Người lính chựng lại, bàng hoàng, khi chụp hụt một chiếc hài từ tay người thiếu phụ thảy xuống. Cảm giác như mình bế hụt nàng lúc nàng đã quyết định nhắm mắt buông người từ tảng đá trẽn cao, mà giữa hai tảng đá là một khe sâu heo hút. Chiếc hài nâu của người thiếu phụ đẹp kiều diễm rơi xuống khe đá, dội vào lòng người lính những tiếng vọng buồn buồn.
Nhưng rồi chàng cũng bế được nàng vượt hẻm đá một cách toàn vẹn. Không có cái nhắm mắt quyết đoán của nàng, không có vòng tay quyết định của chàng – chuyến “về nguồn” của các bạn Sài Gòn thăm đồi Tức Dụp nhân kỉ niệm ngày 30-4 bữa ấy vỡ tan ý nghĩa.
- Xuống núi xong rồi, tôi quay trở lại tìm chiếc hài cho chị.
Anh cứ băn khoăn lặp lại. Chị nghe xao lòng, tay níu áo anh, tay giơ cao chiếc hài còn lại:
- Thôi xin gởi lại như một kỉ niệm. Xin góp một kỉ niệm vui vào bao nhiêu kỉ niệm buồn ở đây.
Anh chợt rùng mình, thoáng nghĩ, nếu hồi nảy mình bồng hụt chị, khi cả hai bước qua mấy tảng đá còn ghi rõ kí hiệu một trận giáp lá cà ngày xưa. Kí hiệu USA; kí hiệu đại đội địa phương Tri Tôn, An Giang, với ngày, tháng chiếm lại hang. Mấy chục kí hiệu giáp lá cà như vậy cheo leo trên các mỏm đá khô đồi Tức Dụp.
Hai người lại lần theo những hẻm đá đã được dọn thành lối đi cho khách tham quan, để xuống núi. Lu lu, trong anh lại vọng lên tiếng hài nâu mỏng manh rơi vào hang đá, bên hơi thở gấp của chị.
- Mong cho đừng có kỉ niệm nào bị chôn vùi nơi đây.
Chị buột miệng khi chợt nhớ lúc trưa, trước khi cả đoàn theo anh rời nhà truyền thống đồi Tức Dụp để chui hang. Khi ấy mọi người đã lặng đi trước tin có bộ hài cốt không toàn vẹn của một liệt sĩ vừa được phát hiện dưới công trình hồ chứa nước đang xây dở. Đó là một trong các liệt sĩ phải chôn tập thể vội vàng sau một trận đánh kéo dài từ tháng 1-1968 đến tháng 3-1969. Các anh đã nằm lại nơi bờ thành hồ chứa nước hôm nay dưới chân đồi Tức Dụp – cái hồ nước cho sinh thái, du lịch, trồng lúa...
Càng xuống gần chân núi, anh thấy mình như dần xa chị. Nỗi ưu tư kì lạ trong ánh mắt buồn của chị suốt cuộc hành trình làm anh không dám hỏi người chồng chiến binh Sài Gòn của chị giờ ở đâu. Gần tới đỉnh, chị đã quyết định tách khỏi đoàn, đi theo một lối không dễ dàng, trên đường xuống núi. Đi theo lối đó, mới có thể gặp được những di tích bi hùng. Và anh, người trong cuộc, không thể nào để chị đi một mình...
Khi người thiếu phụ đã xa, người lính thơ thẩn với chiếc hài rơi. Anh thấy lòng cứ bồi hồi nỗi buồn thương nhè nhẹ./.