Váy và khố là trang phục truyền thống của người Ta ôi. Từ những nguyên liệu sẵn có trong môi trường tự nhiên, những thiếu phụ Ta ôi đã khéo léo dệt nên cả một bức tranh cuộc sống của cộng đồng:
Úp bàn tay trái đã nên nét hoa lan
Ngửa bàn tay phải đã thành bông hoa chuối
Ngồi xổm thêu được hình con chim én
Ngồi nghiêng quay sợi thành bông gạo bông lau (1)
Váy và khố của người Ta ôi được hình thành từ sản phẩm dệt dzèng, một nghề - một sản phẩm dệt thủ công nổi tiếng của người Ta ôi. Và khi nói đến vải dzèng, người Ta ôi có truyền thuyết cho rằng bà Cănpơnu sau khi học ở trên trời rất nhiều nghề khi về lại trần gian đã bày cho các thiếu nữ nghề dệt để họ có áo, váy và khố nhằm chống lại cái giá rét của mùa đông và sương núi.
Vải dzèng được hình thành trên cơ sở quy tụ nhiều nguyên liệu trong đó chủ yếu là: cây bông sợi (kapas), cây râm (tatưam), vỏ xoắn ốc (ira), củ nâu (achat), dây đằng đằng (inrak) (3), những nguồn nguyên liệu này đều có từ môi trường rừng và các suối, sông.
Váy của phụ nữ Ta ôi có chiều dài từ 90,1cm đến 100cm, chiều rộng từ 75cm đến 80cm và thường cân nặng 6,2 lạng (trong đó hạt cườm trang trí có từ 3 đến 4 lạng). Khố của người đàn ông Ta ôi có chiều dài là 4,25m (tính cả tua rua hai đầu), chiều rộng là 35cm và cân nặng là 4,5 lạng (trong đó hạt cườm trang trí nặng 2 lạng). Cả hai loại váy và khố đều được định hình bằng các phức hệ hoa văn trang trí có ý nghĩa riêng. Váy được trang trí nhiều hoa văn hơn mà lại thanh thoát và mềm mại, uyển chuyển. Còn khố thì được trang trí giản đơn nhưng lại biểu lộ tính chất khoẻ mạnh, đơn giản nhưng rắn chắc của người đàn ông.
Bước đầu, chúng tôi cố gắng lột tả các ý nghĩa hoa văn trang trí trên trang phục Ta ôi để thấy rõ bức tranh cuộc sống cộng đồng của một tộc người có lối sống ưa hình thức và họ đã gởi gắm nó trên trang phục của mình.
1. Nguyên vật liệu cho trang trí hoa văn
Phối trí hoa văn chủ yếu trên vải dzèng là những hạt cườm (arak/ alùng) được gắn hoặc chèn vào trong quá trình dệt. Sau khi đã chuẩn bị xong những nguyên liệu cho một tấm váy hoặc khố để dệt dzèng, người thợ dệt phải chuẩn bị từ 2 đến 5 lạng hạt cườm từ 3 nguồn chính.
Trước đây, người Ta ôi sử dụng hạt cườm bằng chì. Họ lấy chì từ sông Antrool (thuộc nước Lào - nơi có nhiều đồng bào Ta ôi gốc sinh sống), đem về nấu chảy bằng nồi đất nung, dùng Abung múc chì đổ lên một tảng đá, dùng que tách chì ra thành từng hạt nhỏ, lấy vật tròn, dẹt lăn tròn để tạo dáng và dùng que có đầu nhọn chọc lỗ rồi cho ngâm vào một chậu nước để làm nguội chì. Những người phụ nữ lựa những hạt tròn, chắc và có lỗ rõ ràng gói lại đem về để dệt.
Có một loại hạt cườm được lấy từ hạt cây arac bọc (cây trơn) mọc rất nhiều ở những khu rừng hoặc bụi rậm, hạt như hạt tiêu, khi phơi khô thì trở nên rất cứng và người ta tạo một lỗ tròn ở tâm hạt để dễ luồn chỉ hoặc sợi.
Ngày nay họ có thể mua cườm tại các chợ. Những hạt cườm được đóng gói cẩn thận, bằng nhựa cứng, có lỗ tròn ở tâm và đầy đủ các màu rất dễ sử dụng và cũng nhờ đó mà người thợ dệt đỡ phải mất thời gian tìm kiếm hạt cườm như trước đây.
2. Phức hệ hoa văn trang trí trên trang phục Ta ôi
Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi thì đã có gần 100 loại hoa văn khác nhau trên trang phục của người Ta ôi. Phần lớn là những biểu tượng về thiên nhiên, vũ trụ, con người, động vật, thực vật và đồ vật. Mỗi hoa văn đều mang ý nghĩa riêng của nó và góp phần vẽ nên một nét hoa văn chung trong mĩ thuật Ta ôi.
Một điều nhận thấy rằng trang trí trên trang phục của người Ta ôi, người thợ dệt đã sử dụng 3 loại hình chủ yếu là: Hình tam giác (4 kiểu); Hình con thoi (2 kiểu); Hình đường thẳng (1 kiểu).
Với 3 loại hình, 7 kiểu, tuy ít nhưng người xem không thấy chán, không thấy sự đơn điệu mà cảm nhận và lắng nghe được sự rung rinh của hoa lá, sự vui nhộn của những hình người nhảy múa, sự ríu rít ồn ào của chim muôn thú rừng. Chúng tôi đã phân chia các loại hoa văn trang trí thành 5 phức hệ với 76 hoa văn khác nhau trên vải dzèng: Hệ hoa văn động vật; Hệ hoa văn thực vật; Hệ hoa văn đồ vật; Hệ hoa văn về con người; Hệ hoa văn về thế giới quan.
Hệ hoa văn động vật:
Đối với người Ta ôi, những con vật hoặc các bộ phận của chúng đều có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa tâm linh. Chính vì bái thờ các loài vật cho nên trong phức hệ hoa văn trang trí trên vải dzèng, hệ hoa văn động vật có một tỉ lệ khá lớn:
Hình tagadang: Hai con nhện có thân hình bằng nhau, bốn chân chìa ra bốn góc, nằm song song và chạm hai chân trước vào nhau.
Hình băng bộc: Con bươm bướm đang xoè cánh bay với đầy đủ các bộ phận (đầu, bụng, đuôi, cánh và chân).
Hình axiếp: Con dơi đang xòe cánh bay.
Hình abing: Con nòng nọc hay con cá óc nóc.
Hình achỉ: Hai con chim trĩ có cánh rộng vươn xa, đuôi dài và bay thành đường thẳng nối đuôi nhau.
Hình arết axiu: Xương cá, ở giữa có đường sống lưng, hai bên có đường rẽ đối xứng cùng chiều.
Hình tapat ântroi: Dấu chân con gà có năm ngón, các ngón có độ dài ngắn khác nhau, ở giữa tâm có một lỗ tròn.
Hình chidoang avang: Đuôi con chim én, thể hiện sự lẹ làng, nhanh nhẹn của một loài chim báo hiệu mùa xuân về.
Hình trângâu blôm: Con vắt, biểu trưng cho loài luôn bám lấy chân người để hút máu.
Hình chipos ântroi: Cựa của con gà trống biểu hiện sức mạnh bảo vệ cuộc sống.
Hình klang nga: Con chim Thiên Nga hiền lành với sự âu yếm dịu dàng.
Hệ hoa văn thực vật:
Người Ta ôi đã xem thiên nhiên xung quanh họ là những người bạn thân thiết và chính điều này đã được các nghệ nhân dệt Ta ôi đưa vào trang trí trên trang phục của mình.
Hình tavạt: Cây đoác, có thân giống như cây dừa. Cư dân Ta ôi thường dùng nước của cây này ủ với vỏ cây chuồn một thời gian dài tạo thành rượu đoác, một thức uống đặc biệt của đàn ông Ta ôi để chống lại cái giá lạnh của rừng núi.
Hình pitkcho: Trái cây đoác, được tạo thành từng buồn nặng trĩu, quả tròn nhỏ.
Hình aưm: Cây bắp được thể hiện đầy đủ thân cao, lá dài có cả ngọn hoa cờ.
Hình parơmơ pacam: Cây đậu cô ve, nguồn lương thực chủ yếu của người Ta ôi.
Hình arap: Một loại hoa ở rừng, lá có màu xanh, hoa màu vàng, thân xếp rất mềm mại, chúng tôi không dịch ra được tiếng phổ thông (hoặc danh từ khoa học).
Hình inrak: Loại lá dùng làm thuốc nhuộm vải được lấy trong rừng sâu. Người thợ dệt chế tạo từ rễ cây này thành màu vàng để trang điểm màu sắc cho vải dzèng. Muốn dùng phải rửa sạch rễ, cạo vứt bỏ vỏ ngoài và lõi của nó chỉ lấy lớp vỏ thứ hai mà thôi. Cây có lá to, màu vàng, cuống lá eo thắt lại.
Hình tômanlong: Cây đậu leo, hay còn gọi là đậu quyên. Với hình cây trái xum xuê biểu trưng cho sự được mùa và sung túc trong vụ thu hoạch.
Hình pirkacho: Cây mua, có hình dáng và lá giống như cây sim, mọc hoang dại ở khắp vùng đồi.
Hình trichut: Cây nấm có màu đỏ thường mọc vào tháng chín ở các rừng thông.
Hình trisot: Cây nấm rơm, được các gia chủ trồng nhiều nhất, thể hiện sự đông đúc, nhộn nhịp trong cuộc sống cộng đồng.
Hình abăng abung: Loại măng giang, mang ý nghĩa chung cho các loại măng thuộc họ tre, nứa, lồ ô, được thể hiện dưới hình tam giác nhọn nối tiếp chạy dài hết chiều ngang của tấm dzèng.
Hình ala paradin: Lá của cây đoác, thể hiện được 3 phức hệ văn hoa (Tà vạt, Pikcho và La pađin). Người Ta ôi sử dụng lá cây này để làm mồi lửa hoặc có thể che dàn bầu bí.
Hình piliatoal: Loại cây thiếng, mỗi khi thanh niên Ta ôi đến tuổi yêu đương thường ăn quả cây này để chứng tỏ sự thủy chung hẹn thề.
Hình tôm along kađước: Cây mọc ở trong rừng sâu, quả có màu vàng thường chín vào tháng 10 và cây là thức ăn hoặc giải khát cho người đi rừng.
Hình arochoh: Loại cây có thân vừa, mỗi cành có 4 lá thon dài, hoa có 4 cánh, nhụy màu đỏ. Trên hoa văn hình này thể hiện bằng một cây trồng trong chậu cảnh.
Hình pilipít: Cây cam có quả và một cành nhỏ.
Hình akrang krạo: Một loại cây rừng có rất nhiều lá và được người dân đem về trồng trong các chậu cảnh.
Hình pir pang/pir choonh: Tên của một loài hoa, ai gặp loài hoa này sẽ gặp nhiều may mắn và hạnh phúc.
Hình piratang: Cây hoa Atâng mọc ở trong rừng rậm.
Hình ngkoang kating: Cây cổ thụ Kating là một trong những cây linh thiêng vì có thần linh ngự trị. Loại cây này có hạt như là hạt đậu ván nhưng to gấp mấy lần hạt đậu đỗ. Truyện cổ Ta ôi người ta thường nhắc về loại cây này.
Hệ hoa văn đồ vật:
Vật dụng thường dùng của người Ta ôi là gùi (tilek), rựa (acổ), cuốc (avin)… và đa phần các vật dụng trong cuộc sống hàng ngày được chế tác từ các nguồn nguyên liệu sẵn có từ rừng như: Mây, tre, giang, nứa… còn lại là các dụng cụ cơ khí được mua từ các xưởng thợ rèn của người Kinh. Từ các vật dụng nhỏ, đơn giản, rẻ tiền nhất đến vật dụng lớn, cầu kỳ và đắt tiền đều được người Ta ôi quý trọng và luôn luôn được sử dụng hoặc đem theo bên mình khi đi rẫy hoặc đi săn. Vì tính quan trọng của nó mà không phải ngẫu nhiên các thiếu phụ Ta ôi lại trang trí trên trang một vài hoa văn đồ vật mang tính đặc hữu nhằm thể hiện một sự phóng túng trong ý nghĩa của việc ưa trang trí, trưng bày.
Hình rèng rông: Tượng trưng cho ngôi nhà Rông, có cửa mở, loại hoa văn này được trang trí dày đặc trên tấm vải dzèng.
Hình kring rông: Kiểu trang trí cho lan can suốt dọc hành lang của ngôi nhà Rông. Hoa văn này được xếp thành dải dài có hai hàng chông chĩa mũi nhọn vào nhau như cái hàng rào bảo vệ cho ngôi nhà.
Hình ânquang ting rũ rông: Biểu trưng cho ngôi nhà dài Dungtarađát có nhiều bếp của người Ta ôi. Hoa văn loại này được trang trí xung quanh viền dưới của tấm vải dzèng.
Hình công atin: Biểu trưng cho ngôi nhà có nhiều bếp của người Ta ôi được bao bọc bởi hai hàng rào hình răng cưa, thường được trang trí ở gần viền, nối dài theo chiều dọc của vải Dzèng.
Hình arata: Cái cầu thang lên ngôi nhà Rông, loại này có hai dãy hạt cườm nằm song song thẳng đứng, ở giữa có các thanh ngang kề nhau ôm lấy các hình con thoi tượng trưng cho các bậc cấp của cầu thang và cho bước chân người khi đặt lên ngôi nhà Rông.
Hình đingcating: Đây là tượng trưng cho cái dây thắt lưng, có nhiều hình coi thoi dính liền các mũi nhọn với nhau và được trang trí theo chiều ngang của vải Dzèng. Loại hoa văn này biểu trưng cho sự gắn kết cộng đồng dòng tộc nhưng cũng là một vật thời trang của các thanh niên Ta ôi.
Hình tanang xes: Có hình dạng hai chữ X lồng khít gần nhau, hoa văn này là hình ảnh của con xe cuốn sợi.
Hình đung xia: Đây là cái chân đế của con xe quay sợi. Hoa văn này có hai loại, loại mang hình số 8 có hai lỗ vuông ở tâm để dùng cắm dụng cụ Anel, loại có hình con xe quay sợi, có hai lỗ tam giác ở hai đầu.
Hình alịt: Biểu thị cho hình dạng của một dụng cụ quay bông thành sợi, loại này có hai hình tam giác đối đỉnh nhau, hai bên cạnh có hai hình con thoi đối xứng.
Hình bã não: Đây là những viên mã não được biểu thị bằng bốn hình con thoi giao nhau ở 4 đỉnh. Đối với người Ta ôi nhất là phái nữ và người già, mã não là một loại hình trang sức rất thông dụng, có người đeo ở cổ, có người đeo ở tay và thậm chí có những cụ bà đeo ở cổ lên đến 3 hoặc 5 vòng khoảng gần 500 viên lớn hình con thoi. Mã não được xem là một vật quý vì có những gia đình cất trang sức mã não coi như là vật gia truyền sau bạc.
Hình pa poát: Biểu chị cho người có công việc chèn các hạt cườm vào vải dzèng. Đây là một công việc phức tạp và quan trọng nhất trong quy trình dệt.
Hình kalát tơ ra: Là tấm bảng bia có hình tâm điểm mà đàn ông Ta ôi dùng để ngắm bắn cung, nỏ.
Hình chirông: Cái bẫy, được thể hiện hàng loạt các mũi nhọn, trên các khoảng cách thường có một hình tam giác biểu thị cho một con thú đã bị mắc bẫy.
Hình tanan xia: Cũng là cái bẫy nhưng được cài đặt một cách nguy hiểm hơn.
Hình para mỡ pacam lân cha chim: Hoa văn dùng để cúng Giàng (Thần). Đối với người Ta ôi, trong tục thờ cúng các vị thần thì váy dzèng còn là vật ký thác, trong đó thần Tro (Lúa) là một nữ thần cho nên: "Vật ký thác là váy, áo dzèng và đồ trang sức cho đàn bà, việc thờ cúng là do người phụ nữ trong gia đình chủ trì" (4). Bên cạnh đó, trong lễ hội đâm trâu của người Ta ôi, vải dzèng cũng được trưng dụng để phủ lên mình con trâu (5). Vì tính thiêng đó, cho nên kiểu hoa văn trang trí này thường được các nghệ nhân chăm chút tỉ mỉ với nhiều họa tiết đẹp và sặc sỡ.
Hình arư ache: Biểu thị cái váy của các loại chum, choé đựng rượu đoác, rượu cần. Loại hoa văn này có hình như chiếc phễu để ngược.
Hình kalang camua: Sự hình thành đường kiến bò, có một hạt cườm đơn lẻ xếp thẳng hàng, hoa văn này được trang trí ở mép của tấm vải dzèng.
Hình nol xarme: Hình cột điện lưới quốc gia. Đây là loại hoa văn lấy đề tài từ cuộc sống hiện đại, với một hình có 2 nhánh ngang, trên mỗi nhánh có hai hình tam giác tượng trưng cho các trái sứ cách điện.
Hình xeling: Những cây bông nhọn, xếp cạnh nhau và chĩa mũi nhọn lên trời.
Hình arach khêl: Những chiếc bàn đỡ dùng để che khi có xung đột hoặc trong lúc múa mừng nhà Rông mới, người Ta ôi vẫn sử dụng cái khiên và tay cầm dao sắc để chứng tỏ rằng con người luôn luôn sẵn sàng chống lại thú dữ và các thế lực thù địch khác trong làng bản. Loại hoa văn này được biểu thị bằng 3 đường thẳng song song và thẳng đứng, ở giữa có hình coi thoi, xung quanh có các đường thẳng chéo.
Hình parơmo pacam: Dụng cụ để cuốn sợi khi dệt vải.
Hình chiếc máy bay: Máy bay lên thẳng và máy bay phản lực. Người Ta ôi lấy đề tài này để trang trí nhằm vừa giáo dục thế hệ trẻ vừa thể hiện truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc trong việc đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược trên quê hương mình.
Hình tên lửa: Hoa văn mang hình chiếc tên lửa đang nối đuôi nhau bay. Đây cũng là một đề tài mang tính hiện đại thể hiện một loại vũ khí đánh giặc.
Hình châr beeng: Đây là chiếc cầu nối đơn khi bắc qua suối thường bằng tre hoặc một thân cây gỗ.
Hình châr beeng kloak: Chiếc cầu nối đơn chắc khoẻ do có nhiều cây tre hoặc gỗ hợp thành.
Hình kanooi: Hình cái ổ lót cho gia cầm sinh nở, là vật dụng thường thấy của các hộ chăn nuôi gia cầm. Hoa văn này được thể hiện bằng nhiều hình tam giác bọc quanh hình con thoi.
Hình pârruk prik: Đây là cái mấu nhồi ớt, hay còn gọi là cái chày nhỏ dùng để giã ớt của người Ta ôi. Hoa văn này được thể hiện bằng các đường thẳng chắc khoẻ.
Hình chipar prik: Hình hoa văn thể hiện cái hũ đựng ớt. Đây là một biểu tượng không kém phần độc đáo của người Ta ôi.
Hình khêl: Đây là cái mâu dùng để săn đuổi thú rừng, được thể hiện bằng nhiều đường thẳng chìa ra xung quanh theo 8 cạnh. Đầu mỗi cạnh có 8 hình con thoi biểu thị cho mũi nhọn của chiếc mâu.
Hình karon an tron: Hình vườn rào dùng để chắn gà và các loại gia súc gia cầm khác vào phá vườn. Loại hoa văn này mang tính rườm rà và tỉ mỉ bởi vì nó là sự hợp thành của nhiều loại hoa văn nhỏ khác.
Hình apooh tiho: Cái bẫy sập thú rừng được thể hiện bằng các hoa văn có hình nhọn chĩa mũi lên trời. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ loại sập bẫy này đã thu lại nhiều thắng lợi lớn trong việc tiêu hao sinh lực địch.
Hình cầu treo: Đây là hình ảnh thường thấy trong cảnh quan môi trường của người Ta ôi. Chiếc cầu treo được thể hiện qua lối hoa văn chắc khoẻ với nhiều đường thẳng và có nhiều dây nối.
Hình chong chóng: Đây là một thứ trò chơi của trẻ nhỏ Ta ôi được các thợ dệt thêu bằng các đường nhỏ và thẳng. Phía 2 đường đầu thẳng đó là có 12 hình con thoi chia làm 3 nhánh. Khi nhìn vào ta như đang trông thấy chong chóng quay liên hồi trong gió.
Hình kalát tơ ra: Cái súng dùng để bắn cá, ếch. Đây là loại vật dụng mà người Ta ôi tự tạo để nhằm cải thiện bữa ăn trong mỗi gia đình.
Hình char bâu: Nơi ngăn không cho trâu bò và người ác vào phá nương rẫy. Hoa văn này được thể hiện bằng những đường thẳng biểu thị cho sự sắc nhọn.
Hình deeng katteeng: Biểu thị hình có chữ "Điền", đối với cách trang trí này người Ta ôi chưa giải thích được nghĩa. Hoa văn được thể hiện bằng 2 hình con thoi đối nhau.
Hình panóc: Hình người nộm dùng trong các nghi lễ cúng bái để các thầy cúng chữa bệnh điên, hoặc dùng để đuổi tà ma, quỷ dữ.
Hệ hoa văn về con người: Ở trong phức hệ hoa văn trang trí của người Ta ôi biểu tượng về con người hiện nay chỉ mới có 1 hệ hoa văn với tên gọi là răm/ ngaizazaq hoặc ngai răm tức là người nhảy múa trong lễ hội. Loại hoa văn này tồn tại 2 nội dung: Người đàn ông múa (Được biểu thị bằng hình ảnh của một người đàn ông khom lưng múa, hai bàn tay ép lại và các ngón tay xòe ra); Người đàn bà múa (Mặc váy Naidôi đang múa các ngón tay xoè rộng và đưa lên ngang bằng hai vai, đôi bàn chân cũng chải ra bằng vai và cũng lắc lư theo điệu nhún nhảy xoè rộng của đôi tay).
Hệ hoa văn về thế giới quan:
Trong cuộc sống cộng đồng, người Ta ôi vẫn khát khao có sự giao hòa giữa Trời - Đất và con người cho nên mới có tục đâm trâu, lễ cầu mùa, tục cúng các vị thần Lúa, thần Đất, thần Núi, thần Rừng… Theo quan niệm của người Ta ôi thì vũ trụ bao la, Trời - Đất là cha mẹ đã tạo ra tổ tiên họ vì thế cho nên những họa tiết hoa văn trang trí xuất hiện trên trang phục vải dzèng luôn có những hình về ngôi sao Bắc Đẩu, tương hợp giao hòa, ngôi sao Rua.
Hình papuốc: Tượng trưng cho ngôi sao Rua, hoa văn này có hình dạng 2 hình vuông lồng vào nhau, có hai đường thẳng nối liền hai góc chéo nhau.
Hình aming cha chung: Biểu thị hình một ngôi sao có 3 loại (Một loại có hình ngôi sao 4 cánh, ở giữa có lỗ tròn; Một loại có 4 hình thoi xếp với nhau thành hình vuông; Một loại có 4 hình thoi xếp kề nhau thành một đường thẳng).
Hình meenh cha chung: Ngôi sao Bắc Đẩu tượng trưng cho nguồn sáng thường mang ý nghĩa chung là thiên thần.
Hình trmoq pakoom: Nói đến sự tương hợp giao hòa giữa con người với thiên nhiên.
3. Các loại thổ cẩm của người Ta ôi
Trong trang phục của người Ta ôi luôn luôn có sự phân định về giá trị và quyền của người sử dụng. Thổ cẩm của người Ta ôi có 5 loại sau:
Pakom: Chỉ dùng cho nam giới đóng khố hoặc may quần dài, có áo khoác ngoài, không có hoa văn cườm trang trí tỉ mỉ chỉ có những hoa văn được tạo bằng sợi ngũ sắc.
Ântoong: Dành cho giới có địa vị trong thôn bản, có chèn cườm toàn bộ, rất công phu cầu kỳ.
Mnong: Không chèn cườm mà chỉ có hoa văn được tạo bằng sợi, dùng để trang trí nội thất hoặc để khoác lên mình con trâu trong các lễ hội đâm trâu.
Nnai trâboo: Chỉ chèn cườm ở một phần cuối cùng của váy, được phụ nữ Ta ôi rất ưa chuộng và có thể dùng làm vật ký thác cho nữ trần Tro (Lúa).
Nnai ngăq: Rẻ tiền, không có hoa văn cườm, hoa văn sợi, thường dành cho những trẻ nhỏ sử dụng.
Màu sắc và hoa văn trên vải dzèng đã tạo nên tính hài hòa của nó. Nền đen của vải nổi bật màu trắng sáng của các hạt cườm và sự lấp lánh của các loại chỉ ngũ sắc: Xanh, đỏ, vàng, tím, hồng đã làm cho tấm dzèng càng thêm rực rỡ.
Trên váy của người phụ nữ Ta ôi thì nửa trên được bài trí các hoa văn bằng sợi ngũ cốc, ranh giới giữa các phần sẽ là những đường diềm rất đẹp. Nửa dưới được trang trí hoa văn cườm và được chia thành 4 tầng. Từ tầng 1 đến tầng 3 (kể từ dưới lên) là hoa văn thường, chạy dài từ đầu đến cuối chiều ngang của váy, hình xương cá, hình người múa và hình con nòng nọc. Còn ở tầng 4 thì được chia thành các ô, hộc, có kích thước thường là 5 x 5cm, trong các ô, hộc đó được trang trí bởi các hệ hoa văn thực vật.
Trên khố của người đàn ông, ngoài trang trí có tua rua ở hai đầu thì hoa văn trang trí cườm thường rất ít xuất hiện. Một chiếc khố có chiều dài 4,25m thì độ dài trang trí ở hai đầu chỉ dài 64cm và hệ hoa văn trang trí là các hầm chông, bẫy sập, hàng rào, cây đoác, trái đoác và lá đoác.
Sở dĩ có sự trang trí hoa văn đối nghịch nhau giữa váy và khố dzèng như vậy là do người phụ nữ thường ưa chuộng nhiều hình ảnh mềm mại, uyển chuyển và gần gũi với nhiều công việc hàng ngày của họ đó là làm vườn, nấu ăn, giặt giũ… còn người đàn ông là biểu tượng cho sức mạnh nên những hoa văn thường mang tính chắc khoẻ gân guân guốc thường được họ ưa thích hơn.
Trong một chừng mực nào đó các ý tưởng của người Ta ôi đã được thể hiện rõ ràng trên vải dzèng bởi những hoa văn đa dạng và đầy đủ ý nghĩa. Họ là những người đã gìn giữ vốn quý và đã truyền tải được một phần kho báu văn hóa của dân tộc mình. Ngày nay, nhiều dự án bảo tồn và phát triển nghề dzèng của người Ta ôi đang được thực hiện. Đó là một tín hiệu vui để những chủ nhân của nó có dịp để trổ tài dệt cửi, chèn hoa văn mang hơi thở văn hóa của dân tộc mình, sánh cùng với các phức hệ hoa văn khác trong cộng đồng văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Trích tạp chí VH&NT
1. Trần Nguyễn Khánh Phong, Vài nét về dân ca - dân nhạc - dân vũ của người Ta ôi, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 2 (45), 2004, tr. 23.
2. Nguyễn Quốc Lộc (chủ biên), Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên, Nxb Thuận Hóa Huế 1984, tr.157.
3. Xem thêm: Trần Hoàng - Nguyễn Thị Sửu, Góp phần tìm hiểu văn hóa dân gian dân tộc Ta ôi A Lưới - Thừa Thiên Huế, Nxb Văn hóa Dân tộc 2003, tr. 31 - 38.
4, 5. Huỳnh Đình Kết, Tục thờ thần ở Huế, Nxb Thuận Hóa 1998, tr. 151, 157, 158.