Người Chăm H’roi là một bộ phận của dân tộc Chăm, sinh sống chủ yếu ở Bình Định và Phú Yên.
Lễ đổ đầu (Quoai chơ ruh a kơh) là một nghi lễ truyền thống của người Chăm H’roi được tổ chức vào cuối năm âm lịch, từ ngày 25 đến ngày cuối cùng của tháng chạp theo lịch Chăm. Thoạt nghe tên gọi, chúng ta có thể liên tưởng đến một hình thức ma thuật để biểu hiện những ước vọng có tự ngàn đời, song nó hàm chứa ý tứ sâu xa. Người Chăm H’roi giải thích đó là một hiện tượng để tỏ ơn những “cái đầu” biết cách làm ra và sẽ làm ra cái ăn, cái mặc, cái để nối nghiệp lũ làng. Nếu ai được dịp chứng kiến phép đổ đầu của lễ Quoai chơ ruh a kơh, với chi tiết dùng máu gà tươi hòa với rượu cần đổ lên trán các thành viên trong gia đình sau khi diễn trình hành lễ chính thức vừa được kết thúc sẽ thấy được hình ảnh thể hiện sự sinh sôi nảy nở, biểu hiện tính phồn thực với ý nghĩa tạo ra mọi sự sống mới, theo cách nghĩ của người Chăm H’roi.
Nhìn lại nghi lễ Rica Nưgar của người Chăm ở Ninh Thuận, có thể thấy đây là một lễ thức nông nghiệp được diễn ra suốt quãng thời gian cuối tháng tư đến đầu tháng 5 dương lịch, tức là thời khắc chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Không phải ngẫu nhiên tháng đầu tiên của người Chăm Ninh Thuận trong một năm lại rơi vào nửa cuối tháng 4 và nửa đầu tháng 5 dương lịch.
Như vậy nghi thức lễ, diễn trình lễ và vật tế lễ của Rica Nưgar và Quoai chơ ruh a kơh tuy khác nhau nhưng có cùng ý nghĩa là cầu an, chúc phúc cho mọi thành viên trong gia đình, chúc mừng một năm an lành đi qua, tống tiễn những điều cản trở năm cũ và cầu mong một năm mới, một vụ mùa mới bội thu. Đồng thời về thời điểm tiến hành có những nét tương đồng khi xét ở góc độ nông lịch và hệ thống lịch đang được sử dụng. Hai nghi lễ này đều được diễn ra vào thời điểm chuyển mùa (Rica Nưgar: từ mùa khô sang mùa mưa, Quoai chơ ruh a kơh: từ mùa đông sang mùa xuân), bước vào một vụ mùa mới, một năm mới.
Với các dân tộc cùng chịu ảnh hưởng văn hóa ấn Độ thời xưa như người Chăm, chúng ta sẽ bắt gặp những lễ mừng năm mới rất gần nhau về thời gian, mục đích và tính chất. Ngày tết năm mới cổ truyền của người Thái ở Thái Lan gọi là Sôông kran và thường rơi vào giữa tháng tư dương lịch, nghĩa là vào tháng nóng nhất trong năm và cũng là vào những ngày cuối của mùa khô, trước khi có trận mưa đầu mùa. Tết năm mới Sôông kran của người Thái là những ngày cầu cho trời mưa xuống, đón mưa xuống để bắt đầu một năm mới. Cũng như người Thái, người Lào ở Lào còn gọi tết năm mới là Bun pi măy, là hội té nước (Bun hướt nặm) vào dịp giữa tháng 4 dương lịch. ở Cămpuchia cũng vậy, tết năm mới Chon chnam thmây không khác gì nhiều so với tết của người Thái, người Lào, nghĩa là cũng vào thời điểm cuối tháng 4 đầu tháng 5 dương lịch, thời khắc chuyển từ mùa khô sang mùa mưa và cũng nhằm mục đích cầu mưa.
Vào những ngày cuối năm âm lịch, các làng Chăm H’roi thường tất bật. Đàn ông sửa sang nhà cửa, chuồng bò, chuồng gà, chuồng heo, chòi lúa, đan lát, sửa án thờ, lau chùi dụng cụ sản xuất như cày bừa, rìu rựa, chày cối, yết...; đàn bà lo hoàn tất việc thêu dệt, thu dọn công việc nội trợ dở dang, thu hoạch mỳ, làm các ghè rượu, lượm củi hái rau, lau chùi nồi niêu, chuẩn bị con gà, trầu cau, bánh tét và các dụng cụ cần thiết để tiến hành làm lễ đổ đầu.
Các gia đình tự chọn một ngày thích hợp để làm lễ đổ đầu, không nhất thiết phải thống nhất ngày giữa các gia đình, cũng như giữa các làng với nhau. Vật tế lễ đổ đầu của người Chăm H’roi thường là con gà, ghè rượu cần, nồi cơm mới, cây bánh tét, trầu cau đã têm sẵn. Sáng sớm tinh mơ ngày chính thức tiến hành cúng lễ đổ đầu, chủ nhà khấn báo trời đất: Hôm nay gia đình tiến hành cúng lễ đổ đầu, xin phép được lên chòi (nhà dày) lấy thóc mới về làm nồi cơm mới, xin phép cắt cổ gà để làm phép đổ đầu. Thóc lấy từ chòi đem về, được rang qua, để nguội, rồi giã, nấu cơm cúng. Trầu cau, chuẩn bị từ ngày trước, được các cụ già đem ra sửa soạn têm trầu. Con gà dùng làm vật tế lễ được đàn ông trong gia đình đem cắt tiết, làm lông, mổ rửa sạch, cắt lấy hai chân để luộc riêng. Chân gà phải luộc sao cho vừa chín và vừa đủ ba lần nhúng vào nước sôi xen lẫn ba lần ngâm vào nước mát. Tiết gà được giữ lại một phần ba để làm phép đổ đầu, hai phần ba còn lại được luộc chín cùng với gà. Tiết gà tươi giữ lại sẽ hòa thêm với rượu cần được lấy lần đầu từ ghè rượu cúng.
Ghè rượu được đem ra để giữa nhà, vít cần rượu ra thành tô rượu đầu để cúng. Lấy gà đã luộc chín đặt vào sàn, bộ lòng để hai bên, miếng huyết chín đặt trên lưng gà, hai chân gà được đặt sau con gà. Chén huyết gà tươi, đĩa gà luộc, chén trầu cau, bốn cây bánh tét, nửa khót gạo cùng với hai đồng tiền được đặt trên mâm cúng. Các dụng cụ sản xuất: rựa, rìu, yết, gùi, nỏ... đều được lau sạch rồi đặt sau ghè rượu. Tùy từng gia đình, bên giàn bếp cũng đặt một ghè rượu cúng, một nồi cơm cúng, bên cạnh án thờ được làm bằng nứa cũng đặt một con gà như ở gian nhà chính.
Thầy cúng thắp đèn sáp ong được gắn trên cần rượu, mọi người trong gia đình đều tề tựu ngồi nghiêm trang xung quanh mâm - ghè rượu cúng. Đàn ông ngồi bên trái, phụ nữ ngồi bên phải khi nhìn từ ngoài cửa vào nhà, tất cả đều chờ đợi lắng nghe lời khấn của thầy cúng chuẩn bị hành lễ. Thầy cúng vừa khấn vừa lấy nắm gạo vãi lên mời Giàng Pơkah, Giàng Pơsưh xuống cùng gia đình đổ đầu mừng năm cũ sắp hết, năm mới đến, mừng cho gia đình mạnh khỏe, nhờ Giàng giúp, thần linh phù hộ nên đã được một mùa bội thu. Thầy cúng lại lấy nắm gạo thứ hai vãi ra xung quanh mời ông núi, bà núi, ông sông, bà sông, mời ông bà tổ tiên họ hàng ở Atâu về cùng con cháu chứng kiến mừng lễ đổ đầu của gia đình. Cũng nhờ ông bà tổ tiên, thần linh phù hộ mà con cháu mới được khỏe mạnh, sản xuất ra của cải thật nhiều, lúa được lên đầy chòi, trâu bò, heo gà đầy đàn.
Thầy cúng lại vãi gạo lên mời Giàng, thần linh, ông bà tổ tiên tiếp nhận vật tế lễ của gia đình. Vào thời điểm được xem là Giàng và thần linh cùng thưởng thức vật tế lễ thì gia đình thực hiện phép đổ đầu. Thầy cúng lấy chén rượu đã hòa huyết gà tươi, đổ một vài giọt lên đầu, lên trán người đứng đầu gia đình rồi tiếp tục đổ đầu cho mọi người trong gia đình. Kế đến đổ “đầu” cho các dụng cụ sản xuất đã dọn đặt sẵn sàng sau ghè rượu, cho bếp lửa hồng, cho chuồng trâu bò, heo, gà, chòi lúa, chiếc cày, cái bừa... và mọi của cải trong gia đình.
Khấn Giàng, thần linh và phép đổ đầu kết thúc, thầy cúng tiếp tục hành lễ tại cửa chính mà người Chăm gọi là lễ khấn Pơ lơ cang. Thầy cúng lấy hàm gà dưới hút một ngụm rượu để trong cần rồi rút cần rượu ra, bàn tay trái vừa cầm hàm gà vừa dùng một ngón tay bịt đầu cần rượu cho khỏi chảy ra. Thầy đi tới, đứng dạng chân trước cửa ra vào, chân trái dậm xuống sàn nhà, chân phải co lên dậm vào thành cửa, thầy cầm cần rượu luồn qua hai chân rồi khấn.
Diễn trình kết thúc, đến thời điểm thực hiện phép xem chân gà, các thành viên chứng kiến lễ đổ đầu sẽ được uống phép bát nước rượu cần mà Giàng và thần linh đã chấp nhận. Thông thường, việc uống phép được thực hiện đầu tiên là bà mẹ trong gia đình hoặc là người cha, song cũng có trường hợp lại là vị khách quý được mời về dự lễ.
Thầy cúng xem chân gà, chân phải được xem trước vì chân phải là của gia đình, chân trái là của Giàng, của thần linh. Theo quan niệm của người Chăm H’roi thì từ xưa nay Giàng đã quy định như vậy. Nếu bốn ngón chân phải cụm cong khít vào nhau, ngón cái chỉ đúng chính giữa các ngón nhỏ là tốt. Nếu bốn ngón chân trái cong rời rạc, đó là điềm Giàng cho, Giàng phù hộ.
Đối với các gia đình còn nhiều khó khăn trong đời sống hoặc đã có những đóng góp đáng kể đối với làng, đối với xóm giềng, làng sẽ tổ chức đội cồng chiêng đến mừng lễ đổ đầu của gia đình, chúc được nhiều may mắn trong vụ mùa tới, cầu mong sự sinh sôi nảy nở, lúa lên đầy chòi, heo gà đầy đàn, mọi người trong gia đình đều tràn đầy sức sống như trong ngày hội vậy.
Lễ đổ đầu của các gia đình trong làng kết thúc khi làng tổ chức lễ hội mừng năm mới tại nhà rông của làng. Theo lệ làng quy định, hội mừng năm mới sẽ được tiến hành vào ngày đầu tiên của năm âm lịch. Song cũng có những năm được tổ chức trước hoặc sau ngày đầu tiên của năm mới (do già làng định đoạt), sao cho phù hợp với điều kiện sống của dân làng.
Ngày làng tổ chức hội mừng năm mới, sáng sớm, các cụ già làng làm cái lễ khấn báo Giàng. Vật tế lễ tại lễ mừng năm mới của làng phải là một con heo, những ghè rượu cần, cùng một số cá tôm, chim thú mà trai gái làng săn bắt được từ con suối, cái rừng của làng. Hành lễ mừng năm mới tại nhà rông được các cụ già làng thực hiện, không quy định một, hai, ba, hoặc bốn cụ... miễn sao các cụ là những người có uy tín, am hiểu lễ khấn. Hành lễ kết thúc, các già làng mời nhau cùng dùng rượu phép theo phong tục. Tất cả mọi người có mặt tại nhà rông, từ vị khách quý, các thành viên trong làng, đến các cô thiếu nữ đều được thưởng thức hương vị ấm áp của hơi rượu cần. Ngoài sân tiếng cồng chiêng, tiếng trống Pah kơh toan của lũ làng bắt đầu vang lên khi các đôi trai gái mời rượu lẫn nhau, lúc này ông mặt trời đi dần xuống núi. Quanh nhà rông, người thì uống rượu để cùng nhau tâm sự chuyện của làng mình, người thì nhảy múa theo giai điệu cồng chiêng. Trai gái làng được dịp hò hẹn, cùng nhau khoe sắc phục, cùng nhau hát Ayal, Ari. Lúc thì giai điệu cồng chiêng, lúc thì giai điệu Pah kơh toan cùng với những bài hát dân ca, điệu nhảy theo nhịp trống, nhịp cồng, cứ thế hội mừng năm mới diễn ra tại nhà rông thâu đêm suốt trời sáng.
Các thành viên dự lễ, vừa uống rượu, vừa thưởng thức vị thơm cay của thịt, vị êm nồng của men. Người Chăm H’roi giải thích rằng, mỗi ghè rượu chỉ có một cần vít cong xuống cùng uống là mang tinh thần bền chặt của tình nghĩa gia đình, tình nghĩa bản làng. Cả gia đình cùng uống chung một ảng nước, cả làng cùng uống chung một con suối, cùng làm chung một khu canh tác, khu chăn nuôi, có chung một khu rừng ma và có chung nơi sinh hoạt cộng đồng là nhà rông. Cả gia đình cùng uống chung một cần là để cùng yêu thương nhau, sống chết có nhau. Đối với hội mừng năm mới tại nhà rông, quanh chóe rượu có thể có nhiều người cùng vít cong nhiều cần rượu uống cùng một lúc. Đó là lúc cuộc vui nghiêng ngả, đôi lứa gần kề, trời đất như xích lại gần nhau, mùa xuân thực sự đã trở về, thiên nhiên với con người hòa quyện trong hơi ấm nồng. ấy là sự hòa hợp của cộng đồng, sự riêng tư của mỗi người như dân làng cùng uống chung nước của con suối, nhưng lại về riêng từng nhà, là cái riêng trong cái chung, cái cá thể trong cái cộng đồng.
Thời điểm diễn ra lễ đổ đầu là vào cuối tháng chạp âm lịch, thời điểm chuyển tiếp giữa mùa đông với mùa xuân. Thời điểm diễn ra lễ cầu mưa vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 dương lịch, thời điểm chuyển tiếp giữa mùa khô và mùa mưa (theo lịch pháp của các dân tộc Tây Nguyên). Phải chăng lễ đổ đầu và lễ cầu mưa là hai lối rẽ của một lễ hội truyền thống của người Chăm trong diễn trình lịch sử./.
Trích : vanhoanghethuat.org.vn