Cả Lẫm về làng. Chiếc ba lô kẹp lép tòng teng trên lưng, dáng đi thất thểu mẹo mọ. Vẻ mặt nhàu nhĩ u uất đượm vẻ cay cú gặp ai cũng chả buồn chào.
Tối. Lẫm ngồi nốc rượu thở hắt ra. Đang buồn như trấu cắn thì lão Sửu, bảo nông hàng xóm, mon men ra gợi chuyện:
- Chú em xuất ngũ tưởng oách xì lai về quê, sao lại xẹp như gián thế ?
- Vẫn tưởng là thế, dưng mà “cốc mò cò xơi“ bao công em ki ka ki cóp suốt đời lính đợi lúc ra quân cất một chuyến về xuôi lập nghiệp, ngờ đâu, bọn “tông dật“* bây giờ còn ma lanh hơn mình“người Thổ mổ người Kinh“. Nó giao tam thất toàn bằng củ gấu, mang được ít đồ Tầu về thì bị “Mo“ tịch thu sạch, bây giờ thành ra tay trắng.....
- Chú đã định xoay ngón gì chưa ?
- Cũng chửa biết xoay ra món gì, nhưng em hãi trò ba lô lộn ngược nhảy tàu bắc nam Bắc Nam kiểu này lắm rồi, thời buổi thị trường tự do bây giờ, ai đi buôn mà chẳng được. Mấy thằng cùng trung đội với em nhà khá giả có điều kiện giải ngũ đều đi học cả. Thời hiện đại bây giờ mà không học thì chả làm được việc gì. Nhưng mình phận nghèo thôi đành vừa làm vừa học thêm vậy, cũng chẳng có cách nào khác mà bà cụ nhà em cũng yếu lắm rồi....
- Ngữ chú chỉ có hai món thả rau nuôi lợn là thượng sách, món này một vốn, bốn lời lại dễ bề kết hợp: Rau chăn lợn, phân lợn lại chăm rau. Cái anh thả rau âu cũng chỉ vất vả lúc ban đầu, chứ về sau thì chỉ cần đứng trên bờ chỉ tay năm ngón cho mấy mẹ buôn rau hái còn mình chỉ cần đếm tiền.
- Nhưng mà sông, hồ của hợp tác làm sao mà thả được ?
- Chú yên tâm đi, miễn là có cái này - Lão Sửu vừa nhay nháy cặp mắt lé vừa xoe xoe hai ngón tay vào nhau - Phần còn lại để anh đạo diễn tuốt trong cái xã này còn có đứa nào vượt mặt được anh.
Lẫm thừa kế được cái nết đã nói là làm của ông cụ thân sinh. Ngay hôm sau Lẫm thầu luôn cả dải sông đào làm bè thả rau muống. Lẫm ngả búi tre đằng ngà trước ngõ, tự tay đẵn cọc, pha nan, chẻ lạt kẹp rau. Ngày nào cũng từ sớm tinh mơ một mình một xe cải tiến đầy tre pheo, rau cỏ ra bờ sông. Tấm lưng to bè như cánh phản xoay trần dưới ánh nắng mặt trời bóng nhẫy. Lẫm làm hùng hục như trâu lăn, quên cả ăn uống nghỉ ngơi. Phải mùa mưa, rau muống gặp nước, búp đâm lên tua tủa xanh non mơn mởn, ngọn rau vơn dài đan kín dòng sông. Những cọng rau non trắng như bún chỉ khẽ búng tay đã gãy. Lẫm nhìn mà mướt mắt trong lòng thấy phấn chấn lạ thường.
Nhưng niềm vui chưa tày gang. Đài báo bão, cơn bão đầu tiên đổ bộ vào vùng bắc bộ, sức gió sẽ mạnh tới cấp 11, giật cấp 12. Ban chỉ huy chống lụt bão yêu cầu các xã phải khẩn trương tháo cống hạ mức nước sông đào xuống mức thấp nhất. Lẫm tìm hỏi lão Sửu. Lão lắc đầu quầy quậy đáp:
- Chuyện lụt lội nước sôi lửa bỏng thế này đến bố anh cũng đành chịu, nữa là anh ....
- Thế sao anh lại nhận tiền thầu của tôi ?
Lão cười giả lả:
- Nắng mưa là chuyện nhà giời mấy ai lường được, đến lò gạch nhà anh còn phải chịu tốc mái nữa là, còn tiền thì... hì...hì... chú mày bảo... ai chả thích.
Lẫm muốn tống luôn vào mõm lão một cú thoi sơn cho vêu cái mõm chuột của lão lên, nhưng may lại kiềm chế được.
Lẫm nhìn cả mấy chục bè rau muống cứ theo dòng mà trôi như đứt từng khúc ruột. Rõ công dã tràng, bao sức lực vốn liếng phút chốc đi tong.
Cứ đổ gạo tinh ra mà cho lợn ăn chay thì chả mấy nỗi hết bay tạ gạo. Giữa ngày giáp hạt thế này tốc độ tăng giá gạo nhanh hơn cả giá thịt cứ vùn vụt, vùn vụt. Bầy lợn thiếu ăn réo inh ỏi suốt ngày rát cả tai, chừng nào chúng chưa no thì chúng còn réo cả một đàn gần chục cái loa sống động ấy cộng hưởng với nhau nghe còn rõ hơn cả dàn loa thùng. Cám cảnh bà cụ vào ra thở vắn than dài làm Lẫm não hết cả ruột.
Lẫm đã thử mua rau chợ về nhưng cái trò rau chợ bó điêu hết chỗ nói. Mớ rau trông to bằng cái chổi sể thế mà thái ra chưa đủ cho một đấu cám. Bí quá hóa liều, Lẫm đi cắt rau trộm.
Đêm đầu tiên đợi cho hàng xóm tắt đèn đi ngủ, Lẫm vận bộ đồ đen, cuộn tròn bao tải dứa giắt cái liềm vào thắt lưng lặng lẽ chuồn ra khỏi nhà. Tới gần mấy thửa ruộng rau phần trăm nằm bên bờ mương nổi, Lẫm ém mình sát đầu bờ đưa mắt nhìn khắp lượt chờ cho bốn bề thực sự yên ắng mới hành động. Lẫm cố dìm rau xuống nước cho giảm âm đi nhưng tiếng liềm nghiến vào rau vẫn cứ rào rạo rào rạo rõ mồn một.
Bỗng loạt soạt, lọat soạt...
Lẫm giật bắn mình, suýt ngã ngồi giữa ruộng, tưởng có ai đuổi bắt, té ra là chuột chạy.
Chẳng mấy chốc, bao tải đã chật ních, Lẫm lom khom cõng tải rau men theo dọc chân mương về nhà vừa đi vừa lẩm nhẩm: Thế là yên thân, mèng ra cũng phải được ba ngày. Mải suy tính, không để ý đến đầu ngõ, bất đồ một bóng đen lao ra rọi thẳng đèn pin vào mặt Lẫm hô khẽ:
- Đứng lại, giơ tay lên.
Theo phản xạ tự nhiên, Lẫm buông vội tải rau giơ 2 tay lên đầu, sợi dây buộc bao tải bung ra khiến đống rau túa búa xua ngay dưới chân Lẫm. Bóng đen tắt đèn pin lên tiếng:
- Tưởng ai té ra là chú mày, thế nào, liệu có còn gì để nói nữa không?
Nhận ra lão Sửu bảo nông, Lẫm bèn lên tiếng giọng bất cần:
- ờ, tôi trộm rau đấy, ông thích thì cứ đưa về ủy ban đi.
Nom dáng người phương phi, nghe nói Lẫm lại học mót võ Tầu, Lão Sửu hơi chợn chẳng gì trong cả cái làng này Lẫm cũng thuộc hạng to cây có máu mặt lại biết đôi chút võ vẽ đã từng xuôi ngược thiên hạ không phải hạng vừa, lão liền xuống giọng ra đò giả ân, giả nghĩa:
- Anh em mình hàng xóm láng tỏi ai lại làm thế, chuyện này mà to ra thì mấy thửa ruộng phần trăm nhà chú liệu có còn hay không, mà chú còn mặt mũi nào với làng xóm, lại còn đàn lợn nữa... nhưng cái gì cũng có giá của nó cả... anh nói chắc chú hiểu. Gã lại xoe xoe ngón tay.
Lẫm cười khẩy, gom rau đút vào bao tải vác lên vai nói nhỏ:
- Thôi được, hẹn ông ngày mai ở quán bia hơi bà Bốp.
Thế là từ ấy Lẫm cứ nghiễm nhiên mà đi cắt rau trộm, khỏi phải rón rén vì đã có bảo nông hộ vệ. Ban ngày đôi khi ghé qua “bãi chiến trường“ nom mấy bà chủ ruộng đứng giữa ruộng rau nham nhở mà réo ông bà ông vải đứa nào cắt rau nhà bà ta, Lẫm cũng thấy động lòng trắc ẩn nhưng trò đời đã đâm lao thì phải theo lao, biết làm sao được.
Lẫm thó rau dễ cũng được gần tháng trời, lũ heo bột được thúc rau cám đầy đủ trơn lông đỏ da lớn nhanh ngùn ngụt. Anh cầm chắc chỉ đến tết là có thể dư sức xuất chuồng ngót tấn lợn hơi. Nhưng mấy ai biết được chữ ngờ, Lẫm còn nhớ như in cái buổi sáng ngày đầu tháng chín đen tối: Lợn chết ngổn ngang vì ăn phải rau có thuốc sâu, thế là đi đứt mấy triệu bạc, coi như tay trắng lại hoàn trắng tay. Cả nhà mất ăn tết. Dễ phải đến mấy tháng sau Lẫm mới hoàn hồn. Lão Sửu lại mách nước:
- Cái số chú năm ngoái sao Thái Bạch chưa gặp vận. Yên tâm đi, năm nay tuổi chú sao ...Thái Dương chiếu không làm cũng có ăn. “Nhất thả cá nhì gá bạc“, Chú cứ thả cho anh trắm cỏ, trôi ấn độ, rô Phi mỗi anh độ vài nghìn cá bột với hai trăm vịt đàn bóc trứng. Đến lúc thu hoạch chả ăn chắc đến cả chục triệu ấy à. Có đầm, có vịt trong tay thì nhất quả đất còn gì.
Lẫm lại dốc vốn tiếp tục thử sức lần nữa, anh gói ghém đồ đạc sách vở ôn thi bỏ nhà ra trấn thủ ở lều vịt giữa đầm Trì ngay đầu làng vừa nuôi vịt vừa canh cá.
Đêm đầu hạ, ánh trăng rằm Đoan Ngọ nhuễ nhoãi trên bờ đầm. Những cơn gió ẩy những ngọn cây cọ sát vào nhau bật lên những tiếng reo vi vu vi vút. Dưới trăng, bóng hàng phi lao đổ dài trên mặt sông đào nối tiếp với cống đầm.
Lẫm thấy học khó vào quá chữ nghĩa cứ nhảy nhót bay biến đi đâu, anh bỏ sách bước ra khỏi túp lều lơ đễnh thả mình trong bầu không khí dễ chịu, hít những hơi sâu dài anh cảm thấy đầu óc thật thư giãn nhẹ nhõm sảng khoái.
Cả cánh đồng ngập ngụa trong ánh trăng biêng biếc dìu dịu màu đèn thủy ngân. Phía cuối đồng Đơ, dải sương đùng đục như sữa giăng giăng tựa như có ai hong tơ giữa trời. Tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng chim cuốc gọi nhau khắc khoải, tiếng cá ăn đêm quãy lóc tóc làm Lẫm tưởng tượng đến ngày đánh cá, chao ! lúc chui vào giữa lới quây để cả đàn cá nhảy tán loạn lên ngời thì thú phải biết, thế nào cũng phải làm bữa cá luộc sái sẩm cho bõ những ngày khó nhọc....
Bất đồ Lẫm sực dừng lại, đâu đây hình như có tiếng người, Lẫm lập tức khom lưng, căng tai chăm chú lắng nghe, từ sau bụi duối có tiếng rì rầm khe khẽ, Lẫm căng mắt phát hiện ra một chiếc xe Super Cub dựng bên gốc phi lao. Một chút hiếu kỳ, một chút tò mò, một chút thèm muốn lóe lên trong Lẫm. Anh rón rén lại gần như một kẻ ăn trộm nhòm qua khóm lá duối và phát hiện ra một đôi trai gái đang quấn chặt lấy nhau say sưa. Từ đó phát ra những tiếng thở dài ngọt ngào cùng tiếng rên nhè nhẹ nghe hoang sơ mà quyến rũ lạ thường.
Nhìn họ bất giác Lẫm vận đến thân, anh thầm nhủ: “ờ nhỉ, mẹ đã giục mình bao lần về chuyện vợ con rồi. Mình cứ mải mê công việc tối ngày chẳng để ý gì cả, năm nay cả tuổi mụ đã hai bẩy rồi còn trẻ trung gì nữa đâu, mấy đứa bạn đồng thân thì đã con bế con bồng. Ngặt nỗi chuyện làm ăn kinh tế vẫn chẳng ra đâu vào đâu còn học hành nữa. Kể ra cái Phượng nhà bên cũng dễ thương đấy chứ. Suốt ngày tong tẩy chạy qua chạy lại đỡ đần cho mẹ cứ như người trong nhà ấy. Lẫm thấy thương mẹ quá, mới gần sáu mơi mà lưng đã còng, cái nghèo đã vít lưng mẹ gập xuống...
Có âm thanh ngập ngừng ngắt quãng chen lẫn trong tiếng thở dồn dập hổn hển làm gián đoạn ý nghĩ của Lẫm:
- Đừng, đừng anh... em ngại....
- Ngại gì, mọi sự anh đã sắp đặt đâu vào đấy rồi, yên tâm đi sang năm chúng mình ra trường bố anh sẽ sắp xếp công việc cho, em hãy tin rằng anh thực lòng yêu em, em là ngời con gái duy nhất mà anh tôn thờ, anh chỉ muốn san sẻ tình yêu với riêng em mà thôi....
- Ơ đừng, đừng làm thế anh, em vẫn chưa từng bao giờ, mà nhỡ có người...
- Giữa đồng không mông quạnh không có ai đâu, ta thử đi nào nào ...
Bàn tay chàng trai cứ cuống quít trên cơ thể cô gái. Tiếng hít hà xuýt xoa mỗi lúc một gấp gáp dồn dập.
Lại một cơn gió nữa ào qua khiến hàng cây đổ dài trên mặt sông giãy lên run rẩy. Lẫm thấy trong người rộn lên một cảm xúc háo hức kỳ lạ. Cái ham muốn bản năng trỗi dậy trong mình. Cả cơ thể cường tráng dồi dào sinh lực của Lẫm như bừng bừng bùng cháy lên, toàn thân căng cứng như vận động viên đang cử tạ. Tim Lẫm đập hối hả các mao mạch cứ dồn dập chảy. Da thịt Lẫm râm ran, rạo rực như có cả ngàn con kiến lửa đang bò khắp mình. Cứ ngồi quan sát như thế này thì thực không thể nào chịu nổi. Không thể kiềm chế nổi ham muốn bản năng, Lẫm vụt vùng dậy, nhảy ra khỏi bụi duối vung cao cán thuổng hô to:
- Đứng dậy, chúng mày ở đâu đến mà dám làm trò bậy bạ ở đây hả ?
Đôi trai gái giật mình vội tách nhau ra. Gã con trai co rúm người lại lê lết trên mặt đất van vỉ:
- Dạ, lạy anh tha cho, bọn em sinh viên chỉ định “vui vẻ“ một tý thôi mà.
- Mày đã biết thế nào là “đất có thổ công, sông có hà bá“ chưa ?
- Dạ, dạ.. em hiểu.
Lẫm vờ liếc nhìn chiếc xe nói bâng quơ:
- Này, con “Cúp tôm“ trông cũng khớ đấy nhỉ !
Lẫm vừa nói vừa cầm cán thuổng gạt gạt vào thành xe. Gã con trai lập tức giãy nảy lên:
- ấy, ấy, em xin anh, con xe này em mượn, xin anh nương tay kẻo xước sơn.
Nom điệu bộ ấy, Lẫm không chịu nổi, anh giả bộ vung chiếc xà beng lên cao, gã con trai quên cả cái thân thể như nhộng của mình cuống cuồng nhào đến vừa đỡ chiếc thuổng vừa lạy như tế sao vừa nhỏm dậy ghé sát tai Lẫm thầm thì. Lẫm nghe xong giật nảy mình, sững người giây lát, đoạn anh nhếch mép cười khẩy, vẫy vẫy gã thanh niên tới gằn giọng:
- Tao sẽ tha cho mày đi nhưng với một điều kiện...
Gã thanh niên cúi mọp ngời xun xoe:
- Dạ anh cứ nói, việc gì em cũng làm, miễn là cái xe của em... hề hề...
- Được, bây giờ mày phải nhắc lại thật to, không được thiếu một từ cái câu mà mày vừa thầm thì vào tai tao, rõ chưa ?
- Ơ...ơ...anh đừng đùa...
- Một, hai,... mày có nói không để tao còn đổi ý định.
- Dạ, dạ, thế thì anh để em nói: “Anh giai bỏ qua cho em chuồn, em xin kính mời anh giai dùng con bồ non của em, con này chất lượng hơi bị “ngon“ đấy. “
Cô gái nãy giờ đứng lom khom cố che giấu thân hình lõa thể, thoạt nghe sững người chút vải còn vương trên cơ thể rơi xuống đất, bàng hoàng kêu lên:
- Trời ơi, quân khốn nạn...đồ ..đồ...
Cô gái vừa nói vừa nhào vào hắn, nhưng bị hắn xấn sổ gạt văng ra khiến cô ngã sóng soài trên mặt đất.
Dường như không chịu nổi, Lẫm vung tay thoi luôn một cú vào giữa mặt gã thanh niên rồi dằn giọng rít qua kẽ răng:
- Cút... thằng súc sinh... cút ngay.
Gã thanh niên xỏ vội chiếc xà lỏn lấm lét lên xe lập bập tra chìa khoá, rồ ga chuồn thẳng.
Lẫm nhìn cô sinh viên đang gục đầu thút thít khóc mà không hề dậy lên một cảm giác ham muốn nhục dục nào, chỉ thấy dâng lên một niềm thương cảm lạ thường.
Lẫm thực sự cảm thấy buồn, nghĩ đến phận mình, nghĩ đến môi trường đại học mà mình đang định phấn đấu vươn tới sao mà thảm hại ..... hồi lâu Lẫm cúi xuống nhặt đống quần áo đưa cho cô gái rồi nói khẽ:
- Trò đời đen bạc, đừng khóc nữa, thôi em về đi.
Trong lúc cô gái vận đồ ra về, Lẫm đang loanh quanh thì lão Sửu từ đâu đến nhác thấy lên giọng dằn mặt:
- á à “cháy nhà ra mặt chuột“ nhé , tưởng chú mày đêm hôm nằm ngoài lều vịt làm gì ... ra là ma ăn cỗ, nhưng mà này.. hé... hé... - Tay lão xoa đùi, mắt lão hấp háy ... - Con này cốm ra phết nhẩy ! Chú “thửa“ được ở đâu đấy ?
- Cái ông này, đừng có linh tinh, đây không phải hạng đấy
- “Mèo không ăn mỡ lên giàn làm chi ? “, ngại gì đâu chuyện sinh hoạt, sinh lý bình thường thôi mà, anh em mình cùng “cánh đàn ông “ với nhau cả mà
- Đã bảo không mà lại !
Lão Sửu nổi sung :
- Đêm hôm khuya khoắt thân gái giữa đồng hoang, chả “mèo mả gà đồng“ thì là cái chó gì hả ?
Vừa lúc cô gái bước tới, Lẫm buột miệng nói luôn:
- Đây là người yêu tôi .. !!!
Lão Sửu đi vòng vòng gườm gườm soi mói:
- Được, được, được... chú mày khá “tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi“
Hôm sau vừa về nhà mẹ Lẫm đã bảo ngay :
- Mẹ nghe người làng bảo anh chơi bời lăng nhăng bậy bạ gì ngoài đầm thế hử ?
- Mẹ đừng nghe ngời ta đồn thổi, tính con thế nào mẹ biết quá còn gì
- Mẹ tin anh nhưng miệng lỡi thiên hạ như lưỡi lửa, chớ coi thường và chớ buông thả, đua đòi, nhà mình nghèo, trai chưa vợ phải biết giữ mình con à.
- Dạ được mẹ cứ yên tâm
Đã hai ngày rồi mà mưa vẫn không ngớt. Mưa cứ rơi ào ào hối hả, ù ập, hết đợt này đến đợt khác. Nước chảy thành dòng đục ngầu cuồn cuộn. Mực nước sông đào lên cao rõ mồn một. Lẫm nhìn mưa lòng sôi như lửa đốt. Lẫm đã phải dầm mưa suốt buổi hôm qua để đắp đập be bờ, Lẫm đã công không biết bao nhiêu là bao tải cát. Cả khóm tre đằng ngà từ thời cụ cố để lại Lẫm cũng cho đi bay. Tối, Lẫm lên cơn sốt, người cứ hầm hập hầm hập, đầu ong lên, lưng mỏi rã rời, chân tay bải hoải, bài hoài. Lẫm đã phải ngửa mặt lên trời mà than:
- Sao trời không có mắt, cứ mưa mãi thế này thì làm thế nào giữ được cá bây giờ, sao giời nỡ hại dân lành thế hở giời !!
Đêm ấy cơn lũ ập về. Sớm hôm sau cả khu đồng làng từ ụ pháo qua đồng Đơ đến khu đầu mả đều ngập trắng phớ, những con vịt lạc bầy bơi bơ vơ trơ trọi giữa cánh đồng, khan giọng gọi bầy. Hai chiếc vó bè nhà lão Sửu lại được dịp kiếm bẫm
Phần vì lao lực, phần vì buồn chán thất vọng, tinh thần Lẫm suy sụp hoàn toàn.
Buổi chiều khi trời quang mây tạnh Lẫm lần bước theo dọc triền mương duy nhất còn nhô lên giữa cánh đồng, thì bắt gặp cô gái đang đi tìm anh.
Lẫm sững người ngạc nhiên .....
Và họ ngồi bên nhau trong ráng chiều chạng vạng. Hồi lâu cô gái rụt rè nói.
- Em mang ơn anh nhiều. Nếu không có anh trong đêm ấy, chắc em đã không nhận ra bộ mặt thật của gã sở khanh và không biết cuộc đời em sẽ bị đẩy đi đến đâu.
Lẫm lắc đầu thở dài :
- Có gì đâu em, sự đời vốn thế, không đơn giản và khôn lường, anh cũng đã bị bầm dập biết bao nhiêu. Số phận đã không mỉm cười với anh, hôm nay sau bao nỗ lực anh lại ngồi đây với hai bàn tay trắng....
Trong nỗi buồn thân phận anh đã kể về những bĩ cực, truân chuyên của mình cho cô nghe. Cô đã chia sẻ cùng những tâm sự của anh. Cô như một làn gió mát trong trẻo thổi bay đi những thất vọng u ám chán chường ngổn ngang trong anh. Chờ anh nguôi ngoai cô mới khẽ khàng:
- Anh có biết vì sao đã khởi sự cả trăm lần mà chưa một lần thành công không ?
- Chịu, anh cứ lao vào làm thôi, không hiểu sao thiên hạ người ta cứ giàu lên phơi phới còn mình hẩm hiu chỉ hứng chịu toàn thua lỗ ? Có lẽ tại trời !!!
- Người có chí như anh thế nào số phận cũng sẽ mỉm cười với anh. Nhưng có lẽ anh cần học hỏi thêm chút nữa thì mới ổn.
- Nhưng hoàn cảnh, tuổi tác của anh bây giờ chẳng hợp với môi trường đại học như em được nữa...
- Người ta có nhiều con đường để đi tới đích. Em đang học kinh tế, nếu anh không chê, em sẽ làm gia sư kế toán cho anh ..
- Nhưng thú thực là trong tay anh không có tiền
- Tiền vàng trong tay anh đó, mảnh vườn nhà anh mỗi tấc đất là bấy tấc vàng đấy thôi.
- Nhưng đất của tổ tiên làm sao anh bán được ?
- Anh không thấy người ta hay nói “ dùng mỡ nó rán nó “ à ? Anh không thể và không nên sống đói khổ trên tấc đất của cha ông, đất nhà anh bây giờ chỉ là đất chết. Anh chỉ cần bán đi một phần làm vốn là được.
- ờ ờ ..phải nhưng vấn đề là làm gì, thế nào và với ai ?
- Phi thương bất phú nhưng không phải bôn ba buôn bán đường dài như anh thời xưa đâu. Tại sao anh không làm giàu trên chính mảnh trời của mình. Tiền bạc thiên hạ để đầy đường người biết đi nhặt về thôi, anh hãy thử xem người ta đang làm gì nhiều nhất bây giờ, anh nên làm cái thiên hạ cần chứ không nên làm cái mà mình có.
- Xây dựng, đâu đâu anh cũng thấy người ta xây nhà em à ....
- Thế sao anh không kinh doanh vật liệu xây dựng ! Chả riêng gì ở đây, đất nước mình ngày nay đâu đâu cũng như một công trường.
Lẫm quyết định bán rẻo đất phía Đông, mua chiếc công nông đầu ngang chuyên chở gạch. Người ta buôn 210đồng/viên bán 300 đồng/viên, Lẫm cất gạch tận công ty chỉ cần bán giá 280 đồng/viên giao tận chân công trình đã lãi được 70 đồng/viên. Một mình một xe vừa bốc, vừa chở, vừa dỡ mỗi ngày quất nghìn viên cầm chắc 70.000 đ. Anh tự nhủ “Năng nhặt chặt bị, chim tha lâu có ngày đầy tổ chứ trèo cao ngã đau, làm ăn ba vạn chín nghìn rủi ro đã trả giá mãi rồi chả dại“
Ngày làm, tối đi tiếp thị, Lẫm cứ la cà hễ nhà nào đang rậm rịch xây nhà là anh vào lân la hết nhà này đến nhà khác. Chuyện trò tình cảm, gia chủ ai làm nhà cũng bận rộn, bộn bề nên rất muốn giao tất tay toàn bộ khâu vật liệu cho một cửa tin cậy. Lẫm đứng ra nhận cung cấp trọn gói các loại gạch ngói, xi măng, sắt thép... theo kiểu ghi sổ cuối kỳ tổng kết nên rất đắt khách. Điện thoại réo liên miên khiến ăn không ngon ngủ không yên. Người gầy rộc đi nhưng tiền về như nước và niềm hứng khởi thì được nhân đôi.
Công việc ngày càng nhộn nhịp khiến lẫm xoay như chong chóng, nhờ có Hương vừa là giáo viên vừa là nhân viên ghi sổ giúp sức chứ không thì anh đã rối lên như gà mắc tóc với hàng đống những số má, biên lai giấy tờ, hoá đơn xanh hóa đơn đỏ.
Gạch nhà máy của Lẫm cạnh tranh trực tiếp với gạch lò thủ công của lão Sửu, khiến lão tức nổ ruột tìm cách cạnh khoé nói xấu với khách hàng: “Gạch nhà thằng Lẫm làm theo lối công nghiệp nhanh nhiều tốt rẻ sao bằng gạch nung truyền thống nhà tôi được luyện nhuyễn như kẹo kéo... “
Nhưng lão chỉ lừa được mấy người hàng phố mới về làng không biết, chứ dân làng thì còn lạ gì trò mèo của lão giao lẫn gạch B vào với gạch A, mà thói đời “Hữu xạ tự nhiên hương“ chứ người ta rỗi hơi mà nghe lời thị phi. Gạch bán không được, lão Sửu tức quá bày trò yêu cầu bảo nông lập Ba-ri-e ngăn không cho xe cơ giới vào làng sợ vỡ đường gạch của làng. Nhưng đã chẳng ngăn được đội quân xe thồ của Lẫm trong khi xe bò chở gạch của lão lại bị chặn trước.
Đêm cuối năm gió mùa đông bắc tràn về lạnh thấu da thấu thịt, trời đã khuya Lẫm đang lái công nông chở đầy cát về tập kết đầu làng để sáng mai giao hàng sớm, tới khu lò gạch nhà lão Sửu bỗng thấy lửa than lò gạch đang bén lem lém ăn vào mái liếp khói bốc lên nghi ngút. Lẫm vội đánh xe tạt vào khu lò, hối hả hất cát lên mái gianh phải mất đến nửa xe cát, ngọn lửa mới lụi, vừa lúc lão Sửu hớt ha hớt hải chạy tới. Trời bắt đầu mưa cả Sửu và Lẫm đều núp dưới mái gianh hiên nhà tạm che gạch mộc. Lão Sửu xuýt xoa:
- Quý hoá quá không có chú em hôm nay mái phên cháy hết nước mưa nó vào lò rụi than thì mấy vạn gạch nhà anh đi đứt, chú tốt với anh quá thế mà ....
Lão Sửu cha nói hết câu bỗng thấy Hương áo tơi xộc xệch hớt ha hớt hải chạy tới miệng lắp bắp:
- Anh Lẫm, anh Lẫm ơi về ..về nhanh lên ...con nhà ông Sửu nó đang dỡ gạch nhà anh ra tráo lẫn gạch B vào ở đầu sân kho kia kìa....
- Trời ơi thật thế sao ! anh Sửu anh trả lời đi có đúng thế không ?
- Ơ ờ anh xin lỗi, anh hiểu nhầm tưởng chú phao tin nói xấu anh vụ gạch B dạo nọ .. nên đúng là vừa chót bảo chúng nó tráo lẫn gạch B vào đống gạch của chú.
- Anh nỡ làm thế à, mà anh có biết rằng như thế không những làm tôi mất uy tín mà còn có thể làm đổ nhà chết người không ?
- Chú ...chú Lẫm, anh có lỗi, anh xin chú, cũng bởi vì chú bán chạy như tôm tơi trong khi gạch nhà anh gần tết rồi mà vẫn ế quá....anh... anh sẽ đền lại cho chú..
- Tôi có làm gì anh đâu, sao anh không đặt vấn đề với tôi, nếu anh nâng cao chất lượng gạch lò nung thì tôi có thể làm khách hàng của anh cơ mà....
- Ôi được thế thì may quá, hay chú bán giúp anh nốt mấy lò này đi, sang năm chắc anh cũng phải giải nghệ thôi, anh già rồi mà gạch thủ công khó hòng cạnh tranh với gạch công nghiệp, hình như xã đang có ý đình chỉ mấy lò này, mấy thửa ruộng thành ao hết cả rồi, đất đâu làm tiếp nữa bây giờ.....
- Được anh yên tâm, cái đó chuyện nhỏ, nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta bàn chuyện hợp nhất công chuyện rồi đấy, gạch lò thủ công vẫn rất hợp cho việc xây nhà dân dụng. Nhưng thôi việc đó để ngày mai hẹn anh ở quán bia hơi bà Bốp.
Đoạn Lẫm quay ra bảo Hương lên xe công nông chạy về làng .
Lão Sửu ngây người đứng nhìn bóng đôi bạn trẻ nhấp nhô trên chiếc công nông đầu ngang. Một cơn gió nữa lại ùa về nhưng không giá lạnh nữa hình như gió đã đổi chiều đã thấy hơi xuân luồn trong gió.
Trại viết Đồ Sơn 2002