a-Nguồn gốc và vị trí địa lý của Văn Miếu
Nằm cách cổng sân bay Phù cát về phía Nam chừng 800 m,Văn Miếu toạ lạc trên một gò đất quang đãng của thôn Vĩnh Phú, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, Bình Ðịnh. Văn Miếu nối liền với đường Gò Găng- Kiên Mỹ bằng con đường bê tông rộng rãi, bằng phẳng, khá thuận tiện cho khách tham quan bằng xe ô tô.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tập III, quyển IX, phần tỉnh Bình Định, mục từ Đền miếu có đề cập đến Văn Miếu( người dân thường gọi là Văn Thánh ). Sách cho biết, Văn Miếu được xây dựng vào năm đầu niên hiệu Gia Long (1802) tại thôn Vĩnh Lại, nay là thôn Vĩnh Phú, nằm ở phía Tây xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn.
Cũng trong năm Gia Long thứ nhất, miếu Hội Đồng và miếu Thành Hoàng đã được lập tại thôn này. Miếu Thành Hoàng nằm ở phía Tây Văn Miếu( rất có thể là ngôi miếu mà ngày nay người dân địa phương gọi là miếu Bà ), còn miếu Hội Đồng nằm ở phía Đông, thuộc xóm Dưới, giờ đã thành phế tích.
Còn theo như mô tả của nhà thơ Quách Tấn trong quyển " Nước non Bình Định" thì:
"Văn Miếu có Qui mô rộng lớn, Gồm có 3 toà, Mỗi toà 3 gian hai chái. Cột lớn hơn ôm, kèo trính tòan danh mộc.
Toà chính thờ đức Khổng Tử cùng Chư Hiền.
Toà phía tây thờ đức Khải Thánh ( thân sinh đức Khổng).
Toà phía đông thờ các tiên Nho.
Miếu xây mặt vào Nam, trước có bình phong, ba biểu và cửa Tam Quan, Chung quanh có thành đá bao bọc.
Văn miếu rộng thênh thang và trồng toàn xoài tượng, gốc lớn tàn sum, quang cảnh thật thâm nghiêm u tĩnh. Người đến viếng cảnh tự nhiên thấy lòng mình trở nên rộng rãi nhẹ nhàng. Cho nên, thời tiền chiến, người bốn phương thường đến cung chiêm, nhất là những ngày lễ và ngày chủ nhật. Mọi người đều tôn xưng là thắng cảnh.
Thời kháng chiến chống Pháp, thành ngoài Văn Miếu bị phá, cữa miếu và vách miếu bị dỡ, một số xoài bị đốn. Ngót năm bảy năm trời, gió mưa tàn phá thêm nữa, thành cột kèo xiêng trính bị hư hỏng rất nhiều. Và toà phía Đông không chịu nổi phong sương bị đổ nát…".
Như vậy Văn Miếu ở Nhơn Thành, Bình Định là một trong những Văn Miếu được dựng vào loại sớm nhất của triều Gia Long, sớm hơn cả Văn Miếu Khánh Hoà( dựng năm Gia Long thứ hai, đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia ),Văn Miếu Bình Thuận ( dựng năm Minh Mệnh thứ 7 ), Văn Miếu Hải Dương ( dựng năm Minh Mệnh thứ 4 )…
Ngày nay, di tích còn lại là phía trước cổng, hai bên tả hữu có nhà bia cao hơn 3m khắc chữ " khuynh cái hạ mã", cách một sân đất rộng hơn hai mẫu có hai con lân cao hơn ba mét đúc bằng vôi ốc án ngự hai bên trông rất bề thế và cổ kính. Kế đến là tấm bình phong đắp nổi hình con nghê đá cõng phong thư và những nền đất xây đá ong cao gần nửa mét.
Qua các dấu tích còn lại và theo sự chỉ dẫn của các cụ cao niên ở Vĩnh Phú, chúng tôi đã vẽ lại toàn bộ sơ đồ Văn Miếu với ba toà chính và một toà phụ thờ Khải Thánh. Ba toà chính gồm Tả Vu và Hữu Vu thờ Tứ phối và Thất thập nhị hiền nằm đối nhau hai bên bằng một sân rộng lát gạch. Cách sâu vào trong là chánh toà thờ Khổng Tử nằm trên một nền đất cao. Ngay vị trí này, đến những năm 8O của thế kỷ trước còn tồn tại một ngôi trường làng với cột kèo, xiên trính được dựng lại từ Văn Miếu cũ đã bị phá dỡ thời chống Pháp. Sau đó ngôi trường cũng bị dời đi nơi khác, chỉ còn lại nền móng với nhiều đá ong .
Sau chánh toà là miếu Khải, thờ ông Công Thúc Lương Ngột và bà Nhan Thị Trưng Tại- thân phụ và thân mẫu đức Khổng Tử.
Phía đông Văn Miếu là nhà quan cư với giếng nước và nơi cho người Tự thừa ở để cai quản Văn Miếu.
Toàn bộ Văn Miếu nằm trên một gò đất cao ráo, bằng phẳng, xoay mặt về phía thành Hoàng Đế theo hướng Tý Ngọ ( trục Bắc Nam ).
Trước Văn Miếu là một triền sỏi đất ( giờ um tùm cây lâu niên ) trải dài xuống cánh đồng xanh mướt của thôn Vĩnh Phú.Tiếp giáp với cánh đồng là con sông Quai Vạc chạy ngay dưới chân thành ngoài của thành Hoàng Đế( tương truyền, đây là khúc sông do Nguyễn Nhạc cho đào để bảo vệ thành ngoài) . Dòng Quai Vạc uốn lượn như con rồng chầu quanh Văn Miếu. Từ Văn Miếu đến chân thành Hoàng Đế, đoạn ở thôn Bắc Thuận theo đường chim bay không quá 800 m .
Từ cổng Văn Miếu phóng tầm mắt qua khỏi thành Hoàng Đế còn thấy núi An Tượng ( cao trên 800 thước ) làm tiền án. Núi ở địa phận xã Nhơn Tân huyện An Nhơn mang hình con voi phục, đầu hướng về phía Đông. Đây là ngọn núi khởi phát nhiều sông suối và gắn liền với nhiều chiến tích của nghĩa quân Tây Sơn.
Phía Tây Văn Miếu là ngọn đồi Gò Quánh, có hòn núi Đại An án ngữ; phía Đông nhìn thẳng ngọn Mò O như một chiếc nghiên khổng lồ giữa ruộng đồng bát ngát.
Xung quanh Văn Miếu là những vườn xoài tượng, gốc to 3-4 người ôm không xuể. Thời chống Mỹ, do ảnh hưởng của chiến tranh bom đạn, các vườn xoài đã tàn lụi hết. Đến nay hầu như không còn nữa. Văn Miếu thời phong kiến do Đốc bộ đường Bình Định quản lý.
Thời kháng chiến chống Pháp, Văn Miếu bị tàn phá rất nặng nề, hầu hết cột kèo đều bị dỡ bỏ, lớp làm hàng rào kháng chiến, lớp làm củi đốt. Người dân Vĩnh Phú dùng tám cây cột lớn của Văn Miếu để dựng lại miếu Hội Đồng ở xóm Dưới, nhưng rồi cũng bị bom pháo tàn phá đổ sập. Nhiều bài vị, sắc phong và cả bản khắc tên các cử nhân, tiến sĩ trong tỉnh đã bị mang ném xuống giếng cạnh nhà quan cư. Các cụ ở Vĩnh Phú còn nhớ hồi ấy có người lén gánh một ít mang lên vùng huyện Tây Sơn để thờ phượng, nhưng không biết cụ thể ở đâu.
Trải bao triều đại,Văn Miếu được nhiều lần trùng tu xây cất, lần đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ 10 ( 1829 ), lần thứ hai vào năm Quí Dậu (1933 ), tức năm Bảo Đại thứ 10. Các lần sau và cụ thể bao nhiêu thì chưa tìm thấy tài liệu nào cho xác tín.
b-Văn Miếu và tế lễ:
Cụ Trần Đình Quyền 96 tuổi, hiện ở thôn Tiên Hội, xã Nhơn Thành kể rằng, hồi còn thanh niên, cụ được sung vào ban lính canh gác và phu dịch Văn Miếu. Ông nội tôi là Mai Chấn ( 1882-1953 ) và cha của cụ Mai Đức Thanh ở Vĩnh Phú từng là những người được chọn làm Tự thừa để cai quản Văn Miếu.
Văn Miếu luôn có một Tự thừa cai quản thường nhật và 26 lính chia thành 13 ban, mỗi ban hai người thay phiên trực suốt ngày đêm. Nhiệm vụ của ban trực là canh giữ, bảo vệ Văn Miếu, quét dọn, chăm sóc cây trái và giúp người Tự thừa cúng kính, hương khói thường nhật. Khi đến ngày làm lễ, cúng tế thì tăng cường thêm tráng đinh ở các làng bên sang phục dịch. Những người phục dịch trong Văn Miếu được phát thẻ (miễn diêu, miễn khai, tráng trạo…) để miễn sưu thuế tuỳ theo mức độ đóng góp.
Mỗi năm có hai kỳ tế lớn tại Văn Miếu vào tháng ba và tháng tám, gọi là " xuân thu nhị kỳ". Các ngày tế lễ thường là từ mùng 10 đến 20 âm lịch.Việc tế lễ ở Văn Miếu được đưa vào lệ " Quốc lễ ", tức là do nhà nước lo, ngân sách của tỉnh đài thọ là chính. Chính vì là " Quốc lễ " cho nên các kỳ tế lễ ở Văn Miếu thường được tổ chức rất linh đình và nghiêm cẩn.
Trước ngày tế có trát quan phủ sức dân dọn dẹp đường sá; các làng bên ( Tân Nghi, Bình Đức, Thiết Tràn…) chuẩn bị bò heo để cúng. Mỗi lần cúng phải mất 12 heo, 1 bò, 1 dê, 5 vuông gạo nếp và nhiều thứ khác.
Chiều hôm trước, các vị chức sắc hàng tỉnh trở xuống đã phải đi kiệu, đi ngựa về Văn Miếu, nghỉ ở nhà quan cư được xây cất trong khuôn viên Văn Miếu. Bốn giờ sáng hôm sau làm lễ cúng tế linh đình cho tới trưa.
Buổi trưa ngày hôm trước, các quan lại địa phương, thân hào, nhân sĩ, học sinh đã tựu về Văn Miếu chờ chiêm bái và phụ giúp ban tổ chức. Con đường từ cổng Văn Miếu đến đoạn nối với đường Thiên Lý ( Quốc lộ 1 ) được quét dọn sạch sẽ, cờ xí rợp trời.
Các quan phủ, huyện và chức sắc địa phương với đầy đủ nghi vệ tiến ra tận đầu đường để đón các quan hàng tỉnh.
Dẫn đầu đoàn rước các quan về tế lễ Văn Miếu là hai bảng " túc tỉnh" ( yên kính ) và " hồi ty " ( tránh một phía ), tiếp đến là hai hàng gươm giáo và cờ, chiên trống theo sau. Các quan tỉnh đi kiệu có lọng che, các nhạc công y phục áo đỏ, nón dấu tấu những khúc nhạc nhịp nhàng với trống phách điểm hài hoà trang trọng. Hai bên đường và sau hương án của Văn Miếu, dân chúng đứng nghiêm cẩn chờ bái vọng lệnh vua.
Các quan xuống kiệu trước cổng Văn Miếu, nơi có hai nhà bia " khuynh cái hạ mã " rồi xếp hàng tuần tự vào nhà Quan cư nghỉ ngơi để chuẩn bị làm lễ.
Lễ tế Văn Miếu được bắt đầu bằng nghi lễ tế ở miếu Khải Thánh. Xong lễ, mọi người về lại nhà Quan cư phục mạng và tiến hành lễ chính ở chánh đường. Các quan với áo mão cân đai triều phục đứng bất động rồi hành lễ theo tiếng xướng to của người chủ tế, hoà với tiếng nhạc, tiếng trống vang dìu dặt hay khoan nhặt theo từng trình tiết tế lễ.
Lễ hoàn tất khi trời hửng sáng và các quan về lại nhà Quan cư để nghỉ ngơi giây lát rồi tiếp tục tế lễ cho tới trưa.
Ngoài các lễ cúng còn có nhiều hoạt động hội hè, thi phú rất sôi động. Tại thôn Phú Thành, xã Nhơn Thành cũng đã hình thành một đội nhạc chuyên phục vụ cho các hoạt động này của Văn Miếu.
c-Văn Miếu và khoa cử Bình Định
Ngoài Văn Miếu, ở Bình Định còn có 6 Văn Chỉ được phân bố ở các huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Bình Khê và Phù Mỹ. Văn Miếu hay Văn Chỉ đều là nơi tập hợp các văn tài trong xứ, chỉ khác là Văn Miếu ở Nhơn Thành do cấp tỉnh quản lý ( đền văn ), còn văn chỉ là do cấp huyện quản lý ( chốn văn ). Văn Miếu, Văn Chỉ nào cũng dành riêng một bàn thờ với bốn chữ lớn " Vạn thế sư biểu " ( Bậc thầy của muôn đời ) để tôn vinh Đức khổng Tử. Song thực chất của Văn Miếu Nhơn Thành, An Nhơn, Bình Định cũng như Văn Chỉ ở các nơi khác là nhằm tập hợp các nhà khoa bảng đã thành đạt có trách nhiệm chăm sóc, khuyến khích, dìu dắt các lớp hậu bối.
Khoa thi nào cũng vậy, các thí sinh Bình Định trước khi bước vào cổng trường thi hương đều đã qua sát hạch thử ở các văn Chỉ huyện, cho nên việc đỗ đạt của các tân khoa không chỉ là niềm vui riêng của gia đình mà còn là niềm vui chung của làng nước.
Như vậy các Văn Miếu, Văn Chỉ trên đã đóng góp rất nhiều sĩ tử giỏi cho Trường Thi Bình Định. Trong 65 năm tồn tại, trường thi Bình Định đã tiến hành 22 khoa thi, chọn lọc được 342 vị cử nhân, trong đó Bình Định chiếm đến 194 vị với 12 thủ khoa và 11 vị đỗ Hoàng Giáp, tiến sĩ, phó bản. Hai huyện có nhiều cử nhân nhất là Tuy Phước với 63 vị và An Nhơn với 55 vị. Còn học vị tú tài thì nhiều hơn, không thể thống kê hết được.
Tại Văn Chỉ huyện Tuy Phước ( Nằm ở thị trấn Tuy Phước hiện nay ) còn lưu giữ nhiều di vật, đặc biệt có bảng khắc tên và hành trạng đỗ đạt của các nhà khoa bảng tiền bối từ tiến sĩ, cử nhân, đến tú tài. Rất có thể tại Văn Miếu ( đền Văn ) ở Nhơn Thành, huyện An Nhơn thời xưa cũng có lưu giữ tên tuổi và hành trạng đỗ đạt của các vị khoa bảng trong cả tỉnh, nhưng do thời gian và chiến tranh tàn phá nên ngày nay đã không còn.
d- Văn Miếu và hát bội Bình Định
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn thì hồi ấy, cứ ba năm một lần, ở Bình Định còn có lệ 'hát Văn Miếu". Mỗi lần " hát Văn Miếu " là một cuộc đua tài sôi động của các nghệ sĩ ở các gánh hát bội trong toàn tỉnh .
Chỉ có Văn Miếu ở thôn Vĩnh Phú, xã Nhơn Thành mới tổ chức hát bội thành lệ, còn các Văn Chỉ thì không thành lệ mà chỉ tổ chức hát mừng vào những dịp thuận tiện, như hát mừng sĩ tử huyện nhà đỗ đạt cao chẳng hạn.
Lệ hát Văn Miếu do Hội đồng quản trị Văn Miếu tiến hành theo qui định. Các nghệ sĩ hát bội ở các gánh hát căn cứ vào kịch mục sẽ diễn mà đăng ký nghệ sĩ thủ vai. Hội đồng quản trị Văn Miếu sẽ sắp xếp, chỉ định vai vế vở diễn, ai diễn trước, ai diễn sau.
Mỗi lần " hát Văn Miếu " là một cuộc đua tài sôi động của các nghệ sĩ ở các gánh hát bội trong toàn tỉnh.
Kết thúc cuộc thi, tổng đốc Bình Định ký bằng ban thưởng danh hiệu Chánh ca hay Phó ca cho các nghệ sĩ đoạt giải cao. Các nghệ sĩ tên tuổi của Bình Định, như Chánh ca Ghình, Chánh ca Đựng, Phó ca Á, Phó ca Chạng… đều là các tên tuổi được tôn vinh từ " hát Văn Miếu " ở Nhơn Thành.
e- Mấy lời khuyến nghị cho Văn Miếu
Trải bao thăng trầm của thời gian và chiến tranh tàn phá, ngày nay Văn Miếu ở Nhơn Thành chỉ còn lại tấm bình phong đắp nổi hình con nghê đá cõng phong thư lỗ chỗ vết đạn, một con Lân cao hơn ba mét và nhà bia " Khuynh cái hạ mã " ở trước cổng. Toàn bộ Văn Miếu đã bị đổ nát,người dân Vĩnh Phú cho xây lại trên nền cũ một ngôi đình nhỏ bé để thờ cúng vào dịp Thanh Minh, lễ tết…
Theo lời kể của nhân dân thôn Vĩnh Phú thì sau 1975, ông Huỳnh Hưng, người trong thôn đã tự tháo dỡ nhà bia ở phía Đông để lấy gạch làm nhà thì bỗng dưng phát bệnh nan y mà chết. Các con cháu vội cho dựng lại tấm bia bằng đá có khắc dòng chữ " Khuynh cái hạ mã " trên nền đất cũ, và từ đó không còn ai dám động đến di tích Văn Miếu nữa.
Hiện nay Văn Miếu được làng giao cho cha con ông Mai Đức An coi giữ và cúng tế hàng năm. Trong ý thức của phần lớn thế hệ người dân địa phương đều không còn hiểu được giá trị to lớn của Văn Miếu mà chỉ biết đó như là ngôi đình làng để thờ cúng thanh minh.
Nhờ sự trọng thị của người xưa với nền học vấn, với hiền tài của đất nước, Văn Miếu đã trở thành một dấu son đỏ rực trong trang sử địa phương, nó đã góp một phần to lớn làm nên nguyên khí, làm nên nền Văn Hiến của tỉnh Bình Định.
Với phong trào khuyến học, khuyến tài mà Đảng và chính phủ đang phát động, thiết nghĩ tỉnh Bình Định nên khẩn trương khôi phục lại Văn Miếu để con cháu thấy được truyền thống trọng hiền tài của ông cha mà chăm lo sự học, đặc biệt là ý thức khuyến học đến từng dòng họ , từng gia đình làng xã nhằm nuôi dưỡng ý chí ham học hỏi của quê hương./.
( Bài trích từ cuốn " Văn hoá dân gian xã Nhơn Thành"của Mai Thìn
- NXB Khoa học xã hội, 2004 )