Cứ ngỡ chuyện tranh luận về "Cánh đồng bất tận" đã tạm khép lại rồi. Vậy mà nó lại bùng phát một cách đáng lo ngại. Một lần nữa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau phát tiếp văn bản truy kích tác phẩm và cả tác giả của nó, vì theo các ông là báo Tuổi Trẻ và một số văn nghệ sĩ đã "ngộ nhận" về việc "kiểm điểm nghiêm khắc rút kinh nghiệm" đối với Nguyễn Ngọc Tư - tác giả truyện CĐBT. Hình như khi làm việc này họ đã không hề để ý gì đến Đại hội Đảng lần thứ X đang diễn ra để quyết tìm cho được câu trả lời xác đáng trước nguy cơ tồn vong của đất nước. Câu trả lời thật gần gũi và dễ hiểu biết bao mà có lẽ bao lâu nay do chúng ta đã quá rẻ rúng nó và có phần bất chấp nữa, nên đã làm cho chân lý ấy trở thành một thứ đặc quyền ban phát, xa lạ. Ấy là cái quyền thật sơ đẳng, bình thường, nhưng vô cùng thiêng liêng của mọi con người: dân chủ. Có dân chủ thì xã hội mới có tình thương và thật sự bình đẳng. Chỉ có bình đẳng chúng ta mới cầm được chiếc chìa khoá vạn năng để mở rộng cánh cửa vào đời sống vốn rất nhiều chiều và vô cùng phức tạp.
Theo cách ấy, CĐBT và tác giả của nó đã cố gắng phản ánh một mảng hiện thực còn đen tối (như là một điểm nhấn) ở nông thôn ĐBSCL hiện nay. Nếu bảo rằng mô tả hiện thực như vậy là bịa đặt, không hề có và phản tính giáo dục, vậy thì chúng ta phải hiểu sự thật bằng cách nào? Ai có đi tới nhiều vùng chưa phải là xa xôi gì cho lắm, khi ở đó chẳng thấy đâu bóng dáng của khuyến nông, khuyến học, y tế, không có điện thắp sáng, đường sá lôi thôi... người nông dân nghèo xơ xác, với biết bao tệ nạn vây quanh thì có phải là cá biệt không, biết phải dùng lời lẽ nào để hầu mang được tính "giáo dục"? Còn với hiện thực trong CĐBT không phải là sự cảnh báo cần thiết đó sao? Con đường đi tới sự thật không hề xa, nhưng có lẽ vì cố tình uốn éo, sơn phết nó thành những màu sắc phù thủy nên nhiều chục năm qua đất nước ta phải trả giá quá đắt cho việc xây dựng một xã hội phồn thịnh bình an như mong đợi.
Tại sao lại dị ứng với sự thật? Vậy thì chúng ta đang vì cái gì, nếu không phải là mục đích duy nhất: dân giàu, nước mạnh? Như thế cũng có nghĩa là "người thầy thuốc vĩ đại" đã đánh lừa "bệnh nhân vĩ đại" một cách đáng sợ và cầm chắc là bệnh nhân sẽ chết dần chết mòn trong các liều thuốc an thần dã tâm đó. Còn việc tác giả (là đại biểu HĐND) giãi bày tâm sự chán nản của mình trong "guồng máy đã gài chế độ tự động", là "nghị sĩ vật vờ", là "hội đồng ừ"... là thiếu trách nhiệm, coi thường cơ quan quyền lực ở địa phương, làm giảm sút lòng tin của cử tri, v.v...và v.v... thì phải mô tả sự tốt đẹp của guồng máy vốn nặng hình thức này như thế nào, khi nó còn khá nhiều thói tật hành dân và chưa đem lại được bao nhiêu quyền lợi cho người dân? Ở đây cần có một thái độ thật nghiêm túc để nhìn nhận "ai coi thường ai và ai làm giảm sút lòng tin của cử tri"? Thiết tưởng câu trả lời đã sẵn có trong mỗi người, bởi chúng ta đã nói quá nhiều điều tốt mà làm thì chưa được bao nhiêu và hơn thế nữa đã để cho nạn tham nhũng thao túng, hoành hành, đe doạ đến cả guồng máy của quốc gia.
Phải nhìn thẳng vào sự thật và nói lên tiếng nói của chính lương tâm mình để cứu nguy cho đất nước, cứu nguy cho sự tồn vong của hơn 80 triệu đồng bào. Cả dân tộc ta, cả Đảng ta đang quyết liệt tiếp cận với chân lý giản dị ấy. Lẽ nào Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau vẫn theo cách nhìn rất riêng của tổ chức Đảng quản lý tư tưởng mà "soi" CĐBT và cả tác giả của nó đến như vậy? Đáng buồn thay, khi CĐBT đang được rộng rãi bạn đọc trong và ngoài nước trân trọng đón nhận, như một luồng gió mới cho văn học nước nhà thì ở chính quê nhà, CĐBT và người con gái mang nặng đẻ đau ra nó lại bị lên án hết sức nặng nề.Với cách đánh giá, xử lý như vậy, không chỉ làm tổn thương, mất mát đối với một Nguyễn Ngọc Tư, mà liệu rồi ai sẽ đứng ra nhận lấy trách nhiệm về những hậu quả lâu dài của nó? Lẽ nào Cà Mau (xin lỗi, chỉ một ít người có quyền lực) lại trở thành "cõi lạ" trong con mắt của nhiều người?
LÊ CHÍ
Uỷ viên Hội đồng Thơ,
Trưởng ban công tác Hội Nhà văn VN tại ĐBSCL