Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.086
123.198.648
 
Hoài niệm...
Trọng Huân

Mươi, mười lăm năm trước, có câu đùa rằng, chúng ta sống nhiều về quá khứ, lo nhiều cho tương lai, còn hiện tại... Tôi có mấy cô cậu cháu họ, hễ nghe bố mẹ khuyên nhủ, hay kể chuyện trước đây, các vị tuổi trẻ đó thường nhún vai, nháy mắt, ... cười tủm. Thái độ như là: “Chà, chuyện của các cụ khốt!” hoặc “Điệp khúc ôn nghèo, kể khổ. Kính thưa, chúng con biết rồi. Khổ quá, nói mãi!”. Vâng, đúng là  các bậc cha mẹ, ông bà ta hay kể chuyện xưa, phần nhiều là cái khổ họ đã trải qua. Thí dụ như: Mươi mười lăm năm trước, bố mẹ đi chiếc xe đạp cà khổ, lốp chăng dây chun tầng tầng, lớp lớp. Đến mức không thể chằng được nữa. Khi đi, xe nhảy khừng khực, như ngồi lưng ngựa. Cả nhà ba, bốn nhân mạng, đu trên chiếc xe cà tàng. Hay việc xếp hàng cả buổi mới đong được vài cân gạo; tờ mờ đất, ơi ới gọi nhau đi xếp lốt gạch, xí chỗ mua dầu, mua thịt... Giờ nghe tưởng như chuyện ở đẩu đầu đâu. Nghĩ lại, nào lâu la gì, mới cách đây hơn mười năm trước.

           Vợ tôi mới sinh nở, bà mẹ vợ đến chơi. Hai bà thông gia ngồi hàn huyên. Trong câu chuyện, mẹ tôi kể, bận bà sinh con gái đầu, tức chị gái của tôi. Chuyện “ngày xưa” ấy tôi đã nghe bà kể nhiều lần. Đó là vào cuối năm bốn chín, đầu năm năm mươi, thời kỳ Chín năm kháng chiến chống Pháp. Mẹ tôi về làm dâu ở vùng phủ Tiên Hưng - Thái Bình. Thái Bình là tỉnh chiến tranh diễn ra ác liệt, ta và địch giằng co nhau qua mỗi trận càn, như trận càn Trái Quýt, trận càn. Đầu năm năm mươi, mẹ tôi bụng mang dạ chửa tháng cuối, vẫn phải chạy giặc. Chửa vượt mặt, chạy càn đâu chỉ vác bụng, bà còn gồng gánh đám của nả: mấy cái nồi, chiếc mâm đồng, bộ lư hương, ít quần áo,... Tây càn, nghe súng nổ làng này, chạy tránh sang làng khác. Cuộc sinh nở của bà diễn ra trong một trận chạy càn. Trú nhờ nhà người, một nhà bất kỳ, trong cái làng bất kỳ, bà cũng không nhớ nổi, ấy là làng nào nữa. Lúc đau đẻ bà rò rẫm ra vườn. Tục lệ quê, người ta kiêng người lạ đẻ trong nhà họ. May có bà già tốt bụng, làm phúc giúp, không thì mẹ tôi vượt cạn một mình. Sinh ra, chị tôi được cắt rốn bằng chiếc liềm cũ. Đẻ xong hôm trước, hôm sau mẹ phải rời làng ấy, tiếng súng tây càn vọng tới gần rồi. Những ngày rốn con chưa rụng, bà lấy đất vách thấm dịch. Kinh nghiệm trên, về khoa học và trong điều kiện đó, cũng có lý, đất vách khô có khả năng thấm nước, nó lại khá “vô trùng”.

          Chạy càn, đàn ông tách riêng, hoặc xuống hầm bí mật núp. Nếu đã chạy, họ phải chạy trước. Đàn ông mà Tây vớ được, tuổi từ trung niên trở xuống, nếu bị nghi là du kích thì xơi đòn ốm, còn không cũng bị bắt lính. Đàn bà con gái và người già  thường chạy chung với nhau. Các bà già thì thôi, đám phụ nữ họ phải tự bôi bẩn, làm sao thật nhếch nhác. Một lần không may, mẹ tôi cùng đám đàn bà chạy nhầm vào vùng có Tây, cả đoàn người sợ sệt, ngồi túm tụm trong cái sân nhỏ. Mẹ tôi dù con còn đỏ hỏn vẫn phải tự làm bẩn- nhổ nước trầu, rắc tro vào váy, áo, cả chỗ kín (giả như ngày phụ nữ tới tháng), tóc tai  bà cũng bôi phân trẻ cho nhơ nhớp. Lần ấy lũ tây đen sấn lại định bắt gái, thấy đám đàn bà hôi rình, trẻ con khóc oe oe, chúng mới buông tha. Vợ thoát những chồng bị bắt (tức là bố tôi, ông chạy hướng khác, Tây bắt được). Chúng điệu ông về nhà tù Cầu Bo. Những ngày nuôi chồng tù là những ngày cực khổ. Mẹ tôi mang theo con nhỏ, ra thị xã Thái Bình, vừa phải kiếm sống nuôi con, nuôi mình, ngày ngày còn phải tiếp tế nuôi chồng. Nguồn sống tạm là buôn bán loanh quanh ở chợ T.X Thái Bình. Cứ vào buổi trưa tan chợ, bà bế con nhỏ, vai khoác bị cơm chen vào sát rào trại tù. Chồng trong hàng rào chờ; vợ bên  ném cơm vào. Người ở ngoài đã khổ, người trong tù còn khổ hơn. Bố tôi lúc bị bắt ấy, đám tù toàn đàn ông, từ trung niên trở xuống, Tây lùa tất lên chiếc xe cam nhông. Mấy chục người chồng đống lên nhau, rạt vào góc thùng xe, để lại phần trống cho mấy thằng tây đen ba vạch hiếp tù (ở Phi châu, tại một vùng có tục, người ta gây vết thương lên mặt, tạo sẹo (ba vết), nên dân ta quen gọi là thứ Tây Ba Vạch). Những người đàn ông xấu số bị tây hiếp, máu me nhoe nhoét; có người vào tù một thời gian thì chết, có người tù mấy tháng, đi đại tiện còn ra máu, người thì sinh bệnh vì bị chúng đổ cho bệnh giang mai, hủi lậu.

Trong trại, người tù phải làm nhiều việc nặng nhọc, kể cả làm cũi giam. Một lần bố tôi cùng đám tù bị xua đi khuân gỗ, gỗ phá từ một ngôi đình. áp tải, đốc tù có cả nguỵ binh lẫn tây trắng, tây đen. Hôm đó có thằng sỹ quan tây trắng rất ác, nó luôn vung rùi cui, đánh tù đến toé máu và cứ lăm lăm khấu súng ngắn, doạ bắn. Thằng quái ác ra cái lệnh cũng rất quái ác: Chuyến chuyển gỗ đầu tiên, hai người tù khuân một thanh gỗ lim lớn; chuyến thứ hai bắt tăng lên hai thanh; chuyến thứ ba tăng lên ba thanh... Chỉ một thanh đã nặng, song tù sợ, cắn răng mà khiêng. May đến chuyến thứ tư hết gỗ, không hôm đó có người thiệt mạng. Dăm người khiêng nặng qúa, quỵ xuống, cố gượng dậy được. Trại tù Cầu Bo có hàng rào cùng hào đào xung quanh. Rác sinh hoạt, phân, nước tiểu của tù thải ra, trút xuống hào. Hình ảnh bố tôi nhớ nhất. Một hôm ngủ dậy, mọi người ngơ ngác, không tin nổi mắt mình, bất ngờ sau một đêm, hàng rào xung quanh xanh rì như luỹ tre làng. Thời tiết nóng nực, phân, nước tiểu dưới hào là môi trường cho ruồi nhặng sinh nở. ấu trùng- ròi, đến kỳ thành nhặng, bay lên, đậu vào hàng rào, xanh đen như luỹ tre.

 

        Về làm dâu, vợ tôi thỉnh thoảng nghe những câu chuyện “xưa” của bà mẹ chồng. Cô ấy thường im lặng. Phải chăng vì cô biết những điều bà mẹ chồng từng trải qua, hai người đàn ba thêm hiểu nhau, nên dù giữa họ, hai thế hệ, “pha sống” khác nhau (suy nghĩ, trình độ, tâm niệm sống,...), mà quan hệ mẹ chồng, nàng dâu   êm đềm.

Ai rồi cùng già. Mỗi thế hệ có những hoài niệm,...  hồi tưởng khác nhau. Không hiểu đến khi già tôi sẽ kể cho con cháu chuyện gì, nhưng chắc chắn tôi sẽ kể... những ký ức “xưa” của mình. Có thể trong số cháu con, có đứa nào đấy sẽ nhún vai, nhưng cũng có đứa lắng nghe chứ và cảm nhận được một điều gì đấy./.
Trọng Huân
Số lần đọc: 3780
Ngày đăng: 12.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một cái chết TÔI TRUNG - Trọng Huân
Nghĩ cho con - Nguyễn Ngọc Tư
Lan man chuyện “HỌ”... VÀ TÊN - Phạm Lưu Vũ
Tản mạn quanh... cái cổng - Nguyễn Ngọc Tư
Con vờ vờ trên sông - Trọng Huân
Ngõ xóm - Trọng Huân
Làm cho biết - Nguyễn Ngọc Tư
Ngậm ngùi Hưng Mỹ - Nguyễn Ngọc Tư
Luận về …cái sự học. - Phạm Lưu Vũ
Bà Cô - Nguyễn Ngọc Tư
Cùng một tác giả
Kỷ niệm thơ (truyện ngắn)
Lỗi em (truyện ngắn)
Bức hoạ (truyện ngắn)
Thật Mặt (truyện ngắn)
Nhân cách đói (truyện ngắn)
Mất ngựa (truyện ngắn)
Kẻ trông chùa (truyện ngắn)
Ao làng (truyện ngắn)
Khóc nghề (truyện ngắn)
Khi người ta đói (truyện ngắn)
Kỷ vật (truyện ngắn)
Ngõ xóm (tạp văn)
Con nhà sẩm (truyện ngắn)
Hoài niệm... (tạp văn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Cuốn sổ tay (truyện ngắn)
Chuyển nhà (truyện ngắn)
Số kiếp…! (truyện ngắn)
Tôi cưới vợ (truyện ngắn)
Chết… vì nhục (truyện ngắn)
Làng ma (truyện ngắn)
Đêm tân hôn! (truyện ngắn)
Thằng đói (truyện ngắn)
Viếng ma (!) (truyện ngắn)
Vĩ nhân (truyện ngắn)
Cúc ơi! (truyện ngắn)
Hoa cúc quỳ (truyện ngắn)
Sống gửi... (truyện ngắn)
Ông sư… (truyện ngắn)