Ðến nay, Việt Nam vẫn tồn tại nhiều khó khăn để phát triển một nền kịch múa xứng tầm với thời đại.
Kịch múa (ballet) là một loại hình nghệ thuật sân khấu tổng hợp tập hợp nhiều đỉnh cao về những kỹ năng sáng tạo của nghệ thuật múa và nhiều loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu... Sáng tác, dàn dựng được một vở kịch múa hay là một công việc không đơn giản. Ballet là dòng múa cổ điển bác học có xuất xứ từ nhiều nước châu Âu. Không ít đạo diễn, diễn viên ballet Việt Nam đã trưởng thành từ các nhà hát nổi tiếng ở Liên Xô (trước đây).
Việt Nam là nước sớm phát triển kịch múa ở khu vực
Những năm 60 của thế kỷ trước, có thể nói là thời kỳ vàng son của nền nghệ thuật kịch múa nước ta. Ngay từ khi mới ra đời, kịch múa Việt Nam đã có khá nhiều vở diễn có nội dung và chất lượng nghệ thuật tốt, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của hầu hết các tầng lớp khán giả.
Hơn bốn chục năm trước, đã từng có những vở diễn hoành tráng như Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, Tấm Cám, Bà má miền nam, Theo cờ giải phóng... do các nghệ sĩ ballet Việt Nam một thời tên tuổi như Thái Ly, Chu Thúy Quỳnh, Phùng Nhạn, Thanh Nga, Anh Nghiêm, Mạnh Hùng, Minh Tiến, Trần Minh... thể hiện. Các vở diễn Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, Tấm Cám... vinh dự được Nhà nước trao tặng giải Thưởng Hồ Chí Minh. Một số vở như Huyền thoại mẹ, Chị Sứ, Cánh chim biên giới, Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga... được xếp vào các cụm tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước.
Phần âm nhạc giao thưởng của kịch múa đã có những dấu ấn nhất định trong lòng thính giả nghe đài thông qua các chương trình nhạc không lời của Ðài Tiếng nói Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nền kịch múa ballet phát triển khá sớm ở châu Á và nhất là so với các nước trong khu vực.
Tiếp đó, là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt, rồi tới thời kỳ xây dựng lại đất nước, khôi phục kinh tế, rồi cơ chế thị trường khắc nghiệt với nhiều áp lực đã làm các nghệ sĩ của chúng ta không tránh khỏi bị chi phối bởi những điều vặt vãnh của cuộc sống thường ngày... Vài chục năm trôi qua, nền ballet Việt Nam vẫn không tự vượt qua được chính mình.
Mãi tới giữa những năm 90, mới thấy xuất hiện trở lại một số vở ballet Việt Nam như: Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga (Việt Cường - Ca Lê Thuần), Vĩnh biệt hoa anh túc (Hoàng Hải, Vũ Duy Cương), Hồng hoang (Bằng Thịnh, Ðỗ Hồng Quân)... Bên cạnh đó là những trích đoạn của các tác phẩm nổi tiếng thế giới như Hồ Thiên nga (P.Tchaikovskt), Spartacut (A.Khachaturian), Romeo và Juliet (S.Prokofiko)...
Vươn tới một nền kịch múa có tầm vóc
Gần đây, có không ít những tác phẩm kịch múa thiếu tính thuyết phục về nghệ thuật, chưa thật đầy đủ những yếu tố kỹ thuật và chưa tạo được sự hấp dẫn với công chúng. Nhiều tác giả ở một số vở diễn còn lúng túng về cách sử dụng và phát triển các chất liệu múa dân gian nhằm biến nó trở thành ngôn ngữ kịch múa, có sức biểu hiện sâu sắc phục vụ cho nội dung của tác phẩm.
Việc kế thừa phát huy giá trị của kho tàng nghệ thuật truyền thống để sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật độc đáo, đậm đà mầu sắc dân tộc chưa thật hiệu quả. Có tác giả cố gắng thể hiện được nội dung nhưng hình thức lại chưa thỏa mãn được người xem...
Ðam mê với những hình thức nghệ thuật "mới lạ", một số tác giả trẻ quá say sưa với các "luật động" và động tác múa không hợp lý, khiến cho các đoạn múa, khúc múa trở nên khiên cưỡng, khó hiểu, thậm chí lập dị. Lại có cả những biên đạo múa lộ rõ sự thiếu hiểu biết về kỹ năng cơ bản sáng tác, dàn dựng thể loại kịch múa ballet.
Bên cạnh đó, trên các sân khấu ca nhạc ngày nay, hình thức múa minh họa đã và đang bị lạm dụng, gây nhiều tranh cãi trên báo chí và dư luận. Hệ quả là với một số tác phẩm, ngay sau tổng duyệt đã không thể để tiếp tục công diễn...
Nghệ thuật múa ballet Việt Nam đang trong quá trình tìm tòi và thử nghiệm. Trên thực tế, việc đầu tư cho lĩnh vực này đến nay vẫn chưa đủ mạnh để vực ngành phát triển. Hiện có rất ít tác phẩm có chất lượng nghệ thuật đích thực, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng nâng cao của cộng đồng. Hơn bao giờ hết, cần quan tâm đầu tư cho việc tìm kiếm đề tài, âm nhạc, phục trang cho múa - đặc biệt là phục trang dân tộc, làm sao để thể hiện được các nét đẹp hình thể của múa...
Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, các luồng văn hóa nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới đang ào ạt tràn vào đất nước ta thì yếu tố cạnh tranh lành mạnh cũng cần được quan tâm đúng mức. Ngược lại, thiếu yếu tố này thì sản phẩm kịch múa ballet khi tung ra thị trường chắc chắn sẽ bị thua thiệt trong sự so sánh tự nhiên của công chúng...
Cần có một tư duy và tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của kịch múa Việt Nam, trong đó có việc đầu tư tài chính và đặc biệt là đầu tư cho lực lượng nghệ sĩ để không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm, v.v. Nên hình thành một bộ phận chuyên theo dõi quá trình xây dựng tác phẩm trước khi ra mắt công chúng, rút ngắn khoảng cách giữa ý tưởng và khả năng thực hiện. Thực tế, nếu không có sự tính toán chặt chẽ và kỹ lưỡng của các nhạc sĩ, họa sĩ và các biên đạo múa, thì quá trình dàn dựng và thẩm định chất lượng các tác phẩm nghệ thuật kịch múa sẽ dễ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan...
Dù trước mắt còn nhiều trở ngại khó khăn, song chúng ta vẫn hy vọng tới một tương lai tươi đẹp hơn của nền kịch múa Việt Nam. Vấn đề trọng tâm nhất là phấn đấu làm sao để dựng được nhiều vở ballet thật sự Việt Nam - có đẳng cấp quốc tế và phục vụ được đông đảo công chúng.