Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
727
123.239.014
 
Chú Năm tôi
Nguyễn Hồ

Mấy năm sau chiến tranh, khi đã hưu trí ở xã nhà, ba tôi thường dành thì giờ rảnh rỗi để sưu tầm lại hình ảnh, tài liệu về những người trong gia đình thân tộc đã hy sinh. Ông làm việc này một cách âm thầm nhưng đầy kiên nhẫn. Quyển sổ gia phả đã được hoàn thành, bìa cứng, giấy carô trắng tinh, chữ nắn nót từng nét như viết trên đá in litô. Quyển gia phả đã tập hợp khá đầy đủ các chi tiết về lịch sử dòng họ trong vòng một trăm năm mươi năm, trong đó tập trung nhất là truyền thống chống ngoại xâm bắt đầu từ một đêm năm ba mươi, cái đêm ông nội tôi treo lá cờ Đảng lên ngọn cây sao cao nhất đình làng. Tất cả những người hy sinh trong hai cuộc kháng chiến đều được ghi rõ tiểu sử thành tích, ngày giờ và nơi hy sinh. Các tấm vách gỗ của phòng khách đều được treo một cách trang trọng và mỹ thuật, những tấm giấy chứng nhận huân chương, bằng khen và chân dung những người đã mất, trông giống như một phòng trưng bày. Duy nhất còn thiếu chân dung và bằng chứng nhận liệt sĩ của chú Năm tôi, hai khung hình đã được treo lên nhưng bên trong chỉ là khoảng giấy phông trắng mông  mênh.

 

Chú Năm tôi là người đầu tiên của gia đình ngã xuống lúc mới bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với tư cách là chiến sĩ cảm tử. Chú cùng với hai đội viên khác, mình chỉ mặc độc một quần xì líp đen, da thoa mỡ và lọ nghẹ, võ trang dao găm, xông vào giết gần hết một đồn lính Tây. Bọn Tây quá đông lại được viện binh đến sớm. Tổ cảm tử bị thương và cuối cùng không thoát ra được. Ba chiến sĩ cảm tử đã bị quân Pháp xử bắn ngay dưới chân cột đèn lớn giữa chợ huyện. Tiếng hô vang của các chiến sĩ: "Việt Nam độc lập muôn năm. Cụ Hồ muôn năm" đã ghi vào trí nhớ của nhiều người trong thị trấn và còn vang đến ngày nay. Khi ba tôi tới sưu tầm vết tích của em trai, một cụ già nay tám mươi tuổi đã kể lại tỉ mỉ cái chết của ba người anh hùng. Sau đó, ông cụ dắt ba tôi đến một cái miếu hoang đo đúng mười hai bước chân về hướng Bắc, và chỉ một nhát cuốc đầu tiên đã bổ trúng cái trụ đá chôn ngầm dưới đất để làm dấu. Ba chục năm qua, lọ dầu Nhị Thiên Đường nắp được đóng khằn cẩn thận vẫn giữ nguyên tờ giấy dầu ghi bằng mực tàu dòng chữ liệt sĩ Nguyễn Văn An. Chính cụ già đó, xưa kia là cơ sở bí mật trong thị trấn, đã chôn cất các chiến sĩ. Chỉ tiếc là cụ không rõ tên hai chiến sĩ vô danh kia, nhưng khi ba tôi đề nghị để ba tôi đưa về nghĩa trang xã nhà cả ba người thì cụ không chịu. Cụ già muốn giữ lại hai liệt sĩ vô danh để chờ thân nhân đến tìm.

 

Hài cốt chú Năm tôi, được đưa về nghĩa trang liệt sĩ của xã, đã làm sống lại biết bao nhiêu huyền thoại về người chiến sĩ này. Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu, bà nội thường kể về chú Năm xen với các truyện cổ tích. Chú Năm tham gia đội cảm tử lúc có mười sáu tuổi, chỉ biết đánh Tây bằng dao găm và bằng giáo chỉa dừa, chưa hề dùng tới súng lần nào. Người  ta truyền tụng rằng, người chiến sĩ này thích đánh Tây một cách âm thầm, bí mật "giết Tây mà Tây không biết, không đối phó được". Có một lần chú Năm lọt được vào giường ngủ của vợ chồng thằng Tây quan một. Đợi cho nó hú hí với vợ xong, ngáy vang lên, chú Năm mới hành động. Chú gài thế cách gì không biết, đâm thật ngọt vào tim, thằng Tây không la được tiếng nào, con vợ nó cũng hoàn toàn không hay biết…

- Cả làng, cả tổng đều biết chiến công của thằng An, vậy mà cha con tụi bây không lo nổi một tấm giấy chứng nhận liệt sĩ cho nó. Thật là…

Về già, bà nội tôi chỉ còn khắc khoải chờ đợi nguồn an ủi duy nhất này. Bà trách móc ba tôi và tôi thiếu hăng hái lo tấm giấy chứng nhận hy sinh cho chú Năm tôi. Bà buồn rầu nói rằng, bà sẽ chết không nhắm mắt khi nào chưa có bằng liệt sĩ của chú Năm treo trong nhà. Bà còn tính tới chuyện sẽ sắm sẵn cho bà chiếc áo quan bằng số tiền tuất của chú Năm.

 

Nhưng ba tôi mới là người lo lắng cụ thể hơn. Chừng nào còn hai cái khung hình trống trên vách, chừng nào còn nghe lời trách móc của bà nội, ba tôi không ngủ yên. Ông chưa tìm ra được những người đồng đội của chú Năm còn sống để viết lời xác nhận. Thật ra, những chiến sĩ cảm tử thì không ai còn đến mấy mươi năm sau cả. Nhưng không lẽ không còn những người quen biết? Công cuộc dò tìm kéo dài gần một năm thì phăng ra được đầu mối. Người lãnh đạo đội cảm tử lúc đó bây giờ đang là Ủy viên Trung ương Đảng làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Ba tôi cứ tưởng ông đã hy sinh vì không còn nghe cái tên quen thuộc một thời của ông - Ba Hoàng - nào ngờ sau ngày giải phóng, tên tuổi ông xuất hiện rất thường xuyên lại là tên khai sinh. Biết được tên tuổi xa lạ đó chính là một người quen cùng thời, ba tôi mừng quá, đặt ngay một kế hoạch liên hệ mà tôi là người đi thực hiện kế hoạch đó ở thành phố Hồ Chí Minh.

 

Mọi thủ tục không phiền toái, khó khăn như tôi tưởng. Tôi chỉ cần trình bày yêu cầu với đồng chí bảo vệ, sau một cú điện thoại ngắn gọn, tôi được hướng dẫn vào ngồi ở phòng đợi. Chưa kịp quan sát căn phòng và uống chưa hết tách nước cửa phòng đã mở. Một người cao, to, hồng hào, tóc bạc, dáng đi nhanh nhẹn, tiếng nói ấm áp và đặc biệt to xuất hiện.

- Đồng chí là gì của Năm An ? Em trai à ? Giống lắm. Ông nói xong, nhận ra mình nhầm về lứa tuổi liền đính chính ngay:

- Không, tôi nhầm, đồng chí là hình ảnh của Năm An thôi. Cháu hả ? Đúng rồi. Hồi Năm An hy sinh, cậu ấy vừa đúng hai mươi. Ông ngồi xuống bên cạnh tôi, giọng trầm xuống. Lúc bấy giờ tôi cũng chỉ có ba mươi, cỡ tuổi đồng chí bây giờ. Phải không nào ?

 

Mắt ông sáng long lanh, linh hoạt. Ông hút thuốc liên tục, trán nhăn nhó, ông kể sau khi vầng trán đã giãn ra, ký ức đã kịp hiện về.

- Đúng. Năm An hồi đó rất trẻ, đẹp trai lắm, môi đỏ như con gái, như lính văn công. Đồng chí có nghe kể về cái tài đánh poanha của cậu ta rồi chớ? Đó là một chiến sĩ chỉ cần có một cái poanha, trong khi người khác đòi súng, thì cậu ấy chỉ cần một cái bayonét của cây cạcbin là đủ. Cậu có hai trái lựu đạn cứu quốc nhưng chưa bao giờ dùng tới. Rủi thay khi cần đến lựu đạn để giải vây thì nó lại không nổ. Năm An bị tụi Tây bắt và hành quyết trong trường hợp đó…

 

Ông Ba Hoàng nói tới đây thì ngưng bặt, đôi môi khô mấp máy không thành lời, ông thở dồn dập, ngực phập phồng. Ông xoay trở một cách khó nhọc trên ghế salông, mắt nhìn đăm đăm tận đâu đâu. Bấy giờ giọng nói của ông thỉnh thoảng bị lạc đi:

- Hồi đó mình thiếu súng, đánh bằng dao găm tiện lắm, hiệu quả cao lại giữ được bí mật, thằng Tây rất kinh hoàng. Nhưng muốn đánh dao găm được như Năm An thì phải có gan… gan cùng mình, phải anh hùng. Chú đồng chí là một người anh hùng.

Ánh mắt ông bỗng chao mờ bâng khuâng, ông liền đứng lên nói ngập ngừng:

- Chú Năm đồng chí trước lúc chết là tiểu đội trưởng. Tôi còn có thể nhớ nhiều hơn, nhưng thôi bây giờ đồng chí hãy chờ tôi một chút, tôi sẽ viết giấy xác nhận. Trong đội đó, may mà còn có tôi chưa hy sinh…

 

Năm phút sau, ông trao cho tôi tờ giấy xác nhận, ông bắt tay tôi thật chặt không muốn buông ra. Ông nói từ tốn, nụ cười hiền hậu, mắt đỏ hoe nhìn thẳng vào tôi giọng nghẹt mũi:

- Đồng chí về chuyển lời cho tôi kính thăm cụ thân sinh của đồng chí An.

Nói xong, ông siết tay tôi một lần nữa rồi đến rửa mặt trong chậu tráng men đặt ở góc phòng.

 

*

Tôi ra về, lòng bồi hồi xúc động. Tôi không ngờ việc tìm ra dấu vết của người chú thân yêu đã ngã xuống cách đây ba mươi năm lại chỉ cần có mươi phút gặp gỡ. Ông Ba Hoàng đã gây nên cho tôi một ấn tượng sâu sắc, khó quên về tình đồng đội thiêng liêng.

 

Nhưng chắc chắn đối với mọi người trong gia đình, sự kiện này sẽ gây xúc động mãnh liệt hơn cả tôi. Ba tôi sẽ yên chí rằng với phần việc còn lại - sự xác nhận về chú Năm - ông đã hoàn thành bộ gia phả về truyền thống gia đình. Bà nội tôi  sẽ được giải tỏa những khắc khoải lo âu của tình mẫu tử sâu dày. Đám con cháu chúng tôi càng khẳng định lòng tự hào của mình đối với vinh quang của chú Năm và những người trong gia đình đã ngã xuống vì Tổ quốc.

 

Càng xúc động, chuyến về của tôi càng hối hả, rạo rực. Tôi đã ghé cơ quan thương binh xã hội, những cán bộ đầy nhiệt tình nhưng rất nguyên tắc ở đây cũng chỉ chờ thủ tục cuối cùng này. Trong một thời gian ngắn chưa từng có, tôi đã nhận được bằng liệt sĩ của chú Năm và một món tiền tuất. Tôi khấp khởi bước, mong sao cho chóng về tới nhà.

Buổi chiều đã tàn, ba tôi vẫn ngồi trước quyển gia phả dày cộm, nắn nót từng dòng. Bà nội lụm cụm chống gậy đi dạo trước sân. Mọi người trong nhà đang dọn bữa cơm chiều.

- Ba ơi, xong hết rồi!

Ba tôi buông tay viết, thay kiếng, sửng sốt nhìn tôi.

- Sao, xong rồi à ? Con có gặp ông Ba à ? Ông vẫn còn nhớ chú Năm mày à ? Ông xác nhận rồi à ?

Ba tôi hỏi liên hồi, nét mặt rạng rỡ, cặp mắt chớp vui hiền hậu. Bà nội tôi cũng chống gậy lụp cụp vào. Cả nhà vây quanh tôi.

- Sắp nhỏ đốt đèn lên coi. Bà nội hối thúc.

Ba tôi trải rộng tấm bằng liệt sĩ ra giữa mặt bàn. Bà nội thì cúi gập lưng xuống, mười ngón tay gầy guộc run run dò theo từng nét chữ to nhỏ trên giấy, tưởng như đó là thân thể của chú Năm.

- Đứa nào đọc cho nội nghe coi bây. Ba tôi phải ra lệnh cho đám em tôi, vì do xúc động, ông cũng không đọc được rành rọt.

Đèn sáng đỏ bàn thờ tổ tiên, khói hương nồng ấm. Không ai nhắc mà mọi người lớn tuổi trong nhà đều đốt nhang xá hai xá trước bàn thờ. Ba tôi lộng tấm bằng vào khung hình xong, ngắm nghía hồi lâu rồi mời cùng cả nhà đến bàn ăn.

 

Bữa ăn chiều này có thêm vài cái chén và ba đôi đũa cho người đã khuất. Ba tôi nói trịnh trọng:

- Năm nay tới ngày giỗ hội sẽ làm đàng hoàng. Bây giờ chú Năm nó, thằng Minh, thằng Mẫn cùng về ăn cơm.

Nhiều năm qua, ba tôi không tổ chức giỗ riêng những liệt sĩ trong gia đình mà tổ chức giỗ chung cùng một ngày, ngày hai mươi ba tháng chín, ngày chú Năm hy sinh, gọi là giỗ hội. Những ngày bình thường, khi có món ngon hoặc có dịp nhắc đến những người hy sinh thì đều dọn thêm ba chén cơm. Thói quen này trong nhà ai cũng biết.

 

Lần này, cử chỉ đặc biệt trịnh trọng của ba tôi làm tôi sực nhớ ra, tôi còn giữ trong túi số tiền tuất, trong nhà chưa ai biết. Tôi muốn bà nội mừng về món tiền này nên vội vàng lấy ra và đặt lên bàn, ngay trước mặt bà. Ban đầu  ai cũng hài lòng vì món tiền khả dĩ, đủ lo cho bà chỗ nơi yên nghỉ. Nhưng rồi mọi người lặng đi, tất cả như vừa bị hóa đá không còn ai nhai nổi miếng cơm trong miệng. Mọi người im lặng nhìn trân trối vào món tiền vô tri đó mà nghẹt thở.

 

Ba tôi bỏ đũa thật nhanh, đứng dậy rời khỏi bàn ăn đi ra sân, tôi nghe tiếng thở dài của ông. Mấy đứa em tôi sợ sệt sụt sịt khóc. Còn bà nội chống gậy vào buồng trong. Bữa ăn bỏ dở với món tiền nằm im ắng trên bàn. Chỉ còn lại một mình tôi và nỗi ân hận vò xé trong lòng. Cử chỉ vô ý của tôi đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng: đã đặt không đúng chỗ món tiền ấy vào sự mất mát không gì bù đắp được, vào giá trị tinh thần không gì thay thế được của gia đình.

 

Một lát sau đó, sự xúc động lắng xuống và mọi người tề tựu lên nhà trên, nơi tấm bằng liệt sĩ đỏ chói của chú Năm đang lấp lánh ánh đèn đêm. Ba tôi bắt đầu nghe tôi kể tỉ mỉ những chuyện mới về chú Năm. Ông hài lòng về sự ăn khớp của các nguồn tin. Vậy là - Ba tôi nói khi nhìn vào khung hình còn để trống - Ba chỉ còn việc đi họa hình chú Năm nữa là xong.

 

Lúc đó bà nội tôi mới chống gậy lụm cụm đi ra. Khuôn mặt bà ánh lên nét phúc hậu. Bà đưa mắt nhìn về phía đứa em trai út của tôi, nói khẽ khàng:

- Mai kia tao có đi theo ông theo bà thì cứ lấy bộ ván của ông nội tụi bây để lại mà ghép thành áo cho tao. Còn tiền của chú Năm mày cứ để đó, tao giao cho đứa nào đi bộ đội, nối nghiệp chú Năm mày.

Giọng bà trầm ấm trong đêm sâu thẳm, gợi nhớ cả một thời thơ ấu của chúng tôi. Một thời đàn cháu vây quanh bà trong ánh đèn dầu đỏ ối, nghe bà kể chuyện cổ tích, chuyện anh hùng liệt nữ, trong đó có những trang thần thoại về chú Năm đánh Tây bằng dao găm…

77 - 78

Nguyễn Hồ
Số lần đọc: 2468
Ngày đăng: 21.03.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Âm bản chiến tranh - Vũ Ngọc Tiến
Hai đứa bé-Hai Ông Thánh, Người mẹ- Gã đàn ông và… - Hồ Tĩnh Tâm
Vai diễn cuối cùng - Phạm Lưu Vũ
Thần tượng - Bích Ngân
Khan - Thu Nguyệt
Phù du - Vinh Huỳnh
Kỷ vật - Trọng Huân
Chùm truyện rất ngắn - Nguyễn Thị Thu Hiền
Giai điệu nhớ - Nguyễn Hồ
Hồi kết - Ngô Thị Kim Cúc
Cùng một tác giả
Chị tôi (truyện ngắn)
chim phóng sinh * (truyện ngắn)
Chú bé thổi còi (truyện ngắn)
Chung cư* (truyện ngắn)
Chân dung vô hình (truyện ngắn)
Hẻm sâu* (truyện ngắn)
Bạn già (truyện ngắn)
Tám chữ o tròn (truyện ngắn)
Về hưu non (truyện ngắn)
Mùa mắm còng (truyện ngắn)
Giai điệu nhớ (truyện ngắn)
Chú Năm tôi (truyện ngắn)
Đêm kỷ niệm (truyện ngắn)
Hoa Quỳnh (truyện ngắn)
Nàng Đae Chang Kim (truyện ngắn)
Ông Năm Cải Tạo (truyện ngắn)
Cô thư ký xinh đẹp (truyện ngắn)
Chuyến xe khuya (truyện ngắn)
tư duy (thơ)