Nếu một ông Tây bà đầm mới ghé thăm Việt Nam hay một Việt kiều sau nhiều năm về thăm lại làng tôi qua con đường lộ xe chạy và sự hiện diện của điện nước sẽ kết luận ngay rằng thôn quê Việt Nam bây giờ khá giả quá. Nhưng chỉ cần đi sâu vào các con kênh chung quanh khu chợ tấp nập, người ta sẽ có một cái nhìn khác, công bằng hơn. Nói một cách ngắn gọn, nông thôn Việt Nam, mà đặc biệt là vùng miền Tây Nam bộ, dù có vài “tiến bộ” nhưng vẫn còn quá nghèo.
Nhưng trước khi nói chuyện nghèo, xin nói vài phát triển tích cực trước. Trước hết là đường xá nông thôn. Nhiều con đường nối liền các huyện, xã và liên tỉnh đã được thi công, làm cho việc đi lại của bà con trong quê càng ngày càng dễ dàng và nhanh chóng hơn trước kia rất nhiều. Ngày xưa từ xã tôi ra thị xã (khoảng 25 cây số) phải đi bằng đò, và tốn chừng 5 đến 6 giờ đồng hồ (tức gần nửa ngày). Mỗi ngày chỉ có một chuyến đò đi và về. Mỗi chuyến đi lên thành thị như thế là cả một hành trình gian truân và phải chuẩn bị từ lúc hừng sáng. Người ở xa phải bơi xuồng từ trong rạch ra chợ để đón đò, để có chỗ ngồi tốt. Nhưng nay thì con lộ đã xây xong, người dân chỉ tốn 30 phút là đến Rạch Giá. Chuyện đi lại với các tỉnh lân cận như An Giang và Cần Thơ cũng dễ hơn xưa rất nhiều, nhờ đường liên tỉnh đã được xây lại tốt hơn xưa. Ngoài ra, còn có xe bus chở học sinh từ các vùng nông thôn ra thị trấn hay thị xã đi học. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ giao thông vận tải, trong vùng ĐBSCL đến nay vẫn còn 20% xã chưa có đường lộ cho xe ôtô.
Một trong những thay đổi tích cực nhất là việc đưa điện về tới thôn quê. Nghe nói hiện nay, đã có khoảng 90% thôn quê có điện lực. Tôi được biết nguồn điện này được chuyền vào từ ngoài Bắc, chứ không phải trong Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng có tiền nối điện vì thu nhập eo hẹp. Giá nối điện bốn 5 năm về trước là 3 triệu đồng, nhưng ngày nay chỉ còn khoảng 1 triệu đồng, thậm chí thấp hơn nếu trong dịp khuyến mãi. Đối với những người sống bằng nghề làm mướn, tức là không có ruộng đất, thì đây là một số tiền rất lớn. Còn nông dân thường hay trả tiền bằng lúa.
Điện về quê mang theo nhiều dịch vụ hiện đại khác như chiếu phim và bắt cá bằng chạy điện. Trước hết bà con đã có thể mua tivi, đầu máy CD, video, thậm chí tủ lạnh, nồi cơm điện, và máy giặt quần áo. Ngày nay, nhiều gia đình đã có thể chiếu phim chưởng Hồng Kông ngay tại nhà và bất cứ lúc nào, mà ngày xưa họ phải đi ra tận thị xã coi chiếu bóng! Xã tôi có nhiều người Khmer, và họ đã có thể theo dõi tin tức bằng tiếng Khmer ngay trên tivi. Tưởng cần nên nhắc lại là ở thôn quê không có báo chí hàng ngàỵ Người đọc thường phải nhờ các anh tài xế chạy Honda ôm mua từ các thị trấn hay thị xã. Vì vậy nguồn tin tức duy nhất và nhanh nhất là qua radio hay tivi.
Điện về còn mang theo sự “hiện đại hóa” các quán ăn uống ở quê. Bây giờ, quán cà phê đua nhau chiếu phim chưởng, phim tình cảm, phim nhạc Paris by Night, v.v… cho khách xem. Quán cà phê ngày nay, mặc dù ở tận vùng đồng ruộng, nhưng cũng có cả cả cà rem đủ mùi vị, rất hấp dẫn. Ban ngày bán cà phê, ban đêm bán đồ nhậu. Vì làng tôi có khá nhiều dân theo đạo Công giáo, nên rất nhiều quán bán thịt cày thứ thiệt (không phải giả cầy) cho thực khách.
Ngoài điện và ánh sáng ra, quê tôi còn được hiện đại hóa bằng điện thoại. Qua tìm hiểu các quan chức địa phương tôi biết hiện nay gần 50% các hộ trong làng đã có điện thoại bàn, và con số này vẫn gia tăng hàng năm sau mùa gặt lúa. Chỉ hai năm về trước, giá gắn điện thoại là 2 triệu đồng, bây giờ giá chỉ còn 500,000 đồng. Tuy nhiên, nhiều nhà khá giả vẫn chưa nhìn thấy sự tiện lợi của điện thoại, nên vẫn chưa chịu gắn, mặc dù nhân viên khuyến mãi làm việc rất hăng hái. Giá gọi điện thoại trong vòng địa phương rất hợp lí, chỉ khoảng 2000 đồng một cú. Giá gọi viễn liên trong nước thì tùy thuộc vào đường dài và tính theo phút. Giá từ làng tôi ra Qui Nhơn tốn khoảng 3000 đồng một phút. Tuy nhiên, chưa ai dám gọi ra nước ngoài vì giá quá ư là đắt đỏ, có thể nói là giá “cắt cổ lột da”. Quả vậy, điện thoại từ nước ngoài về Việt Nam cũng rất đắt. Tôi xem qua bảng giá điện thoại từ Mĩ và Úc đi các nước trên thế giới, và dám nói rằng giá gọi về Việt Nam là đắt nhất thế giới, đắt hơn giá gọi về Trung Quốc, và đắt hơn cả giá gọi đi Phi châu! Chả biết bao giờ giá này mới hạ xuống cho nó hợp tình hợp lí một chút.
Hai năm gần đây rộ lên phong trào điện thoại di động về làng quê. Khó mà tưởng tượng nhưng người nông dân chân lấm tay bùn ngày nào chưa biết sử dụng cái điện thoại bàn ra sao mà nay đều rủng rỉnh cái điện thoại di động. Ngay cả học sinh trung học mà cũng có điện thoại di động trong túi!
Chùa chiền và nhà thờ cũng được xây mới rất oách. Tìm hiểu thì mới biết một phần là do Việt kiều đóng góp tiền, và một phần là do tín đồ địa phương và chính quyền cho kinh phí để xây. Làng tôi phần lớn dân theo đạo Phật tiểu thừa (người Khmer) và đại thừa (người Kinh), và một số nhỏ theo đạo Công giáo. Không có đạo Tin lành ở đây. Chùa chiềng người Khmer đã tồn tại hơn 100 năm ở đây lúc nào cũng uy nghi và màu mè, còn chùa người Kinh thì đơn giản hơn. Tôi có dịp ghé thăm một ngồi chùa Khmer mà tôi từng góp tiền trùng tu, thấy chùa bây giờ rộng lớn hơn vì dân cho đất để chùa xây thêm chỗ thờ phượng, và có khá nhiều Phật tử tình nguyện góp công xây dựng. Tôi tò mò hỏi vị đại đức là chính quyền có làm khó dễ gì không thì ông nói hoàn toàn không. Tuy nhiên, ông dơ tay chỉ khu cơ quan hành chính mới mọc lên phía bên kia sông, đối diện chùa, và mỉm cười nói có lẽ “người ta” cùng có ý dóm ngó hay cảnh giác gì đó mới chọn đấy xây ủy ban nhân dân ở đây, chứ nếu không thì tại sao không xây gần chùa người Việt?! Là người Kinh, tôi cũng cảm thấy “nhột”, nên chẳng biết nói sao. Nói xong, ông kêu tôi vào phòng cho tôi xem những hình ảnh ông ra Hà Nội bắt tay với cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt và các nhân vật to trong chính phủ thời đó. Ông nói, dạo này chỉ có người có tuổi mới đi chùa, còn giới trẻ thì chúng nó đi đâu hết rồi …
Tôi còn có dịp ghé thăm nhà thờ nay được trùng tu rất đẹp. Hồi còn nhỏ tôi từng theo học trường do nhà thờ quản lí vài năm trước khi sang học trường công ở xã. Nay thì ngôi trường của nhà thờ không còn hoạt động nữa, dù ông cha có ý định xin phép làm lại (theo chính sách trường bán công của Nhà nước). Ông cha chủ trì nhà thờ này mới về đây chừng 10 năm, tuổi chỉ ngang hàng tôi, rất vui tính và cởi mở, dám uống cả rượu đế, nên tôi có dịp nói đủ thứ chuyện thánh kinh, chuyện thơ văn, chuyện xã hội, nói chung là đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với ông suốt 4 giờ liền! Tôi hỏi ông có biết cha Nguyễn Văn Lý không, thì ông nói có nghe qua, nhưng không để ý đến quan điểm của ông cha mà ông nói là “hơi bất bình thường” đó. Tôi hỏi: Cha có bị khó dễ gì trong việc tổ chức lễ Noel vừa qua? Ông cười nói: Ủa, sao Việt kiều nào về cũng hỏi mấy chuyện này cả. Ông nói thêm: Có khó dễ gì đâu, chính quyền ở đây là người địa phương cả mà. Có tổ chức gì lớn thì nói cho mấy ảnh một tiếng trước, chứ có khó dễ gì đâu. Thế còn chuyện truyền đạo thì sao? Thì vẫn bình thường. Nhưng ông nói thêm là lúc này khó thu hút thêm con chiên mới, vì dân chúng quá tất bật với cuộc sống, quá thực dụng, ít ai quan tâm đến đời sống tâm linh. Thậm chí, có người bỏ đạo, hay có con chiên chất vấn giá trị về những lời dạy của Chúa trong thời đại kinh tế ngày nay. Tôi hỏi ông tương lai đạo ra sao, thì ông chỉ mỉm cười nói: Chuyện đó còn xa quá, khó nói lắm. Tuy nhiên, cũng như vị đại đức ở chùa Khmer, ông Cha này cũng tỏ ra rất quan tâm đến cái khoảng trống đạo đức trong xã hội ngày nay. Ông nói, chương trình giáo dục của nhà nước không có phần về đạo đức, cho nên bây giờ xã hội có đến cả 2 thế hệ lớn lên không có nền tảng đạo đức xã hội vững vàng ...
Chợ búa nông thôn cũng phát triển đáng kể. Ngày xưa cái chợ làng tôi chỉ lèo tèo vài người bán cá, thịt heo, thịt chuột, và những nông sản gia đình tụ tập chung quanh cái sân khoảng 10 x 20 mét là cùng. Nhưng ngày nay, khu chợ đã nới rộng giống như một thị tứ nhỏ hẳn hoi: cũng có nhà lồng chợ, cửa hàng bốn bên nhà chợ, và bán đủ thứ hàng hóa, kể cả bia rượu. Nghe nói trong vòng 2 năm tới, khu chợ này sẽ phát triển khang trang hơn và sẽ có những căn phố xây theo kiểu mẫu hẳn hoi, chứ không theo kiểu tự phát. Thế là khu đất xung quanh chợ đột nhiên tăng giá. Một khu đất 10 x 20 mét ngày nay ở làng tôi giá cũng khoảng 100 – 200 triệu đồng, cao gấp 10 – 20 lần so với 5 năm trước đây.
Nhưng những phát triển bề ngoài đó vẫn không che dấu được cái nghèo bên trong của phần lớn nông dân làng tôi và cũng có thể nói của cả vùng Tây Nam bộ này. Dân cư càng ngày càng đông, mà đất thì không giản nở ra, cho nên mật độ dân số càng ngày càng cao. Chẳng nói đâu xa, ngay cái con kênh nho nhỏ (khoảng 3 cây số) 30 năm về trước chỉ có vỏn vẹn có mười căn nhà, mà ngày nay đã có cả năm chục căn nhà mọc lên san sát hai bên bờ kênh. Tôi có nhiều bà con và bè bạn trong con kênh này, nên cũng nhân dịp đi thăm một chuyến cho biết tình hình thực tế ra sao.
Một hôm tôi ghé thăm một anh bạn tên Đ hồi còn học tiểu học mà ấn tượng về cái nghèo của bà con nông dân Việt Nam thật là khó quên. Nhà anh bạn tôi được xem là kha khá ở trong xóm, nhưng nhìn gia đình anh ta, một vợ, 6 con phải chen chúc nhau sống trong một cái nhà chật chội mà tôi khó cầm lòng được. Nói là “nhà”, nhưng thật ra, đó chỉ là cái chòi, lợp lá và chung quanh “tường” cũng bằng ... lá dừa nước. Khi trời mưa thì ủ dột khắp nơi. Trong nhà, chỉ có một cái bàn gỗ cũ kĩ để tiếp khách, để ăn cơm và cũng để cho mấy cháu dùng làm bàn học. Phía trên bàn, cái bình trà và vài li con dùng cho cả uống trà lẫn uống ... rượu. Ba cái giường bằng tre được kê một cách xiêu vẹo, khập khiễng. Mấy đứa con thì đen đúa, chắc suốt ngày chỉ rong ngoài đồng nuôi vịt.
Anh Đ làm ruộng và nuôi vịt. Mấy năm gần đây rộ lên phong trào nuôi vịt số nhiều (hàng ngàn con) để lấy lời. Lúc đầu, đã có nhiều người làm giàu nhờ nuôi vịt, nhưng sau này có lẽ vì bà con không đủ trình độ khoa học (hay không được hướng dẫn một cách khoa học), nên chỉ một vài con vịt bị bệnh là nguyên đàn vịt đều đi chầu diêm vương. Anh bạn tôi cũng có lần khốn đốn khi một đàn vịt 3000 con bị chết gần phân nửa, và phải chịu lỗ lã cả hai chục triệu đồng (tức hơn 2 ngàn đô-la Mĩ). Anh nói tưởng lần đó suýt bị phá sản vì đàn vịt !
Anh Đ mừng rỡ gặp lại tôi, sau cả ba mươi lăm năm biệt tin, và không ngờ tôi lại ghé nhà anh ta. Hôm đó anh làm một con vịt tiết canh, và e dè hỏi tôi có dám ăn không vì nghe đài truyền hình, đài radio suốt ngày nói chuyện dịch cúm gà và H5N1. Tôi nói anh đừng lo, tôi không chết vì cúm gà đâu. Nói vậy chứ mới đầu thì hơi ngán, nhưng sau vài li rượu đế, tôi lại thấy … ngon là đằng khác. Trong chầu rượu cùng bà con chòm xóm, không thấy anh ta than phiền về cuộc sống hiện tại, tôi gợi chuyện và hỏi sao anh không lợp lại nhà cho đàng hoàng. Anh nói tiền đâu ra. Tôi hỏi thêm phải cần bao nhiêu mới đủ, thì anh nói khoảng 500 ngàn đồng, tức không tới 30 Mĩ kim. Tôi cầm lòng không được, sau khi nhậu xong và thừa lúc anh ta say tôi lén nhét vào túi anh 100 đô để để lợp nhà ...
Tôi đi lang thang thăm nhà vài bà con cùng xóm. Sau nhiều năm xa nhà, tôi đã trở thành ông chú, bác, cậu ... vì đã có quá nhiều cháu mà tôi không tài gì nhớ tên hết được. Đi nhà nào, dù nghèo bà con đều đối xử với tôi một cách chân tình. Ai cũng mời ăn uống một cách thật lòng, cho dù bữa ăn chỉ là khô với mắm. Mặc dù nghèo, nhưng không một ai hỏi xin tiền tôi. Ở nhà nào, nói chuyện vài câu là tôi nhận ra cái cụm từ khóa: “Bây giờ dễ thở hơn hồi thời bao cấp rồi, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo con à”. Quả vậy, ở xóm này, chưa đến 10 hộ có điện, chứ nói gì đến điện thoại. Mỗi khi muốn đi xem video hay cải lương, thì bà con phải chèo xuồng ra ngoài lộ để ghé nhà bà con để xem ké. Đêm tối lại bì bõm chèo về.
Một điều tôi thấy buồn là vào thời điểm đầu của thế kỉ 21 này mà phương thức làm ruộng vẫn chẳng có gì khác so với thế kỉ 19 hay 20. Tuy ngày nay máy cày đã dần dần thay thế con trâu trong việc cày bừa, nhưng về gặt lúa, bà con ta vẫn làm như cả mấy trăm năm nay, với lưỡi hái và cái bàn đập lúa (không phải búa liềm đâu nhé). Tôi thấy dân Mĩ làm lúa bằng máy và so với cách bà con mình làm mà thương cho dân mình. Trước 1975, gia đình tôi có một chiếc máy cày (truck) hiệu John Deer của Mĩ, nhưng sau 1975 phải bán cho bà con khác để đủ sống. Khi tôi về, chiếc máy cày đã 30 tuổi vẫn còn làm việc như con trâu ì ạch trên đồng! Chả biết bao giờ nông dân Việt Nam mới có máy tự động gặt và xây thành lúa trên một cái xe máy lưu động?
Cơ khí hóa việc cày bừa làm cho con trâu … thất nghiệp. Không chỉ thất nghiệp, mà trâu còn có nguy cơ tuyệt chủng ở ĐBSCL. Đó là một nguy cơ rất thật. Một hôm tôi ra chợ huyện chơi và gặp một anh bạn cũ rủ vào quán ăn. Anh ta kêu liền hai món thịt trâu, làm tôi rất đổi ngạc nhiên. Nguồn thực phẩm thịt bò, heo, gà thì chẳng có gì ngạc nhiên, nhưng thịt trâu, một con vật rất Việt Nam, rất có ích cho đồng ruộng mà nay lên bàn tiệc! Thấy tôi ngạc nhiên, anh bạn giải thích: Ăn đi, chứ không thì mai mốt chưa chắc còn trâu cho mầy thưởng thức! Sau này tìm hiểu tôi mới thấy câu nói đó rất đúng: con trâu đang dần dần biến mất trên đồng ruộng ĐBSCL. Vài con số thống kê cũ cho thấy điều đó: năm 1985 cả vùng ĐBSCL có khoảng 330 ngàn con trâu, mười năm sau (năm 1994) con số này chỉ còn 147 ngàn con. Một bài báo trên Người lao độngcho biết năm 1991 huyện Cai Lậy có 870 con trâu, đến năm 1997 chỉ còn 15 con! Nguy cơ tuyệt chủng -- không quá lời đâu -- quả là một nguy cơ có thật. Chưa thấy Nhà nước có chính sách gì về vấn đề này.
Hệ quả của đông dân là ô nhiễm môi trường. Ngày xưa con kênh này nước rất sạch, nó là cái hồ tắm, là ao cá, là nguồn nước sinh hoạt cho cả xóm, ấy thế mà ngày nay con kênh lềnh bềnh những rác rưởi thời công nghiệp như bao plastic và … vỏ bia, vì nó đang biến thành một bãi rác cho cả xóm. Người dân vô tư bỏ tất tật những rác rưởi và thậm chí cả phân người xuống sông. Dần dà, con kênh trở thành ô nhiễm đến nổi không ai dám tắm sông, không ai dám dùng nguồn nước này để uống hay cho nấu nướng. Chỉ có 10 năm mà chất lượng nước đã suy thoái đến mức báo động. Ngày xưa người ta có câu “Gió đưa gió đẩy về rẩy ăn còng, về sông ăn cá về đồng ăn cua”. Nhưng nay thì cá trên sông dần dà cạn kiệt, chỉ còn cua ngoài đồng mà thôi. Lâu lâu mới bắt được một con cá lóc to, nhưng chưa chắc dân trong làng đã thưởng thức được nó, vì người ta có thể bán cho một đầu nậu nào đó để đưa về Sài Gòn.
Nói chung đời sống của người nông dân vẫn còn rất nhiều khó khăn. Sau thời Đổi mới có nhiều người khá lên, nhưng đa số thì chỉ dậm chân tại chỗ, thậm chí nghèo hơn. Sau thời kì bao cấp hợp tác xã, Nhà nước có trả đất cho những gia đình đã bị vào hợp tác xã, và phân phối ruộng cho những gia đình nào chưa có ruộng. Thông thường một gia đình được chia khoảng 3 đến 5 công đất để trồng lúa. Nhưng sau một thời gian, nhiều gia đình không có khả năng tài chính để duy trì ruộng, và phải bán cho những gia đình có tiền của trong xóm. Trắng tay lại hoàn trắng tay. Họ quay sang nghề cũ, tức là làm mướn. Mỗi ngày làm mướn chỉ được 15.000 – 20.000 đồng, tức trên dưới 1 Mĩ kim. Với một thu nhập khiêm tốn như thế, họ chỉ sống qua ngày ...
Hiện nay, vì làm ruộng không đủ ăn, đủ sống, nông dân, nhất là những thanh thiếu niên, có xu hướng “tản cư” đi các thành phố khác để kiếm sống. Phần lớn họ làm công nhân trong các hãng xưởng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Biên Hòa, có người còn mạo hiểm theo bạn bè ra tận các hãng ngoài Trung để kiếm cơm. Có lẽ một số bạn đọc ngạc nhiên khi tôi dùng cụm từ “mạo hiểm”, có vài trăm cây số mà mạo hiểm nổi gì! Nhưng đối với dân làng đã qua bao đời, bao thế kỉ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, trên mảnh đất của ông bà để lại, chưa từng ra thị xã Rạch Giá một lần, thì một cuộc hành trình 500 cây số là một cuộc mạo hiểm lớn. Người ta nói là “bỏ xứ”, bỏ quê. Mà phong trào bỏ quê này càng ngày càng cao, đến nổi đến mùa thu hoạch lúa người ta không tìm ra lao động để làm. Vấn đề này đặt ra bài toán phân bố lao động và tổ chức lại phương thức làm ruộng rất nhức đầu cho các giới chức chính quyền.
Một số khác, phần lớn là phụ nữ, thì lên Sài Gòn để làm những nghề như bán bia ôm và dần dần bán mình. Tôi đã nói qua đội quân bia ôm ở Sài Gòn mà đại đa số là các cô gái quê từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Số phận những cô gái này còn lắm long đong, vì hỏi bất cứ ai, câu trả lời lúc nào cũng là “một đi không trở lại”. Đã bỏ quê lên thành thị làm cái nghề mà ông bà bao đời xem là rẻ rúng đó thì làm sao về quê để kiếm một tấm chồng được. Mà làm nghề bán bia ôm thì còn tùy thuộc theo độ tuổi, đến tuổi 24 hay 25 thì các chủ quán xem là “già” và bị thất nghiệp. Đã có người mất việc quán bia ôm, lại lao vào ngay nghề “gái cột đèn” để bán mình. Không ai biết số phận những cô gái này rồi sẽ ra sao, mà cũng chẳng ai quan tâm đến họ.
Một số nhỏ khác thì tìm đường ra nước ngoài bằng cách kết hôn với Việt kiều và người nước ngoài. Làng tôi ngày nay đã có nhiều ông rể Tây đến từ Mĩ, Úc, Đức, và Canada. Gần đây cả làng bàn tán xôn xao về một ông Úc 65 tuổi về cưới một cô gái chưa tròn tuổi 20, và trong ngày vu qui, ông bà bố vợ còn trẻ măng chẳng biết kêu ông rể bằng con hay bằng ông. Cũng may ông rể không biết tiếng Việt nên câu chuyện chỉ lưu hành trong dân địa phương.
Nói cho ngay, một số ông rể Tây này cũng rất tốt với làng. Có một anh rể người Đức, là một kĩ sư cầu cống, thấy làng chưa có bệnh xá đàng hoàng, anh ta về Đức vận động tiền được khoảng 20 ngàn đô la. Anh ta quay lại Việt Nam xây một bệnh xá cho dân. Người dân địa phương vẫn còn nhớ và kể về cách làm việc của anh này: Chính tay anh thiết kế và vẽ kiểu bệnh xá, và cũng chính anh hàng ngày đi gõ gõ từng viên gạch xem có đúng chất lượng hay không. Kết quả là một bệnh xá rất oách, mà ai cũng tự hào. Thế nhưng cái ngày khánh thành bệnh xá, các quan chức chính quyền và đảng ủy địa phương thay nhau và đua nhau hát bài “Nhờ sự quan tâm của Đảng và nhà nước”, mà không có một lời cám ơn anh ta! Ngay cả người dân làng còn cảm thấy xấu hổ cho sự vô ơn của nhà nước, mà những người làm trong chính quyền chẳng thấy mắc cỡ chút nào! Hôm tôi về quê, tình cờ ngồi chung bàn cà phê với anh (cũng về quê thăm bà nhạc) và tâm tình mới biết là đáng lẽ anh ta còn có dự án xây cầu nữa, nhưng qua kinh nghiệm cái bệnh xá anh ta cho tôi biết “Tao sẽ không làm gì nữa cho cái làng này, tao ngạc nhiên là tại sao họ tỏ ra vô ơn quá”. Tôi chẳng biết nói sao vì chính mình cũng cảm thấy xấu hổ.
Hai trong những vấn đề lớn nhất của nông dân hiện nay là y tế và giáo dục. Hệ thống y tế nông thôn trước đây gần như là không có, cho nên sau này, xây dựng một hệ thống y tế dự phòng ở nông thôn đòi hỏi một chi phí rất lớn. Ngay cả hiện nay, nhiều làng xã không có cơ sở y tế. Xã tôi may mắn hơn vì có một trạm y tế (như tôi vừa nói do ông rể người Đức xây và tài trợ) và có bác sĩ, y sĩ chăm sóc những bệnh thông thường cho bà con. Thành ra, khi có vấn đề sức khỏe, người dân phải hoặc là đi bệnh viện huyện hay bệnh viện tỉnh. Cả tỉnh chỉ có một bệnh viện đa khoa duy nhất (khoảng 1000 giường). Tuy số giường không phải là nhỏ so với các bệnh viện Tây phương, nhưng vì dân số liên tục gia tăng, nên bệnh viện này càng ngày càng lâm vào tình trạng quá tải, rất thê thảm.
Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cứ 10.000 dân số có 18 giường bệnh, trong khi đó tỉ số cho cả nước là 35 giường. Ngoài ra, sự thiếu thốn về dụng cụ y khoa vẫn còn triền miên. Nhưng một vấn đề khó khăn khác là nhân sự trong hệ thống y tế còn thiếu nghiêm trọng. Ngoài một vài nhà thương lớn có bác sĩ được đào tạo có hệ thống, có liên hệ với quốc tế, phần còn lại ít được đào tạo qui củ, mà chỉ học hành tại chức, không qua thi cử toàn quốc, do đó khả năng chuyên môn của họ còn rất hạn chế. Một số bác sĩ ở ĐBSCL ngày nay chưa hề học qua đại học!
Nạn rượu chè còn là một vấn nạn khác của vùng ĐBSCL. Ngày nay, đi đến đâu cũng thấy nhan nhản những quán nhậu, thậm chí quán bia ôm miệt vườn. Con đường từ Rạch Sỏi đến Minh Lương chỉ vỏn vẹn 5 cây số xưa kia là đồng ruộng xanh rì hai bên (là nguồn cảm hứng cho Lam Phương viết bài Khúc ca ngày mùa) mà nay tôi đếm hai bên đường có gần 30 quán cà phê và quán nhậu. Vì không có những nơi giải trí lành mạnh, người dân sau giờ đồng áng chỉ còn một cái thú duy nhất: tập bè tập bạn lai rai vài li, ca vài bản vọng cổ trước khi đi ngủ. Uống rượu ngày nào là một thú tiêu khiển đậm tính Nam bộ, nay thì biến tướng thành một vấn nạn mang tầm vóc quốc gia. Thanh niên bỏ học hay không có cơ hội và điều kiện để theo học, thấy tương lai mịt mờ mà cuộc sống hiện tại thì bấp bênh cũng tìm đến li rượu để giải sầu. Con đường từ chỗ “giải sầu” đến nghiện ngập và chết chóc là cực ngắn. Đã có không biết bao nhiêu trường hợp gia đình tan hoang, thương tích, chết chóc, có khi cả loạn luân xảy ra vì rượu chè mà ra trên khắp vùng ĐBSCL. Tại Kiên Giang, có một trường hợp thảm thương về một người đàn ông trong cơn say xỉn bắt bỏ con vào bao bố rồi quăng xuống sông để hai đứa trẻ chết oan. Ở Kiên Giang người ta có những câu vè tả khá chính xác về tình trạng nhậu nhẹt và hệ quả của nó như sau:
Một li nhâm nhi tình bạn
Hai li giải hạn cơn sầu
Ba li cứt mũi đầy râu
Bốn li ngồi đâu nói đó
Năm li cho nó ăn chè
Sáu li ai nói nấy nghe
Bảy li làm xe lội nước
Tám li chân bước chân quì
Chín li còn gì mà kể
Mười li khiêng để xuống giường
Đời sống của người nông dân nói chung là một cuộc đấu tranh liên tục. Đấu tranh chống cái nghèo. Đấu tranh chống lại thiên nhiên. Mấy năm trước đây là họa ốc bưu vàng. Nay thì sâu rầy đang làm bà con khốn đốn. Muốn chống lại sâu rầy, bà con phải tiêu ra hàng nửa triệu đồng (một số tiền không phải là nhỏ) để mua thuốc trừ sâu. Cái khó trong việc trừ sâu là càng dùng thuốc mạnh, thì sâu rầy càng biến hóa đề kháng thuốc, và nông dân càng dùng thuốc mạnh hơn. Mà nếu dùng thuốc quá mạnh thì sẽ làm cho chết cá, một mối nguy cơ đối với người nông dân. Nói như một anh hàng xóm, “Sâu nó cũng như người mình vậy, nó cũng tìm cách thích nghi và sống sót, biết bao giờ mới xóa bỏ được nó.” Nhà nước có chương trình giáo dục về cách dùng thuốc trừ sâu, thậm chí có lệnh cấm dùng những thuốc có hại đến cá và môi trường, nhưng bà con vẫn cứ liều, bị phạt thì chịu, chứ để chết lúa thì chắc là không. Các nhà khoa học nông nghiệp cũng khá thành công trong việc nghiên cứu thuốc trừ sâu mới an toàn cho môi trường, nhưng thường thường họ đi sau con sâu khoảng 1 đến 2 năm! Bài toán trừ sâu thật là nan giải.
Với chi phí sản xuất càng ngày càng tăng, mà sản lượng lúa và giá lúa thì gần như chẳng có gì thay đổi, nên dẫn đến tình trạng thu nhập càng ngày càng ít. Tôi đọc báo thấy về thành tích kinh tế của vùng này càng làm cho tôi khó hiểu. Tính trên diện tích, ĐBSCL chỉ chiếm 12% diện tích của cả nước, nhưng 50% sản lượng lúa, 60% lượng trái cây và 65% sản lượng hải sản của Việt Nam xuất phát từ ĐBSCL. Hơn thế nữa, 90% lượng gạo xuất khẩu là do đóng góp từ nông dân vùng ĐBSCL. Xuất khẩu gạo đem về cho ngân sách Việt Nam hơn 1 tỉ Mĩ kim. Thế nhưng trớ trêu thay, chỉ có 15% số tiền này là đến tay người nông dân, một số lớn (45%) lại nằm trong tay các công ty quốc doanh, và phần còn lại lọt về các tay trung gian buôn bán. Thật là hết sức bất công!
Theo một bài báo trong nước, thu nhập trung bình của người dân ĐBSCL trong năm qua là 4,3 triệu đồng, tức khoảng 287 đô la Mĩ. Nhưng đầu tư vào giáo dục tại ĐBSCL chỉ 4,26% ngân sách, thấp hơn tỉ lệ của cả nước là 6,13%. Với tình trạng thiếu cân đối và vô lí trong đầu tư như thế chả trách tình trạng giáo dục trong vùng ĐBSCL tồi tệ nhất nước. Cứ đọc qua những cái “nhất” của giáo dục vùng này tôi cũng thấy đau lòng: Số lượng học sinh đến trường thấp nhất nước; tỉ lệ bỏ học cao nhất nước; tỉ lệ dân số có trình độ đại học thấp nhất nước. Tôi thấy đồng tình với nhận xét của một giáo sư người Mĩ khi ông cho rằng giáo dục vùng ĐBSCL là một nạn nhân khác của chiến tranh Việt Nam. Nhưng chiến tranh đã chấm dứt 30 năm rồi, mà tình hình vẫn chưa có gì đổi thay tích cực. Người dân vùng ĐBSCL chờ đến năm nào để có một nền giáo dục tương xứng với tầm vóc kinh tế của vùng?
Nói tóm lại, vùng đất vốn mang tiếng là “thừa gạo” này lại là vùng thua kém mọi mặt so với các vùng đất khác trong nước. Thực ra, đối với nhiều bà con vùng ĐBSCL, hai chữ “thừa gạo” là một sỉ nhục, bởi vì trong thực tế theo một nghiên cứu gần đây của trường Đại học Cần Thơ, khoảng 60% dân số trong vùng thiếu ăn từ 4 đến 6 tháng; hơn một phần tư dân số vẫn còn ở nhà tranh vách lá. Thu nhập bình quân của cư dân trong vùng cũng thấp hơn thu nhập trung bình của cả nước, và không theo đuổi kịp tỉ lệ lạm phát. Trong mấy năm gần đây, dù điện lực đã về đến thôn quê ĐBSCL, nhưng số người có tiền và điều kiện để kéo điện vẫn còn quá ít, chưa đến con số 50%. Hiện nay, mức tiêu thụ điện trong vùng chỉ dừng lại ở con số trên dưới 38 kW trên đầu người, tức chỉ bằng một phần tư mức độ trung bình của cả nước.
Cái nghèo của bà con vùng này làm tôi suy nghĩ nhiều về chính sách phát triển nông thôn của Nhà nước. Đã 30 năm sau ngày đất nước thống nhất mà không hiểu tại sao cái vùng vốn được ví von là cái nồi cơm, cái vựa lúa của cả nước, vẫn còn quá nghèo. Năm 1996, ông Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ là thủ tướng chính phủ, từng nói: “Đồng bằng sông Cửu Long đi lên bằng cái gì, công nghiệp hóa bằng cái gì, thoát khỏi đói nghèo bằng cái gì … nếu không phải là cơ sở hạ tầng – là cái cơ bản để giải quyết hàng loạt các vấn đề khác. Hạ tầng đó là thủy lợi gắn với giao thông và gắn với đời sống … Đó là sự lựa chọn không cách nào khác. Vì thế chúng ta phải tập trung, phải dành dụm, phải huy động một cách cao nhất tài lực và vật lực. Nhưng nếu chúng ta không lựa chọn phương án hết sức khó khăn này thì ĐBSCL sẽ tụt hậu xa, chẳng những nguy cơ với đồng bào vùng ĐBSCL mà còn nguy cơ đến nhịp độ phát triển của cả nước.” Vâng, không ai có thể tranh luận những cái nhìn này của ông Võ Văn Kiệt, nhưng đã 10 năm từ ngày ông nói câu đó, mà người dân vùng ĐBSCL vẫn còn tụt hậu. Hậu quả là ngày nay ĐBSCL có nhiều cái nhất mà không ai dám tự hào: nghèo nhất nước, tỉ lệ mù chữ nhiều nhất, số người có trình độ đại học thấp nhất, số người chết yểu nhiều nhất, hay nói chung là chịu nhiều thiệt thòi nhất nước.
Những tương phản trong xây dựng:
Ủy ban, đảng ủy, nhà thương và trường học
Ngày đầu về nhà, tôi đến trình giấy với ủy ban nhân dân xã về việc tạm trú của mình. Trên đường đi từ nhà ra xã, tôi để ý thấy hai bên đường, có nhiều nhà được xây rất đẹp: tường xi măng, sơn trắng, lợp ngói, lót gạch men, cửa kiếng sáng choang ... Điều này không ngạc nhiên, vì xã tôi là một trong những xã khá của tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, xã tôi có nhiều người đi nước ngoài. Những người này hiện đang sống rải rác ở Mĩ, Âu châu và Úc châu. Thành ra, phần lớn những ngôi nhà này được "Made in USA/Australia/Europe". Nhưng những người làm ăn khá cũng có những ngôi nhà không kém nguy nga. Tuy vậy, xen kẽ đó đây vẫn còn nhiều nhà vách lá, vách ván của bà con nghèo khó hơn. Nhà thờ Công giáo được tín đồ ở trong và ngoài nước góp tiền xây lại đẹp hơn ngày xưa nhiều. Thậm chí, nhà thờ còn có khu công viên dành cho trẻ em chơi.
Đi một đoạn tới trường tiểu học mà tôi từng học ngày xưa. Nhìn hồi lâu tôi mới thấy trường này chỉ có một thay đổi duy nhất: cái tường gạch được xây chắc không lâu. Còn lại thì chẳng có gì khác so với 40 năm về trước, nếu không muốn nói là tệ hơn. Tình trạng xuống cấp rất thảm hại: vào lớp học nào cũng thấy tường loang lổ, cột xiêu vẹo, mái ngói đen xì như sắp rớt xuống đầu học trò ... Điều này chứng tỏ cả 30 năm nay trường chưa bao giờ được trùng tu.
Bên cạnh ngôi trường nghèo nàn là ủy ban nhân dân xã đang được xây lại một cách nguy nga. Tôi bước vào trình giấy và đếm có khoảng 10 người làm việc trong ngôi nhà hai tầng này mà thôi. Hóa ra, ông xã trưởng và phó công an đều là học trò của cô em họ tôi ngày xưa. Gặp nhau tay bắt, mặt mừng. Hai ông này bèn hẹn tôi tối đi ... nhậu rượu đế. Tôi được biết là phần đông mấy ông xã này chỉ làm tới 12 giờ trưa. Còn sau đó là họ đi làm ruộng của họ, hay đi … nhậu. Thành ra, muốn làm việc hay gặp mấy ông quan xã này, buổi sáng là giờ lí tưởng nhất. Tôi không hiểu tại sao họ lại xây cái trụ sở ủy ban to và sang trọng như thế, trong khi thời gian làm việc, phục vụ lại quá ngắn.
Nhưng có lẽ tình hình ở làng tôi không phải là quá cá biệt; ngược lại, có thì giờ đi đây đi đó trong các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, v.v… tôi có thể nói đó là một thực trạng chung ở vùng ĐBSCL. Đi đâu cũng thấy cái nét đập vào mắt là bên cạnh các cơ quan nhà nước như ủy ban nhân dân, cơ quan đảng ủy được xây lại lớn hơn, qui mô hơn, và tráng lệ hơn bất cứ thời nào trong lịch sử, thì các cơ sở công cộng như đường xá, trường học và bệnh viện thì ... xuống cấp thảm hại. Nhìn vào cơ quan tỉnh ủy tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, người ta có thể tha thứ khi cho rằng đó là những công viên, chứ không phải văn phòng làm việc. Có nơi người ta còn mở cửa vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật để … thu tiền! Còn nhìn vào các trường học được xây bằng tre trúc, và và trần lợp bằng lá dừa, trống huơ trống hoác, người ta có thể nói đó là những cái chòi chứ không phải trường học.
Trong khi người dân nghèo như thế, một số nơi chính quyền địa phương lại tỏ ra là người rửa tiền mát tay. Gần đây, người dân Cần Thơ không ngớt bàn tán về một cổng chào mà tổng kinh phí lên đến hơn 1 tỉ đồng. Ì ạch xây dựng riết và hoàn tất vào tháng 8 năm 2005, người ta mới phát hiện cái tréo cẳng ngỗng là khi cầu Cần Thơ hoàn tất thì cái cổng này sẽ là một ngõ cụt. Thế thì câu hỏi đặt ra là cái cổng hoành tráng nhất miền Tây này xây lên để chào ai? Chào hà bá! Người dân nói. Chưa hết, tỉnh Trà Vinh, một trong những tỉnh nghèo nhất của vùng và có lẽ là nghèo nhất của cả nước, còn chơi trội bằng một công trình xây tượng đài đề cao tinh thần đoàn kết hai dân tộc Kinh – Khmer với tổng chi phí lên đến 10 tỉ đồng. Xây xong, tượng đài là một bãi tha ma, chung quanh cỏ mọc tùm lum, gạch men bị tróc, nền lún, trông rất thảm hại và nhếch nhác.
Có khi quan chức muốn chơi nổi bằng những trò rất tốn kém và lố bịch. Báo chí mới đây phanh phui một quan chức ở Kiên Giang rất mến mộ nghệ sĩ cải lương Minh Vương, khi nghe anh nghệ sĩ này về biểu diễn ở Cà Mau, bà ra lệnh cho nhân viên dùng chiếc xe 12 chỗ ngồi chỉ chở một nồi cá kho tộ cỏn con đến tận nơi biểu diễn cho “ảnh ăn đỡ thèm”! Đúng là dân chơi miền Tây!
Có một người bạn từng (và vẫn) tranh đấu cho Việt Nam nhiều năm nhận xét rằng chính quyền Việt Nam không thương dân. Ban đầu tôi thấy bán tín bán nghi câu nói đó, nhưng qua đi thực tế, tôi thấy nhận xét đó hoàn toàn có cơ sở. Tôi đã nói qua về những đoạn đường nguy hiểm không có biển cảnh báo gây ra cái chết cho người dân, tôi cũng đã nói qua về tình trạng tai nạn giao thông, bây giờ tôi sẽ nói qua về tình hình xây dựng. Khu Phú Lâm, huyện Bình Chánh Tp.HCM ngày xưa là một cư xá ngoại thành, nay theo đà phát triển của thành phố nên có rất nhiều nhà xây cất lên khá khang trang. Có lẽ vì quá tải, nên ống cống bị hư, và nước cống đen ngòm thải ra mặt đường làm ô uế hôi thối cả một vùng suốt 16 tháng trời. Mười sáu tháng trời người dân phải chịu trận sống với cái mùi nồng nặc như thế trước cửa nhà, có khi tràn vào nhà khi mùa mưa về. Chính quyền địa phương chẳng làm gì trong 16 tháng trời. Đến khi chính quyền ra tay thì bà con còn khốn đốn hơn nữa. Mới năm qua, nhà nước quyết định làm lại đường, đặt ống cống, và hậu quả là mặt đường cao hơn sàn nhà cả nửa thước! Thế là chuyện gì xảy ra phải xảy ra: mỗi khi có mưa, nước tràn vào nhà lai láng. Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Nhà nào có tiền hay có khả năng thì phải đi vay ngân hàng để xây lại nhà sao cho cao hơn mặt đường, còn đại đa số dân lao động không có khả năng thì cứ chịu trận với những con nước lụt ngay giữa lòng thành phố! Nhà nước chẳng hề có một lời xin lỗi, chứ nói gì đến bồi thường hay giúp đỡ cho người dân.
Nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất. Đi khắp các vùng nào có đường xá mới xây lại, rất dễ thấy nhà cửa bây giờ thấp hơn mặt đường, và chuyện bị ngập lụt trong nhà là chuyện rất phổ biến. Không biết mấy trăm ngàn hộ dân phải chịu cái cảnh này, mà những người xây dựng chẳng thèm đếm xỉa gì đến chất lượng cuộc sống của họ. Thành ra, nói là xây dựng cho tốt hơn, nhưng trong quá trình xây dựng, biết bao nhiêu người dân trở thành nạn nhân của xây dựng, nạn nhân của cái ngạo mạn của các cơ quan và giới chức nhà nước.
Cũng có khi người dân lên tiếng, báo chí chỉ trích, nhưng chẳng có ai trong chính quyền đứng ra nhận lấy trách nhiệm để giải quyết vấn đề. Nếu có làm gì thì họ chỉ làm bằng hai chữ: Chỉ thị. Một hôm tôi được xem một phóng sự điều tra khá thú vị trong tỉnh tôi. Số là báo chí nêu vấn đề cái cầu đã có kinh phí xây cả 5 năm, mà thi công thì vẫn ì ạch, đến đâu năm thứ ba thì nhà thầu bỏ trốn vì thua lỗ. Anh phóng viên hỏi vị chủ tịch, thì ông nói là đã chỉ thị cho sở giao thông vận tải nhanh chóng giải quyết cho dân. Anh kí giả tìm đến ông giám đốc sở thì ông nói là đã chỉ thị cho phòng gì đó tìm hiểu vấn đề và báo cáo lên cho ổng biết. Vất vả mò đến ông trưởng phòng, thì ông nói đã chuyển chỉ thị cho huyện vì đây là công trình do huyện quản lí! Hỏi ông huyện thì ông nói là đang chờ sở quyết định. Cứ thế, hết “chỉ thị” đến “chuyển”, đến “chờ”, cái cầu sau 5 năm vẫn chưa xong, và biết bao xe Honda đã lội sông vì cách làm việc quan liêu đó.
Hỏi cấp cao hơn thì họ dùng danh từ văn hoa hơn để nói: tại “cơ chế”. Thế nhưng cái mâu thuẫn ở đây là mấy người nói do cơ chế cũng chính là những người bày ra cái cơ chế đó. Đúng là cái vòng tròn lẩn quẩn không có đường ra !