Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
641
123.366.156
 
Chúng ta đã có một nền văn nghệ dân tộc thiểu số
Nguyễn Thị Thu Hiền

Chúng ta đã có một nền văn nghệ dân tộc thiểu số thực sự trong dòng chảy của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại

 

Đúng vào dịp “ sân 51” ( 51 Trần Hưng Đạo- Hà Nội, trụ sở của UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và một số hội VHNT chuyên ngành ) bận rộn cho Đại hội nhiệm kì, chúng tôi lại hỏi chuyện thơ với nhà thơ Mai Liễu. Bận rộn khiến ông khất lần. Cuối cùng, trong ngày được nghỉ, ông đã rủ rỉ trả lời phóng viên bởi chuyện thơ luôn là chuyện cả đời, cơn cớ gì “ quả còn mê ngủ” ( cách gọi của nhà văn Trung Trung Đỉnh trong một bài viết về nhà thơ Mai Liễu)- người đã có trong tay gần chục tập thơ ( Suối làng- 1994, Mây vẫn bay về núi- 1995, Lời Then ai buộc- 1996, Tìm tuổi- 1998, Giấc mơ của núi- 2001, Đầu nguồn mây trắng- 2004, Bếp lửa nhà sàn- 2004 ) đoạt giải ( Tặng thưởng của UBTQ các hội Liên hiệp VHNT Việt Nam- 1996, giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ- 1998- 2000,  các giải thưởng của hội VHNT các DTTS Việt Nam- 1998- 2001- 2002 ) lại nỡ chối từ.

           

PV: Xin được làm phiền nhà thơ đúng vào ngày nghỉ này! Được nghỉ, ông không cùng gia đình về thăm quê hương như luôn vẫn mong chờ?

 

Nhà thơ Mai Liễu ( cười): Nhiều khi ngày nghỉ với tôi lại vẫn là ngày làm việc. Nhiều việc, còn nhiều cái phải viết... May là tôi mới về thăm quê.

 

PV:  Vâng, đôi khi đành là những cuộc viếng thăm trong thơ. Thơ ông đầy ắp những kỉ niệm về thành Tuyên. Xa quê đã khá lâu, ông nói gì về những kỉ niệm đó trong thơ?

 

Nhà thơ Mai Liễu: Thành Tuyên theo nghĩa hẹp, đó là một địa danh có toà thành cổ tương truyền xây từ thời nhà Mạc, nằm bên bờ sông Lô, tức thị xã Tuyên Quang ngày nay. Toà thành ấy hiện nay đã thành phế tích, chỉ còn dòng sông Lô vẫn thao thiết chảy:

Vẫn còn đó một dòng sông

Sóng vỗ phía nào hư thực

Thành xưa mòn trong kí ức

Người xưa hồn ở nơi đâu?

                                                                                    ( Suối làng )

 

Theo nghĩa rộng, thành Tuyên là quê hương Tuyên Quang, quê hương miền núi đã từng được chọn là căn cứ cách mạng tháng 8 và thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp. Thơ tôi chủ yếu là niềm tự hào và những kỉ niệm về quê hương. Càng đi xa, đi lâu thì kỉ niệm càng sâu, càng bền. Mỗi con suối, dòng sông, ngọn núi, đồi cây, bếp lửa, mái nhà sàn, ngày hội, điệu hát, chim muông... đều có hồn, có tiếng nói riêng của chúng. Tôi cố gắng lắng nghe, ngẫm ngợi và ghi lại chúng. Thực ra, đó cũng là ân tình của người viết đối với miền quê và cuộc đời.

 

PV: Có một số bài thơ của ông giàu tính triết luận, chẳng hạn như bài “ Qủa và chim” được rất nhiều người yêu thích. Với ông, tính triết luận ấy bắt nguồn từ đâu?

 

Nhà thơ Mai Liễu: Làm thơ, tôi không cố ý triết lí gì cao siêu cả. Tuy vậy, tôi có dụng ý lập tứ, chọn lựa hình ảnh, hình tượng từ những gì gần gũi, thân thuộc nhất để tạo sự so sánh, liên tưởng. Từ những hình ảnh đối lập, người đọc có quyền liên tưởng điều nọ điều kia tuỳ thuộc vào kinh nghiệm sống của mỗi người. “ Qủa và chim” cũng được viết theo cách đó. Tôi nghiệm ra rằng những loài chim ăn được loại quả rất độc, rất ngứa đều hay hót và hót rất hay ( có lẽ do chúng bị ngứa họng). Cái tai hại là chính tiếng hót của chúng đã thu hút những kẻ săn mồi- loài ác điểu đến rình bắt mình. Tất nhiên, kẻ đang rình rập săn mồi phải im hơi lặng tiếng rồi, làm sao có thể vừa hót vừa rình mồi được... Cái gọi là triết luận trong thơ tôi đều là những bài học rút ra từ thế giới cỏ cây, loài vật, bài học của tự nhiên. Người đọc có thể liên tưởng đến cuộc đời, đến số phận của con người. Điều đó cũng dễ hiểu. Xã hội tồn tại cũng là một dạng khác của tự nhiên. Một tự nhiên đã được nhân hoá nhưng không phải lúc nào cũng được nhân đạo hoá. Với tôi, “ Qủa và chim” là bài học của sự cảmh giác.

 

PV: Là nhà thơ dân tộc Tày, tham gia công tác tại hội VHNT các DTTS Việt Nam, ông có suy nghĩ gì về văn học các DTTS nói chung và nền thơ của văn học các DTTS nói riêng?

 

Nhà thơ Mai Liễu: Qua nhiều năm hoạt động trong hội VHNT các DTTS, tôi thấy vui vì chúng ta đã có một nền văn nghệ DTTS thực sự trong dòng chảy của nền VHNT Việt Nam hiện đại. Nền văn nghệ ấy tuy còn non trẻ nhưng đã có lực lượng, có thành tựu qua mấy chục năm phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển của VHNT các DTTS chưa đều giữa các chuyên ngành. Có chuyên ngành chưa có thành tựu lớn, đội ngũ đông, có chuyên ngành mới hình thành, đóng góp cho đất nước còn ít. Trong tương lai, VHNT các DTTS có tiền đồ rất khả quan bởi các DTTS đều có nền văn nghệ truyền thống rất phong phú, giàu bản sắc. Mặt khác, là sản phẩm của cách mạng tháng 8, VHNT các DTTS đi thẳng lên hiện đại. Đất nước ta đang đổi mới và phát triển, Đảng và nhà nước đã và đang đầu tư ngày càng tăng cho miền núi và vùng DTTS. Dân trí vùng DTTS ngày càng được nâng cao, nhu cầu thưởng thức VHNT của đồng bào ngày càng tăng. Những người hoạt động VHNT các DTTS có cơ hội và điều kiện phát triển tài năng, tâm huyết và sáng tạo của mình.

Trong các chuyên ngành nghệ thuật DTTS thì thơ là lĩnh vực có thế mạnh nhất. Điều đó cũng dễ hiểu vì các DTTS đều có vốn dân ca rất phong phú. Dân ca là thơ hát. Sau cách mạng tháng 8, thơ DTTS xuất hiện đã để lại dấu ấn đậm nét trong nền thơ ca kháng chiến và là nền móng đầu tiên xây đắp nên nền VHNT các DTTS Việt Nam hiện đại với những tên tuổi lớn như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu, Cầm Biêu, Hoàng Nó, Lương Quý Nhân... Từ đó đến nay, thơ DTTS đã đi một bước dài. Từ cái nền truyền thống, các tác giả DTTS đã thực sự đổi mới cho thơ dân tộc trên tinh thần tiếp thu thành tựu của thơ Việt.

 

Thơ DTTS hiện đại đang có những đại diện xứng đáng của mình như Y Phương, Dương Thuấn (Tày), Lò Ngân Sủn ( Giáy), Inrasara ( Chăm ), Vương Anh ( Mường), Triệu Kim Văn ( Dao), Hơrê (Hrê ), Lò Cao Nhum ( Thái)... Họ đã góp phần làm nên diện mạo của thơ Việt Nam hiện đại.

Tuy nhiên, thơ DTTS hiện nay cần tránh hai khuynh hướng: một là biệt lập, nệ cổ, hai là Kinh hoá.

 

PV: Công việc của ông hiện nay tại UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam khá bận rộn, ông thường xuyên đi công tác tại các hội VHNT địa phương. Ông có nhận xét gì về hoạt động của các hội địa phương?

 

Nhà thơ Mai Liễu: Hội VHNT địa phương ( hiện nay cả nước có 63 hội) là một bộ phận rất quan trọng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Đoàn chủ tịch UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam luôn đánh giá cao vị trí và vai trò của các hội VHNT các tỉnh, thành trong việc phát triển nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hàng năm, nhiều tác giả tiêu biểu là hội viên của các hội VHNT địa phương được kết nạp vào hội chuyên ngành Trung ương- tăng cường thêm lực lượng trẻ, sung sức cho các hội trung ương. Hiện nay, sự cách biệt về tài năng sáng tạo giữa các văn nghệ sĩ trung ương và văn nghệ sĩ địa phương là không lớn. Giải thưởng hàng năm của UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và của các hội chuyên ngành Trung ương có nhiều hội viên các hội địa phương được trao giải cao.

Tuy nhiên, nơi này, nơi kia cũng có quan niệm và hướng hoạt động của hội VHNT mang tính phong trào, thiếu sự đầu tư chiều sâu cho lĩnh vực có thế mạnh, cho những tác giả có năng lực sáng tác vượt trội để tạo ra nhiều tác phẩm có tầm vóc của địa phương và cả nước.

 

PV: Được biết ông đã từng là một người lính. Những sáng tác của ông về người lính, về những kỉ niệm trong quân ngũ có nhiều? Những dòng thơ lưu lại?...

 

Nhà thơ Mai Liễu ( trầm ngâm): Tôi bắt đầu làm thơ khi còn trong quân ngũ. Tôi viết về quê hương, về quyết tâm chiến đấu và sự hy sinh của người lính. Nhiều bài thơ thời quân ngũ tôi đã đốt bởi quan niệm và cảm xúc sáng tác lúc đó khác bây giờ nhiều quá, đọc lại không thích nữa. Trong các tập thơ đã xuất bản của tôi chỉ còn lại vài bài viết thời quân ngũ, vài năm sau có sửa chữa chút ít. Bây giờ tôi vẫn viết về thời kì chiến tranh- một giai đoạn thật đặc biệt của thế hệ chúng tôi. Một thế hệ vừa rời ghế nhà trường, vừa buông cây bút, chưa kịp cầm cày, cầm búa đã cầm cây súng. Có một thế hệ thanh thản đi vào cuộc chiến đấu, chấp nhận hy sinh, mất mát. Lí tưởng và sức mạnh của họ là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Họ tuyệt đối tin tưởng vào ngày toàn thắng của dân tộc dẫu ngày đó có thể họ không còn có mặt nữa... Thơ tôi thiên về sự hy sinh, mất mát của người lính. Năm 1980, khi lên với bộ đội trên một chốt tiền tiêu ở Xín Mần ( Hà Giang), tôi có làm một bài thơ, trong đó có hai câu:           

 

Ơi biên cương gắn bó với đời tôi

Với đồng đội đứng trên đồi cản giặc

 

Tình cảm ấy bây giờ tôi muốn dành tặng các chiến sĩ biên phòng ngày đêm thầm lặng đứng gác cho Tổ quốc xây dựng hoà bình. Năm 1993, tôi trở lại Thanh Thuỷ ( Hà Giang)- một địa danh một thời được coi là “ lò vôi thế kỉ” bởi sức công phá của cả hai phía. Khi tôi đến, cửa khẩu Thanh Thuỷ vừa mở trở lại. Các cán bộ chiến sĩ hải quan và biên phòng đều rất bận rộn với công việc. Xúc động về sự hi sinh của những người lính, tôi viết bài “ Thanh Thuỷ mười năm”, tặng các chiến sĩ bộ đội biên phòng nói chung và các cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Thanh Thuỷ nói riêng.

PV: Xin được thay mặt độc giả và các chiến sĩ biên phòng cảm ơn ông!

 

Nguyễn Thị Thu Hiền
Số lần đọc: 3565
Ngày đăng: 22.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ & thơ tiếng dân tộc thiểu số đi về đâu ? - Inrasara
Phan Trung Thành dọc đường thơ sang kí ức sông - Inrasara
Cánh đồng bất tận cuộc đời bất tận - Hà văn Thùy
Thơ đồng bằng sông cửu long - Hà văn Thùy
Con nhền nhện bị vướng trong tấm lưới của mình - Hà văn Thùy
Trần Hữu Dũng: Gã Nam Bộ làm thơ - Từ Nguyên Thạch
Giang hồ muôn nẻo đều linh : Đọc thơ Linh Phương. - Phạm Lưu Vũ
Trang Văn hóa Văn nghệ của các báo Chính trị Xã hội : CẦN DÀNH VỊ TRÍ TRANG TRỌNG CHO VĂN HỌC - Triệu Xuân
“Chân dung ảo ” khi thơ nhìn nghiêng - Hoàng Công Tâm
Nhân đọc seri tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiêp :Thưa chuyện đàn anh (1) - Lê Anh Thu
Cùng một tác giả
Ly (truyện ngắn)
Hai người vợ lính (truyện ngắn)
Gío ngược Đồng Vai (truyện ngắn)
Chuyến Xe Giối Già (truyện ngắn)
4 Truyện cực ngắn (truyện ngắn)
Miền cỏ bên đời (truyện ngắn)
Nghi án Yên Tử (truyện ngắn)
Phố mới (truyện ngắn)