"SỐNG" - VÌ BẢN THÂN SỰ SỐNG MÀ SỐNG…
Ngô Ngọc Ngũ Long
Báo Sài Gòn Giải phóng số ra ngày: 23-3-2003
Tác phẩm " Sống"của nhà văn Dư Hoa (Trung Quốc) đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới: Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và bây giờ là Việt Nam. Truyện cũng đã từng được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành phim, và diễn viên Cát Ưu với vai chính Phú Quí đã nhận giải Diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 1994…
Câu chuyện được kể khá bình thản về cuộc đời của một con người. Đọc suốt từ đầu truyện đến khi kết thúc, có cảm giác như người kể không muốn chen một chút cảm xúc mình vào trong đó, nhưng khi buông cuốn sách xuống, người đọc cứ bị đè nặng một cảm giác rưng rưng kéo dài. Một cuộc đời, một chất sống mãnh liệt đến không thể hình dung nổi vì sao sức chịu đựng của con người lại ghê gớm đến như thế. Câu chuyện mở đầu khá thú vị với hai hình ảnh già nua của một con người và con trâu, và từ ấy là chuỗi ký ức xâu kết lại suốt hơn bốn mươi năm, từ lúc ông còn là một cậu công tử lêu lổng Từ Phú Quí, đã đốt cả gia sản tổ tiên vào chiếu bạc. Cha tức uất mà chết, nhà cửa ruộng vườn bị tịch biên, từ địa chủ trở thành tá điền, phải thuê năm công ruộng của chính nhà mình từ kẻ được bạc. Rồi bị bắt đi làm bia đỡ đạn cho quân Tưởng Giới Thạch mấy năm, trở về nhà thì mẹ mất, con gái Phượng Hà bị câm. Cả nhà làm việc cật lực mà vẫn nghèo đến nỗi phải đợ con gái mới đủ cho con trai Hữu Khánh đi học. Con trai được mười tuổi đang đi học thì chết vì bị hiến hết máu cho vợ chủ tịch huyện. Hữu Khánh chết oan ức, nhưng vị chủ tịch huyện lại chính là người bạn sinh tử của Phú Quí khi ở quân đội Tưởng. Vài năm sau, Gia Trân bệnh nhũn xương, nằm liệt và qua đời. Còn lại Phượng Hà, 35 tuổi mới tìm được một anh chồng tàn tật. Phượng Hà có thai, sinh con rồi bị băng huyết chết. Nhị Hỷ, chồng Nguyệt Hà nuôi con vài năm lại bị tai nạn mất. Phú Quí mang cháu ngoại mới hai tuổi đầu về nuôi, đặt tên là Khổ Căn, thằng bé mới lên sáu đã phải làm việc ngoài đồng với ông ngoại đến phát ốm, rồi bị bội thực, chết vì nồi đậu luộc của ông ngoại dành phần. Một tay Phú Quí chôn bảy người thân, vậy mà ông vẫn sống và làm bạn với con trâu già. Cả trâu và người đều mang tên Phú Quí, và hàng ngày ông nói chuyện với con trâu bằng tên tất cả người thân của mình: " Nhị Hỷ, Hữu Khánh không được chây lười. Gia Trân, Phượng Hà cày tốt lắm. Khổ Căn cũng được…", với một bí mật mà ông rất tâm đắc: " Tôi sợ nó biết chỉ có mình nó kéo cày, nên đã gọi nhiều cái tên để đánh lừa nó. Nghe thấy còn có những con trâu khác cũng đang kéo cày, nó sẽ vui hơn, kéo khỏe hơn"…
Không có một tia hy vọng nào hé lên để nhân vật bám lấy mà sống. Nhưng dường như không có ai cảm thấy điều đó là cần thiết. Đời sống tự nó là thế, và người ta vui vẻ đón nhận tất cả những biến cố, dù đau đớn nhất. Không có lấy một lời than, cả nhân vật và tác giả, cuộc sống cứ trôi đi bình thản và đậm đặc trong sức chịu đựng ghê gớm của con người. Đó chính là chân lý lớn nhất của cuộc sống. Không ai có thể hủy diệt được nó, và con người, nhân vật trung điểm trong cách nhìn của nhà văn đã vượt lên, bao trùm tất cả vạn vật với một sức sống mãnh liệt và dũng cảm. Và từ đó, ta có thể thấu hiểu hết tất cả những nỗi đau tưởng chừng không chịu đựng nổi của những bà mẹ nhận tang chồng, con mười mấy lần trong cuộc đời, vẫn sống một mình sau chiến tranh để hiểu hết ý nghĩa của sự sống trong mỗi con người. Dư Hoa đã viết: " Sứ mạng của nhà văn không phải là trút xả, không phải là tố cáo hay vạch trần… Khi họ miêu tả những nhân vật suy bì, tị nạnh, chúng ta sẽ cảm thấy bản thân nhà văn cũng đang suy bì, tị nạnh. Những nhà văn như vậy là đang viết tác phẩm thực tại, chứ không phải tác phẩm hiện thực…". Đó là tất cả những lý giải về cuộc sống trong từng trang viết của Dư Hoa. Chính cuộc đời đã quất lên lưng Phú Quí những vết roi, để lột xác anh ta dần từ một con người hư hỏng, đánh vợ không nương tay dù vợ đang mang thai để trở thành một người chồng cõng vợ trên lưng mỗi chiều đi dạo khắp làng khi vợ bị liệt toàn thân. Trương Nghệ Mưu đã chuyển thể "Sống" của Dư Hoa và giữ nguyên tên cho bộ phim, nhưng ông đã không muốn thể hiện đến cùng những bi kịch dữ dội của nguyên tác. Phim đã nhẹ nhàng hơn trong con mắt của người xem khi Hữu Khánh chết vì tai nạn, khi Khổ Căn vẫn vô tư trong vòng tay của ông, bà ngoại và cha với câu chuyện đầy mơ ước về quả trứng nở gà, gà hoá ngỗng, ngỗng thành dê, dê thành bò… Nghĩa là với Trương Nghệ Mưu, chất sống phải vươn lên từng ngày trong niềm hy vọng, dù con người đã bị đọa đày đến cùng cực, đến không còn là người như chuyện ông giáo sư bị giong đi trên đường, bị bỏ đói ba ngày đến nỗi bội thực, chết vì đã ăn một lúc bảy cái bánh bao! Chất sống của Trương không dừng ở sức chịu đựng của con người, mà còn là một niềm hy vọng trước bao nghiệt ngã đau đớn nhất. " Sống" của Trương mang đầy sức chống trả và sức tố cáo cái " Cách mạng văn hóa" một thời đã nghiến nát bao cuộc sống con người… Cả hai cách thể hiện tuy không cùng trên một con đường, nhưng nó cùng ẩn chứa một suy tưởng: " Con người ta vì bản thân sự sống mà sống, chứ không phải vì bất cứ vật nào ngoài sự sống"…
N.N.N.L
CUỘC ĐỜI CÓ THỂ KHÓC?
Nguyễn Ngọc Thuần
Báo Tuổi trẻ, Thứ hai, 10-3-2003
Nếu không muốn tin thì sự sống vẫn cứ là cuộc trải nghiệm vĩ đại, và con người gần như bị buộc vào tư thế không thể chối từ, dù kèm theo đó là những tổn thương mọi mặt. Cái được gọi là nghị lực của con người thực chất chỉ là một tên gọi khác của hy vọng, hy vọng cho chính cuộc đời mình, hy vọng mọi thứ biến đổi, hy vọng vào ngày mai những gì u tối còn lại hôm nay không còn chỗ đứng.
Đó là tất cả những gì đáng nói về cuốn truyện Sống của Dư Hoa, một trong những tác phẩm đáng lưu ý của văn học Trung Quốc dù rất mỏng; và quan trọng hơn cả là cuốn sách có thể làm ta xúc động phát khóc.
Chúng ta khóc bởi vì không tin con người có thể vượt qua, có thể cố lạnh lùng với những bi kịch của chính mình để được sống, và cuối cùng sau những biến động, chúng ta lại khóc một lần nữa cho ký ức đó.
Chuyện xoay quanh gia đình họ Từ, với truyền thống phất lên nhờ nuôi gà, gà biến thành ngỗng, thành dê, thành nhà… Đến đời cha con nhân vật Phú Quí thì ngược lại, dê biến thành gà, đến gà cũng không còn chỉ vì cờ bạc. Phú Quí phải làm lại tất cả và từ đây sự vĩ đại của cuộc sống cũng bắt đầu nhen nhúm. Trải qua chiến tranh, bị bắt đi lính, để lại vợ và hai đứa con, và sống sót trở về khi mẹ mất; cuộc sống đối diện với Phú Quí lúc này là cần phải biến đổi nó tốt đẹp lên, tốt đẹp được hiểu dưới góc độ là sự tồn tại. Con người phải sống mới có thể nhìn thấy những hy vọng của mình. Cái chết không phải là một sự lựa chọn khôn ngoan.
Nhưng đời sống có những éo le của nó xuất phát từ con người, từ quyền lực nhá nhem lúc bấy giờ. Để cứu mạng vợ của chủ tịch huyện, là bạn chiến đấu của Phú Quí, những đứa trẻ đã mừng rỡ tự nguyện đi hiến máu như một chiến công, để rồi con trai Phú Quí bị rút máu cho đến chết - một đứa trẻ đáng yêu luôn luôn lột giày ra cầm ở tay mỗi khi chạy vì sợ bị hỏng. Người cha lặng lẽ chôn con như chôn một khối đen u uất. Tiếp sau đó là cái chết chậm rãi của vợ. Ngay cả đứa con gái câm may mắn lấy được người chồng tật nguyền nhưng tốt bụng cũng lại chết khi sinh con. Người con rể lại tiếp tục chết thật tàn khốc trong một tai nạn khi tìm kế mưu sinh. Niềm hy vọng cuối cùng của ông già Phú Quí được dồn vào đứa cháu ngoại, ngờ đâu đứa cháu qua những ngày đói khát đã chết vì một bữa no.
Không oán hận, không than vãn điều gì, niềm hy vọng của con người được tiếp nối gần như vô hạn; khi niềm hy vọng này mất đi người ta lại tìm kiếm cho mình một hy vọng khác, chờ đợi một kết cục khác. Khi không còn hy vọng gì vào những con người thân thuộc quanh mình, Phú Quí tiếp tục hy vọng vào con vật mình nuôi như một chút nhân ái còn lại đến cuối đời. Sự sống ở đây được hiểu như một khúc khải hoàn mãnh liệt về sức chịu đựng của con người.
Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản…, đoạt giải thưởng văn học "Gelin Thana Kapo" của Ý, đoạt giải "Mười cuốn sách hay" của hai tờ báo Thời báo Trung Quốc (Đài Loan) và tạp chí Bác Ích (Hong Kong). Đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng đã dựng Sống thành bộ phim cùng tên gây xúc động cho tất cả những ai được "chứng kiến" sức sống kỳ lạ của con người…
N. N.T
LÒNG CỨ ĐAU ĐỚN MÃI
Tâm Thơ
Báo Phụ nữ Chủ nhật, Số 12, ngày 30-3-2003
Những năm 80 trở lại đây, văn học Trung Quốc khởi sắc trở lại sau nhiều năm bị "đại cách mạng văn hóa" nhấn chìm. Những nhà văn trẻ thuộc trào lưu sáng tác mới thực sự tài năng, có nhiều tác phẩm xứng với tầm vóc của một đất nước có bề dày văn hóa nhất, nhì thế giới, trong đó Dư Hoa (sinh năm 1960) là một trường hợp khá điển hình, tiêu biểu. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó cuốn Sống từng được giải văn học Gelin Thana Kapo của Ý.
Sống là câu chuyện một đời của người nông dân có tên Phú Quí, một người nông dân bình thường như bao người ở một vùng thôn quê "ăm ắp tiếng ve sầu và ánh nắng". Sinh ra trong một gia đình giàu có (địa chủ), ngày trẻ Phú Quí ăn chơi trác táng, rượu chè, cờ bạc, trai gái, phá tán của cải của gia đình. Cha của Phú Quí thì làm mất hơn một trăm mẫu ruộng của ông nội, Phú Quí tính chơi bạc để "làm rạng rỡ tổ tông", nào ngờ không gỡ được mà còn làm tiêu tan nốt một trăm mẫu ruộng còn lại và đẩy cả nhà ra khỏi căn nhà của tổ tông, khiến cha phải chết tức tưởi, chỉ còn kịp thực hiện lời trối của mình được là người cuối cùng chết trong ngôi nhà của dòng họ Từ. Sau cái chết của cha, Phú Quí tỉnh ngộ và trở thành người sống lương thiện, bình dị như hết thảy những cuộc đời nghèo khổ khác.
Bao nhiêu bão táp của cuộc đời dường như đều thổi thốc vào đời anh, có những khi tưởng như sức chịu đựng của con người là không thể. "Quả tim của một người ngừng đập khiến cho quả tim của một kẻ khác vỡ tan" - Trái tim của Phú Quí cũng vỡ tan không phải một lần mà những bảy lần, lần nào cũng bất thường, đau đớn, oan khiên như thể là nghiệp chướng hay là sự đọa đày khổ ải của kiếp người. Phú Quí trải qua và chịu đựng hết thảy, ai xem cũng phải đau xót, bởi những tai ương ấy, những hoạn nạn khổ đau ấy cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai. Vấn đề là khi ở trong những hoàn cảnh ấy, khả năng chịu đựng của con người sẽ như thế nào. Tác giả cho biết, trong quá trình sáng tác, ông đã nhận ra con người ta vì bản thân sự sống mà sống, chứ không phải sống vì bất cứ sự vật nào ngoài sự sống. Toàn bộ tác phẩm đã minh chứng cho điều ấy. Con người cao thượng (bất cứ ai cũng có thể có phẩm chất này) sẽ không oán than cuộc sống, dù cuộc sống đối với anh có gian nan khổ sở đến đâu.
Sống - một câu chuyện thật đặc biệt, hy hữu nhưng rất hiện thực và sống động từng được đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu dựng thành phim gây xôn xao dư luận một thời, nay độc giả Việt Nam được NXB Văn Học giới thiệu nguyên tác văn học chắc chắn vẫn sẽ làm người xem xúc động và sự cảm thụ sẽ được đầy đủ hơn.
Với tài năng kể chuyện độc đáo, hấp dẫn nhưng hết sức giản dị, "có một không hai" của Dư Hoa, đọc Sống tôi đã phải bật khóc và trong lòng cứ đau đớn mãi; tôi tin bạn cũng sẽ không tránh khỏi. Nhưng khóc không phải để yếu mềm mà để bản lĩnh hơn, thấy yêu và quý trọng cuộc sống hơn.
T. T