Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.057
123.197.915
 
Mỹ Linh của tôi-đọan 1
Vũ Ngọc Tiến

1. Bà chủ khách sạn Hoàng Long mời tôi lên gặp giữa ca trực tối khiến tôi phân vân e ngại. Lúc này đã gần mười giờ đêm, khách lưu đi chơi chưa về, khách mới nhập phòng không có, sảnh khách vắng hoe. Cô nhân viên quầy tiếp tân đến bên tôi nhắn tin nheo mắt cười tinh quái làm tôi càng bối rối. Đồn rằng, bà chủ chỉ là vợ bao của ông sếp cỡ bự trên thành phố, đã trọm trẹm tuổi “đầu năm đít to”. Tuổi ấy, lại thêm cái vòng bụng càng to thì của nợ kia càng có khả năng lắm lúc bất tuân thượng lệnh. Bà chủ sồn sồn tuổi “đầu bốn”, đang lúc hồi xuân, khát tình như khát nước, nhưng là người từng trải nên bà chẳng dại gì cặp bồ lộ liễu để ông sếp kia biết, sẽ mất nguồn viện trợ và cả sự bao bọc trong làm ăn. Vậy nên bà sẵn sàng trả lương rất hậu cho nhân viên bảo vệ, nhưng phải là người đứng tuổi, có mẽ ngoài coi được, phong độ trí thức và nếu biết tiếng nước ngoài càng hay. Bà lý luận với đức ông chồng: “Thời buổi thịnh hành nền kinh tế tri thức, nhân viên khách sạn của tôi từ giám đốc điều hành đến tiếp tân, bảo vệ đều phải có bằng cấp, nói tiếng Tây, tiếng Tàu như gió thì khách mới nể phục bà chủ. Ngoài đường phố nhan nhản cử nhân, kỹ sư về hưu non ngồi bơm xe hay đạp xích lô, chở xe ôm thì khó gì việc tìm một ông trí thức làm bảo vệ tuổi trên dưới 50 vẫn còn khỏe mạnh.” Nghe bà lý luận thế, đến ông chồng hờ là chính khách lão luyện cũng phải xoa tay thán phục, khen bà có mắt tinh đời. Ông đâu biết, mấy đời bảo vệ ở đây đã từng kiêm nhiệm chuyện phòng the cho bà rồi nhanh chân kiếm một khoản kha khá bằng cách vay mượn hoặc tống tiền trắng trợn và ù té quyền. Bà căm lắm, lu loa với chồng rằng họ là lũ trí thức lưu manh, bằng rởm người cũng rởm nên bà đuổi thẳng cổ. Ông tự ái hỏi vặn: “Thế bà cho tôi có bằng thạc sĩ cũng là bằng rởm ư?” Bà điên tiết: “Rởm tất, nhưng chỉ cần ông lưu manh ở chốn quan trường, còn tử tế với tôi là được rồi.” Nghe thế mà ông chịu im mới lạ! Anh bạn nhà báo kể cho tôi những chuyện này, sau khi đã giúp tôi đến xin việc chỗ bà khoảng vài tuần. Tôi trách nhẹ, anh vỗ lưng tôi cười xòa bảo: “Thôi đi bố ạ! Bỗng dưng có việc nhẹ nhàng, tối làm bảo vệ khách sạn, ngày ngủ no giấc đến trưa rồi tha hồ viết lách, lương tháng một “vé”, chẳng hơn ngày ngày thồ than tổ ong, tối lọ mọ viết hết đêm ư? Mày không muốn thì mụ ta cưỡng hiếp được sao?” Tôi nói: “Biết thế, nhưng mình sợ có lúc khó xử, mang tiếng chết.” Anh bạn nói thẳng: “Tao nghĩ thương cho mày. Xét cho cùng tội gì mày phải ép xác giữ lấy hai chữ “có đạo” ở thời buổi này. Ly thân với mụ vợ ngần ấy năm, nó cặp kè với thằng khác, sao mày không bỏ quách đi cho rảnh nợ? Mày cũng nên giải thoát cho mình, tự do xả láng với mụ chủ cho ả biết mặt.” Chẳng biết anh bạn nhà báo vốn quen biết cả hai ông bà đã tán dương tôi thế nào mà bà chủ xem chừng nể trọng và quý tôi ra mặt, khiến đám nhân viên cứ nhìn tôi xì xầm to nhỏ. Thây kệ đời. Tôi cũng đã mệt mỏi với chiếc xe đạp lặc lè hai rọ sắt chất đầy than tổ ong đằng sau. Hơn nữa, làm cái nghề phơi mặt ra trên đường phố như thế cũng ê chề lắm. Chẳng gì tôi cũng là thằng kỹ sư địa chất có hạng, từng làm chủ nhiệm mấy đề tài nghiên cứu cấp quốc gia. Tôi bỏ nghề đi viết văn, viết báo theo sở nguyện lúc còn trai trẻ, nhưng ở xứ này hiếm  cây bút ngay thẳng, trung thực nào mà đủ sống bằng ngòi bút. Thế nên tôi mới phải đi bán than tổ ong kiếm thêm, đến nỗi thiên hạ đồn thổi chuyện tôi bị kỷ luật, tước bằng kỹ sư. Giờ làm chân bảo vệ khách sạn Hoàng Long kể cũng nhàn thân, lương cao, lại không phải phơi mặt ra đường là tốt rồi. Thỉnh thoảng có dịp, tôi chuyện trò tiếng Tây, tiếng Tàu với khách, khoe cái sở học của mình cũng là niềm vui nho nhỏ cho cái kiếp đời mạt vận, yếm thế. Thú nhất là vào những ngày trực ca đêm, khi thành phố chìm trong giấc ngủ say nồng là lúc tôi tự do thả hồn lên trang giấy, nói hết những điều mình cảm, mình nghĩ giữa nơi phòng ốc khang trang gấp nghìn lần cái ổ chuột nhà mình. Sách có được in hay không chưa hẳn đã quan trọng, chí ít thì đó cũng là cơ hội để tôi tìm lại chính mình… Cũng đã đôi lần bà chủ ngồi chuyện trò khá lâu với tôi, xem chừng bà muốn làm thân, nhưng không đến nỗi sỗ sàng hay khêu gợi như lời kể của anh bạn nhà báo. Bà thủng thẳng chuyện gần chuyện xa, pha chút hài hước, vẻ thân tình, nhưng vẫn giữ khoảng cách cần thiết. Có lẽ bài học về mấy vố lừa trước đây khiến bà thận trọng thăm dò đối phương chăng? Cứ thoáng nghĩ vậy tôi lại chạnh lòng cảm thấy mình như con mồi bị dền dứ. Lần này theo hẹn, tôi bước vào phòng làm việc của bà, ngập ngừng nhìn lên đồng hồ chỉ vào đúng con số mười. Bà chủ ngước nhìn tôi, nở nụ cười rất tươi như mong đợi từ lâu. Bà lại gần bộ xa lông, mời tôi cùng ngồi, ý nhị hỏi: “Em có làm phiền bác không?” Tôi đáp: “Không, thưa chị! Đang giờ làm việc, chị cho gọi thì bổn phận tôi phải có mặt.” Bà cười lấy lòng: “Bác đừng quá khiêm nhường thế, khó xử cho em quá. Em sợ bác đang bận viết lách gì cơ.” “Hôm nào phải trực đêm, tôi thường đợi đến lúc người khách cuối cùng đi chơi về mới viết gì thì viết, chị ạ!”- tôi cũng cười và khẽ khàng thưa lại trong cương vị kẻ làm thuê. Hình như để xóa đi cái không khí trang nghiêm có phần khách sáo, bà chủ của tôi ân cần mời thuốc, tự tay pha nước và bàn thẳng vào công việc sắp tới. Bà cho biết, khách sạn chuẩn bị đón một vị khách VIP từ Pháp sang ăn Tết và tìm cơ hội đầu tư lớn ở Việt Nam. Vị này vừa đưa ra hai yêu cầu khá đặc biệt vào lúc chín giờ tối, khiến bà chủ đang dự tiệc với giới quan chức trong thành phố phải vội vàng về tìm tôi. Khách muốn đón Tết ở Hà Nội bằng một chậu mai trắng, có dáng kết hợp giữa hai thế cây “Kình thiên độc trụ” và “Tam thế anh tài”, bà chủ và nhiều quan khách trên bàn tiệc bàn tán mãi vẫn không luận ra thế cây độc đáo ấy. Tôi giải thích, “Kình thiên độc trụ” là cây mai chỉ có một thân mập, xù xì vươn cao và hơi nghiêng, ở trên có tán tròn xum xuê, nếu kết hợp với “Tam thế anh tài” thì ngoài tán tròn ở phía trên, cây phải có thêm hai tán vươn dài nữa, một tán chúc xuống đất, một tán nằm ngang, hợp lại thành Thiên- Địa- Nhân. Bà chủ nghe vậy mừng rỡ chồm hẳn người về phía tôi, nắm chặt tay lắc lắc. Bà bảo: “Bác đã gỡ cho em một bàn thua trông thấy. Từ mai bác chuyên tâm tìm mua cây mai này giúp em, khách sạn sẽ có thưởng xứng đáng.” Nhưng cái yêu cầu thứ hai của khách mới thật sự làm tôi ngỡ ngàng. Bà chủ nhìn tôi rất lâu thăm dò, cười và bảo, khách muốn nhờ đích danh tôi làm hướng dẫn du lịch và giúp việc trong đàm phán đầu tư của họ. Điều này thật ngoài sức tưởng tượng của tôi, vì một thằng trí thức mạt vận như tôi, phải đi bán than, đi làm bảo vệ bỗng dưng được vị khách lạ hoắc bên trời Tây biết đến. Văn nghiệp của tôi lại cũng loàng xoàng, chìm nghỉm trong rừng sách thời nay với vài cuốn truyện ngắn, một cuốn tiểu thuyết dở dang, hơn nữa nó chẳng liên quan gì đến việc đầu tư của khách. Đêm ấy tôi bồn chồn thao thức, nghĩ mãi không thể tìm ra nguyên cớ, cứ nghĩ bà chủ lắm tiền rửng mỡ đùa dai…

 

 

2. Suốt mấy ngày tôi bươn bả đạp xe đi khắp nơi tìm mua cây mai theo yêu cầu của khách. Nhìn vào tờ FAX đặt phòng, tôi biết vị khách VIP là một phụ nữ người Pháp gốc Việt có tên là Mỹ Linh. Nàng với tôi chưa hề quen biết, sao lại nhờ đích danh tôi làm những việc tôi cũng chưa từng làm? Người chơi mai này phải có cốt cách thanh tao, tâm hồn mơ mộng mới thích loài mai trắng xứ rét, chứ không theo phong trào mua mai vàng phương Nam về bày trong phòng khách ngày Tết ở Hà Nội cho lạ mắt. Thế mai đặt ra trong yêu cầu cũng là bài toán hóc búa, không dễ gì đáp ứng. Tôi linh cảm nàng phải là con người có cuộc đời bí hiểm, bởi người chơi mai yêu thế cây “Kình thiên độc trụ” thường là đàn ông từng trải, có nghị lực thép, nhưng cô đơn chống chọi với số phận nghiệt ngã. Thế cây “Tam thế anh tài” lại thường phù hợp với con người thâm trầm, sâu sắc, bình thản trước mọi biến cố dữ dội của cuộc đời, trong kiếp nhân sinh vốn đầy rẫy bất an, âu lo, trắc trở. Hai thế cây này hợp làm một, trong chậu mai mà chủ nhân là người đàn bà giầu có cứ làm tôi thắc thỏm chờ đợi xem mặt nàng trên suốt những chặng đường tìm chậu mai thế. Tôi đã cất công lùng sục vào vườn của nhiều nghệ nhân trồng mai ở Quảng Bá, Nghi Tàm, Đông Mỹ, lên cả Bắc Ninh, cuối cùng mới tìm được chậu mai ưng ý nhất. Ngày đưa chậu mai về khách sạn Hoàng Long, mọi người đổ xô lại nhìn ngắm, ngẩn ngơ thất vọng. Gốc mai xù xì, mốc thếch, thân cây thô mập, ba tán cây thì khô khốc với những nhánh, cành khẳng khiu, lấm tấm nụ mai dày đặc chỉ nhỏ bằng đầu tăm. Vài ngày sau, cây bắt đầu ra lộc, nụ hoa lớn dần, nhưng trong ánh mắt bà chủ khách sạn vẫn còn nỗi hoài nghi, không thể hiểu nổi chậu cây đơn sơ như thế lại có giá tới năm triệu đồng. Mặc dầu vậy, bà hồ hởi cám ơn người mua, hào phóng thưởng thêm cho tôi một triệu đồng. Vào hôm khách đến, bà chủ khách sạn nghe lời ông chồng, đích thân ra sân bay đón, trang điểm lộng lẫy như một bà hoàng. Bà sai người mua cho tôi bộ com-lê đắt tiền, nài nỉ tôi cùng đi, nhưng tôi lễ phép từ chối. Tôi ở lại khách sạn chỉ huy nhân viên bày biện lại nội thất phòng VIP. Chậu mai đặt ở bậc dưới cùng bộ tam sơn bằng gỗ gụ, ngăn cách bàn làm việc của nàng Mỹ Linh với nơi tiếp khách bày bộ xa-lông kiểu đời Minh. Trên tường treo bức tranh  thêu “Thiếu nữ với hoa huệ”, phỏng theo tác phẩm của danh họa Tô Ngọc Vân. Bên buồng ngủ phía trong, tôi yêu cầu dẹp hết những thứ lỉnh kỉnh, pha tạp cổ kim. Người yêu mai thế như nàng chắc sẽ không thích không gian bức bối, phòng ngủ phải thoáng, đượm nét phương Đông. Tôi chỉ giữ lại trong buồng chiếc sập bách điểu, bàn trang điểm, tủ treo quần áo, đều bằng gỗ gụ, chạm khắc tinh xảo, và bày thêm một chậu lan hồ điệp ở góc phòng, gần cửa sổ nhìn ra hồ Trúc Bạch. Sàn nhà, tôi chọn loại thảm dạ màu xanh lam cho gần gũi với thiên nhiên và giảm bớt cái nét buồn của gam màu kem trên tường nhà… Xong xuôi mọi việc, tôi tẩn mẩn ngồi tỉa từng tán cây mai thế, ngẩn ngơ chờ đợi người phụ nữ chưa hề quen biết, nhưng dường như đã có chút thân gần, đồng cảm nhen lên từ một loài hoa tôi ưa thích.

 

3. Chiếc xe chuyên đưa đón khách của khách sạn Hoàng Long ghé sát bên thềm. Từ trên xe bước xuống một thiếu phụ thoạt nhìn thật khó đoán tuổi. Nàng bận một chiếc váy liền áo bằng tuyết nhung màu đen, may cách điệu từ kiểu sường xám Thượng Hải. Tóc nàng bới cao về phía sau, cài cây trâm bằng đá hồng ngọc làm tôn vẻ kiều diễm, quý phái của chiếc cổ cao ba ngấn trắng mịn đến mát mắt đàn ông. Chuỗi hạt xoàn đeo trước ngực dường như không sánh nổi cặp mắt sáng long lanh dưới hàng mi cong dài. Nàng khoan thai bước vào sảnh khách, ngả người trên ghế xa lông, chờ nhân viên khách sạn tíu tít chuyển hành lý lên phòng. Dáng vẻ tự tin của người lắm tiền, nhiều của không làm tôi ngạc nhiên, nhưng trên gương mặt kiêu sa kia hình như đang bợn chút u hoài. Có điều gì tận thẳm sâu miền ký ức đang khơi dậy trong nàng chăng? Nàng đảo mắt nhìn quanh sảnh khách rồi đứng dậy, lững thững ra ngoài nhìn ngược nhìn xuôi con phố nhỏ uốn lượn ven hồ. Tôi nhìn theo bóng nàng, bỗng thấy xốn xang niềm cảm thông, muốn được chia sẻ. Hình như giữa tôi với nàng có sợi dây mong manh nào đang buộc mối thắt vu vơ. Song cái sĩ diện của kẻ sĩ đã ngăn tôi lại. Người ta giầu có, đài các nhường kia, mới chỉ đánh tiếng qua bà chủ về cái tên hèn mọn này mà tôi đã vội chầm vập làm thân, khác nào thấy người sang bắt quàng làm họ. Nàng đã trở lại khách sạn, khẽ thở dài, chậm rãi bước lên cầu thang, không chịu đi thang máy. Bóng nàng mờ dần theo hình xoáy trôn ốc. Bà chủ lại gần, đập nhẹ bàn tay mềm mại lên vai tôi hỏi: “Sao hôm nay nom bác cứ đần cả người ra thế? Bị người đẹp phương xa đến hớp hồn rồi phải không?” Tôi không dám nhìn vào mắt bà, nói lảng: “Kê dọn xong phòng VIP tôi mệt quá chị ạ!” “Bác cũng đào hoa thật. Suốt dọc đường chị Mỹ Linh cứ hỏi mãi em về bác. Hai người quen biết nhau bao giờ thế? Từ hôm nay bác sẽ không còn là người của khách sạn nữa, nhưng em chỉ cho chị ấy mượn bác ít ngày thôi, nhớ đấy, đừng có mới nới cũ, bác nhé!” – bà chủ nói như hát bên tai, cử chỉ có phần hơi nũng nịu. Ơ hay, tôi đã “có gì” với bà đâu mà “có mới nới cũ” kia chứ! Tôi đánh bạo nhìn vào mắt bà, thấy như ánh lên chút ghen tỵ. Bà nói tiếp, lời pha chút hờn mát, bảo với tôi rằng, khách sẽ nghỉ ngơi yên tĩnh vài giờ, không tiếp bất cứ quan khách nào của thành phố hay người lạ; sau đó khách sẽ đi tắm, có một nữ nhân viên mát-xa giỏi phục vụ; đúng bảy giờ tối, tôi sẽ phải có mặt ở phòng VIP để bà chủ mới làm quen và giao việc. Nàng sẽ là “bà chủ mới” của tôi ư? Cái gì đang chờ đợi tôi trong những ngày sắp tới? Vẳng bên tai tôi lời nói xa xôi, bóng gió của bà chủ khách sạn từ mấy hôm trước: “Em làm khách sạn đã vài năm, tiếp xúc với Việt kiều không ít, cũng có dăm bẩy loại. Có người là doanh nhân, trí thức nổi tiếng mà lại khó làm ăn, hợp tác với trong nước. Có kẻ lưu manh chuyên nghiệp hay chỉ làm bồi bàn bên ấy mà về nước mang nhãn Việt kiều dụ được khối cô ả xí xởn mơ cuộc sống vàng son, các cô bị lừa mất cả tình lẫn tiền, cho họ cơm no bò cưỡi mới nhục chứ. Lão chồng nhà em làm chính khách mà óc bã đậu, không hơn gì mấy ả xí xởn, hễ nghe tin Việt kiều về đầu tư là mắt cứ sáng lên, gặp phải tay em thì thật giả em bóc mẽ được hết.” Bà ta nói không sai, nhưng điều ấy với tôi cũng chẳng can hệ gì. Tôi là thằng làm thuê, một kẻ nghèo hèn, không mấy hứng thú chuyện quốc gia đại sự. Tôi  cũng không có ảo tưởng xí xởn với một ai trong hai bà chủ. Họ là một thế giới khác, thế giới của quyền và tiền. Vả chăng cái tờ giấy hôn thú đã cột chặt tôi với người vợ đang ly thân cùng với những hệ lụy về con cái, giáo lý và kỷ cương gia tộc, định kiến xã hội. Điều này tôi đã từng bộc bạch với anh bạn nhà báo lúc mới vào đây làm rồi cơ mà. Thế nhưng nàng, bà chủ mới của tôi cứ khuấy động trí tò mò bởi cái thông điệp kỳ bí về cây mai thế nàng yêu cầu mà để chiều khách, bà chủ khách sạn đã sai tôi mua về.

 

4- Cuộc trình diện của tôi với nàng khá êm ái, dễ chịu. Tôi gõ cửa phòng VIP, nàng mở cửa, nghiêng mình chào tôi rất điệu đàng, lịch duyệt. Hai người ngồi đối diện trên bộ sa lông kiểu đời Minh. Tôi chủ động tìm trà pha nước cho cả hai người. Nàng tủm tỉm cười, lặng yên quan sát từng động tác của tôi lúc pha trà, mời nước. Loại trà ướp sen này chính tay tôi mua ở hiệu Chính Thái phố Phó Đức Chính để bà chủ khách sạn dùng đãi riêng nàng. Nâng tách trà nóng hổi trên tay, nàng mỉm cười và nói:

- Quả như lời ông bạn tôi, ông đúng là người Hà Nội gốc, rất gia giáo, nho nhã.

- Xin bà giải thích rõ thêm được không?

- Cứ nom bộ điệu ông thì biết. Ngày xưa ba tôi cũng dạy: “Mời trà nếu cầm một tay là vô lễ, thiếu lịch sự. Nếu cầm hai tay khư khư bưng lên mời khách là khúm núm,  thiếu tự trọng. Mời trà phải tay nâng tay đỡ mới thể hiện vừa kính trọng lại vừa t trọng.” Loại chè sen này phải qua ba lần ướp ba lần sấy, rất đúng bài bản của các cụ người Hà Nội mới có hương thơm mát và đằm đến như vậy. Nếu tôi không lầm thì nó do con cháu cụ bà chủ hiệu Chính Thái ngày xưa sao tẩm, chỉ không biết họ còn ở ngôi nhà cũ phố Hàng Bồ hay đã chuyển đi nơi khác.

- Thì ra bà cũng là người dân gốc Hà Nội.

- Gia đình tôi ở phố Lãn Ông đã năm đời.

- Nếu vậy chúng ta là đồng hương Hà Nội.

- Vâng, tôi mong rằng cùng là người Hà thành, chúng ta không cần khách sáo nữa. Từ giờ xin ông cứ gọi tôi là Mỹ Linh, còn tôi xin phép được gọi ông là anh xưng em cho thân mật. Là người gốc Hà Nội, nhưng tôi chẳng còn ai thân thích nội ngoại ở đây. Mong ông hãy coi tôi như đứa em gái xa quê lâu ngày trở về.

- Vâng. Nếu vậy xin phép hỏi, vì sao Mỹ Linh biết tôi?      

- Anh có người bạn Mỹ là Robert? – Nàng hỏi lại.

- Vâng, chúng tôi biết nhau đã gần ba năm nhưng Robert vừa mới về Mỹ, có lẽ không quay lại.

- Theo giới thiệu của Robert, anh là nhà văn, cũng đã từng là kỹ sư địa chất?

- Tôi vốn là kỹ sư địa chất nhưng chưa thể coi là nhà văn. Có lẽ bạn tôi quá yêu nên giới thiệu như vậy.

- Sao thế? Em đã được Robert cho xem khá nhiều tác phẩm của anh.

- Ở xứ mình, ai chưa có thẻ hội viên Hội Nhà văn thì vẫn chỉ là “tác giả”.

- Ra thế!... Nhưng em vẫn thích từ “tác gia” hay “tác giả” hơn từ “nhà văn” vì nó thực chất và chuẩn về nghĩa. Ở nước ngoài người ta cũng gọi tác gia thôi. Làm anh nhà văn có thẻ mà cả đời không viết ra một tác phẩm nên hồn thì hữu danh vô thực, báu gì.

- Tôi đồ rằng người làm ăn như Mỹ Linh sẽ chỉ cần anh địa chất trong tôi, phải vậy không?-  tôi hỏi và lái câu chuyện sang ngả khác. Nàng cười rất hồn nhiên đáp:

- Chẳng giấu gì anh, em về ăn Tết chuyến này cũng là để tái thẩm định hai dự án đầu tư, một là khai thác vàng ở Cẩm Thủy - Thanh Hóa, hai là khu du lịch sinh thái ở ngoại ô Hà Nội.

- Nếu ở lĩnh vực địa chất, Mỹ Linh cần giúp gì tôi sẽ cố hết sức, còn mảng du lịch sinh thái thú thật tôi mù tịt.

- Cũng chưa hẳn thế đâu. Em cần anh cả trong những cuộc đàm phán đầu tư khu du lịch sinh thái ở Hà Nội, song vì một lẽ thầm kín khác, mong anh đừng chối từ.

- Cái chính là tôi có làm được việc, có đáng được hưởng lương không - Tôi nhìn vào mắt nàng thăm dò. Nàng cúi xuống, tránh ánh mắt tôi, nhấp ngụm trà sen, khẽ thở dài nói:

- Anh đừng xem nhau bằng quan hệ chủ tớ nữa, được không? Em đã nói ngay từ đầu, mong anh hãy coi như đã gặp lại người em xa quê lâu ngày trở về. Giờ em xin nói thật, đối tác đầu tư du lịch sinh thái chính là ông chồng hờ của bà chủ khách sạn Hoàng Long này. Ông ta thông qua đứa con trai của bà vợ chính thức, lập công ty Thế Kỷ Mới rồi liên hệ hợp tác với em. Chuyện dài dòng lắm, lâu dần anh sẽ hiểu, chỉ biết em rất cần anh đóng vai tình nhân của mình trong các cuộc tiếp xúc với ông ta…

Tôi sững sờ trước yêu cầu đường đột của nàng. Chắc tại ông bạn Robert người Mỹ có ý đùa cợt nên đã giới thiệu tôi làm cái việc oái oăm này. Ông ta làm ở phái đoàn MIA, đóng trụ sở ở phố Đốc Ngữ, lấy vợ người Việt. Ông là giáo sư Sử học nên rất thân với tôi. Cuộc chơi này ngoài sức tưởng tượng và tôi không hề chuẩn bị tinh thần nhập cuộc. Chắc nàng còn nhiều lý do để cần tôi sắm vai ấy trong cuộc chơi, chưa tiện nói hết. Bản lĩnh kinh doanh và sự sòng phẳng của cuộc chơi buộc nàng phải nói trắng phớ cái giá của vai kịch là một ngàn đô la. Nhưng nhìn vào cử chỉ, ánh mắt nàng, tôi cảm nhận thấy nàng rất hiểu sự trả giá ấy là bất nhẫn, là xúc phạm người đối thoại. Tôi không nỡ chối từ, cũng chưa thể nhận lời. Nàng bảo, chỉ cầu xin chứ không nài ép và tôi hứa sẽ suy nghĩ, trả lời sau. Chúng tôi lặng im ngồi thưởng thức trà sen, ngắm chậu mai thế. Nàng thổ lộ mình rất yêu hoa mai từ nhỏ. Cha nàng đã giảng giải cho nàng nhiều loại thế mai và nét đẹp của hoa. Hoa mai đem đến cho nàng cảm giác về cái đẹp huyền biến, sự vô thường của tạo hóa. Nụ mai xuất hiện trên những cành khẳng khiu vào cuối đông giá lạnh. Những chấm li ti lớn dần, hé lộ ra một điểm hồng thắm nho nhỏ. Thế rồi một sớm mùa xuân mai nở rộ, xòe ra những cánh mỏng, trắng ngần, thanh khiết. Hoa to bằng đồng xu, hương thơm dìu dịu. Qua đi dăm ngày, giữa mỗi đài hoa trắng lại xuất hiện trong lòng nó một điểm phớt hồng, gieo vào lòng ta niềm xốn xang khi mùa xuân về… Nàng nói về hoa mai với tất cả niềm đam mê, xen lẫn nỗi lòng thành kính tưởng nhớ người cha. Người yêu cây, yêu hoa, hiếu đễ như nàng mà lại thuê tôi sắm vai tình nhân trong cuộc chơi giữa đời nhiều sự phản trắc, dối lừa, hẳn có nhiều lý do thầm kín, song người như nàng không thể đẩy tôi vào chỗ bất nhân, phi pháp.

Tôi chia tay nàng về nhà miên man suy nghĩ. Các con tôi vẫn vô tư ngoan ngoãn học bài. Mẹ chúng đi chơi khuya về đang dằn hắt chúng vì những chuyện vu vơ. Chúng có tội gì đâu, cô ấy muốn mượn cớ gây sự với tôi thì có. Tôi ngang ngạnh, bất tài, để gia đình phải sống trong nghèo túng. Cô ấy chán chồng thì cứ việc đi chơi với gã nào đó, từ lâu tôi chẳng thiết, chỉ đừng dằn hắt lũ con bé bỏng, tội nghiệp của tôi. Chao ôi, một ngày sắp hết, biết bao biến cố dồn dập làm tôi phân thân, mệt rã!... 

 

 

 

5- Những ngày đầu, tôi đưa Mỹ Linh đi thăm thú khắp nơi trong thành phố, ăn những bữa cơm bình dân ở quán nhỏ ven đường. Chúng tôi kể cho nhau nghe về những kỷ niệm với từng hàng cây, góc phố, con đường tuổi thơ. Nàng ứa lệ chỉ cho tôi căn nhà xưa ở phố Lãn Ông, ngôi trường ở phố Chợ Gạo. Về tới khách sạn, nàng thân mật cởi mở, nói chuyện với mọi người, kể cả nhân viên phục vụ, nhưng không hề suồng sã. Từng cử chỉ lời nói của nàng đều đoan chính, lịch sự mà không một chút kênh kiệu, đài các như mấy bà Việt kiều rởm khác mà tôi từng gặp. Tuy vậy, có vài điều khiến tôi băn khoăn về lai lịch của nàng nên chưa thể nhận vai diễn. Có những tối khách đến tìm gặp Mỹ Linh rất đông, pha tạp đủ loại, thậm chí cả những vị khách có khuôn mặt dữ dằn, lời nói bặm trợn kiểu chợ trời hay dân đao búa ngoài nhà ga, bến xe. Họ trò chuyện với nàng rất thân mật kiểu bỗ bã, nhưng thái độ lại rất khúm núm, sợ sệt. Đứng giữa họ, con người Mỹ Linh toát ra một thứ uy lực đặc biệt, không phải vì tiền mà vì một thứ ám ảnh ma quái từ rất lâu, rất sâu sắc, mãnh liệt. Bà chủ khách sạn đã mấy lần thì thầm với tôi về những hình xăm, tôi không tin, ngỡ bà nhỏ nhen, xúc xiểm để tôi xa lánh nàng. Đàn bà khi ghen dễ thành kẻ điêu toa, nanh nọc. Bà chưa có gì với tôi, nhưng gần đây có lúc tỏ ra tình tứ với tôi hơi lộ liễu, khiến tôi ngượng chín người. Mỹ Linh vẫn có thói quen hàng ngày vào chiều hoặc tối, sau khi tắm xong nằm khỏa thân trên giường, thuê một nữ thầy thuốc Đông y đến mát-xa và tôi đã tìm cô hỏi chuyện. Đúng vậy, cô xác nhận, trên cơ thể nàng, bụng và ngực xăm một con sư tử lớn, hai chân trước con sư tử chồm lên đỡ lấy hai bầu vú. Lưng nàng xăm trổ rất đẹp, copy theo bức tranh của danh họa cổ điển người Ý, vẽ cảnh nữ thần ái tình sau mỗi cuộc ái ân đều chặt đầu gã đàn ông trước lúc bình minh ló rạng. Chuyện đến nước này khiến tôi tá hỏa, hoang mang không rõ con người thật của nàng ra sao nữa. Tôi nhớ lại buổi nói chuyện với nàng về hoa mai, càng thêm khó hiểu. Tận thẳm sâu tôi tin nàng là người đàng hoàng, nhưng sự thật diễn ra trước mắt làm tôi cứ rờn rợn. Bà chủ khách sạn được đà, thả sức nói xấu nàng trước mặt tôi. Thậm chí bà quả quyết rằng, nàng là chúa đảng mafia trong đám Việt kiều lưu manh ở nước ngoài, về nước đầu tư là để rửa tiền mà thôi. Có điều rất lạ là dù bà chủ khách sạn nói thế nào thì ông chồng vẫn gạt phắt, cứ thản nhiên cười xòa, cho đó là chuyện vặt. Ông còn ra lệnh cho bà phải nhắc nhở nhân viên giữ lễ độ, phục vụ chu đáo, không để khách mếch lòng. Một lần cùng nàng đi lễ ở phủ Tây Hồ, để thăm dò việc đầu tư của nàng hư thực ra sao, tôi hỏi:

- Mỹ Linh lần này về đầu tư khai thác mỏ vàng đã tìm hiểu tình hình đến đâu rồi?

- Đương nhiên, để chuẩn bị cho hạng mục đầu tư này, trước khi về Việt Nam, em đã giao cho văn phòng phát triển của hãng nghiên cứu suốt ba tháng trời. Theo báo cáo của các chuyên viên, có ba hãng của Úc, Thái Lan, Nga đã đi trước em một bước. Họ đã giành được những mỏ có điều kiện khá tốt. Tuy nhiên Nga đã thất bại ở Na Rì (Bắc Thái) còn Úc ở Bồng Miêu (Quảng Nam) và Thái Lan ở Lục Yên (Yên Bái). Song họ đều chỉ là những hãng nhỏ, không có tiếng tăm, thực lực yếu, sẽ không thể là đối thủ của em. Lần này về Việt Nam, văn phòng phát triển của hãng đề nghị em xem xét tính khả thi dự án ở các vùng Sông Cầu (Phú Yên), Sông Lô (Tuyên Quang), Cẩm Thủy – Bá Thước (Thanh Hóa), Kim Bôi (Hòa Bình)… Nhưng thâm tâm em đã chọn Thanh Hóa vì tài liệu địa chất ở đây cho biết ngoài vàng sa khoáng ra, khả năng có vàng gốc không thể lường trước là sẽ lớn đến mức nào. Hơn nữa, nếu thành công, em muốn vươn tay với thêm vùng Quỳ Châu (Nghệ An), sẽ rất thuận lợi. Đấy là không kể đến việc em có duyên nợ với xứ Thanh, không sao quên được, anh à. Chuyện đời éo le và dài lắm!...

- Nhưng ở Cẩm Thủy – Bá Thước điều kiện giao thông rất kém?

- Giao thông không phải là điều em quan tâm. Vàng là loại hàng hóa đặc biệt, giá trị cao, tỷ trọng phí giao thông trong giá thành sản phẩm khai thác mỏ vô cùng bé.

- Vậy điều quan tâm nhất của Mỹ Linh là gì?

- Quản lý và điều hành khi khai thác. Làm thế nào để có năng suất cao và không bị ăn cắp sản phẩm là vấn đề đau đầu em nhất trong hạng mục đầu tư này.

- Em định chọn hình thức đầu tư nào?

- Từ bài học của Úc, Nga, Thái Lan ở Việt Nam mấy năm qua, em rút ra kết luận đầu tư khai thác vàng bạc đá quý chọn hình thức liên doanh là không ổn. Em sẽ đầu tư một trăm phần trăm vốn. Vấn đề là còn phải chờ xem phía Việt Nam đưa ra điều kiện thế nào? Nếu hợp lý là em ký liền.

- Mỹ Linh thực không hổ danh là bà chủ lớn trong giới Việt kiều. Những hiểu biết của em còn sâu sắc hơn cả một số chuyên gia khai thác vàng sành sỏi ở Việt Nam.

- Nguyên tắc kinh doanh đòi hỏi em phải nghiên cứu, tìm hiểu tỉ mỉ mọi vấn đề. Người làm ăn dù lớn hay nhỏ đều phải như vậy. Không thể ngẫu hứng hay cưỡi ngựa xem hoa được đâu, anh ơi! Qua Robert, em tìm đến anh cũng là để khai thác thêm những gì còn chưa biết, chưa hiểu. Buổi đầu là như thế. Nếu sau này có hợp tác làm ăn với nhau, chính công việc sẽ đẻ ra tình cảm, công việc sẽ đẻ ra tiền cho anh và em. Phải thế không anh?

Nàng cười nhìn tôi, đuôi mắt hơi nheo lại rất hóm hỉnh. Càng tiếp xúc với nàng, tôi càng thấy người đối thoại dễ bị chinh phục bởi sắc đẹp, vẻ duyên dáng, ứng xử nhanh nhạy, tế nhị của nàng. Sau lần đi phủ Tây Hồ, tôi đã phần nào yên tâm về nàng. Tôi đưa nàng đi tiếp xúc với các quan chức, các nhà khoa học có tên tuổi trong ngành địa chất, khai mỏ, tuyển khoáng, phân kim… Nàng nhờ tôi tháp tùng đi đàm phán với Bộ Công nghiệp và chính quyền địa phương tỉnh Thanh Hóa.

Lễ ký biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác vàng giữa ông chủ tịch tỉnh và Mỹ Linh diễn ra suôn sẻ, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và chủ nhiệm Ủy ban hợp tác đầu tư của Chính phủ. Trên đường từ Thanh Hóa ra Hà Nội, Mỹ Linh rất vui. Nàng luôn miệng cười nói. Thỉnh thoảng nàng khẽ hát một bản tình ca bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Tôi để ý thấy nàng không hát nhạc hiện đại phương Tây mà rất thuộc nhạc cổ điển của G.Verdi, Sube, Sopanh… Giọng nàng nghe rất trẻ, vừa mượt vừa trong. Đến Tam Điệp, trước cảnh núi non hùng vĩ, nàng đưa mắt nhìn ra ngoài đăm chiêu, tư lự. Hồi lâu nàng nói:

- Em biết mấy ngày đầu anh còn dè dặt với em nhiều.

- Quả có như vậy, Mỹ Linh ạ!

- Dễ hiểu thôi. Người ta thường nói: “Muốn biết anh là người thế nào hãy quan sát các bạn bè anh”. Nhìn thấy đám khách của em ở khách sạn chắc anh hết vía, và có lẽ anh khinh thường em lắm phải không?

- Chưa hẳn là như vậy.

- Nhiều lần em muốn tâm sự, giải thích cho anh nghe về lai lịch của mình, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy chưa cần thiết.

- Đến hôm nay tôi đã phần nào hiểu Mỹ Linh. Hy vọng chuyến về nước đầu tư của em sẽ thành công.

- Cảm ơn anh!...

Chúng tôi còn tâm tình nhiều chuyện về thành phố quê hương, về gia đình và học hành của con cái. Tôi nói sơ sơ về cô vợ, giấu nhẹm những bất hòa gần đây. Tôi cũng kể  về tuổi thơ khốn khó của mình và rất muốn nghe chuyện tuổi thơ của nàng. Mỹ Linh xúc động cầm tay tôi bóp nhẹ. Nàng ngả hẳn đầu vào vai tôi kể về gia đình và thời thơ ấu của mình. Nàng vừa kể vừa thổn thức, có lúc ôm chầm lấy tôi, người run lên, mắt nhòa lệ, toàn thân cứng đơ, lạnh giá như hồn ma xác chết. Tôi bàng hoàng ngồi nghe, ngỡ chuyện xảy ra ở một hành tinh khác, ở đó, con người sống lẫn với quỷ sứ, sói lang... 

 

6- Em sinh ra trong một gia đình trí thức có danh có giá ở Hà Nội. Họ Lê nhà em người thì dịch sách, người thì soạn từ điển, người làm giáo sư sinh ngữ hoặc nghiên cứu Hán học. Bố em là giáo sư tiếng Anh từ thời Pháp thuộc. Ông giỏi tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ, tu nghiệp thêm tiếng Anh ở Luân Đôn, về nước mở một trường tư thục. Các giáo viên đều là bạn học cũ có hoàn cảnh gia đình nghèo túng hay đang thất nghiệp. Ông vừa làm hiệu trưởng vừa nhận phụ trách môn tiếng Anh. Thực ra ông mở trường học cho vui và giúp đỡ bạn bè, học sinh nghèo. Hồi ấy, nhiều người viết hay dịch sách chỉ cần cầu cạnh bố em một chữ ký “đã hiệu đính” là ông có đủ tiền mua một chiếc ô tô loại sang. Song không phải với ai ông cũng nhận lời. Mẹ em có một cửa hàng bán thuốc bắc to nhất phố Lãn Ông, cung cấp cho các tỉnh ở Bắc và Trung Kỳ. Tiền, vàng của mẹ em đủ tậu hàng chục ngôi nhà ở Hà Nội. Em học tiếng Anh, tiếng Pháp từ hồi còn bé tí. Nếu cuộc đời không có những bước ngoặt cay đắng thì vào thời mở cửa như lúc này, với vốn liếng tiếng Anh, tiếng Pháp và gia tài được chia của bố mẹ, xoàng ra em cũng là chủ một khách sạn lớn… Chuyện bắt đầu từ điều bất hạnh của bố em. Một tai họa vừa phi lý lại vừa khủng khiếp. Trong trường của bố em có một lão chuyên quét rác và đánh trống. Quê hắn ở Phủ Hồ bên đất Kinh Bắc. Năm Ất Dậu, khi cách mạng nổi lên, hắn là thằng mõ làng hùa theo đám đông đi phá kho thóc ở Phủ Hồ. Sau đó, hắn được bầu làm xã đội trưởng dân quân. Người Pháp quay trở lại lùng bắt cán bộ Việt Minh, hắn sợ chết không dám lên chiến khu mà trốn ra Hà Nội lang thang xin việc. Bố em gặp hắn ở chợ người phố Hàng Chiếu đói rách, ghẻ lở. Ông thương tình cho hắn về làm chân gác cổng, quét rác và đánh trống. Hắn được ở trong trường, được cấp lương và còn được bố em dạy cho biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, do lối sống bê tha, dung tục, hắn thường bị bố em đe nạt, nghiêm khắc nhắc nhở, dọa nếu không sửa sẽ đuổi việc. Nhiều lần người ta phát hiện hắn dám chứa chấp bọn gái điếm đưa giai vào hành nghề trong trường học để lấy vài chục đồng Bảo Đại. Bố em nghe chuyện quá tức giận, cho hắn mấy cái bạt tai. Ai ngờ chính mấy cái tát đó sau này trở thành tai họa khủng khiếp cho ông và gia đình. (Kể đến đây nàng bật khóc. Tôi lấy khăn lau nước mắt cho nàng.) Trước ngày Thủ đô giải phóng, họ hàng, bè bạn khuyên bố em di cư vào Nam, nhưng bố em dứt khoát không nghe. Để ép buộc bố em phải di cư, ông bà nội lấy cớ không thể xa cháu đích tôn đã đưa anh trai em vào Sài Gòn. Dẫu thế, bố em khi ấy vốn sục sôi nhiệt huyết cách mạng, kiên quyết không theo chân người Pháp vào Nam, ở lại đón chờ Chính phủ kháng chiến. Em khi ấy mới tròn một tuổi. Hàng ngày ông cùng học sinh đi tập hát những bài ca cách mạng, may cờ và biểu ngữ đón chào những người con anh dũng của Thủ đô từ chiến khu trở về, trong đó có cả bạn bè và học trò cũ của ông. Ngày đầu tiếp quản, gã đánh trống của trường lăng xăng khắp chốn cùng nơi hò hét, hô khẩu hiệu. Hắn tình cờ gặp người cùng làng làm đại đội trưởng, đóng quân ở gần trường học, bèn lân la làm thân và tìm cách chạy chọt, nhờ ông ta xác nhận đã từng là đảng viên, làm xã đội trưởng dân quân từ năm 1946. Lập tức hắn trở thành nhân vật quan trọng của trường học và các khu phố lân cận. Người ta cho hắn đi học lớp bổ túc lý luận ba tháng, sau đó trở về làm hiệu trưởng của chính trường do bố em lập, nay đã thành trường quốc lập. Việc làm đầu tiên khi nhận chức của hắn là thay toàn bộ ban giám hiệu cũ của trường. Hắn ngồi ghế chủ tọa, hút thuốc lào sòng sọc bằng điếu cày, xoa tay tuyên bố: “Tiếng Anh, tiếng Pháp là những thứ tiếng thực dân đế quốc. Học sinh bây giờ chỉ học tiếng Nga, tiếng Trung. Giáo viên tiếng Anh của trường không cần nữa nên phải chuyển sang làm đánh trống, gác cổng.” Mọi người nhìn bố em ái ngại, nhưng ông chỉ cười buồn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới phân công của cách mạng. Từ hôm đó, bố em âm thầm an phận với chùm chìa khóa và chiếc dùi trống, không một tiếng phàn nàn. Khi Nhà nước tiến hành cải tạo công thương nghiệp, mẹ em bị quy là thành phần tư sản. Gia đình em có người di cư vào Nam và ngôi nhà phố Lãn Ông do ông bà nội đứng tên nên bị coi là nhà vắng chủ, đi theo địch, phải tịch thu làm trụ sở y tế khu phố. Người ta phân cho bố mẹ em một gian gác ở phố Hàng Thùng. Nơi đây suốt ngày chát chúa tiếng gò hàn. Bố em không chịu được tiếng ồn, đau đầu vật vã không thể làm việc, đọc sách được. Tay hiệu trưởng giả bộ đạo đức, đồng ý cho gia đình em chuyển vào ở trong trường, ngay tại gian nhà gần khu vệ sinh mà khi xưa hắn từng ở để tiện việc quét dọn. Cả ba nhân mạng trông vào đồng lương gác cổng của bố em và ít tiền, vàng mẹ em cất giấu được, lâu dần cũng cạn. Đã thế, tay hiệu trưởng luôn tìm cách soi mói, làm nhục bố em trước mặt mọi người. Hắn công khai tuyên bố phải để cho loại người chuyên ăn trên ngồi chốc như bố mẹ em cải tạo lao động “cho biết thế nào là lễ độ”. Thỉnh thoảng, hắn ghé qua nhà em nhăn mặt, nhăn mũi, phê bình người trí thức sao ăn ở mất vệ sinh làm gương xấu cho học trò. Thật tức cười! Một thằng vô học, áo quần xộc xệch, tay cầm tăm xỉa răng tanh tách, tay khác gãi bụng sồn sột lại cao ngạo lên lớp nhà trí thức có tên tuổi như bố em về cách ăn nếp ở, về tính mô phạm nhà giáo! Bố em chỉ cười mát, báo cáo xin tiếp thu ý kiến phê bình của ông hiệu trưởng. Con người bố em là thế, luôn ung dung tự tại, nhẫn nhịn để chờ thời, hy vọng có ngày người ta nhận ra sai lầm, thay đổi chính sách với người trí thức, đưa xã hội tiến lên. Thấy vậy hắn càng cay cú tìm cách trù dập ông cụ… Thấm thoắt mười năm qua đi. Bố mẹ em quen dần với cảnh sống đạm bạc. Ông xin dịch thêm tài liệu cho một cơ quan nghiên cứu lấy tiền uống cà phê và hút thuốc Bông Lúa, loại thuốc rẻ tiền nhất lúc bấy giờ. Mẹ em khi tiền, vàng giấu được đã hết, muốn nuôi em ăn học chỉ còn nước liều, muối mặt ra cửa chợ Bắc Qua, Đồng Xuân buôn bán trao tay các loại tem phiếu và hàng nhu yếu phẩm. Hồi đó mẹ em bị liệt vào hàng “con phe” tức thành phần bất hảo. Nghề này khá phức tạp, vốn dĩ hiền lành nên mẹ em hay bị chèn ép. Em thỉnh thoảng phải ra chợ giúp mẹ nên sớm trở thành con bé đanh đá chua ngoa, nhất là những lúc em bênh vực mẹ, chửi nhau với người khác. Điều này bố em cấm kỵ, nhưng vì thương mẹ nên em vẫn lén lút làm. Dần dần, vừa đi học em vừa là người buôn bán chính của gia đình. Vì học ca chiều, sáng em dậy từ năm giờ cắp rổ ra chợ. Quầy thịt cá, đậu phụ, nước mắm nào cũng có vài hòn gạch của em dấm chỗ. Em len lỏi giữa đám người xếp hàng rồng rắn, xô đẩy, chen lấn, chửi bới họ để mua thực phẩm. Sau mỗi lần mua thuê như vậy, em được từ hai đến ba hào. Tính ra mỗi buổi sáng, lúc chợ Đồng Xuân khi chợ Hàng Bè, em cũng kiếm được từ đồng rưỡi đến hai đồng, hơn cả tiền dịch sách một đêm của bố. Đó là chưa kể có người không dùng đến phiếu đậu phụ hay phiếu nước mắm, em có thể xin lại để mua hàng giá cung cấp, bán hàng giá cao ăn chênh lệch. Nếu gặp mấy ông bà thợ móc cống có phiếu thịt loại cân rưỡi đem bán để mua quần áo sách vở cho con, thậm chí để đánh bạc thì hôm đó em trúng to. Mấy bà bạn nghề của mẹ không ngớt khen em lanh lợi, xông xáo. Nghe họ khen con mình, bà chỉ cười buồn, u uất. Chỉ sau này mình có con gái, em mới hiểu được hết nụ cười buồn ấy. Bà đâu muốn em lam lũ nhếch nhác suốt ngày ngoài chợ. Bà đâu muốn con mình đi học mà quần áo, đầu tóc sặc mùi nước mắm. Và trước hết, bà không muốn con mình như kẻ hạ lưu. Bà thầm ao ước em hàng ngày mặc quần áo đẹp, tung tăng cắp sách tới trường. Người ta nói đang xây dựng một xã hội công bằng, nhưng hơn ai hết, tuổi thơ của em thấm thía sự bất công. Mặc dù vậy, em vẫn học xuất sắc nhất nhì lớp. Có lẽ đó là do di truyền của bố em. Riêng về tiếng Anh, tiếng Pháp thì cả trường không có ai học nên em không có đối thủ. Em có thể nói và viết khá chuẩn những câu tiếng Anh, tiếng Pháp thông thường trong giao tiếp, ngay từ lúc còn học cấp một. Ác thay, vì thế mà người ta lại vu cho bố em ngấm ngầm cho con gái học tiếng của bọn đế quốc để chờ thời cơ liếm gót địch, chống lại cách mạng!... (Nàng lại khóc tức tưởi)…Em dậy thì vào loại sớm. Mười ba tuổi em đổi khác từng ngày, càng dậy thì càng đẹp. Ngực nở. Tóc dày, óng mượt, mặc dù có vương mùi cá thịt hay nước mắm.  Môi đỏ không cần son phấn. Khách đến nhà nức nở khen tay em thừa hưởng của mẹ, ngón nào ngón ấy thon dài như búp tay phật. Thoạt nhìn ít ai nghĩ em mới đang ở tuổi mười ba, chớm sang tuổi mười bốn. Giữa lúc đó mẹ em qua đời sau một ca đẻ khó. Mấy năm kiêng cữ, hai ông bà thèm có một đứa con trai. Ai ngờ lần ấy mẹ em không qua được số mệnh đã an bài, bà và con trai cùng chết trong bệnh viện. Bố em thương vợ, suốt ngày ngồi ở góc nhà biếng ăn quên ngủ. Bà mất được mấy ngày thì ông cũng ốm liệt giường. Em có ngờ đâu giữa những ngày tang tóc, ông giời lại bắt em phải dồn dập hứng chịu bao nỗi bất hạnh và tủi nhục, tưởng không còn thiết sống, thà chết theo mẹ còn hơn…(Nàng gục vào tôi rồi đấm ngực, cào cấu mà khóc như chưa bao giờ được khóc.)… Gã hiệu trưởng từ lâu vẫn sống độc thân. Thời ấy người Hà Nội ta tuy đời sống khốn khó nhưng vẫn còn giữ đượcnhiều nét thanh lịch, làm sao có thể chấp nhận một thằng hạ lưu như lão ấy cơ chứ. Không người đàn bà nào đến gần hoặc bắt chuyện với hắn. Các cô giáo trong trường hễ thấy hắn lại gần là tìm cớ bỏ đi nơi khác. Trong trường chỉ có hắn sống ở một phòng to trên gác hai và gia đình em chui rúc trong gian nhà hôi hám tầng dưới. Hắn nhiều lần hướng cặp mắt thèm thuồng về phía em. Thậm chí hắn còn rình lúc em đi vệ sinh hay đi tắm vào buổi đêm, vờ vịt ra mở nhầm cửa để nhòm ngó. Lợi dụng lúc bố em ốm nặng, hắn lấy tư cách lãnh đạo xuống lân la hỏi thăm sức khỏe ông cụ, giả nhân giả nghĩa ái ngại cho em sớm phải vất vả. Một hôm, trời vừa sẩm tối, hắn mò đến nhà, lại giường bố em sờ trán ông rồi kêu lên: “Sao đầu ông cụ lại nóng thế này? Có lẽ nguy mất!... Cháu chạy nhanh lên phòng chú lấy lọ thuốc hạ sốt xuống đây.” Em khi ấy còn non dại ngây thơ, chỉ biết thương bố, nào có đề phòng gì, hốt hoảng chạy lên gác vào buồng của hắn. Vừa đẩy cửa bước vào em chỉ kịp thấy bóng đàn ông lao theo, đè nghiến mình xuống nền nhà. Em điên cuồng cào cấu, giãy đạp, nhưng không chống cự nổi. Hắn xé nát hết quần áo của em, phả hơi thở nồng nặc mùi rượu và mùi tỏi lên mặt em, mắt hắn trắng dã và dữ tợn. Hắn chiếm đoạt em với tất cả sức lực trâu điên, bằng sự cuồng dâm thô bạo. Em đau đớn và kiệt sức mê man không biết giời đất gì nữa. Hắn còn không chịu buông tha, trói tay em vào thành giường, nhét giẻ vào mồm, tiếp tục dày vò em suốt đêm. Khi em tỉnh dậy, thấy mình trần truồng nằm trên giường. Bên cạnh em là thằng già bằng tuổi bố mình, ngáy như bò rống, nước rãi sùi ra hai bên mép. Em đã trở thành đàn bà giữa tuổi mười bốn còn non một tháng, vào chính ngày “tuần tứ cửu” của người mẹ xấu số. Em gào lên cắn cấu, chửi rủa thằng khốn nạn đã phá đời con gái của mình. Hắn còn trơ cái mặt thớt nhe răng cười và bảo sẽ cưới em làm vợ. Em đời nào chịu làm vợ một thằng đê tiện, hèn hạ như hắn! Mấy hôm sau, đợi lúc em hồi sức ra chợ kiếm sống, hắn ngồi bên giường bệnh kể hết chuyện xảy ra với bố em, vờ sụt sùi ân hận và yêu cầu được cưới em làm vợ, sau khi đã tự tay lục hồ sơ của trường, tảy xóa giấy khai sinh và học bạ của em chữa tuổi thành 18. Ông cụ quá uất ức, bột phát đau tim chết ngay trên giường, không kịp trăn trối với em nửa lời. Trong vòng hai tháng trời, em mất cả cha lẫn mẹ, tấm thân bị dày vò ô nhục. Đưa người cha ra nghĩa địa, em thề sẽ trả thù tên hiệu trưởng đê tiện ấy… (Tôi bồi hồi xúc động, rót chén trà sen mang theo trên xe để cho nàng tạm ngừng kể, hồi tâm tĩnh trí.)... Nghề phe phẩy của em ngoài chợ va chạm với đủ loại người. Em thường xuyên cãi lộn, thậm chí phải đánh nhau với kẻ khác bất kể đàn ông hay đàn bà. Sức vóc em mảnh mai không dễ gì thắng cuộc. Vũ khí duy nhất của em là sự chua ngoa, đanh đá đến bặm trợn, liều lĩnh. Cùng nghề phe phảy của em ở chợ Hàng Bè có Sếnh Tàu. Nó hơn em một tuổi, nhưng rất to con. Bố Sếnh Tàu là người Sơn Đông - Trung Quốc rất giỏi võ thuật. Trước khi lưu lạc sang Việt Nam, ông đã từng đi khắp miền Giang Nam - Trung Quốc làm nghề mãi võ, bán thuốc cao kiếm sống. Sếnh Tàu được bố dạy võ từ năm lên bảy. Là con gái, một mình nó có thể xơi tái năm người đàn ông lực lưỡng. Nếu vào thế đứng ở góc tường hay gốc cây cổ thụ, tay cầm một dây thắt lưng bộ đội, mười thằng đàn ông cầm gậy, cầm dao cũng không dám tới gần. Thằng nào liều lĩnh xông vào không rách môi cũng què cẳng. Em mê nhất là cú đá “phi thiên cước” của Sếnh Tàu. Chính mắt em đã chứng kiến nó tung người lên đá trúng giữa mặt thằng hàng xóm bất hiếu đang chửi đánh mẹ, nã tiền đi đánh bạc. Tên hàng xóm mặt mày thâm tím, sưng vù như bị ong đốt hàng tháng trời vẫn chưa khỏi. Sếnh Tàu rất thân với em. Hai đứa như hai chị em ruột chia sẻ ngọt bùi. Trong làm ăn nó có võ, em có mẹo, hai đứa thành một cặp bài trùng lý tưởng. Từ hôm biết em bỏ học, bố mẹ chết hết, thân bị làm nhục, nó cứ lồng lên sùng sục, đòi đi đánh thằng hiệu trưởng một trận nên thân giữa buổi chào cờ thứ hai đông đủ học sinh. Em cố can Sếnh Tàu. Em muốn đợi đến sau giỗ đầu bố mẹ, học xong võ thuật sẽ tự mình hỏi tội thằng chó đẻ… Và từ hôm đó, em mang đồ đạc, quần áo đến ăn ngủ tại nhà Sếnh Tàu ở ngõ Phất Lộc để chuyên tâm học võ. Hàng tháng em chỉ ghé qua nhà vào ngày rằm, mồng một thắp hương cho hai cụ. Lòng khao khát được trả thù khiến em say mê học võ, luyện tập khí công bền bỉ đêm ngày. Bố con Sếnh Tàu không hề e ngại, hết lòng truyền cho em những miếng võ bí truyền. Sau một năm em đã thành đạt. Em thuần thục ngón đá “phi thiên cước” không thua gì Sếnh Tàu. Gót và mắt cá chân em được luyện tới mức dùi sắt nung đỏ có thể gí vào cháy xèo xèo, mặt vẫn tỉnh bơ hút thuốc. Trực diện với đối phương, mũi chân em như lưỡi rìu thép của tiều phu đốn củi, có thể phạt bay quai hàm của kẻ địch. Nhng khi em đảo một vòng nện gót chân vào gáy của đối phương thì chẳng khác gì búa tạ mười cân giáng xuống, kẻ dính đòn không gãy cổ thì cũng mang tật suốt đời. Bước nhảy của em gọn nhẹ và biến hóa khôn lường. Sau lần tỷ thí, kiểm tra công lực và võ thuật với bố con Sếnh Tàu, em thầm nhủ lòng đã đến ngày trả thù thằng mõ làng, quân chó đểu mạo danh trí thức.

Đêm ấy là hạ tuần tháng tám âm lịch. Trời tối trăng và oi bức. Em chủ động đón đường lão hiệu trưởng, giả bộ ngoan ngoãn tuân theo số phận, thuận tình làm vợ hắn,  rủ hắn đạp xe đèo em lên bãi mía ở bờ sông làng Chèm, ngoại ô thành phố. Khi em và hắn vào sâu trong bãi mía um tùm, em bấm đèn pin, cởi hết quần áo, bảo hắn quỳ xuống, úp mặt lên cái của mình thè lưỡi liếm. Bây giờ lũ bụi đời hay những thằng quan tham, những ông chủ đỏ vô luân xem phim con heo mới coi đó là trò khoái lạc, chứ thật sự lúc đó em cho đó là trò hạ nhục khủng khiếp nhất nên chỉ thấy hả hê vì được trả thù. Ở nhà quê, các bà chửi nhau thường hay rủa kẻ đối diện liếm nọ, mút kia mà. Hắn tưởng bở, toan làm nốt cái động tác cuối cùng của giống đực. Bấy giờ em mới thúc mạnh đầu gối vào mặt hắn, chống nạnh cười khanh khách, tay lăm lăm cầm con dao nhọn sắc, gầm lên: “Đủ rồi thằng đĩ đực! Thằng mõ làng đê tiện! Bà gọi mày đến đây để hỏi tội, để trả món nợ nghìn đời chứ đâu phải cho mày đú hả con! Bà sẽ cắt cái của nợ của mày về làm gỏi.” Hắn lắp bắp van lạy em như tế sao, mặt xám ngoét. Em điên tiết, nhảy lên đá một cú như trời giáng giữa mặt, làm hắn rống lên như bị chọc tiết rồi đổ vật xuống đất. Bao nhiêu căm thù dồn nén khiến em lồng nên dữ dằn như cọp mất mồi, đấm đá túi bụi lên mặt hắn. Chỉ một lúc sau người hắn mềm như sợi bún, mặt méo mó biến dạng đến thảm hại, hơi thở thoi thóp. Em đã có chủ định bêu xấu thằng lưu manh mạo danh trí thức. Bao nhiêu quần áo của hắn, em đặt lên bè chuối, thả xuống sông Hồng cho nước cuốn đi, không quên cài thêm mảnh giấy vào cúc áo, thông báo địa chỉ, chức vụ, tên tuổi, tội trạng của hắn. Còn thân thể phì nộn, trần như nhộng của hắn, em trói nghiến lại, lật ngửa, đội lên đầu hắn cái silíp của mình, cổ quàng vào chiếc cóc sê và viết lên mặt hắn bằng mực Tàu mấy chữ “sự trả thù của đàn bà”. Chiếc xe đạp của hắn thời đó là của quý hiếm, em lấy đá ghè nát… Sau chuyện đó hắn phải rời trường cũ, lánh về quê làm hiệu trưởng một trường cấp hai. Thế là bỗng nhiên hắn thành tấm gương sáng, tình nguyện đem ánh sáng văn hóa của Đảng tới vùng nông thôn hẻo lánh. Cuộc đời sao cứ như tấn trò hề cười ra nước mắt! Em làm nhục hắn đến mức ấy, ngỡ hắn phải nhục đến đâm đầu xuống sông mà chết thì hắn lại được tâng bốc lên thành nhà giáo gương mẫu...

 

7- Tôi ngồi trên xe, chết lặng đi vì câu chuyện về tuổi thơ dữ dội của nàng. Phải chăng vì cuộc đời xô đẩy nàng từ chốn cao sang vào kiếp sống giang hồ nên nàng mới quen biết những khuôn mặt dữ dằn mà tôi đã thấy ở khách sạn Hoàng Long, để bà chủ có cớ nghi ngờ, dè bỉu nàng với tôi? Tuổi thơ tôi cũng có phần na ná cảnh ngộ của nàng. Mẹ tôi muốn chồng được yên thân, con cái được học hành tử tế đã hiến cả tiệm buôn vải và tơ lụa to nhất phố Hàng Đào, xin làm việc ở tổ hợp tác thu mua vỏ bao xi măng ở các công trường. Tôi phải vừa đi học vừa kéo xe bò chở than quả bàng, đi giao cho các hộ dân trong nội đô để phụ giúp mẹ nuôi tám đứa em thơ. Bây giờ, trong cảnh huống trớ trêu, tôi đang dính dáng đến ba người đàn bà, họ khiến tôi có cảm giác như cuộc đời này là một mớ rối bòng bong, đảo lộn tất cả. Nàng như thế đã đi một nhẽ, còn bà chủ khách sạn thì sao? Bà gốc người xứ Thanh, bố dỡ đó mẹ xó chùa, chỉ nhờ chút nhan sắc, khéo chài mồi ông sếp bự mà bỗng từ chị văn thư đánh máy quèn nhẩy lên thành bà chủ đài các giữa đô thành hoa lệ thời mở cửa. Vợ tôi ư? Cô ấy xưa đâu có đến nỗi nào, cũng gia đình nề nếp, bằng cấp đại học hẳn hoi, bỗng nhiên đổ đốn, bồ bịch lăng nhăng. Tôi ly thân nhưng không muốn phá vỡ tổ ấm gia đình, sợ các con bơ vơ, họ mạc phiền trách. Cô ấy thì một hai đòi ly hôn, nói đốp vào mặt chồng rằng, chỉ tại tôi hèn để vợ con đói rách, xa tôi cô ấy sẽ chẳng thiếu người quyền chức, học hàm, học vị chạy theo xin chết. Thật đau đớn, ê chề cái thằng tôi… Ô tô đưa chúng tôi về đến khách sạn đã mười giờ đêm. Trời không mưa, nhưng nhiều sương mù nên hơi lạnh, làm Mỹ Linh húng hắng ho khan suốt dọc đường từ Phủ Lý đến Hà Nội. Tôi dắt tay nàng xuống xe, dìu vào ghế phô tơi trong khách sạn.

- Chị Linh! Chị không nhận ra em sao?

- Ôi Diệu Loan! Em đợi chị lâu chưa? Từ hôm về, chị mong em đỏ mắt mà em cứ biến đi đâu ấy. Em là đáng đánh đòn lắm!

- Chào bác Linh đi con! – Loan dắt tay một bé gái lại gần, bé khoanh tay lễ phép chào Mỹ Linh.

- Lại đây với bác nào con gái – Mỹ Linh bồng cháu nhỏ lên đùi, âu yếm vuốt từng sợi tóc – Con tên là gì? Mấy tuổi rồi? Thơm má bác mấy cái thật kêu vào nào!..

- Con tên là Thúy Quỳnh, con lên bảy tuổi ạ!

Mỹ Linh thơm chùn chụt vào má nó. Đứa bé cứ quấn lấy nàng, hai bác cháu ôm nhau cười khúc khích. Chợt nàng thảng thốt kêu lên:

- Trời ơi! Sao mặt con trầy xước thế này? Tay chân con tôi sao thô ráp, nhăn nheo làm vậy?

Nàng quay sang Diệu Loan nghiêm sắc mặt hỏi:

- Loan! Em với Nhật béo sống ra sao? Thằng khốn nạn ấy đã làm gì em phải không?

- Chúng em bỏ nhau lâu rồi.

- Em nói lại, bỏ nhau… ly hôn… hay nó ruồng bỏ, lừa gạt em?

- Từ ngày chị đi Pháp, bao nhiêu tiền vàng chị cho chúng em nó nướng hết vào xóc đĩa, thuốc phiện, đĩ bợm. Tiền hết là tình hết. Nó bỏ rơi hai mẹ con em chạy theo con mẹ bán phở đầu Cửa Nam hơn nó 9 tuổi, mập ú như thùng tô nô. Nhưng khốn nạn nhất là thỉnh thoảng nó mò về dày vò em suốt đêm rồi sáng ra có gì cuỗm sạch. Em uất quá, viết đơn ra tòa ly dị. Nó lánh mặt không đến nên tòa xử cho em ly hôn vắng mặt chồng, có đầy đủ nhân chứng ở khu phố.

- Đồ chó má! Quân voi dày ngựa xéo! Tao sẽ hỏi tội nó, lột da nó!

Mỹ Linh nghiến răng ken két, tia mắt đỏ vằn, quắc lên dữ tợn.

- Đừng. Em van chị. Em xin chị. Quên nó đi chị ạ! Tại em hết cả. Tại em không nghe chị từ đầu.

Tôi cảm thấy sự có mặt của mình là thừa và hơi chướng nên xin phép cáo lui. Mỹ Linh choàng dậy, níu tôi ngồi xuống ghế:

- Anh cứ tự nhiên ngồi đây với chúng em. Diệu Loan như em gái ruột của em. Chúng mình đều là người trong nhà, anh đừng ngại.

Tôi lúng túng ngồi lại trên ghế nghe hai chị em tâm sự và quan sát Diệu Loan. Nàng chừng 31, 32 tuổi, đẹp mê hồn dù trang điểm sơ sài. Nàng mặc bộ váy rộng bằng vải trắng mềm, có những mảng hoa văn sẫm màu kiểu Ả Rập. Cặp đùi thon dài thoáng gợn những đường gân xanh chìm dưới làn da trắng nhợt, dấu hiệu của sự ốm yếu. Gương mặt trái xoan, má lúm đồng tiền, sống mũi cao và thẳng, chiếc cằm hơi lẹm… tạo nên vẻ dịu dàng pha chút nhẫn nhục… Mỹ Linh ôm chặt cháu Thúy Quỳnh hôn lên cổ, lên má, lên tóc nó, mắt nàng ngấn lệ. Nàng mở ví đếm  2000 USD dúi vào tay Diệu Loan:

- Em cầm tiền về sắm sửa, bồi bổ cho hai mẹ con. Lúc nào rỗi chị sẽ đến thăm. Dù đời em, đời chị có khốn nạn đến đâu cũng phải chăm sóc cho bé Quỳnh. Thiếu gì em cứ bảo chị. Con trẻ nó có tội gì đâu mà bỏ vật, bỏ vạ nó. Tội là đấng tạo hóa đã vô tình nhào nặn thêm một kiếp đàn bà qua cái lỗ nẻ của em thôi. Có lẽ tạo hóa Người thấy những kiếp đàn bà bạc phận như chị em mình vẫn còn ít, chưa đủ cho Người hả giận. Đã thế chị và em phải dồn sức chăm chút cho bé Quỳnh. Thôi em về đi, khuya rồi! Có lẽ cô nhân viên mát-xa đợi chị đã buồn ngủ rồi cũng nên.

- Chị đã biết tin gì về Sếnh Tàu chưa?

- Từ hôm về nước, gặp ai chị cũng hỏi thăm về nó mà chẳng người nào cho chị biết tin chính xác. Họ chỉ trả lời  qua loa, Sếnh Tàu vẫn khỏe, hình như đang về Trung Quốc thăm quê.

- Chị ấy chết rồi.

- Sao, Sếnh Tàu chết rồi? - Mỹ Linh kêu lên thảng thốt.

- Chị ấy đòi nợ cho một khổ chủ. Phía bị đòi nợ lại thuê bọn Dũng quỷ bảo vệ. Hai bên kịch chiến. Chị ấy bị Dũng quỷ rút súng bắn ba phát vào ngực, đưa đến bệnh viện thì tắt thở. Từ ngày chị Sếnh Tàu chết, quân tướng ngày xưa của hai chị tan tác và rách lắm. Mấy thằng mạt hạng, ngày xưa vẫn thường hay bị chị xử phạt nặng, giờ buôn đất cát, có ô dù các ông lớn bỗng thành triệu phú tiền đô.

- Chị chỉ thương cho Sếnh Tàu chết không có mụn con, không một mảnh tình vắt vai. Đám “lính” ngày xưa, đứa nào còn khốn khó, chị đã có kế hoạch đổi đời cho họ rồi. Thôi em về đi kẻo muộn.

Tôi và Mỹ Linh tiễn mẹ con Diệu Loan ra cổng. Nàng búng búng ngón tay vào má Diệu Loan thở dài, mắt ngấn lệ đi lên phòng. Nàng giữ thói quen không đi thang máy. Tiếng gót giày nghe uể oải, rời rạc gõ nhẹ lên cầu thang. Ngoài trời sương rơi mỗi lúc một dày thêm…

 

 

8- Cô nhân viên mát-xa của khách sạn Hoàng Long hớt hải chạy xuống tìm tôi, tay cầm một nắm đô la lẻ đã nhàu nát.

- Bác ơi! Bác lên phòng xem thế nào. Bà ấy hôm nay là lạ như người điên, cháu sợ quá!

- Sao?... Cô nói rõ thêm xem nào.

- Bà ấy vừa tắm vừa nức nở khóc, vòi hoa sen vặn hết cỡ. Lúc nằm trên giường cho cháu mát-xa, bà nói lảm nhảm luôn mồm, chợt cười chợt khóc. Xong rồi bà ấy ra bàn ngồi hút thuốc, uống rượu ừng ực, mắt vằn lên những tia dễ sợ…

Tôi chạy vội lên, đập cửa hồi lâu vẫn không nghe Mỹ Linh trả lời. Muốn phá cửa vào lại sợ nàng còn đang ở trần. Tôi vừa đập cửa  to hơn vừa nói như van vỉ:

- Mỹ Linh ơi, Mỹ Linh! Mở cửa cho tôi vào, đừng tự làm khổ mình như thế. Mỹ Linh ơi, tôi van em đấy.

- Ai… ai đấy?... – Nàng lè nhè hỏi lại.

- Tôi đây Mỹ Linh, em say quá rồi, không nhận ra giọng tôi sao, hở Mỹ Linh?

- Anh… Anh chờ… chờ em mặc đồ đã – Nàng bật khóc nấc - Mỹ Linh trần truồng… Mỹ Linh đầy hình xăm… Mỹ Linh là con nữ tù có linh hồn mang số… Mỹ Linh là nữ tướng cướp, bà chúa chợ Linh trọc… Anh có ghê tởm em không?...

Khoảng mười phút sau mới thấy Mỹ Linh mở cửa. Tay trái nàng cầm chai rượu Black Label, miệng hút thuốc phì phèo, váy áo xộc xệch… Tôi dìu nàng ngồi xuống ghế xa lông, lấy khăn ướt lau mặt cho nàng tỉnh lại.

- Đàn bà chúng em khổ nhục thế nào anh biết cả rồi đấy. Sếnh Tàu chết, chưa biết mùi mồ hôi đàn ông chua mặn ra sao. Diệu Loan bị lừa gạt sạch túi hết tình. Em căm thù bọn đàn ông các anh. Em hận… Em hận hết thảy cái thế giới đàn ông của các anh!

- Bình tĩnh đã Mỹ Linh. Đời em bây giờ có đến nỗi nào. Thượng đế vẫn công bằng, em ạ! Em cứ dày vò bản thân đến bao giờ nữa. Chuyện của Diệu Loan từ từ thu xếp, sẽ ổn thôi. Thế giới này chưa chết hết những đàn ông có nhân cách. Diệu Loan còn trẻ, đời cô ấy sẽ có hồi sung sướng, hạnh phúc.

- Anh chưa biết Diệu Loan thân thiết với em thế nào đâu. Nó là cả một phần đời khốn khổ khốn nạn của em. Nó đã từng là vợ em… Vợ em anh có hiểu không?... Lúc nãy em cứ nghĩ cô nhân viên mát-xa của khách sạn là Diệu Loan. Em đã làm tình với cô ấy, thế có khốn nạn không, hở giời?… Diệu Loan đã không chịu nghe lời em, nó đã bỏ em đi lấy chồng, lấy thằng Nhật béo để rồi chuốc tội chuốc nợ vào thân. Diệu Loan không nói ra hết đâu, nhưng em linh cảm thấy nó ghẻ lạnh hắt hủi bé Quỳnh. Nó đổ lỗi cho mình đã sinh con gái, sinh thêm một kiếp lênh đênh như em và nó…

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 5149
Ngày đăng: 06.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Phố - Đinh Lê Vũ
Ngưòi đàn bà trên hè phố . - Nguyễn Hiếu
Con nhà sẩm - Trọng Huân
Hoa Hòang Anh vẫn nở - Trần Lệ Thường
Chuyện Hai Thiện làm nhà - Đoàn Hữu Hậu
Người thóat mộng - Đinh Thị Như Thuý
Nghĩa tử - Vinh Huỳnh
4 Truyện cực ngắn - Nguyễn Thị Thu Hiền
Dấu ấn cuộc đời - Hồ Tĩnh Tâm
Ba người đàn bà - Bích Ngân
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)