Sách văn học bây giờ có quá nhiều lỗi ! Không chỉ lỗi của người sửa morasse mà chính là lỗi tác giả, lỗi của biên tập.
Một số người sính dùng từ nước ngoài mà lại dùng sai ! Khi chưa thông thạo ngoại ngữ thì tốt nhất là nên dùng từ tương đương của tiếng Việt, hoặc bất đắc dĩ phải dùng thì dùng cho chính xác, chưa chắc chắn thì phải tra từ điển hoặc đi hỏi người thông thạo. Khi dùng, cần phiên âm, sau đó để trong ngoặc đơn ( ) từ nguyên gốc.
Tiểu thuyết Cuộc đời dài lắm, NXB Quân đội nhân dân, 556 trang, nộp lưu chiểu 5-12-2001. Đây là cuốn sách có quá nhiều lỗi khi dùng từ nước ngoài: Trang 73, dòng 5 từ trên xuống:" Cao su theo thổ ngữ Braxin là cao-u-su, là nước mắt của cây". Thực ra cao su là phiên âm từ tiếng Pháp: caoutchouc. Còn thổ dân Brasil, nơi đất tổ của cây cao su thì gọi loài cây này là Hévea ( cây nước mắt ) ! Hầu hết những từ bằng tiếng nước ngoài trong sách này đều viết sai ! Trang 114 dòng 3 từ dưới lên: " Cô quay vào một lát ra ngay, trên tay cầm một chai Jon loại nhỏ…". Không có loại rượu nội cũng như ngoại nào mang nhãn hiệu là Jon ! Ở trang 179 tác giả viết:" Tuấn phun phèo một búng nước miếng ra cỏ, quờ tay móc chai Ông già chống gậy nhãn đen…". Thì ra tác giả muốn nói đến rượu Johnnie Walker có hình ông già chống gậy. Johnnie Walker là rượu Whisky, gồm ba loại nhãn hiệu: đỏ, đen và xanh (blue). Loại nhãn hiệu xanh là đắt tiền nhất. Sau này có thêm loại nhãn hiệu vàng nữa. Cũng về tên rượu, ở trang 361: " Bác quá khen. Không khéo tôi với bác lại thành một cặp Bá Nha và Tử Kỳ mất thôi. Làm chai Hennysi nhé!". Không có rượu nào tên là Hennysi! Chính xác là Hennessy, rượu cô nhắc (cognac) nổi tiếng của Pháp. Nếu không viết được chính xác thì tốt nhất là nên viết theo dạng phiên âm: Hen net si. Trang 486 lặp lại lỗi này. Tương tự, không có rượu Napoleong ( trang 376 ), chỉ có rượu Na pô lê ông, nguyên ngữ tiếng Pháp là Napoléon. Không có loại đá qúy nào trên thế gian này tên là Rupi. Vậy mà dòng đầu trang 516: "… chặt bàn tay có đeo đá Rupi của ông bạn hàng giàu lòng quân tử…". Chỉ có ruby, tức là hồng ngọc, viết theo tiếng Anh: ruby, nếu phiên âm thì viết: ru bi. Trang 397: "… học chính trị, học IZO 9000…". Không hề có cái gì là IZO 9000, nếu tác giả muốn nói đến Chứng chỉ quốc tế thì phải viết cho đúng là ISO 9000! Có những từ là tên công ty Việt Nam được viết tắt để giao dịch quốc tế, thế mà cũng sai: Trang 403, dòng 4 từ trên xuống: " Xôn xao hơn cả cái vụ Minh Phụng-Epsco…". Không phải Epsco, thừa chữ s; chỉ có Epco mà thôi! Trang 130: " Sau cuộc phỏng vấn dài bằng cả một băng cassete…". Tác giả không ít lần dùng từ này, viết bằng tiếng nước ngoài nhưng đều viết thiếu một chữ t. Đúng ra phải là cassette. Cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh đều viết như thế ! Trang 234: " Cởi trần và Comple". Có đoạn tác giả lại viết là Complé. Nếu viết theo tiếng Pháp thì phải thêm t vào cuối: complet. Nếu viết theo tiếng Việt thì phải phiên âm: complê. Ở đây rõ là tác giả không muốn phiên âm, muốn dùng tiếng Pháp và đã viết hoa. Đây là danh từ chung, không cần viết hoa ! Trang 468 lặp lại lỗi này. Tương tự, tại trang 274, dòng 9 từ trên xuống: " Tóc chải mượt, Complé đen, Cravat đỏ…". Cả hai từ này đều sai. Ca vát (cravate) phải có chữ e ở cuối, và không viết hoa! Trang 280, đoạn cuối: " Nhưng sau khi bỏ vào nhà trong xối một chập nước nóng vào cổ vào gáy theo cái tật thích tự Masage…". Viết thiếu một chữ s: massage! Sao không thay bằng từ xoa bóp của tiếng mẹ đẻ? Massage là một động từ, không phải danh từ riêng, không cần viết hoa đâu! Trang 340, dòng 6 từ trên xuống: " … người bạn học kia bị mìn Kleymo đốn gục". Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ không sử dụng loại mìn nào tên là Kleymo ! Chỉ có loại mìn claymore; Phiên âm: clâymo, không cần viết hoa (nguyên ngữ gồm hai từ clay và more, viết liền cũng được mà viết rời cũng được). Trong tác phẩm này, tác giả đã lộn tên nhân vật ( lỗi này thường gặp phải khi sáng tác tiểu thuyết mà tác giả không kiểm soát hết được nhân vật của mình, nhất là viết xong mà không đọc đi đọc lại, sửa chữa kỹ càng !). Trang 249, Vũ Nguyên được đề bạt Phó giám đốc công ty, Nguyên ra Móng Cái tìm hiểu việc xuất khẩu mủ cao su. Tại đây, tác giả cho Nguyên gặp lại bạn chiến đấu cũ là Bằng cùn, tức Bằng Cachiusa, nay là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, rất chịu chơi, đang có uy rất lớn ở biên giới, có bồ là A Linh, một quan chức địa phương Trung Quốc. Vậy mà đến trang 353, Nguyên được đề bạt giám đốc công ty, anh về thành phố thăm con, khi gọi xe ôm ra bến xe miền Đông, anh gặp một bạn chiến đấu cùng đơn vị, đang sống rất nghèo khổ, chạy xe ôm. Tác giả cho người lái xe ôm reo lên:" … trời đất cha mẹ ơi, Nguyên phải không? Có đúng thằng Nguyên đại đội trưởng đại đội 2 không?... Bằng đây, Bằng cùn đây…". Kế đó tác giả cho Bằng cùn và những cựu chiến binh đồng đội của anh công ty mình, cấp đất công ty cho họ, giúp họ làm ăn sinh sống ! Rồi, ngay chương sau, Nguyên lại ra Móng Cái bán mủ cao su và lại được Bằng cùn và A Linh giúp đỡ! Như thế, cái anh Bằng cùn này phải có phép thần thông biến hoá rồi !
Nhân vật chính Vũ Nguyên nói ngọng: Trang 460 dòng 9 từ trên xuống : "… đi cả hai ngàn rưởi tấn, giá Tám phẩy lăm…"; và trang 462, dòng 6 từ trên xuống:" hai ngàn rưởi tấn đi hết với giá Tám phẩy lăm sẽ bù lại tất cả". Nếu không viết số ( 8,5 triệu đồng/ tấn ) thì phải viết là tám phẩy năm chứ ! Một giám đốc tài ba, thông minh, nghệ sỹ như Nguyên mà nói ngọng n/l sao? Trừ trường hợp 15 = mười lăm; 25 = hai mươi lăm… và 9,25 thì mới nói: chín phẩy hai lăm!
Đọc đến trang 279, đoạn cuối, khiến người đọc nghi ngờ về vốn sống của người viết về ngành cao su, và lối hành văn sao nặng nề rứa:" Hai, có hàm lượng mủ tốt không đủ (hiện nay hầu hết các Công ty trong cả nước cũng đang đạt được những hàm lượng mủ tốt nhất) mà cái thiết cốt hơn là phải có công nghệ chế biến mủ thô hiện đại. Công nghệ của ta do Liên Xô để lại đã quá cũ nát và lạc hậu, do đó việc thay thế nó phải được coi là chiến lược". Rất may là văn chương kiểu đoạn văn này ít xuất hiện trong tác phẩm ! Có lẽ người viết chưa rành về từ công nghệ, nhất là người viết đã cho rằng ngành cao su dùng công nghệ chế biến mủ thô của Liên Xô ! Thực ra, theo Hiệp định hợp tác trồng năm vạn héc ta cao su giữa ta và Liên Xô (cũ), phía Liên Xô cung ứng cho ta vốn bằng vật tư, thiết bị, nhất là xe máy thi công, sắt thép xây dựng, thiết bị cơ khí, phân bón, lương thực, thuốc trừ sâu… Có một số nhà máy sơ chế mủ cao su dùng thiết bị cơ khí của Liên Xô trong khuôn khổ Hiệp định này. Riêng về công nghệ sơ chế mủ nước thành mủ khô các loại thì Liên Xô không hề có! Công nghệ ấy người Pháp đã mang vào Việt Nam từ những năm ba mươi của thế kỷ 20. Sau năm 1975, những nhà máy sơ chế mủ cao su ở miền Đông Nam bộ hầu hết đã quá già cũ, hư hỏng nhiều và lỗi thời về thiết bị cơ khí. Từ năm 1990 đến nay, ngành cao su đã nhập và tự chế tạo nhiều dây chuyền thiết bị sơ chế mủ cao su tiên tiến, cùng với công nghệ chế biến mủ hiện đại, làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Công nghệ không phải chỉ là thiết bị cơ khí. Ở đây tác giả lầm hai cái này là một ! Đã thế, người viết thích dùng từ công nghệ, dùng không đúng chỗ: trang 321, dòng 5 từ dưới lên:"… rà soát một cách khoa học, cả vườn cây cả con người lẫn các hoạt động công nghệ phức hợp". Trong một công ty cao su thì … các hoạt động công nghệ phức hợp là công nghệ gì?
Trong cả cuốn sách, tác giả viết hoa nhiều từ khá tùy tiện: Trang 337, dòng 14 từ dưới lên (cũng như ở nhiều đoạn khác) tác giả viết: Toalet! Những chữ thành phố, chữ café, chữ quota, complet… đều viết hoa là sai. Có những lỗi chính tả nghiêm trọng: Trang 336 dòng 4 từ dưới lên:" Ả đâu có hiểu gì, có cần chia xẻ gì với cái thế giới bên trong phức tạp của gã…". Từ xẻ nghĩa là bổ dọc, tách ra theo chiều dọc. Còn chia sẻ là san sẻ, phải viết s!
Có những câu văn quá dài, gây cảm giác nặng nề, nhàm chán như đoạn cuối trang 242: " Với vợ không nói làm gì, nhưng ngay cả đối với Thương, người đàn bà mà anh có thể thức cả đời để chăm bẵm để yêu thương lại đôi khi cũng ngủ khì bên cạnh cái thổn thức sâu thẳm của em sau những khoảnh khắc thăng hoa thần thánh khiến cho sáng sau tỉnh dậy em buộc phải xăm soi nhìn vào đáy mắt anh xem con người này có yêu thương mình thật hay không hay chỉ là một thứ khoái cảm mang giá trị sinh học ngang một tiếng ợ thật to sau bữa ăn no ". Câu dài tới 101 từ !
Một điều dễ nhận thấy là người viết dùng từ ngữ Nam bộ không nhuyễn: Tác phẩm viết theo văn chương chuẩn Hà Nội, nhưng bối cảnh câu chuyện ở vùng cao su Đông Nam bộ. Dường như tác giả rất có ý thức sử dụng phương ngữ. Tiếc thay, cứ khi nào tác giả dùng phương ngữ là không thành công. Ví dụ từ ráo trọi được dùng khá nhiều, nhưng rất gượng gạo, chưa lần nào nhuyễn! Đại từ nhân xưng, ngôi thứ nhất, dùng theo một số vùng tại Nam bộ, người già xưng là qua (tức là tôi). Thế nhưng tác giả lại viết hoa từ qua! Trang 213, đoạn giữa: "… qũy thời gian của cậu còn nhiều, của Qua sắp hết rồi. Vấn đề của Qua là lấy lại được chút danh dự làm người rồi ra đi". Ngoài ra, dùng thừa từ và mất lỗi chính tả khá nhiều. Ví dụ trang 279: " … cải tiến lại qui trình…". Lỗi của người sửa bản in ( lỗi morasse) thì nhiều lắm! Bài dài rồi, xin miễn dẫn ra!
Thành phố Hồ Chí Minh, 03-4-2006