Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.267
123.160.117
 
Bộ râu thủ trưởng
Kim Tinh

Sự nghiệp văn học của tôi - nếu như tôi được phép khiêm tốn định danh như vậy - là một chứng cớ hùng hồn và đáng ngán của câu "lực bất tòng tâm". Để viết nên những truyện ngắn và những truyện không ngắn chưa bao giờ được in ở bất cứ tờ báo nào, quyển sách nào, cây bút nghiệp dư cần cù đến tội nghiệp của tôi, trong vòng bốn năm, đã tiêu thụ ngót tám mươi ký lô giấy. Đó là tôi dùng cái câu chuẩn duy nhất của ban quản lý chợ tỉnh mà tôi mượn đọc, do chỗ quen biết. Lâu nay, nó chỉ được dùng vào một việc duy nhất là trưng bày ở các cuộc triển lãm. Nếu dùng cái cân và cách cân thiện nghệ của quý bà bán thịt, bán cá thì số giấy này vượt quá một tạ như chơi.

 

Nhưng rồi, trên tờ báo Hạt tiêu của tỉnh bỗng xuất hiện một truyện ngắn của tôi. Do một phương pháp biên tập không chê vào đâu được, tác phẩm của tôi bị biến dạng đôi chút. Dù vậy, tôi vẫn còn nhận ra nó, qua tên các nhân vật, qua cốt truyện, nhất là qua tên tác giả. Tên tác giả dường như ít được nhà biên tập quan tâm chăm sóc, nên vẫn được giữ nguyên.

 

Để ra ngoài tai bao lời gièm pha - nào là chó táp phải ruồi, nào là nhà văn bất đắc chí, suốt mấy ngày liền, tôi thấy mình như trôi bồng bềnh giữa cõi đời này. Giấc mơ xiết bao êm ái còn có thể kéo dài quá mức, nếu như không có cái vỗ vai của thủ trưởng cơ quan vào một sáng. Ông ra hiệu bảo tôi vào phòng làm việc của ông.

 

Ông chỉ ghế cho tôi ngồi, rồi cẩn thận khép cửa phòng. Chỉ khép chớ không khóa trái cửa, động tác này được tôi đánh giá như một thiện chí hòa bình, nếu đây quả là cuộc hội kiến kém thú vị mà tôi dự đoán ngay khi thấy cái truyện của mình trên báo. Mức độ trầm trọng của cuộc đối đầu này, mấy ngày qua, tôi có phần xem nhẹ, do quá say sưa với thắng lợi đầu tiên trong văn nghiệp.

 

Ông nhanh tay thu dọn mớ giấy má bề bộn trên mặt bàn viết, uể oải ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc của mình. Châm thuốc hút. Lơ đãng nhìn qua cửa sổ. Ông quên không mời tôi một điếu. Theo phép lịch sự thôi, chứ tôi thì chưa phải tay nghiện nặng. Im lặng. Tôi cố trấn an mình. Rút lui thì không kịp nữa rồi. Mà rút lui đi đâu được. Một tiếng thở dài. Tôi giật mình. Của ai vậy, của thủ thưởng hay là của tôi, cái tiếng thở dài lộ liễu ấy? Tôi không kịp nghĩ nữa. Thủ trưởng đã lên tiếng.

 

Ông nói chậm rãi, giọng ngọt ngào như đường phèn. Lần đâu tiên tôi phát hiện ở thủ trưởng một giọng nói truyền cảm đến như vậy. Ông tâm sự mà. Tôi trộm liếc ông. Ông chằm chặp nhìn tôi bằng ánh mắt của con mèo nhìn con chuột. Vì vậy, tôi thích nhìn xuống hai bàn chân của ông hơn. Hai bàn chân trần sạch sẽ ấy - dép để ngoài cửa - đang nhịp đều đều trên nền gạch bông sạch bóng. Các chân ghế ngồi của ông cũng sạch bóng. Theo lời cô thủ thư ở văn phòng, chiếc ghế này được đóng theo kiểu độc đáo do đích thân ông vẽ mẫu, được thợ đánh lại vẹc-ni hàng tuần. Hàng tuần? Chà, căn cứ vào tính ba hoa và hay cường điệu của cô thủ thư về món cường điệu thì tôi đoan chắc là cô ta ăn đứt tôi, mặc dù cô không hề viết văn, ta có thể tạm hiểu là chiếc ghế được đánh lại vẹc-ni hàng tháng hoặc hàng quý thì có lý hơn. Còn chị lao công hẳn phải biết rõ tính thủ trưởng thích sạch sẽ, sạch sẽ gần như tuyệt đối, tương xứng với cương vị người đứng đầu một cơ quan quan trọng.

 

Thủ trưởng nói gì nãy giờ? À, ông giảng giải về chức năng cao cả của văn học xã hội chủ nghĩa. Bài diễn văn hơi kém mạch lạc, có lẽ lĩnh vực này chưa được ông để tâm nghiên cứu. Chứ ông vốn là con người của trí tuệ, như ông thường nhận. Đôi lúc, ông còn nói lan man sang các vấn đề triết học. Ông dẫn lời của Ăng-ghen mà ông nhớ nhầm là của Mác, rằng chúng ta - gồm cả ông và tôi, đang đi từ vương quốc tất yếu sang vương quốc tự do. Ông căn dặn tôi chớ có hiểu vương quốc ở đây như là đất đai phong kiến. Tôi gật đầu tán thành. Tôi nghĩ: Trong cuộc hành trình gian khổ giữa hai vương quốc này, ông phải đi trước tôi, tức nhiên, vì ông lãnh đạo tôi mà.

 

Các tác phẩm được ông dẫn ra là Tam quốc, Thủy hử, cả Tây du ký, Phong thần. Mặc dù gian phòng rất yên tĩnh, mặc dù tôi cố tạo một bộ mặt tích cực hưởng ứng, tôi chỉ nghe ông câu đặng câu mất. Một phần vì sự uyên bác của lời thuyết lý vượt quá tầm suy nghĩ ngắn ngủn của tôi. Một phần quan trọng hơn là vì tôi bận chuẩn bị lý lẽ để tự bào chữa. Hay nói theo thuật ngữ quân sự, tôi chuẩn bị phòng ngự. Bởi vì tôi chưa tin lắm vào tính chất hữu nghị của cuộc gặp gỡ.

- Tóm lại - Ông đột ngột kết luận - Văn học phải làm cho người ta tin tưởng vào chế độ, tin tưởng vào thủ trưởng là người thay mặt cho chế độ. Có đúng không?

 

Tránh trả lời thẳng câu hỏi của ông, tôi mạn phép trình bày ý kiến của mình. Sau đó, tôi mới thấy mình thật là lố bịch. Tôi nhận xét về Ghen-man, Ô-vét-xkin, về Mác-cốp, Đum-bátzê. Biết tính ông chỉ thích nói cho bên dưới nghe, chứ không thích nghe bên dưới nói, tôi cố diễn đạt thật ngắn gọn.

 

- Cậu hơi ba hoa rồi đó - Ông bực bội chặn lời tôi. Ông nói rằng ông không cần biết tới các tay Ghen-xkin, Mác-cốp-zê nào đó. Đọc các nhà văn tư sản, phải biết tiếp thu có phê phán. Tôi định nói rằng: trong các nhà văn tôi vừa kể, không có anh tư sản nào lẫn vào cả. Nhưng ông không cho tôi nói. Ông bảo tôi đừng tưởng ông chỉ thông thạo truyện Tàu. Nên hiểu rằng ông từng đọc Cor-nây, Ra-xin, Huy-gô, đọc tiếng Tây chính cống, vào cái thời xưa lắm, đâu hơn ba mươi năm về trước, lúc mà có lẽ ba tôi còn chưa biết tên má tôi nữa kia.

 

Kẻ hậu sanh đành cúi đầu nhận ra mình dại dột làm phật lòng thủ trưởng. Mong chuộc tội, tôi từ tốn tiếp lời ông, nhắc thêm mấy ngôi sao của nền văn học Pháp: Mô-li-e, Ban-zắc, La Phông-ten. May sao, câu thơ của La Phông-ten: "Cái lý của kẻ mạnh nhứt bao giờ cũng đúng" nhắc nhở tôi cảnh giác, bám chặt công sự phòng ngự thì hơn.

 

- Thưa thủ trưởng, do đó, tôi mạn phép nghĩ rằng…

- Thôi, thôi. Chấm dứt mạn đàm văn học tại đây - Ông ra lệnh, đưa tay đẩy cái bình hoa ra xa. Rồi đứng dậy và xung phong chăng? Không! Ông mím môi, nhìn ra cửa sổ. Rồi quay nhìn tôi với ánh mắt khó xác định. Cây gậy hay là củ cà-rốt đây?

- Bây giờ, ta vào thẳng vấn đề - Ông vừa nói, vừa rút từ ngăn kéo bàn viết một tờ báo Hạt tiêu, chìa ra trước mặt tôi cái truyện ngắn vô tội của tôi, dưới ký tên tác giả nghe như người nước ngoài: Chô-qua-li.

- Cậu đã đọc rồi hả? Ừ, đọc rồi. Tôi biết cậu yêu thích văn học. Tốt lắm. Cậu nhận xét gì về truyện này?

Tôi vắn tắt trình bày ý kiến của mình. Tôi khen tác phẩm. Kín đáo thôi, nhưng rõ ràng là tôi khen.

- Nghe đây - Ông giơ tay bảo tôi im. Tôi là người thích dân chủ. Tôi sẵn sàng nghe cậu, như nãy giờ, cậu đã thấy. Nhưng mà, cậu nên hiểu rằng…

 

Nhà dân chủ cứng rắn quy tội cho truyện ngắn, cho tác giả. Nó bôi xấu cán bộ Nhà nước, làm phương hại lòng tin quần chúng, mở đường cho địch xuyên tạc, vân vân. Nó chưa đến nỗi như là Nhân giai Văn phẩm (ông lại nhớ lầm), nhưng nó không lành mạnh, nó nguy hiểm, vân vân.

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần, tôi thấy xương sống ớn lạnh. Tôi cố biện bạch rằng văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa có nhiều cách làm cho người ta tin vào chế độ, rằng lên án điều xấu cũng có nghĩa là khẳng định điều tốt, rằng im lặng trước các tệ nạn tiêu cực tức là vô hình trung đồng lõa với chúng.

 

Tôi ra sức viện dẫn một số tác phẩm kịch nói, tiểu thuyết rất được dư luận hoan nghênh gần đây, những thứ vẫn được ông quan tâm theo kiểu mấy anh thợ hớt tóc quan tâm đến sao Hỏa.

Ông ngồi nghe tôi với thái độ ngán ngẫm của vị quan tòa, thái độ lạnh lùng của anh đồ tể cầm con con dao chọc tiết trước con heo đã bị trói.

- Thôi được - Ông dõng dạc nói - Vì sao cậu bênh vực truyện này? Cậu là tác giả, phải không? Tôi hỏi lại: Phải hay là không phải cậu viết ra cái… này? (Có lẽ ông kịp kìm chế để không buông ra một từ không được văn chương lắm). Im lặng à. Tức là nhận?

Tôi khẽ gật đầu. Ông từ từ đứng lên. Tôi vờ sửa lại bộ ngồi. Ông không tiến lại phía tôi. Ông chắp tay sau lưng bước lại đứng bên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Thân mình của thủ trưởng có khuynh hướng bịt kín cái cửa sổ không phải nhỏ bé gì. Hình như ông thở khá nặng nhọc. Hình như ông không chủ định nhìn cái gì đó ở bên ngoài, cho dù bên ngoài có hiện ra một đóa hoa xinh tươi, một đóa cười duyên dáng. Hai bàn tay ông vẫn đặt ở mông, cứ nắm lại, buông ra, lại nắm lại.

Chị lao công rụt rè gõ cửa, đẩy nhẹ cánh cửa, bưng vào bình trà mới châm, rồi quay ra ngay. Ông vẫn không quay lại. Tôi nhìn đắm đuối bình trà tỏa hương thơm phức, thèm một ngụm nước. Nhưng xét tình cảnh hiện tại, tôi thấy không tiện rời khỏi chiếc ghế của mình. Cái cổ khô cháy đáng thương của tôi cần được cứu vãn gấp. Nhưng nó đâu phải là cái được ông ưu ái. Cứ trông đôi nắm tay gân guốc của ông đang nóng nảy thao tác, tôi ngờ rằng, nếu như ông được tự do hành động, ông sẽ đối xử với cái cổ gầy yếu của tôi theo lối khác, không mấy tế nhị.

 

Ông bỗng quay phắt lại, nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi cũng nhìn thẳng vào mắt ông. Ông lắc đầu, khoát tay thất vọng, trở lại ngồi xuống ghế.

- Mà thôi! - Ông hắng giọng - Người ta nói: Ngựa non háu đá. Xin lỗi. Nhưng mà người ta nói đúng. Ngựa non… Tôi thông cảm với cậu. Tuổi trẻ mà, bao nhiêu là nhược điểm.

 

Nhà tâm lý học vạch ra các nhược điểm của tuổi trẻ. Ông phân tích, đánh giá chúng nghiêm khắc đến nỗi giá như dồn hết thanh niên vào nhà giam thì đất nước này mới có cơ tồn tại yên lành được. Như thể trong đời mình, ông không hề mắc các nhược điểm đó. Như thể ông có diễm phúc không phải trải qua thời kỳ trẻ người non dạ đó.

 

Ông cật vấn tôi đã dùng thì giờ nào để viết nên cái truyện ngắn đó, trong khi tôi chỉ là một anh nghiệp dư vô danh tiểu tốt. Tôi thú nhận là mình có sử dụng một phần giờ hành chánh, viết ngay tại cơ quan. Viết tại cơ quan: - Dạ, đúng. Tôi viết trong lúc nhiều bạn tôi đang hoạt động sôi nổi: nặn mụn, giũa móng tay, đánh đô-mi-nô, tán tào lao. Có điều này tôi không dại gì để lộ ra: Chính thủ trưởng thường là một đề tài hấp dẫn trong các câu chuyện tào lao đó.

 

Gương mặt béo tốt của ông từng lúc đỏ lên. Từ khi trận đấu bước vào giai đoạn gay go, tôi không bận tâm tới đôi bàn chân của ông nữa.

 

Ông liếc nhìn tờ báo Hạt tiêu như nhìn một vật gớm ghiếc. Tôi tưởng ông sẽ xé nát nó ra trước mặt tôi ngay bây giờ. Nhưng không. Ông thở dài, tay vuốt mái tóc hoa râm, cố lấy giọng bình thường:

- Cũng như cậu, thời còn trẻ tôi rất yêu thích văn học.

À, sự thể có khi xoay chiều chăng? Thì ra, đời ông cũng có cái tuổi trẻ đáng ngờ: ông cũng yêu thích văn học? Liệu tôi có muốn đặt tình yêu văn học của mình bên cạnh tình yêu văn học của ông không? Cũng như liệu tôi có muốn sánh vai với thằng cha Trư Bát Giái trứ danh của ông không? Rồi ông tiết lộ rằng, có lần ông suýt trở thành diễn viên sân khấu nữa kia… Hơi tiếc. Tôi cũng tiếc cho ông. Làm việc bốn năm ở cơ quan này, tôi nhiều lần chứng kiến thủ trưởng mình đóng kịch khá sành. Đến nỗi tôi không ngờ rằng ông luôn luôn sắm một vai nào đó của người khác. Khó mà biết được lúc nào ông sắm vai của chính mình. Ví như: vừa vô tình, vừa vô cùng khéo léo, ông hất ra khỏi cơ quan một cán bộ trẻ có năng lực và uy tín hơn ông. Ngay sau đó, ông liền thiết tha kêu gọi mọi người phấn đấu rèn luyện để kế tục ông. Tre già, măng mọc, các đồng chí à. Các đồng chí phải trưởng thành, phải vươn lên. Tôi từng tuổi này còn ham muốn nỗi gì quyền với chức. Ông nói tỉnh bơ.

 

Tiếc rằng, ông chỉ thiếu vài đức tính nhỏ để có thể trở thành kịch sĩ chân chính: trung thực, vị tha. Và một tâm hồn.

Giữa lúc tôi và ông đang thầm gặp nhau trong sự tiếc rẻ ngậm ngùi ấy, ông bỗng trở giọng gay gắt:

- Nè, cậu muốn phê phán, đả kích ai thì mặc cậu, cho thỏa nết Đông-ki-sốt, cho chính mình sứt đầu mẻ trán, mặc kệ cậu. Cớ sao cậu lại đưa bộ râu của tôi ra cho thiên hạ… Ông vô tình chạm tay vào bộ ria mép yêu quý của mình.

 

Ông ngừng nói, thở mạnh, không thèm nhìn vào mặt tôi nữa. Khổ quá. Tôi đã viết gì về bộ râu nhân vật? Đại để là: Bộ râu ấy vểnh lên đắc thắng khi được cấp trên khen, cấp dưới nịnh, khi cần phải ra oai, hoặc khi đứng trước một cái gì na ná như là trúng mánh. Bộ râu ấy cụp xuống tiu nghỉu khi bị bể mánh, khi bị bà xã hay ghen lôi xềnh xệch từ nhà trên xuống nhà dưới.

- Còn cái tên Chô-qua-li là cái quỷ gì? Là Chống quan liêu hả? (một tiếng cười ngắn). Cậu thấy chưa? Cậu cứ tưởng mình là thông minh nhất. Cậu cứ tưởng chỉ có một mình biết chống quan liêu. Còn tôi thì không à? Tôi mà không chống quan liêu hay sao?

 

Tôi phải thanh minh với người bạn đồng đội chống quan liêu của mình - Vị chỉ huy thì đúng hơn, rằng chuyện hư cấu trong văn học có thể gây ra hiểu lầm, rằng trên đời này không ít người có râu.

Đôi mắt hoài nghi của ông vẫn nhìn xoáy vào mặt tôi, nhưng có vẻ dịu đi đôi chút. Ông đứng lên, khoát tay một cách rất sân khấu và mỉm cười cũng rất sân khấu:

- Có thể lắm! Có thể lắm! Tôi tin cậu. Tôi tin một tài năng mới.

 

Chỉ có trời mới biết được ông tin tôi ra sao, vì sao lại tin. Ông đi lại trong phòng có vẻ thoải mái hơn. Ông thanh minh về những lần va chạm giữa ông với tôi trước đây - Thật ra là với hầu hết cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Số là ông có hơi nóng tính. Kể ra cũng vô hại. Là vì ông chỉ gầm thét lên, vỗ bàn ầm ầm, chứ chưa lần nào nện vào mặt ai. Có ai chết vì bị sỉ vả bao giờ đâu. Còn các cô nhân viên khiếp đảm hoặc đâm ra mắc bệnh tâm thần thì sao? Có sao đâu. Một phương pháp rèn luyện ý chí cho các cô. Và chẳng lẽ cứ để mặc cho các vị bác sĩ khoa tâm thần rơi vào cảnh thất nghiệp? Tóm lại, sự nóng tính của ông là vô hại với mọi người. Xét ở vài khía cạnh, nó còn có lợi là đằng khác. Chỉ có ông mới là nạn nhân của chính ông. Vì theo một công trình nghiên cứu đáng tin cậy, mỗi lần nổi trận lôi đình người ta tiêu tốn khá nhiều ca-lo, ăn mất ngon, cơ thể sinh ra nhiều độc tố và kém hấp thu các dưỡng chất. Lẽ ra mọi người phải yêu thương, chiều chuộng ông, đừng chọc tức ông. Không thì, tội thay, trọng lượng cơ thể ông có nguy cơ tụt xuống dưới tám mươi kí-lô theo cân chuẩn.

Ông nói vậy thì tôi nghe vậy. Biết đâu một số trong các trận lôi đình ấy chỉ là các màn kịch mà ông đọc được ở Na-pô-lê-ông, do cụ L. Tôn-xtôi thuật lại trong Chiến tranh và hòa bình - nếu như ông có đủ kiên nhẫn đọc bộ sách đồ sộ này.

Còn mọi tai tiếng về ông lâu nay, ông thanh minh rằng chung quy chỉ là do ganh tị mà thôi.

- Trâu cột ghét trâu ăn. Đời nó như vậy, cậu à. Mình vừa có địa vị, vừa có tài. Nguyễn Du nói sao? Chữ tài liền với chữ tai một vần. Cậu thấy đó, sướng ích gì cái thân tôi. Tôi coi cậu như người nhà. Ta cần hiểu nhau hơn.

 

Thật tình tôi không muốn có vinh dự làm người nhà của một người có nhiều tài và nhiều tai như ông. Còn hiểu nhau, thì chừng đó cũng quá đủ rồi. Bất giác tôi ngắm bộ râu của ông. Nó đang ở trạng thái tĩnh, không vểnh cũng không cụp.

- À quên - Ông rót hai ly nước, mời tôi một ly, ông uống một ly. Tôi cảm ơn, uống liền một hơi, không cần ý tứ gì. Cậu đã cạn hết hợp đồng chưa?

- Dạ, tôi đã vào biên chế.

- Lâu chưa?

- Thưa, hơn ba năm nay.

- Ai ký quyết định?

- Thưa, thủ trưởng ký.

- À, việc nhiều mà người cũng nhiều. Tôi không nhớ nữa.

Tôi thông cảm với ông. Cơ quan có đến ba mươi người, trong khi ở nhà mình, thủ trưởng chỉ huy có ba người: vợ ông, con trai ông và bản thân ông.

- À, này - Ông có vẻ ân cần hơn - Cậu đã hết tuổi Đoàn chưa?

Tôi thưa rằng tôi mới tròn hăm lăm. Ông lại trách mình hay quên. Tôi lại bày tỏ sự thông cảm đối với ông.

- Phải phấn đấu vào Đảng nghe - Ông hất hàm nói.

 

Tôi xin tuân lệnh, cũng như hàng ngày tôi quen tuân lệnh ông: "Dời chậu kiểng này lại góc sân kia", hoặc "Bảo họ đến sửa ngay ống nước ở nhà ông bị nghẹt".

- Sao, vợ chồng cậu sống hạnh phúc chứ hả?

- Thưa, tôi vẫn độc thân.

- Ly dị rồi sao?

- Thưa, tôi chưa cưới vợ lần nào.

- Lạ quá, tôi nhớ như là…

- Chắc thủ trưởng nhớ đến đám cưới của anh Hữu.

- Chắc là vậy. Còn ông thân cậu qua đời rồi, bà thân sống với ai?

- Thưa, ba tôi vẫn còn khỏe. Chắc là thủ trưởng nhớ nhầm đám tang cha anh Thạnh.

Ông xin lỗi. Tôi nói: Chẳng có sao. Ông bảo ông có ý định cho tôi đi học lớp dự bị đại học để rèn thêm nghề văn. Tôi bảo rằng tôi đã tốt nghiệp đại học văn tại chức ba tháng trước đây. Ông gật gù: Vậy thì còn gì bằng.

 

Tôi nể nang ngốn sạch cái món cà-rốt, loại rau quả cao cấp mang hình cây gậy mà trong những phút giây hào phóng lạ thường, ông tới tấp dồn vào họng tôi. Ánh mắt tinh ma của ông lộ vẻ mơn trớn.

- Thưa, hay là tôi sẽ viết tiếp một truyện ngắn nữa.

- Để làm gì? - Ông có vẻ lo lắng.

- Thưa, để ca ngợi tính linh hoạt và vẻ cao quý của một bộ râu.

- Không, không - Ông bước lại vỗ vào vai tôi, rút cho tôi một điếu thuốc. Cậu hiểu sai tôi rồi. Đó là tôi đặt giả thuyết thôi. Tôi đinh ninh là cậu không viết về tôi, về bộ râu của tôi… có phải vậy không? Không cần viết thêm gì nữa. Đừng nghe. Thôi, ta thỏa thuận với nhau như vậy nghe. Mong cậu nghĩ kỹ những lời tâm huyết của tôi hôm nay.

Ông bảo đã tới giờ ông đi dự một hội nghị quan trọng. Chỉnh đốn sơ bộ râu, ông ôm cặp ra đi. Tôi nhìn theo ông, hơi áy náy, không biết ông có bị ám ảnh bởi cái truyện ngắn thứ hai chưa viết của tôi hay không.

 

Sau đó ba hôm, vào đầu giờ buổi sáng, thủ trưởng của tôi đường hoàng, tỉnh bơ bước vào cơ quan như một đấng nam nhi mày râu nhẵn nhụi.

 

Mong sao văn nghệ có tác dụng như là… Thôi, tạm dùng một so sánh khập khiễng: Như là lưỡi dao cạo tác dụng lên bộ râu của thủ trưởng tôi. Ấy, tôi lại cả tin một cách ngây thơ rồi. Lại một nhược điểm tai hại của tuổi trẻ.

Kim Tinh
Số lần đọc: 2394
Ngày đăng: 23.02.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ao làng - Trọng Huân
Bạn già - Nguyễn Hồ
Cầu thang dốc đứng - Bích Ngân
Biển không có hoa hồng - Bích Ngân
Bão hòa - Kim Tinh
Gío ngược Đồng Vai - Nguyễn Thị Thu Hiền
Kẻ trông chùa - Trọng Huân
Phòng trắng - Nguyễn Văn Ninh
dấu chân hạnh phúc - Nguyễn Vĩnh Long
Anh Bảy Rô - Trần Thanh Giao
Cùng một tác giả
Bão hòa (truyện ngắn)
Bộ râu thủ trưởng (truyện ngắn)