Tôi không ham suy nghĩ viển vông, nhưng mỗi lần cầm tờ báo lên, đọc những vụ tiêu cực, sai phạm này nọ, cái tên của người trong cuộc ấy làm tôi thắt lòng. Cứ nghĩ cũng vào giờ này, ở một nơi nào đó, người vợ (hoặc chồng), và những đứa con của họ cũng đang đọc bài báo này. Họ sẽ đau điếng, nhói ran, lịm đi như thể đã chết rồi. Họ, nhất là những đứa trẻ sẽ sống thế nào trong những ngày sắp tới?
Tôi không biết nụ cười có còn đậu trên môi những đứa trẻ ấy khi phải cõng nỗi mặc cảm nặng nề trên lưng? Không biết vết thương ấy bao giờ sẽ lành?
Tưởng tượng chỉ là một trò tẻ nhạt, bởi tôi chưa bao giờ thấu tận nỗi đau đó. Hồi nhỏ, tôi cũng có những nỗi buồn (lặt vặt), ví dụ như thấy ba tôi mặc bộ đồ sờn bạc, đạp xe đòn ngang đứt thắng đi làm, mang theo cái gàu mên cơm, tôi xấu hổ nẫu lòng. Cái thời dại dột đó, bạn bè tôi cũng hay mặc cảm về cha mẹ giống tôi. Có đứa khóc hu hu khi bọn chúng tôi phát hiện mẹ nó là bà bán mía lạnh ở cổng trường. Có đứa suýt bỏ học khi cha nó thất nghiệp, buộc phải kiếm sống bằng nghề đạp xích lô. Có đứa suốt ngày cúi gằm mặt chỉ vì mẹ nó mua bán ve chai, lông vịt... Ôi! Những bạn bè xưa, bây giờ đã lớn, lớn từ một bữa, ai đó nhắc, tao nhớ, hồi đó, má bây thiệt giỏi giang, chỉ với cái thùng mía lạnh mà nuôi bây lớn bộn vầy, học hành tới nơi tới chốn; hay ba bây chịu khó tiện tặn thì thôi đi, mỗi sáng chỉ dám ăn gói xôi năm trăm đồng, không biết lấy sức đạp xích lô đến xế trưa...
Giữa lòng người đời, dường như ai cũng có một chỗ cho mình, dù là hẩm hiu như phận một người chèo đò, người quét rác, người bán sương sáo, sương sâm... Và dù rằng ai đó đã đi khỏi, người ta vẫn nhìn vào người ở lại, người thân thuộc để nhắc nhớ. Tôi sống tươi tỉnh, xênh xang, vì ba má tôi đã để lại trong hồi tưởng của người đời những phác họa giản dị mà đẹp lạ lùng. Lâu lâu, có người hỏi thăm, “Ba cháu lúc này khoẻ không? Ổng làm vuông hả. Trời đất, sao không bắt ổng đọc sách xem ti vi cho khoẻ? Đây, con gái ông Út công đoàn nè, anh Tư, anh Bảy! Vậy hả? Ờ, Cha bây hồi trẻ hiền lắm nghen, hiền mà hay tranh đấu...”
Tôi nghe nỗi vui bịn rịn trong lòng. Trời đất, mọi người còn nhớ sao, người đã rời bỏ cuộc sống viên chức đã lâu, đang sống thảnh thơi những ngày tháng cuối đời bên một vườn rau nhỏ. Còn nhớ sao, ông già mấy mươi năm làm cách mạng, tới lúc về hưu không được chức gì để nhắc nhớ cho… oai. Nhưng ông vẫn không bị mờ đi bị khuất lấp bị quên lãng. Tôi nghĩ tới thằng con mình, nó sẽ vui biết bao nhiêu khi người quen cũ của má nó bảo, “Má bây hồi đó đen nhưng có duyên (?!), coi tưng tửng vậy mà vui, dễ thương (?!)”. Nhưng ngồi đó ao ước thôi cũng không được, phải ở đời thế nào kìa...
Tôi bắt đầu tin, một người không chỉ sống cho riêng mình, rằng chết chưa phải là hết, hồi ức của người đời không vì thế mà đứt lìa, vùi theo người vào đất.
Và những đứa trẻ kia, sẽ mang thương tổn, sẽ xấu hổ, mặc cảm về người cha (hay mẹ) đến suốt đời, dù chúng không gây ra lỗi lầm gì hết. Thót ruột, nếu một ngày có người hỏi cháu là con nhà ai, thắt lòng, khi phải ngượng ngập nói ra. Đau lắm, khi người đối diện chùng xuống, “vậy hả, ờ...”. Sau đó là cái im lặng rất dài. Và nặng nề.
Ước gì những người cha (hoặc mẹ) nghĩ tới khoảnh khắc này khi họ bắt đầu bắt tay vào những việc trái pháp luật, trái lương tâm. Ước gì cái cười rạng rỡ lung linh trong trẻo của trẻ con kịp xua những u ám trong cái tâm của người lớn...