Tôi lên căn-tin uống cà phê chớ không có ý gọi điện thoại nhưng vì thấy hộp điện thoại treo bên vách được lau chùi bóng loáng, mới toan bèn gắn thẻ vô quay về nhà nói chuyện với vợ, con chơi. Nhưng Thanh không có ở nhà, sẵn tay bấm số thăm gia đình người bạn. Bên kia đầu dây, vợ anh bạn bắt điện thoại, nghe tiếng tôi, chị reo lên:
- Tấn hả, chừng nào dìa?
- Tuần sau chị.
Không đợi tôi hỏi thăm sức khoẻ gia đình, như nguồn thác đổ, chị sổ một tràng:
- Anh dìa lần nầy ở nhà luôn đi, tội nghiệp con Thanh, hôm trước mẹ con chở nhau lên tui nè, qua hồi nói chuyện, tui thấy hình như nó bị stress hơi nặng, anh mà đi hoài có ngày nó bị điên mất.
- Ừa, muốn làm gì thì cũng từ từ chớ chị.
- Từ từ gì, tại anh hổng biết tánh nó, hơn nữa anh đi hoài đâu thấy được nỗi cơ cực khi đàn bà có con nhỏ. Như tui đây nè, mới có một đứa vậy mà vợ chồng thay phiên nhau lo còn hổng xuể huống hồ chi con Thanh, mình ên nó mà ôm tới hai đứa.
Trong lúc chị ngưng lấy hơi, tôi lái câu chuyện bằng cách hỏi thăm sức khoẻ gia đình chị. Như con tàu xuôi dòng gặp chướng ngại vật, chị trả lời qua loa ngắn gọn rồi lái lại câu chuyện. Một hai chị thuyết phục tôi phải bỏ việc làm về nhà sống với vợ con. Theo chị thì ra nước ngoài rồi không mần cũng có ăn, đi tàu làm chi xa nhà xa cửa bỏ vợ bỏ con. Chị nói tràng giang đại hải, tôi hổng muốn nghe cũng không được. Cúp máy ngang sợ mất lịch sự, đành phải cầm chặt ống nghe nghe chị dạy bảo, tới khi điện thoại báo thẻ sắp hết, chị còn ráng thòng thêm một câu:
- Về bờ sống tiện tặn cũng được mà, anh coi trong nghĩa địa có ai vì bị thất nghiệp đói chết đâu.
Điện thoại cúp, hết sạch tấm thẻ mười đồng, gát ống nghe, tôi ngơ ngẩn nhìn ra ngoài. Hải cảng Delta Rotterdam mới khánh thành vài năm gần đây. Kè đá, cần trục, xe vận tải tất cả đều mới toan, trên sân bến không một cọng rác và trong giờ làm việc mà lưa thưa bóng người. Giàn cần trục di chuyển đều đều câu từng container để lên chiếc xe không người lái cũng không gây một tiếng động. Những chiếc xe giống như những con bọ khổng lồ cõng trên lưng vừa vặn một container nặng ba ngàn ký, lần lượt bò ngay hàng thẳng lối lên sân rộng và dừng lại cho cần cẩu móc xếp ngay ngắn vô các ô đã vạch sẵn trên một khoảng sân. Tôi đương ở trong thế giới máy móc mới mẻ mà trước đây chỉ thấy trong những phim khoa học giả tưởng. Cho nên khi nghe giọng điệu của chị ‘nó’ gợi lại trong tôi nỗi nhớ nhung về những chốn xa xôi nào ấy. Ngay bây giờ, trên đất nước tôi, biết bao nhiêu người đàn ông đi làm ăn xa, bỏ vợ lại nhà ôm con chờ đợi, mau thì hàng tháng, lâu thì hàng năm, bảy năm. Mỗi bận chồng ra đi vợ ở nhà vừa hy vọng vừa nơm nớp âu lo. Hy vọng ngày anh về sẽ được vinh hoa phú quí. Lo ngày trở về anh chỉ còn hai bàn tay trắng và anh có phải là chồng mình nữa hay không. Cực khổ biết bao nhưng vẫn ôm con kiên tâm chờ đợi.
Chị đuơng sống trên một quốc gia giàu có, thừa mứa thức ăn nêm chị không biết nhiều nơi trên trái đất nầy cũng có hàng vạn người thất nghiệp, đói chết nằm phơi xương trắng rừng. Ở Việt Nam cũng có năm bị thiếu ăn người chết nằm la liệt trên đường, chết đói làm gì được chôn trong nghĩa địa, chị cũng khéo nói thiệt. Phải xa lạ gì cho cam, hơn hai mươi năm trước tôi với gia đình chị vượt biển trên một chiêc nghe nhỏ xíu, sau mấy ngày đêm vất vã với tụi hải tặc, tôi chứng kiến chị nằm phơi trên bãi biển với thân thể bèo nhèo, áo quần rách nát gần như trần trụi, lúc đó không có những người từ tâm trên thế giới góp phần giúp đỡ chắc chắn chị cũng bỏ thây bên hải đảo hoang vu. Người ta cho chị qua đây định cư vì lòng nhân đạo chớ có phải mời chị qua tiệc tùng gì đâu mà ngồi không ăn khơi khơi còn nói ra những lời bất nhân bất nghĩa. Sống trên một đất nước tuy giàu có nhưng người đông việc làm ít, nạn thất nghiệp nhà nước coi như trận giặc, có một việc làm đàng hoàng để khỏi sanh "giặc" là lương thiện lắm rồi, tôi đâu dám đòi hỏi gì hơn.
Ba tháng trên tàu, tuần nào tôi cũng điện thoại đôi ba lần về thăm vợ thăm con. Thỉnh thoảng tàu về Rotterdam Thanh cũng có chở con xuống thăm. Mới hôm kia điện thoại về mẹ con cười, nói vui vẻ và bàn tính năm nay sẽ qua Tây Ban Nha nghỉ hè. Tôi có nghe thấy triệu chứng tâm thần nào đâu. Chẳng lẽ đương không nổi khùng bất tử. Hơn nữa Thanh gặp chuyện rắc rối hoặc tinh thần bất ổn thì điện thoại nói với tôi, có đâu chạy xe cả giờ đồng hồ lên nhà chị than thở. Nhà ở cách nhau cả trăm cây số, xuân, thu nhị kỳ mới gặp nhau, ăn một bữa, nói chuyện vài câu. Hiểu được gì mà chị dám quả quyết hiểu vợ tôi còn hơn tôi nữa.
Muốn bấm số gọi về nhà nhưng thẻ không còn. Hôm nay nắng đẹp, mới hơn mười giờ sáng, có lẽ Thanh vừa dẫn con đi chơi đâu đó. Tôi lững thững bước ra khỏi căn tin trong không khí đầu mùa hè ấm áp.
- Papa kìa.. papa kìa.. papa kìa....
Tôi day lại, ngạc nhiên thấy đứa con gái đầu lòng giọng đớt đát vừa kêu Papa vừa a tầm phù chạy tới, con nhỏ mới hơn năm tuổi mà lanh quá chừng, miệng mồm tía lia. Tôi cúi xuống đưa tay đón bồng nó lên. Thanh tay bồng đứa nhỏ, tay xách giỏ đồ đi tới, miệng toe toét vừa cười vừa nói:
- Anh thấy em tìm đường giỏi không ?
- Ai chớ vợ anh là số một rồi.
Đứa con gái thứ hai thấy tôi nó chồm qua đòi papa, tôi vói tay ẵm nó luôn và cùng Thanh đi xuống tàu. Mấy thủy thủ thấy gia đình tôi lục đục kéo xuống, có người chồm ra boong vẫy tay chào và hô lớn:
- Mày là thằng không tốt, vợ xuống thăm mà không cho biết.
Tôi nói:
- Tình cờ ông à.
Risal thủy thủ người In đô chạy lên đón lấy giỏ đồ bắt tay chào và hỏi thăm sức khoẻ. Thanh nói với nó:
- Hồi nãy tao có ghé tiệm Tàu mua cho tụi bây bịch ớt và mớ rau muống, định mua thêm mì gói nhưng tao xách hổng hết.
- Cám ơn chị, bao nhiêu đó cũng đủ tụi tui ăn tiệc lớn rồi.
Ban đêm trên tàu chỉ có tiếng rè rè của máy phát điện. Hai đứa con tôi nằm cạnh bên, bắt tôi gãi lưng cho chúng. Sau một hồi rờ mặt, móc mũi, móc mắt tôi đã rồi hai đứa mới chịu ngủ. Tôi nhìn hai đứa nhỏ ngủ ngon, con nít hồn nhiên, vô tư lúc nào cũng hiện trên gương mặt. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, tôi sống trong một xóm lưới nghèo ven biển lúc đó tôi cũng rất vô tư, lòng dạ thẳng như ruột ngựa. Ngôn ngữ của dân đánh cá dùng trao đổi, tâm tình hoặc khuyên bảo thậm chí họ chửi bới nhau cũng rất hồn nhiên chớ đâu đến đổi khó nghe. Ra nước ngoài sống trong xã hội văn minh lòng dạ con người ta sanh ra phức tạp và giọng nói trở nên cay cú khó nghe hơn. Vì vậy tôi không muốn sống trên đất liền, chung chạ với đồng hương phiền phức lắm. Tôi kê gối, đắp mền cho hai đứa con, day qua hỏi vợ:
- Vừa rồi em có lên nhà chị ba Lắm phải hông?
- Đâu có.
- Ủa.
- Sao anh ?
- Vậy ai bị stress ?
- Anh nói ai stress gì ?
Không muốn khui ra ba cái chuyện tào lao làm cho tổ ấm chúng tôi chộn rộn. Tôi bèn nói lảng sang chuyện khác.
- Anh nói với em tuần tới anh dìa, sao em còn chạy lên làm chi cho mất công.
- Mấy bữa nay con Lệ nói nhớ anh, hôm nay thấy trời nắng đẹp, biết tàu anh vô nhưng hổng biết giờ tàu chạy, em mới điện lên công ty hỏi. Họ nói tàu anh đậu lại đây mai mới chạy, em xin họ số bến cảng rồi sửa soạn đem con xuống cho nó chơi với anh. Người ta nhớ xuống thăm mà cũng cằn nhằn.
- Anh sợ em cực chớ cằn nhằn em đâu.
- Hồi nhỏ em theo má thăm ba cải tạo lên xe, xuống đò, đi ngày đi đêm nhịn đói, nhịn khát cực khổ trăm bề. Ở đây lên xe hơi nỗ máy chạy có hơn giờ đồng hồ gặp anh sướng thấy mồ, cực khổ gì đâu.
Tôi lòn tay qua ôm và áp mặt vợ sát vô ngực mình. Cả hai yên lặng nằm nghe hơi thở của hai đứa con. Tội nghiệp, tôi làm ăn xa nhà, để một mình vợ ôm con xoay sở giữa cuộc đời đầy náo động. Mỗi khi gặp đồng hương Thanh phải chịu trận lắng nghe những lời dạy bảo, thậm chí có người khuyên Thanh nên bỏ tôi đi cho rảnh cái nợ đời. May mắn cho chúng tôi, đã sống với nhau ngót mười lăm năm cơm lành canh ngọt, bơ sữa chan hoà. Được như vậy đúng ra tôi phải tin tưởng vợ con lắm chớ, nhưng không hiểu sao ôm cái hạnh phúc trong tay mà lòng tôi cứ ngai ngái lo cho những ngày sắp tới.
- Anh, anh.
- Gì em?
- Em thấy anh kỳ kỳ sao ấy?
Nghe giọng Thanh lo lắng, tôi giựt mình hối hận cho những suy tư vớ vẩn. Tôi xoa xoa lưng vợ và nói lời tâm sự:
- Anh đương nghĩ trong một xả hội quá an bình làm con người ta sanh ra nhiều chứng tâm thần, riết rồi anh cũng hổng biết ai bịnh ai không.
Giọng Thanh hờn trách:
- Em dẫn con xuống thăm anh, anh hổng lo mà anh lo chuyện đâu đâu không à, suy nghĩ bậy bạ có ngày anh bịnh chớ ai.
Tôi giựt mình vỗ tay nhè nhẹ lên lưng vợ:
- Em nói đúng, vợ anh lúc nào cũng đúng.
- Xạo nữa đi.
- Ý chết ! Chút nữa anh quên mất.
- Quên gì anh?
- Lo chuyện hiện tại, lo cho em...
- !!!