Suốt gần ba tiếng đồng hồ, Tòng lái, tôi ngồi sau, hết lộ 4, lộ 20, lộ gì đó rồi lộ gì đó nữa, tôi ngồi tê cả đít.
Trời hừng sáng, chiếc xe honda 67 vẫn vươn mắt vạch sương mù, nhẹ lướt rào rạo trên mặt lộ đất đỏ dọc theo bờ sông. Bất chợt xe quẹo ngang và thắng gấp trước ngôi nhà ngói cổ, xe tắt máy vừa lúc chủ nhà hỏi vọng ra:
- Hai cậu là ai, ghé nhà tôi có chuyện gì?
Anh Tòng trả lời ngay:
- Chúng tôi đi lỡ đường muốn xin gởi chiếc honda vậy thôi.
- Hai cậu ở đâu, đi đâu mà phải gởi xe ở đây?
- Ở Mỹ Tho, đi lấy cốt đồng đội ở Tháp Mười.
- Gởi chừng nào lấy?
- Chiều tối.
- Cho vào nhà luôn đi.
Chúng tôi đẩy chiếc xe vào nhà, dựng cạnh bộ ván ngựa theo chỉ dẫn của chị chủ nhà.
Ngồi trên ván, Tòng móc thuốc đưa cho tôi, nói:
- Hút điếu cho ấm.
Chị chủ nhà xách ấm nước bốc hơi, nói:
- Chị châm trà hai em uống cho đỡ lạnh.
Tòng nói:
- Khỏi, tụi em phải đi ngay kẻo về không kịp. Hay chị cho tụi này mượn cái ấm đem theo uống.
Chị chủ nhà nhìn chúng tôi cười nói:
- Ừ xách đi, đừng làm mất của tôi nghen!
Tòng nhận ấm nước, nói đùa:
- Thế chấp cho chị chiếc xe đó.
- Bây giờ có xe để thế, hồi đó mình không lấy gì mà thế? Như nhà này đây, hồi đó bỏ mất bao thứ còn quý hơn chúng tôi có nói gì đâu.
- Tụi này nói đùa cho vui thôi mà, chị ơi!
- Biết rồi, tôi cũng nói cho vui thôi. Thôi đi đi, trời còn mát. Chị lo cơm nước, chiều hai em về đây ăn rồi về dưới ấy.
Anh Tòng nhìn tôi cười, nói:
- Long An, Mỹ Tho, Kiến Phong đã, đang và sẽ lấn vào Đồng Tháp Mười. Với điều kiện đất nước đã được giải phóng, rồi đây Đồng Tháp Mười sẽ trở thành vùng đất trù phú - Anh đứng dậy nói tiếp - Nhưng mình đi lấy cốt không phải đi tìm hiểu Đồng Tháp Mười... Thôi ta đi để còn về cho kịp trong ngày.
Trên đường đi tôi tìm hiểu thêm:
- Có phải người ta gọi đây là "Đồng Chó Ngáp" không?
Kéo tôi lên đi sóng vai, anh Tòng nói:
- Anh chưa nghe ai gọi cánh đồng này thế bao giờ. Có lần anh theo giao liên qua vùng Mỏ Vẹt - giáp giới giữa hai tỉnh Tây Ninh - Soài Riêng, giao liên truyền lịnh lại sau: chuẩn bị qua "Đồng Chó Ngáp". Phải mất cả tiếng đồng hồ mới qua được cánh đồng ấy. Cánh đồng này nếu cắt ngang từ Gãy Cờ Đen đến biên giới Việt Nam - Campuchia tốn ít nhất cũng bốn tiếng đồng hồ, gọi là "Đồng Chó Ngáp" cũng không sai.
Nắng tháng ba, mới 9 giờ đã gay gắt. Trời nắng, cỏ khô, những đám cháy ngún đâu hôm qua giờ đã bốc khói, lửa phát ngọn trở lại. Những cơn lốc đi qua, tro bụi cuộn cùng với khói ngột ngạt khó thở.
Anh Tòng dừng lại, vừa nói vừa chỉ:
- Ta đi tắt qua đồng, chỗ cây khô đó là điểm đến, hơn ngàn thước nữa thôi. Ta nghỉ chút uống nước rồi đi tiếp.
- Chắc đúng chỗ đó hả anh Tòng? - Tôi gặng hỏi.
Anh Tòng nhìn tôi cười:
- Hơn ba năm hoạt động ở đây, ăn dầm nằm dề dưới gốc ô môi đó, anh còn lạ gì. Có điều trước đây cây ô môi đó sống, cành lá sum suê, giờ đã chết khô rồi…
Đến nơi anh Tòng đi vòng quanh gốc ô môi tìm kiếm dấu vết. Tôi hỏi:
- Mồ mả đâu không thấy gì hết vậy?
- Chôn lạn mà mả mồ gì! Chắc là chỗ chòm cỏ giữa hai rễ cây lớn này đây, không thể sai.
- Sao anh chắc như vậy?
- Anh là một trong ba người chôn chú ấy - Tòng nói - Trước đó tụi anh đào công sự giữa gọng kềm hai rễ cây này. Khi thằng Minh chết, tụi anh gói xác nó bỏ xuống công sự rồi lấp đất lại. Đây nè, chung quanh cỏ cây khô héo, chỉ có chỗ này cỏ xanh, chứng tỏ rằng đây có độ ẩm và nhiều đạm do cái xác tạo nên.
Nói đến đó, anh Tòng lấy dá xắn chưa ngập lưỡi đã thấy nhậm nhầy, dùng tay bươi lớp đất mỏng một chút đã thấy lòi ra miếng ni-lông màu xanh sậm. Kéo tôi ngồi xuống, anh Tòng nói một cách chắc chắn:
- Miếng ni-lông này là của anh, gói xác thằng Minh chôn, không có hòm rương gì hết!
Giành lấy chiếc vá tôi đào hết sức cẩn thận, anh Tòng tiếp tôi bươi đất kéo từng miếng ni-lông vụn lên. Hết lớp ni-lông, đất xốp dễ đào, thỉnh thoảng có vật cứng lẫn trong màu đen như cây mục, tôi nghi ngờ hỏi:
- Anh xem kỹ coi có phải xương hay rễ cây?
Sau khi xem kỹ anh Tòng quả quyết là xương và bảo tôi đào tiếp. Khi lòi ra những đoạn xương ống và những đốt xương sống tôi mới tin là đúng. Nhưng vẫn còn chút thắc mắc:
- Sao ni-lông co quéo như bị cháy? Xương sọ đâu không thấy?
Suy nghĩ một chút anh Tòng phân tích:
- Có lẽ do đất nhiều cỏ mục chôn bên dưới, mùa khô lửa cháy luồn làm quéo ni-lông. Xương bị cháy, bị nắng khô, bị ngập nước nhiều lần nên dễ mục. Xương ống chân loại cứng mà còn nát vụn như cây mục huống hồ là xương sọ…
Anh Tòng mở bao lấy tấm ni-lông trải ra bên cạnh, bảo tôi lần lượt xắn hết đất trong gọng kềm hai rễ cây trút lên đó. Còn anh thì bươi lượm từng miếng xương lớn nhỏ bỏ lên miếng ni-lông nhỏ khác.
Cúi mặt lượm xương, tay bẩn, mồ hôi chảy thành giọt, thỉnh thoảng anh Tòng ngoẻo đầu quẹt mồ hôi vào tay áo cho đỡ cay mắt. Mặt anh tèm lem, nhìn càng thương biết chừng nào.
Chưa đầy một tiếng đồng hồ, chúng tôi bòn mót được chừng gần hai ký xương các loại - chỉ nhận ra được xương chân tay, những đốt xương sống, xương hàm và răng.
Anh Tòng bảo tôi cào đất lấp trở lại rồi ra đìa tắm cho khỏe, còn anh túm số xương ra đìa bên cạnh khoát rửa, đem vào trộn với vôi bột đem phơi.
Tắm xong, tôi vào đứng cạnh xem anh Tòng làm. Anh nói không nhìn tôi:
- Xong rồi! Em lại đằng gốc cây nghỉ đi, anh tắm chút đã.
Mấy phút sau, anh Tòng vào, quần áo ướt đẫm, nước chảy ròng ròng trên người, nhe răng cười:
- Để vậy cho mát.
Anh lấy trong bao ra hai đòn bánh tét mua đâu hôm qua bỏ trong bao tôi quảy từ sáng đến giờ không hề biết, đưa tôi một đòn nói:
- Ăn đi cho đỡ đói.
Vừa ăn tôi vừa hỏi:
- Hồi đó anh Minh chết ở đâu mà đem đến chỗ khỉ ho cò gáy này chôn?
- Tại đây! Chúng bắn thằng Minh chết tại gốc cây ô môi này.
Dựa lưng vào gốc cây, Tòng kể tiếp:
- Mùa nước nổi năm 1966, địch mở cuộc càn lớn, dài ngày vào vùng này. Trên trời, trực thăng bay rợp như chuồn chuồn mùa sa mưa, dưới nước, thuyền bay cắt dọc xẻ ngang, quân đông như kiến cỏ, chà đi xát lại cả tuần. Tối chúng cụm quân lại hầu hết các gò khô chung quanh đây như: gò Gòn, gò Rọc Chanh, gò Xã Lới, gò Ông Tải, gò Thiền, gò Cỏ Ống, v.v… Đơn vị thông tin điện đài của tụi anh phải phân tán mỏng, "chém vè" theo trấp theo bưng, lấy cây ô môi này làm điểm liên lạc nhau. Có thể thằng Minh ngỡ rằng tối giặc chỉ đóng quân trên các gò nên nó chống xuồng về đây để tìm anh em, không ngờ địch cho một tốp xuồng phục kích đêm tại đây, đợi xuồng thằng Minh đến sát bên mới nổ súng. Nghe tiếng súng nổ đơn phương, tụi anh đoán chắc có chuyện không hay xảy ra. Mãi đến chiều hôm sau, tụi anh mới mò về đây được. Xác thằng Minh nằm tại chỗ ta đang ngồi đây. Xuồng, súng, đồ đạc mất hết, chỉ thấy có mấy trái bình bát chín và một bọc cà na nổi lều bều bên cạnh xác nó. Lúc ấy giặc vẫn chốt ở các gò khô, ba đứa tụi anh bàn nhau, không cách nào khác, đành phải vùi thằng Minh dưới gốc cây này. Em biết không, nước ngập tới lưng quần, có hòm rương gì đâu, chỉ lấy tấm ni-lông của anh gói rồi xúm nhau hì hục ém xác nó xuống công sự ngập sâu hơn năm tấc nước rồi cào đất bờ thành đắp lại. Vùi xác nó xong, trời mưa rả rích, tối đen như mực, vừa lạnh vừa đói, nhưng tụi anh cũng ngồi lại với nó giây lát. Trước khi đi, ba đứa tụi anh mỗi người cầm tay một diêm quẹt cùng đốt gọi là nhang khói cho nó.
- Quê anh Minh ở đâu?
- Ở Quảng Nam. Mẹ nó tham gia đoàn biểu tình đòi hiệp thương thống nhất nước nhà, bị thảm sát chết ở Cây Cóc Chợ Được. Sau đó, hai cha con nó bị ép di cư vào Nam, tập trung vào khu dinh điền Sa Rài (Hồng Ngự). Trong những ngày đồng khởi, hai cha con cùng bà con phá dinh điền Sa Rài chạy ra vùng giải phóng, cả hai tham gia công tác ở xã Tân Thành (Cả Cái). Mới mười lăm tuổi nó vào đội du kích xã, anh thấy nó còn nhỏ quá xin về đào tạo lực lượng thông tin điện đài (hiệu thính). Nó hy sinh chẳng biết báo tử với ai, giờ lấy cốt cũng chưa tính đem nó về nằm ở đâu.
- Thì mình gửi cốt ảnh vào nghĩa trang tỉnh.
- Anh cũng định vậy nhưng chưa biết có được không.
Anh Tòng giải thích:
- Đã là nghĩa trang liệt sĩ, muốn đưa vào phải được sự công nhận là liệt sĩ, có hai người đứng tên xác nhận. Trường hợp thằng Minh này hơi khó, vì lúc nó chết thuộc lực lượng khu Trung Nam Bộ. Khu đã giải thể, số anh em công tác chung đơn vị với nó lớp hy sinh, lớp đi tứ tán, chỉ còn có anh ở Mỹ Tho… Lẽ ra phải làm thủ tục trước nhưng vì sợ để quá lâu lạc mất hài cốt nó tội nghiệp. Vừa được nghỉ hưu, tiền bạc cũng không có, anh nhờ em cùng đi đã có phép tắc gì đâu! Nhưng không sao, trước mắt đem cốt nó về Mỹ Tho cái đã, sau hãy tính. Mình lấy cốt được thế này là mừng rồi.
Ăn xong, ấm nước đem theo chỉ còn mỗi người lưng nắp ấm, không đủ thấm giọng, tôi nói:
- Anh đi xách nước, em leo lên bẻ nhánh ô môi khô nấu một ít đem theo đường về.
Anh Tòng nhìn tôi nghiêm giọng nói:
- Sao lại bẻ nhánh ô môi? Không được đụng đến cây ô môi này biết không?
Nói rồi anh phân công ngược lại, tôi xách nước anh bẻ củi khô cây điên điển. Chẳng mấy chốc lửa cháy, ngồi bên bếp lửa anh kể:
- Theo bà con vùng này cho biết, thời chống Pháp, cơ quan, bộ đội đóng quân dọc theo ngọn Vàm Cỏ Tây, với những địa danh như Ngọn Lúa Ma, Cả Rưng, Bông Súng - rặng cây mút tầm nhìn đó, bị máy bay giặc bắn phá thường xuyên, ban ngày anh em phải bung ra ém ngoài đồng trống, mang theo trái ô môi ăn cho đỡ buồn, bỏ hột mọc lên cây ô môi này. Sau hiệp định Giơneve 1954, bà con ở đây xem cây ô môi này là dấu vết của cách mạng, lập miếu nhỏ dưới gốc cây, thờ cúng gì ai cũng chẳng hiểu, có lẽ để tưởng nhớ những người cách mạng đã ngã xuống hoặc đã đi tập kết. Bà con ở đây gọi là "cây ô môi miễu". Thời chống Mỹ, những năm 1963-1966, bộ phận thông tin điện đài của tụi anh cũng không ở nổi ngoài ven cây, phải bung ra đồng, bám gốc ô môi này. Giờ đây, ngồi dưới gốc cây ô môi này anh nhớ lại biết bao điều, những chuyện cần phải suy nghĩ…
- Anh nghĩ gì?
Tòng hít sâu, thở dài, đi vòng quanh rồi tựa lưng vào gốc cây, nhìn tôi nói:
- Thế hệ chống Pháp tạo ra cây ô môi, thế hệ chống Mỹ nương tựa vào nó. Rễ nó bám vào lòng đất mẹ, như người mẹ dang tay che nắng che sương cho các con mình. Một thời nó chịu cho các con giẫm đạp lên gốc rễ, cột xuồng tróc cả lớp da, cây ô môi vẫn cố sống theo tháng lụn năm dài… Sau giải phóng không ai đến đây nữa, cỏ mồm xâm nhập tận gốc cây, mùa nắng lửa cháy theo cỏ khô làm sém cả thân cây, làm sao nó sống nổi… Kìa em thấy không, hai rễ lớn của nó, có lẽ nhờ vào lượng đạm của xác thằng Minh mà nhoi lên được mấy chồi non, nãy giờ chúng ta vô ý đào xới làm nó héo rồi... Chúng ta đã làm chết cây ô môi thiêng liêng này. Nhìn cây ô môi, anh nhớ lại những ngày dài kháng chiến, bao nhiêu bè bạn đồng đội đã ngã xuống. Nói thế để em hiểu vì sao khi nãy anh không cho em bẻ nhánh ô môi khô nấu nước, mặc dầu củi ô môi cháy rất đượm.
Kéo tôi đứng dậy, anh Tòng vừa chỉ tay vừa nói:
- Nhìn đây nè: Chòm cây tuốt đằng xa là gò Xà Lới, ở đó còn cốt thằng Ngươn. Rặng cây mờ mờ kia là xã Tân Thành, nơi chôn xác năm anh chị em nhà in Lý Tự Trọng. Và xa hơn nữa - bên đất Campuchia, còn trên dưới mười hài cốt của anh chị em tuyên huấn khu nằm đâu đó anh không rõ… Bên đất mình thì còn hy vọng, chớ bên đất Campuchia thì khó lắm, ở đó có phong tục hễ chết thì đốt, khó tìm lắm.
- Nhưng anh phải ráng tìm chớ?
- Thì phải ráng, nhưng sợ "lực bất tòng tâm", cố đến đâu hay đến đó!
Anh Tòng kéo tôi ngồi xuống rót nước cho tôi. Lần đâu tiên tôi uống nước cỏ bắc, màu nước xanh vàng như màu nước trà Bắc Thái, uống vô ngòn ngọt trong cổ họng. Sau đó anh Tòng ra lấy gói xương đem vào, xếp cẩn thận, cột gói lại, cho vào bọc ni-lông, cột từng chặng như đòn bánh tét, làm quai mang rồi để trước mặt nói: "Thế là xong".
Tôi giục:
- Đường xa lắm, ta về đi.
Anh Tòng nhìn tôi nói:
- Không sao đâu, miễn đến Gãy Cờ Đen trước tối là được. Từ Gãy Cờ Đen về Mỹ Tho xe có đèn lo gì.
Vừa nói anh vừa đứng dậy đi ra xa, lát sau trở lại đội một bó điên điển khô to tướng, bảo tôi leo lên cây ô môi.
- Làm gì vậy?
- Cứ leo lên đi.
Anh chuyền điên điển và những lọn cỏ khô lên cho tôi, bảo tôi gác qua lại, nhét vào những kẹt nhánh cây ô môi. Xong rồi anh nói:
- Được rồi. Xuống đi!
Tôi leo trở xuống tới gốc cây anh cũng vác về thêm một bó điên điển khô nữa, chất dưới gốc cây, phủ cỏ khô lên thành đống ngùn ngụn, bảo tôi xách cái dao và chiếc ấm, anh mang gói xương và cái vá. Rồi anh bật quẹt châm lửa. Bổi khô, gió hắt thuận chiều, ngọn lửa bùng lên từ gốc lan dần lên ngọn cây, tiếng nổ lách tách, tàn rơi như pháo bông.
- Anh làm gì vậy? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Hỏa thiêu - Anh Tòng đáp gọn.
- Sao hồi nãy em bẻ nhánh nấu nước anh không cho, giờ anh lại đốt?
- Bẻ nhánh nấu nước có nghĩa là tiếp tục lợi dụng nó, còn đốt là để cho nó khỏi bị nắng táp mưa sa, sớm về với cát bụi.
Anh Tòng choàng bộ xương qua vai, tay xách dá, bảo tôi:
- Thôi ta về đi, trời tối quá rồi.