Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.247
123.154.782
 
Một thoáng Đông Nam bộ - Địa chí và lịch sử - phần một
Nguyễn Đức Hiệp

Sài gòn có một vị trí đặc biệt, là ranh giới và là cửa ngõ của miền Tây Nam bộ và miền Đông Nam bộ. Miền Tây Nam bộ nhiều người đã viết về con người, sự phong phú, phát triển của miền sông nước này. Đông Nam Bộ xưa là vùng giao thoa của văn minh Khmer, Champa nay là của Khmer, Chăm và Việt.

 

Bài này tôi muốn viết về địa lý và phát họa vài nét về con người và lịch sử vùng đất Đông Nam bộ, đặc biệt là cột xương sống giao thông Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận hiện nay và xưa kia của hai nền văn minh Khmer và Champa và trước đó của văn hoá Sa Huỳnh và Óc Eo. Về địa lý thì Saigon là trung tâm của lưu vực từ sông Đồng Nai tới sông Vàm Cỏ, vì thế là một phần và là trọng điểm của miền Đông Nam Bộ. Đông Nam bộ có lịch sử lâu đời là vùng giao tiếp của 2 nền văn minh lớn Champa và Khmer thuở xưa và cũng là vùng có nhiều dân tộc ít người có liên hệ mật thiết về ngôn ngữ, văn hóa với thế giới Chăm và Mon-Khmer mà tiếng Việt là một nhánh. Đây cũng là vùng cư ngụ của dân tộc Stieng, Mạ, Chu Ru (Châu Ro), Mnong. Vì là vùng giao tiếp, các dân tộc ở đây nói tiếng thuộc hai hệ ngôn ngữ chính Mon-Khmer (Khmer, Stieng, Mnong), và Nam đảo Austronesian (Chăm, Chu Ru, Mạ, Jarai, Rade, Ede). Trước khi người Việt, Khmer và Chăm đến thì cả vùng Saigon, Đông Nam Bộ là cư dân Stieng, Chu Ru và Mạ cư ngụ, chủ yếu dọc các sông Đồng Nai, Saigon từ thượng nguồn tới gần cửa biển Cần Giờ.

 

Vùng Tây Ninh, Sông Bé (Bình Dương), Biên Hoà-Xuân Lộc (Đồng Nai), Phan Thiết (Bình Thuận) là trục lộ mà xưa kia người Khmer và Chăm giao tiếp qua lại, các cuộc chuyển quân đánh nhau là qua vùng này. Vì thế không lạ gì mà ta vẫn còn thấy dấu tích và ảnh hưởng của nghệ thuật, văn hóa của hai nền văn minh này trong khu vực. Người Khmer và người Chăm còn sống rãi rác trong vùng. Ở Tây Ninh có hai kiến trúc tháp (prasat) Khmer còn nguyên là tháp Bình Thạnh, tháp Chót Mạt và các di tích ở Bến Cầu, Trãng bàng, Gò Dầu. Thủ Dầu Một, thủ phủ của tỉnh Bình Dương (Sông Bé), là từ tiếng Khmer (Tuol Tam Mot, nghĩa là vùng đất đồi). Từ tiếng Chăm, ta có các địa danh như mủi Cà Ná (kana), núi Chứa Chan (Chok Chon, nghĩa là núi non) ở Bình Thuận hay các địa danh từ tiếng Stieng như Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Trăng Lơ, Bù Gia Mập, Bù Na, Bù Xa, Bù Blim, Bù Prang ở Bình Dương, Bình Phước và Bù Go ở Nam Cát Tiên, Đồng Nai (Bù tiếng Stieng có nghĩa là làng).

 

Đông Nam bộ cũng là nơi con người đã có mặt lâu đời từ 2000-3000 năm trước đây. Các di chỉ khảo cổ tìm thấy các hiện vật gốm, đồ đá (đẻo và mài) như rìu đá, dao, cuốc đá, đồ đục bằng đá và cùng với vùng Tây Nguyên, là quê hương của những bộ đàn đá độc đáo Bình Đa (Đồng Nai), Mỹ Lộc (Bình Dương) trong lịch sử âm nhạc con người, chứng tỏ đàn đá không những có từ Tây Nguyên mà còn ở các làng của các cư dân sống dọc sông Đồng Nai ở Đông Nam Bộ. Đồ đồng như gươm, rìu cũng được tìm thấy ở Long Giao, Xuân Lộc, trống đồng Heger 1 ở Bình Phú (Bình Dương) và Vũng Tàu. Mộ chum thuộc văn hóa Sa Huỳnh và các dụng cụ đá thô sơ ở Dầu Giây (Đồng Nai). Đặc biệt là mộ cổ cự thạch (dolmen) gồm các đá lớn ở Hàng Gòn, Xuân Tân (Đồng Nai) của cư dân thời đại đá cách đây hơn 2500 năm. Hơn 50 di chỉ thời đá mới đã được tìm ở vùng sông Đồng Nai và lân cận, đây là bằng chứng cho thấy Văn hóa Đồng Nai thời đá mới đã phát triển sâu rộng trên địa bàn Đông Nam bộ.

 

Địa danh Đồng Nai xưa kia trước nhất cũng đã từng để chỉ cả vùng Đông nam bộ hay vùng Nam bộ sau này. Đây là những nơi sung túc, gạo lúa nhiều, nước trong lành (“Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”) (6)

Hết gạo thì có Đồng Nai

Hết củi thì có Tân Sài chở vô

hay

Đồng Nai gạo trắng như cò

Trốn cha, trốn mẹ xuống đò theo anh

và trong câu nói dân gian thuở xưa “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” (hai huyện đây là Phong Lộc và Lệ Thuỷ ở Quảng Bình có tiếng giàu lúa gạo).

 

Một vùng đất mới mở ra cho người Việt nhưng có bề dầy lịch sử và văn hóa lâu đời của những nền văn minh xưa. Đất vùng Đông Nam Bộ là đất bồi của phù sa cổ so với đất phù sa mới của Tây Nam Bộ nên con người cũng định cư ở đây từ lâu đời hơn. Các di chỉ tiền sử thời đá củ và mới đều được phát hiện ở vùng Đông Nam Bộ.

 

Tôi viết qua kinh nghiệm trong chuyến đi gần đây và có thể coi như một phóng sự hay bút ký về sự kiện xảy ra hiện nay và chúng cũng có thể được coi như là sự nối tiếp gắn liền với lịch sử đã qua.

 

Để có thể hiểu được một phần vùng đất nơi nền văn minh bản sứ và nhiều nền văn minh lân cận gặp gỡ, chúng ta hãy trở lại trên trục lộ giao thông nối các nền văn minh Khmer và Champa, Óc Eo và Sa Huỳnh. Trước hết ta hảy phát họa sơ lược về lịch sử vùng Đông Nam Bộ. 

 

Vài nét về lịch sử Đông Nam Bộ

 

Từ phía cửa biển và đồng bằng đất phù sa cũ và mới của các sông Saigon, Đồng Nai lên miền cao vùng thượng lưu phía bắc, nơi có nhiều thung lũng, núi đồi của dãy núi lữa đã tắt từ lâu, nhiều đất đỏ, khí hậu thuận lợi với nhiều rừng, suối và động vật là môi trường thuận lợi cho cư dân đinh cư từ thời tiền sữ đến nay.

 

(a)     Tiền sử

 

Rất nhiều di chỉ khảo cổ thời tiền sử được tìm thấy ở Đông Nam Bộ, đặc biệt là vùng lưu vực sông Đồng Nai. Mộ cổ cự thạch (hay trác thạch, đá xưa) Hàng Gòn là di chỉ nổi tiếng nhất ở gần Xuân Lộc (Đồng Nai) phát hiện năm 1927. Mộ cổ cự thạch do kỷ sư Jean Bouchot phát hiện khi ông thực hiện công trình mở đường từ Long Khánh Xuân Lộc đi Bà Rịa trong địa phận của một đồn điền cao su. Hai năm sau, khám phá này đã được công bố chi tiết trên tạp chí của trường Viễn Đông Bác Cổ (1929). Khám phá này đã gây ra nhiều sự chú ý và bàn cãi giữa các nhà khảo cổ học về nguồn gốc, niên đại, chủ nhân và sự liên hệ với các di tích cự thạch khác ở các nơi khác trên thế giới. Vào năm 1984, mộ cổ cự thạch Hàng Gòn được chính thức xếp vào di tích quốc gia. Đây là mộ đá tảng lớn (dolmen) hình hộp chữ nhật dài 4.2 m ngang 2.7 m cao 1.6m được ghép bằng 6 tấm đá hoa cương nguyên khối. Tấm nắp đậy dầy khoảng 30cm và nặng hơn 10 tấn. Theo các nhà địa chất học thì đá hoa cương chỉ có ở phía bắc vùng Đà Lạt hay Phan Rang. Di chuyển, nâng và rắp ghép các tảng đá khổng lồ như vậy là một kỳ công của cư dân tiền sử. Vùng Dầu Giây-Xuân Lộc còn có nhiều di chỉ đồ đá cũ do Saurin phát hiện, có tuổi cách đây hơn 10000 năm. Cũng trong khu vực này cũng khám phá các khuôn đồng với niên đại được xác định là khoảng 2000±250 năm trước Công nguyên. Hiện nay các nhà khảo cổ cho rằng chủ nhân mộ cổ cự thạch và nhiều di chỉ đồ đá ở Đồng Nai là cư dân thuộc dòng Austronesian Nam Đảo, tổ tiên của người Stieng, Mạ, Châu Ro.. ngày nay đã đến và trú đóng đầu tiên ở vùng Đông Nam Bộ.

 

Di chỉ đồ đá nổi tiếng nhất ở Đồng Nai là di chỉ Cù Lao Rùa, cách Biên Hoà 5.5km, được khám phá từ năm 1888 do Caitaihac khai quật tìm thấy nhiều rìu đá, cuốc, mai đá. Di chỉ này đã được khai quật nhiều lần trong nhiều năm tiếp theo bởi nhiều nhà khảo cổ học và tìm được hàng mấy trăm rìu đá có vai được mài bóng, nhiều đồ gốm nung. Ở Cù Lao Phố, Bình Đa gần đấy, cũng tìm được vài rìu đá mài nhưng không bằng như ở Cù Lao Rùa.

 

Di chỉ đồ đá Phước Tân nằm ở phía đông trên đường Biên Hòa-Vũng Tàu ở cây số 42, được khám phá khi khởi xây một trại hủi và được Fontaine mô tả (9). Di chỉ này rất phong phú hơn cả di chỉ Cù Lao Rùa, có nhiều hiện vật đá như rìu, cuốc, đục có vai và một số gốm thô.

 

Trong những năm 1886-1890, Holbe đã thu thập ở Biên Hoà nhiều hiện vật tiền sử cùng với một số hiện vật ở 20 nơi khác trong vùng Đồng Nai, trong đó có 10 ri1u đồng. Trong tổng số 1200 hiện vật thì 91% là từ Biên Hòa. Bộ sưu tập được triễn lãm ở hội chợ quốc tế 1889.

 

Di chỉ Bến Đò (huyện Thủ Đức) cách cầu xa lộ 3km, rất phong phú gồm có 214 công cụ đá với nhiều rìu đá có vai và hàng ngàn mảnh gốm. Cuối năm 1975, các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện ra di chỉ Cầu Sắc (huyện Xuân Lộc) có 772 công cụ đá mới (gồm rìu có vai, rìu tứ giác..), gốm. Qua các hiện vật, đời sống dân cư ở đây chủ yếu là săn bắn trong rừng rậm.

 

Di chỉ Suối Chồn gần di chỉ Cầu Sắc được phát hiện vào năm 1978, thuộc thời đại đồng thau, gồm nhiều đồ đồng như rìu, lưỡi hái.. và một số hiện vật đá (rìu). Di chỉ Dốc Chùa (Bình Dương), khám phá 1976, đánh dấu giai đoạn cao của thời đồng thau, có rất nhiều rìu đá, gốm, hiện vật đồng, khuôn đồng, tượng thú, hạt chuổi mã nảo, thuỷ tinh v.v.. Năm 1980, ở Vũng Tàu, trong một lòng ao, đã phát hiện một trống đồng Đông Sơn có sao 12 cánh ở giữa mặt trống. Và cuối cùng năm 1984, nhân dân lúc đi làm rẫy đã phát hiện một “kho” vũ khí đồng (qua đồng), rìu đồng ở Long Giao (huyện Xuân Lộc) có liên hệ với văn hóa Đông Sơn. Trên 2 mặt qua đồng có trang trí hoa văn đẹp, cân xứng giống hệt nhau. Đây là điểm cao của văn hóa đồng ở Đồng Nai.

 

Ở Dầu Giây, Suối Đá (Xuân Lộc) và Phú Hòa đã phát hiện di chỉ có các hiện vật chuổi thuỷ tinh, hoa tai đồng, các mộ chum mai táng, đặc trưng của nền văn hóa Sa Huỳnh. Chứng tỏ văn hóa Sa Huỳnh đã phát triển ở vùng Đông Nam Bộ trên địa bàn lưu vực sông Đồng Nai. Ở Saigon khi đào móng xây nhà thờ lớn (Đức Bà) đã phát hiện di cốt người trong các chum/vò gốm. Bộ sưu tập này đã mất. Đây là phát hiện sớm nhất các mộ chum, trước cả sự phát hiện mộ chum ở Sa Huỳnh ở miền trung mà sau này được gọi là văn hóa Sa Huỳnh (9).

Chúng ta hiện nay có thể xác định là chủ nhân của các di chỉ tiền sử nói trên là tổ tiên của người Stieng, Mạ hiện nay. Người Mạ có khoãng 20000 người ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Daklac trong đó ở huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) là nơi tập trung nhiều nhất. Tiếng nói của họ thuộc Mon-Khmer (tuy vậy một số nhà nghiên cứu cho là thuộc Austronesian) và đã có thời kỳ lập một tiểu quốc ít phụ thuộc Champa hay Angkor. Người Mạ hiền hòa, thường là cái kho để người Khmer và Stieng đến bắt cóc đem đi các nơi bán làm nô lệ. Họ làm lúa rẫy, thạo dệt vãi có hoa văn đẹp, ở nhà sàn dài, có tục cà răng và xâu lỗ tai lớn. Người Stieng đông hơn, chủ yếu ở Tây Ninh, Bình Dương (Sông Bé) và Đồng Nai, nói tiếng rất gần với tiếng Khmer. Trang phục khá đơn giản, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố. Họ để tóc dài, búi sau gáy, xâu lỗ tai, đeo hoa tai bằng gỗ hoặc ngà và xâm mặt, xâm mình với nét hoa văn hình học đơn giản, cũng có tục cà răng nhưng nay không còn, uống nhiều rượu, ăn trầu. Tính tình ngay thật, rất tôn trọng lời hứa (9). Các sọ cổ tìm được ở Cần Giờ (Gò Cá Trăng), ở hạ lưu sông Cửu Long như An Sơn, Gò Tháp, Óc Eo cho thấy rất gần gủi loai hình sọ người Thượng (Stieng, Mạ) hiện nay, chứng tỏ địa bàn của họ xưa kia tản rộng từ Đông Nam Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long.

 

(b)     Sơ sử

 

Thời kỳ Óc Eo (đầu công nguyên đến thế kỷ 6)

 

Sau thời đại đá, đồng, sự liên hệ hàng hải với Đông Nam Á và Ấn độ đã đưa đ ến sự xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long về phía vịnh Thái Lan vương quốc Phù Nam ấn độ hóa với nền văn minh Óc Eo. Phù Nam là một vương quốc hùng mạnh vào đầu công nguyên cho đến thứ kỷ thứ 6, có ảnh hưởng khắp địa bàn đồng bằng sông Cửu Long, Chân Lạp (Kambuja), Gia Định, Đồng Nai đến tận Võ Cảnh (Nha Trang). Phù Nam chủ yếu dựa vào hàng hải, có cử sứ bộ nhiều lần đi Trung quốc, qua đó ta biết được một phần lịch sử vương quốc này.

 

Các di chỉ Óc Eo đã được tìm thấy ở Cần Giờ, Bàu Thành, Bến Cam, Vũng Tàu. Ở Cần Giờ, vùng nước sình lầy nước lợ, trên các bải đắp (giồng), đã tìm thấy nhiều di tích, hiện vật thuộc văn hóa Óc Eo, như gốm mịn Óc Eo ở Giồng Am, Giồng So Đũa, bình gốm thô thon dài như chai ở Giồng Am, Giồng Cá Trăng, những vết tích kiến trúc ở Giồng Am và Giồng Cây Trôm Lớn. Di chỉ Bàu Thành do P. Paris khai quật tìm thấy nhiều gốm, con lăng pesani, con lăng bằng đá. Gốm Bàu Thành được mallaret xác nhận là đặc trưng của gốm Óc Eo (9). Ở Vũng Tàu, năm 1925 trong khuôn viên một nhà nghĩ mát đã khám phá được nhiều hiện vật vàng trang trí giống hiện vật Óc Eo (hình hoa hồng nhiều cánh, hoa tai, nhẫn..), bộ sưu tập này đã mất trong thời chiến tranh 1945.

 

Những di tích tiền sử và sơ sử dày đặc ở vùng Đông Nam Bộ, trong lúc đó các di chỉ Óc Eo trãi rộng khắp miền Tây Nam Bộ (đồng bằng sông Cửu Long). Điều này cho thấy Đông Nam Bộ là nơi con người cư ngụ lâu đời nhất, từ đó mới tỏa rộng tới Nam bộ. Sau đó miền Tây hấp thụ văn hóa Óc Eo từ Phù Nam, nhưng Đông Nam bộ và miền núi vẫn giữ truyền thống cũ lâu đời.

 

Thời kỳ tiền Angkor và Angkor (thế kỷ 7 đến 16)

 

Vương quốc Phù Nam suy vong và sau cùng dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn do Chân Lạp thôn chiếm vào thế kỷ thứ 6. Chân Lạp lúc đầu phụ thuộc và tiếp thu văn hóa Phù Nam. Sau khi thừa hưởng di sản Phù Nam, Chân Lạp mở đầu thời kỳ tiền Angkor. Nhưng trong một thời gian không lâu, Chân Lạp bị triều đại Sailendra của vương quốc Sri Vijaya ở 

Sumatra đánh phá và thôn chiếm vào thế kỷ thứ 8. Đầu thế kỷ 9, Jayavarman II giải phóng Chân Lạp và sáng lập ra vương triều Angkor. Từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 13 là sự hưng thịnh và vàng son của văn minh Angkor xây dựng các đền đài như Angkor Wat và Angkor Thom và bao gồm từ vùng Menam (Miến Điện) đến Champa.

 

Nhiều di chỉ thời tiền Angkor và Angkor được tìm thấy ở khắp Đông Nam Bộ và Tây Nam với các tượng, gốm, hiện vật (9). Rạch Vương Cai gần Cù Lao Phố (Biên Hoà) kiến trúc gạch cổ đổ nát có tượng thần Uma đứng trên (chiến thắng) quỷ trâu. Long Bảo tự và chùa Bửu An gần Bến Gò (Đồng Nai) có thờ tượng thần Ganesh bằng đá và tượng đá nữ thần 4 tay phát thiện trước đây trên kiến trúc đá gạch đổ nát.

 

Ngay trong vùng Saigon có các di tích tiền Angkor, Gò Cây Mai (tượng đá Visnu, 2 vàng lá khắc hình thần Indra và nhiều dụng cụ đá thời tiền sử), Rạch Lò Gốm (hai pho tượng đá Lokesvara tiền Angkor), và Angkor góc đường Lê Hồng Phong và Trần Hưng Đạo (tường đá và tượng bằng đồng hình người quỳ gối nâng chậu).

 

Tháp Chót Mạt, 18km tây bắc thị xã Tây Ninh, thuộc thời tiền Angkor còn khá nguyên viện vào năm 1909 khi Parmentier đến khảo sát (5), nối liền một kiến trúc đã hoàn toàn bị sụp đổ. Hiện nay tháp vẫn còn trong tình trạng tương đối tốt, có những trụ vuông trang trí hoa lá trên gạch cửa hình móng ngựa với mi cửa trang trí đẹp. Quanh tường và hàng hiên có nhiều tượng kudu, và trên vách tường có khắc trạm 8 hộ pháp (dvarapala) giữ đền. Phong cách nghệ thuật tháp được M. Mauger cho là thuộc thế kỷ 8 (5). Trong đống phế tích của kiến trúc phụ, đã tìm thấy một tượng đá thần Vishnu đội mão mà P. Dumont cũng nhận định là gần gũi với nghệ thuật Khmer Chân Lạp vào hậu bán thế kỷ 8.

 

Kiến trúc kiểu Angkor không tìm được ở hạ lưu sông Đồng Nai, chỉ có các gốm, tượng phong cách Baphuong tìm được ở góc đường Lê Hồng Phong-Trần Hưng Đạo. Một giải thích cho sự kiện này là do chiến tranh giữa Champa và Angkor, triều đại Angkor không làm chủ và ảnh hưởng đến vùng Đồng Nai. Chùa Bửu Sơn (Biên Hoà) có tượng đá Vishnu ngồi, sau có khắc chữ Chăm cổ, nói về hoàng tử Nauk Glaun Vijaya (con Sri Jaya Simhavarman) với niên đại 1421 AD (theo Coedes) và ở chùa Giác Quan (Gia Định) có tượng đá sư tử Chăm hiện nay lưu trữ ở viện bảo tàng Saigon. Điều này cho thấy ở Đồng Nai, ảnh hưởng Chăm vẫn còn mạnh và là vùng tranh chấp chứng kiến chiến tranh triền miên giữa Champa và Angkor. Champa có lúc đã chiếm Angkor vào thời kỳ Angkor.

 

 

(c)     Cận đại

 

Năm 1623, sau khi gã công chúa Ngọc Vân, chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) viết thư cho con rễ vua Chân Lạp Preas Cheychesda mượn đất Prei Noker, Kras Krobey đặt trạm thu thuế. Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho phép hai tướng nhà Minh từ Quảng Ddông (Dương Ngạn Địch) và Quảng Tây (Trần Thượng Xuyên) mang quân dân không chịu thần phục nhà Thanh vào vùng đất chưa khai phá (vẫn còn thuộc Cam Bốt) định cư. Từ cửa Cần Giờ, Soài Rạp, Trần Thượng Xuyên vào sông Đồng Nai đến cù lao Phố lập nghiệp. Nơi đây họ định cư, lập quán, làm ăn buôn bán rất sầm uất nên cù lao mang tên Cù Lao Phố (người Hoa gọi là Châu Đại Phố). Dương Ngạn Địch thì theo cửa Tiểu, cửa Đại vào định cư ở vùng nay gọi là Mỹ Tho.

 

Năm 1698, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa sai xuống miền nam vùng Đồng Nai lập phủ Gia Định. Đây là thời điểm Saigon được coi là chính thức được thành lập. Khi người Việt đến vùng đất mới, họ nhập một số tín ngưỡng thờ thần bản sứ của người địa phương vào tín ngưỡng của họ để cầu sự an lạc từ thần đất củ chấp nhận cho dân mới đến. Thần Bà Chúa xứ có nguồn gốc là nữ thần xứ sở của người Chăm Po Inu Nagar đã được người Việt thờ. Tương tự thần ông Tà của người Khmer cũng được người Việt thờ cúng. Các miếu thờ ông Tà, thần đất, giống như nhà sàn cao nhỏ có vài ba viên đá tròn và bát hương thường gặp ở các làng xã ở Đông Nam Bộ nói riêng và Nam Bộ nói chung. Viên đá lớn tượng trưng cho thần, các viên nhỏ là ma quỷ theo hầu thần. Đây là thần gốc Khmer thờ thần Neak Tà là thần của tạo vật như Neak Tà Tức (thần nước), neak Tà Phnom (thần núi), neak Tà Sre (thần ruộng), neak Tà Đan Pô (ông Tà cây đa).. Người Khmer rất sùng bái ông Tà, không ai dám nói lời xúc phạm, vô lễ; qua miếu phải dở nón, lột khăn đeo. Sau này làng người Việt có đình thờ thành hoàng thì tục thờ ông Địa (nhập từ người Hoa) phổ biến hơn, ông Tà xuống cấp trở thành thần giữ ruộng như trong “Ông Địa giữ nhà, Ông Tà giữ ruộng” (8)

 

Giờ đây ta hảy đi lại con đường giao thông từ Biên Hòa đến Bình Thuận, coi như là cột xương sống của hệ giao thông ngày nay ở Đông Nam Bộ và của nền văn minh Khmer và Champa ở những thế kỷ xa xưa.

Nguyễn Đức Hiệp
Số lần đọc: 7047
Ngày đăng: 28.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
TRIỆU ĐÀ và NƯỚC NAM VIỆT trong dòng chảy LỊCH SỬ VIỆT NAM - Trương Thái Du
Vụ thảm án tôn thất nhà Lý nay ở đâu ? - Trọng Huân
Quan hệ VIỆT NAM – ĐÔNG NAM Á trong THẾ KỶ XIX : Một vấn đề cần trao đổi. - Đinh Kim Phúc
100 năm nhìn lại DUY TÂN HỘI và phong trào ĐÔNG DU của PHAN BỘI CHÂU - Đinh Kim Phúc
Bảo tàng lăng mộ TRIỆU VĂN VƯƠNG tại QUẢNG CHÂU - Trương Thái Du
Tìm về tư tưởng HỒ CHÍ MINH - Hà văn Thùy
Bàn về nguồn gốc người Việt - Hà văn Thùy
Bài học khó thuộc - Hà văn Thùy
Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam ( Phần 1 ) - Trương Thái Du
Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam ( Phần 2 .) - Trương Thái Du
Cùng một tác giả
Wang-Tai là ai? (lịch sử)