Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
649
123.242.116
 
Nghĩa tử
Vinh Huỳnh

Nhà có hai mẹ con. Tin trượt đại học đã làm tan niềm hy vọng của mẹ vào nghiệp khoa cử của tôi.  Trông  mẹ ngồi dọn dẹp lại đóng sách vở thở hắt ra, mắt nhìn tôi buồn vời vợi, tôi ái ngại quá. Mẹ  chẳng thể bắt cua, đi chợ tiếp tục nuôi tôi được nữa chân mẹ thấp khớp, nhiều đêm phải hơ lửa cho đỡ. Trong tôi  vang lên một câu hỏi lớn: "Làm gì đây bây giờ ? " Nghề không có, trình độ dở dang tựa như kẻ mắc kẹt lưng chừng núi, leo lên không đủ  sức, ngó xuống thấy rợn người. Tôi đã đi xin việc chán vạn nơi mà chẳng nên cơm cháo gì. Hết nước, tôi bèn sung vào đội quân bốc mả.                                    

                                                           

Mấy thằng thợ đấu trẻ ranh uống rượu như  hoẵng, chẳng mấy chốc đã vơi quá nửa chai. Tôi  chẳng dám đụng đến giọt nào, cứ tưởng tượng thấy xác người chết cùng với thứ mùi  hoăng hoắc, tanh tanh, gây gây của ngôi mộ vừa bốc người tôi lại gai lên giọng lờm lợm muốn ói mửa. Lạ. Cái món này càng sát xà phòng, mùi càng bốc dữ. Người  hắc ám, chẳng còn thiết tha ăn nhậu gì nữa.

 

Trưởng chòm là anh Bạo mồm nhồm nhoàm, tay dứ dứ  cái chân giò về phía trước nói oang oang:

- Thiên hạ hoang quá, rượu là linh hồn của gạo chứ có phải là nước lã đâu thế mà định đem đi rửa tay cơ đấy  thật phí của giờì, tao  không nhanh thì có mà phèo !

Tôi thấy ghê quá, chun mũi nhổ  nước bọt đánh tọet. Anh Bạo động lòng :  

- Mày chê  tao mất vệ sinh hả, nói cho mà biết có khối thằng  com lê cổ cồn mà  ăn  bẩn bỏ mẹ chúng nó ăn trộm, ăn cắp, tham nhũng chứ báu gì. Thôi nghĩ ngợi gì nữa nốc đi, làm cái nghề bốc mả này mà không uống thì cóc làm được đâu.

 

Tôi cố nhắm mắt đưa một hơi, vị cay nồng sực lên mũi khiến tôi bật lên tiếng ho sặc sụa. Anh Bạo cười khùng khục cổ vũ :

- Cứ thế, cứ thế cho nó quen dần đi

Quả thực có hơi men vào Tôi thấy đỡ gai người hơn

- Nào cạch chén nữa, xá gì đời, zô 100% nhé !

 Anh Bạo ngồi tì tì nhắm hết cút rượu, chừng đã ngà ngà anh lấy tay vít vai tôi lè nhè kẻ cả: 

- Tá này, chú mày thư sinh chưa quen còn ngại, dưng mà tao đã đi thiên hạ nhiều rồi tao biết, ngoại trừ  chữ sỹ ra thì.. nghề này là béo bở đấy. Chú mày bảo thời buổi này làm  cái chó gì ra đựơc rượu thịt cả ngày tối  lại có mấy "cò" găm túi. Đã thế mình còn được hoạnh nữa chứ,  không nịnh ông thì ông cóc đào cho, có mà chờ thối thây. Nghĩa tử là nghĩa tận ai còn tiếc gì với  nhau........

- Anh nói thế không sợ phải tội à ?

- Tội đ... gì, có tội thì lội xuống sông, tao là cái thằng trời đánh thánh vật, rách giời rơi xuống sợ cóc khô gì ! Ờ mà cùng lắm cũng đến chết chứ gì. Có nghĩa tình thì từ thiện với người đang sống ấy chứ, chết ra ma rồi còn gì. Nhưng lương tâm nghề nghiệp tao cam đoan với chú mày là mả nào tao đã đào là đúng tiêu chuẩn quốc gia, nghĩa vụ là phải làm cẩn thận chứ. Đưa đám thân nhân, thằng nào hợm của thì tao cứ băm chặt, chẳng qua cũng là phân phối lại thu nhập xã hội thôi. 

Anh Bạo lảm nhảm một hồi rồi ngủ quách.

Đã hai giờ chiều, cả bọn lồm cồm bò dậy vươn vai bẻ lưng  răng rắc. Anh Bạo vừa ngáp vừa dắng cả bọn:    

- Lại sắp có đám rồi đấy, chúng mày chuẩn bị đi

Đoạn quay sang mấy đứa choai choai bên cạnh hỏi :

- Mấy giờ  đám đến  hử ?

- Khoảng  tiếng nữa.

Tôi hấp tấp đứng dậy chạy ra đào huyệt, anh Bạo bảo :

- Hượm nào,  còn sớm chán,  làm vài nõ nữa cho sái sẩm đã, vội gì.

Mấy thằng choai choai được thể  sà xuống  rít thuốc lào rong róc, tán phét một thôi một hồi rồi mới uể  oải ra đào. Đựợc lưng chừng huyệt anh  Bạo  vươn vai nằm chườn ưỡn, tốc aó quạt phành phạch.

Nhìn cái huyệt dàI rộng tương đương cỡ hình người tôI thấy lạnh sởn  gai ốc, ngày nhỏ ở trường chúng tôi phảI đào hầm cá nhân, trời nóng đào được cáI nào là cả bọn tranh nhau chui xuống cho mát, cho sướng thế mà ở đây chỉ trong một tiếng nữa thôI chỗ ấy lại là nơI trú ngụ vĩnh viễn cho một con người........

 

Từ xa tiếng la phèng chập cheng, tiếng kèn bát âm ò í e nháo nhạo cả lên. Cả bọn nhất tề  dừng tay nhảy lên miệng huyệt. Đám tang tiến lại gần..... Tôi chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo thế nào,  đã thấy thân chủ béo mập thắt khăn tang xộc sệch ục ịch chạy tớí, ngó xuống cái huyệt còn nông hoen hoẻn vội gục gặc với anh Bạo:

- Này ông kia  sao huyệt còn nông thế, đã làm luật đầy đủ thủ tục rồi kia mà ...

- Ơ ơ ...ông làm với ai, tôI không biết. .. Anh Bạo vờ ú ớ

- Thôi bỏ mẹ, không ngờ chốn âm phủ  mà cũng lắm cửa thế ...

- Ông xem, đất đây rắn quá bọn này đào từ sáng tời giờ chưa được phân nửa, cánh thợ mệt quá lại chả có gì bồi dưỡng .....

- Thôi trăm sự nhờ các bác, chẳng may bác cả nhà  em ra đi đột ngột quá, phiền các bác, các anh nhanh tay giúp, chứ không cả đám tang gia  nắng nôi thế này - Một thiếu phụ nét mặt u ám vừa nói vừa nhanh tay giúi vào túi anh Bạo tập phong bì, mặt anh ta tươi tỉnh hẳn lên:

- Nói thế còn nghe được chứ như nhà ông kia ấy à, còn xưa nhá ...Thôi chúng mày gắng lên, chuyện nhà người cũng như nhà mình.

 

Cả bọn xốc lại tay áo xắn đất ngọt như cắt bơ. 

 

Tiếng khóc rộ lên thảm thiết thê lương, chiếc quan tài đỏ khé, hương khói nghi ngút. Khi  chuẩn bị giòng chiếc quan tài xuống,  vợ người quá cố  vật vã lăn xả ôm lấy chiếc quan tài nhất nhất không chịu cho hạ huyệt. Ánh mắt  đẫm lệ của người đàn bà ngước nhìn đám thợ đấu chúng tôI như  cầu khiến van xin. Những người già đưa tang than vãn chép miệng, những người trẻ  lặng lẽ cúi đầu thông cảm. Lũ trẻ nhỏ ơ hờ ngơ ngác vô hồn, chúng chưa tưởng tượng hết nỗi đau trần thế .

Tôi rơm rớm  nước mắt, nhớ cái ngày  cha mất, tôi cũng đã lịm đi như thế. Người tôi hoang vắng như  bị ai hớp mất hồn.

 

Anh Bạo chỉ tôI rồi bảo với mấy tay thợ đấu :

- Chúng mày nhìn thằng Tá kìa, chưa gì  đã vãi nước đái ra còn làm ăn gì. Gớm, thiên hạ cứ làm quá đi chứ lúc sống đối xử với nhau như chó với mèo, thích ăn chẳng cho ăn lúc chết lại làm mâm tế ruồi ... Chúng mày tin không, con mẹ Loan Xề hôm chồng chết khóc lóc lăn lộn đòi xin theo, ấy thế mà hai tháng sau đã theo giai, mặt cứ tơn tớn như  L.. phải phát. Rõ quân đạo đức giả

Anh ta nói thản nhiên như ở chỗ không người.

- Quả có  thế thật nhưng cũng tuỳ người thôi anh Bạo à - Bác Tạo bảo vệ nghĩa trang cũng ngồi đấy chống chế giúp tôI

Sau một hồi vật vã người quả phụ ngất đi, người đưa tiễn sau khi sụp ngồi vái lạy vong linh người đã khuất, tỏ lòng thông cảm cùng gia quyến xong cũng lần lượt ra về. Đoàn người chưa khuất bóng đã thấy  lau nhau một lũ  trẻ trâu không hiểu lẩn khuất ở đâu chạy ra tranh nhau sơ tán hết đống vòng hoa trên mộ. Tôi còn  đang lúng túng thì  anh Bạo đã xông ra chặn đường túm được hai nhóc, bèn dậm doạ :

- Chúng bay có thói du côn  ở đâu thế hả, có biết ai trụ trì ở đây không ? Quẳng lại không có ông xỉa cho mỗi đứa một cán thuổng bây giờ.

Hai thằng nhỏ vật nài:

-Thôi chú thả  cháu ra, tý nữa bán đựợc cháu lại quả....

-Xào ôi, tin mày thì tao đổ thóc giống ra mà xơi . Trong túi có bao nhiêu nôn ra.

Chưa đợi thằng nhóc  phản ứng anh ta đã nhanh tay lộn ngược  túi nó ra  vốc cả túm tiền lẻ cho vào túi áo mình cứ như không. 

 

Cuối buổi đang uể oải ra ao rửa tay, tôi  trông thấy anh Bạo lúi húi vớt mấy chiếc lờ dưới bụi dâm bụt. Trong lờ cá quẫy roanh roách. Những con cá trê  rúc ụ mả  da trơn nhầy nhầy  vàng bợt bạt, béo ngầy ngẫy múp míp như mấy con nòng nọc được phóng to cực đại qua kính hiển vi trong phòng thí nghiệm sinh vật.  Tôi chợt hỏi :

- Anh đơm cá này về làm  gì thế  

- Ờ ờ ....mang về cho lợn ăn ấy mà.

Ra đầu ngõ đang lúi húi mở khoá xe ngang bờ rào, đã thấy  anh Bạo vừa đưa mớ cá cho chị vợ vừa dặn  :

- Này đi chợ xa xa ấy nhớ, vừa đựợc giá lại đỡ bị nghi...

Tôi nghe muốn buồn nôn.

Tôi về nhà trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn dẫu sao thì tôi cũng đã làm ra tiền. Sự kiện này đánh  dấu bước ngoặt cuộc đời tôi: Từ nay tôi sẽ gắn bó với cái nghề bốc mả này.  Chưa quen nghề thổ mộc, tối đến cơm xong mệt quá vừa kềnh là tôi ngủ thiếp ngay. Đương giấc,  tôi mơ thấy người quả phụ cứ níu lấy áo tôi đòi trả lại chồng cho bà. Tôi bỏ chạy tưởng muốn đứt hơi, hồi lâu ngoái lại không còn nhìn thấy bà ta nữa, đưa tay vuốt mồ hôi thở phào, thả bước thong dong. Đến đầu đường bỗng nhiên gặp bọn bạn cũ  lớp tôi đang túm tụm nhỏ to. Thằng Hà bảo: "Tao học bác sĩ sau ra cứu nhân độ thế, chúng mày mắc bệnh gì cứ gọi tao ". Thằng Dũng bảo: "Tao vào khoa văn hoá quần chúng sau này chúng mày cần trò vui vẻ trẻ trung gì tao giúp vô tư" ...Thấy mặt tôi  chúng vội quay sang hỏi : "A Tá !  còn mày, mày  làm gì hả Tá ? " cả bọn quây lấy  tôi hỏi dồn:  " Nghe bảo hồi này cậu làm gì trúng lắm hả, làm gì ? làm gì đấy ? " .....  " Tao ..tao ...đào mả chôn người ...  "   "Cái .. cái gì .. cái gì ....cáI gì ... ? " Cả bọn lùi lại trợn mắt nhìn tôi như nhìn một con quái vật .Đột nhiên một thằng trong bọn (Tôi không nhận rõ là đứa nào) sán tới sát mặt tôi hô to: "Mày  kiếm được bao nhiêu tiền trên một xác chết ? Ngày cao nhất mày chôn được bao nhiêu mạng hả  ? Bao nhiêu ? Bao nhiêu? Bao nhiêu ? Bao nhiêu ?.. ....."Tôi giơ tay che mặt vừa lùi, vừa thét lên rồi bàng hoàng tỉnh giấc. Mẹ tôi ngồi bên cạnh dịu dàng hỏi:

- Con gặp ác mộng gì thế, mẹ sợ quá....

Tôi thở  dài vấn an vài câu an ủi  để mẹ yên lòng đi nghỉ.

 

Giỗ bố. Mẹ tôi làm mâm cỗ mời mấy người hàng xóm, tôi cũng mời anh Bạo tới. Trong tiệc rượu, bác Phúc hồ hởi nâng cốc:

- Chúc cậu Tá mạnh khoẻ, làm ăn tấn tới ..aa...aa ...

Đang nói đột nhiên bác vội ôm miệng im bặt. Tôi chưa kịp hiểu thế nào đã thấy mẹ sững người như mất hồn, ra là mẹ lại mủi lòng vì câu nói của bác Phúc.

Anh Bạo  thấy vậy, cười khì nói tỉnh bơ:

- Bác khách sáo cứ giữ kẽ chứ chúng cháu quen rồi, thời buổi thặng dư dân số thế này sống làm gì cho lắm. Suy cho cùng ai chẳng phải kiếm tiền mưu sinh, chỉ khác nhau cái ngành cái nghề thôi. 

Bác Phúc gờn gợn cười xã giao rồi xin phép ra về.

Ấy thế rồi cái gì  cũng quen, cũng trở nên bình thường, dạn dĩ, cứ  ít nghĩ, cứ nốc rượu vào là mọi sự  đều làm được ráo. Ngẫm lại, tôi thấy anh Bạo nói cũng đúng: "Có có nỗi đau nào, có sự chán chường nào, có con vi trùng nào chịu nổi cái anh quốc lủi  50 độ này hử ?". Hàng ngày bất kể người chết do bệnh gì: Lao phổi, ho hen, thổ tả, thương hàn, sida ...  Tôi cóc cần để ý đến nữa. Tôi dửng dưng với tất cả, chẳng còn xúc  động, chẳng còn run tay, chẳng còn ngại ngần gì nữa. Chẳng mảy may động lòng trước cảnh khóc lóc tang thương của mọi tang gia: "Người già người chột, rắn già rắn lột, chết thì chôn có gì phải buồn cơ chứ, quy luật muôn đời vẫn thế. Thiên hạ cứ thổi phồng sự chuyện lên chứ thực ra có điều gì ghê gớm lắm đâu, rồi ba bữa lại quên phắt. Mà mình cũng phải sống, cũng phải  lạc quan vui vẻ chứ, không lẽ cứ ám nỗi buồn thiên hạ làm sầu riêng cho mình suốt đời hay sao. Hàng ngày tôi mong càng nhiều đám càng tốt, làm sao cho túi áo càng căng, càng dầy càng ít. Tôi thông thạo  đủ  mọi mánh khoé để có thể moi tiền của thân chủ.

 

Tôi mải miết kiếm tiền. Có tiền lại được anh Bạo tận tình  dẫn dắt đưa "vào đời". Tôi sa đà vào nhậu nhẹt ăn chơi, có tiền là có em út, có rượu chè, có tất tật, chẳng nhà hàng nào trong thị trấn tôi không biết. Tôi đi tối ngày, người lúc nào cũng lướt khướt mềm xèo như bánh mướt. Nhà tôi chỉ như cái quán trọ cho tôi ngả lưng qua bữa. Nhiều đêm tôi chẳng thèm về nhà nữa. Mẹ tôi lưng đã còng,  tóc đã bạc trắng, vẻ mặt lúc nào cũng rầu rĩ  đăm chiêu, ngày ngày có đống sách ôn thi đại học của tôI cứ lôI ra dọn vào sốt hết cả ruột. Tôi cho rằng mẹ đã bắt đầu lú lẫn rồi. Một hôm tôi lật khật bước về tới ngõ nghe thấy tiếng khóc tu tu. Ghé vô thấy mẹ đang gục đầu vào vai bà Hồng - Mẹ em Hà hàng xóm. Tôi với Hà chơi với nhau từ bé, hai nhà gần nhau, tình cảm gắn bó cứ tự động ngấm vào nhau tự bao giờ. Chả hiểu có phải là tình yêu không  nhưng hễ Hà về quê lâu ngày là tôi nhớ không chịu được. Thời gian gần đây xem ra cô nàng có vẻ xa lánh tôi. Thấy mẹ  vừa khóc vừa thở vắn than dài. Tôi  cáu quá đá con mực đánh búp, khiến nó kêu ăng ẳng bỏ chạy chúi vào góc nhà. Bà Hồng thấy thế hãi quá len lén xin phép ra về. Tôi  gắt:

- Mẹ lại đem vạch chuyện nhà mình cho thiên hạ người ta xem lưng phải không ?

- Người ta đến phản ánh tình hình về anh đấy, bác ấy định bàn về chuyện tương lai của anh chị nhưng cái Hà nó bảo dạo này anh chơi bời quá lắm . Có tiền rồi liệu lo mà học thêm đi cho đến đầu đến đũa, phận  con trai cũng phảI có danh gì cho khỏi hổ tiếng thế gia, bây giờ không chịu học thì  sau này lại không có cơ hội nữa đâu.   

- Làm suốt ngày, tối không đi chơi thì để chết tàn chết héo ở cái hốc nhà này à ? Bên ấy thích thì bảo một câu không thì giải tán, con có thân tự lo được không cần nhà ấy phảI lo hộ  !

- Tất cả đều lo cho anh, anh  nói thế thì đừng có vác mặt về cái nhà này nữa - Mẹ tôI bực quá gắt lên

Tôi tức khí bỏ đi quách. Tôi có ngờ đâu cú sốc ấy đã khiến mẹ tôi qua đời. Tôi được người làng báo tin thì mẹ đã trên giường bệnh hấp hối, tôi oà khóc như con trẻ lao đến bên mẹ. Mẹ nhìn tôi phán như  thánh dạy :

- Tá à, sống ở đời trước sau đều phảI có một tấm lòng, phải biết xót xa trước nỗi đau của người khác.... thiếu cái đó thì con sẽ chai sạn, sẽ bị biến dạng không còn nguyên vẹn là người nữa. Phận làm trai có chí thì nên con à....

 

Sáng sau mẹ tôi đã quy tiên. Tôi  bất ngờ đến sửng sốt. Mặc người làng can ngăn tôi vẫn phủ phục lên vóc hình cong cong khẳng khiu gầy như mảnh trăng kỳ vọng của mẹ trên chiếc chõng tre. Mẹ là người duy nhất trên đời này gắn bó với tôi. Từ nay ai sẽ săn sóc tôi, ai sẽ chờ cơm mỗi buổi chiều về, khi ốm đau ai sẽ tâm sự buồn vui với tôi. Tôi còn biết mua sắm đồ đạc về làm gì nữa đây ! Khóm hoa kia còn thơm tho cho ai, đẹp đẽ cho ai. Có một cái gì đó đổ vỡ trong tôi, tan nát trong tôi, tôi khóc nước mắt chảy vào trong. Cho đến lúc đưa mẹ ra đến mộ tôi vẫn bâng khuâng tưởng như mẹ còn đang nằm bên tôi. Đến khi chính anh Bạo hạ mẹ tôi xuống huyệt thì tôi như  không còn tin vào mắt mình nữa. Ôi, tôi phải xa mẹ thật sao. Chẳng lẽ tôi lại chẳng bao giờ được gặp lại mẹ nữa ư.  Không ! Tôi hét lên xông vào anh ta mà gào thét, tôi ghì  lấy cả chiếc quan tài, như muốn ôm thật chặt vĩnh viễn lấy cái hình hài tong teo của mẹ. Tôi không muốn mất mẹ.

Tôi ngất đi, khi  tỉnh dậy thì người ta đã đưa tôi về nhà tự bao giờ.

 

Còn lại một mình tôi với  căn nhà.Trời nắng mà tôi thấy ớn lạnh, cảm giác trống trải bơ vơ đến quặn lòng. Căn nhà như rộng thêm ra, lặng lẽ buồn tênh. Tôi không hề nghĩ  đến biến cố này, chưa từng chuẩn bị tinh thần cho sự ra đi đột ngột này. Không ! không thể như thế được ! Mẹ, mẹ ơi !! Hình ảnh mẹ với gương mặt buồn đầy tâm trạng tràn về choán lấy tất cả tâm trí tôi. Thường ngày ra vào có mẹ không để ý, nay mẹ không còn nữa mới thấy thật trống trải. Tôi  nhớ nhất những hôm bị ốm, khi cái cảm giác cô đơn, yếu đuối và nhỏ nhoi ập đến, những lúc ấy mở mắt ra đã thấy mẹ ngồi cạnh bên với bát cháo tía tô đập trứng. Tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng ấm áp xiết bao. Đêm. Tôi không hề khóc mà sao nước mắt cứ ứa ra ròng ròng. Xưa có mẹ ở  bên cạnh như một tất yếu thành thử  tôi dễ bỏ qua, dễ phớt lờ đi, nay nỗi nhớ cứ dội về cồn cào,  ào ạt. Tôi nhớ cả tiếng mẹ ru ơi hời tự ngày xửa ngày xưa lúc lên năm lên ba vọng về. Tôi ân hận nhận ra rằng mình đã làm bao điều làm đau lòng mẹ. Tôi hay trách mẹ, cáu quá còn mắng mỏ mẹ.  Tôi không hiểu sao mình lại có thế cư xử phũ phàng đến thế. Những  quán tính cuộc sống và sự mưu sinh đã  làm người ta mất đi sự nhân ái, mất đi  sự  quan tâm đến người khác. Chỉ đến khi người thân thiết máu thịt của mình thực sự mất đi rồi người ta mới thấy yêu quý và hối tiếc những gì mình đã có. Thật đáng buồn là tất cả những điều tôi sám hối  nay đã trở thành quá muộn. Tôi ước ao giá mà được nghe giọng mẹ, giá mà được nhìn  bóng dáng lưng còng hao gầy của mẹ lụi cụi đi về ngoài ngõ dưới bóng chiều hôm thì thật hạnh phúc và ấm áp xiết bao nhiêu.

 

Ngẫm ra tôi thấy mọi sự khởi nguồn từ khi tôi bắt đầu có tiền và sa vào trò tửu sắc. Rượu là thứ bùa mê còn tiền là công cụ giúp kẻ học đòi  sa đoạ một cách chóng vánh. Nhớ lại lời mẹ dặn, tôi lôi sách vở cũ ra, lòng tự nhủ lòng: "Cần phải học thôI, lâu nay mình mải chơi hư thân mất nết mất rồi "

 

Sau giỗ mẹ ba ngày, tôi lại tiếp tục đi làm, ngày tôI đến nghĩa trang thấy vắng teo trong nhà xác có một xác chết không toàn thây.Hỏi bên khám nghiệm tử thi, họ cho biết: Xác người bị chết đuối lâu ngày giấy tờ tuỳ thân đã bị hỏng hết lại bị cá rỉa nên không còn nhận dạng được nữa và không biết ai là thân nhân để liên lạc. Xác người đã bị rữa, da thâm bầm,  xám ngoét, mùi xú uế bốc lên nồng nặc tanh tưởi, ruồi nhặng đã bu đến không khí rất nặng nề u ám cần phảI chôn ngay nhưng không ai dám dây vào. Bọn choai choai trong tổ đào huyệt cũng lẩn đâu hết, tôi đành nhận toàn bộ tài liệu và  ảnh chụp  nạn nhân rồi một mình hì hụi đào huyệt chôn cất. Khi tôI vun đắp ngôI mộ xong đâu vào đấy rồi mới thấy bọn thợ đấu trong tổ đào huyệt lò dò ló mặt đến, chúng  lắc đầu lè lưỡi nhìn tôI như nhìn một kỳ quan lạ lẫm bảo:

- Bọn em biết nhưng khiếp quá lại chẳng màu mè gì ông anh tử tế quá thật đáng bái phục.

 

Không thấy anh Bạo đâu, tôi hỏi thằng Cò, nó bảo:" Lão ấy tham thì thâm, lấy  ván thơi về nhà  làm chuồng lợn, đêm đêm lợn kêu như có tiếng trẻ con khóc, lợn nuôi ngày một ốm yếu, gầy mòn, cả nhà lão lên cơn như bị ma làm, hãi hùng quá cuối cùng lão đem xẻ đi để bán chẳng may vấp phải đinh ván thơi bị nhiễm trùng uốn ván"

 

Thấy tôi trở lại, cả bọn mừng quá bầu lên làm nhóm trưởng thay anh Bạo. Tôi ưng ý họp lũ trẻ lau nhau lại phổ biến:

- Chúng mày cứ xâu xâu vào xin xôi thịt trong lúc tang gia đang bối rối, chẳng ra thể thống cống rãnh gì chỉ tổ cho người ta ghét, chi bằng từ nay chúng mày xẻng cuốc đứng chầu đây, thấy người tảo mộ thì lễ độ thăm hỏi xin đắp mộ thuê thế có phải ngon không, người ta nghĩa tử là nghĩa tận lấy  tình cảm làm trọng có khi còn thưởng thêm ấy chứ . 

- Nhưng bọn Cường Coóng cứ tranh phần của bọn em - Thằng Hải phệ thắc mắc

- Yên tâm đi, rồi tao sẽ thu xếp với chúng nó,  từ nay công việc phân chia thế này: Thằng Tiến còm trông coi mồ yên mả đẹp không được để trâu bò giày xéo, thằng Cò đắp đất, thằng Hải phệ lượm hoa đi bán.

 

TôI còn chưa kịp lên chương trình thì  Cường Coóng đã gặp tôi mời đi uống bia, biết thóp tôi bảo thẳng :

- Tao không thích uống bia, mày có chuyện gì thì nói đi.

- Tại sao mày lại phá bĩnh bọn tao ? Tao muốn mày  duy trì cơ chế như của ông Bạo ngày trước, chúng tao  sẽ  "làm luật" với mày đầy đủ.

- Không được, tao khác, ông  Bạo khác, làm thế thì bọn thằng cu Cò, Hải phệ  vêu mõm cả à ? Tao không cần "lại quả" của mày nhưng lộc bất tận hưởng  tao muốn cả bọn thằng cu Cò, Hải Phệ cũng có phần. Chúng mày ăn cơm thì cũng phải cho chúng nó tí cháo thế thôi.

Thằng Cường Coóng chịu, thôi không bắt nạt bọn trẻ nữa.

 

Thời gian trôi đi, tôi thi và đỗ đại học. Tôi định mời bác Tạo bảo vệ làm trưởng nhóm nhưng bác bảo:

- Tớ già yếu hưu đến nơI rồi không làm thổ mộc được, cậu nên giao lại cho thằng Cường Coóng ấy, thằng này ấy trước đây hơi lưu manh nhưng nay đã đổi tính nết rồi. Nó trẻ khoẻ nhanh nhẹn mới làm được chứ.

TôI nhất trí  chuyển giao lại cho Cường Coóng.

 

Chủ nhật. Tôi đang ngồi thu xếp đồ đạc chuẩn bị nhập trường thì một người đàn bà đeo khăn tang dắt một bé gáI ghé vào nhà, tôI chưa kịp nhận ra ai đã thấy chị vồn vã:

- Chào cậu, cậu là Tá phải không, tôi hỏi mãi mới ra nhà  cậu

- Không, có lẽ chị nhầm với nhà ai chứ tôi có quen biết chị đâu

- Không tôi nhầm sao được, nhà tôi  quả  phúc đức  có cậu  chứ không thì nay linh hồn chồng tôi chắc không nơi nương tựa đang vật vờ lang thang nơi chín suối. Nhà tôi đi buôn gỗ bị đắm bè. Đã mấy tháng nay tôI lặn lội đi tìm hỏi khắp nơI mà không thấy sau phảI nhờ công an đIều tra mới biết là bị đắm bè và may mắn được cậu chôn ở nghĩa trang này

 

Tôi ngớ người sực nhớ tới nạn nhân bị chết đuối cách đây 5 tháng, bèn đem toàn bộ tàI liệu và  ảnh chụp người quá cố ra trao lại cho người quả phụ. Chị ta xúc động quá oà lên nức nở rồi bắt đứa bé cúi rạp xuống mà tế  sống trước mặt tôi miệng không ngớt lời:   

- Lạy giời phật phù hộ  độ trì  cho cậu, cậu thật tử tế, quý hoá quá. Cậu đã làm việc nghĩa cử, cả nhà tôI sẽ nguyện suốt đời ghi ơn cậu.

Ngày hôm sau tôi lên trường cả bọn cu Cò, Hải Phệ và Cường theo tiễn tới đầu làng mới chịu quay về.

                                                                                                                       

4-2001

Vinh Huỳnh
Số lần đọc: 2658
Ngày đăng: 02.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dáng em như cỏ non - Nguyễn Văn Ninh
Đêm kỷ niệm - Nguyễn Hồ
Khúc phụng cầu hoàng - Mặc Tuyền
Rối nước - Nguyễn Văn Ninh
Về đâu hoa phượng - Bùi Công Thuấn
Ổ Chuột và ngai vàng - Hồ Tĩnh Tâm
Nhạt nắng sân trường - Trần Lệ Thường
Ám ảnh - Vinh Huỳnh
Cuối tháng - Nguyễn Văn Ninh
Chuyến Xe Giối Già - Nguyễn Thị Thu Hiền
Cùng một tác giả
Thăng trầm (truyện ngắn)
Phù du (truyện ngắn)
Ám ảnh (truyện ngắn)
Nghĩa tử (truyện ngắn)
Hão-1 (truyện ngắn)
Hão-2 và hết (truyện ngắn)
Gái quê (truyện ngắn)
Cạnh tranh (truyện ngắn)
Vợ dại (truyện ngắn)