Bố già đợi tôi ở đầu hẻm. Đúng là nó rồi, con số 324 viết bằng sơn đen trên tấm ván cũ gắn trên cây gòn đầy vết sẹo không biết sao vẫn còn sống được ngay con hẻm chật chội và đầy bụi bặm này. Xin nói ngay, bố già là người mà tôi vừa biết cách đây không lâu. Thoạt tiên, bố chỉ là một ông cụ sáu mươi tuổi, hiền lành, ít nói, hay đến chơi và nhậu tại nhà người bạn láng giềng của tôi. Chỉ sáng nay thôi, tôi mới biết thêm, bố còn là người trong giới giang hồ nữa. Khi tôi kịp đến, bố già lên ngồi sau lưng tôi, nói:
- Không sao đâu, cứ chạy, có tôi tụi nó không dám làm gì anh đâu.
Theo chỉ dẫn của bố, tôi lái xe vững dạ hơn, dấn thân vào con đường ngoằn ngoèo chưa hề có trong trí tưởng tượng của tôi, một nhà báo tuổi năm mươi ít nhiều từng trải. Hai bên hẻm là những xóm chòi, lều ghép bằng đủ thứ giấy bià cạc tông, tôn cũ rỉ sét và thùng gỗ tạp. Thế mà nó chen chúc nhau tầng tầng lớp lớp trông xa như một bãi rác vỏ đồ hộp khổng lồ.
Hết con hẻm xi măng ngoằn ngoèo là tới con hẻm đất vòng vo và bẩn thỉu. Mùa nắng, mùi hôi từ những đường cống lộ thiên, từ những kinh rạch trở thành bãi sình lưu niên bốc lên nồng nực. Những túp lều san sát, chen lấn nhau hình thù méo mó, xô lệch trên những chiếc cọc tràm và những chiếc sàn gỗ ọp ẹp. Con hẻm đất đã biến thành hẻm gỗ mục, phải dắt xe đi phập phồng như đi trên cỏ trấp Đồng Tháp Mười.
-Tới rồi đó chú.
Bố già chỉ cho tôi một mái lều giấy dầu đã cũ nát, lụp xụp phía bên trái hẻm
Tôi dắt xe theo bố già rẽ vào một túp lều không số, mà nhác trông xung quanh đã phải rờn rợn. Các xó xỉnh đều chật những thân thể đàn ông trần trụi, để lộ trên da những hình thù xăm mình, những dòng chữ nguệch ngoạc đủ kiểu. Họ đang nằm ngủ, thức, hút chích, đánh bài la liệt trên khắp các khoảng trống tối tăm và nhỏ hẹp quanh nhà. Vài tia mắt dò xét, không mấy thiện cảm phóng về phía tôi.
Dường như cảm nhận điều đó, bố già lên tiếng gọi vào túp lều.
- Anh chị Tư đâu, có thằng em tới thăm chơi nè.
Một bà lão bước ra từ căn chòi tối om, bi chói nắng nên phải khum bàn tay che mắt nhận dạng khách.
-Tưởng ai, chớ đâu dè thằng Năm. Mày đi biệt ngoài Huế mấy tháng nay không về thăm tao. Anh Tư mày nằm liệt giường rồi đây nè.
Tôi nhũ thầm, vậy bố già là em ruột của người này. Nhưng ông ta đâu có ở Huế bao giờ, ông ta chỉ ở Hà Nội Song tôi kịp nhớ ra cách hiểu của ông bà già thôn quê Nam bộ: xứ nào xa xăm đều là xư Huế cả.Tôi mới quen bố già gần đây, trong một dịp tình cờ, biết bố là đồng hương, tập kết, xong không về Nam mà "tụt tạt" ở Hà Nội, có tới vài ba bà vợ trong giới nghèo, bà bán chè xanh, thuốc lào, bà cho thuê phòng trọ, nói chung thuộc giới bán giang hồ sống nương tựa vào ga Hàng Cỏ.
Đất nước thống nhất, bố già sống bằng nghề đi buôn chuyến, có gì buôn nấy từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, nhờ mấy anh bưu điện áp tải bưu kiện giúp đỡ, bác đi ké hàng một cách an toàn và sống được.
Chui vào lều, chỉ chỗ cho tôi ngồi bệt xuống chiếc thùng gỗ dùng làm ghế, bố già nhìn bà chị dâu thở dài. Ông đến bên chiếc giường có người đắp chiếu sùm sụp. Ông giở chiếu ra cho thấy một ông lão có thân hình đồ sộ như một con gấu bị thương đang nằm im, mắt nhắm nghiền.
- Sao vậy anh Tư?
Ông lão trở mình một cách nặng nhọc nhưng không mở mắt, giọng ngái ngủ:
- Có sao đâu mậy. Hết oanh thì phải liệt thôi. Mày sao không ở ngoài Huế luôn đi, về đây làm gì ?
- Huế huyết gì đâu. Tôi bị rau muống quấn ở ngoài Hà Nội.
- Vậy chớ mầy tính ở ngoải luôn sao. Còn có hai anh em, mà tao không biết đi lúc nào.
- Thôi chuyện đó còn dài dài. Bây giờ có chuyện cần nhờ anh. Chú em này nó mất túi xách, giấy tờ nhiều, tiền bạc có nhưng nó không tính, chú nhờ anh chị kiếm giúp, chú đền ơn.
- Chú là gì của mày.
- Thằng đệ tử của tui gởi nhờ sư phụ giúp.
Bà Tư vọt miệng:
- Thấy bộ vó chú này tao tính cho chú là công an chìm.
- Bậy. Bố già phản đối. Ông thân chủ đây là nhà báo.
Bà Tư cười ngất:
- Xí, dân giang hồ tụi tao coi nhà báo còn tệ hơn chỉ điểm nữa. Thằng chỉ điểm nó chỉ biết chỉ điểm nào trúng điểm đó. Thằng nhà báo nó chỉ lung tung có khi chết cả lũ.
Bố già nhanh nhẩu đính chánh :
- Nói cho đúng, ông này là nhà văn, cái túi của ổng đựng mấy quyển sách chưa in. Cái này mới qúi hơn cả giấy tờ nhưng không bán được. Ổng sợ người ta bỏ thùng rác.
Bà Tư nhìn tôi từ đầu tới chân, chưa nói gì thì anh con trai về. Nhờ bố già mách trước, tôi nhìn kỹ hai bàn tay hộ pháp chai sần của anh ta, đúng là nó mất một ngón trỏ ở bàn tay phải và hai ngón áp út của bàn tay trái, nên có biệt danh là Hai bảy ngón. Hai bảy ngón vốn là thanh niên hiền lành tự chặt ngón tay trỏ để chống bắt lính thời chế độ Thiệu và nhờ giỏi võ nghệ, anh vừa nối nghiệp khuân vác của ông già vừa làm bảo kê bến bãi. Hai ngón còn lại, anh bị mất do mã tấu của một băng nhóm xã hội đen "kỹ niệm" trước khi anh nghỉ chơi với bọn chúng. Giờ đây, Hai Bảy ngón đang là trùm của một trong những "cánh quân" xách giỏ chuyên nghiệp. Trông anh không dữ tợn, không ác,lại còn hiền nữa. Nghe ông bố già trình bày vắn tắt sự việc, Hai Bảy ngón nói liền:
- Chú Năm chậm quá. Thằng Ba gà mổ làm vụ này trúng lớn nhưng di tản liền sáng nay rồi, vì công an rượt nà quá. Nó xáp chung băng với con Mẹc Nha Trang không thuộc băng của con. Má sao không mời khách uống nước gì hết vậy ?
Bà mẹ lắc đầu:
- Còn một chai, tía mày ực rồi.
Bố già liếc nhìn tôi. Tôi hơi run vì đang bị "viêm màng túi" nặng, bao nhiêu tiền bạc đều trong túi xách bị chôm cả. Sáng hôm qua, tôi đi đóng trước bạ nhà, có 5 triệu đồng gom góp cho cả vào túi xách cùng với hộ khẩu, chứng minh nhân dân, cà vẹt xe, và một số đồ nghề nhà báo luôn có bên mình …Bọn cướp là hai vợ chồng đi trên xe đạp, chồng chở vợ, vợ lại còn bồng con nữa. Tôi dừng xe định mua một quyển sách, để con ngồi trông chừng xe, nhưng thằng bé ham truyện tranh, sà vào một sạp bán báo vĩa hè. Khi quay lưng đi, tôi còn thấy "hai vợ chồng" ấy, còn thương xót họ. Thật tội nghiệp người đàn ông phải chở vợ con đi trên một chiếc xe đạp, chắc là họ đi khám bịnh cho con. Cháu bé xanh xao quá. Còn người vợ thì gầy còm, phờ phạc. Thế nhưng, tôi vừa quay lưng, thì ngay lập tức, cái túi xách máng trên xe Honđa biến mất. Đến lúc đó tôi mới hiểu vì sao, khi tôi rời xe, mọi người trên hè phố nhìn tôi bằng con mắt ái ngại. Chính họ la lên "cướp cướp" thay tôi. Nhưng họ chỉ dám la sau lưng "hai vợ chồng" đó. Tôi còn nhìn thấy cái lưng người đàn bà bồng con, động tác nhét túi xách của tôi vào giỏ đệm của nó và còn nhận ra cái dáng lom khom gò lưng đạp xe khuất vào con đường ngược chiều. Mọi cố gắng lúc này là la "cướp" và rượt theo. Nhưng tôi không thể làm cả hai việc đó vì sợ phạm luật giao thông, không thể đi ngược chiều và nhất là không thể bỏ con để chạy theo cướp. Thế là đành phải chấp nhận bị cháy túi. Hoảng quá, tôi rao trên TV và báo công an cùng một lúc. Trưởng CA quân 1 điện thoại cho công an quận 4 và cử ngay trinh sát xuống hẽm 324 chiều hôm qua. Số là, khi tôi bị giật túi xách, thấy tôi bận bịu với thằng con trai năm tuổi, không thể bỏ nó giữa đường mà truy bọn cướp được, nên một anh bưu tá lặng lẽ bám sát theo nó từ trung tâm quân 1 qua cầu Calmet, đến tận đầu hẻm thì bị mấy tên côn đồ chặn xe anh lại hô cướp cuớp. Thế là anh bị xoá mất dấu và chỉ còn cách ghi nhớ số hẻm để về báo công an. Anh về đến CA phường Bến Nghé thì gặp tôi vừa xong biên bản với những người công an trực. Họ khá lạnh lùng vì quá quen thuộc với chuyện cướp giật vặt. Họ nói với anh bưu tá và tôi: "Nếu không động ổ thì chúng sẽ trả giấy tờ để kiếm tiền thưởng". Nhưng tôi không thể ngồi yên, tôi đã đến nhà thằng bạn làm công anh quận và sau đó là đến với giới giang hồ để nhờ họ giúp đỡ…
Bố già kề tai tôi nói nhỏ:
- Chú chi vài thùng bia uống chơi rồi nói chuyện sau.
Tôi sờ vào cái bóp lép xẹp trong túi, nhớ mang máng rằng, tôi có sáu chục ngàn phòng thân do vợ tôi nhét vào túi trước tôi đi. Một két bia cũng phải mất đến trăm ngàn. Tôi nghĩ ngay tới chiếc đồng hồ đang đeo tay, tính bỏ cũng được vài trăm, liền gật đầu. Bố già phấn khởi cao giọng:
- Nè thằng Hai, mày ra xóm lấy vài két bia về lai rai nói chuyện chơi mậy.
- Mấy két hả chú năm ?
- Thì vài két thôi
- Vậy thì cho năm chục.
Tôi thở phào, móc bóp đưa Hai bảy ngón sáu chục ngàn mà không hiểu được có loại bia nào giá bèo như vậy . Bia lậu chăng.Không. Tôi đã lầm. Khi Hai Bảy ngón vác về, thì đó là thứ bia bình dân nhất, bia Chương Dương. Giới bỉnh dân thích thứ bia này vì nó có pha cồn, uống mau phê, mau đã. Hoá ra, chỉ có sáu chục ngàn mua được hai két lại còn có cả miếng khô cá đuối và mấy trái cóc xanh để làm mồi.Bà Tư nhanh nhẹn thổi lửa nướng khô, dầm nước mấm me. Bà nướng khô rất thiện nghệ, lấy búa dần ầm ầm, con khô tơi ra mềm nhũn, dậy lên cái mùi thơm khét mũi, cái mùi đặc trưng của tiệc nhậu bình dân.
Bia và mồi dọn lên thật nhanh. Trước khi chạm cốc, bố già không quên mang bia đến cho ông anh đang nằm liệt. Bố đỡ ông dậy, ông nốc một hơi cạn vại bia sành dung tích chừng nửa lít, khà một cái thật sảng khoái rồi ngả lưng, đầu kê lên thành giường, miệng nhai khô cá đuối một cách ngon lành.
- Chà bia như vầy mới là bia. Tao hồi nhỏ uống một lúc liền hai két. Thằng Tây nó cá, tao uống thêm một két nữa, ăn luôn ba chục trứng vịt lộn rồi còn vác hai chục bao chỉ xanh gạo từ xà lan lên chành ở bến Bình Đông. Bữa đó tao nhận tiền thưởng bự, một tấm giấy "oanh" ( Giấy 20 đồng , vingt).
Bà Tư cũng cạn một vại bia nhỏ, vui miệng góp chuyện:
- Hồi đó, tui từ Bến Tre trốn thuế thân, tản cư lên bán xôi ở bến Bình Đông, gặp ổng, tôi chịu liền. Ỏng mần việc bằng hai con trâu nhưng ăn bằng bốn con. An rồi mần, mần rồi ngủ, không cần mùng, chỉ cần chiếc chiếu trải đâu cũng được. Ổng thương tôi vì bao nhiêu xôi ế tôi bán rẽ hết cho ổng. Thôi bây giờ mình nói chuyện tử tế cái vụ giỏ xách của chú công an..ủa, của chú nhà báo này đi.
Bà Tư tỏ ra là một lão bà năng nổ và vui tính. Bà nói tiếp luôn:
- Nè ông ơi, (bà lão hay kéo ông lão của mình vào chuyện), hai đứa đi ăn hàng ngang qua đây hồi sáng hôm qua, thằng đóng vai chồng là con trai của đệ tử ruột của ông đó. Cha nó bị bịnh đậu mùa, mặt đầy thẹo như té thùng đinh. Thằng con lớn lên cũng bị luôn nên kêu là Ba gà mổ. Nó ở ngoài Nha Trang theo cha vô đây từ hồi nhỏ. Cha nó cũng phu khuân vác nhưng nó thì yếu như con bún thiu, chuyên chôm chĩa. Sáng nay nó đóng vai chồng, con câm đóng vai vợ, còn thằng con mướn một buổi sáng năm ngàn đồng.
Bà quay sang tôi, phân trần:
- Như vậy đó chú, chiếc xe đạp cũng mướn luôn, đi về tay không thì hai ngàn, có chôm được hàng thì năm mười ngàn, gọi là tiền thưởng. Nói chung, là cặp vợ chồng xách giỏ chú là cặp vợ chồng dỏm chỉ là đóng kịch. Nó còn hóa trang nữa, cho thêm xấu xí, nghèo nàn, làm động lòng mọi người. Nó làm cho chú thương tâm, không đề phòng, kể cả khi giỏ chú bị xách đi rồi, chú cũng không nghĩ là nó lấy. Nhờ vậy nó mới chạy kịp. Nó về tới đây rất sớm, trả con, trả xe xong là hai đưa lội tắt qua hẻm nhỏ dông luôn.
Hai Bảy ngón tiếp lời bà lão:
- Nó thấy có ông bưu tá theo, tưởng là công an chìm nên mới chạy. Chớ không thì dễ gì, ở đây nó làm ăn được. Người trong Sài Gòn, có bị xách giỏ họ coi là chuyện thường, như lỡ bỏ quên không tiếc tiền, coi như là chuyện xui xẻo, cúng cô hồn, hay " của đi thay người". Họ chỉ lo mất giấy tờ thôi, làm lại giấy chứng minh, cà vẹt xe, hộ khẩu tốn nhiều thời gian lắm, nên ai cũng khoái chuộc, tốn thêm ít tiền mà đỡ mất công chuyện làm ăn. Nhờ vậy mà còn kiếm thêm một khoảng nữa. Dân Sài Gòn mình tốt bụng lắm, đem giấy tờ lại nhà họ, họ cho tiền nhiều hơn giá thỏa thuận, lại còn cho uống cà phê, còn ngon hơn là họ không hề báo công an. Tôi có lần đi nhận tiền chuộc dùm bọn xách giỏ, tôi khoái người mình lắm.
Bố già, nãy giờ làm thinh, giờ cũng buột miệng.
- Chú mày nói đúng, bà xã tao dân ga Hàng Cỏ, đố thằng nào xách được của bả cái giỏ rách. Bả đào tận gốc, bốc tận rễ, đòi lại không thiếu một xu.
Ông Tư cựa mình định nói cái gì đó nhưng tự ông chấm dứt nó bằng một tiếng rên khẽ. Còn bà Tư thì đang say chuyện. Bà tiếp lời bố già:
- Ai chẳng giữ của, chẳng xót của đồ mồ hôi sôi nước mắt của mình làm ra. Tôi cũng vậy. Đố thằng xì ke nào dám chôm đồ trong cái nhà này. Nhưng nói đi rồi cũng phải nói lại, người ta nói bần cùng sinh đạo tặc tôi nghĩ cũng đúng, tới bần cùng rồi mà không sinh đạo tặc thì lấy cặc gì ăn. Như tôi đây, bỏ nghề đạo tặc đã lâu nhưng hễ có cơ hội thì chôm liền. Chẳng hạn như ngồi với chú nãy giờ nói chuyện đời với chú, thấy chú sơ hở là tôi tranh thủ ngay. Chú biết chú đã mất cái gì chưa?
Tôi giật mình sờ vào túi áo túi quần, bóp và các thứ giấy tờ còn nguyên. Tôi lắc đầu, tỏ ý không tin.
Bà cười hăng hắc, nói ngay:
- Không phải trong mình chú đâu, trong cái túi xách mới của chú để dưới gầm bàn kìa. Cái máy ghi âm của chú bị tôi chôm rồi, từ cái lúc chú mới vào nhà, để cái xách xuống gầm bàn. Cái này giá năm bảy trăm, bán được vài chục.
Tôi kiểm tra cái túi xách, đúng là cái máy ghi âm không cánh mà bay.
Bà Tư cười khà khà:
- Tôi nói vui vậy thôi chớ bữa nay, chú là nạn nhân, bọn tôi là cứu tinh, lẽ nào tôi làm việc sái quấy đó. Nhưng sở dĩ tôi phài làm là vì tôi nghi chú là công an phản gián muốn điều tra hốt ổ tụi tôi. Tôi sợ bị chú ghi âm câu chuyện nên mới tạm thu giữ phương tiện. Nhờ vậy mới biết chú là người tử tế, không mở máy sẵn, nên bây giờ trả lại chú đây.
Bà móc trong lưng ra cái máy ghi âm nhỏ xíu trả lại cho tôi. Tôi vẫn còn sững sờ như trong mộng. Quả thật, tôi chưa bao giờ biết được có những con người lạ lùng này đã và đang tồn tại trong cuộc sống của chúng ta .Những con người….
Im lặng bao trùm lên túp lều. Ngoài kia, trên con hẻm ngoằn ngoèo thỉnh thoảng còn nghe được tiếng ngáp vắn ngáp dài uể oải của một con nghiện nào sửa soạn lên cơn. Tự nhiên, tôi chờ đợi một tiếng rao bình dị của một người bán hàng rong nào đó để giải tỏa phần nào cái im lặng nặng nề. Nhưng tuyệt nhiên không. Ở đây không có tiếng rao.
- Ủa, uống bia đi chú- Bà Tư đánh tan bầu không khí trầm lắng_ Sao chú không uống gì hết vậy. Rồi bà im lặng, thở dài nhè nhẹ. Trông nét mặt bà vô cùng thanh thản. Bà nhìn lướt qua mọi người rồi dừng lại nơi tôi. Bà nói:
- Cũng lạ. Không biết có cái duyên gì mà bữa nay tôi nói chuyện nhiều mà hay nữa. Chú có thấy như vậy không ?
Tôi gật đầu. Lần đầu tiên tôi nghe một bà lão tám mươi nói về cái phận nghèo" Bần cùng sinh đạo tặc, không đạo tặc lấy…. gì ăn. Tôi sẽ nhớ mãi câu nói dân gian bụi bặm này cùng với chuyện tôi bị Bà Tư biểu diễn nghề móc túi ngay tại nhà.
Bố già đứng lên, nháy mắt cho tôi đã đến lúc phải về. Tôi cảm thấy quyến luyến nơi này nhưng cũng phải đứng dậy. Bố già nói:
- Cám ơn chị Tư với thằng Bảy. Tôi giới thiệu chú Hai đây vì chú là người tử tế, hể giúp được thì gíup dùm, còn nước còn tát. Vợ chồng chú cũng không giàu có gì, còn chú thì hay viết báo binh vực người nghèo.
Day qua nhìn ông anh ruột, bố già lắc đầu. Ông nói với bà Tư:
- Chị Tư à, tôi đi lần này chắc lâu. Anh Tư có bề gì thì chị cứ ra ga xe lửa mà nhắn ra ga Hàng Cỏ, nhất định tôi sẽ về.
Bố già nói tới đây thì nghẹn ngào, quay mặt đi chỗ khác.
Tôi bước đến chỗ ông Tư nằm để từ giã ông, nhưng mắt ông nhắm nghiền, nét mặt hảo hớn xanh xao bất động đắp bằng sáp. Bà Tư và Hai Bảy ngón ra cửa tiễn tôi. Bà nói:
- Tôi muốn giúp chú lắm nhưng nói chú đừng buồn, động ổ kiểu này thì chắc chắn chín mươi phần là giấy tờ của chú bị thủ tiêu rồi. Bây giờ chỉ con nhờ vào sự may mắn thôi. Nếu như bọn này không kịp hủy mà vục bậy bạ đâu đó thế nào cũng có đưá lượm được đem tới nhà kiếm tiền chuộc. Bây giờ trẻ con bụi đời thiếu gì, chúng nó cũng biết cách kiếm ăn lắm…
Bà Tư nói và cầm tay tôi biểu lộ sự tin cậy. Còn Hai Bảy ngón thì bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay thiếu ngón lỏng lẻo không thể nào siết chặt được.
15-4-1995
*Đã chuyển thành phim, đạo diễn Nguyễn Bá Lân .Hãng phim TH tpHCM(TFS)