Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.245
123.161.129
 
Anh Bảy Rô
Trần Thanh Giao

Anh Bảy Rô gọi điện cho tôi báo tin dữ :"Nhà anh mất rồi, chú Ba ơi!" Tôi lặng đi mấy giây mới hỏi anh được ngày giờ phúng điếu, và nơi chôn cất chị ấy…

 

Trong những ngày đến chia buồn cùng anh, ngồi bên cạnh quan tài với nhang đèn và khói hương bãng lãng, nhìn bức ảnh chị chụp lúc tuổi chưa già, nhìn anh trong bộ áo tang luộm thuộm và râu ria mọc trắng qua mấy hôm không cạo, tôi thẫn thờ nghĩ ngợi miên man…

 

                                                                             *   *

Anh Bảy Rô ở cùng làng với tôi, một làng quê trù phú chạy dài theo con rạch lớn đổ ra sông Hậu. Nhà nghèo, đông anh em, lại ít ruộng nên anh phải đi làm thuê để nuôi thân và phụ giúp gia đình. Có khi anh đến phụ làm vườn giúp má tôi và ăn ở tại nhà tôi hàng mấy tháng liền. Lúc đó, anh khoảng mười tám, còn tôi, khoảng mười ba tuổi. Chúng tôi thân thiết với nhau như anh em ruột. Đi học và ở trọ tại huyện lỵ, tôi mong chóng hết tuần để về nhà, và chơi với anh. Hồi nhỏ, tôi mê nhất cái môn đá banh. Anh đã lớn, không thể đứng vào đội trẻ con của chúng tôi, nhưng anh làm banh cho chúng tôi đá thì thật tuyệt. Bóng nhựa hồi ấy chưa có, bóng cao su cũng rất hiếm, còn banh da thì hình như cả xã tôi chỉ có một trái. Anh Bảy Rô làm cho tôi những trái banh bằng lá chuối khô, mà vườn chuối làng tôi thì bạt ngàn. Lá chuối khô vừa dôn dốt anh xé ra, cuốn lại cho thật tròn, bên ngoài bọc miếng lá to, dai và dẻo, rồi anh lấy dây chuối chẻ từ bẹ cây chuối hột, đem phơi vàng óng đan thắt mặt võng thật chắc chắn. Quả bóng lá chuối vừa nhẹ vừa nảy cao, đá êm chân hơn bóng cao su và bóng nhựa nhiều, bọn trẻ chúng tôi chiều nào cũng chia phe, quần nhau trước sân gạch nhà tôi, tranh giành quả bóng đến tối mịt. Một quả bóng của anh Bảy Rô, chúng tôi có thể đá một tuần! Mùa hè, ở nhà, tôi bám riết lấy anh, hễ anh ra vườn tỉa lá mía hay dọn tàu dừa, tôi theo ra vườn, hễ anh ở nhà xay lúa giã gạo, tôi đều theo làm hụ hợ với anh. Anh cũng thích dạy tôi làm những việc ấy. Bù lại, anh bảo tôi chỉ cho anh làm toán, hay kể cho anh nghe lại những bài địa lý, lịch sử… mà tôi đã học ở trường. Phải nói là anh rất ham hiểu biết… Những đêm trăng sáng, hai anh em tôi trải chiếu ra sân nằm ngắm trăng sao, nói đủ thứ chuyện, chơi đủ thứ trò, hoặc đố nhau. Ví dụ anh bảo:"Đố em: Một đống xương sườn, một đường xương sống, là cái gì?" Tôi nghĩ chưa ra nên hỏi:"Vậy nó là suất gì?" _ "Suất thảo mộc." Anh huơ tay chỉ cây cối trong vườn. Qua ánh trăng trong, tôi nhìn thấy… Tôi bật dậy, đáp ngay:"Cái tàu dừa!" Mãi sau này, tôi cứ ngờ ngợ: có phải anh đặt ra câu đố đó, cái đêm trăng hai anh em nằm chơi giữa sân chăng? …

           

Đầu năm bốn lăm, tình thế cách mạng đang sôi sục, làng tôi cũng vậy. Thanh niên Tiền phong chiều tối nào cũng tập họp lại, áo bà ba đen, khăn rằn buộc ngang lưng, tay cầm tầm vông vạt nhọn tập "Đi đều… Bước!", "Đứng lại… Đứng!". Tôi và  đám trẻ con đứng bên ngoài cũng tập đi, theo khẩu lệnh của các anh. Nhưng anh Bảy Rô không có trong các anh chị này. Nhà anh theo đạo và anh đi tập theo các anh chị có đạo, số này đông hơn bên Thanh niên Tiền phong. Tôi cũng bám anh Bảy Rô, xem anh tập quân sự. Nhưng tôi không tập theo vì tôi thấy lạ, chỉ đứng coi. Phần lớn thời giờ, các anh tập võ. Tôi rất khoái. Và cũng lạ khi tôi nghe các anh hô khẩu lệnh:"Tiến bộ… Tiến!", "Đình bộ… Đình!". Tôi tức cười quá nhưng không dám cười…

           

Ở trước sân nhà tôi, có một cái bàn thông thiên đứng đó từ lúc nào tôi cũng không rõ. Mỗi dịp Tết, cúng bái trong nhà, má tôi cũng có trái cây và nhang thắp ở bàn thông thiên. Nhưng bây giờ, theo lời khuyên của anh Bảy Rô, ngày nào hễ chạng vạng tối là má tôi ra bàn thông thiên đốt nhang. Nhiều hôm, tôi cũng xin làm việc đó. Anh Bảy Rô càng mến tôi. Có đêm, nằm chơi giữa sân, anh đố tôi:"Đố em: Khi tay mình dơ bẩn thì lấy gì rửa?" _ "Lấy nước rửa." _ "Vậy khi nước bẩn thì lấy gì rửa?" Tôi chịu chết. Anh Bảy giảng:"Phải lấy máu mà rửa!" Tôi hồ nghi, phân vân trước lời giải đó. Tôi không hiểu rõ nhưng mang máng nhận ra anh Bảy Rô muốn nói một ý gì… Có điều tôi chắc lời đố và lời giải này không phải của anh Bảy Rô. Anh học ở đâu đó rồi mang về đố tôi… Dần dần, anh nói cho tôi nghe về Thầy, về Đạo, về ngày "tận thế" có "quỉ vương" hiện ra đầy đường. Anh bảo:"Thầy dạy tới ngày đó, mình phải sắp sẵn quần áo cũ, gói một gói bự, hễ quỉ vương tới kêu đi thì đưa gói đồ ra chớ không đi theo, và nói: … Chồng tôi đi trước mới đi đây / Lật đật bỏ quên đồ chi đó / Xin chú cho tôi gởi gói này… Vậy là thoát." Tôi lại càng phân vân, hồ nghi… Tuy không tin hẳn, nhưng người trong làng tôi đều lặng lẽ làm bánh tổ (thứ bánh làm bằng bột nếp và đường, có thể để dành ăn được rất lâu) để phòng khi có ngày "tận thế"! Má tôi cũng làm bánh này. Còn tôi thì ngày nào cũng lén cắt một miếng ăn thay quà vặt vì bánh ăn cũng ngon. Điều tôi khoái nhất ở anh Bảy Rô là anh đã học được một bài võ múa đao. Anh múa bằng một khúc tầm vông mà tôi cứ tưởng tượng ra anh như Quan Công múa Thanh long đao vậy! Thật tình mà nói thì anh Bảy Rô rất đẹp trai, tướng người lớn con, cao ráo, lúc làm vườn, các bắp thịt nổi lên, cả người anh toát ra sức sống trẻ trung, tràn trề, trẻ con như tôi còn mê, huống chi các cô gái. Và khi anh múa "Thanh long đao" thì anh làm tôi thực sự mê mẩn. Tôi đeo theo anh, xin anh truyền dạy cho bài võ ấy. Anh ôm tôi nói:"Người học bài này phải có lời thề…" _ "Thề sao…?" _ "Thề chỉ truyền dạy cho người trong Đạo… Anh đã thề rồi…" Tôi thất vọng quá. Anh an ủi tôi:"Chừng nào em vô Đạo, anh truyền võ lại liền." Tôi hỏi:"Con nít cũng vô Đạo được sao?" _ "Được chớ!" Tôi khoái học võ, còn vô Đạo thì… Tôi buồn muốn khóc. Anh thương tôi quá bèn nảy ra một ý:"À, hay là anh dạy cho em bài thiệu thôi. Cái này lời thề không cấm." Tôi thích lắm, đòi anh dạy ngay. Anh sửa lại quần áo, đứng nghiêm chỉnh. Tôi cũng bắt chước theo. Anh trịnh trọng đọc từng chữ:   

                                   

Xung thiên đề đao trảm phản nghinh

Lôi phong trá tẩu quỉ thần kinh

……………………………………………………………

           

Tôi học thuộc ngay bài thiệu tám câu, sau khi anh đọc ba lần. Tôi nài nỉ:"Bây giờ anh đi lại bài võ cho em xem." Đang hào hứng, anh làm ngay. Anh xuống tấn, tay phải cầm "đao" xốc mạnh lên trời. Tôi nghĩ: đây là "xung thiên". Rồi anh cầm hai tay, chặt lưỡi "đao" tới trước. Tôi nghĩ: "đề đao". Bất ngờ, anh quay "đao" ngược lại vớt lên, giống tôi chơi bóng bàn vớt cú "rờ-ve", có điều là anh dùng cả hai tay. Tôi nghĩ:"trảm phản". Rồi anh co chân phải lên, tay trái buông "đao" ra, vuốt chòm râu… tưởng tượng, cái mặt nghinh lên đắc thắng! À, đây là "nghinh"! Đến chỗ anh kéo lê cái "đao" giả vờ bỏ chạy rồi bất thần quay lại vung "đao" chém xả xuống thì tôi nhận ra đó là "trá tẩu quỉ thần kinh"! Khi anh đi xong bài đao, bái tổ thì tôi nói:"Bây giờ em múa lại, anh coi có đúng không nghe…" Có bài thiệu đã thuộc, nhớ động tác của anh, tôi múa lại không sai tuy không dẻo và nhuyễn bằng anh. Tôi thấy anh giật mình, biến sắc. Anh nói dả lả:"Ờ, em múa không sai mấy…" Nhưng từ đó về sau, không bao giờ anh múa "đao" cho tôi xem nữa, dù tôi có van nài đến mấy.

           

Cách mạng thành công ở quê tôi được dăm ba tuần thì anh biến đi đâu mất khỏi nhà tôi. Mấy hôm sau, anh trở về làng, mặt mày lơ láo, đôi mắt lạc cả thần sắc. Tôi hỏi, anh ậm ừ:"Em còn nhỏ, chưa biết được đâu…" Nhưng qua lời đồn lan truyền trong làng thì anh và nhiều thanh niên trong "bổn đạo" đã về tỉnh lỵ cướp chính quyền từ tay… Ủy ban hành chánh của Việt Minh. (Ở quê tôi, các từ  "ủy" và "quỉ" phát âm giống nhau). Đi đầu có Phàn Lê Huê, tức là một bà ăn mặc y như vai Phàn Lê Huê trong tuồng hát, cũng đội mão lông trĩ, giắt cờ đuôi nheo sau lưng và đeo bông hoa to tướng tết bằng vải trước ngực… Người ta nói đạn bắn không lủng được da Phàn Lê Huê và nhiều người tin chắc như vậy.   Phàn Lê Huê hô:"Tiến! Tiến!…" Anh Bảy Rô của tôi cầm thanh đao (đao thật, rèn bằng thép tốt có thể chặt bay đầu người) xông tới… Nhưng đạn của Việt Minh nổ vang rền. Lúc đầu, súng bắn chỉ thiên. Nghe tiếng súng liên thanh, thấy Phàn Lê Huê vẫn sống nhăn, vẫn đứng đó múa gươm hét mọi người tiến lên, anh Bảy Rô càng xáp tới. Nhưng khi thấy đạn bắn đứt mão lông trĩ của Phàn Lê Huê rớt phịch xuống đất và bay lên tiện đứt luôn tàu dừa, lá tre rơi lả tả, thấy những người phía trước bỗng mọp xuống và chạy túa ra hai bên như nước vỡ bờ không ai ngăn cản được, kể cả Phàn Lê Huê, thì anh Bảy Rô hiểu ngay, quăng đao chạy tạt ra khỏi vòng chiến…

           

Anh Bảy Rô về nhà mình, lủi thủi làm những việc vặt, tôi đến chơi, anh chỉ cười và lại trầm ngâm, lặng lẽ, không đùa giỡn với tôi như trước.

           

Rồi Tây trở lại chiếm tỉnh. Cha tôi theo Việt Minh đi kháng chiến. Mẹ tôi dắt mấy chị em tôi xuống thị xã tần tảo nuôi chúng tôi học tiếp. Tôi xa anh Bảy Rô từ đó.

 

                                                                           *   *

            Sau phong trào học sinh Trần Văn Ơn, tôi không hoạt động ở nội thành được nữa nên theo đường dây của kháng chiến ra chiến khu 9. Mấy năm sau, trong một chuyến chèo xuồng đi công tác, tôi tình cờ gặp lại anh Bảy Rô.

           

Hôm đó, nhân tiện đường, tôi ghé ấp Bầu Tròn là nơi cơ quan tôi trú đóng mấy năm trước, thăm má Năm. Xuồng cặp bến, tôi đã thấy bộ đội ở trong nhà má và đi lại trong ấp. Má Năm mừng rỡ, giữ tôi ở lại ăn cơm. Các anh bộ đội cũng bảo tôi nên chờ trung đội trưởng của họ về rồi hẵng đi.  Có lẽ mấy anh cũng "cảnh giác" nhưng vì thấy má Năm vồn vã với tôi nên hỏi han, xem xét giấy tờ cũng không tiện.

           

Tôi đang chuyện trò rôm rả với má Năm, kể lại chuyện từng anh chị em trong cơ quan theo lời má hỏi thì thấy một anh bộ đội từ bờ sông đi vào sân nhà. Người cao lớn, dáng oai vệ, bộ quân phục với con đỉa trên vai, ống tay áo xắn quá cùi chỏ, đặc biệt là cái súng lục đeo bên hông, trông anh mới đẹp trai làm sao! Mà ơ kìa, có phải anh Bảy Rô không? Tôi vọt ra sân kêu lên:

- Anh Bảy!

Anh cũng đã nhận ra tôi:

- Trời ơi, chú Ba!

Hai anh em tôi ôm chầm lấy nhau. Anh cao lớn hơn tôi nên ghì chặt  đầu tôi vào ngực anh, rồi xô tôi ra ngắm, rồi hôn lên má tôi như mưa bấc, làm như tôi còn con nít lắm vậy. Anh nói:

- Em có lớn lên, nhưng không cao mấy…

Tôi đùa:

- Bao nhiêu cái sự đẹp trai, ông Trời dành cho anh hết rồi! Mà anh đi đánh giặc, Trời cho anh to con hơn em là phải thôi…

Má Năm cũng vui lây trước cuộc gặp gỡ, và mấy anh bộ đội trong nhà thì hoàn toàn yên tâm vì tôi là em trung đội trưởng của họ.

 

Cơm nước xong, hai anh em tôi dắt nhau ra vườn dừa của má Năm, trải chiếu nằm tâm sự. Anh nói:

- Sau cái trận thất bại ở thị xã, anh đã hiểu ra. Muốn đem máu mà rửa nhơ cho nước thì phải biết chọn đúng đường. Anh ít học, nên lầm. Phải có học như em, hay chú Sáu (chỉ ba tôi) thì anh tránh được lầm lẫn…

Tôi cười:

- Anh ham học thì nói vậy chớ em cũng may mắn thôi. Có điều anh bảo: ngu dốt dễ bị lừa gạt, có học mới tránh lầm lẫn thì thật là chí lý.

- Nhưng bây giờ, anh học khó quá em à. Vừa đánh giặc vừa học, khó lắm. Mà rồi sau này đánh xong giặc, anh có học để lấy được vài ba cái bằng cấp cũng chưa ăn thua gì. Anh nghiệm ra: phải học từ nhỏ, như em, phải có cha, có anh có học, có cả dòng họ, cả làng có học thì mình mới thoát khỏi cảnh ngu dốt. Mà cái này thì… lâu lắm, em ơi!

 

Anh trầm ngâm, đôi mắt nhìn xuyên những tàu dừa, nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm...

Chợt anh ngồi vụt dậy, đập mạnh vào vai tôi, miệng nở cười:

- À, báo cho em biết: anh có vợ rồi!

Tôi cũng ngồi nhổm dậy, mừng cho anh. Anh giơ một ngón tay lên:

- Rất giống em, nhá…

- Ai?

_ Vợ anh.

- Sao?

- Anh cũng chẳng biết sao, nhưng khi gặp cô ấy, anh nghĩ ngay tới em. Anh yêu ngay cô ấy như đã từng yêu thương em…

- Sao?

- Chẳng hiểu sao… Nhưng mà… Vậy đó… Lúc đầu, anh sợ cổ chê, đâu dám nói ra. Vì cổ là dân học sinh cô-le, rời thành phố vô kháng chiến cũng như em vậy đó… Mà thôi… Đơn vị anh đang dưỡng quân. Anh được nghỉ phép ba ngày. Chiều nay, anh qua chỗ cô ấy. Cơ quan cô đóng cũng không xa, chỉ nửa ngày chèo xuồng. Em đi với anh qua thăm chị cho biết mặt nhau. Được không?

 

Đi gặp mặt chị dâu, sao lại không hả anh Bảy?

 

Tới khi giáp mặt chị, tôi mới té ngửa: hóa ra là chị Châu, bạn cùng học với tôi ở trường cô-le, con một gia đình trí thức có tiếng trong tỉnh. Chị Châu không nổi bật ở trường vì nhan sắc, nhưng nổi bật vì chị đấu tranh rất hăng, rất "bôn-sê-vích", tuy chị chưa đứng vào tổ chức cách mạng, nhiều lúc chúng tôi phải kìm chị lại, sợ chị "cứng" quá mà hỏng việc chung. Hồi đó, chị gọi tôi bằng anh (vì về mặt công khai, tôi là tay lãnh đạo học sinh toàn trường), bây giờ thì chị gọi tôi là "chú" (chú em) ngọt xớt. Còn anh Bảy Rô thì cảm thấy hạnh phúc ra mặt: làm chồng của một cô gái như vậy, và làm anh của một chú em như vậy, anh rất thích! Tuy chị không kể lại nguyên nhân nào xui chị yêu  anh, nhưng tôi thấy việc đôi này lấy nhau là… không tránh khỏi! Mỗi người đều tìm thấy ở người kia… "ý trung nhân" của mình và tôi tin họ lấy nhau vì tình yêu.

 

Anh Bảy Rô thì kể: anh gặp chị trong cái đêm kỷ niệm Quốc khánh ở Thát Lát, bộ đội và người trong các cơ quan dân chính của tỉnh và Nam bộ tụ về xem lễ. Máy nổ chạy gần như suốt đêm, đèn điện giăng giăng, hàng quán tấp nập, có đủ cả cà phê, hủ tíu… khiến cho cái chợ nhỏ ngày thường trong vùng sâu nông thôn trở nên tưng bừng náo nhiệt với không khí "đời sống mới" của cách mạng và lung linh huyền ảo như mơ. Lính của anh được dự lễ đêm đó trở về phấn hứng đến mức "đánh giặc chết bỏ"! Còn anh, say sưa trong không khí chung, anh lại mê đắm một cô gái múa "Ương ca vũ" trên sân khấu và đứng ngây ra như bị… trời trồng! Cái điệu múa uống rượu của Trung Quốc ấy làm cho anh say đứ đừ, tuy anh chẳng uống rượu, chỉ uống nhạc và nhất là uống những động tác mềm mại, uyển chuyển của cô gái, cả người cô toát lên cái chất mà anh ca tụng dài dòng nhưng tôi tạm tóm lại là có "văn hóa cách mạng", "trí thức cách mạng". Tôi biết tính anh: anh không mê gái, nhưng anh mê "văn hóa", mà phải là "văn hóa cách mạng" chứ "văn hóa nhà giàu" thì anh lại không mê! Anh bị "sét đánh" là phải. Còn chị, tôi cũng biết tính chị, trước một anh bộ đội đẹp trai, đánh giặc giỏi, người chiến sĩ "lạnh lùng vung gươm ra sa trường", "người chinh phu cầm… côn đui lên ngựa" (khẩu súng lục 12 ly Colt douze mà anh được thưởng sau một trận chiến đấu xuất sắc), chị bị… "sét đánh" thì cũng… phải luôn!

 

Suốt mấy năm kháng chiến ở khu 9, Bà Đầm, Thát Lát, Long Mỹ, Vị Thanh… hai anh chị mỗi người mỗi việc, ít khi gặp nhau, nhưng mỗi lần gặp nhau là một lần hạnh phúc tràn trề. Sống cuộc đời bộ đội, cán bộ đoàn thể, gia tài mỗi người chỉ có một cái ba-lô, nghĩ tới nhau là nghĩ tới những điều tốt đẹp trong tình quân dân cá nước, trong lý tưởng cách mạng trong suốt như pha lê lấp lánh ánh mặt trời…

 

Kháng chiến chống Pháp kết thúc, anh chị được một cháu gái. Anh đi tập kết, còn chị được phân công ở lại. Một cuộc chia ly đã được nói nhiều, thôi không nhắc nữa…

 

Anh ra Bắc đóng quân ở Thanh Hóa, còn tôi làm việc ở Hà Nội nên anh em ít gặp nhau. Thỉnh thoảng anh có dịp ra thủ đô, hai anh em tôi mới được hàn huyên, tâm sự. Đến đầu những năm sáu mươi, anh cùng đơn vị trở về Nam. Lúc đó, anh đóng lon thượng úy. Chiến tranh lan rộng ra cả nước, tôi chỉ đánh máy bay ở miền Bắc bằng… bút, nhưng vẫn dõi theo anh và thỉnh thoảng vẫn hỏi thăm được chút ít tin tức anh, biết anh còn sống, đánh giặc rất hăng, được huân chương Quân công hạng ba. Cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai anh em tôi mới gặp lại nhau tại Sài Gòn.

                                                                            *   *

 

Những năm đầu khó khăn sau giải phóng, bận công tác, bận xoay sở trong  cuộc sống, hai anh em tôi thỉnh thoảng mới gặp nhau vài lần, nhất là vào dịp Tết. Sau này, đời sống đỡ chật vật, chúng tôi thăm viếng nhau thường hơn. Anh về hưu cuối những năm tám mươi với quân hàm đại tá. Ít năm sau, chị cũng về hưu. Các cháu đều đã ra ở riêng. Còn anh chị có miếng vườn và căn nhà khá rộng ở Tân Bình.

           

Mỗi khi tôi đến, chị thường làm món mắm và rau đãi tôi, vì bà xã tôi người miền Bắc, lại không ăn mắm nên không làm món này. Thật là tuyệt! Cũng xin mở ngoặc để chú thích riêng cho bạn đọc miền Bắc: mắm và rau là cho rau (thường là bông súng và rau thơm) vào bát cơm chan mắm, rồi cầm đũa và (đưa cơm với rau)  vào miệng ăn cùng một lúc, chứ không phải mắm với rau. Đây là đặc sản Nam bộ mà các loại "lẩu mắm" bán ở hàng quán bây giờ nhiều khi chỉ là "bản phô-tô lem nhem". Vì vậy được ăn mắm do chị Châu, vợ anh Bảy Rô, dân vùng sông Hậu, quê hương của mắm và rau, là một niềm vui nho nhỏ của tôi. Đó cũng là một trong nhiều lý do khiến tôi thường tới thăm anh chị. Chẳng phải tôi tham ăn mà hai anh em tôi đều "tham" cái thứ "văn hóa" này của chị Châu, vì nó thật… "đậm đà bản sắc dân tộc"!

           

Sở dĩ tôi kể hơi dài dòng như vậy để nói chị Châu đối với anh cần thiết đến mức nào. Nhưng, khi hai anh chị thật sự sống cuộc sống của một gia đình trong đời thường thì mới bắt đầu sinh ra nhiều chuyện. Mỗi lần tôi đến, hai anh chị đều mừng vì có người san sẻ tâm sự. Anh than phiền về chị, chị than phiền về anh mà không sợ có sự hiểu lầm họ là một gia đình "lục đục", không sợ bị "chụp mũ" là họ đang "ngủng ngoẳng" với nhau. Những chuyện rất nhỏ nhặt, rất đời thường nhưng có thể làm cho người ta thêm vui sướng hay khổ tâm…

           

Chị kể:"Tánh ông anh chú thật là… Nói ra thì ảnh giận chớ thật là… nông dân… có đuôi! Mấy năm trước, có chút tiền của phường cho ăn Tết, ảnh bàn nên mua bộ pha lê Tiệp để bày tủ cho sang, vì ảnh nghe nói đồ pha lê thì pha lê Bô-hêm là số một thế giới. Anh chăm chút bộ ly, rửa xà bông, phơi nắng, lau kỹ… cho nó thật lấp lánh ánh mặt trời. Tôi mừng vì ảnh ham thích đời sống có "văn hóa". Nhưng một hôm, có anh bạn cũ của tôi, cũng là chỗ thân tình lâu năm, đến chơi, mang theo một chai rượu ngoại vào loại sang nhất để tỏ lòng quí trọng ảnh mà cũng vì thỉnh thoảng ảnh cũng hay bình phẩm rượu này ngon, rượu kia dở ra sao với bạn bè. Tôi ở dưới bếp xếp củ kiệu tôm khô lên cho hai anh nhắm rượu đã thấy ảnh lấy tách trà vẫn để trên bàn rót rượu vào uống rồi bình phẩm khen rượu ngon quá. Tôi nói: Kìa, có bộ ly mới, sao anh không lấy ra. Anh đáp tỉnh bơ: Mới rửa xếp vô, sợ mất công rửa nữa. Thiệt tôi muốn độn thổ trước mặt anh bạn!"

Anh cắt ngang:

- Ồi, bà thật rắc rối. Bạn thân. Cốt là uống rượu chớ ai cốt uống ly!

- Vậy mua ly làm gì?

- Ờ thì cho nó có… văn hóa…

- Trời đất! Tôi thiệt sợ cái thứ "văn hóa" đó của ông!

Anh chưa chịu:

- Có chú thì bả được thể, chớ các bạn tôi đến chơi, tôi kể chuyện này thì ai cũng thấy chẳng có gì mà lớn chuyện.

- Bạn ông cũng đều … có đuôi!

- Nè, bà coi chừng… Đừng đụng đến bạn tôi! Bà cứ kiếm chuyện, làm vợ chồng mất vui. Mất vui là tại bà…

- Vậy ông kiếm bà nào cũng… có đuôi, cho nó vui!

- Bà đấy. Bà cũng có đuôi đấy… Cái đuôi tiểu tư sản…

Từ chuyện cái ly mà sang chuyện… cái đuôi! Mà nghe chừng…

Tôi nói:

- Thôi, em về đây.         

Cả hai anh chị đồng thanh:

- Ấy ấy, còn nồi mắm và rau bỏ cho ai.

-Vậy chị dọn ra đi!

- Ừ nhé! Ở lại nhé!

Chị tất tả xuống bếp. Còn anh lật đật đứng dậy lau bát phụ vợ dọn cơm. Đến khi mâm cơm được bưng ra, chị nói:

- Kìa anh, sao lấy ba cái chén ba kiểu hoa khác nhau?

Anh chống chế:

- Chén bộ bể hết rồi. Mỗi thứ chỉ còn vài cái.

- Vậy để em xuống bếp lấy.

- Sao bà rắc rối quá vậy. Chú Ba chớ khách khứa gì. Anh em tôi đã từng ăn cơm bằng miểng vùa*, bây giờ ăn chén kiểu là sang.

Chị lặng lẽ xuống bếp và lát sau, mang lên đủ ba cái bát hoa, đồng bộ. Anh nén giận:

- Bà bỉ mặt tôi quá.

- Đâu có. Tôi muốn giúp ông chặt… cái đuôi.

- Còn cái đuôi của bà?

Tôi nói:

- Thôi thôi, em về đây…

Hai anh chị đồng thanh:

- Ấy ấy, về là sao?

Món mắm và rau hôm đó, tôi ăn cảm thấy mất ngon. Hai anh chị chắc cũng vậy…

Lần khác, tôi đến chơi, anh có việc phải đi, hẹn tôi cứ ở nhà, trưa anh về, anh em ăn cơm với nhau. Chị được bữa nói ra những điều tâm sự:

- Chú Ba à, chú biết là tôi rất yêu anh, mọi sự tôi nói chẳng qua là để làm sang, làm tốt cho anh. Bởi vì chẳng ai tự thấy rõ lọ nghẹ trên mặt mình đâu, nếu không có cái kiếng soi mặt, phải không chú? Cái đuôi nông dân của ảnh đè nặng lên toàn bộ cuộc sống gia đình tôi, chú à. Những chuyện chú ngó thấy hoặc nghe tôi nói chẳng qua là chuyện râu ria. Còn những chuyện khác lớn hơn. Như chuyện kinh tế chẳng hạn. Mấy năm trước, nhà khó khăn, tôi buôn bán chút đỉnh lấy tiền chợ búa, ảnh la rầy dữ quá, cứ bắt tôi nuôi heo. Tôi đâu rành nuôi heo, vả lại lúc đó ở tập thể, nhà hẹp, phân heo sực mùi, tôi chịu không nổi. Biết ảnh sai mà nói không chịu nghe, bảo là tôi kiếm chuyện gây lục đục gia đình. Bây giờ đã rõ là ảnh sai rồi. Nhưng chú ơi, mười mấy năm trời tôi phải chịu đựng cho qua hết tuổi trung niên… Còn ảnh, cũng đâu có sung sướng gì. Rồi chuyện giáo dục con cái, cũng khác nhau; một thời gian dài, tôi muốn dạy chúng làm người nhưng anh chú thì chỉ biết dạy con làm… anh hùng! Vậy là cứ cãi nhau liên miên… Rồi tới chuyện vui chơi, giải trí,  văn hóa văn nghệ lại càng khác nhau nữa. Cái gì có "đuôi" là ảnh khoái chí, hoan hô nhiệt liệt, bất kể tôi có thích hay không, nhiều khi còn cho đó là nhất xứ, nhất thế giới nữa! Còn cái gì tôi thích mà không có "đuôi" thì ảnh bỏ liền. Xem ti-vi, tôi mê nhạc nhẹ, có hôm dàn nhạc giao hưởng Áo đang chơi Danube bleu, tôi đang mê mải ngồi trước màn hình thì ảnh cầm rờ-mốt bấm qua kênh khác, tìm chương trình ảnh thích. Tôi tức muốn chết nhưng chẳng lẽ cứ cãi nhau hoài. Chỉ còn cách là mua thêm một ti-vi nữa. Mà như vậy cũng chỉ giải quyết cái ngọn. Bởi vì nếu tôi mở ti-vi nghe nhạc nhẹ thì anh bấm vô-lum những chương trình mà anh thích cho to lên, cho át tiếng nhạc nhẹ đi. Tôi cự nự thì ảnh tự ái, cho rằng chương trình khác hay hơn, dễ hiểu hơn…,  cho tôi là "tạch tạch sè", chỉ ham đồ ngoại… Không cãi lại tôi thì ảnh lôi kéo bạn bè có "đuôi" như ảnh tới chơi để lấn át tôi, bảo rằng đó là "đa số". Lại còn xổ ra lý luận bảo đó là "quần chúng ham thích"… Mà lý luận thì ảnh làm sao nói lại tôi. Chỉ được cái ỷ là chồng nên tự cho mình quyền lấn át vợ. Nhiều lúc giận quá, tôi không nhịn được anh nữa thì anh bảo:"Vậy bà kiếm một cái nhà riêng, về đó mặc sức làm, mặc sức nghe theo ý thích. Còn ở đây, bà phải nghe tôi, không thì có bữa…" _ "Có bữa sao?" _ "Có bữa tôi … bịt miệng bà" _ "Nè, bịt miệng đi!" May mà nói vậy chớ ảnh chưa bịt miệng tôi. Rồi đến tối thì, nói chú đừng cười chứ mọi sự giận hờn đều tan biến. Bởi vì chú biết đó, chúng tôi yêu nhau! Tôi chỉ có một nguyện cầu: phải chi ảnh nghe tôi thì tôi hạnh phúc biết mấy và chắc chắn là ảnh sẽ hạnh phúc hơn bây giờ nhiều. Bởi vì cái cuộc sống bình thường và có "văn hóa" như sở nguyện cả đời của ảnh thì tôi rành hơn ảnh lắm chớ. Sao anh chẳng chịu nghe tôi… Sao vậy hở chú?

 

Tôi chịu chết. Biết trả lời chị sao đây. Tôi nói dả lả:

- Phải có thời gian, chị ơi…

- Tôi đồng ý là phải có thời gian. Nhưng chú nghĩ coi, tôi đã bỏ ra cả một cuộc đời để mong đem lại hạnh phúc cho tôi, cho ảnh. Còn chờ tới bao giờ nữa? Không phải mình không biết mà đi quanh co nên mất thời gian. Đằng này mình biết. Chỉ phải tội là ông chồng mình không chịu biết. Khổ vậy đó chú…

Tôi cười:

- Chị cứ luôn mồm kêu khổ mà tôi tới nhà anh chị, chỉ thấy anh chị sướng thôi. Khổ sao không bỏ ảnh đi.

Chị cũng bật cười:

- Cái chú này! Bỏ ảnh thì tôi có sống cũng như chết!

 

                                                                            *

                                                                         *   *

 

Bây giờ thì… "Nhà anh mất rồi, chú Ba ơi!" Cái tiếng kêu đau đớn và thảng thốt đó của anh vọng lại từ đầu dây kia, tôi nghe như tiếng kêu của con chim bị thương vào giữa tim, giữa ngực. Cả đời anh đi tìm một cuộc sống hạnh phúc, bình thường và có văn hóa. Người có khả năng mang lại cuộc sống ấy cho anh là chị. Thế nhưng…

 

Tôi nhìn anh ngồi đó, trong bộ áo tang luộm thuộm, râu ria mọc trắng đã mấy ngày không cạo. Đôi mắt anh thẫn thờ nhìn ra phía trước, nhìn ra một nơi vô định, xa xăm…

 

Tháng 4-1999

Trần Thanh Giao
Số lần đọc: 2382
Ngày đăng: 13.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hẻm sâu* - Nguyễn Hồ
Ngược dốc - Thu Trang
Hỏa thiêu - Thiện Tùng
Đất không cưu mang - Bích Ngân
Tiếng kèn sắc-xô - Bùi Công Thuấn
Chân dung vô hình - Nguyễn Hồ
Tình hoang phế - Võ Tấn Cường
Tâm Bịnh - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Con rồng chữ - Trương Thái Du
Đồng chó ngáp … - Đoàn Hữu Hậu