Cuối tháng 3-2006, Nhà xuất bản Văn học vừa cho ra mắt bộ sách Vũ Bằng Toàn tập gồm 4 tập, gần 4000 trang khổ 16 x 24 Cm. Đây là công trình tiếp theo của bộ Tuyển tập Vũ Bằng đã được NXB Văn học ấn hành năm 2000, do nhà văn Triệu Xuân sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn, giới thiệu. Việc xuất bản Tuyển tập Vũ Bằng bẩy năm trước đã góp phần giúp các cơ quan chức năng của Nhà nước nhanh chóng làm sáng rõ việc nhà văn Vũ Bằng đi Nam năm 1954 không phải là "di cư theo giặc", mà ông là một mắt xích trong mạng lưới tình báo của cách mạng, từ đó công nhận danh phận Vũ Bằng, truy tặng Huân chương kháng chiến cho cố nhà văn Vũ Bằng.
Nhà văn Triệu Xuân là một trong những người say mê tài năng văn chương Vũ Bằng. Năm 1992, khi mà danh phận Vũ Bằng còn trong u tối, Triệu Xuân đã hợp tác với Nhà xuất bản Văn hóa xuất bản tác phẩm Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng (in năm 1993). Sách phát hành được vài ngày, đang bán chạy như tôm tươi thì có lệnh (miệng) phải dừng lại, sách bị giam trong kho vài năm rồi bị tiêu hủy! Đây thực sự là tai nạn mà nhà văn Triệu Xuân phải gánh chịu vì… quá yêu văn chương họ Vũ!
Vũ Bằng là một nhà văn lớn ! Suốt cuộc đời làm báo, viết văn, ông đã cống hiến toàn bộ trí tuệ, tài hoa, đóng góp rất quan trọng cho nền văn học, báo chí nước nhà. Việc Tuyển tập Vũ Bằng được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh bẩy năm trước, và nay xuất bản Vũ Bằng Toàn tập cho thấy: Những gì là thực sự tài năng, tâm huyết cho dân cho nước, cho nền văn hóa dân tộc luôn luôn được trân trọng, dù có bị dập vùi cũng không bao giờ bị quên lãng, bị phai mờ trong lòng bạn đọc !
So với Tuyển tập, Vũ Bằng Toàn tập đã công bố nhiều tác phẩm mới của Vũ Bằng. Bạn đọc đã từng say mê Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, Bốn mươi năm nói láo in trong Tập 1, hay là những tiểu thuyết, truyện ngắn in trong Tập 2&3, nay hẳn sẽ hứng thú vô cùng khi đọc Tập 4 với những chân dung văn học và đặc biệt là phần Tạp văn với những tác phẩm vô cùng sinh động, chân thực, sắc sảo, tái hiện con người, thế sự của cả một thời kỳ ly loạn, điêu linh, tang thương của đất nước. Đọc Vũ Bằng, ta bị cuốn hút bởi văn chương của ông đã đành, nhưng người đọc càng say mê hơn khi cảm nhận được cái tâm của ông vô cùng sáng, đẹp. Văn Vũ Bằng nhiều khi khiến ta cười vang trời, bể bụng, cười đến đã đời, cũng như đớn đau phát khóc đến tan nát tâm can… Văn Vũ Bằng như ghi tạc vào lòng ta tình yêu quê hương đất nước, yêu những gì bình dị, chân chất; cho dù có tha hương, phiêu du đến tận chân trời góc biển xa lắc nào nhưng suốt đời không thể nào quên. Hãy nghe Vũ Bằng kể về Cốm Vòng: "Thực thế, cốm chỉ là một thứ lúa non, nhưng bao vùng quê bạt ngàn san dã lúa mà không có cốm… Chỉ Hà Nội có cốm ăn… Và mỗi khi tiết hoa vàng lại trở về, người ta nhớ Hà Nội là phải nhớ đến cốm - mà không phải chỉ nhớ cốm, nhưng nhớ bao nhiêu chuyện ấm lòng chung quanh mẹt cốm, bao nhiêu tình cảm xưa cũ hiu hiu buồn, nhưng thắm thiết xiết bao.
Tôi còn nhớ, lúc bé, mỗi khi có cốm mới, những nhà có lễ giáo không bao giờ dám ăn ngay, mà phải mua để cúng thần thánh và gia tiên đã.
Vì vậy, riêng việc ăn cốm đã được "thần thánh hóa" rồi: do đó, cốm mới thành một thứ quà trang trọng dùng trong những dịp vui mừng như biếu xén, lễ lạt, sêu Tết - nhất là sêu Tết. Do đó, chàng trai gặp cô gái, nói đôi ba câu chuyện, biết là đã bắt tình nhau, vội vã bảo "em":
Để anh mua cốm, mua hồng sang sêu.
Làm như sêu Tết mà đem hồng, đem cốm sang nhà gái là… nhất vậy! Mà thật ra thì nhà trai đem Tết nhà gái, còn gì quý hơn là cốm với hồng?
Từ tháng Tám trở đi, Hà Nội là mùa cưới… Gió vàng động màn the, giục lòng người ân ái… Cũng có đôi khi chàng trai đưa hồng và cốm sang sêu thì mới biết là "người ngọc" đã có nơi rồi:
Không ngờ em đã lấy chồng
Để cốm anh mốc, để hồng long tai;
Tưởng là long một long hai,
Không ngờ long cả trăm hai quả hồng!
Nhưng thường thường thì hồng, cốm đưa sang nhà gái như thế vẫn là báo trước những cuộc tình duyên tươi đẹp, những đôi lứa tốt đôi cũng như hồng, cốm tốt đôi.
Có những hình ảnh đẹp quá, thoảng qua trước mắt một giây, mà ta nhớ không bao giờ quên được.
Bây giờ, nghĩ lại cái đẹp não nùng của cốm Vòng xanh màu lưu ly để ở bên cạnh những trái hồng trứng(1) thắm mọng như son Tàu, tôi thích nhớ lại một buổi chiều thu đã xa lắm lắm rồi, có một nhà nọ đưa hồng và cốm sang sêu một người em gái tôi.
Trên một cái khay chân quỳ, khảm xà cừ, đặt ở giữa án thư, hai gói cốm bọc trong lá sen được xếp song song, còn hồng thì bày trong một cái giá, dưới đệm những lá chuối xanh nõn tước tơi, để ở trên mặt sập.
Đến bây giờ tôi hãy còn nhớ trời lúc ấy hơi lành lạnh; nhà tôi kiểu cổ, tối tăm, lại thắp đèn dầu tây; nhưng trong một thoáng, tôi vẫn đủ sức minh mẫn để nhận thấy rằng cốm Vòng để cạnh hồng trứng, một thứ xanh ngăn ngắt, một thứ đỏ tai tái, đã nâng đỡ lẫn nhau và tô nên hai màu tương phản nhưng lại thật "ăn" nhau. Rõ là một bức tranh dùng màu rất bạo của một họa sĩ lập thể, trông thực là trẻ, mà cũng thật là sướng mắt!
Tôi đố ai tìm được một thứ sản phẩm gì của đất nước thương yêu mà biểu dương được tinh thần của những cuộc nhân duyên giữa trai gái như hồng và cốm!
Màu sắc tương phản mà lại tôn lẫn nhau lên; đến cái vị của hai thức đó, tưởng là xung khắc mà ai ngờ lại cũng thắm đượm với nhau! Một thứ thì giản dị mà thanh khiết, một thứ thì chói lọi mà vương giả; nhưng đến lúc ăn vào thì vị ngọt lừ của hồng nâng mùi thơm của cốm lên, kết thành một sự ân ái nhịp nhàng như trai gái xứng đôi, như trai gái vừa đôi… mà những mảnh lá chuối tước tơi để đệm hồng chính là những búi tơ hồng quấn quít.
Có ai một buổi sáng mùa thu, ngồi nhìn ra đường phố, thấy những cô gái làng Vòng gánh cốm đi bán mà không nghe thấy lòng rộn rã yêu đương?" (Trích từ Cốm Vòng, Vũ Bằng Toàn tập- Tập 1).
Vũ Bằng Toàn tập trình bày đẹp, in sang trọng, bìa cứng, là một bộ sách quý, xứng đáng để trong tủ sách gia đình và rất cần thiết cho học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu và sáng tác… Tôi xin trích một đoạn trong Lời bạt của nhà văn Tô Hoài (in ở Tập 1) để kết thúc bài viết này: "Tâm sự của Vũ Bằng, của người tha hương ám ảnh suốt đời anh. Thương nhớ mười hai, bàn tay giơ lên đếm một tháng, một ngày, một năm, một đời. Đấy là cái thiết tha đầu tiên và cuối cùng. Tôi đã đọc những bài thương nhớ ấy từ ngày Vũ Bằng viết dần từng kỳ đăng trên các báo ở Sài Gòn. Đến khi in thành sách, xem ở đuôi sách thấy lời ghi, biết được tác giả đã miệt mài ròng rã hơn mười năm trời mới viết xong được cái mười hai tháng thân phận một kiếp người. Từng câu tha thiết với Hà Nội đã làm cho đến cả người đương ở giữa Hà Nội cũng phải thương lây yêu lây. Sành sỏi và sắc sảo toát ra ngòi bút, sao mà nhớ đến não nề. Tháng Chín cơm mới, chim ngói. Tháng Năm, quả nhót đỏ mọng đem xát vỏ phấn trắng vào tay áo, ăn Tết giết sâu bọ. Đừng quên nắm lá móng nhuộm móng tay Tết Mùng Năm. Và mưa phùn, cái mưa tháng Hai những khi rớt mùa. Quá đi một chút thành mưa rươi, nhưng không. Bụi mưa Giêng Hai không ướt áo người đi giữa đường, tre pheo gió đánh ẽo ợt hai bên, ngửa mặt lên cho thấm được phấn mưa thơm ướp gò má. Sành ăn chơi đến thế nào ở đâu rồi cũng quy tụ vào một nỗi nhớ đất chôn nhau cắt rốn. Những ai đương ở phương trời, đọc Thương nhớ mười hai, ai mà không có một cái quê để nhớ".
Trong cõi người ta, trong cõi mê này, ai chả thế!
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28-3-2006
Ngô Thanh Hương
Sau đây, VNSCL đăng lại Lời thưa cùng Lời tựa mang tên: Nhà văn Vũ Bằng - Người lữ hành đơn côi của nhà văn Triệu Xuân, in trong Vũ Bằng Toàn tập - Tập 1:
LỜI THƯA
Năm 1999, khi viết bài Nhà văn Vũ Bằng - Người lữ hành đơn côi, lời tựa cho Tuyển tập Vũ Bằng (Nhà xuất bản Văn học, 2000), chúng tôi có thưa trước với bạn đọc: "Là một nhà văn lớn, cũng như nhiều nhà văn lớn của Việt Nam, Vũ Bằng rất xứng đáng để được xuất bản Toàn tập. Còn rất nhiều sáng tác của Vũ Bằng thuộc nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện vừa, ký sự, phóng sự, tiểu luận, phê bình văn học, sân khấu, điện ảnh, nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới do Vũ Bằng dịch… in rải rác trên các báo từ những năm Ba mươi cho đến cuối những năm Bảy mươi thế kỷ XX mà chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm. Kính mong những người yêu mến Vũ Bằng, những người yêu thích văn học giúp chúng tôi tiếp tục sưu tầm tác phẩm của Vũ Bằng để một ngày không xa, Toàn tập Vũ Bằng ra mắt bạn đọc!".
Năm năm sau ngày Tuyển tập Vũ Bằng ra đời, gần năm năm sau ngày nhà văn Vũ Bằng được chính thức công bố danh phận, truy tặng Huân chương, nay Nhà xuất bản Văn học cho ra đời Vũ Bằng Toàn tập.
Thật khó mà tìm được đầy đủ những tác phẩm văn học của Vũ Bằng! Như Lọ Văn chẳng hạn, viết và xuất bản từ 1931, năm Vũ Bằng 17 tuổi! Lọ Văn được dư luận văn học thời đó đánh giá cao, nhưng sách đã tuyệt bản ngay từ những năm Năm mươi. Sinh thời, nhà báo Thượng Sỹ Nguyễn Đức Long - một người bạn tri kỷ của Vũ Bằng - kể: "Vũ Bằng đã cất công đi tìm mua cuốn Lọ Văn để in lại, nhưng bao nhiêu năm ở Sài Gòn mà tìm không ra!". Tương tự, truyện ngắn đầu tay Con ngựa già, được Lãng Nhân Phùng Tất Đắc phát hiện, cho đăng trên mục Bút mới báo Đông Tây, khi Vũ Bằng 16 tuổi, đang học Lycée Albert Sarraut. Tờ báo này cũng chưa tìm được! Những phóng sự nổi tiếng: Cái đói năm 1945, in đầu năm 1946, được hai kỳ thì bị cấm; Khúc ngâm trong đất Hà thành (1950); cùng ba, bốn cuốn truyện vừa, tiểu thuyết của Vũ Bằng sáng tác và xuất bản giai đọan 1935-1950 cũng chưa tìm ra! Về mảng Dịch thuật, Vũ Bằng có dịch các tác phẩm: Trăng lên hoa nở, Sống giản dị, và đặc biệt là cuốn Hai mươi bốn giờ trong đời một người đàn bà của Stefan Sweig, nhưng đến nay chỉ tìm được cuốn thứ ba. Bởi thế, đành phải chờ tới lần tái bản Vũ Bằng Toàn tập với hy vọng sưu tầm được để đưa vào mảng Dịch thuật.
Năm 2000, khi Tuyển tập Vũ Bằng ra đời, chúng tôi nhận được nhiều thư từ, điện thoại của bạn đọc bày tỏ lòng hâm mộ đối với văn tài và sự nghiệp của Vũ Bằng, hoan nghênh NXB Văn học đã kịp thời cho ra mắt Tuyển tập của một nhà văn lớn, một chiến sĩ cách mạng từng chịu nhiều tai tiếng, oan ức, thiệt thòi…
Dẫu chưa thật sự đầy đủ những gì thuộc về văn chương Vũ Bằng, nhưng với trên dưới năm ngàn trang in (tính theo trang 13 x 19 cm), Vũ Bằng Toàn tập xuất bản lần đầu tiên này như là sự đáp lại lòng mến mộ của bạn đọc đối với Tuyển tập Vũ Bằng ra đời hơn năm năm trước.
Bộ sách được chia làm 4 tập. Tập 1: Những tác phẩm thuộc thể Ký. Tập 2 và Tập 3: Truyện ngắn và truyện dài, trong tập này có một số truyện mới sưu tầm được. Tập 4: Tạp văn, Biên khảo. Trong Tập 4, chúng tôi có tham khảo, đối chiếu và sử dụng một số bài đã in trong các tập sách: Mười chín chân dung nhà văn cùng thời do Văn Giá sưu tầm, tuyển chọn, NXB Đại học Quốc gia, 2002; Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp, Nguyễn Ánh Ngân sưu tầm, biên soạn, NXB Hội Nhà văn, 2004; và Tạp văn Vũ Bằng, Nguyễn Ánh Ngân sưu tầm, giới thiệu. NXB Hội Nhà văn, 2003. Cuối Tập 4, chúng tôi có phần Phụ lục, dành in những bút tích, kỷ niệm… của Vũ Bằng, của người thân, bạn bè đối với cố nhà văn Vũ Bằng.
Nhân đây, một lần nữa, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các nhà văn, nhà báo, nhà biên khảo đồng nghiệp, những người yêu quý Vũ Bằng, cảm ơn gia đình cố nhà văn Vũ Bằng đã nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp tư liệu để chúng tôi hoàn thành bộ sách này.
Hy vọng rằng chúng tôi tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý, những tư liệu, văn phẩm Vũ Bằng để cho lần tái bản sau, Vũ Bằng Toàn tập càng hoàn thiện hơn!