Một hôm, Bùn Nâu nghe thấy Con Người “khà” một tiếng khoan khoái sau khi dốc bình nước vào miệng. Chú băn khoăn hỏi bác Trâu Già: “Tại sao Con Người có vẻ hạnh phúc khi uống Nước vậy?” Bác Trâu Già đáp: “Bởi vì Nước mát.” “Cháu cũng mát, tại sao Con Người lại không uống cháu?” “Bởi vì cháu không được trong.” Bùn Nâu vẫn thắc mắc: “Nhưng thỉnh thoảng bác cũng uống cháu cơ mà?” Bác Trâu Già nhẹ nhàng phe phẩy cái đuôi xua đuổi lũ ruồi nhặng đang vo ve quanh mình, mỉm cười hiền hậu: “Phải rồi, bác còn đầm mình tắm trong cháu nữa cơ và quả thật bác rất thích cháu. Nhưng Con Người thì khác. Không thể so sánh con người với trâu được đâu, cháu ạ!”
Những câu trả lời của bác Trâu Già hiền lành không làm Bùn Nâu thoả mãn. Chú cứ suy nghĩ mãi không hiểu sự khác nhau giữa nó và nước. Này nhé, cả hai cùng ướt, cùng chảy được như nhau tuy bùn có chậm hơn nước chút đỉnh, và như bác Trâu Già nói đấy, bùn cũng mát mẻ y như nước vậy. Chỉ có điều bùn không được trong như nước mà thôi. Vì sao nước lại trong như thế? Bùn Nâu nhìn lại thân thể lấm lem, ngầu đục của mình, tự hỏi: “Làm thế nào để được trong như nước bây giờ?” Bác Trâu Già nhìn Bùn Nâu bằng ánh mắt thương hại: “Bùn thì chẳng bao giờ có thể trong như nước được. Nếu như có thể thì cháu cũng phải vất vả lắm chứ không đùa đâu.”
Vất vả cũng được, Bùn Nâu ta quyết tâm lên đường tìm phương cách để được trong như Nước.
Tin tức về chuyến đi lập tức lan ra khắp Vũng Bùn. Tất cả loài thuỷ sinh sống quanh đấy suýt nữa chết sặc vì cười. Ai cũng giễu cợt cái thằng Bùn Nâu viễn vông, yên lành không muốn lại muốn cái gì đâu đâu. Nhất là bọn Lăng Quăng cứ gập mình cười hô hố rồi đồng thanh uốn éo chúc cho chuyến thám hiểm của gã phiêu lưu gặp nhiều trắc trở. Còn anh bạn chí cốt Giun Đất cứ vặn vẹo khổ sở, hết lời van vỉ khuyên lơn Bùn hãy từ bỏ ngay ý định điên rồ.
Mặc kệ những lời can ngăn hay chế nhạo, Bùn Nâu vẫn cương quyết ra đi. Rời khỏi Vũng Bùn, chú cắm cúi men theo bờ ruộng, vừa đi vừa hát để tăng thêm dũng khí. Tiếc là giọng hát của Bùn chẳng du dương chút nào, nó cứ nhem nhép, nhem nhép. Chẳng may, trong lúc dò dẫm Bùn Nâu bị trượt oách một cái, lăn tùm xuống mương. Sau phút chới với, chú để mặc cho mình trôi theo dòng. Tưởng đâu là rủi nhưng lại hoá hay, dù không suông sẻ cho lắm vì có những lúc Bùn vướng phải cọng cỏ, mắc vào búi rễ cây hay dính vào một ụ đất nhưng bao giờ chú cũng cố giẫy ra, thoát được. Cuối cùng chú lọt vào một cái đầm. Dĩ nhiên, Đầm thì rộng và sâu hơn vũng nhiều cho nên thoạt tiên, Bùn Nâu rất sợ vì môi trường xa lạ chẳng có ai quen biết. Ơ đây dân cư có vẻ náo nhiệt và đông đúc hơn cái vũng nông choèn trước kia của chú. Rất nhiều loài cá bơi lội tung tăng chứ không chui rúc chật chội như ở Vũng Bùn. Bao nhiêu là cá rô, cá lóc, cá trê; đủ loại cóc, nhái, ễnh ương, chẫu chàng… Và thật tuyệt vời, cơ man nào là hoa sen. Loài hoa mà lần đầu tiên Bùn Nâu nhìn thấy tận mắt tuy trước đây đã nhiều lần nghe Con Người nhắc đến một câu ca dao gắn liền tên tuổi của Bùn Nâu với loài hoa này.
Bùn Nâu rất vui ngỡ gặp được “người nhà”. Thế nhưng khi mon men đến gần với mục đích ra mắt làm quen thì những chiếc lá sen xanh mướt vội vàng đung đưa, lao xao như muốn xua đuổi Bùn. Bùn Nâu đành dừng lại xa xa kêu lớn: “Chị Sen ơi, chị không nhận ra em sao? Em là Bùn Nâu đây mà! Nhờ em mà chị được tiếng khen là “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đấy!” Hoa Sen nghiêng nghiêng mái đầu mượt mà trên cái cổ cao thanh tú để nghe cho rõ rồi he hé đôi môi hồng nở nụ cười dịu dàng nói: “Em bé, em lầm rồi! Em tưởng chị thích gần gũi với em lắm sao? Em chính là thử thách của chị. Lúc nào chị cũng phải cố vươn lên cao, thật cao để vượt lên trên càng cách xa em càng tốt. Chị rất cám ơn em nếu em cứ ở yên dưới ấy, xa xa ra để mùi hôi tanh của em không làm hỏng hương thơm của chị.” Nghe hết những lời chị Sen duyên dáng nói, Bùn Nâu bỗng thấy cay đắng đầy lòng. Thì ra, không những chú không được trong trẻo mà còn bốc mùi hôi hám nữa.
Buồn rầu, Bùn Nâu lại ra đi. Chú buồn đến nỗi không kịp nhận ra thật sự là chú đã bớt lem luốc hơn trước nhiều. Nhưng dù lem luốc nhiều hay lem luốc ít thì vẫn cứ là lem luốc. Thế nên chú chẳng buồn nhìn ngắm mình, cứ thế cắm đầu bơi băng băng.
“Này này, làm cái gì mà cắm đầu cắm cổ hùng hục bơi như chạy trốn thế?” Bùn Nâu ngơ ngác nhìn xung quanh xem ai đang nói chuyện với mình. Chẳng nhìn thấy ai cả, chú cho rằng vì mình quá buồn đâm ra lẩn thẩn nên bơi chầm chậm lại. “Này, chú nhóc kia, con cái nhà ai mà đi long rong một mình thế? Đi lạc à?” Lần này thì rõ ràng tiếng nói ở ngay trên đầu chú. Bùn Nâu ngước lên, trông thấy anh Chuồn Chuồn Kim ốm tong ốm teo đang hổn hển bay theo. “Không anh ạ, em đang đi tìm người có thể mách bảo cho em một việc.” “Việc gì?” “Em muốn biết làm cách nào để không còn ngầu đục và hôi hám nữa.” Chuồn Chuồn ngẩn ra: “Sao bé tí mà thắc mắc lớn thế? Chẳng biết liệu có ai trả lời cho em được nhỉ?” Chuồn Chuồn vừa bay vừa nhăn nhăn suy nghĩ, hai chân trước cứ vỗ trán liên tục. “À, nghĩ ra rồi, anh sẽ giới thiệu em đến một người. Có thể người ấy biết đấy!” Bùn Nâu mừng rỡ bơi theo anh Chuồn Chuồn. Cả hai, một bay trên trời một bơi dưới nước, mải miết.
“Tốp, tốp, tốp lại.” Anh Chuồn Chuồn Kim kêu lên đúng lúc Bùn Nâu thấy mình sắp đuối đến nơi. Một chiếc xuồng máy đang ồn ã kêu tành tạch phóng như bay tới trước, phía sau là một đám bọt nước lũ lượt chạy theo. Anh Chuồn Chuồn gọi ầm lên: “Bọt Nước ơi, cho hỏi thăm tí nào!” “Hỏi gì?” “Cậu thường đi đây đi đó, nhìn xa trông rộng hiểu biết nhiều, tớ có thằng em, muốn gởi nó cho cậu, nhờ cậu dạy dỗ chỉ bảo cho nó khôn ra, có được không?” Bọt Nước dễ dãi: “Được thôi!” Thế là anh Chuồn Chuồn Kim tốt bụng chia tay “thằng em” sau khi đã tận tình dẫn dắt đến nơi đến chốn.
Anh Bọt Nước rất ít nói, trừ những lúc bám theo Xuồng Máy thì anh lặn đi đâu mất tiêu không thấy tăm hơi. Chỉ khi cánh quạt đuôi tôm kêu tành tạch chuẩn bị quay tít thì anh mới xuất hiện, rối rít vẫy gọi Bùn Nâu đến, buông cộc lốc: “Bơi theo, mở to mắt ra mà nhìn.”
Cứ bơi theo Xuồng Máy mỗi ngày như thế, Bùn Nâu đã đi khắp các kênh rạch, sông ngòi lớn nhỏ. Bùn Nâu nhận ra Con Người không chỉ uống nước mà còn cất vó, giăng câu, thả lưới thậm chí bơi lặn, đùa nghịch, tắm táp, giặt giũ ở những bến sông.
Anh Bọt Nước hỏi: “Sao? Thấm mệt chưa? Muốn dừng lại hay tiếp tục đi nữa?” Thấy Bùn Nâu có vẻ lưỡng lự, anh nói thêm: “Vũng Bùn xa xôi thế mà chú cố công lặn lội đến được Sông Lớn đây là giỏi lắm rồi!” Quả thật, bây giờ Bùn Nâu đã sáng sủa lên rất nhiều, không còn đen đủi đặc sệt như trước, chú đã trở thành Nước Sông. Theo ý anh Bọt Nước, như vậy là đạt rồi, nên dừng lại thì hơn. Bùn Nâu toan đồng ý, nhưng bỗng thấy hình ảnh của mình lung linh phản chiếu trên thân thể trong suốt của anh Bọt Nước, chú thấy dường như mình vẫn chưa được trong, vẫn còn lợn cợn bụi cát. Chú sực nghĩ, chưa được, mình chưa thể ngừng lại ở đây.
Chia tay anh Bọt Nước nhút nhát, Bùn Nâu lại tiếp tục hành trình đi tìm sự trong trẻo.
Còn lại một mình, vừa lang thang Bùn Nâu vừa ngẫm nghĩ. Chú thấy nhớ bác Trâu Già hiền lành, nhớ anh bạn Giun Đất củ mỉ cù mì và nhất là nhớ…ôi, nhớ quá, mùi hương của lúa non. Em Lúa Non ngây thơ, em út trong mấy chị em nhà Lúa, nổi tiếng xinh đẹp nhất Cánh Đồng. Lúa Non đẹp lắm, đẹp từ lúc còn là mạ đẹp đi. Em đẹp quá, ngây thơ quá nên Bùn Nâu chẳng bao giờ dám thổ lộ mối tình đơn phương nung nấu trong lòng, chưa bao giờ dám mơ đến một ngày có thể lấy em làm vợ cho dù họ hàng nhà Lúa và Bùn Nâu xưa nay chẳng xa lạ gì nhau.
Nỗi niềm nhung nhớ đột ngột bị cắt ngang. Một đám đông tôm cá đang hốt hoảng xô nhau bỏ chạy tán loạn. Không, đúng ra là cả bọn, vâng, ngay cả Bùn Nâu cũng đang bị cuốn theo dòng chảy ào ạt, dữ dội. “Thuỷ triều đang dâng sao?” Bùn Nâu cố đuổi theo một anh cá lìm kìm hỏi thăm. Lìm Kìm hét lớn: “Đồ ngốc! Lũ về!”
Thảo nào, Bùn Nâu rụng rời. Lũ là thứ nước hung hăng dữ tợn nhất. Người và vật, ai cũng sợ Lũ, sợ cái tính nết bất thường và độc ác của hắn. Hễ tràn đến đâu là hắn phá phách, gieo tai hoạ đến đấy. Bùn Nâu cố chống chỏi với dòng nước xiết. May thay một chị dừa xanh đã thương tình vươn mình cho chú bám vào. Nương thân chị Dừa Xanh, Bùn Nâu run rẩy nhìn quanh. Khắp nơi chỉ thấy mênh mông trắng xóa, lác đác vài nóc nhà tranh nhô lên lẻ loi. Giữa dòng, một anh chó mực đang cố sức bơi, nhưng không may, chẳng có bến bờ nào cho anh bơi vào. Cái mõm đen nhô lên hụp xuống mấy lần rồi biến mất. Một chị heo nái phơi cái bụng tròn căng cứng lờ đờ trôi va phải một bác trâu đã trương phềnh. Bùn Nâu cố căng đôi mắt nhoè nhoẹt nhìn xem có phải là bác Trâu Già không nhưng không sao nhận ra.
Lũ vẫn ầm ầm sôi réo, đắc thắng vì thấy tất cả đều bó tay trước sức mạnh của hắn. Chợt phát hiện Dừa Xanh tuy vật vã đầu bù tóc rối nhưng vẫn kiên cường vươn lên, lừng lững, lì lợm bám chặt mặt đất, Lũ bực bội. Hắn lồng lộn gào thét tức tối rồi nín thở lấy hơi, gườm gườm ào tới, dồn sức quất mạnh, bứng trọn cả thân dừa trốc tung gốc rễ, thô bạo quăng quật, ném ra xa. Bùn Nâu kinh hãi nhắm tịt mắt, hoàn toàn phú thác sinh mệnh cho đất trời.
Quậy phá một trận thoả thuê, tan nát, Lũ mới từ từ rút đi. Chỉ đến khi hoàn toàn mỏi mệt kiệt sức, chị Dừa Xanh mới chịu ngừng hẳn lại và chia tay với Bùn Nâu. Vĩnh viễn. Bùn Nâu nới lỏng tay ôm, toàn thân ê ẩm. Chú leo xuống và choáng váng tưởng mình hoa mắt. Thương ôi, trước mắt Bùn Nâu, mấy chị em nhà Lúa quấn lấy nhau dã dượi, tả tơi, thân thể người nào cũng mềm oặt, gẫy gập. Em Lúa Non xinh đẹp, mong manh đã bị Nước Lũ tàn bạo vùi dập tơi bời, trôi dạt, chết thảm.
Bầu trời như sầm tối lại, Bùn Nâu như lịm đi. Chú bỗng ước phải chi chú để mặc cho Lũ cuốn trôi, dập vùi, chết đi thì hơn. Chú ân hận vì đã ra đi bỏ nhà, bỏ bạn. Chú tiếc nuối vì từ nay sẽ không bao giờ còn có cơ hội ngỏ lời với người mình yêu thương nhất. Chú thấy mình thật ngu ngốc, điên rồ. Hoàn toàn tuyệt vọng, Bùn Nâu chẳng còn muốn đi đâu nữa, chẳng muốn kiếm tìm điều gì nữa. Giờ thì chú chỉ muốn vùi sâu vào một nơi chốn thật xa, thật yên lặng để quên đi nỗi đau lòng. Buồn rũ rượi, Bùn Nâu cứ lùi lũi chìm đi, dũi sâu, thật sâu vào lòng đất lạnh lùng, bất kể, tê mê không hề cảm thấy toàn thân trầy trụa sây sát vì mấy tầng sỏi cát.
Chẳng biết thời gian trôi đi bao lâu, một ngày kia Bùn Nâu bừng tỉnh vì tiếng reo vui của con nít: “Nước giếng mát quá, mẹ ơi!” Tiếng phụ nữ ngọt ngào: “Khoan nào, để mẹ đun lên rồi hẵng uống.”
“Mình đã trở thành Nước Giếng ư?” Bùn Nâu thảng thốt. Người Mẹ đổ chú vào lòng một chị ấm nhôm, đặt lên bếp. Lửa làm cho Ấm nóng dần lên. Thoạt đầu Bùn Nâu thấy thật khoan khoái dễ chịu, sau đó thì rất nóng, nóng đến độ chú phải khóc thét lên và đau đớn bốc hơi. Chị Am an ủi: “Cố chịu đựng một chút. Sẽ tốt cho em.” Thân thể Bùn Nâu cứ hao gầy đi và có lẽ sẽ trở nên khô cạn nếu Người Mẹ không nghe thấy tiếng rên rỉ và hơi nước phun ra từ đầu vòi ấm. Bà nhấc ấm xuống, rót chú vào bình lọc.
Có lẽ khoảng thời gian làm bạn với anh Bình Lọc chính là những phút giây thanh thản nhất trong cuộc đời của Bùn Nâu. Không di chuyển, không va chạm, hầu như hoàn toàn cách ly với đời sống sôi động bên ngoài, những nỗi đau dần dần lắng đọng, tâm hồn Bùn Nâu đã trở nên bình tĩnh hơn nhiều. Tính tình anh Bình Lọc rất cẩn thận, kín đáo thậm chí có phần xa cách, lạnh lùng nhưng thật ra rất thanh cao, tốt bụng. Đôi khi, anh còn dạy cho Bùn Nâu hát. Những bài hát có giai điệu nhẹ nhàng thanh tao “tong tong…tong…tong tong” nghe thật êm tai.
Bằng lòng với cuộc sống êm đềm bình dị, Bùn Nâu những tưởng mình đã đi đến điểm cuối thân phận, nhưng ngờ đâu, hành trình lại tiếp tục. Ngày kia, Con Nít mở vòi bình lọc rót nước vào một cái ly thuỷ tinh, rồi thả vào đó một bầy nòng nọc. Đám Nòng Nọc được vớt lên từ con mương sau nhà, hí hởn bơi lội tung tăng khiến cho Bùn Nâu, nay đã là Nước Lọc trong vắt, vấy bẩn trở lại. Trông thấy ly nước lợn cợn bẩn thỉu, Người Mẹ kêu lên: “Khiếp quá!” và đổ hắt chỗ nước dơ ấy xuống gốc cây dừa.
Kể từ sau cái chết của Lúa Non, không còn điều gì có thể làm Bùn Nâu đau buồn hơn được nữa, kể cả việc bị vấy bẩn, bị khinh miệt, bị ruồng bỏ. Chú lặng lẽ lánh mình, âm thầm thấm qua lớp vỏ cây, chấp nhận phân tán, biến mất, hoà nhập lẫn trong những đường mạch kín bưng bịt bùng, yên phận.
Cho đến một hôm, Bùn Nâu lại bất ngờ nhìn thấy ánh mặt trời một lần nữa tưng bừng rực rỡ soi vào lòng Trái Dưà, nơi tưởng như là chốn ẩn náu thiên thu yên tịnh của chú. Con Người đã đưa lên miệng uống hết một hơi không rơi ra ngoài một giọt thứ nước tinh khiết, mát thơm và dịu ngọt.
Bùn Nâu sung sướng nghe thấy một tiếng “khà” hạnh phúc thốt lên tự đáy lòng Con Người.
Cần Thơ, Trại sáng tác lần V, 8/ 2005.