Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.109
123.143.853
 
Buồn thay, nguyên mẫu vẫn cứ nhiều..Một tác giả cùng đọat giải Văn học tuổi 20 tâm tình với Nguyễn Ngọc Tư và chúng ta.
Nguyễn Thị Thu Hiền

Đồ rằng cụ cố Hồng còn sống, cụ lại cứ mãi làu bàu câu này. Nói theo kiểu Nam Bộ:" chuyện xưa rồi", hay nói vui: " xưa như Diễm". Vậy mà ít nhiều cứ phải mệt mỏi bởi những chuyện không đâu, phải không Tư- ít nhiều mệt mỏi?  Thời gian để dành cho một cuốn sách hay, một trang viết dang dở hoặc một bộ phim hoạt hình cùng lũ nhóc nhà mình lại hơn.

 

May thay, Tuổi trẻ đã khép lại diễn đàn về  Cánh đồng bất tận và về tác giả " bị tai tiếng" ( nếu để " nổ" thì có lẽ diễn đàn mãi... bất tận). Sau 5 ngày mở ra diễn đàn (tính đến chiều ngày 12-4-2006), bạn bè và người yêu mến  Tư có để tâm theo dõi sẽ thống kê được 1 con số ý nghĩa như  Tuổi trẻ đã công bố: có 868 ý kiến, trong đó có 855 ý kiến ủng hộ và 13 ý kiến phản đối.

 

Còn nhớ năm 2000 gặp Tư ở Sài Gòn khi cùng nhau đi nhận giải  Văn học tuổi 20. Những 20 ngày ấy thật vô tư với những trang viết đầu đời, chúng tôi : Tư, tôi, Phong Điệp, Vũ Đình Giang, Nguyễn Thị Việt Hà, Nguyễn Thị Thanh Bình được nhà văn Nguyễn Quang Sáng gọi vui là những con rồng bởi cùng tuổi Bính Thìn ( 1976) và nhận giải trong năm con rồng của thiên niên kỉ mới. Vô tư, chúng tôi chẳng để tâm tới lời ì xèo về việc có ưu ái hay không khi Tư đoạt giải nhất cho tập " Ngọn đèn không tắt". Về đến đất văn chương kinh kì- đất khắc nghiệt cho những lời đồn đại,  càng nghe vẳng tiếng ì xèo. Chẳng thấy có gì phải băn khoăn trước những trang viết trong sáng, ăm ắp tình người của bạn mình, giản dị như áo sơmi trắng quần tây đen bạn mặc ngay cả khi nhận giải. Có chăng, chỉ thấy dự cảm mơ hồ cho con đường văn chương khắc nghiệt mà bạn và mình đang dấn tới.

 

Giờ đây bạn khẳng định được qua tác phẩm rồi lại gặp " nạn", chợt nhớ dự cảm mơ hồ... Tôi cũng đã có lúc gặp " nạn"  ở 1 tỉnh miền núi khi "dám" viết về góc khuất của đời sống giáo viên miền núi để ông trưởng ban tuyên giáo tỉnh thậm chí chẳng buồn đọc nhưng " bèn" nghe lời khích bác của 1 cá nhân mà đập bàn đập ghế, hòng xua tôi khỏi " môi trường miền núi trong lành"  giống như  kiểu giờ có người gần xa đánh tiếng Tư "lưu vong".

 

Mới đó mà đã 5 năm...

 

Thời gian và va vấp sẽ khiến chúng tôi " già" đi và sẽ dần quên đi những chuyện không đâu này. Viết và viết vẫn là điều đáng nói. Và sẽ vẫn không tránh khỏi những chuyện không đâu?...  

 

Sau 30 năm giải phóng đất nước, không phải những người trẻ chúng tôi không loay hoay: viết gì? Lịch sử anh hùng chúng tôi cảm nhận rất rõ qua từng trang sách hay qua hồi ức của ông bà, cha mẹ mình. Nhưng nỗi đau thì chúng tôi phải tự cảm nhận, như thế sẽ thấm hơn? Tâm sự trên Tuổi trẻ ngày 21- 11-2005, Tư nhắc những chuyện dã tâm được nghe đã xảy ra trong chiến tranh:  kẻ địch bắt lươn sống chui vào cửa mình của người phụ nữ, đá thốc vào bụng người đang mang thai... Ngày nay chắc (hi vọng thế) không còn những chuyện khủng khiếp đó. Nhưng chuyện một nhóm người vì lòng ghen tuông thù hận mà tạt axít vào nhau đầy rẫy trên báo chí hay chuyện lấy keo dán sắt đổ vào cửa mình của kẻ vì giạ lúa, con vịt  mà làm điếm trong " Cánh đồng bất tận" của Tư thì kém gì kiểu đó đâu. Ai cũng muốn quên cái ác, hướng tới môi trường trong lành nhưng xã hội nào cũng chứa trong nó những cá nhân tha hóa. Không lẽ người viết quay lưng? Nói nghe có vẻ to tát nhưng thực thế. Không lẽ báo chí đăng, công an thi hành án... mà những người viết ( được coi là trẻ- tiên phong) lại quay lưng?

 

Chúng tôi không quay lưng và nhân đây cũng xin đừng khiến chúng tôi mỏi mệt bởi những chuyện không đâu. Không lẽ những người trẻ lại phải than ít nhiều mỏi mệt như cụ cố Hồng lẩm cẩm? Tất nhiên, trong nghị- lực- viết hay còn gọi là nỗ lực sáng tạo thường xem nhẹ những chuyện không đâu, thậm chí đôi khi chúng tôi vẫn nói vui với nhau theo " tinh thần A.Q" rằng chính những chuyện không đâu này lại là chất xúc tác, là nguyên mẫu chẳng cần kiếm đâu xa... Có thể trở thành nguyên mẫu bất tận nếu mãi lặp lại những con người mang danh chức năng này nọ luôn chực dò xét, chụp mũ, bắt bẻ, đòi hỏi, dạy dỗ ... người khác, nhất là những người trẻ (mà họ cho là trẻ người non dạ) dầu họ làm đúng, không có gì sai trái? Có thể lắm nhưng ai biết được người cầm bút chân chính cũng chẳng mong có mặt những nhân vật như thế trong tác phẩm của mình khi phải lấy từ nguyên mẫu. Điều này cùng chung tâm trạng với ông T, ông L hay ông Y, ông Z nào đó khi không thích Tư " làm xấu" cánh đồng, người nông dân quê mình cho cả nước, cho thế giới biết (!). Buồn thay, nguyên mẫu vẫn cứ nhiều. Người nông dân chưa hết khổ và những người " nhân danh" mang học hàm, học vị vẫn cứ ngồi trên để phán xét " một cách triệt để" cũng vẫn còn, không phải rơi rớt như tàn dư của những gì bảo thủ trì trệ xã hội đã hòng loại bỏ mà ngang nhiên, " vị thế" vô cùng.

 

Không như con chim sợ cành cong- đó là bản lĩnh của người viết nhưng ám ảnh dù chỉ là vô thức sẽ làm oải những dòng văn. Càng trẻ, đời sống càng bộn bề, chúng tôi càng thấy tiếc từng thời khắc. Ai đó nhàn rỗi tẩn mẩn ngồi chẻ cọng rau muống ra làm năm, làm bảy đừng biến mình thành lẩm cẩm mà lặp lại lời than của cụ cố Hồng.

 

Hà Nội 16- 4- 2006

Tựa đề của tác giả : Lại " Biết rồi, khổ lắm, cứ nói mãi..."

Nguyễn Thị Thu Hiền
Số lần đọc: 4544
Ngày đăng: 18.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Em ơi ! đừng lấy chồng xa… - Trần Xuân Linh
Hoài niệm... - Trọng Huân
Happy… - Trần Xuân Linh
Một cái chết TÔI TRUNG - Trọng Huân
Nghĩ cho con - Nguyễn Ngọc Tư
Lan man chuyện “HỌ”... VÀ TÊN - Phạm Lưu Vũ
Tản mạn quanh... cái cổng - Nguyễn Ngọc Tư
Con vờ vờ trên sông - Trọng Huân
Ngõ xóm - Trọng Huân
Làm cho biết - Nguyễn Ngọc Tư
Cùng một tác giả
Ly (truyện ngắn)
Hai người vợ lính (truyện ngắn)
Gío ngược Đồng Vai (truyện ngắn)
Chuyến Xe Giối Già (truyện ngắn)
4 Truyện cực ngắn (truyện ngắn)
Miền cỏ bên đời (truyện ngắn)
Nghi án Yên Tử (truyện ngắn)
Phố mới (truyện ngắn)