Chiều hôm qua, lúc chị Hạnh đi chợ huyện về, vừa bước xuống xe, con Dung đã theo chân, tủm tỉm cười, hỏi hoài. Hổm rày, nghe cậu Út nói, chế mày vài bữa theo chồng về xứ lạ, biệt mù san giả, biết đâu mà tìm. Không biết, tới chừng tao chết nó về được không! Quay qua em, cậu còn nói - Còn mày nữa, mai mốt lấy chồng, tao gả cho thằng nào hễ biết thương bây là được rồi, mà nó ở lòng vòng trong ấp, trong xã, cùng lắm là trong huyện này thôi, để lâu lâu tao còn thấy mặt… Má mày chớ còn tao, nghèo giàu thây kệ, không thấy mặt con, chết tao không thèm… nhắm mắt! Con Dung kể, nghe xong, chị Hạnh thoảng cười trong tiếng thở dài rồi ôm gói đồ đi tuốt vô buồng, khóc!
Tiền không là lá em ơi!… Tiền là giấy bạc của đời in ra… (*) Chị Hạnh vô buồng mở đầu đĩa, nằm một mình, mặt úp xuống gối. Từ ngày nhà mua được cái đầu đĩa, chị thường hay nghe nhạc chớ không thích xem phim Hàn Quốc, phim Hồng Kông. Đêm đêm, chị mở tiếng nhạc nho nhỏ trên đầu giường. Thi thoảng, chị trở mình nhè nhẹ, như sợ có ai hay, chị nghe đi nghe lại tới khuya lắc, khuya lơ duy nhất cái bài hát đó. Chắc sắp đi xa, chị Hạnh nhớ quê, nhớ chuyện ngày xưa còn nhỏ. Mới mấy năm trước chớ đâu, đám con nít trạc cỡ tuổi chị Hạnh trưa nào cũng xà quần bên đám chuối sau vườn, bày cảnh nhà chòi, bán quán. Có bữa mê chơi tới quên nấu cơm, má đi bán ở chợ về, thấy củi lửa lạnh tanh, ăn đòn hoài mà không tởn!
Nhắc lại chuyện này, đêm đêm, lúc vô mùng còn hai chị em, chị Hạnh thường nói - hồi nhỏ, cái gì cũng dễ, bẽ mấy cái lá tra bồ đề thì đã thành tiền, chơi trò mua bán! Miễn là lá mới thì thôi, lá khô không bán! Thật thà, chân chất, đồng tiền bằng lá ngày xưa không có giá trị gì đối với cuộc sống nhân gian mà kẻ bán, người mua, ai cũng bằng lòng, vui vẻ. Không tính toán thiệt hơn, không điêu ngoa, xảo trá. Không mưu mẹo, phân vân. Không lọc lừa, phản trắc. Lúc còn nhỏ không biết, nên chẳng ngờ, cuộc đời đâu chỉ có những ngày vui vầy, vô tư như vậy. Chị Hạnh bây giờ nuối tiếc.
Em hỏi, mai mốt chị theo chồng về xứ lạ, đi xa, chị nhớ ai nhiều? Chị Hạnh nói, chị nhớ hết trơn, mà… chắc chị nhớ má nhiều, rồi chị kể: Hồi xưa, trưa trưa má thường giăng võng ở hàng ba dỗ cho em ngủ. Má vừa giặt đồ vừa ru con. Giữa trưa hè thinh lặng, tiếng dây võng đay nghiến, nghe ngậm ngùi tiếng kẽo kẹt chì chiết nằng nặng nỗi niềm trên cây cột hàng ba: Má ơi! Đừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?… Hay thỉnh thoảng lại là: Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều… Lời ru của ngoại tự ngày xưa gởi lại cho má, đến bây giờ, mà có lẽ qua bao đời rồi nghe vẫn buồn như vậy!
Tới chiều hôm qua mới thấy anh Minh, người bạn hàng cũ của chị Hạnh trong trò chơi mua bán nhà chòi thuở xưa trở về. Gặp anh Minh, em nói, anh Minh về vậy là còn kịp ăn đám cưới của chị Hạnh rồi! Mai mốt là đám cưới thiệt chớ không phải như đám cưới nhà chòi hồi đó đâu nha! Anh Minh gặng cười, hỏi lại: Thiệt hả Út? vậy, để anh quét lá tra đem đốt, đốt luôn cái nhà chòi hồi đó cho rồi! Chớ để làm chi?…
Anh Minh nói chơi chớ cái nhà chòi ngày xưa đâu còn nữa. Rồi đến buổi chiều, khi cậu Út qua nhà, nghe cậu hỏi má có kêu con Hạnh mời thằng Minh một tiếng không. Thằng Minh nó mới đi học trên tỉnh về, tụi nó là bạn với nhau từ nhỏ tới giờ - một tiếng thở dài - Phải anh Hai đừng mất sớm thì chắc con Hạnh bây giờ cũng học hành đàng hoàng như thằng Minh, chớ bộ! Nhà nghèo làm như dễ bệnh, dễ chết hơn người ta! Sao lúc nãy, tôi nghe thằng Minh hỏi cái gì cũng nghe con Hạnh trả lời không biết hết trơn vậy, chị Hai?
Không nghe tiếng má trả lời. Cậu Út ngồi trên bộ ngựa thả chân thòng xuống mà đôi chân không chấm đất. Nó cứ lơ lửng, chơi vơi giữa không gian thinh lặng mà có vẻ nặng nề. Tiếng máy hát từ trong phòng chị Hạnh lại nhả ra những cung bậc quen thuộc mà có lẽ, giờ đây chỉ một mình chị hiểu.
---------------------
(*) Lời trong bài thơ Tiền và lá của nhà thơ Kiên Giang