Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.150.391
 
Thơ Tùng Bách sau cười là … Đọc tập thơ ĐI VÀ NHẶT của TÙNG BÁCH - NXB Hội Nhà Văn- 2005
Nguyễn Đức Thiện

Trên tay tôi là tập thơ mới nhất của nhà thơ Tùng Bách, có tên : ĐI VÀ NHẶT. Người làm thơ đi và nhặt là chuyện thường. Nhưng đi và nhặt để về mà tâm đắc, mà suy ngẫm, mà chau chuốt từng câu, từng chữ mới làm thành thơ; nhiều khi, đi rồi, nhặt được rồi phải đợi đến thật hứng mới viết thành câu, mới thốt thành lời ấy là chuyện thường tình của người làm thơ. Còn với Tùng Bách, thì đúng là đi và nhặt thật. Đi đến đâu, nhặt đến đó và để  như Tùng Bách nói: "Xem có gì giúp được cho thơ".

 

Chẳng cần phải: xem có gì, mà thực tế những gì Tùng Bách nhặt được đã là thơ rồi. Trong cuộc đi của Tùng Bách, thấy anh có mặt ở khắp nơi. Khi thì chạy về quê Hà Tĩnh nhà anh, khi thì lên Đà Lạt một ngày có bốn mùa, có lúc thơ thẩn ở bãi biển Vũng Tàu nơi anh đang sống, có lúc lại ở cố đô Huế. Lại có lúc thấy anh ngồi trên tàu hoả, về góc riêng nhà mình, vui thú với bạn. Cuộc đi của anh không thể thiếu được là đến với người. Đó là người thân, là bạn, là những bậc vĩ nhân, là nhân vật nào đó của một nhà văn, gặp ăn mày, gặp những tội phạm… Và ở mỗi vùng đất, ở mỗi người anh lại nhặt được một cái gì đó mang vào trang viết của mình. Vì thế thơ anh lúc nào cũng hổn hển, lúc nào cũng gấp gáp và có khi chỉ là một nét chấm phá rất nhanh nhưng lại xía vào lòng người đọc khiến người ta có lúc thấy nhồn nhột, đau đau và cũng có lúc phải cười, hoặc cười mỉm, hoặc phá lên cười. Thơ của Tùng Bách không dành cho những người thích ngâm ngợi, cũng không phải dành để mang ra đọc ở những nơi trà dư tửu hậu. Thơ anh có thể đọc ở bất cứ chỗ nào, vì nó quá gần với cuộc sống thực tế, nó là những chuyện xẩy ra hằng ngày ở đâu cũng thấy. Chỗ nào cũng có thể vận vào được. Cái lạ, cái khác người của Tùng Bách chính là ở chỗ đó. Đọc toàn bộ tập thơ, thấy hình như Tùng Bách không phải dụng công nhiều khi làm thơ, nhất là không mất công nhiều khi dùng chữ trong thơ. Đừng bảo như thế là dễ dãi. Vì từ những cái đơn giản nhất kia  chính là sự tinh tế của nhà thơ với đời thường. Có cảm giác rằng, khi Tùng Bách hạ ngón tay xuống bàn phím máy vi tính, Tùng Bách đã phải mất thật nhiều thời gian và tâm trí, mới ra được những câu thơ tưởng như đơn giản nhưng thấm thía nghĩa đời kia. Chính vì thế mà có cả những cái Tùng Bách nhặt được và ghi lại giống như một câu châm ngôn, một thành ngữ, chỉ khác nó mang chất thơ nhiều hơn và nó gắn vào đời sống của con người. Còn một cái khác lạ nữa của Tùng Bách đó là sự  hóm hỉnh, có khi hóm hỉnh đến hài hước. Nhưng sau sự hóm hỉnh và hài hước kia là chua chát một nỗi đau. Đây chính là điều tôi muốn nói đến về tập thơ " ĐI VÀ NHẶT" của Tùng Bách trong bài viết này.

 

Như bao nhà thơ khác, Tùng Bách thích những cuộc lãng du. Đi một ngày đàng, lọc một sàng thơ. Nói thế cho nhiều, thực tế Bách rất kiệm lời kiệm chữ. Đi Đà Lạt, vài nét chấm phá, đến sông nước Hà Tiên, không một dòng tức cảnh, lên Tây Nguyên cũng chỉ vài lời cho cảnh núi, cảnh rừng. Tùng Bách dành cho những vùng quê anh qua những câu chuyện mà anh nghe, những người mà anh thấy. Lên Đà Lạt: "Đà Lạt/ phố trong làng/ Đà Lạt/ rừng trong phố/", thế là đủ, sau đó là sở trường của Bách: " gái Đà Lạt thương chồng/ ớt Đà Lạt không cay". Những người phụ nư  Đà Lạt mà đọc được câu thơ này hẳn phải mủm mỉm cười: ớt nào mà ớt chẳng cay… Ông nhà thơ này thấy cái gì mà mang gái Đà Lạt so với ớt ở đây. Nhưng ngẫm thế mà hay, con gái Đà Lạt vì thế mà hiền thục hơn, thương chồng hơn. Tùng Bách đã cho con gái Đà Lạt một phút tự hào bằng cách so sánh hóm hỉnh kia. Đến Hà Tiên, Tùng Bách không cho ta thấy anh gặp sông nước ở đây như thế nào. Nhưng bằng câu chuyện với một người ở nơi khác về dựng nghiệp rất hào sảng. Hai đời người trên vùng sông nước chỉ trong vài dòng thơ, và cuối cùng lại là một câu thơ thật hóm: " rồi sao nữa chú Tư, Rồi sao nữa?/ Rồi thì… con cò…bay lả… bay la…" Cánh cò đưa vào đây, giống như một tiếng cười sảng khoái của ông nông dân ngụ cư vùng sông nước. Tiếng cười thoả mãn với những gì mình đang có và sẽ có. Ít chữ thôi nhưng chứa được qua nhiều chuyện. Có một bài thơ khiến tôi đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc xong lại phải mủm mỉm cuời. Nhưng cười xong lại phải suy ngẫm. Đó là bài RA HUẾ LÀM VUA. Chuyện trong thơ là thế này: ở Huế có dịch vụ làm vua, ai thích làm vua chỉ cẩn bỏ ra hai mươi ngàn, thế là có đủ, ngai vàng, bệ ngọc, lọng tàn, râu… cứ có hai mươi ngàn là có thể được " làm vua". Cần nữa thì bỏ ra mười ngàn thuê một em làm công công, làm hoàng hậu trong năm phút. Rồi những dịch vị ăn theo như chụp hình, quay phim… Thêm cả dịch vụ " nịnh nọt" nữa: vua mà như bố trên cả tài Nghiêu Thuấn. Chỉ có vợ thực của vua giả mới nói được điều rất thực: " Hoàng thượng hôm nay ixê hơi bị ẩm/ mấy đời vua tự cầm quạt, quạt… như hề". Bao nhiêu câu hóm hỉnh để cười trên kia, một câu này thôi làm cho người ta hết cười được. Thì ra trên đời này nhiều người thích làm vua. Thích làm vua để rồi thành hề. Làm vua thì có bề tôi nịnh, mà có bề tôi nịnh thì không khéo vua sẽ thành hề. Vua hề, hề vua… nó cứ lộn tùng phèo cả lên trước cuộc sống đang bị thị trường chi phối. Đến cả chốn cung đình thâm nghiêm ngày xưa, bây giờ thành chốn tôn thờ, cũng biến thành nơi để người ta kinh doanh như những trò hề vậy.

 

Nhưng hóm hơn cả là khi Tùng Bách nhặt được khi gặp người. Đó là những đứa cháu, là vợ, những bạn bè, những người thoáng gặp đâu đó trong những chuyến đi. Ngừơi cựu chiến binh trên một chuyến tầu hoả: mười bảy tuổi lão vào Vệ quốc/ Thế là bắt đầu hành quân xa.  Một cựu chiến binh khác: Chú Tần mà là lính đọc công ư? Cóc phải/ chú Tần dát như cáy? Nhưng được cái vì nhân dân quên mình. Có lẽ đây là một thương binh: còn một tay, không thể vỗ tay/ Chỗ đông người vỗ đùi e không tiện. Những nhân vật của các bậc nhà văn tiền bối: Bông rua mexừ Xuân, cựu sinh viên trường thuốc… hay, Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến . Còn nữa, Tùng Bách còn nhặt được ở những người bạn văn, bạn thơ của mình những điều khá lý thú để ghi lại bằng những câu thơ bông phèng ngồ ngộ. Tùng Bách chịu đi, chịu nhặt nên mới có thể có nhiều cái để ghi như vậy. Bách không than thân trách phận giúp ai, cũng chẳng kể nghèo, kể khổ cho ai, không vẽ ra cái kiếp trầm luân của con người bằng lối thơ uỷ mị, bằng lối cảm thông sâu sắc hay kiểu khóc mướn. Anh viết lại tất cả những gì anh thấy bằng lối viết khác người, khiến cho người ta không thể nhìn những người mà anh gặp bằng con mắt thương hại hoặc khinh miệt. Giống như một câu chuyện giữa những người bạn tâm đắc vậy, nói với nhau và cười với nhau cho sướng một cuộc truyện trò. Nhưng sau đó, Tùng Bách bắt người ta phải suy ngẫm. Vui, hay buồn, đắng hay ngọt, để người đọc tự thấy, tự chiêm nghiệm. Với người bạn cựu chiến binh gặp trên tàu:

 

Thành tích ư? Cứ là đếm mỏi

Dán hết chói lói cả gian nhà

Thế mà:

Ra giêng lão làm cái thượng thọ

Đôi khi mình phải biết thương mình

NGƯỜI ĐI CÙNG CHUYẾN TÀU

 

Cả một đời hành quân, hết Trường Sơn, rồi Trường Sa, mãi đến ngoài bảy mươi mới đôi khi phải biết thương mình, có muộn lắm không? Trong cuộc sống, không thiếu gì những người như thế. Họ hết mình vì nước vì dân để mãi đến lúc cuối đời mới thấy mình chẳng có cái gì cả. Thậm chí muốn có phải đi xin. Thế mà vẫn cứ hể hả sống, hể hả làm việc. Trong bài thơ Chú Tần " chỉ được cái vì nhân dân quên mình",  Tùng Bách viết:

 

Chú Tần ham vui, chú Tần thích bù khú

Vài choác bia hơi là mặt mũi tưng bừng

Khốn nỗi, nói câu nào cũng … đúng

Nên suốt đời trắng bụng lấm lưng.

CHÚ TẦN

 

Hay như anh bạn văn của Tùng Bách

Ba chục năm càm tình Đảng

Xem ra ý chí có thừa

Chỉ tội cái mồm choang choác

Gần sáu mươi rồi vẫn chưa

HÝ HOẠ

 

Có nghĩa là Tùng Bách biết cái nào đúng, cái nào sai đấy. Biết những thiệt thòi của người ngay thẳng trung thực đấy nhưng cái lẽ đời nó vậy: mấy ai biết được thuốc đắng giã tật, nói thật mất lòng. Còn một bạn văn chương khác: làm quan thiên hạ cười/ làm hề/ thiên hạ khóc/ Cặm cụi làm văn chương? Thành thằng hâm mấy chốc. ( BẠN TÔI)  Mới đọc thì thoáng cười. Đọc rồi ngẫm lại mà thương. Cái nghiệp văn chương đã vận vào mình rồi, say đến quên. Có thể quên luôn cả mình, thậm chí đói no cũng không biết đến. Làm thành được một cái danh thì công chẳng thành. Thương thật. 

Có hai bài thơ thật hay và thể hiện thật sâu sắc sự hóm hỉnh của Tùng Bách và cũng thể hiện được sự cay đắng đến sâu sắc của Tùng Bách. Bài thứ nhất TRƯỚC QUẦY HÀNG MẶT NẠ. Trong quầy hàng mặt nạ kia có đủ mọi thứ mặt. Thày trò Đường Tăng, Bao Công, Anh Bờm, cô Tấm, Chú Cuội… Tất cả:

 

Mặt nhỏ

Mặt to

Mạt dày

Mặt mỏng

Đều chung một giá

Các bản mặt đều quen

Chỉ mặt cô đứng quầy là lạ

Lũ trẻ vừa đi vừa rúc rích… cười

TRƯỚC QUẦY HÀNG MẶT NẠ

 

Lũ trẻ cười gì vậy. Cười những cái mặt to, mặt nhỏ, mặt mỏng, mặt dày, hay cười cô đứng quầy có cái mặt lạ kia. Những cái mặt nạ thì có cùng một giá thì cái mặt lạ kia, có giá không nhỉ? Tùng Bách cứ đẩy đưa cái cười như thế làm độc giả phải cười và phải nghĩ.

Bài thứ hai TIẾP THỊ. Bài này thực sự đúng ý đồ của tác giả. Cứ nhặt thôi, bao nhiêu là quảng cáo truyền hình Tùng Bách nhặt vào thơ mình: keo dính chuột, dầu gội Playboy, kem đánh răng congat, bột giặt Ômo, sữa cô gái Hà Lan, bột ngọt Ajnomoto… Cuối cùng là: 

Quảng cáo cho thơ mình đi chứ, nhà thơ

 

- Thơ tôi ư

Đọc thơ tôi như hút thuốc lá

Có hại cho sức khoẻ… 

TIẾP THỊ

 

Cả một phần đầu của bài thơ khiến cho ai đọc cũng phải cười. Đến cả câu cuối, cũng phải cười. Nhưng có cười được không khi chúng ta nghĩ: Cực lắm cho các nhà thơ bây giờ. Chen chúc trong chốn thị trường chật hẹp, người thơ phải bỏ tiền in thơ mình. Người có tư cách thì chỉ dùng để biếu, để tặng, để cho, hoặc có bạn bè thương bán giùm cho ít cuốn. In ra chỉ để mong có người đọc được là quý rồi, chớ mong chi thu hồi vốn. Trong khi đó, có kẻ nhiều tiền, lắm của, có khi dùng cả quyền cao chức trọng để mà in thơ. Rồi bằng tiền, bằng quyền mang thơ cho vung vít. Mà thơ đâu có ra thơ, ngô ngô ngọng ngọng, vẫn tiếp thị ầm ầm. Đọc thơ tôi đi, tôi cho tiền. Đọc thơ tôi đi, oai lắm đấy. Còn nhà thơ đích thực, chỉ biết ngậm ngùi nhìn tia- ra trên bìa sau cuốn sách: 500 cuốn. Xem ra thơ chẳng giá trị bằng keo dính chuột, bột giặt Ômo, kem đánh răng Congát, sữa cô gái Hà Lan! Đọc cho hết bài thơ, ngồi mà ngẫm lại, liệu còn có cười được chăng, nhà thơ? 

 

Có một điều hơi tiếc cho tập thơ ĐI VÀ NHẶT. Do có ý đồ từ trước là đi và nhặt, nên còn có nhưng bài dễ dãi quá, chưa thể hiện được hết được điều mà nhà thơ suy ngẫm. Những bài thơ hai câu trong tập nếu mạnh dạn lược bỏ bớt đi người đọc sẽ còn tâm đắc hơn vơi Tùng Bách.

Xin mượn câu thơ :

 

Trăm năm trong cái cõi người

Vừa ha hả… khóc! Đã cười hu hu…

ĐIỆN THOẠI ĐƯỜNG DÀI

 

Để kết thúc bài viết này. Tùng Bách là như thế. Trong thơ vốn đã có thơ. Trong thơ còn có cười, cười mỉm, cười hả hê, nhưng cười xong, nghiêm túc mà nghĩ, hẳn mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng, phong phú, thậm chí có khi khóc cả trong lúc đang cười.

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 4476
Ngày đăng: 05.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
VŨ BẰNG – Người lữ hành đơn côi : Tựa VŨ BẰNG tòan tập - Triệu Xuân
Bóng của cây sồi - Nguyễn Thị Thu Hiền
Chúng ta đã có một nền văn nghệ dân tộc thiểu số - Nguyễn Thị Thu Hiền
Thơ & thơ tiếng dân tộc thiểu số đi về đâu ? - Inrasara
Phan Trung Thành dọc đường thơ sang kí ức sông - Inrasara
Cánh đồng bất tận cuộc đời bất tận - Hà văn Thùy
Thơ đồng bằng sông cửu long - Hà văn Thùy
Con nhền nhện bị vướng trong tấm lưới của mình - Hà văn Thùy
Trần Hữu Dũng: Gã Nam Bộ làm thơ - Từ Nguyên Thạch
Giang hồ muôn nẻo đều linh : Đọc thơ Linh Phương. - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)