Tôi là báu vật của má tôi. Bởi vì má chỉ còn mình tôi thôi . Từ khi biết mở mắt nhận thức thế giới thì tôi cũng nhận ra mình đang chìm ngập trong tình yêu bao la của má. Mẹ nâng như trứng, mẹ hứng như hoa, mẹ ôm vào lòng . Má chiều chuộng tôi, má chăm bẵm tôi . Có lẽ vì vậy mà thể chất tôi đâm ra yếu đuối, còn tâm hồn tôi thì vô cùng nhu nhược. Tôi luôn luôn cần được ấp ủ, vỗ về, cần được yêu thương ai đó và cần được sở hữu một niềm tin chắc chắn rằng tôi được yêu thương.
Bố tôi mất sớm, bác là chị của bố đón má con tôi về ở chung. Bác tôi là người tu tại gia, chẳng có chồng con gì cả nên cũng hết mực yêu quý tôi.
Tôi thấy má và bác cứ quần quật suốt cả ngày . Thức khuya dậy sớm , cân cân đong đong , xay đậu nành nấu sữa, ủ đậu xanh làm giá, rồi tất tả đem ra chợ bỏ mối . Ở nhà lúc thì đan áo len cho người ta, lúc ngào me, rang đậu phộng bỏ bịch bán cho trẻ con quanh xóm . Đôi khi tôi tự hỏi gầy gò như vậy mà sao má lấy đâu ra sức lực nhiều đến thế ? Lúc nào tôi cũng luẩn quẩn bên chân má tôi. Má ngồi thì tôi ngồi, má đứng thì tôi đứng, má dợm bước thì tôi cũng lót tót chạy theo.
Một hôm, tôi nghe bác bàn với má: 'Cậu mất rồi mà bé Trâm còn nhỏ quá, cứ lủi thủi một mình trông đến tội. Tôi định lên chùa xin một đứa trẻ mồ côi về nuôi cho chúng nó có anh có em. Mợ nghĩ sao?' Má tôi đáp: 'Chị tính thế nào thì em theo thế ấy'.
Chiều hôm sau, má mặc cho tôi cái aó đầm màu hồng có nơ trước ngực. Mái tóc bum bê của tôi được má cột thành hai cái đuôi chuột nhỏng lên cũng buộc nơ màu hồng. Rồi má con tôi ra cửa đứng đợi bác tôi về.
Từ xa, tôi thấy bác dắt một thằng nhóc đen thủi đen thui, vừa đi vừa nhảy chân sáo. Trông thấy chúng tôi, nó toét miệng cười, hàm răng trắng ởn, cái áo thun nó đang mặc ngắn hớt lên để lộ cái bụng tròn rốn lồi ra như quả quất. Nó trố mắt nhìn tôi một lúc rồi đột nhiên giơ hai tay ra kêu lên: 'Thấy thương quá! Cho hun miếng coi, cho hun miếng !' Tôi quay ngoắt lại, ôm chặt lấy chân má tôi, vùng vẫy để tránh 'miếng hun' bất ngờ đó.
Tôi có anh Hai từ ngày ấy. Từ ngày ấy má tôi không còn phải mất thời gian dỗ dành tôi mỗi bữa cơm. Mỗi bữa cơm, hai người đàn bà vui sướng nhìn một thằng bé tám tuổi dỗ dành một con bé sáu tuổi ngọt xớt, có ngộ không chứ ? Anh Hai quấn quít bác tôi như tôi quấn quít má tôi vậy. Bác làm gì anh cũng làm theo. Mà hễ thấy anh khua khoắng cái gì là tôi cũng thò tay vào cái ấy và miệng cũng láu táu: 'Cho con phụ má, con phụ má'.
Cũng từ ngày ấy tôi bắt đầu gọi mẹ tôi bằng má, y như anh Hai tôi gọi bác tôi vậy. Mà má tôi cũng chẳng thèm sửa lại.
Tôi nhớ hình ảnh con bé Trâm ngày xưa bụ bẫm, ngắn ngủn, lũn chũn chạy theo anh Hai rong chơi khắp xóm. Tôi thấy nó ngồi thu lu trên vỉa hè, mắt lom lom nhìn cái lon sữa bò đặt trong ô vuông để canh khi nào anh Hai thảy dép trúng cái lon văng ra xa là lập tức đứng bật dậy, lúp xúp chạy đi lượm lon về đặt lại chỗ cũ. Tôi thấy nó đang hì hục xé báo xếp bì giấy cho anh Hai bắn ná thun. Con bé Trâm thơ ngây lõ mắt nhìn con thằn lằn đang cong đuôi tìm chỗ nấp. Phựt. Tôi giật nảy mình. Không trúng con thằn lằn. Cái bóng đèn vỡ choang. Còn đang bàng hoàng thì anh Hai bế xốc tôi lên, bỏ chạy thục mạng về nhà. Bọc bì giấy mà tôi lễ mễ bưng theo rơi tung toé trên mặt đất. Chúng tôi cũng không dám dừng lại để nhặt đôi guốc màu hồng mới tinh má mới mua cho hồi sáng. Để rồi chiều hôm ấy, cả hai anh em nín thở thấy ông Tư Long đi về phía nhà mình. Má tôi ngạc nhiên và cảm ơn ông Tư rối rít khi nhận lại đôi guốc.
Chẳng biết nghe lời ai xui mà bác tôi quyết định không cho chúng tôi, nghĩa là anh Hai tôi, có nhiều thì giờ rảnh rỗi để chơi bời, phá phách nữa. Bác tuyên bố sẽ cho anh Hai đi học võ. Nghe nói học võ thì đứa nào hay nghịch phá sẽ đằm lại, còn đứa nào nhát quá sẽ …mạnh lên. Tôi cũng nhất quyết đòi đi học với anh Hai. Có nơi nào có anh Hai tôi mà lại không có tôi? Má tôi hơi lưỡng lự, nhưng khi nghe bác tôi nói võ có đạo …đạo gì đấy, má tôi nghĩ hễ có 'đạo' là tất nhiên có chuyện tu tâm dưỡng tánh nên má cũng bằng lòng cho tôi đi. Má thuê ông Bảy đạp xích lô trong xóm đưa anh em tôi đi học.
Trong lúc đang mở to mắt kinh sợ nhìn người ta vật lộn nhau trên sân với những tiếng đùng đùng khủng khiếp, tôi cảm thấy anh Hai nắm chặt lấy tay tôi, đôi mắt sáng rực đầy vẻ háo hức.
Anh Hai sáng láng nhanh nhẹn bao nhiêu thì tôi chậm lụt bấy nhiêu. Niềm hăng hái anh truyền cho tôi mau chóng tiêu tan. Tôi bắt đầu hối hận, thấy mình sao dại quá, tự dưng lại dẫn xác lên đây cho người ta quăng quật, đánh đập tôi thả cửa. Nếu má biết tôi, cái trứng, cành hoa của má, bầm dập như thế này, không biết má nghĩ sao? Trên sân tôi chỉ quấn quít lấy anh Hai đến nỗi thầy bắt tôi phải chào người khác tập để khỏi quen đòn, lờn phản xạ. Mà có ai muốn tập chung với tôi đâu? Đứa thì bảo: 'Tay gì mà mềm xèo, bẻ hoài không thấy kêu đau gì hết!' Đứa thì nói: 'Nó mít ướt quá, uýnh nó, nó khóc à!' Có lần thi lên đai, không ai chịu làm uké cho tôi. Tôi rưng rưng muốn khóc vì tủi thân thì anh Hai dỗ: 'Thôi được, để anh xin phép thầy làm uké cho bé. Không đứa nào chịu uýnh thì anh sẽ uýnh bé. Chịu chưa? Thôi nín đi!' Nghe anh Hai hứa sẽ uýnh tôi vào ngày mai, tôi yên lòng và nín khóc ngay lập tức.
Có kỳ thi, tôi rớt. Tôi nản lắm, không muốn đi học nữa. Anh Hai nói: 'Anh đi học một mình buồn hiu à, bé đi với anh rồi ngồi ngoài chơi thôi nghe!' Nghe bùi tai, tôi chịu đi. Lên đến sân, anh lại nói: 'Bé ngồi một mình ở đây buồn chết. Thôi thay đồ vô sân đi, rồi anh tập chung với bé há. Chịu không?' Làm sao mà tôi không chịu cho được?
Ngày tháng cứ trôi đi. Chúng tôi lớn dần lên bên nhau trong ngôi nhà nhỏ xíu của bác tôi. Dù việc học bị trễ nãi đôi chút nhưng anh Hai học hành tấn tới, thông minh lắm. Người ta bảo trẻ mồ côi thường biết lo sớm. Chẳng lẽ trẻ mồ côi nào cũng giỏi giang, sáng sủa như anh Hai vậy sao? Chẳng mấy lúc mà anh Hai tôi sẽ tốt nghiệp để trở thành một kỹ sư nông nghiệp. Anh nói có lẽ vì ba má ruột anh là nông dân nên anh có máu nhà nông. Còn tôi không phải là con nhà nông nhưng hễ anh Hai ưa làm điều gì thì tôi cũng thích làm điều ấy. Tôi cũng bắt đầu dợm những bước chân đầu tiên để theo gót anh. Tôi biết hương lúa thơm, mùi trái chín của miền đồng bằng sông Cửu Long vẫn cứ đậm đặc trong tâm hồn, trong máu thịt của anh. Tôi cũng muốn dìa dưới xứ với anh, đem những kiến thức của mình giúp người nông dân không phải bỏ ruộng lên thành để rồi lưu lạc, lang thang phụ hồ, đào đất, nhặt phế liệu, ve chai hay cưa bom, đầu đạn rồi chết mất xác như tiá má anh hồi xưa. Tôi bay bổng trong niềm yêu thương và mơ ước như người thiếu nữ trong tranh Chagall, tay trong tay, mắt trong mắt cùng người yêu đi dạo giữa đất trời mênh mông xanh ngát.
Một sự kiện quan trọng xảy ra trên sân Hiệp khí là một người bạn cùng lớp với anh Hai tôi xin vào học. Một người bạn gái. Đột nhiên, tôi thấy tim mình thót lại một cách khó hiểu khi thấy anh ân cần hướng dẫn những động tác cơ bản cho chị Hà. Tôi không thể cứ đứng ì ra đấy mà nhìn nên bỏ đi chỉ đòn cho đám đai màu. Dù học hành lẹt đẹt nhưng tôi cũng đã lấy được đai đen. Tôi nay đã lớn, không mít ướt nhiều nữa và có phần cứng cỏi hơn. Không 'cứng' lắm đâu nhưng cũng là …có tiến bộ.
Sau cú koshi hơi nặng tay của một võ sinh đai nâu, tôi cảm thấy hình như gót chân tôi đã khện vào ai đó. Đứng dậy, tôi thấy anh Hai đang ngồi ôm mặt và chị Hà đang xuýt xoa hỏi han anh. Tôi hốt hoảng vội vàng gỡ tay anh Hai để nhìn xem thế nào. Một bên mắt trái đang bắt đầu bầm tím lên, thế mà anh vẫn an ủi tôi: 'Anh không sao đâu bé. Đau chút xíu hà!' Đau chút xíu hà của anh kéo dài hết nửa tháng, tốn bao nhiêu thuốc và nước muối mắt anh mới tan hết máu bầm, trở lại bình thường.
Rồi một ngày, sau khi cả nhà ăn mừng anh đã tốt nghiệp, anh Hai thông báo sẽ về một vùng nông thôn để làm việc. Chị Hà, bạn anh, cũng sẽ đi cùng.
Tôi nhớ có lần anh Hai đã nói với tôi: 'Con người ta sinh ra ai cũng như ai, chỉ có thể phân biệt người này người kia qua bản sắc riêng của mỗi người'. Chẳng lẽ tôi là một con người nhợt nhạt, vô hồn đến nỗi dù có hiển hiện lù lù ngay bên cạnh anh, anh cũng vẫn không nhận ra những tình cảm tôi dành cho anh ngày càng lớn, càng sâu nặng hay sao? Tôi phải làm sao đây? Chẳng phải anh là một uké tuyệt vời mà định mệnh đã mang lại cho tôi đó sao? Tôi thấy lòng bâng khuâng và buồn phiền vô hạn.
Buồn bắt đầu từ hai vực mắt
Rồi buồn bay lên đến đỉnh cây
Cây trút lá mang buồn xuống thấp
Trả lại người chút gió heo may
Mường Mán
Anh đi rồi. Tôi, má tôi, bác tôi cùng thở dài. Cả ngôi nhà bỗng trở nên đìu hiu, im vắng như đồi núi bỏ hoang, như đồng lúa gặt xong, và quanh tôi lặng câm là những bức tường trắng. Chúng tôi cùng mang trong lòng một nỗi trông chờ mỗi khi ông phát thư đi ngang qua nhà. Không có thư, bác tôi dõi mắt nhìn ra xa, tay vẫn lần tràng hạt. Không có thư, má tôi nhìn tôi, rồi thở dài.
Nhưng nếu có thư, cả gian nhà sáng bừng lên như vừa được thắp tới sáu ngọn đèn. Thư nào anh cũng kể chuyện tỉ mỉ đi đâu, làm gì, gặp những ai. Giống lúa nào mới, bón phân ra sao, gieo trồng thế nào, diệt sâu rầy làm sao, những người dân quê đối với anh thân thiết và chân tình nhường nào. Thư anh viết nghe vui vẻ, hồ hởi bao nhiêu thì tôi buồn bấy nhiêu. Có đúng là anh chỉ vui với công việc thôi không?
Tết này anh sẽ về thăm nhà. Má và bác tôi tít tít làm bánh, làm mứt, phần ăn Tết, phần để anh mang theo. Kia rồi, anh đang đứng trước cửa nhà, tươi cười rạng rỡ. Má tôi mừng cuống quít, bác tôi lập cập ôm chầm lấy anh. Hình như anh Hai hơi gầy hơn, đen hơn, hàm răng dường như trắng hơn và nụ cười, chao ôi, tươi hơn. Tôi thấy nhói trong lòng khi thấy chị Hà khệ nệ bước vào xách theo nào gạo, nào trái cây, nào vịt. Tôi đỡ lấy các thứ từ tay chị mang vào bếp. Khi chỉ có chúng tôi trong bếp, chị vuốt má tôi nói: 'Anh Hai thương bé Trâm lắm!'
Buổi tối, trời trong không một gợn mây, sao trời giăng chi chít, tất cả chìm vào yên lặng, tôi ngồi bó gối suy nghĩ về điều chị Hà nói thì chợt nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ và một giọng thì thầm: 'Bé ơi !'