Tháng Tư năm 89 có dịp lên Sài Gòn, tôi tới thăm ông Mười Thơ. Tôi quen ông trong chuyến công tác vào U Minh Thượng năm trước. Dáng ông mập mạp, mặc quần tây cũ, áo bà ba, đội nói lá, trong nón còn chiếc khăn rằn ướt che mặt, không khác gì một lão nông. Nắng chói chang, lòng kênh nước phèn trong xanh, chát nghét. Chiếc vỏ lãi chạy băng băng. Ngồi phía trước, ông chăm chú đọc bút ký Bông lúa nổi giận của tôi đăng trên Văn nghệ Kiên Giang, anh em bên Hội Nông dân tỉnh mới tặng ông. Bài báo dài nên ông đọc khá lâu. Ðọc xong, ông quay lại bảo tôi: "Ông này ngon thiệt, dám ủng hộ nông dân hết mình." Sau đó ngồi quay lại tôi, ông nói về việc xây dựng kinh tế hộ nông dân, việc tích tụ đất, việc giải quyết việc làm cho nông dân không đất rồi hiệp tác giữa những chủ hộ nông dân. Ðã nhiều năm lăn lộn viết về nông thôn từ Bắc vào Nam, tôi cảm nhận nông nghiệp ta đang đi vào ngõ cụt và cũng bắt đầu hình dung ra con đường khác, tuy còn mù mờ. Nhưng thật bất ngờ, khi nghe ông nói, mọi điều với tôi trở nên rõ ràng, như sương mù tan đi để thấy con đường phía trước. Mừng quá, tôi hỏi: "Từ đâu chú có những kiến thức đó?" Ông cười: "Của Lê- nin cả thôi, tôi đọc từ chữ Pháp." Như một sự đồng thanh tương ứng, tự nhiên tôi cảm thấy mối tình cảm thân thiết gắn bó giữa ông và tôi.
Ðặt cốc nước lạnh trước mặt mời tôi, ông nói : "Nguyễn Văn Linh cấm cố tôi, ông không biết sao? Ông vô nhà tôi chắc có công an theo dõi đó!" Thấy tôi ngạc nhiên, ông bảo: "Cấm cố tôi là để tôi khỏi bị họ bắn. Chả là thế này, ông giải thích, anh Linh kêu tôi tới nhà, ảnh ngồi bó gối nói : "Anh báo cáo tình hình nông dân cho tôi nghe." Tôi nói với Tổng bí thơ rằng, mấy năm trực Hội Nông dân ở ngoài nầy, tôi đã đi khắp các tỉnh, thấy nông dân khổ quá. Ðồng bào Mèo trên Ðồng Văn thấy tôi tới mừng lắm nhưng ngó vô bếp không có gạo, bắp cũng thiếu, con nít đói ốm tong teo, tôi ứa nước mắt. Vô Nghệ An, lên huyện miền Tây, đêm mùa đông lạnh thấu xương, ngồi sưởi ấm nướng sắn ăn bên đống lửa giữa nhà, một ông cụ cố từng tham gia Xô viết Nghệ Tĩnh níu tay tôi nói muốn khóc: "Ông Mười ơi, ông Mười, về bảo đồng bào miền Nam đừng để mất đất. Mất đất rồi cũng khổ như chúng tôi thôi." Vô Thanh Hoá cứu đói, nghe nói có gia đình đói quá phải lóc thịt ông già nuôi con nít, tôi cử cán bộ tới kiểm tra thì đúng như tin đồn: ông già đói gần chết bảo con lóc thịt mình nuôi cháu nội. Cán bộ tới thì ông già còn đắp chiếu nằm đó! Nhưng cũng không chỉ có chuyện buồn, ở vùng núi Lai Châu, thấy có một số trang trại cây cối xanh tươi năng suất cao, người sống tốt. Ở Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh thấy chiếu, bát dĩa bà con đem bán ê hề bên đường mà không có ai mua, tôi bày cho bà con nhờ xe tải đem vô Nam bán, tôi cũng viết thư cho quận uỷ Bình Chánh dành gạo bán cho bà con, liên hệ với xe tải rồi xe lửa giúp bà con chở gạo về. Nhờ phá thế ngăn sông cấm chợ mà cứu được đói. Tôi nói rằng điều mấu chốt bây giờ là trả lại đất cho nông dân. Ðó là cái gậy thần cứu nguy không chỉ nông dân mà cả đất nước lúc này." Tôi báo cáo xong, ảnh biểu: "Anh thấy không, họ ham xã hội chủ nghĩa hình thức, họ đánh sập nền kinh tế nông dân. Nền kinh tế này bị sập làm sao xây dựng nền kinh tế cao được. Anh thương dân thương nước, anh phải đi cởi trói nông dân. Tôi cho anh biết, anh làm họ sẽ bắn anh nhưng anh không còn cách nào khác đâu, phải đi cởi trói nông dân thôi!" Trở về cơ quan, tôi nói với một vài anh em gần gũi. Họ bảo: "Anh nên hỏi ảnh cụ thể hơn!" Tôi tới hỏi: "Xin anh cho biết quan điểm cụ thể của anh ?" "Quan điểm của tôi là, ảnh nói:
1- Họ nói đất đai là sở hữu toàn dân, có chỗ nào nói sở hữu nhà nước đâu. Họ quản lý muốn lấy đất ai thì lấy, lấy đất người này dục cho người kia. Nông dân không gắn đất đai làm sao sản xuất tốt được anh?
2- Nông dân đổ mồi hôi và nước mắt mới có đất, không ai có quyền tước đoạt. Thế mà họ trắng trợn tước đoạt.
3- Enghen nói: "Sự nghiệp hợp tác hoá là sự nghiệp thế kỷ. Họ vào họ đưa đất vô, họ ra họ lấy đất ra. Thế mà tập đoàn viên, xã viên muốn ra không được lấy đất ra. Tình hình tập đoàn như hiện tại làm sao sản xuất tốt, nâng cao đời sống?
4- Vấn đề giai cấp nông dân là vấn đề chính trị lớn, quyết định thành bại tồn vong của chế độ, của đất nước."
Nói xong 4 quan điểm, anh nhắc lại: "Anh thương dân thương nước phải đi cởi trói nông dân, anh làm họ bắn anh đó nhưng vì dân vì nước anh phải làm!"
Tôi trở về Nam. Lúc đó nông dân các tỉnh kéo về thành phố biểu tình đòi đất ì xèo. Cái găng nhất là nhà nước không chịu trả đất nên nông dân không nghe. Không ai dám ra lêﮨ trả đất vì họ nghĩ trả đất là hết luôn xã hội chủ nghĩa. Thậm chí có một chỉ thị của anh Linh trong đó có câu "Nông dân xin ra tập đoàn, hợp tác xã thì trả đất cho họ." Người ta dám sửa thành "Nông dân xin ra khỏi tập đoàn, hợp tác xã thì trả đất cho tập đoàn" nên sự việc càng rối. Nông dân Cửu Long kéo lên thành phố quá trời,
Trung ương yêu cầu tỉnh đưa về, bà con không chịu. Chủ tịch Cửu Long cầu cứu tôi, nhờ tôi ra nói với nông dân. Tôi biểu, khỏi cần tôi tới, chỉ cần anh viết cho họ lá thơ độ trang giấy học trò, họ sẽ về. Tôi đọc cho chép lá thơ trong đó hứa bà con ra về sẽ trả lại đất nguyên canh như khi vô tập đoàn. Chủ tịch Cửu Long đã được anh Kiệt nói ý kiến anh Linh nên chấp thuận. Tôi biểu ổng cho in hàng nghìn bản phát tận tay nông dân. Bà con hồ hởi lên xe ra về. Nhưng có một số tỉnh không chịu việc trả đất, nên cán bộ nơi đó phê phán anh Linh xét lại, chửi tôi theo đuôi xét lại. Tôi ra Hà Nội cũng là lúc nông dân Củ Chi, Ðồng Nai biểu tình dữ. Người ta đều cho là Mười Thơ kích động. Ngay trong một cuộc họp, thấy căng quá, anh Linh nói: "Cấm cố nó!" Do ở Hà Nội sinh hoạt khó khăn quá, tôi xin về Sài Gòn chịu cấm cố tại nhà." Nói tới đây ông Mười cười bảo tôi: "Ông Linh cấm cố tôi là tách tôi ra khỏi mọi hoạt động nhưng nông dân vẫn biểu tình, điều đó chứng tỏ không phải Mười Thơ kích động. Nhờ vậy mà tôi được sống!" Sau "phi vụ" này, ông Mười được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, có lẽ đó là sự gồng mình hết sức của người đã trao mật chỉ cởi trói nông dân cho người quên mình thực hiện, câu chuyện có mùi giang hồ hảo hán. Có điều ít người biết là ông Mười nhận huân chương chẳng giống ai. Huân chương để ở cơ quan Hội Nông dân, ông phải đến mượn về cho anh em coi để không bảo là nói dóc! Còn công khai, trong dư luận nhiều người vẫn coi ông là kẻ gây rối, xét lại và nhìn ông với con mắt ghẻ lạnh !
Sau này gần gũi ông, tôi được biết, đấy không phải lần đầu ông làm chuyện động trời. Ðã có lần ông cự lại Bí thư Trung ương cục Nguyễn Chí Thanh. Ðó là khoảng cuối năm 63 đầu 64, ta đánh rã quốc sách ấp chiến lược của địch. Ðể phát huy chiến thắng này, trong cuộc họp với ban Nông nghiệp Trung ương cục, ông Hai Tân phó ban suốt một ngày triển khai kế hoạch Cải cách ruộng đất toàn diện và triệt để của Bí thư Trung ương cục giống như thời chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Anh em nghe ngạc nhiên đến ngơ ngác nhưng không ai dám hé răng. Cuối cùng thì ông Mười Thơ trưởng ban Nông nghiệp đứng lên: "Tôi không thông!" Anh em tuy mừng vì có người nói lên tâm tư của mình nhưng lại áy náy lo cho ông. Ngay sau đấy ông được ngồi chơi xơi nước. Ít ngày sau, trong cuộc họp đặc biệt do Bí thư Trung ương cục chủ trì, một bức điện từ Hà Nội được đọc lên: "Bác nghe chú Thanh có chủ trương phát động quần chúng cải cách ruộng đất một cách toàn diện và triệt để. Bác khuyên chú đừng làm, làm là sai, dứt khoát sai thôi!" ( ông Mười ghi theo trí nhớ ) . Bí thư Nguyễn Chí Thanh ngồi đó, mồ hôi nhễ nhại, đầm đìa cả mặt cả áo, miệng nói : Giờ đây ta không phát động cải cách ruộng đất thì sao ? Hỏi vậy rồi tự trả lời. Lại hỏi: nếu ta phát động quần chúng cải cách ruộng đất thì sao ? Hỏi rồi lại tự trả lời.Mọi người ngồi im nín thở. Cuối cùng vị đại tướng nông dân lấy giấy bút viết bức điện: "Chúng tôi có chủ trương phát động quần chúng cải cách ruộng đất một cách toàn diện và tiệt để. Bác cho làm là sai, không yên tâm. Chúng tôi thi hành ý kiến Bác, xin Bác yên tâm !"
Lần khác vào dịp Mậu Thân, trong cương vị Bí thư khu miền Tây, rút kinh nghiệm đợt 1 tấn công nổi dậy quân ta đánh thành phố bị thiệt hại nhiều, sang đợt 2 trên cũng tiếp tục thúc đánh giải phóng đô thị, ông Mười cùng thường vụ chủ trương tránh chỗ cứng mà đánh nông thôn, vùng ven, giải phóng nhiều đồn bót. Tuy miền Tây đánh mạnh thu thắng lợi lớn nhưng ông bị gọi về R phê bình không tiến công đô thị. Ông bảo ta chưa đủ sức. Ðại tá Lê Ðức Anh nói : Cho 2 sư đoàn bộ đội miền Bắc, sẽ giải phóng hoàn toàn từ Mỹ Tho đến Rạch Giá. Ông Mười cãi liền: "Ðưa quân miền Bắc xuống miền Tây phải đi qua Long Xuyên Châu Ðốc khó lắm vì Châu Ðốc có căn cứ ứng chiến đủ máy bay do thám, săn giặc, trực thăng và pháo. Miền Tây là chiến trường sông rạch không biết lội là không hành quân được, rút chạy cũng không xong. Hậu cần nhân dân không quen thuộc địa hình , khó dựa vào đâu ăn ở. Quân miền Bắc xuống đó chết uổng mạng. Ðịch từ 1 sư chủ lực bây giờ bổ sung thành 3,4 sư trực chiến. Nếu tương quan không thay đổi, làm sao ta tấn công giải phóng miền Tây nổi. Nếu các anh có quân miền Bắc làm được, chúng tôi có dở hơn các anh cỡ một tám một mười cũng có thể làm được ! " Nghe vậy, tướng Hoàng Văn Thái cao giọng : " Anh nói với các thủ trưởng như thế hả ? " Lập tức ông Mười bị rút khỏi miền Tây, về R ngồi chơi xơi nước ! Ðại tá Lê Ðức Anh về làm tư lệnh và quân miền Bắc được đưa vào. Nhưng vừa xuống Châu Ðốc đến Rạch Giá bị đánh tơi bời : Pháo đuổi, trực thăng săn, tới đâu lộ đấy bom pháo đến theo nên dân tránh né, thiếu ăn đói lạnh chết thê thảm. Sau ngày 30/4/75 ông Mười Thơ ra Hà Nội họp, cùng ông Mai Chí Thọ dạo phố. Bỗng một người đàn ông từ bên kia đường chạy qua ôm ông Mười Thơ hôn tới tấp sau đó chào ông Mai Chí Thọ. Ông Thọ nói: "Anh Thái ôm hôn Mười Thơ chứng tỏ ý kiến Mười Thơ đúng." Không nói không rằng tướng Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái quay lại ôm hôn ông Mười lần nữa rồi chạy sang đường lên xe đi. Ðiều này cũng bình thường, giống như sau vụ cởi trói nông dân, một bữa tướng Hoàng Cầm gặp ông Mười Thơ nói: " Ðất nước hôm nay đi lên được, công của anh hết sức lớn ." Rồi ông Tư Cần, Phó Ban Kiểm tra Trung ương đảng đã hưu trí nói : " Nhiều người muốn làm như anh, không ai làm được, anh lại làm được ! "
Một lần khác, đấy là sau khi ký Hiệp định Pari, Bí thư Khu Sài Gòn Gia Ðịnh Nguyễn Văn Linh giao cho phó bí thư Mười Thơ cắm cờ giữ đất rồi có việc ra Bắc. Một hôm từ thường trực Khu điện xuống: "Hiện nay thái độ địch rất hoà hoãn vì vậy ta phải biết kiềm cương vỗ béo, biến đổi địch thành chung sống hoà bình, đấu tranh thực hiện hòa hợp dân tộc, đi đến độc lập thống nhất tổ quốc." Nhận điện xong, mọi người bật ngửa, la lên phẫn nộ : " Thủ tiêu chiến đấu, đầu hàng xét lại ! " Liền sau đó là cuộc họp thống nhất bức điện gửi về Khu, trong đó có câu : "Quan điểm xét lại nầy lịch sử cách mạng thế giới bỏ vào sọt rác ta lượm ra dùng ! " Ngay sau đó ông Mười Thơ được gọi về văn phòng Khu ngồi chơi xơi nước, không khí lạnh lùng căng thẳng. Ông Mười thơ tranh thủ gặp ông Sáu Bảo một cán bộ giữ trọng trách của Khu hỏi cho ra lẽ. Ông Sáu Bảo nói : "Anh tối quá, chủ trương đã phổ biến là của Bộ Chính trị, anh Tố Hữu vào truyền đạt, anh Mai Chí Thọ dự tiếp thu về phổ biến, anh dám chống lại chủ trương của Bộ Chính trị, phải kêu anh về nằm đó ! " Về tới nhà, Bí thư Nguyễn Văn Linh nổi quạu la đồng chí thường trực Khu ủy Mai Chí Thọ: " Anh sinh ra ở đâu, lớn lên ở đâu sao ngu quá vậy ? Anh học ở đâu, làm cách mạng ở đâu, ở tù ở đâu sao ngu quá vậy ? Cái gì biến đổi địch thành chung sống hoà bình ?! " Ngay sau đó ông Linh phổ biến chủ trương "Ðịch phá hoại Hiệp định Pari, ta phải tấn công giành thắng lợi."
Nhìn xuyên suốt cuộc đời ông già Nam Bộ 79 tuổi này, tôi bỗng nảy ra so sánh ngồ ngộ: Ở một khía cạnh nào đó, số phận đã tạo ra ông như một cục chèn bánh xe. Tránh cho xe lao dốc nhưng cục chèn bầm dập! Nhiều lần tôi tự hỏi, hoàn cảnh nào đã làm cho ông thành con người như thế ? Chỉ có thể thấy điều này khi nhìn toàn bộ cuộc đời ông.
Tổ chín đời ông vốn ở Thanh Nghệ Tĩnh, là lính của bà tướng Bùi Thị Xuân. Khi nữ tướng bị bắt, cụ từ mặt trận trở về bỏ lại tất cả, chỉ ôm một bé trai mười tuổi xuống ghe bầu theo bờ biển vào Nam, dừng lại ở giồng La Ghì Trà Ôn Vĩnh Long. Hậu duệ họ Nguyễn ở La Ghì là con cháu đứa trẻ mười tuổi đó. Cụ thân sinh ông Mười, gia thế vào bậc trung nông, là trí thức làng, biết chữ Nho, làm thuốc và sẵn có lòng yêu nước trong máu thịt. Cụ tham gia cách mạng rất sớm, từ những phong trào yêu nước trước khi có Ðảng tới gia nhập phong trào cộng sản. Nhiều lần bị tù tội và lần cuối ở tuổi 75 bị đầy Côn Ðảo và chết trong tù. Trong bản khai lý lịch, ông Mười Thơ nói không biết mình tham gia cách mạng khi nào mà chỉ biết các đồng chí của cha đến nhà họp. Một lần, cha và các chú bác đang họp thì lính tới. Mọi người dông chạy. Nhìn chỗ họp, cậu bé năm tuổi Nguyễn Kiến Lập thấy một cuốn tập còn bỏ lại trên vách. Cậu lấy cuốn tập dấu trong cỏ rậm. Lớn chút nữa, cậu đọc báo tóm tắt những tin tức cha cần để cha phổ biến cho cô bác. Rồi tới lúc cậu cùng cha đi đọc báo tuyên truyền bà con. Cha đi tù Côn Ðảo, cậu tiếp cha tham gia cách mạng, từ liên lạc lên chỉ huy và chức vụ giữ khá lâu là Bí thư huyện uỷ Cầu Kè. Bí thư huyện uỷ là cương vị cho phép người cán bộ bao quát sâu sát tình hình cả huyện, từng xã từng ấp, những nét lớn của tỉnh, của nước. Nhưng bí thư huyện ủy còn là anh lính trực chiến, chưa đạt địa vị để có thể xa rời cuộc sống để, giáo điều duy ý chí. Hoàn cảnh này lại ở trong con người trung thực, thông minh nên cho phép anh ta nắm và giải quyết nhạy bén những vấn đề nảy sinh từ thực tế cuộc sống. Ðấy là những trục trặc đụng độ Việt Minh mới Việt Minh cũ lúc tiền khởi nghĩa và thời đầu kháng chiến, do dự giữa đánh và không đánh sau Luật 10/59.
Sống trong dân, hiểu dân, thấm nhuần đạo nghĩa dân tộc đã cho người thanh niên này luôn có những giải pháp thỏa đáng trước công việc. Sự rèn luyện dạn dày này càng đắc dụng khi ông ở vị trí cao hơn. Nhưng, nói cho ngay, tất cả những kinh nghiệm đó chỉ phát huy được ở một con người trung thực, trung thành tuyệt đối với lý tưởng và chân lý, không vì những lợi ích riêng mà thỏa hiệp, cơ hội. Chính vì thế ông mới nói thẳng nói thực những gì mình nghĩ dù có trái ý cấp trên. Trong trường hợp như vậy, những người "khôn ngoan" hơn thường ngậm miệng ăn tiền thậm chí a tòng phù vuốt theo quyền thế. Và buồn thay, những con người biết chiều đời như thế thường hanh thông trên hoạn lộ.
Theo một nghĩa nào đó, ông Mười Thơ có lẽ là một người thua thiệt : Địa vị, quyền hành thua mọi người, hưởng thụ không bằng ai. Nhưng lòng yêu quý của bà con của bạn bè đồng chí với ông thì khó ai bằng. Nhiều người biết ơn ông vì đã giúp họ giải nỗi oan khuất thậm chí cứu mạng sống của họ. Trên mỗi bước trưởng thành của đất nước của cách mạng Nam Bộ đều ghi dấu ấn của ông.
Nhiều khi tôi băn khoăn tự hỏi: Mười Thơ ông là ai? Thấy ông hiểu nông dân, lo cho nông dân, có người bảo rằng ông là một thủ lãnh nông dân với ngầm ý gán cho ông cái tiếng nông dân túy. Và họ tự bằng lòng với cách đánh giá ấy ! Ðấy là cách nhìn phiến diện của những đầu óc quyền uy, trịch thượng, nông cạn đầy đố kỵ. Thực ra, ông là một trí thức chân chính. Mà thái độ ứng xử đặc trưng của trí thức không chỉ ở chỗ phát hiện, nắm bắt được nhanh chóng những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống mà còn là trung thành với sự thực, dám xả thân vì chân lý. Ðấy thường là những người không lẫn với đám đông, dám mở đường đi cho riêng mình. Ðường đời của họ thường gian nan nhưng đấy chả phải là niềm vui là lẽ sống của con người sao ?
Sài Gòn tàn thu 2003