Duy ngồi thẫn thờ nhìn ra đường và ao ước rằng trước mặt là cánh đồng bao la của một miền quê nào đó, xanh rờn rợn màu xanh mát dịu mà chứa chan sinh lực của thảm lúa tháng tám sắp trổ đồng đồng. Heo hút đằng chân mây, một rặng cây màu lục, mờ mờ trong sương sớm. Trên nền trời lờn lợt màu xanh dương, vài cụm mây trắng mỏng, đôi ba vệt khói , một con chim nhỏ lửng lờ nghiêng cánh mỏi, ngập ngừng… Và nơi anh ngồi là một chiếc võng mắc giữa một khu vườn yên tĩnh dưới bóng một tàng bưởi đang tiết ra mùi thơm thoang thoảng của hoa mới nở. Tiếng líu lo của bầy sáo uống sương trên hoa vông, những câu hỏi ngớ ngẩn của một cô em gái quê mùa, ý mộc mạc như chiếc áo lụa giồng đang mặc, mà giọng nói ngọt ngào như lóng mía đương tơ…
Duy thấy cần một số hình ảnh, âm thanh và mùi hương thơ mộng, êm đềm gợi niềm yêu đất mẹ như thế đã xua đuổi một cái gì rất đen và rất nặng trong lòng anh.
Nhưng trước mắt Duy không phải là một cánh đồng lúa xanh mà là một đại lộ rộn ràng xe cộ của Sài Gòn chiều chúa nhựt. Nơi Duy ngồi không phải là một khu vườn yên tỉnh thơm hoa bưởi mà là một quán kem đông khách bên cạnh một rạp chiếu bóng lớn vừa mới chiếu xong một xuất.
Người con gái ngồi bên cạnh Duy không mặc áo lụa giồng mộc mạc như một vài cô em họ quê mùa. Đây là Yến, người yêu của Duy, một thiếu nữ mang đầy đủ sắc thái của kinh thành hoa lệ từ lối trang phục, đến nết đi, nết đứng, giọng nói, giọng cười.
Cuốn phim Duy và Yến vừa xem có nhan đề là "Đồng hoang đẩm máu", nói lên những cảnh rùng rợn của giết chóc và kết luận rằng kẻ nào có gan đem tình yêu của mình phiêu lưu trong những cuộc đùa giỡn với tử thần một cách vô lý như thế thì mới hiểu được tình yêu. Bối cảnh của cuốn phim là cuộc chiến tranh Nam Bắc Mỷ hồi thế kỷ trước và nhân vật là những nam nữ thanh niên thèm giết ngang và thèm yêu, thấy màu máu đẹp như màu hoa, và nghe tiếng kêu cứu kinh khủng của con người bị đè xuống cắt cổ cùng thơ mộng ngang với những lời tình tự.
Phim nầy, Yến đã xem rồi hai lượt Yến cho là hay lắm, hôm nay đến rủ Duy đi xem để Yến xem lại lần thứ ba. Chính vì vậy mà Duy buồn muốn phát khóc lên được.
Cô đào Mỷ đóng vai chánh trong phim có một thứ nhan sắc khiêu gợi và man rợ độc đáo. Con người của Yến có nét hao hao giống với cô đào đó: một đôi mắt sáng với những rặng my dài và cong, một vóc hình không "nẩy lửa" lắm về thể tích nhưng có những cái uốn éo rất quyến rủ khi cử động.
Mặc kệ những nét riêng của cô đào mà Yến không thể có như : mắt xanh, tóc hung và mũi cao, Duy vẫn thấy người yêu của mình giống với một nữ tài tử mà anh không cảm mến. Hồi mới vào quán giải khát, Duy nhìn Yến một lúc rồi hỏi:
- Uống gì, nàng Cát Tơ Linh của tôi? Cát Tơ Linh là tên của cô gái trong phim mà người viết phụ đề Việt ngữ phiên âm ra.
Yến không để ý đến nụ cười gượng gạo trên gương mặt buồn rười rượi của Duy trong lúc Duy hỏi và tưởng Duy rất hảnh diện có người yêu giống tài tử chiếu bóng, nên Yến mừng rở:
-Sao? Anh thấy em giống nữ anh hùng trong phim lắm à? Hôm nào anh mặc Au phục cho anh xem nhé ! Em có một số Au phục nhưng từ khi biết anh thì không mặc nữa, chỉ vì một câu nói của anh.
-Anh nói gì, nói với ai?
-Nói với em chớ với ai? Anh mau quên quá! Anh nói rằng anh rất ghét thiếu nữ Việt Nam mặc âu phục.
-Vậy à? Anh không nhớ. Nhưng em đã nhớ sao em còn muốn đòi mặc Au phục cho anh xem?
-Ai biểu anh gọi em là nàng Cát Tơ Linh của anh. Sự thật, Duy không quên câu nói đó của anh và anh hỏi Yến chỉ là hỏi cho có hỏi mà thôi. Duy muốn nói cho Yến biết rằng anh đang buồn lắm chớ không phải hảnh diện như Yến lầm tưởng. Nhưng Duy chỉ mỉm cười rồi ngồi trầm ngâm nhìn ra đường cho đến bây giờ.
Ly nước trước mặt Duy có lẽ đã hết lạnh. Đường và nước lắng lại từ phân nữa ly trở xuống đáy, phần trên là bèo bọt còn đầy ăm ắp chực muốn trào ra ngoài vành ly mà Duy chưa rớ tới. Yến thở ra hỏi :
-Sao anh buồn vậy? Anh không muốn em mặc Âu phục thì thôi. Từ biết anh đến giờ, em có mặc đâu.em chiều theo sở thích anh, anh thấy chớ! Anh giận em à?
Duy ráng nở một nụ cười cố làm ra âu yếm để làm lành với Yến. Duy thấy giận Yến là vô lý. Con người của Yến là như thế. Từ nhỏ đến giờ, Yến theo học tại một trường mà giáo viên, giám thị đều là người Pháp. Trong lúc cuộc chiến tranh Việt Pháp kéo lê thê chín mười năm, thì cuộc đời Yến êm ấm quá, yên vui quá giữa cái đô thị mà người Pháp cần phải ráng sức vãn hồi trật tự bằng mọi cách dù bằng máu hay bằng tiền. Yến không hiểu thế nào là " sự đánh giặc " với bộ mặt thiệt của nó. Người ta giảng giải cho Yến hiểu bằng những cuốn phim kiểu phim " Đồng hoang đẫm máu " nầy thì Yến phải hiểu như vậy chứ sao? Chính Duy đã chọn một người như Yến để yêu rồi bây giờ giận Yến sao phải. Nếu cần giận thì Duy nên tự giận mình đã thiếu suy xét chọn người yêu với tâm trạng vừa mừng rỡ vừa hốt hoảng của một con người dễ mừng mà cũng dễ sợ vừa mới bước ra khỏi một trận giặc, mang theo một thứ tư tưởng mù mờ rằng mầm chinh chiến không còn nữa. Để rồi khi cụng trán với thực tế lại giật mình.
Cho nên, Duy thấy cần nói rõ cho Yến hiểu lòng mình. Duy nhìn vào đôi mắt Yến một lúc rất lâu rồi dịu dàng nói tiếp :
-Yến lẩn thẩn lắm! Yến làm gì mà anh giận Yến? Anh đang buồn thật, nhưng đâu nhất thiết mổi khi anh buồn là vì giận Yến?
Duy thở ra lắc đầu:
-Xem xong cuốn phim như vậy, Yến không thấy buồn à?
Yến ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp:
-Kể ra những cảnh chém giết cũng hơi buồn thật, nhưng cuộc đời là như vậy, biết làm sao?
-Phải làm sao, thì không thế nào nói cho Yến hiểu trong một đôi ngày được. Nhưng ít ra, Yến củng phải thấy đau xót và thèm khát một cái gì chớ.
-Em không đau xót vì những cuộc chém giết trong phim đều hợp lý cả. Phải giết kẻ khác để mình được sống. Còn thèm khát cái gì quả thật em không biết nên thèm khát cái gì bây giờ. Anh, thì thèm khát cái gì?
Duy nhìn vào đôi mắt Yến lần nửa và nói một câu không định trước:
-Nhìn cảnh máu chải nhiều quá, anh thèm khát trời xanh và buồn vì không tìm thấy màu xanh đó trong mắt em.
Yến tưởng Duy nhớ đến màu mắt xanh của cô đào trong phim, liền nũng nịu:
-Anh giàu tưởng tượng quá! Con gái Phương Đông làm gì có màu mắt xanh? Vậy mà anh nói là không ưa cô đào trong phim. Giấu đầu lòi đuôi! Không sợ em ghen à?
Lần này thì Duy không cười nửa được . Duy nốc cạn một hơi ly nước khóm, kêu trả tiền rồi cầm tay Yến bước ra khỏi quán. Ngồi thêm một lát nửa, Duy có thể khóc vì tức tối. Trong lúc đứng đợi xe, Duy suy nghĩ về sự thông minh của Yến . Trong nhiều việc, Yến tỏ ra rất thông minh. Nhưng với sự thông minh đó, Yến không thể nào hiểu được mấy tiếng " thèm khát trời xanh" nói lên những hoài vọng gì của con người.
Lúc chia tay, Duy dặn Yến:
-Trong một tuần lễ tới, em đừng đến tìm anh nhé. Anh về quê dự đám giỗ và thu xếp một vài việc nhà trong đó có vấn đề hôn nhân của chúng ta.
Giọng Yến mừng rở nhưng hờn dổi:
-Đi ăn giỗ sao không rủ em đi với?
Duy lắc đầu:
-Đám giỗ nầy buồn lắm Yến à. Ba và anh Hai chết cách đây mười năm trong một cuộc tàn sát khủng khiếp. Hơn tám chục mạng người bị giết bằng đủ kiểu trong vòng vài tiếng đồng hồ và chỉ trong phạm vi một xóm nhỏ. Ngày giỗ này kêu là "ngày giỗ hội". Ba bốn chục gia đình đều có giỗ, và không có ai đến dự đám giỗ của nhà ai; đìu hiu lắm.
Tuy đáp vậy, nhưng Duy chờ đợi Yến hỏi một câu:
-Anh không muốn em chia sớt nổi buồn với anh à?
Hay ít nhất Yến củng rùng mình, nhăn mặt khi nghe nhắc lại cuộc tàn sát kinh khủng như thế. Nhưng Duy đành thất vọng. Yến bình thản quá:
-Buồn, thôi để khi khác. Nhưng sáng sớm anh chờ em đem trà, bánh, trái cây gởi về cúng nhé. Phải làm ra điều rằng mình là cháu dâu ngoan cho bà nội và cô ba thương, và anh dể ăn nói .
Cha mẹ anh em Duy đều chết hết chỉ còn lại có bà nội và một người cô thứ ba, Yến có về chơi với Duy nhiều lần nên biết rõ như vậy.
Với thái độ bình thản và câu nói thiếu nghiêm chỉnh với bề trên của Yến, Duy thấy rằng từ hôm nay cái hố phân cách giửa hai người sẻ lần lần lớn ra không có phương nào lấp lại.
*
**
Qua khỏi vuông rào tre, Duy dừng lại đứng nghe Phượng và Thơm ngồi nói chuyện với nhau ở cầu ao, dưới dạ cây bình bát. Phượng rửa cá. Thơm vo gạo, Thơm là em họ của Duy, con cô Ba. Phượng hình như củng có bà con sao đó, nhưng xa lắm. Thơm có chồng, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ và bà ngoại. Phượng mồ côi từ thuở bé, còn nhỏ mới mười bảy tuổi, ở chung với bà Cả và cô Ba là bà nội và cô của Duy.
Duy đứng từ phía sau nên Phượng và Thơm không nhìn thấy anh, Thơm nói:
- Đám giỗ gì loe hoe có mấy người, buồn hiu. Lát nửa, chừng dọn cúng, bà ngoại và má chị lại khóc kể y như đám ma, rầu quá. Phượng nhớ hồi đám giổ ông Cố hôn? Đám giỗ hồi đó vui lắm. Còn đủ mặt bà con: Ông ngoại, cậu Hai, mợ Hai, dì Tư… con nít thì một lũ rần rần, mới thọc huyết con heo là xúm lại giành cái bong bóng như giặc chòm vậy.
Phượng day qua nhìn Thơm cười:
-Hồi đó em còn nhỏ xíu mà nhớ gì.
-Ờ, phải à, hồi đó Phượng mới biết đi lẫm đẫm. Chị cũng mới học lớp tư, lớp năm gì đó. Để chị nói chuyện hồi đó cho nghe. Hồi đó chị ở bên nội chị, một năm mới về thăm ngoại vài lần nên ông ngoại cưng lắm. Anh Hai Hiệp, anh của anh Ba Duy, bửa nay mình cúng nè, ảnh hổng có em gái nên ảnh thương chị lắm. Còn anh Ba Duy thì ảnh thấy ông ngoại cưng chị, ảnh cà nanh, kiếm chuyện ăn hiếp, bị chị mét phải đòn hoài. Có một lần nọ, củng trong dịp đám giỗ Ông Cố, chi chơi ác xúi ảnh ăn cắp bánh tét mới vớt chưa cúng. Anh đem chia cho cả bọn ăn no nê rồi chị đi mét. Cậu Hai giận quá bắt ảnh cúi đánh năm roi giửa đám giỗ làm ảnh mắc cở lủi ra ngoài rào tre trốn biệt. Bây giờ ảnh hiền vậy chớ hồi đó rắn mắc lắm.
-Hồi đó thì em hổng biết. Lúc ba má em chết hết, em về ở luôn với ông bà, và bác hai thì ảnh lớn rồi. Ảnh đi học ngoài chợ, chúa nhựt mới về một lần, mà ảnh thương lắm, lần nào về củng có mua bánh cho em. Rồi kế tới thời kỳ giặc giã. Lúc đó em mới sáu, bảy tuổi. Em còn nhớ buổi tàn sát , ảnh với em trốn dưới ao cá nầy nè. Anh sợ em khóc, Tây nó nghe, ảnh bụm miệng em ngộp muốn chết. Cũng nhờ mấy thằng Tây đui. Hai đứa nằm nép trong mé bờ, úp mặt vô bụi ráng đưa lưng trơ trơ chớ có kín đáo gì đâu mà tụi nó hổng thấy. Khuya bửa đó, ảnh cỏng em từ đây đến tới bến đò. Em khóc đã đời rồi ngủ rục trên lưng ảnh, chừng thức dậy đói bụng, khóc nửa. Ảnh cực với em đủ cách mà hổng bao giờ quạu quọ. Bây giờ sao ảnh hổng còn thương mình nửa, buồn ghê.
Thơm cười lớn:
-Vậy chớ lớn đầu rồi mà muốn làm con nít rồi như hồi nhỏ vậy sao? Để coi, ảnh lớn hơn chị hai tuổi, năm nay hai mươi sáu, còn em cũng mười bảy, mười tám tuổi rồi. Ờ, nghe nói mấy tháng trước, ảnh về thăm nhà có dắt theo một cô nào ở Sài Gòn, ngộ lắm hả Phượng? Chắc mê cô đó rồi quên em út hết trọi chớ gì.
Giọng Phượng buồn mà gay gắt:
-Nhắc cái bà đó em còn sôi gan nữa. Giầy cao gót cả tấc tây, đi ngang cầu không chịu cởi để cho lật té trặt giò rồi đày anh Ba ảnh thức cả đêm săn sóc. Đòi đi câu bắt ảnh thọc trứng kiến vàng làm mồi. Kiến cắn ảnh đỏ rần mình mẩy, hổng dám bắt đứng cười chơi.
-Đàn ông con trai thì vậy không. Hể mê gái rồi thì bất kể trời đất. Mà Phượng coi bộ ngoại với má chị ưa cô đó hôn?
-Ưa iếc gì. Nhưng thấy anh Ba thương, bà với cô Ba củng làm mặt vui cho anh Ba vừa lòng. Kỳ giỗ này dám ảnh quên không về lắm à!
Thơm đứng dậy nói :
-Thôi chị vô trước. Nước sôi nãy giờ. Ở nói dóc hoài, bà già bả chửi bây giờ.
Vừa mới bưng thúng gạo quay mặt lên, Thơm nhìn thấy Duy, giựt mình:
-Hú hồn, hú vía. Cái anh quỷ nầy! Về tới hồi nào? Nãy giờ đứng rình nghe tụi nầy nói lén đã đời hả?
Duy cười:
-Nghe chút đỉnh thôi. Bắt đầu từ lúc cô nhắc lại vụ hồi nhỏ chơi ác xúi tôi ăn cắp bánh tét chưa cúng, bị đòn năm roi, mắc cở trốn ra bờ tre bỏ ăn cỗ.
Phượng củng quay lại nhìn thấy Duy nói với Thơm nhưng ngó mình, lật đật ngó xuống rổ cá để giấu sự e thẹn, trong lúc Duy và Thơm vui vẻ cười lớn lên theo những hình ảnh đẹp và vui của tuổi thơ được gợi lại.
Lúc ba người vào nhà, Duy đi sau chót để nhìn Phượng. Lần đầu tiên, Duy thấy Phượng đẹp và đột ngột có cái ý định muốn tìm hiểu trong dịp đám giỗ nầy, coi anh và Phượng bà con với nhau như thế nào.
*
**
Phượng đi chợ về, vô nhà bằng ngã sau không ai hay. Cô đi thẳng vào buồng thay đồ, thấy cô Ba nằm ngủ trưa một mình. Bà Cả có lẽ đi đâu đằng xóm. Đằng trước im lìm. Qua kẽ vách, Phượng thấy Duy và Ông Tám, người ông chú của anh ngồi đánh cơ. Duy đang nghiệm một nước cờ gì đó bổng đột nhiên tuyên bố chịu thua, làm ông Tám có vẻ mất hứng:
-Còn nước gỡ mà mầy Ba?
Duy lắc đầu:
-Dạ cháu chóng mặt quá ông Tám à! Với lại trước khi về Sài Gòn, cháu muốn nhờ ông Tám giúp cháu một chuyện là soạn lại một cuốn gia phả để hiểu biết căn cội dòng họ của mình. Trong thân tộc bên nội bây giờ chỉ còn có ông Tám là lớn. Bà nội cháu thì già quá rồi mà chắc củng không rõ căn cội bên chồng cho lắm.
Ông Tám gục gặc đầu:
-Phải chớ! Thằng Ba mầy nói phải! Nhiều người bà con với nhau mà không biết bà con như thế nào, ai hỏi tới nói ú ớ, nghe lãng xẹt. Tao còn giử một cuốn trên nhà, cũng của Ông Nội mầy để lại. Mấy năm giặc, thứ gì củng tiêu, may mà nó còn đó. Mai chiều gì mầy muốn chép thì lên mà chép. Bổn đó chữ nho, chép lại chữ quốc ngữ, phải có tao nói mới được. Hay à! Ý đó hay à. Mà sao tự nhiên thằng Ba mầy nẩy ra ý đó?
-Dạ, cũng nhơn ngày giỗ ông nội cháu, ba cháu và anh Hai cháu, cháu mới suy nghĩ thấy cần. Thí dụ như bây giờ ai cắc cớ muốn hỏi thử cháu và con Phượng trong nhà nầy bà con như thế nào, thì cháu vô phương phăng manh mối. Cần phải có cuốn gia phả là vậy.
Ông Tám mỉm cười, vừa rót trà ra tách vừa nói:
-Con Phượng đối với gia tộc mình thì ăn trớt, không có họ hàng gì hết. Nhưng có chuyện nầy củng cần phải nói cho thằng Ba mầy thông. Chuyện củng hay lắm. Số là ông nội của tao tức là mầy kêu bằng ông Sơ đó, với ông Sơ của con Phượng hồi xưa vốn là người dưng và đều là bộ hạ của ông lãnh Thiệp. Ông lãnh Thiệp là đồ đệ của Ông Đốc binh Kiều. Lãnh đây là lãnh binh nói tắt. Đó là một chức của mấy ông "đằng cựu" phong cho chớ không phải của Triều đình. Lúc Tây bắt được ông lãnh binh Thiệp giết rồi, thì bộ hạ mạnh ai nấy chạy như gà giở bội. Ông Sơ của mầy với ông Sơ của con Phượng xiêu lạc về đây làm ăn tự xưng là anh em ruột, rồi cưới vợ sanh con đẻ cháu cho tới bây giờ. Năm mười năm sau, ở đây có phong trào cũng của một ông đằng cựu nào đó tao hổng nhớ tên. Ông sơ con Phượng rủ ông Sơ mầy theo nữa. Ông mầy hổng chịu, ông kia đi một mình gởi gắm vợ con lại. Về sau ổng chết oanh liệt lắm. Ông Sơ mầy thương bạn và nhớ lời gởi gắm mới tiếp tục nhận bà Sơ của con Phượng là em dâu cho tới ngày nay. Đầu đuôi là như vậy, tính theo bà con thiệt tình thì bây giờ cũng xa xôi lắm rồi, còn phăng ra cho đúng căn cội thì là chánh hiệu người dưng.
-Thưa chuyện đó, bà nội và cô Ba cháu biết rỏ không vậy ông Tám?
-Chị Cả thì biết chớ, còn con Ba chắc củng được nghe chị Cả nói lại chớ chẳng lẽ không. Nhưng theo tao nghĩ mỉnh phăng nguồn cội để biết bà con là một chuyện còn thương yêu nhau hay không là chuyện khác. Con Phượng nó còn nhỏ khoan nói sợ nó nghe nó buồn. Thuở giờ nó tưởng nó là con cháu ruột trong nhà.
-Dạ
Bước ra khỏi ngạch cửa, ông Tám quay lại hỏi:
-Ờ còn thằng Ba mầy nghe nói hôm nào có dắt con nhỏ nào đó ở Sài Gòn về chắc là để cho chị Cả và con Ba coi mắt cháu dâu chớ gì? Phải vậy không ? coi được thì tính tới đi, mầy củng trọng tuổi rồi.
-Dạ trước có định vậy nhưng bây giờ chắc là hồi mối đó rồi ông Tám à.
-Sao vậy?
-Dạ coi kỹ lại tánh tình không hợp.
-Ờ! Hổng ấy thì về vườn kiếm gái vườn mà cưới.
-Dạ cháu củng tính vậy à ông Tám.
Duy vừa đáp vừa bước theo ông Tám để tiển ông ra tới cổng. Lúc vừa vô, Duy gặp Phượng từ phía sau nhà bước lên, tay cầm một trái bắp nấu, miệng chúm chúm cười, má hây hây đỏ vì đường đi từ chợ về nhà phải qua một cánh đồng ruộng nắng chang chang, không có bóng cây.
-Đói dữ hả anh Ba, Ăn dỡ trái bắp đi. Chờ em nấu cơm.
-Đói mà vui quá quên đói.
-Gì mà vui dữ vậy ?
-Mai mốt nói cho nghe.
**
Bóng chiều đã ngả từ lâu mà nắng gắt vẫn còn chớp chớp trên cánh đồng tháng hai trơ gốc rạ. Vài cụm mây trắng lững lờ trôi trên nền trời xanh biếc. Tiếng sáo diều ở đâu văng vẳng lại ngọt ngào như tiếng hát của người mẹ hiền thời xa xưa nào nhập làm hồn buổi xế trưa yên tĩnh.
Duy và Phượng ngồi bên cạnh nhau lưng dựa vào cây rơm chất sát vuông tre, cùng nhìn về bên kia cánh đồng. Tre bị gió lay nghiến thân vào nhau nghe kẽo kẹt, buồn buồn.
Phượng chỉ cuốn sách Duy đang cầm hỏi:
-Sách gì mà dày mo vậy anh Ba?
-Ký ức chiến tranh của ông cựu thủ tướng nước Anh (1)
-Nói với em mà anh nói theo kiểu nói chuyện với cô gái áo đỏ của anh, làm sao em hiểu. Ký ức chiến tranh là cái gì?
-Để anh cắt nghĩa cho nghe chớ. Ông nầy là một trong số người cầm đầu của phe Đồng Minh hồi trận giặc ba mươi chín bốn mươi lăm. Trận giặc qua rồi, ổng viết lại những trận khôn dại về trận giặc đó.
-Viết chi vậy?
-Để chừng nào có giặc nữa thì người ta coi những chuyện khôn dại đã qua mà đánh giặc nữa.
-Sướng quá ha! Bày ra giặc giã cho người ta chết mồ chết tổ rồi viết sách bán chơi. Hồi giặc, con cháu của ông đó có ai chết hôn?
-Anh không biết, nhưng chắc là không. Mà nếu có thì con ông cháu cha làm quan lớn ít chết lắm.
-Hèn chi!
-Phượng ghét giặc lắm sao?
-Chớ anh ưa à?
-Nhờ có giặc mà mình thương nhau. Anh mới có dịp cỏng em từ đây xuống bến đò. Em mới có dịp ngủ trên lưng anh rồi thức dậy đói bụng, nhõng nhẽo với anh!
Phượng mắc cở ửng hồng đôi má day qua cự:
-Vậy chớ hổng có giặc, anh hổng thương em sao? Hồi trước giặc anh đi học về củng mau bánh cho em hoài vậy.
Hai người nhìn nhau cười. Im lặng một lúc. Gió thổi mạnh làm tiếng sáo diều ngân lớn hơn.
-Phượng à!
-Dạ.
-Phượng biết hai đứa mình bà con với nhau làm sao không?
-Biết chớ. Ông Sơ của anh và ông Sơ của em hồi trước là… là hai người dưng.
Trong lúc Duy nhìn Phượng ngạc nhiên, Phượng tiếp:
-Hôm kia, anh nói chuyện với ông Tám, em ở trong buồn nghe lén hết trọi.
-Em biết hỏi chi vậy hôn?
-Ai biết đâu anh .
-Hổng biết thiệt hay biết mà hổng nói?
Phuợng không đáp, vói tay rút một cọng rơm xé ra vụn vằn buông cho bay theo gió.
-Phượng!
-Dạ.
-Phượng nghe anh hỏi hôn?
-Nghe.
-Nghe sao hổng nói?
Phượng nhìn Duy một cái thật nhanh rồi ngó xuống:
-Biết mà hổng nói.
Duy nắm bàn tay Phượng lúc đó đưa lên sửa mái tóc, một cử chỉ không định trước, làm cho đỡ thẹn. Phượng để yên cho Duy cầm tay mình, im lặng mà tim đập nhanh lên.
-Phượng có thuộc nhiều câu hát không?
-Chút đỉnh thôi.
-Hát cho anh nghe vài câu đi.
-Biết hát câu gì bây giờ?
-Lựa câu nào có trời xanh. Anh thích màu trời xanh.
-Để em nhớ coi. Ờ… Đầu giồng có trồng cây duối, cuối giồng có trồng cây da, ngả ba có cây ngô đồng, con gái chưa chồng cái lòng hớn hở, con trai chưa vợ ruột thắt trái chanh, ngó lên mây trắng trời xanh, đâu đâu củng vậy ưng anh cho rồi.
-Hay lắm. Nhưng Phượng có biết tại sao trong câu hát huê tình mà thứ câu hát vui như vậy, người ta ưa nói đến trời xanh không?
-Trời xanh mới đẹp, mới vui chớ. Câu hát vui hổng lẻ nói trời chuyển mưa? Ờ có câu hát trời chuyển nửa, để em hát cho nghe: Trời chuyển mưa vần vũ, mây kéo phủ lưng trời. Người nghĩa ơi! Đã biết rằng mặt tuy xa mà lòng chẳng đổi dời, nhưng kẻ chưn mây người góc biển, biết ngỏ lời cùng ai?Anh nghe coi, buồn ghê chưa?
-Nhưbng có những người không ưa trời xanh mà lại thích trời chuyển mưa, em nghĩ sao?
-Ai mà thích kỳ vậy? Ờ thằng cha mắc dịch nào viết cuốn sách của anh đó, nó thích trời chuyển mưa, hổng chừng.
Lại im lặng vài phút. Phượng nghe ban tay mình bị siết nhè nhẹ trong tay Duy.
-Phượng à!
-Dạ.
Không nghe Duy nói gì, Phương day qua gặp đôi mắt của Duy đắm đuối nhìn vào mắt cô.
-Phượng có biết mắt Phượng màu gì không?
Phượng cười:
-Chắc anh nói màu xanh.
-Sao Phượng biết vậy?
-Em biết trong bụng mà nói ra hổng được.
Nói xong Phượng nhắm mắt lại và biết chắc Duy sẽ hôn lên đôi mắt mình. Bằng đôi mắt nhắm lại ấy, Phượng thấy trước mặt cô một khoảng trời xanh rất đẹp, đẹp như chưa bao giờ cô được nhìn thấy bằng đôi mắt mở rộng.
-----------------------------------------------
(1) Mémoires Churchill.