Như phần đông các nhà thơ khác, Triệu Từ Truyền bắt đầu làm thơ từ độ tuổi 14-15, và vẫn cứ tiếp tục gắn bó với thơ cho đến nay, khi anh đã gần 60.
Boris Pasternak có lần tâm sự : Sống đến tận cùng đâu phải chuyện chơi ! Làm tôi liên tưởng đến việc làm thơ của Triệu Từ Truyền để xin đổi câu nói ấy thành : Làm thơ đến tận cùng đâu phải chuyện chơi ! Ấy bởi vì, theo tôi hiểu, Pasternak muốn nói sống đến tận cùng không có nghĩa sống lâu mà là sống tràn trề, hết mình, đi cho đến cùng thân phận người của mình, thế thì đối với thơ ca, Triệu Từ Truyền cũng có thái độ như thế, không chỉ muốn làm thơ mãi mãi, anh còn muốn tát cạn cho đến cùng những gì uyên áo thâm viễn nhất chứa đựng trong mỗi mỗi bài thơ mà anh chính là người tạo tác. Hình như cái "bản năng gốc" này đã chi phối anh suốt đời, cho nên, trước và sau, xưa kia và bây giờ, những gì anh viết ra cũng chỉ đều là một-một trong suy tưởng, cảm xúc và một trong cả cách thể hiện - hay như ta thường gọi, đó là sự nhất quán trong giọng điệu và bút pháp.
Những năm 1960-1975, cùng với những Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ, Thái Ngọc San, Phạm Tấn Hầu, Võ Quê,… tuy cũng thường lấy chiến tranh, sự tranh đấu cho hoà bình, thống nhất đất nước làm đề tài trong thơ, nhưng Triệu Từ Truyền đã âm thầm cho thấy anh có giọng điệu khác với đa số những người làm thơ thuộc thế hệ mình.tôi dùmg chữ âm thầm là vì, cũng khá dể hiểu,thơ anh vốn kén người đọc đã vậy trong tình hình lúc bấy giờ người ta cần sư hô hào nhiều hơn sư suy gẫm, cần hợp xướng nhiều hơn đơn ca…,trong khi các nhà thơ khác mau chóng nổi tiếng nhờ quảng bá của số đông thì Triệu từ Truyền vẫn im hơi lặng tiếng và kín kẻ trong sáng tạo.
Anh viết về dòng Bến Hải thời đó : Tôi muốn được chôn trên sông / Để quên chia cắt ( Hai tôi - 1964), viết về những đứa trẻ nạn nhân chiến tranh : Từng cặp mắt trẻ thơ ngước lên / Rụng khỏi khuôn mặt / Rơi xuống lòng bàn tay anh (Bên trong hy vọng - 1965), mong muốn nhân loại thoát cảnh chém giết nhau : Tôi nhồi cục những mả mồ / Nắn thành trái đất mới cho loài người (Trái đất mới - 1965).
Có phải chính thế mà sau khi thống nhất đất nước (1975), trong khi các nhà thơ "tranh đấu", đa phần phải "xếp giáo, cất gươm" để trở lại với thi ca đời thường một cách loay hoay khó nhọc - một số rụng rơi không tăm tích - thì Triệu Từ Truyền vẫn cứ hồn nhiên mà làm thơ với những Mảnh vỡ hồn nhiên, vẫn dật dờ mà viết Dật dờ trong sương, cứ khơi khơi như không mà viết
Va chạm hư không…(tên các tập thơ xuất bản sau 1975 của Triệu Từ Truyền).
Chất "tranh đấu" thì vẫn cuồn cuộn trong những sáng tác mới, nhưng lần này không phải cho hoà bình, thống nhất đất nước Việt Nam nữa mà là cho nhân phẩm và nhân bản của toàn xã hội ở mọi nơi nơi. Rõ ràng, là qua thơ, Triệu Từ Truyền không chỉ muốn đi tìm sự thống nhất cho địa dư xứ sở một thời mà chính là sự liền lạc mãi mãi giữa mọi tâm hồn người.
Trong trường hợp này Triệu Từ Truyền khá giống Trịnh Công Sơn trong âm nhạc;và cũng giống như Trịnh Công Sơn đã từng đơn ca giữa những hợp ca tranh đấu của những Tôn Thất Lập;Nguyễn Phú Yên;Trần Long An;Trương quốc Khánh.v.v..hay có thể đồng tài nhưng không đồng chỗ với những Phạm Duy;Cung Tiến;Phạm Đình Chương;.Vũ Thành An;Ngô Thụy Miên;Lê Uyên Phương…;cùng tương tự như thế đã có sự kính nhi viễn chi giữa Triệu Từ Truyền với những Thanh Tâm Tuyền;Tô Thùy Yên;Trần Dạ Từ;Nguyên Sa;Bùi Giáng; Nguyễn Đức Sơn…ở miền Nam một thời
Với tập thơ mặt cắt cõi ngoài này, Triệu Từ Truyền đang tiếp tục thốt lên lời hứa - hay là lời than : Đâu phải chuyện chơi trong việc Làm thơ đến tận cùng ! Nó hẳn nhiên vẫn cứ cuốn hút anh đi mãi trên đường, hệt như năm bậc thang sinh-lão-bệnh-tử-sinh trong triết lý Đông phương, gập ghềnh mà trôi chảy miên man anh liên tưởng đến trong một lần nhìn ngắm những vẻ thiên nhiên hoang sơ ở vùng đất Cát Tiên : Đoá lan rừng bừng tỉnh sớm mai, thoả mãn trước sức công phá của tê giác sau đêm nguyên sinh. Năm bậc thang sụp xuống chìm ngập trong đầm nước ngọt ngào, nổi lên cột đá liga dính chặt vào phiến thạch yoni / Bắt đầu sinh sôi và kết thúc cũng sinh sôi (Cat Tiên ca - 2001). Ứng vào anh, con đường thơ của Triệu Từ Truyềncũng : Bắt đầu sinh sôi và kết thúc củng sinh sôi ! Nói thế có quá lời chăng ?
SàiGòn,18-12-2005