Hai Long ngồi uống nước trà mà mắt cứ ngó lom lom ra ngoài đường có ý trông thằng Phải. Nó đi kêu năm Ửng, một lái buôn chuyên nghiệp đến coi mua nhãn gần cả tiếng đồng hồ vẫn chưa về. Nhãn đã tới lứa. Nếu để chín quá da bắt bông rất khó bán. Hơn nữa, đêm đêm dơi chuột ăn đổ hột thấy nóng ruột. Hồi hàng hút lái tới nườm nượp tranh nhau mua hối bẻ không kịp, lúc hàng dội phải chạy kêu từ thằng nhưng chẳng có con ma nào béng mảng tới!
Hai Long lại rút thuốc đốt hút. Mỗi khi gặp chuyện buồn bực hoặc âu lo một điều gì đó ông hút thuốc liên tục, "điếu hạ rộng điếu động quan". Hút chưa tàn điếu thuốc thì thằng Phải về. Ông hỏi nó khi nó còn ở ngoài sân :
-Y nói sao ?
Phải dựng xe đạp, vừa đi vào vừa trả lời :
-Ổng bả đi đám cưới bên chồng con Dung rồi.
-Sao lâu dữ vậy ?
Phải vào nhà kéo ghế ngồi ngang cha, đáp :
-Nãy giờ nói chuyện chơi với thằng Bình. Ở trển ngưng ăn rồi.
-Hàng sấy hay hàng đóng?
-Cả hai !
-Có thằng Bình cũng được, mầy có nghe nó nói chừng nào ăn lại không ?
-Không! Phải lắc đầu. Chừng nào ở trển cho nó biết nó sẽ cho mình hay.
Hai Long hỏi :
-Sao mầy không điện thoại cho thằng Sang thằng Trung thử coi?
Phải phác một cử chỉ thất vọng :
-Hai thằng đó thuộc loại cò con, năm Ửng không ăn tụi nó làm gì dám hó hé. Gọi chi cho tốn tiền.
Năm Ửng chuyên mua nhãn da bò cung cấp cho các cơ sở xuất khẩu nhãn tươi và sấy sang Trung Quốc ở An Bình, Chợ Lách. Y có hai vỏ tàu, chiếc lớn khoảng năm tấn, chiếc nhỏ ba tấn. Khi vào mùa y chạy liên tục, chiếc lớn chở hàng chiếc nhỏ gom hàng. Do có vốn nên y mua bán khá dễ dãi và sòng phẳng, ít lựa hàng, dạt hàng vàdù lỗ vẫn không ngắt véo một đồng. Tuy nhiên, y có một tật xấu là hay ép giá nhà vườn. Trước kia năm Ửng từ bằng đến thua hai Long nhưng nhờ buôn bán mới dần dần nở nồi và bây giờ thì bóp kèn qua mặt hai Long vái vù. Khi nhàn rỗi, Phải cũng có đi phụ với thằng Bình, mỗi chuyến được nó trả công bốn năm chục ngàn.
Ba hôm sau,Phải đang ngồi sửa lại mấy cây kẹp bẻ nhãn ngoài hè bỗng nghe tiếng hai Long gọi :
-Phải ơi, xuống năm Ửng lần nữa đi con?
-Dạ, để con sửa mấy cây kẹp rồi con đi.
Sửa xong, Phải lấy xe đạp chạy xuống nhà năm Ửng. Ông ấy đã về. Suôi gia của ông ấy cũng là chủ cơ sở xuất khẩu nhãn tươi và lò sấy ở Chợ Lách. Phải đi chừng ba mươi phút trở về mặt mày buồn so. Nhìn mặt nó hai Long đoán chắc tình hình không mấy sáng sủa nhưng vẫn hỏi :
-Sao rồi ? Hổng êm rồi phải không ?
-Ở bển (Trung Quốc) bể chợ tùm lum, hàng còn nằm ở cửa khẩu Lạng Sơn nhóc nhách.
-Ở ngoải nhóc nhách thì trong nầy có nước đắp đập! Mà mầy có nghe y nói giá còn được bao nhiêu không?
-Nghe đâu chỉ còn ngàn tám.
Hai Long thở dài thậm thượt. Cung vượt cầu là bể chợ, năm nào cũng có nhưng năm nay thật tệ hại. Làm vườn mỗi năm chỉ có một mùa mà giá cả như vầy thì làm sao đủ sống! Nông thôn bây giờ đâu còn đốt đèn dầu, đi cầu khỉ như nông thôn trước kia. Nếu hồi đó muốn đi từ đầu ấp đến cuối ấp phải lội bộ toòng teng cả tiếng đồng hồ mới tới thì bây giờ leo lên xe máy vù một cái là tới ngay, không đổ một giọt mồ hôi. Nếu hồi đó xách nước tưới vườn đôi tay dài như tay vượn thì bây giờ chỉ cần bật công tắc là tưới lên cả ngọn cây. Nếu hồi đó con nít sáu bảy tuổi mới đi học thì bây giờ trẻ sơ sinh sáu tháng tuổi trở lên đã có nhà trẻ, mẫu giáo. Vậy đó, cuộc sống càng được nâng cao, nhu cầu càng nhiều, tiêu xài càng tăng mà giá cả trái cây khi thăng khi giáng bảo sao không mất cân đối cho được!
Thật cơ khổ cho cuộc đời nông dân. Hai Long than thầm. Nhãn da bò không ra hoa tự nhiên mà phải xử lý. Tuy nhiên, muốn cho nó ra hoa đâu phải chuyện dễ. Phải rửa cành đồng loạt nó mới ra đọt một lượt. Sau khi ra hai cơi đọt, đợi lá non thành lá lụa thì xới gốc tưới thuốc kích thích bộ rễ từng cây. Rồi xả nước đủ bốn ngày và khoảng mười ngày sau nữa khất cành. Khâu nầy mới lâu. Một cây khất ít nhất bảy tám cành , đu qua đu lại như khỉ. Nhất là đối với những vườn cây có từ bảy tám năm tuổi trở lên rất khó khiển, trịch một mắt me là bung đọt hết ráo, nếu ra bông cũng ra lọt sọt đôi ba chục phần trăm. Vậy mà tới mùa thu hoạch giá lại rẻ như bèo. Trong khi đó thì phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc dinh dưỡng và bất cứ thứ gì cũng lên giá vùn vụt. Tiền kiếm rất khó mà xài rất nhanh. Cầm một trăm ngàn đi chợ quay qua quay lại đã hết sạch nhưng trong giỏ chẳng có thứ gì quí giá. Nội vợ chồng vô quán ăn hủ tíu, uống cà phê, mua thêm gói thuốc Heirose đứt nghiến hai chục ngàn đồng. Rồi còn bánh trái cho con cho cháu, gạo thóc, thịt cá, rau cải, mắm muối, bột ngọt…ăn hàng ngày. Đó là chưa nói đến quần áo, giày dép, xà bông tắm, bột giặt, nước rửa chén, dầu gội đầu…Rồi đám tiệc, đầy tháng, thôi nôi, đám giỗ, đám cưới, đám ma… đi một đám ít nhất cũng năm chục ngàn đồng, một tháng trùng ba bốn đám mà mỗi lỗ mỗi tỉa là mệt xỉu. Càng nghĩ càng rầu thúi ruột chớ hổng phải chơi!
Phải quay qua hỏi hai Long :
-Bây giờ ba tính sao?
Hai Long lắc đầu chán nản :
-Chờ năm Ửng chớ biết làm sao! Nếu không thì bẻ ra chợ nổi bán.
-Chợ nổi ăn gì hết mấy tấn nhãn? Phải lo lắng. Đâu phải chỉ có mình mình!
-Thì bẻ từ từ, mỗi ngày một hai trăm ký thôi. Mầy thấy sao ?
Phải lưỡng lự :
-Bẻ thì bẻ.
Cha con hai Long quyết định bẻ nhãn chở ra chợ nổi bán hàng ăn. Mỗi ngày khoảng trăm ngoài ký, nếu bán được sẽ tăng dần. Chuyến đầu tiên bốn cần xé vun có ngọn, Phải lái máy, vợ hai Long ngồi trước mũi. Tưởng đâu chỉ có một tam bản của nó hoặc vài ba chiếc nữa thôi nào ngờ ghe tàu bán lẻ chạy dập dìu, nó ước tính có đến vài ba tấn!. Nó lái máy chạy luồn lách trong chợ đôi ba vòng nhưng không có ai trả giá cao hơn một ngàn tám trăm đồng một ký. Có nhiều người còn trả ngàn rưỡi và chê nhãn chưa muồi. Phải bực bội chữi đổng :
-Đ. má, nhãn chín muốn rục mà chê chưa muồi, đồ con mắt bịch bạc.
Nước nhẩy lớn, một chiếc ghe đã ăn hàng khẳm mẹp ngoắt Phải đến hỏi mua.
-Nhãn bán sao vậy chị? Bà bạn hàng hỏi vợ hai Long.
-Hai ngàn rưỡi. Vợ hai Long nói giá
Bà bạn hàng bĩu môi :
-Gì dữ vậy chị? Ngàn rưỡi nghen?
-Để cô hai ngàn hai đó. Vợ hai Long bớt.
Bà bạn hàng ngồi xuống nhìn bốn cần xé nhãn đẹp mát con mắt, có vẻ hài lòng lắm nhưng vẫn kèn cựa :
-Ngàn tám đi. Ghe tui đã đầy nhưng thấy chị có ít nên mua dùm chị, nếu được thì cân, không thì thôi.
-Cho tui thêm hai trăm nữa đi, cô? Nhãn tui tốt lắm, trên sao dưới vậy chớ hổng có làm mặt làm mày gì đâu.
Vợ hai Long nài nỉ. Bà bạn hàng lắc đầu, đứng dậy quay ra sau lái ra dấu cho chồng chuẩn bị lui ghe. Biết không thể cầm giá, vợ hai Long đồng ý bán. Các ghe khác thấy vậy chạy tới định ké hùn nhưng chiếc ghe lớn không ăn nữa, cân kéo tiền nong với vợ hai Long xong họ nhổ sào kéo neo đi cho kịp nước.
Bán được hai chuyến, thấy quá chậm, giá lại có mòi còn sụt nữa, hai Long bèn ngưng chờ năm Ửng. Y là lái lớn, bán cho y lấy tiền một lượt dễ sử dụng, còn bán quạ bán diều kiểu nầy tiền bạc sứt mẻ hết. Ai cũng thế, khi không có tiền tất cả đều nhịn được nhưng khi có tiền thì thấy cái gì cũng cần thiết cái gì cũng đáng mua. Bởi vậy ông bà mình thường khuyên "Trời sanh mỗi vật mỗi ngon, ráng nhịn cái miệng cho chồng (vợ) con nó nhờ".
Nghi ngờ năm Ửng lợi dụng tình hình ép giá, Phải đạp xe đến những vườn có nhãn thăm dò thì nơi đâu cũng vậy. Tuy nhiên, những nơi đó đều ít hơn hai Long, người nào nhiều lắm cũng khoảng một tấn trở lại. Nghe nói sáu Thạch đang bẻ, Phải liền đến hỏi thăm. Nhãn sáu Thạch xấu hơn của Phải, trái nhỏ, có rệp sáp lai rai mà cũng chưa muồi lắm. Phải hỏi :
-Nhãn mới chín tới và rẻ quá mà bán gì chú Sáu?
-Kệ mầy ơi, bán rồi đốn bỏ thì lo gì. Tàu bể lượm đinh, lượm được bao nhiêu nên bấy nhiêu.
-Chú định trồng lại thứ gì vậy, chú Sáu?
-Cam xoàn. Sáu Thạch phấn khởi khoe. Giống nầy mới, giá rất cao, cao hơn cam sành nhiều. Tao có thằng bạn bên Thiện Mỹ trồng rồi, mê lắm!.
Phải đâu có lạ gì cái chuyện trồng rồi đốn, đốn rồi trồng của bà con nông dân. Vậy chớ mười mấy năm trước nhãn da bò không có giá mười mấy hai chục ngàn đồng một ký sao? Cam xoàn hay bất cứ giống gì mới đều vậy thôi. Chủ yếu là cái đầu ra kìa. Có đầu ra thì cam mật cũng thành cam xoàn còn không thì vẫn lại rơi vào dạng phong trào đầu voi đuôi chuột. Biết đó là phong trào đầu voi đuôi chuột nhưng không chạy theo không được, mà chạy theo riết rồi cũng sạt nghiệp như chơi. Làm vườn bây giờ khó thật, bộp chộp là thua, kiên nhẫn cũng thua!
Phải chán nản bỏ về, đi thẳng ra vườn, rảo hết liếp nầy sang liếp khác, mắt luôn ngó lên ngọn cây. Nhãn trúng thấy ham. Trái bằng cẳng cái, chùm nào chùm nấy từ nửa ký trở lên, xây đụn, oằn oặt ngang đầu, cầm bỏ cũng được ba tấn. Nhãn nầy mà đóng thùng xuất khẩu thì hết sẩy, tỉ lệ thấp nhất cũng tám hai (tám phần chánh phẩm, hai phần thứ phẩm). Vậy mà… Phải ngồi xuống một gốc nhãn làm bài tính nhẩm rồi so sánh. Ba tấn nhãn năm triệu tư, chia cho mười hai tháng, mỗi tháng bốn trăm năm chục ngàn đồng. Số tiền nầy chưa trừ chi phí vẫn thua xa lương của một công nhân lao động phổ thông ở thành phố. Như con Bích Ngân chỉ có bằng trung học, chẳng có nghề ngỗng gì còn làm một tháng được bảy tám trăm ngàn đồng lại được chủ bao ăn ở. Nó mới đi làm hồi đầu tháng bảy âm lịch, tết về quần áo nhẵn nha, đeo vàng đỏ tay đỏ cổ, quà biếu cho cha mẹ lủ khủ, có cả điện thoại di động bỏ túi. Trong khi đó bốn trăm năm chục ngàn phải nuôi cả nhà bốn miệng ăn, tiện tặn lắm cũng chỉ đủ chín mười ngày. Ý là Phải không hút thuốc, uống rượu, thỉnh thoảng mới đi uống cà phê ăn sáng một lần. Nó còn rất ít khi xin tiền cha mẹ mà đi làm mướn thêm để kiếm tiền xài riêng và dành dụm sắm chiếc cà rá hột bẹt màu nho chín. Thấy thằng Bình đeo nó ham lắm nhưng khi thấy gia đình túng thiếu nó lại đưa cho mẹ xây xài. Nó định bán đợt nhãn nầy sẽ xin tiền cha mẹ mua nào ngờ nhãn rớt giá thảm hại nên cái ước mơ nhỏ bé kia không biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực!
Phải lửng thửng vô nhà. Vợ hai Long nằm lim dim trên võng ở nhà sau. Gần một giờ chiều mà út Trâm đi học chưa về. Chắc trễ phà rồi chớ gì. Phải nói thầm. Tội nghiệp con nhỏ. Mỗi ngày đi học mẹ cho có hai ngàn, lỡ trễ chuyến phà phải đi đò dọc hết một ngàn đồng, còn một ngàn ăn cái gì cho no suốt cả buổi học? Có hôm bị lủng ruột xe đạp nửa chừng không có tiền vá phải dẫn bộ từ trường về nhà gần ba cây số. Thương em, khi làm mướn có tiền, Phải thường cho Trâm năm mười ngàn bỏ túi.
Đói bụng, Phải lấy chén đũa, giở lồng bàn ăn cơm. Vợ hai Long hé mắt ra nhìn. Trên mâm có hai con khô cá lù đù chiên bằng ba ngón tay, một đĩa rau ngổ xào mỡ tỏi, một tô canh chua "chay" (chỉ có giá, bạc hà và cà chua chứ không có cá). Nhìn đĩa khô chiên, dù mẹ không nói Phải vẫn biết phần nó một con, phần út Trâm một con. Rau xào và canh chua để dành cho Trâm vẫn còn trong chảo trong nồi. Ăn xong Phải lên nhà trên uống trà. Hai Long nằm ngửa trên đi văng, một tay để lên ngực tay kia gát lên trán, mắt nhắm nghiền, miệng khép hờ, chân mày hơi nhíu lại. Ông ngủ trong tư thế không được thoải mái lắm vì nét ưu tư và lo lắng vẫn hiện rõ trên gương mặt xương xẩu khắc khổ của ông. Phải ngồi nhìn cha lom lom. Ông đúng là một nông dân nòi, suốt đời gắn bó với đất nhưng đất đã mang lại những gì cho ông? Một tấm thân còi cọc mốc thích mốc cời, hai bàn chân chè bè đầy những vết nứt đen thui và mái tóc rễ tre tua tủa! Một kiến thức hẹp hòi nông cạn, tối ngày chỉ quanh quẩn bên đít ông táo, biết được có cái chợ huyện còn các tỉnh, thành phố khác thì không biết nó tròn méo ra sao! Hơn bốn mươi năm trước ông nghèo lắm, chỉ sống bằng nghề làm mướn. Trong xóm có ông mười Bạch, con một nhà giàu xưa, đất cát mênh mông, nhà cửa thênh thang , hai con gái còn nhỏ đi học nên bất cứ việc gì từ ngoài đồng cho đến trong nhà ông ta đều mướn hai Long làm. Năm hai Long hai mươi tuổi, thấy ông thiệt thà chất phác lại giỏi giang, mười Bạch bèn đứng ra cưới vợ cho và cho mượn năm công ruộng làm vốn. Năm sau nữa lại cho đứt miếng bãi bồi cặp mé sông tự bao ngạn làm rẫy. Hồi đó đâu có máy móc như bây giờ nên họ làm mất hơn hai năm miếng bãi mới thành khoảnh. Từ đó vợ chồng hai Long tiện tặn chắt mót được bao nhiêu thì mua đất bấy nhiêu. Bởi vậy, khi các con ông trưởng thành, lập gia đình, đứa nào cũng được ông cho ra riêng với vài ba công đất. Phải là con út, hưởng thêm phần hương hoả nên nhiều hơn các anh nó chút đỉnh. Nhưng, có đất đâu phải có tất cả! Như anh Tùng anh Kha, cha mẹ không có cục đất chọi chim, lên thành phố làm vài năm đã có xe máy, gia đình bác Út có đủ cả tivi màu 24 inch, đầu đĩa karaoke hiện đại, ampli, loa thùng, nồi cơm điện, bếp ga, điện thoại bàn… Hai anh còn định sắm cho cha mẹ cái tủ lạnh nhưng hai bác Út không cho, họ bèn mua cho bác trai và chị giáo Thư dàn máy vi tính. Năm Ửng thì bán đất sắm tàu và làm vốn đi buôn chẳng bao lâu giàu lên ngó thấy. Còn gia đình mình quần quật suốt năm với đất đai vườn tược đôi khi không có lời mà còn lỗ thấu xương. Nhà cửa thì thuộc loại bán kiên cố, trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá từ bạc triệu trở lên. Gặp lúc đám tiệc đông ken hoặc khi ốm đau hoạn nạn phải hỏi bạc ngày bạc tháng. Còn muốn mua sắm cái gì cần thiết, có giá trị hay muốn cất nhà, sửa nhà thì xách bằng đỏ thế chấp vay tiền ngân hàng chứ xoay sở đâu ra. Chính vì vậy mà mười người nông dân có đến bảy tám người kẹt bằng khoán trong ngân hàng. Từ đó cứ ăn trước trả sau không bao giờ dứt nợ! Có nhiều ngôi nhà đẹp hực hỡ nhưng gia chủ thì… thiếu nợ như chúa chổm!
Đậu tú tài, Phải thi vào trường đại học Sư Phạm. Nó nghĩ, làm giáo viên tuy lương bổng khiêm tốn nhưng là cái nghề thanh cao nhàn nhã được nhân dân và xã hội coi trọng. Tuy nhiên, do trình độ học lực trung bình lại thiếu ôn luyện nên Phải không đạt được ước mơ. Thấy ở nông thôn không có việc làm Phải nhiều lần đòi lên thành phố kiếm việc làm, hai Long khuyên con : "Ba già rồi, nếu con đi ai chăm sóc miếng vườn? Hơn nữa, ba má cực khổ vất vả gần suốt cuộc đời mới tạo được bao nhiêu đất để lại cho con hổng lẽ con phụ lòng ba má sao? Tấc đất tấc vàng con ạ! Đất không phụ mình thì mình sao lại phụ đất hả con?" Đúng! Đất không phụ người nhưng liệu sản phẩm làm ra từ đất có đưa được cuộc sống vật chất và đời sống văn hoá tinh thần của nông dân ngang bằng với những thành phần khác không ? Liệu nông sản có cạnh tranh nổi với những sản phẩm khác không? Đó mới là điều quan trọng. Trong cuộc sống hiện tại có bao nhiêu nông dân dám bước chân vào những khách sạn, nhà hàng sang trọng, quí phái? Mấy người ở nhà cao cửa rộng có đầy đủ mọi tiện nghi? Bao nhiêu người thường xuyên đi du lịch trong và ngoài nước?… Tất cả chắc chỉ đếm được trên mười đầu ngón tay! Mặt hàng chủ lực như lúa còn lao đao lận đận với giá cả thì huống gì trái cây? Càng nghĩ Phải càng nghe buồn cho thân phận nông dân.