Không như các nhà thơ vung vinh chữ nghĩa lên cánh đồng rực rỡ ngôn từ khi còn trẻ. Nguyễn Đức Sơn thai nghén những con chữ khi còn sinh viên và cả chuổi thời gian dài lặn lội "lên rừng xuống biển" với nghề báo, đến tận những tuổi năm mươi, anh mới thận trọng, cho ra đời tập thơ Dấu Hạ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn - năm 2006.
Đọc suốt năm bốn bài thơ anh. Tôi bất ngờ và ngạc nhiên, bởi không chỉ ngấm chất ca dao đằm thắm trong thơ mà còn "sướng " bởi những câu thơ kỳ lạ, bổng bay ra ngoài chuẩn mực thường tình của ngôn ngữ, tạo một giọng huyền ảo đa thanh, đậm mùi "bất khả tư nghị" như một hành giả trong quá trình khai mở công án, bỗng hoát nhiên đốn ngộ nửa sát na xuất thần. Cứ hãy thấm những bài, những câu : "Tôi níu lờì thả neo cồn bãi/ Níu lúm đồng tiền em bện vào tôi/ Níu nắm cơm ! Bậu ơi qua thời lửa đạn/ Xưa gánh gồng mẹ níu chợ nghèo/ Níu quai chèo vượt tôi ghềnh lũ/ Câu hò đưa con sóng níu xuôi bè/ Đêm canh chừng níu lời thầy dặn/ Chữ hiền đi níu tạc dạ nghe con/ Níu hồn người đồng dao còn mới/ Kỷ vật cho níu động cát tuổi thơ tôi/ Níu sáo diều bay lên ru trời lạ/ Bay lang thang phía níu quê nhà. (Níu) ; "…Cuồn cuộn sông em lớn lên mùa lũ/ Bờ nghiêng, sóng em lại xanh/ Có dòng sông thiếu nữ/ Yêu thương buồm căng ngực thở/ Em đi về phù sa/ Có dòng sông đam mê/ Mảnh trăng theo em nước ròng, nước lớn/ Thơ, nhạc, vít cong nhánh sông thao thức/ Đê mê hoài vọng sông.." (Nhớ dòng sông), "…Con ong luỵ hương cần mẫn/ Con người luỵ thế gian nghĩa tình/ Rồi em ơi ! Luỵ hơn thế nữa/ với Xuân về, anh luỵ đức tin" (Luỵ mùa Xuân). Và : "Rồi nhặt xác dòng sông cạn/ Cất giữ tươi nguyên em biếc giậu ngày" (Gửi tím), "Vị chát không thể nhìn khác đuôi mắt/ có tri âm người giăng sương gặp lửa/ rét qua, lặng về/ mùa nay, tôi nhặt lá cảm màu/… /Chân thiện/ tôi trên đường huyền/ đời xanh/ Gọi/ Người là sông, gió, mây, lá đầy vơi" (Gọi !) ; "Rồi bầy chim nhặt thơ gieo sạ/ Tới miền quê em rụng chín mùa màng." (Mùa chín)…
Những câu thơ trên đọc lên thật đã ! Như khi ta ăn một miếng ớt cay xè trong tô cơm Hến, Huế phải hít hà rưng nước mắt, mà thích ! Được vậy là hay ! Đã hay, không cần biết hay như thế nào, cảm thấy hay là được. Ta cứ nhẫn nha gậm nhấm : "Bức tranh mẹ", "Nhớ phù sa", "Níu", "Gọi !", "Dòng", "Nhớ", "Gọi đồng chiều", "Không tên số 2"… mới ngả nón cám ơn Đức Sơn đã cho mình ngẫm ngợi, tư duy. Và, để có những bài mộc mạc, gần gũi với đồng chiều, sông, suối, núi rừng ; da diết yêu thương, chắc tác giả đã trải lòng mang một Dấu Hạ đến với bạn đọc bằng những bài thơ dễ lay động những tâm hồn dạn dày bão tố phong ba…
Huế, ngày 15 tháng 4 năm 2005