Người ta nói "Hàm răng, mái tóc, một góc con người". Cô gái đất "Cần thơ gạo trắng nước trong", hội đủ vẻ đẹp thuần phác của người con gái Nam bộ: nước da trắng mịn màng, đôi mắt tròn, to, mái tóc dài óng mượt. Thế mà một trận bom giặc đánh vào cứ năm 1961, cô công nhân 18 tuổi của nhà in Hồ Văn Tẩu bị cháy bom napalm, mất một lỗ tai, gương mặt nhăn nhúm nhiều chỗ, cổ và lưng bị cháy phồng rộp, phải nằm một chỗ hơn 8 tháng trời. Khi tỉnh dậy, biết mình tật nguyền, Hồ Thị Hoa từ hôn với người yêu.Nhưng lửa na-pan không giết nổi tình yêu của họ.
Bốn mươi ba năm sau, họ mới kể lại chuyện tình yêu thời khói lửa, khi đã bước vào tuổi 60 . Bà Hồ Thị Hoa nhớ lại: "Luật 10.59, tôi mới 15 tuổi. Gia đình ở Long Mỹ (Cần Thơ), bị giặc khủng bố, phải chạy qua xã Vĩnh Hoà Hưng (Gò Quao) sinh sống. Ở đây tôi được giao nhiệm vụ giao liên mật. Có thơ hoả tốc, hoặc liên lạc với cơ sở nắm tình hình giặc, nửa đêm cũng phải đi. Năm 16 tuổi, tôi được xã kết nạp đoàn và giao nhiệm vụ làm tổ trưởng thanh niên, ra tới huyện Gò Quao tham gia phá lộ, phá ấp chiến lược.Năm 1960, tôi thoát ly gia đình, vào công tác nhà in Hồ Văn Tẩu, lúc ấy, đóng ở rừng U Minh Thượng. Lần đầu tiên mới biết rừng già U Minh. Mùa mưa, nước đỏ thẫm như nước màu, thấy ngộ quá, múc một chai nhỏ tính gởi về quê cho má coi. Mấy anh chị rầy, sợ bị lộ cứ. Nhớ má quá, nằm khóc một mình. Chưa gởi nước U Minh cho má, thì giặc bỏ bom, mình mẩy, mặt mũi bỏng từng lớp, nằm một chỗ 8 tháng trời. Má vô, thấy con mình lở loét, đầu cạo trọc, bà khóc ngất..."
Tháng 10 năm 1961, giặc đánh hơi được vùng Công Sự, xã Đông Yên (nay là xã An Minh Bắc, huyện An Minh), có một số cơ quan đóng, trong đó nhà in Hồ Văn Tẩu. Chúng cho máy bay ném bom sát thương (bom miểng) và bom napalm (bom dầu). Một số nhân viên nhà in bị thương nhẹ, riêng Hồ Thị Hoa bị bỏng nặng. Hoa nằm trên lá chuối 7 ngày đêm, mắt sưng húp, da bỏng rộp, nứt căng, chảy máu và nước vàng. Nhìn cô, ai cũng xót xa, nghĩ Hoa không thể qua khỏi. Lúc ấy, anh Năm Giao, người yêu mới hứa hôn của Hoa đang học ở trường Đảng tỉnh, mọi người không cho anh hay, để anh an tâm học. Nhưng khi tỉnh lại, Hoa nhờ mọi người tìm cách nhắn cho anh hay và cô quyết định từ hôn. Bà kể: " Tôi nằm bất động như miếng gỗ. Anh mua các thứ bồi dưỡng cho tôi. Quân y khan hiếm thuốc, nước biển chỉ để dành cho thương binh nặng, nhưng thấy tôi như vậy, số thuốc quý hiếm dự trữ đó, được mang ra điều trị cho tôi. Người ta nói mật ong điều trị vết thương tốt, anh Giao cũng lặn lội đi tìm. Tôi không muốn anh khó xử, nên mở lới trước: " Ai cũng muốn có vợ lành lặn, xinh đẹp. Tôi cũng muốn mình đẹp, nhưng bây giờ trở thành người tật nguyền. Tôi không muốn sau này anh ân hận". Tôi chưa nói hết lời, anh lấy tay che miệng tôi lại và ghé sát tai tôi thì thầm: "Em tật nguyền như thế nào anh cũng vẫn yêu và cưới em". Tấm chân tình và tình yêu chung thuỷ của anh, giúp chị vượt lên đau đớn bệnh tật.
Cuối năm 1962, chị và anh Năm Giao cưới nhau trong căn cứ rừng U Minh Thượng. Bạn bè, cơ quan có đủ mặt. Lúc ấy, chiến tranh ngày càng ác liệt, cơ quan đưa chị về địa phương xã Vĩnh Bình Nam (Vĩnh Thuận), nhờ địa phương cấp đất, để gia dình chị ổn định cuộc sống. Vết bỏng quá nặng và nằm một chỗ lâu, nên một cánh tay của chị dính liền với lớp thịt từ nách đến cuối mạn sườn, làm mọi sinh hoạt của chị rất khó khăn. Do đó, anh Năm Giao cũng đươc đơn vị cho về địa phương công tác, để tiện chăm sóc chị. Rồi chị cũng có được niềm vui làm mẹ. Đứa con trai đầu lòng của họ ra đời, được đặt tên là Hồng Minh. Chị giải thích với mọi người: "Tên con gắn bó với vùng đất nó chôn nhau cắt rốn là U Minh và kỷ niệm tình yêu chung thuỷ của cha mẹ". Năm 1965, chị được chọn đi cùng đoàn nhân chứng của miền Nam ra Hà Nội, để đi các nước tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nhưng chị không đủ sức khoẻ để đi.
Mãi đến tháng 5/2003, bà Hồ Thị Hoa cùng đoàn cán bộ hưu trí của ngành tuyên huấn tỉnh trước dây, do Ban tuyên giáo tỉnh uỷ tổ chức đi tham quan các tỉnh phía bắc và viếng lăng Bác tại thủ đô Hà Nội. Bà kể: " Hồi đó, kề với cái chết, nghĩ tới Bác Hồ, nghĩ tới miền Bắc, mình có thêm nghị lực để vượt lên gian khổ chết chóc. Bây giờ được ra thăm Hà Nội, viếng lăng Bác Hồ, là ước nguyện đã thực hiện được, không có gì vui cho bằng". Bà Hoa kể và lấy khăn lau nước mắt. Sau chuyến đi đó, anh em đồng đội cũ, thấy cánh tay bà vẫn còn dính với lớp da be sườn hơn 40 mươi năm qua, đã động viên bà đi mổ. Với khoản tiền thương binh 376.000 đồng/tháng, đời sống của bà cũng còn khó khăn. Bà Hoa tâm sự " Nhờ bệnh viện cán bộ của tỉnh, nên tôi mới mổ được vết thương. Có điều mổ xong, rồi buồn thêm, vì người ta giải thích, vết thương cũ mổ lại không được chi trả bảo hiểm, mà chỉ được chi trả tiền bảo hiểm nằm viện. Nghe cũng lạ, nhưng đành chịu, vì bảo hiểm người ta tính kỹ lắm!". Bà Hoa nói , rồi xoay qua cười và nói vui với chúng tôi : " Ngày ấy, mình đi làm cách mạng có tính toán gì đâu. Đến ngày giải phóng, lo làm ăn, cũng không đi khám để làm giấy tờ thương binh. Một lần đi công tác về đây, anh Hai Huỳnh ( tức đồng chí Lê Minh Huệ, nguyên Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thủ trưởng cũ của bà Hoa trong kháng chiến) , thấy tôi chưa được hưởng chế độ gì, anh la quá chừng, biểu đi làm liền. Vậy mà đến năm 1987 tôi mới làm chế độ thương binh được".
Lửa napalm không giết được tình yêu của họ- 43 năm tình vẫn mặn nồng, ngay cả khi đời sống của họ còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Nhưng vết thương ngày ấy chưa lành, thì thêm một nỗi đau đối với bà Hồ Thị Hoa: Đứa con trai đầu lòng tên Hồng Minh của bà bệnh đột ngột và vừa qua đời. Nhìn vào di ảnh con, bà nói: " Tội nghiệp, khi mang thai nó, tôi bệnh tật suốt. Tưởng không đủ sức để sinh . Thương con sống trong bom đạn, gian khổ . Cha mẹ nghèo, chưa bù đắp được gì cho con, nó đã ra đi. Chắc cũng do bị ảnh hưởng bom đạn, chất độc... Điều an ủi, tôi còn mấy đứa em của Hồng Minh cũng ngoan ngoãn, chăm làm. Nhưng nỗi đau mất con thì còn hoài".
7/2004