Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.149.233
 
Tương Tác
Triệu Từ Truyền

TẠM GỌI LÀ TỰA

 

Có lẽ vì tình bạn sâu nặng lâu dài giữa Triệu Từ Truyền và tôi, Truyền mới cho phép tôi viết mấy dòng tạm gọi là đề tựa ở đây. Cũng vì rất trân trọng tình bạn sâu nặng ấy, tôi buộc phải thực thà viết câu đầu tiên thế này : chắc rằng Truyền đã chọn lầm người mất rồi. Quả tình, tôi có thẩm quyền gì đâu với mộng ước văn chương đau đáu nhiều năm nay của người bạn chân thực đáng yêu như Triệu Từ Truyền ?

 

Truyền đã làm tôi mất ngủ vì trách nhiệm của một người được ký tên ở ngay đầu sách quả là nặng nề, và với riêng tôi, lại có phần quá ư ngang trái : Tôi vốn hằng mong mỏi được làm một kẻ khuất chìm trong rừng văn rực rỡ của  đời sống hiện nay. Truyền biết rồi mà, tôi chỉ muốn được "ẩn dật" giũa chốn ồn ào nhất, từ lâu tôi đâu đủ can đảm để làm thơ viết văn gì đâu. Nhưng lỡ mất rồi, "lỡ làng nước đục bụi trong", tôi đành ghi lại ít nhiều chuyện bên lề văn chương vậy.

 

Tôi đã một đêm để đọc "Tương tác" và vẫn chưa hiểu sao Triệu Từ Truyền lại đặt cho nó một cái tên có âm hưởng huyền học như thế. Cuộc đời này có cái gì "tác" lên được khi chính ta không khởi niệm "qua lại" với sự vật. Tôi vốn coi ngay cả thân, khẩu, ý của tôi thực vốn trống rỗng nên chẳng có gì "tác" vào được. Hoặc là ở chỗ này Truyền với tôi chẳng có gì khác nhau chăng ? Đôi khi tôi luận giải một cách ngây thơ thế này : Chúng ta chỉ giống nhau về những giấc mộng còn đời thực này chúng ta cũng có nhiều phần khác nhau đấy. Mà hỡi ơi, đời thực này chưa chắc đã  có thực huống gì những giấc mộng ? "Thân như điện ảnh hữu hoàn vô", đấy là câu thơ (hay kệ cũng vậy) của  sư Vạn Hạnh mà tôi thuộc từ trẻ. Hoặc chúng ta có quyền quỷ  biện một chút : phải là những người bạn có nhiều phần khác nhau mới đáng để là bạn được chứ, phải không Triệu Từ Truyền ?

 

Trong sách của Truyền có trang nào đó Truyền có trích một câu của một thi sĩ Tây phương đại ý "định lý là dối trá nếu như định lý ấy chết". Hình như Truyền có phần công nhận câu này ? Tôi lại khác, tôi thấy nó ấm ớ lắm, vì ông thi sĩ Tây cứ đòi đối lập "sống" với "chết" nên mới đưa ra hai vế ngược ngạo đùa rỡn đấy thôi. Tôi đâu thấy có cái gì "sống" và "chết" ghê gớm đến thế. Cái gì đang sống luôn luôn đang chết, hoặc nói khác, cái gì không sống tức không chết. Truyền ơi, viết câu cuối cùng cho vui thôi nhé : hình như đến bây giờ tôi vẫn không "hoặc chưa" sống mà. Định chấm hết rồi bỗng sực nhớ mấy câu thơ của Tô Đông Pha từ lâu ám ảnh tôi, chép ra cho Truyền đọc chung :

 

Nhân sinh đáo xứ tri hà tợ ?

Ưng tợ phi hồng đạp tuyết nê

Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo

Hồng phi na phục kế đông tê.

Kiếp người muôn nẻo giống gì đâu ?

Chẳng khác chim hồng đạp tuyết chao

Trên tuyết tình cờ ghi dấu vết

Chim bay đâu biết tuyết tan mau(*)

 

Hay là chúng ta nên "sống" như Tô Đông Pha (hoặc  chí ít cũng giống như con chim hồng kia) vậy, đừng "để vết" lại làm gì.

 

Ngu Cốc, Gia Định, cuối xuân con gà

NGUYỄN TÔN NHAN

 

 

1.

 

Với con người, thời gian có ma thuật chăng ? Trong đời người, có năm đầy những biến cố xấu. Trong năm, có một tháng thường lặp lại những việc không may. Thời thơ ấu, Tịnh được giáo dục triệt để chống duy tâm. Trước khi nhận biết mối quan hệ trong gia đình, gọi ai là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại… Tịnh đã thuộc làu câu : "Vật chất có trước, tinh thần có sau". Vì từ hai tuổi, Tịnh đã sống trong cơ quan kháng chiến, lang thang trên khắp đồng bằng sông Cửu Long.

 

Mấy năm gần đây, Tịnh thường liên kết những hồi ức. Tại sao cứ lặp lại những chuyện buồn thảm hoặc không may trong cùng một tháng của năm ? Lúc đầu, Tịnh bằng lòng với cách giải thích do sức khoẻ của mình thường suy yếu vào một thời điểm cố định nào đó, nên anh thiếu sáng suốt để giải quyết những sự việc liên quan. Hơn nữa có những sự việc xảy ra không thể can thiệp bằng ý thức của chính mình…

 

Tiếng chuông điện thoại cắt dòng suy nghĩ của Tịnh. Từ đầu dây bên kia phát ra giọng nói trầm đục ra vẻ thân thiện :

- Alô, anh Tịnh đó phải không ? Có nhận ra giọng nói của tôi không ? - Tịnh chưa nói dứt ba tiếng "phải tôi đây", thì lại nghe - ngày mai đến gặp tôi để bàn một số chuyện cần thiết… À mà chú có khoẻ không ? Nhớ đến vào lúc tám giờ sáng mai nhé !

 

Tịnh chưa kịp nói gì, đầu dây bên kia đã cúp.

 

Tịnh cười nhạt. Cách diễn đạt không mạch lạc của Bạc, giọng nói cứng cỏi, âm hưởng chỉ huy, phong cách của Bạc không chút thay đổi dù là đang trình bày dài dòng vấn đề trong các cuộc họp hay chỉ nói chuyện tình cờ trong dây nói. Tịnh thầm nghĩ Bạc là người tiêu biểu của thói quen cẩu thả trong suy nghĩ nhưng gò bó trong lời nói.

 

Tịnh dự đoán những nội dung khác nhau của cuộc gặp gỡ ngày mai với Bạc. Bạc sẽ tung "chưởng" nào ra đây ? Bạc thường có ba cách nắn gân : nắm lấy một chi tiết vặt vãnh chưa ổn để chỉ trích người có trách nhiệm thực hiện ; một thủ thuật khác đã nêu ra hàng loạt những yêu cầu có vẻ thiết thực nhưng không có đều kiện để thực hiện ; cách thứ ba, độc hại hơn hết, làm cho đối tượng hoàn toàn tê liệt phản ứng là dựa vào một điểm thuộc đời tư, hoặc thói quen sinh hoạt, chứng minh rằng nạn nhân ấy "mất lập trường" hoặc, nhẹ hơn, "thiếu quan điểm".

 

Tịnh trở mình. Trong giấc ngủ trưa chập chờn, hồi ức như cuộn phim quay chậm.

 

Đêm giao thừa, tiếng pháo nổ xa xa, còn tiếng đạn nổ mừng xuân lại gần. Giữa khu rừng, một không gian đen đặc hơn bất kỳ một đêm đen nào mà Tịnh đã biết trước đây. Chiếc xe hàng nhưng lại chở người như run rẩy trong đêm lạnh, có lúc như một người điên nhảy múa trên con đường xuyên rừng, gồ ghề ngoằn ngoèo.

 

Trên xe, không ai nói lời nào trong chặng đường đầu hướng về đồng bằng. Tịnh nhìn từng người và suy nghĩ về thân phận làm người. Trước hết, là một người gầy gò ốm yếu, hai chân khẳng khiu làm sao có thể vượt qua một chặng đường trăm cây số đường bộ hiểm nghèo ? Một người đàn bà có tầm vóc trên trung bình gần tuổi bốn mươi. Nghe đâu chồng của chị ấy còn ở miền Bắc. Còn có nhiều người khác trên xe. Song Tịnh chỉ tập trung ý nghĩ vào một người đàn ông có màu da trắng, trán trợt, loắt choắt. Đó là Bạc, trưởng đoàn của đội công tác đặc biệt. Bạc lớn hơn Tịnh một thế hệ. Tịnh cảm thấy khó gần gũi với con người này.

 

Sau khi vượt qua sông bằng thuyền máy, đoàn bắt đầu đi vào một vùng đất khô cằn. Có lẽ cũng còn cây cỏ, nhưng so với đại ngàn, vùng đất biên giới này đã đánh lừa tâm trí của Tịnh. Bước vào làng, Tịnh cứ nghĩ là mình đi vào một thị trấn của miền Viễn Tây nước Mỹ. Hai dãy nhà lợp tranh, tường trát đất nằm cô quạnh giữa vùng đất mênh mông lưa thưa cây cỏ, chỉ khác sa mạc là dưới chân người không có cát. Lúc còn học tiểu học, Tịnh rất thích xem phim về những người chăn bò ở vùng Texas  vào thế kỷ 18. Có lẽ do đó Tịnh đã hình dung quãng đường hành quân này như những đoạn phim đầy chất lãng mạn của thuở thiếu thời.

 

Tịnh và hai người bảo vệ bước vào một quán nước được bài trí theo kiểu người Hoa. Trên cái bàn tròn, một đĩa bánh ngọt ánh lên một màu vàng đầy kích thích. Đang rất thèm ngọt, Tịnh ăn ngay một bánh có hình bán nguyệt, nhân đậu xanh. Tịnh có cảm giác hụt hẫng như vừa xách lên một cái thùng không mà, trước đó, anh lại tưởng chứa đầy nước. Nhưng người chủ của cái quán này là ai ? Với tất cả mọi chuyện quái đản trên một đất nước có chiến tranh ác liệt, thì nguyên nhân dễ tìm thấy lại là chính chiến tranh. Tịnh nhìn những khuôn mặt và nghe tiếng nói của gia đình chủ quán. Rõ ràng không phải người Việt hay người Khmer. Có lẽ thuộc một bộ tộc nào đó của dân tộc Hoa.

 

Sau khi nghỉ lại đêm, đoàn tiếp tục đi bộ trên những con đường đất tiến sâu vào lãnh thổ Campu chia. Đoàn người đi dưới nắng cháy của mùa khô nhiệt đới, nước uống trong các bình-tong cạn nhanh hơn dự tính. Mặc dù có rất nhiều cây thốt nốt -  nước thốt nốt cho dinh dưỡng rất cao - nhưng qui định trên đường đi là không mua bán gì với người dân địa phương. Chính quyền địa phương cấm bán bất kỳ thứ gì cho người Việt Nam. Nếu bán một trái dừa hay một ít nước thốt nốt, hình phạt là bị đánh mười lăm hèo. Nhưng hình phạt thì lại rất tùy tiện theo quyết định của người cầm quyền Khmer đỏ…Vừa đến trạm nghỉ chân, anh em bảo vệ chạy đi tìm cành khô để nấu nước. Bình trà vừa pha xong, Bạc đã rót ra uống không còn một giọt. Mọi người rất bất bình. Tịnh đến nói với Bạc :

- Sao anh không nghĩ đến ai hết ? Anh là trưởng đoàn mà không gương mẫu.

Bạc không dám phản ứng mặc dù có thói quen ăn trên ngồi trước. Tịnh bước ra phía sau, lên đạn khẩu súng ngắn K.54 như sắp sửa đối đầu với địch. Bạc hoảng hốt chạy đến bên :

- Chú làm gì vậy ?

Cơn bực dọc của Tịnh cũng đã dãn ra :

- Tôi chùi súng.

Triệu Từ Truyền
Số lần đọc: 1734
Ngày đăng: 19.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Chuyện tình - Erich Segal
Bụi đời - Triệu Xuân
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm