tiếng Hán mà đến một vài chữ hiếm hoi tưởng như đăc sản, đăc hữu cũng là đi mượn nốt! Dù không biết ông nói đúng hay sai nhưng chí ít cũng thêm một chút đau lòng! Một dân tộc vay mượn tới chừng đó trong ngôn ngữ thì nếu có bị nô lệ cũng đáng đời!

  

Để minh chứng cho ý tưởng của mình, ông bắt đầu từ tên Mơ, một tên gọi phổ biến ở vùng Hà Nội: "đó rõ ràng là một từ việt gốc Hán có liên quan đến chữ/từ mai. Đó dứt khoát không phải là một yếu tố Nôm, thuần Việt hoặc Việt cổ và đây tất nhiên không phải là trường hợp duy nhất." Và ông dẫn ra hàng loạt trường hợp khác: Núc là âm xưa của Canh Nậu; Vài, của Ngọc Nhị; Gượm, của Cần Kiệm; Noi, của Cổ Nhuế; Núc, của Dị Nậu; Vòng, của Dịch Vọng; Gạch, của Ô Cách... Trong những căp tương ứng trên đây, tiếng đầu (Núc, Vài, Gượm…) là âm xưa, còn tiếng sau  (Nậu, Nhị, Kiệm...) là âm nay của cùng một chữ Hán trong những địa danh hữu quan và sự tương ứng đó là hoàn toàn nhất quán trong các địa danh chỉ nhiều địa phương khác nhau, thậm chí rất xa nhau: "Núc không chỉ là Canh Nậu, Dị Nậu Hà Nội mà còn là của Dị Nâu vùng Tam Đảo. Gạch không chỉ là Ô Cách ngoại thành Hà Nội mà còn là âm xưa của Bình Cách thuộc Đông Quan Thái Bình..." Từ đó ông kết luận: "Sự tương ứng nhất quán đến cao độ trên đây là một chỗ dựa chắc chắn để khẳng định rằng những cặp từ đang xét chỉ là âm xưa và âm nay của những chữ Hán hữu quan. Nếu là phiên âm thì, dù âm gốc có là một, từ địa phương này sang địa phương khác, kết quả phiên âm thế nào cũng có sai biệt, và có khi khác nhau rất xa."

   

Để củng cố cho lập luận của mình, ông Huệ Thiên dẫn Nguyễn Tài Cẩn, nhà ngôn ngữ hàng đầu: "Hiện ta có từ mơ là dạng cổ Hán Việt ứng với cách đọc Hán Việt mai. Mai là kết quả của cả một quá trình diễn biến *ơj>oj>aj. Mơ là dạng vay mượn vào lúc âm cuối -j chưa xuất hiện trong tiếng Hán; theo giới Hán ngữ học,  mơ phải được vay trong khoảng 1500 trở về trước. Mà trong thời cổ đại đó thì - cũng theo sự phục nguyên của giới Hán ngữ học- từ mai đang có vần mở là *(ơ ); vần *(ơ) này không chỉ có mặt trong thời Đông Hán, Tây Hán mà còn lên đến tận thời Kinh Thi"(tr.147)

  

Không có nhiều tri thức ngôn ngữ học lịch sử nhưng chúng tôi được biết thế này: đứa trẻ sinh ra, cha mẹ đặt tên cho nó. Mảnh đất khai phá xong thì chính người chặt cây đào gốc đặt tên cho nó bằng ngôn ngữ của mình. Sài Gòn là một tên gốc Phù Nam, Cần Thơ, Sóc Trăng là tên gốc Khmer. Những năm 1830, khi làm Địa bạ Nam Kỳ, nhiều quan chức triều Nguyễn đã phải cùng với hương chức vất vả phiên âm chữ Hán cho biết bao thửa ruộng cánh đồng từ lâu mang tên Nôm! Lập luận như ông Huệ Thiên thì phải chăng hàng vạn năm trước, đất Việt cổ không có tên vì chưa mượn được chữ Hán để đặt?!

  

Chúng tôi cũng xin mạn phép nghi ngờ ý kiến của Gs Nguyễn Tài Cẩn bởi lập luận của ông dựa trên sự phục nguyên của giới Hán ngữ học. Theo logic đơn giản: phục nguyên một chữ Hán hiện đại là việc xác định gốc gác cổ xưa của nó và từ đó tìm ra mối liên hệ với những ngữ gần gũi. Vậy, việc phục nguyên ở đây sao lại đưa tới kết luận một chiều là chỉ có Việt mượn Hán chứ không phải ngược lại? Phải chăng vì nước Hán to, người Hán đông, văn hóa Hán bự nên chỉ cho mà không nhận?

  

Mặt khác, trong ý kiến của giáo sư Cẩn có nói: từ mai đang có vần mở là (ơ ); vần (ơ) này không chỉ có mặt trong thời Đông Hán, Tây Hán mà còn lên đến tận thời kinh Thi. Theo thiển ý, thời kinh Thi là một thời gian khó xác định. Nếu là ở thời điểm hình thành kinh Thi thì chí ít là vào thời Đế Nghiêu khoảng 4500 năm trước. Còn ở thời điểm Khổng tử san định Thi thì cách nay 2500 năm. Ý kiến của giáo sư gợi rằng việc vay mượn có từ thời đó. Nếu vậy, thử hỏi cái sự vay mượn này diễn ra như thế nào? Phải chăng 4500 năm trước, một ông Việt nào đó đi du lịch lên tới tận bờ sông Hoàng Hà, thấy có chữ mai hay quá liền mượn về xài nhưng rồi sợ bị kiện vì vi phạm bản quyền nên nói trại đi thành mơ? Cố nhiên không phải vậy! Ý kiến của giáo sư Cẩn là một phát hiện khoa học chứng tỏ sự kiện là: ít nhất từ thời kinh Thi đã có sự sống chung đụng giữa người Hán và người Việt nên nảy sinh việc trao đổi ngôn ngữ. Chỉ có điều không phải Việt mượn của Hán mà Hán mượn của Việt: từ mơ tiếng Việt đã chuyển thành từ mai tiếng Tàu! Nhận định này là có cơ sở.

   

Nhà địa lý kiêm toán học Buckminster Fuller cho rằng, có thể tìm ra nguồn gốc các nền văn minh căn cứ vào tỷ lệ thuận giữa trình độ văn hóa, di dân và mật độ nhân số. Từ lý thuyết đó, ông lập bản đồ Dymaxion World Maps (Bản đồ động thái thế giới). Từ bản đồ của mình, B.Fuller đưa ra giả thuyết: vào thiên niên kỷ IV-III TCN, duyên hải Đông và Đông Nam Á chỉ chiếm 5% diện tích thế giới nhưng có tới 54% nhân loại đang sống. 54% nhân loại ở đây chính là những tộc người Bách Việt từ Đông Nam Á lên khai thác lục địa Trung Hoa và các đảo ngoài khơi. Trong cộng đồng Bách Việt này thì người Lạc Việt giữ vai trò chủ đạo về xã hội và ngôn ngữ. Dựa vào sự tính toán của B. Fuller, người ra suy ra, vào thời đó, người Lạc Việt có thể chiếm 15-20% nhân số thế giới. (Vũ Hữu San. Vịnh Bắc Việt. Tripod.com). Trong công trình khảo cứu Tiếng nói và chữ viết của người Việt cổ, luật sư Cung Đình Thanh dẫn lại lịch sử nghiên cứu tiếng Việt và đưa ra kết luận mới nhất của giới ngôn ngữ học: vào khoảng thiên niên kỷ IV TCN, ngôn ngữ Môn-Khmer của người Việt giữ vai trò lãnh đạo vùng Đông và Đông Nam Á cả về xã hội cả về ngôn ngữ (Joseph Needham & Edwin George Pulleyblank trong The Origins 1983- Dẫn theo Cung Đình Thanh. Dactrung. Net.)

    

Trong khi đó người Hán nói ngôn ngữ Sino-Tibétan (Hán-Tạng) chỉ là nhóm thiểu số sống du mục trên vùng đồng cỏ Thiểm Tây, Cam Túc, trình độ văn hóa thấp, không có chữ viết. Khoảng 2800 TCN, người Hán vượt sông Hoàng Hà chiếm đất của người Việt. Một bộ phận Bách Việt chạy xuống phía Nam, tụ lại ở vùng Ngũ Lĩnh. Phần lớn (khoảng 70%) người Bách Việt ở lại sống cùng quân chiếm đóng. Người bách Việt do số dân đông áp đảo và văn hóa cao đã đồng hóa kẻ thực dân cả về huyết thống cả về văn hóa. Cùng với việc tiếp nhận kinh Thi, kinh Dịch của người Việt, người Hán đã tiếp thu tiếng Việt vào trong vốn từ vựng nghèo nàn của mình. Chính lúc này mơ của Việt chuyển thành mai của Tàu. G.s Vũ Thế Ngọc trong bài viết rất thuyết phục Ý nghĩa quốc hiệu Lạc Việt (Việt Nam gia phả 20/01/2005) cho biết, khi tra từ điển tiếng Hán cổ của Karlgren, ông gặp cả ba chữ "lạc" (bộ Mã, bộ Truy, bộ Thủy) đều được đọc là lak (nay người Bắc Kinh đọc là Lo), chính là ký âm của từ "lạc" có nghĩa là nước trong tiếng Việt. Phải chăng chữ "kẻ" của người Việt bên sông Hoàng Hà biến dần thành "cái" rồi " giới" của tiếng Hán, trong khi tại quê hương nó bên bờ sông Hồng, chữ "kẻ" còn được lưu giữ trong một số địa danh hoặc chuyển thành chữ "cổ" như Kẻ Lũ chuyển thành Cổ Loa? Nếu đúng vậy thì có nghĩa là các nhà phục nguyên Hán ngữ đã đi theo biển chỉ đường lộn ngược, biến quả thành nhân!

 

Bị người Hán đuổi tiếp, người Việt từ Ngũ Lĩnh trở về Việt Nam góp phần xây dựng nước Văn Lang. Chính những người Việt trở lại mái nhà xưa này đã mang về những yếu tố ngôn ngữ từng để lại bên sông Hoàng Hà: cả từ vựng, cả những địa danh. Điều này cắt nghĩa vì sao bên ta có nhiều địa danh giống bên Tàu. Chính là do ông bà ta đặt cho vùng đất mình mới khai phá những cái tên thân thuộc phải bỏ lại ở phía Bắc. Đó cũng là điều trả lời cho thắc mắc của ông Huệ Thiên: vì sao có sự phiên âm thống nhất một số địa danh trên địa bàn rộng.

     

Trong cuốn sách của mình, tác giả Huệ Thiên còn nhiều bài viết: Chung quanh từ nguyên của từ "gạo", Chữ "vằn" liền với chữ "văn" một vần, những bài về tên các con giáp trong thập nhị chi... Ở đó, cũng theo cách tư duy trên, ông có vẻ hào hứng cho tất cả là Hán, là của Tàu, là "trăm phần trăm made in China"! Không có điều kiện bàn từng trường hợp cụ thể, chúng tôi chỉ xin nói rằng, ông đã quá tin vào sách Tàu nên sai lạc, trái ngược với thực tế lịch sử diễn ra từ bờ sông Hoàng Hà đến sông Hồng sông Mã.

   

Thực tế lịch sử này từ lâu bị khuất lấp, và chúng ta được dạy rằng: Người Việt là đám Tàu lai bị người Tàu xua đuổi trôi dạt xuống, tiêu diệt người bản địa, lập nên nước Việt. Văn hóa Việt là thứ văn hóa Tàu dần dần được bản địa hóa!  Chúng ta cứ hồn nhiên tin thế cho tới 30 năm trước mới có một người Việt là học giả Kim Định dám nghi ngờ tín điều trên, đòi lại kinh Thi, kinh Dịch, kinh Thư... cho người Việt. Tiếp đó là nhiều học giả khác như  Gs Lê Văn Sửu với "Nguyên lý thời sinh học cổ Đông phương" và "Học thuyết âm dương ngũ hành", Gs Bùi Văn Nguyên "Kinh Dịch Phục Hy" rồi Nguyễn Tiến Lãng "Kinh Dịch- sản phẩm sáng tạo của người Việt"… cùng chung ý hướng trên.

   

Sự hồn nhiên của tác giả Huệ Thiên chẳng những dội gáo nước lạnh vào tâm huyết của những người cố công quẫy đạp ngược thời gian tìm lại cội nguồn mà còn gây ngộ nhận cho người đọc, nhất là bạn trẻ, những người có lúc thích thú theo dõi chuyện Đông chuyện Tây của ông.

  

Nói rằng ngôn ngữ Hán đã mượn nhiều từ vựng tiếng Việt không phải chuyện hoang tưởng mà là dựa vào tiến trình lịch sử dài lâu của người Việt. Chí ít, người Việt đã sống 40.000 năm từ lưu vực sông Hoàng Hà tới sông Dương tử. Một ngôn ngữ lớn từng giữ vai trò lãnh đạo cộng đồng Bách Việt đông đảo chiếm đến 54% nhân loại bỗng dưng biến mất không để lại dấu tích gì sao? Vậy nó đi đâu? Tiếng Việt từ trước thời Hoàng đế đã được ghi bằng chữ Khoa đẩu, chữ Hỏa tự. Ban đầu người Hán cũng dùng chữ hình nòng nọc của người Việt để chép kinh Thư dấu trong vách nhà của Khổng tử. Khi phát minh ra chữ vuông, người Hán đã dùng chữ vuông ký tự tiếng Việt rồi đương nhiên coi là chữ Hán. Ngày nay nhìn những chữ Hán cổ nhất, chúng ta vẫn còn thấy trên đó dấu ấn của hình nòng nọc! Người Việt không giữ được đất đai, không giữ được chữ hình nòng nọc nên để mất luôn chữ viết của mình! Tiếp thu vốn từ vựng phong phú của người Việt nhưng vì giữ vai trò lãnh đạo xã hội nên người Hán áp đặt người Việt nói theo cách nói của người Hán. Như vậy, cùng với việc người Việt hòa tan vào cộng đồng Hán tộc thì tiếng Việt cũng hòa vào ngôn ngữ  Hán, trong một cơ cấu ngữ pháp mới. Quá trình này diễn ra âm thầm hàng nghìn năm tiền sử. Và gần nghìn năm trước, được người Hán điển chế thành những bộ từ điển vĩ đại. Sang thế kỷ XX, khiếp nhược trước số dân Trung Hoa đông đúc, trước văn hóa Trung Hoa khổng lồ, ngay người giầu trí tưởng tượng nhất cũng không dám nghĩ rằng cội nguồn nền văn hóa ấy là của người Việt; nên các nhà phục nguyên Hán ngữ khi so sánh chữ Việt Latinh non trẻ trong các bộ từ điển của A. De Rhode, của Tabert với những đại từ điển Trung Hoa, cứ thản nhiên thấy chữ nào có trong từ điển Tàu thì cho là gốc Hán, cho là Việt mượn Hán!

   

Nhưng dù được che giấu kỹ thế nào, ta vẫn có thể tìm thấy trong Hán ngữ những từ thuần Việt như Nữ Oa, Thần Nông, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Cốc... Tại sao lại không là Oa Nữ, Nông Thần, Nghiêu Đế...? Lẽ giản đơn: họ là những nhân vật lịch sử người Việt hay do người Việt tôn xưng đặt tên, không thể sửa đổi. Và trong kinh Thi cũng bắt gặp khá nhiều trường hợp in dấu ấn cách nói của người Việt:

        -  Hồ vi trung lộ. (Thức vi: trong sương)

        - Trung tâm rạng rạng. (Nhị tử thừa chu: trong lòng áy náy)

        - Trung tâm hữu vi. (Cốc phong: trong lòng băn khoăn)

        - Di vu trung cốc. (Cát đàm: trong hang)

(Trong Kinh thi do Tản Đà dịch tôi đếm được hơn chục trường hợp tương tự)

  

Tại sao hàng nghìn năm thực hiện nghiêm cẩn xa đồng quỹ thư đồng văn mà trong quyển kinh quan trọng bậc nhất của văn hóa Trung Hoa vẫn giữ cách nói của người Việt trung lộ, trung tâm, trung cốc?  Vì sao không chuyển sang cách nói của người Hán lộ trung, tâm trung, cốc trung…?  Đấy chính là những hóa thạch ngôn ngữ  mách bảo cho người biết nghe điều thầm kín: những câu ca của người Miêu Việt !

   

Thiết tưởng, ông Huệ Thiên với sở học sở đọc của mình, nếu không hồn nhiên tận tín những sách của thày Tàu mà tìm đọc giữa những hàng chữ  Hán có thể sẽ cống hiến những phát hiện quý giá.

                                                                                       

  * NXB Trẻ 2004

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 8823
Ngày đăng: 01.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thử tìm lại cội nguồn NGƯỜI VIỆT - Hà văn Thùy
Từ sự hủy diệt của văn minh ÓC EO nhìn về ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - Hà văn Thùy
Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa ( Bài hai và hết,) - Hà văn Thùy
Quan điểm NHÂN HỌC - Emily A. Schultz và Robert H. Lavenda
Nhân học văn hóa,một và nhiều - Nicolas Journet
Những quan điểm lý thuyết trong nhân học về vấn đề dân tộc - Phan Ngọc Chiến
Những khía cạnh học thuật trong vấn đề xác định thành phần dân tộc tại Việt Nam - Phan Ngọc Chiến
Nghề ăn ong trong rừng U Minh - Nguyễn Trọng Tín
Về một hướng nghiên cứu văn hóa Việt Nam - Hồ Liên
Tâm hồn Việt trong mâm cỗ ngày xuân - Khuyết danh
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)