Quyên lại sẩy thai. Chồng Quyên thất vọng ra mặt. Anh ta tỏ ra dửng dưng như thể tác giả của cái bào thai vừa rõ hình hài ấy là của ông hàng xóm. Người hộ sinh có mái tóc điểm bạc mang cái tên Hồng Lê trước ngực thì khác. Bà Lê dành cho Quyên sự chăm sóc ân cần như đối với một người ruột thịt.
Sau khi lướt qua thăm hỏi khắp lượt năm người đàn bà mang cái bụng kềnh càng chờ giờ khai hoa nở nhụy, bà Lê lại đến với Quyên. Bà ngồi xuống mép giường, hỏi chị có đỡ đau và có thể chườm nước ấm chỗ bụng được chưa? Quyên trả lời bà là cái đau vẫn còn bám chặt bụng dạ, còn chườm nước ấm thì từ từ, chờ mẹ chị từ Cần Thơ lên thăm. Chị cũng không giấu cái cảm giác đói, muốn được ăn hay uống chút gì.
Lúc đó, chồng Quyên xách cái cà-mèn đựng thức ăn bước vào. Không biết vô tình hay cố ý, anh ta đặt cái cà-mèn nghe một cái "cạch" lên góc tủ sát đầu nằm của vợ. Đứng lựng bựng và nhìn lơ láo một chút, anh ta quay lưng, bước thẳng ra cửa. Quyên biết, với anh ta, những lúc như thế này, đám bia bọt có sức lôi kéo mạnh hơn. Quyên chỏi tay định chồm dậy. Chị muốn dằn hất, muốn nói một lời độc địa, muốn gào lên một tiếng…Cánh tay Quyên nặng trịch không đưa cao được. Cái miệng khô khát cũng không thốt nổi lời nào. Chị chỉ đủ sức vói tay, đẩy cái cà-mèn ra xa một chút và nuốt cục tức xuống ngực.
Bà Lê pha cho Quyên một ly sữa. Uống được nửa ly sữa, Quyên nằm xuống. Chị không sao duỗi thẳng được đôi chân, phải dựng đầu gối lên, cái đau âm âm lan khắp người. Bà Lê gấp cái mền làm tám dằn lên bụng Quyên. Trước khi đi, bà bảo Quyên ráng chợp mắt một chút.
Chừng non một tiếng sau, bà Lê quay lại. Tay bà cầm một cái ca nhựa có nắp đậy màu đỏ và chai nước ấm ủ trong chiếc khăn bông. Bà đặt cái ca đỏ cạnh cái cà-mèn nguội lạnh và chai nước dưới chân Quyên. Bà đỡ Quyên ngồi dậy, để chị tựa lưng vào chiếc gối mềm kê sát tường. Bà múc ra lưng chén cháo thơm nức tiêu hành đưa cho Quyên. Bưng chén cháo, khói nóng bốc lên, mùi thơm bốc lên, không chút e dè, chị vừa thổi vừa húp ngon lành. Bà Lê lấy khăn chậm mồ hôi rịn ra trán, mặt, cổ Quyên. Cử chỉ chăm chút ấy làm Quyên muốn nghẹn. Chị đặt cái chén cạn cháo xuống, ngập ngừng:
- Chắc cô cũng có…con gái?
Bà Lê như không nghe câu hỏi của Quyên, chậm rãi múc thêm cháo vào chén đưa đưa cho chị, nói:
- Một lần sẩy bằng bảy lần đẻ, cháu ráng ăn để lấy lại sức!
Quyên nhẩm tính: "Bốn lần sẩy bằng…" Chị rùng mình, muỗng cháo ngắc ngứ chỗ cổ. Cái bụng chửa giường bên cạnh có lẽ sắp leo lên bàn sinh. Chị ta kêu oai oái, mặt mũi đau đớn thảm hại trông như người không may bị nạn hơn là người sắp làm tròn cái thiên chức mà bất kỳ người đàn bà nào ở dưới gầm trời này cũng mong muốn. Bà Lê lật đật đứng lên, vội chạy đến với người đàn bà không biết kềm nén cơn đau. Mấy phút sau, Quyên thấy bà Lê hấp tấp theo sau chiếc băng ca cáng người đàn bà sang dãy nhà đối diện để vào phòng sinh.
Quyên lấy gòn nhét kín tai và lấy vuông khăn mỏng đáp kín mặt. Thật lâu, chị vẫn không chợp được mắt. Quyên bồn chồn kéo vuông khăn ra khỏi mặt và hé mắt nhìn một lượt khắp căn phòng lao nhao người thăm nuôi. Giường nào cũng có vài ba người đứng ngồi quanh người sắp đẻ. Họ nói. Họ cười. Họ dỗ dành. Họ nâng niu. Họ trông đợi. Giường cạnh chị cũng đã có một người đàn bà chửa khác vừa đến. Đó là người đàn bà mặn mà nhan sắc, còn trẻ và được yêu chiều. Cô ta được chồng dìu đi từng bước một. Đi loanh quanh khắp phòng rồi đi ra cửa, đi thêm một đoạn hành lang rồi trở lại. Bước chân chầm chậm của họ tới tới lui lui. Đi một hồi coi bộ mỏi chân, người chồng dìu vợ trở lại giường, đặt vợ nằm xuống và nhè nhẹ xoa bóp chân tay vợ. Cô ta như sắp khóc: "Em mỏi quá!", đòi chồng đỡ dậy và tựa hẳn người vào đôi vai vạm vỡ của chồng. Một đôi vai che chở vững chãi mà Quyên khao khát có.
Quyên không nghĩ đến đôi vai lỏng khỏng có lẽ đang là chỗ ngả ngớn chốc lát của một ả nào đó trong một căn phòng sực mùi thuốc lá, bia rượu, nước hoa mà nghĩ đến đôi vai gầy của mẹ. Đôi vai có lúc tưởng không còn sức để gồng gánh. Đôi vai luôn là chỗ dựa duy nhất cho chị. Rồi Quyên cũng ngủ thiếp đi dù vùng bụng vẫn âm ỉ đau và tiếng xuýt xoa rên rỉ không ngớt ở chung quanh. Giấc ngủ mỏi mệt, chập chờn những giấc mơ bất an.
Quyên mơ thấy mẹ. Mẹ nhìn Quyên. Hình như bà không nhận ra con gái mình. Giữa chị và mẹ lởn vởn một làn sương mảnh như khói bếp. Bà đưa tay phả phả màn sương và ngoái lại nhìn Quyên một lần nữa, rồi lặng lẽ quay lưng bước xuống xuồng. Mẹ không mặc chiếc áo bà ba màu tro quen thuộc. Mẹ mặc chiếc áo blouse rộng thùng thình của bà Lê hộ lý. Mái tóc đen mượt của mẹ không búi cao mà lại cắt gọn như mái tóc của bà Lê. Đôi tay mẹ đẩy mái chèo. Chiếc xuồng như chiếc lá nhẹ lướt trên dòng sông lao xao sóng. Mẹ xa dần. Quyên chạy theo, chạy mãi theo cái chấm nhỏ trên dòng sông dài hun hút.
- Mẹ!- Quyên thảng thốt gọi.
- Con có sao không ?- Mẹ Quyên cúi xuống bên con gái.
- Vậy mà con tưởng mình nằm mơ !- Quyên nhổm dậy, nhìn mẹ, nhìn túi xách còn đeo trên vai mẹ, mừng quýnh - Sao mẹ lên sớm quá vậy ?
- Biết con trông, mẹ đi xe 2 giờ sáng, tài xế chạy ẩu quá, mấy lần hồn vía lên mây, vái trời khấn đất, tưởng không còn được gặp con !
Quyên đâm hoảng:
- Con năn nỉ mẹ hoài, mẹ đừng đi xe đêm. Mẹ có bề gì con biết làm sao !
- Đừng nịnh mẹ, con còn chồng, còn con…
Thấy con gái lặng thinh, bà mẹ bỏ dở câu nói. Bà lấy chiếc khăn mềm nhúng vào chậu nước ấm được đổ ra từ phích nước, vắt nhè nhẹ và đưa con gái lau mặt. Lau xong, Quyên được mẹ dìu vào buồng vệ sinh. Mẹ đỡ chị ngồi lên bàn cầu, âu yếm vỗ vỗ vào cái mông trần của con gái. Quyên ngồi trong đó một hồi, nước mắt rân rấn. Thương thân ít, thương mẹ nhiều. Khi được mẹ dìu trở lại giường, Quyên kéo tay mẹ:
- Liệu con còn cơ hội được làm mẹ không mẹ?
Mẹ đắn đo rồi nói:
- Bốn lần…sẩy là có cái gì đó không bình thường, lần này khoẻ lại mẹ đưa con tìm bác sĩ giỏi để trị, chớ không có con chồng con không chịu được đâu !
Nhìn gương mặt rầu rầu của mẹ, Quyên thương mẹ quặn thắt ruột gan. Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến người chồng và đặt cái vị trí độc tôn của người đàn ông lên cao hơn hết thảy, dù bà đã phải trả cái giá quá đắt về sự hy sinh đó. Ba Quyên đã rời bỏ người vợ quá chu toàn để đến với một người đàn bà khác mà theo lời mẹ người đàn bà đó kém bà về nhan sắc, thua bà tài nội trợ; chỉ khác mẹ là bà ta đến với ba Quyên với tư cách của một người bạn tình chứ không phải là một con hầu. Mẹ hận ba. Lúc ba nằm trong quan tài, mẹ cũng không tha thứ cho ba và trừng phạt cái người đàn bà đã dám tòn ten với chồng bà bằng cách cấm tuyệt, không cho bà ta bén mảng đến đám tang của ông. Chính tay bà vặt sạch bó hoa lạ đặt bên mộ ba mà bà nghi là của người đàn bà đã đánh cắp tình yêu của bà. Mẹ hận ba, hận người đàn bà ấy và dồn hết yêu thương cho chị em Quyên.
- Má có một lũ con mà ba…
Biết lỡ lời, Quyên im bặt.
- Ba con thì…khác !
Từ khác mẹ Quyên hạ giọng, nói nhỏ, nhẹ và rất khác. Quyên nhìn sững mẹ, lấy làm ngạc nhiên. Trong giọng nói, như thể mẹ còn muốn thanh minh cho ba, biện hộ cho ba. Giọng nói mẹ dường như còn hàm chứa mong muốn được khôi phục lại hình ảnh người cha đã méo mó đi phần nào trong tình cảm, trong ký ức của các con bởi lòng tự trọng của người mẹ bị tổn thương. Quyên đưa tay mân mê làn da nổi gân xanh nơi mu bàn tay của mẹ, muốn nói với mẹ cái điều chị lờ mờ cảm nhận. Một bàn tay mẹ đặt lên tay Quyên. Chị lại dụ dự không nói được cái điều muốn nói mà lại buột miệng:
- Mẹ, con đói !- Quyên thấy mình vòi vĩnh như đứa trẻ lên 5.
- Ấy chết, mẹ quên, trời sáng bạch nãy giờ rồi, để mẹ đi mua cái gì cho con ăn !
- Cả mẹ nữa, chắc mẹ còn đói hơn con !
- Ờ, phải, bụng mẹ cũng đánh lô tô rồi - Mẹ Quyên đứng lên, kéo kéo sửa sửa áo quần cho ngay ngắn rồi xăng xái bước ra khỏi cửa.
Nắng sớm tràn đến dãy hành lang hẹp, nơi đã lao xao tiếng nói, bước chân của người thăm nuôi. Bà Lê bước vào cửa phòng, tay xách chiếc cà-mèn thức ăn. Đến chỗ giường Quyên, bà Lê đặt cái cà-mèn lên đầu tủ và hỏi:
- Đêm qua cháu khó ngủ lắm phải không ?
Bà Lê vừa hỏi vừa múc cháo ra chén cho Quyên. Mẹ Quyên trở vào, tay lỉnh kỉnh thức ăn. Quyên chưa kịp giới thiệu với mẹ về người hộ lý đã ân cần chăm sóc chị thì đã nghe tiếng nói như rít của mẹ:
- Thì ra là cô ! Đúng là trời cao thiếu mắt ! Tôi tưởng cô đã…
- Mẹ, cô ấy đã rất tốt đối với con !
- Phải, tốt đến nỗi đã giết chết ba con !
- Ba con chết vì tai nạn…
- Nếu không phải vì người đàn bà này thì ba con đâu phải hộc tốc lên xe đi đêm đi hôm để phải chết thê chết thảm giữa đường giữa xá…
- Mẹ, đừng nói nữa, người ta nghe thấy !
- Thì đã sao nào…
Căm hận còn bốc lên ngùn ngụt. Quyên không ngờ thù hận chỉ trong một phút chốc đã biến người mẹ hiền lành, nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó của cô trở thành kẻ lạnh lùng đáng sợ.
- Xin chị bớt giận ! Em có lỗi với chị, có lỗi với cháu đây nhưng…nhưng em thương anh ấy và anh ấy cũng thiệt lòng…
- Thiệt lòng ! - Mẹ Quyên bĩu môi, cười gằn - Cũng may là cô không đẻ đái được!
Quyên nhăn mặt. Sao mẹ có thể ác miệng độc mồm đến thế ? Chị lại thấy nhói lòng: "Con gái mẹ đây chẳng biết đang may hay rủi!". Đời dường như là thế ! Luôn là cuộc đánh đố nghiệt ngã. May và rủi, được và mất, phúc và họa... không ngừng đuổi bắt nhau, đổi chỗ cho nhau .
Quyên nhìn bà Lê mặt mày tái xanh, lủi thủi, vừa đi vừa khóc; chị thấy giận mẹ đến…no ngang. Chị đẩy thức ăn của mẹ mua ra xa:
- Con nuốt không nổi !
- Mày không thèm ăn thức ăn tao mua thì mày cũng không được đụng đến chén cháo này !
Mẹ Quyên đột ngột thay đổi cách xưng hô với con gái và bưng chén cháo còn bốc khói đổ ụp vào cái bô vệ sinh để dưới gầm giường.
Quyên không nỡ nhìn thù hận giương móng vuốt cào cấu giằng xé người vợ không nguôi tình yêu đối với chồng, ngay cả khi bị ruồng bỏ. Chị rót ly nước đưa cho mẹ:
- Con biết mẹ không thể quên được nhưng…nhưng mẹ có thể tha thứ mà, hơn nữa cô ấy cũng đau khổ, đơn độc và yêu thương ba con thiệt lòng.
Khi nói với mẹ điều đó, Quyên chợt tự hỏi: Liệu mình có quên được cái thái độ thất vọng không cần che đậy của chồng và cả việc anh ta bỏ mặc vợ một mình…vượt cạn. Liệu chị có bỏ qua, có tha thứ được cái nỗi đau có lẽ còn đeo bám suốt cuộc hành trình số kiếp.
- Mẹ cũng muốn như thế lắm nhưng…
Mẹ Quyên không nói hết câu. Đôi môi rung lên, nước mắt trào ra, bà gục đầu vào vai con gái. Quyên giữ yên đầu mẹ trên vai mình và để cho bà được thoả thuê khóc, không màng đến những đôi mắt tò mò quanh đó.
Những cơn mưa tháng sáu