SCL. Như đã hứa xin giới thiệu một phần cuốn sách Để nông dân giàu lên và như chúng tôi đã viết : Trong một chừng mực ; Anh là một nhà văn.
Lời giới thiệu cuốn sách Để nông dân giàu lên
Cuốn sách này tập hợp những bài báo của Giáo sư Tiến sĩ Võ-Tòng Xuân viết cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn trong vòng 15 năm nay.
Qua từng bài báo, dù chủ đề, thể loại có khác nhau, xuyên suốt tập sách, cho thấy tâm huyết của tác giả, muốn góp phần làm cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam mau thoát khỏi đói nghèo, biết làm giàu và hội nhập bình đẳng với thế giới.
Đọc lại mỗi bài trong tập sách này, nhất là những bài viết cách nay hơn chục năm, mới thấy nhiều phân tích, dự báo, đề xuất của tác giả có tầm nhìn xa và thiết thực cho đất nước. Có những chuyện, thí dụ cho tư nhân xuất khẩu gạo, Giáo sư Xuân đã đề cập từ những năm 1990, khi mà nhiều người còn cho rằng làm như vậy dễ mất... an ninh lương thực.
Hoặc như trong bài “Phải học thôi!” viết hồi tháng 2-2005, Giáo sư Xuân mở đầu: “Trong một thế giới đầy cạnh tranh, việc nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp đã trở thành quốc sách của nhiều nước châu Á”. Rồi ông kết luận: “Giám đốc doanh nghiệp được bồi dưỡng đúng chương trình có chất lượng cao càng sớm thì Việt Nam càng có nhiều điều kiện để thắng lợi trên thương trường”.
Là một nhà khoa học nông nghiệp nổi tiếng, thành viên của nhiều tổ chức khoa học quốc tế, năm nay đã 65 tuổi, Giáo sư Võ-Tòng Xuân vẫn giữ phong cách giản dị, phương pháp làm việc hiệu quả như bao năm qua: “Tôi không giữ cho riêng mình những gì thu thập được. Phương pháp chính của tôi là làm cho nhiều người cộng tác hiểu và thực hiện được nội dung, kế hoạch công việc. Qua đó, mỗi ngày có thêm nhiều người cộng tác tốt hơn”.
Hi vọng, qua tập sách này, Giáo sư Võ-Tòng Xuân sẽ có thêm nhiều người bạn mới.
Huỳnh Kim
(Đại diện TBKTSG tại ĐBSCL)
PHẦN 1
Đi một ngày đàng
Công nghiệp sản xuất trái cây của Úc
Nước Úc rộng lớn gấp 23,4 lần nước ta, nhưng dân số chỉ bằng một phần tư dân số (19,8 triệu người, kể cả dân nhập cư từ châu Á). Đây là một hòn đảo khổng lồ, ở giữa là sa mạc khô hạn với nhiều mỏ muối lộ thiên, chung quanh là vùng ven biển khí hậu ôn hòa hơn; miền bắc có khí hậu bán nhiệt đới thích hợp với nhiều loại cây ăn trái nhiệt đới và miền nam có khí hậu Địa trung hải mát lạnh, thích hợp cho cây ăn trái ôn đới.
Chính phủ Úc đầu tư rất mạnh vào nông nghiệp. Cơ quan Nghiên cứu Khoa học Liên bang Úc (CSIRO) có hệ thống trạm trại đến từng tiểu vùng của các tiểu bang cùng với hệ thống trạm trại của bộ Nông nghiệp của các tiểu bang. Các trường đại học trên toàn quốc đều được đầu tư khá toàn diện (đủ trang thiết bị tối tân, phần lớn cán bộ khoa học được đào tạo chuyên sâu). Chính phủ, qua Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (ACIAR), đã và đang cung cấp kinh phí cho các cơ quan khoa học Úc hợp tác với các nước đang phát triển của châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi để vừa giúp các nước này phát triển khoa học nông nghiệp vừa giúp các cơ quan Úc tìm ra những kết quả có thể đem về ứng dụng tại Úc, nhất là các giống cây con, các kỹ thuật canh tác...
Lĩnh vực sản xuất cây ăn trái của nước Úc đã trở thành một ngành công nghiệp từ khâu nghiên cứu gieo trồng đến khâu thu hoạch, đóng gói bao bì đưa ra thị trường. Ngoài những trái cây ôn đới nổi tiếng như lê, táo, hồng, nho..., các loại trái cây nhiệt đới độc đáo của châu Á cũng đều có trồng ở Úc như sầu riêng, xoài, vải thiều, nhãn, măng cụt, mít, bơ (avocado) với chất lượng tuyệt hảo. Chánh phủ đầu tư thích đáng cho từng cơ quan khoa học nghiên cứu tường tận từng loại cây ăn trái để chuyển giao kỹ thuật cho mọi nông dân trong vùng. Người nông dân được tiếp cận với giống tốt nhất, cách trồng thích hợp nhất và cách chuẩn bị, bảo quản chế biến hiện đại nhất để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới. Chương trình Nhà nước nghiên cứu giống xoài đã sưu tập 35 giống bố mẹ khắp nơi trên thế giới, làm các thủ thuật lai tạo, tạo ra khoảng 1.800 dòng xoài lai. Tương tự, người ta đã lai tạo và chọn ra 4 giống bơ thích hợp nhất với khẩu vị dân Úc và kèm theo phương pháp nhân giống, canh tác tối ưu. Nghiên cứu giống vải thiều, sầu riêng, người ta đã sưu tập các giống phổ biến của châu Á đem về trồng so sánh và tìm các biện pháp thích hợp nhất để tăng năng suất, chất lượng và phòng trừ sâu bệnh. Chính phủ Úc cũng đầu tư rất mạnh cho khâu nghiên cứu bảo quản sau thu hoạch.
Sau những chuyến tham quan một số trang trại sản xuất trái cây ở miền bắc (Darwin), miền đông (Queensland) và miền tây (Perth) nước Úc, tôi rất khâm phục ngành công nghiệp cây ăn trái của Úc. Mỗi trang trại cây ăn trái của nông dân Úc rộng từ 50 đến 500 héc ta, cá biệt có trang trại đến cả ngàn héc ta. Trang trại xoài của ông Arnhem Albrecht tại Perth có 350 héc ta, và chung quanh đấy có hơn 10 trang trại xoài khác, tổng cộng trên 5.000 héc ta. Ông Albrecht trồng sáu giống xoài do ngành rau quả của Bộ Nông nghiệp của tiểu bang phổ biến, tưới nước bằng hệ thống tưới phun từng gốc, và theo một quy trình chăm sóc hiện đại nhất. Ông ta tự đầu tư một nhà máy rất hiện đại để chọn lọc, đóng hộp và bảo quản xoài cho trang trại của ông và cho những trang trại lân cận. Xoài sau khi hái được đưa vào dây chuyền xử lý theo trình tự: rửa sạch, hút ráo nước, tẩm hóa chất bảo quản, sang băng chuyền chọn cỡ trái từ loại 1 (lớn nhất) đến loại 10 (nhỏ nhất). Mỗi cỡ trái rơi vào băng chuyền riêng, ở cuối băng chuyền đó là bộ phận đóng hộp: xếp từng trái vào hộp, đóng hộp và dán nhãn hiệu của chủ trang trại, dán tem chất lượng ISO9001, và dán tem mã vạch. Người mua có máy đọc mã vạch sẽ biết mọi thông tin về lô hàng trái xoài này (trang trại, giống xoài, cỡ, hóa chất đã dùng xử lý, ngày thu hoạch và xử lý). Sau đó lô hàng được đưa vào phòng ép khí lạnh để bảo quản chờ khách hàng đến chở đi. Mỗi trang trại đều được trang bị một số phòng bảo quản ép khí lạnh để bảo đảm chất lượng sản phẩm của mình. Mỗi phòng có máy làm không khí lạnh 5 độ C, có những quạt to quay thật mạnh để đẩy không khí lạnh qua từng hộp trái cây xếp trên các palét đặt từ dưới lên đụng trần. Tôi cũng đã viếng nhà máy đóng hộp trái bơ tương tự ở Brisbane. Các loại trái cây khác cũng đều được xử lý như thế, theo đúng tiêu chuẩn do ngành rau quả của Bộ Nông nghiệp (nói tắt là Nhà nước) đưa ra. Các tiêu chuẩn này được in theo cỡ bích chương lớn phát không cho các nhà vườn để thực hiện.
Tôi nhận thấy mỗi nông dân Úc đều có thể bán hàng cho siêu thị và cạnh tranh trên thị trường thế giới nhờ Nhà nước Úc hướng dẫn họ một cách rất toàn diện. Tôi nói với Tiến sĩ Naranjan, Giám đốc ngành rau quả của tiểu bang vùng Bắc (Northern Territory) là nông dân Úc thật có diễm phúc, được Nhà nước lo từ đầu tới chân trong sản xuất như vật! Tiến sĩ Naranjan mỉm cười nói: “Thực ra đây cũng như chuyện con gà và cái trứng, cái nào có trước là tùy mình nghĩ. Mọi chương trình nghiên cứu và phát triển phục vụ cho nông dân đều cần có tiền đầu tư. Nhờ nhân dân, nhất là nông dân Úc đóng thuế đầy đủ nên ngân sách nhà nước mới có thể đầu tư đến nơi đến chốn cho nghiên cứu. Và vì nghiên cứu kết quả tốt nông dân áp dụng thành công, họ giàu lên nên họ đóng thuế càng nhiều cho nhà nước. Trong giai đoạn đầu, nông dân chưa giàu, dĩ nhiên ngân sách nhà nước rất khó khăn nhưng vẫn mạnh dạn đầu tư đúng hướng và đầy đủ cho nông nghiệp để tạo điều kiện cho nông dân khá hơn, từ đó họ đóng góp ngày càng nhiều hơn như ngày nay”. Thực vậy, Nhà nước đầu tư mạnh cho giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, cho người dân có tay nghề, tự họ sẽ tìm cách làm giàu. đầu tư để nâng cao dân trí là cách xóa đói giảm nghèo cơ bản nhất, chứ không phải chỉ đơn thuần cho tiền hoặc cấp đất cho người nghèo. Bởi vấn đề là biết sử dụng đất thế nào cho ra của cải, sử dụng đồng vốn thế nào để sinh lời./.
TBKTSG số 17-2003 (17-4-2003)
Kể chuyện nước Nhật
Tết này tôi lại ăn Tết xa quê, cùng một số anh chị em lưu học sinh và học giả Việt Nam và ngoại quốc tại Nhật Bản. Quanh bàn trà, anh chị em hết kể chuyện xa quê rồi lại kể kinh nghiệm sống ở quê người. Dân Nhật cũng thuộc Đông Á như mình nhưng họ ăn Tết theo phương Tây, vào ngày mồng một tháng Giêng Dương lịch, cho nên tất cả giao thiệp với đối tác của họ đều gắn vào bộ máy toàn cầu. Một điều mà anh em nói đến nhiều nhất là nước Nhật, cũng như nhiều nước công nghiệp tiên tiến ở Âu Mỹ, chăm lo phúc lợi cho người dân khá chu đáo.
Vài cụ già Nhật kể lại, khi Nhật bại trận vào năm 1945, nông dân Nhật rất nghèo, đất nước không đủ gạo ăn vì kinh tế nhà nước đã dốc vào chiến tranh trước đó. Nhà nước không thể giúp cho từng nông dân nghèo sản xuất, nên đã lập ra hệ thống hợp tác xã nông nghiệp từ năm 1948 để qua đó có thể giúp nông dân nghèo hữu hiệu hơn: cung cấp tín dụng không thế chấp; đưa khoa học kỹ thuật vào nâng cao trình độ sản xuất của nông dân; tài trợ cho các hợp tác xã thiết lập hệ thống bảo quản, chế biến, và tiêu thụ nông sản hợp lý. Ngày nay, nông dân các hợp tác xã nông nghiệp Nhật có đời sống không thua kém với dân thành thị và khu vực công nghiệp.
Nhà nước lập ra nhiều điều lệ bảo vệ người tàn tật. Thí dụ đối với người mù, trên tất cả lề đường phố, các nơi công cộng như nhà ga xe điện, bến xe buýt đều có loại gạch đặc biệt để người mù có thể tự dò đường bằng cây gậy của họ, tất cả các lề đường nơi cuối viên gạch đặc biệt đều phải làm dốc lài xuống để người tàn tật không bị vấp. Khi đèn xanh báo hiệu cho qua thì đồng thời có tiếng chim kêu qua loa gắn trên ô đèn xanh để người mù biết lúc được băng qua đường. Dốc lài ở mỗi lề đường cũng nhằm giúp cho người tàn tật đi xe lăn có thể lên xuống lề đường dễ dàng, khỏi phải khiêng. Trong mọi nhà vệ sinh công cộng đều có chỗ dành riêng cho người tàn tật đi xe lăn. Thậm chí, khi đi thang máy, luật định phải có nút bấm dành riêng cho người mù với chữ số nổi. Ngoài bãi đậu xe cũng có chỗ dành riêng cho người tàn tật. Không những chỉ ở Nhật mới có như vậy, tôi còn thấy ở các nước châu Âu và Mỹ cũng tương tự như thế. Ở Singapore, trên xe buýt hoặc xe điện ngầm đều có ghế dành riêng cho người tàn tật và người già.
Nói đến người già, một anh mới kể về một nhà dưỡng lão ở Kyoto mà anh ấy có dịp đến thăm. Nơi đây, các cụ già được chăm sóc một cách rất chu đáo bởi những hộ lý chuyên nghiệp mà ngay người nhà của các cụ cũng chào thua! Tốt nhất là gửi các cụ vào đấy sống tự do thoải mái, không làm phiền con cháu. Ngay chỗ đi tắm theo kiểu "ô-fu-rồ" (tắm công cộng) người ta cũng thiết kế hồ tắm đi xuống từng nấc bằng xe lăn tự điều khiển, chỗ tiểu tiện cũng được thiết kế ngay trên xe lăn, rất tiện và vệ sinh. Tôi mới nhớ có lần nói chuyện với một bà giáo sư của Đại học Nông nghiệp Wa-gê-nin-gen (Hà Lan) về việc bà ấy cũng gửi bà mẹ già vào một nhà dưỡng lão Hà Lan. Tôi nói với bà ấy là ở Việt Nam, con cháu phải lo cho các cụ, chớ mấy ai đưa các cụ của mình vào nhà dưỡng lão. Bà ấy cười rồi cho tôi biết là nhà dưỡng lão tiện nghi hơn nhà riêng bà ấy nhiều. Vả lại, nếu giữ bà cụ ở nhà thì bà giáo sư phải nghỉ việc lo cho mẹ, trở nên thất nghiệp, Chính phủ Hà Lan lại phải trợ cấp thất nghiệp cho bà. Người Nhật quả là thực tế, họ áp dụng những tinh hoa của cả Đông và Tây để tạo ra chính sách xã hội độc đáo của họ.
Về chính sách đối với thiếu nhi thì lại cũng đặc biệt: nhà nước tạo cơ chế để thiếu nhi của gia đình nghèo luôn được ưu tiên giáo dục và hưởng các phúc lợi xã hội. Trẻ con vào trường mẫu giáo đều phải đóng tiền căn cứ theo lợi tức của gia đình. Cha mẹ các cháu phải nộp giấy chứng nhận đóng thuế lợi tức do cơ quan thuế địa phương cấp để nhà trường căn cứ vào đó mà tính mức học phí. Lên đến tiểu học và trung học cấp 1 công lập, mọi học sinh đều được học tự do không đóng tiền gì cả, trừ mua tập vở và sách học. Các trường trung học đều có trang bị đầy đủ sân chơi thể dục thể thao, phòng thí nghiệm thực hành các môn khoa học tự nhiên. Tất cả học sinh từ tiểu học đến trung học đều phải mặc đồng phục để tập có tính kỷ luật công dân ngay từ nhỏ, có tinh thần đồng đội, tôn trọng tiêu chuẩn mẫu mực, luật lệ giao thông. Lên đại học không như sinh viên Âu, Mỹ, sinh viên Nhật phải thi vào đại học quốc lập rất khó, nhưng khi vào được thì học phí chỉ bằng một phần ba hoặc một phần tư học phí đại học tư, nhưng chất lượng rất cao vì nhà nước trả lương giáo sư cũng rất cao. Mỗi sinh viên đều có hộp thư điện tử và được nối mạng Internet để mở mang thêm kiến thức, một hình thức giáo dục từ xa rất hữu hiệu.
Thực ra thì tất cả tiền đó cũng do chính người dân đóng góp vào thôi. Nhà nước đã tạo điều kiện, cơ chế để mọi người làm giàu và đóng đầy đủ thuế cho nhà nước, từ đó nhà nước có tiền chăm lo trở lại cho dân. Khu vực quốc doanh nắm những lĩnh vực mấu chốt nhưng ít lãi (thí dụ lĩnh vực chuyên chở công cộng như hệ thống xe điện, xe buýt, giáo dục; y tế công cộng; chăm sóc người già, tàn tật, trẻ con). Những lĩnh vực làm có lãi hoặc nhiều rủi ro kinh tế thì nhà nước để cho tư nhân làm, ai lời càng nhiều thì đóng thuế càng cao; nhà nước không cần phải lo cấp vốn, không lỗ lã mất vốn. Đối với người thất nghiệp, cơ quan thuế không thu được gì, phải chứng nhận cho họ được lãnh trợ cấp xã hội. Cho nên ở các nước công nghiệp phát triển này, người dân làm nghĩa vụ với đất nước không phải chỉ là hô hào chung chung, mà quan trọng nhất là phải lo khai lợi tức và đóng thuế đầy đủ. Đi mua hàng, món nhỏ món lớn gì cũng đều phải đóng thuế buôn bán (3% tại Singapore, 5% tại nhiều nước khác ở châu Á và Âu Mỹ) không sai chạy đi đâu được. Ở Nhật Bản, hầu hết các loại lệ phí do các cơ quan nhà nước thu đều qua dán tem, nhân viên chỉ cần nhận tem lệ phí dán vào đúng ô vuông của tờ biên nhận, không dính líu chút nào về tiền bạc. Tem lệ phí thì được cơ quan thuế đặt bán tại các cửa hàng tem tài chính. Vì vậy, các khoản tiền thu vào ngân sách chắc chắn Bộ Tài chính nắm đủ. Đây cũng là một ngạc nhiên khác đối với dân ta vì nhiều người có khuynh hướng tránh được thuế hoặc lệ phí (qua các hình thức hối lộ) càng nhiều càng có lợi cho mình (nhưng không dè là gây thiệt hại cho xã hội).
Mỗi hệ thống kinh tế đều có cái hay và cái dở của nó, vấn đề là nhà nước cần huy động lực lượng chuyên gia để chọn lọc ra những ưu việt của mỗi hệ thống để áp dụng trong điều kiện xã hội của mình. Những nhà lãnh đạo Nhật Bản đã vận dụng như thế trong hầu hết các lĩnh vực, và đã thành công rất lớn trong hơn năm thập kỷ qua. Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước duy nhất có nhiều nguồn chuyên gia, nếu được phát huy trí tuệ tối đa, chắc chắn chúng ta có thể tìm ra được cách đi tắt mới mong đuổi kịp bè bạn thế giới./.
TBKTSG số 5-1998 (29-1-1998)
Khi nông dân Đan Mạch được... đi học
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học Cần Thơ và Đại học Aarhus (Đan mạch), GSTS Võ-Tòng Xuân đã sang Đan Mạch từ ngày 15 đến 27-2 tìm hiểu chương trình giảng dạy về phát triển nông thôn. Trong ký sự sau đây, ông kể nhiều về nông dân và giáo dục nông thôn ở Đan Mạch.
Tất cả nông dân đều được học
Ở Đan Mạch, tất cả nông dân đều được học chương trình giáo dục bắt buộc. Chương trình này bắt đầu với những học sinh vừa qua 9-10 năm giáo dục phổ thông bắt buộc, thường bắt đầu từ 16 tuổi. Theo thống kê năm 1995, ở Đan Mạch mỗi năm có khoảng 1.600 thanh niên nam nữ ghi tên vào học các bậc học khác nhau tại các trường nông nghiệp vì tại Đan Mạch, con một nông dân muốn đăng ký kế nghiệp cha ông trên đất của gia đình mình phải bắt buộc có bằng cấp nông nghiệp. Hệ thống giáo dục nông dân của Đan Mạch gồm có các bậc sau:
Giáo dục cơ bản: 2 tháng học tại trường cao đẳng; 12 tháng thực tập tại một trang trại chuẩn; 4 tháng trở về học tại trường cao đẳng.
Giáo dục chuyên nghiệp/kỹ thuật: 17 tháng thực tập tại trang trại (bất cứ); 6 tháng về trường cao đẳng học lý thuyết và báo cáo.
Giáo dục về quản lý trang trại: 14 tháng học kinh nghiệm nghề nghiệp – ít nhất 6 tháng tại một trang trại; 4 tháng học tại trường cao đẳng và báo cáo.
Giáo dục về quản lý trang trại trình độ cao: 5 tháng học tại trường cao đẳng.
Khi học xong bậc giáo dục cơ bản và giáo dục chuyên nghiệp/kỹ thuật, sinh viên nhận được bằng “Nông dân khéo”. Tốt nghiệp bậc giáo dục về quản lý trang trại được nhận bằng “Quản lý trang trại” và “Chứng chỉ xanh”. Có “Chứng chỉ xanh” họ mới được xã hội và nhà nước công nhận là nông dân, được mua đất lớn hơn 30 ha. Chính vì vậy mà ở Đan Mạch, tất cả nông dân đều qua trường lớp giáo dục chính quy, và các trường cao đẳng nông nghiệp luôn luôn có nguồn đào tạo.
Vejlby là trường cao đẳng nông nghiệp nổi tiếng nhất của Đan Mạch, mỗi sáu tháng thu nhận 300 sinh viên, thuộc loại đông nhất. Trường đang đào tạo hai bậc là giáo dục chuyên nghiệp/kỹ thuật và quản lý trang trại và đang soạn thảo chương trình đại học hai năm chuyên sâu vào quản lý kinh doanh nông nghiệp. Cũng như các trường khác, sinh viên vào học theo ưu tiên ai ghi tên trước thì được chọn trước, không có thi tuyển. Căn cứ vào số lượng sinh viên theo học mà nhà nước rót kinh phí, bình quân 8.500 đô-la Mỹ/sinh viên. Sinh viên chỉ đóng tiền ăn và ở nội trú mà thôi.
Đến một trang trại chăn nuôi heo
Trang trại ở Elkjaervej (11,8543 Hornslet) được xây dựng từ năm 1970, có 300 ha đất trồng lúa mì, lúa mạch, hạt cải và cỏ linh lăng (alfalfa) để cung cấp thức ăn cho đàn heo.
Trong khuôn khổ luật thuế cho phép, trang trại này thành lập ba tổ hợp tác để quản lý ba đơn vị sản xuất:
- Trại heo nái: 740 con heo nái, mới xây dựng cách đây 10 năm, để sản xuất heo giống cho gia đình. Mỗi tuần lễ 350 heo con được xuất chuồng, đạt 7 kg/con. Tại đây có ba nhân công đảm nhận mọi công việc dưới sự quản lý của ông Mogens, chủ trang trại.
- Trại hậu bị: mỗi tuần nhập chuồng 350 heo con từ trại heo nái đưa sang. Hàng năm sản xuất từ 17.000 đến 18.000 con heo hậu bị, mỗi con đạt 30 kg. Heo hậu bị xuất chuồng được giữ lại 6.000 con chuyển sang trại vỗ béo, còn lại 12.000 con được bán theo hợp đồng cho hai nông hộ nuôi heo khác. Trại chỉ sử dụng một nhân công làm bán thời gian.
- Trại vỗ béo: do vợ chồng ông Mogens làm chủ, nuôi heo từ 30 kg lên 100 kg để xuất chuồng cho hợp tác xã súc sản cũng của ông. Tại trại này họ mướn một nhân công rưỡi để làm tất cả công việc của trang trại, từ pha trộn thức ăn, cho heo ăn, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc thú y, xuất chuồng...
Ở một trang trại sản xuất trái cây
Chủ trang trại, ông Anders Hastrup ở Hjortshoej Frugtplantage (Mejlbyvej 268, 8530 Hjortshoej) là một nông gia chăn nuôi heo. Từ năm 1982 ông Hastrup chuyển sang trồng cây ăn trái và bắp cung cấp cho hợp tác xã lương thực. Ông trồng 25 ha táo tây và lê, 5 ha rasberry, và 4 ha dâu tây. Ông trang bị đầy đủ máy móc thiết bị để làm đất, bón phân, phun thuốc nông dược, tưới nhỏ giọt (tưới rỉ), bốn phòng lạnh bảo quản trái cây ở 5oC; và dây chuyền máy phân loại trái táo. Dâu tây được bán bằng phương pháp “bao bụng”, tức là dành cho du khách đến trang trại “thưởng thức” ngay trên cây với một chi phí nhất định. Còn táo và lê sau khi chọn đúng cỡ trái được xếp vào thùng có nhãn hiệu Gasa (tên của hợp tác xã trái cây mà ông Hastrup là hội viên), rồi chở đến tiêu thụ ngay tại hợp tác xã.
Ghé liên đoàn hợp tác xã nông dân
Ông Soren Buchmann Petersen, phụ trách thông tin của liên đoàn, cho biết nông dân Đan Mạch đã tự động họp nhau lại thành lập hợp tác xã nông dân từ năm 1882. Đặc điểm của hợp tác xã Đan Mạch là xuất phát từ nông dân, không phải do nhà nước thành lập. Nhà nước không can thiệp vào các hoạt động của hợp tác xã. Vì vậy Đan Mạch không có luật hợp tác xã mà chỉ có luật nông nghiệp và điều lệ hợp tác xã do các hợp tác xã tự đặt ra. Ngày nay, trên 95% nông dân là hội viên của ít nhất ba hợp tác xã khác nhau. Một người sản xuất heo, có thể vừa là hội viên của hợp tác xã chăn nuôi heo (để tận dụng các kỹ thuật nuôi), hợp tác xã mổ thịt heo (để đảm bảo tiêu thụ hết lượng heo sản xuất), và hợp tác xã hạt lương thực và rau cải (để mua thức ăn phụ cho heo). Sở dĩ người ta thích tham gia hợp tác xã vì nông dân ngày càng có triển vọng tham gia vào xuất khẩu (sang Anh và Nga); tranh thủ được kỹ thuật mới (máy tách chất béo trong sữa phải dùng chung cho trên 50 trang trại mới có lời); được bảo hiểm rủi ro thị trường: sản xuất cho một hợp tác xã sẽ tăng hiệu quả và tính cạnh tranh về chất lượng và khối lượng.
Vì công nghiệp ngày càng phát triển và thị trường ngày càng cạnh tranh nên cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng thay đổi: cách đây 100 năm, Đan Mạch có 260.000 nông dân, năm 1999 chỉ còn 59.000 nông dân. Ngày xưa vì sản xuất nhỏ nên mỗi nông dân sản xuất nhiều loại hàng hóa, hợp tác xã cũng được tổ chức theo hình thức đa mục tiêu. Ngày nay vì sản xuất lớn, hợp tác xã trở nên chuyên ngành, đơn mục tiêu như hợp tác xã heo, hợp tác xã sữa, hợp tác xã mổ thịt...
Ở các hợp tác xã, đại hội xã viên bầu ra ban quản trị, ban quản trị sẽ mướn một chủ nhiệm (giám đốc) chuyên nghiệp và một số chuyên viên cần thiết để điều hành công việc hàng ngày. Nông dân không đứng ra làm chủ nhiệm hợp tác xã. Ban chủ nhiệm này không tham gia sản xuất đồng áng, chỉ ăn lương của hợp tác xã mà thôi.
Ở hội nông dân
Ở nông thôn, nông dân tự nguyện thành lập Hội Nông dân trẻ Đan Mạch (Danish Young Farmers’Association), và tồn tại song song với hợp tác xã nông dân. Hội nông dân có hai nhiệm vụ: cung cấp các dịch vụ khuyến nông để nông dân có thể sản xuất thành công và phù hợp luật lệ nông nghiệp nhất là về mặt môi trường; và bảo vệ quyền lợi của hội viên. Tại mỗi địa phương, hội lập ra Trung tâm Tư vấn nông nghiệp; Liên hiệp hội nông dân lập ra Trung tâm Tư vấn nông nghiệp trung ương. Mỗi khi cần tư vấn, nông dân chỉ mời chuyên viên của trung tâm của vùng mình ở, và trả tiền cho mỗi dịch vụ này. Chi phí tư vấn này được tính vào chi phí khấu trừ thuế lợi tức.
Theo Luật Nông nghiệp Đan Mạch, mỗi nông dân chỉ có thể sở hữu ba trang trại và quản lý 5 trang trại (tức là có thể mướn thêm hai trang trại nữa để sản xuất). Năm 1960 mỗi trang trại bình quân 16 ha; đến nay luật được sửa đổi cho phép bình quân 75 ha mỗi trang trại. Nông dân phải có nhà trên đất trang trại của mình và đứng ra trực tiếp quản lý suốt 365 ngày trong năm, vì vậy nhiều nông dân cảm thấy cuộc đời ở trang trại là rất đơn điệu! Không ai ở thành thị được quyền có trang trại. Đây là chính sách “giữ đất trang trại cho nông dân” tránh để đất lọt vào tay các công ty hoặc các chủ nhân giàu ở thành thị.
Nhà nước luôn giúp nông dân
Đất nước Đan Mạch có diện tích tương đương với ĐBSCL, và dân số chỉ bằng 30% dân ĐBSCL, nhưng là một nước giàu mạnh của châu Âu về sản xuất nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp. Ngày nay nông nghiệp của họ mặc dù chỉ do 3% lao động làm ra nhưng không những nuôi đủ cho dân trong nước mà còn xuất khẩu cho một số nước khác của châu Âu và cho khối SNG. Nhà nước đã tạo mọi cơ hội cho hợp tác xã nông dân thành công, từ cung cấp giáo dục chuyên nghiệp miễn phí cho mọi người dân, đến thiết chế các chính sách phát triển, thuế, xuất khẩu... để động viên nông dân.
Vài nét về Đan Mạch
(Theo thống kê năm 1999 của Hội đồng Nông nghiệp Đan Mạch)
Diện tích: 43.000 km2, trong đó đất nông nghiệp 64%.
Dân số: 5,3 triệu người, trong đó có 57.600 nông hộ.
Ruộng đất: trung bình mỗi nông hộ có 45,8 ha (ít nhất 5 ha, nhiều nhất 300 ha), sản xuất phần lớn các sản phẩm chăn nuôi, có thể nuôi 210 người.
Lao động: cứ bốn nông dân, chỉ một người làm chuyên thời gian trên đồng ruộng, những người kia phải làm thêm ngoài nghề nông.
Nông sản: hai phần ba tổng sản lượng nông nghiệp được xuất khẩu.
Xã hội: phần lớn nông dân hợp tác để sản xuất thay vì cạnh tranh nhau. Gia đình nông dân đều có học thức và luôn luôn được coi trọng trong xã hội.
Giáo dục: có tất cả chín trường đại học và tương đương, một trường kỹ thuật, 28 trường cao đẳng nông nghiệp (agricultural colleges) phân bố đều khắp nơi. Giảng dạy trong các đại học được sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Đan Mạch. Mọi học sinh trung học đã được dạy thông thạo tiếng Anh nên khi lên đại học họ rất giỏi tiếng Anh. Sinh viên và học sinh được nhà nước đóng học phí. Kinh phí giáo dục được phân bổ về mỗi trường tính theo đầu sinh viên, học sinh ghi tên học tại trường ấy, không phải theo chỉ tiêu của nhà nước giao. Vì vậy mỗi trường đều cố gắng làm thế nào để có chương trình đào tạo có chất lượng hiệu quả cao để thu hút người học nhiều hơn. Hàng năm cứ đến tháng 2 và tháng 3, các trường quảng cáo rộng rãi trên truyền hình, trên các phương tiện chuyên chở công cộng, trên báo chí mời người học tương lai cùng phụ huynh đến dự ngày giới thiệu trường để làm quen và chọn lựa trường vào học năm tới./.
TBKTSG số 11-2000 (9-3-2000)