" Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác
làm thơ để được nhẹ lòng mình ".
Hai câu thơ " mở " cho toàn tập thơ 65 bài chia làm ba phần thể hiện ba giai đoạn sáng tác của Vũ Trọng Quang:quá khư -hiện tại và tương lai; song song với cuộc hành trình qua cuộc sống- cuộc đời và thơ.
"PHẦN HÔM QUA :
Vũ Trọng Quang rất thực lòng mình trước những thăng trầm trong cuộc sống - vinh nhục của cuộc đời để đứng vững vàng , " Vượt qua, vượt qua, vượt qua mãi mãi "( Yết đế, yết đế, ba la yết đế ) để được tồn tại. Thơ Vũ Trọng Quang cũng thế, luôn luôn có sự tìm kiếm, sáng tạo và khai phá.
Hơn 40 năm làm bạn với nhau, tôi và Vũ Trọng Quang là đôi bạn " chí cốt " trong những người bạn " chí cốt " hiếm hoi giữa những biến động thường trực của xã hội.Nói như thế, để khẳng định rằng tôi đọc thơ Vũ Trọng Quang là đọc bằng tấm lòng của một người : vừa là tri kỷ từ thuở còn đi học, vừa là bạn văn nghệ lâu năm.
" Một tay nách con một tay ôm đàn
không còn tay nào mẹ vẫy chào khu rừng lãng mạn khói lửa
tôi bắt đầu tôi dưới chân cầu
thở mùi tanh của cá
tắm dòng sông nước đen…"
( NGÔI NHÀ - trang 9 )
Thấp thoáng trong những câu thơ là quãng đời thơ ấu của tác giả khi nhận ra chính mình bắt đầu từ chỗ bà mẹ tay nách con, tay ôm đàn bỏ quê miền Trung chạy vào Sài Gòn , và đau đáu làm sao khi không còn bàn tay nào mẹ vẫy chào khu rừng khói lửa nơi :
" … Cha từ máu đẫm hoa rừng
nghìn thu đổi lấy anh hùng nghìn thu…"
( SONG THÂN -trang 8 )
Và Vũ Trọng Quang cũng nhận ra chính mình khi đứng nhỏ nhoi dưới chân cầu Muối ( cũng là chợ ), thở mùi tanh của cá, tắm dòng sông nước đen đầy rác rến,súc vật chết trôi , để mà lớn lên và :
"… tôi tiếp tục cầm súng đi dọc chiều dài của núi
mở khóa an toàn bắn chỉ thiên
cuộc chiến khốc liệt rồi ra đã kết thúc…."
( NGÔI NHÀ- trang 10 )
Vũ Trọng Quang làm thơ giống như nói chuyện và nói chuyện chẳng khác gì làm thơ, cái mà tôi vô cùng rất tâm đắc về một người bạn của mình.
"PHẦN HÔM NAY :
Thoát khỏi sự ràng buộc ngày " hôm qua " tác giả của ngày " hôm nay " đã đi tìm cách làm mới hơn về ngôn ngữ, về cách cấu trúc để đặt nền tảng cho một dòng thơ hiện đại. Ở phần này, thơ Vũ Trọng Quang có phần khó hiểu như :
" … Dán lên những chỗ nứt rạn
dung nhan bàng hoàng lập thể
rơi tự do bó hoa
( THIẾU NỮ VÀ GƯƠNG SOI -trang 71 )
"… Bỗng dưng rất tiếc tiếng còi tàu chạy trốn
em sình sịch xa hút
tôi thở với ống khói nhả độc
mây manh động đen trên đầu
ho rách ngực…
…
Còi tàu thảm thiết dài sâu vào giấc ngủ
Em kiều diễm chạy đến bằng bánh sắt nghiền nát tôi
Tới tới nhiều đêm sau
( SÂN GA- trang 82-83 )
Nhưng một khi thẩm thấu được thơ Vũ Trọng Quang vào trái tim rồi, ta sẽ cảm nhận được tác giả sống để thương yêu con người, thiên nhiên và cuộc đời này.Có như thế, mới có thể nghe được âm thanh của thơ, tiếng nói của thơ như :
"…lời thì thầm trườn qua đầm lầy qua thảo nguyên cỏ cháy
tình ơi
em thèm nhả nọc…
…
rằng bóng chiều khép kín hôm qua
anh lột xác
chiếc áo nhầu nghiêm trang
nơi ngực trái hiện hình bò sát…"
( GIẤC MƠ CỦA…-trang 86-87 )
"… Nếu hạnh phúc của tia mặt trời
khúc xạ và sáng rực dừng lại ở lăng kính
nếu cảm xúc hoa giả sung sướng mọc dài trên đường thẳng gãy
tôi thách đố với chính tôi…"
( SÁNG TẠO- trang 111 )
"PHẦN HÔM SAU :
Trong phần này nhà thơ Vũ Trọng Quang đã tạo vật liệu ngôn ngữ khác, thời nào thì vật liêu ấy, thời hiện nay là thời phát triển viễn thông tin học, tác giả đã dựa vào biểu tượng ký hiệu để xây dựng thiết kế sắp đặt chữ trở thành hình ảnh, và dùng hình ảnh biến thành thơ như bài Phía Bên Dưới ( trang 129 ), Eros ( trang 131 ), Tự Hủy ( trang 141 ). Bố cục trong những bài thơ này không thể nghe, không thể đọc mà phải xem bằng mắt, có thể coi đây là Thơ Thị Giác.
Thơ Vũ Trọng Quang mang phong cách sắp đặt ( Installtion ), có khuynh hướng không khí Hậu Hiện Đại ( Post-modern), thơ thể nghiệm. Trên trang web Người Viễn Xứ, tác giả Nguyễn Duy Thanh đã liệt kê Vũ Trọng Quang thuộc thời kỳ Hậu Hiện Đại cùng với :Dương Tường, Trần Hữu Dũng, Văn Cầm Hải, Mai Văn Phấn, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư..v.v..( Bút Việt-09-05-2005 ).
chính em từ chối thơ tôi khó chịu
chính em từ chối thơ tôi khó
chính em từ chối thơ tôi
chính em từ chối thơ
chính em từ chối
chính em từ
chính em
chính
( DESIGN -trang 130 )
tay tay
vẫy vẫy
xa xa
cây cây
rũ rũ
hoa hoa
rầu rầu
trùng trùng
vút vút
mau mau
song song
mãi mãi
nào nào
qui qui
( ĐƯỜNG RAY - trang 142 )
Bìa : họa sĩ Lê Ký Thương cũng thiết kế theo nghệ thuật sắp đặt, tập thơ trình bày làm 2 phần : bìa 1 với chữ HÔM QUA, HÔM NAY có biểu tượng đồng hồ cát và mũi tên đi ra bìa 4 xuất hiện chữ HÔM SAU mang ý nghĩa thời gian chờ đợi phù hợp với nội dung tập thơ. Nền (background ) được phớt mỏng dãy số 010101 tượng trưng cho sự phát triển toàn cầu về kỹ thuật số.
Mặc dù tôi và tác giả, mỗi người chúng tôi có mỗi dòng thơ khác nhau, nhưng tôi vẫn đồng cảm với nhận xét của nhà văn Đoàn Thạch Biền về tập thơ của Vũ Trọng Quang : " Tác giả đã " mở " tập thơ bằng 2 câu :
Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác
làm thơ để được nhẹ lòng mình
Và " kết " tập thơ :
không sao đâu
mong lắm…
không thay
Đọc xong người đọc bỗng cảm thấy nặng lòng mình với thơ ( Báo Người Lao Động, ngày 19-03-2006 ).
Đúng vậy, nhà thơ Vũ Trọng Quang còn nặng lòng mình lắm, còn trăn trở lắm, còn đi tới tìm kiếm sáng tạo, không chỉ khai phá với hình thức mà còn khai phá với cả tâm hồn mình.
Nhà thơ Nguyễn Thái Dương:"... tập sách đã mang dáng vóc như thể dành riêng cho thơ Vũ Trọng Quang. không chỉ vậy, nội dung của Hôm qua, Hôm nay & Hôm sau còn trở nên vừa lạ lẫm, vừa gần gũi với người yêu thơ thời vi tính vì sự mới mẻ của hình thức thể hiện. Một tập thơ đáng đọc và đôi khi phải đọc bằng mắt, để tìm kiếm niềm rung cảm nương náu trong từng dòng vàchữ của Vũ Trọng Quang- nhà thơ ".
( Tuần báo Mực Tím -trang 61 -27.03.2006 )