Chiếc quán nằm một mình dưới chân cầu trên một khoảng đất rộng. Xung quanh thưa thớt những cây bình bát, cây dừa . . . nhưng dọc bờ sông là hàng cây mắm dày mịt che khuất tầm nhìn khúc sông ngắn. Khúc sông này đổ ra sông lớn chảy ra biển. Bãi cạn, cát lồi lên mặt nước. Người ta neo sẵn mấy chiếc vỏ giọt đợi ghe vô. Một con đường mòn cặp bờ sông ngoằn ngoèo dẫn vào trong xóm. Ngày trước ở đây là một bãi lầy lồi lõm ao đìa, vũng trâu, hoa lau cao ngút đầu. Người ta thổi cát cao lên, xây một cái quán bán nước giải khát cho khách vãng lai.Từ ba bốn giờ trưa, khách đến đây thường là đợi ghe chở ghẹ về. Người nhà cũng có, khách hàng cũng có. Họ trò chuyện râm ran về đủ mọi đề tài.
Người đàn bà cầm chiếc nón lá phe phẩy quạt. Người hơi đẩy đà trong bộ đồ bông tím. Bên ngoài chị mặc một chiếc áo khoác màu kem. Đôi mắt tròn to đen láy với rèm mi dày quyến rũ và cặp môi đầy đặn. Màu da đen giòn nhưng mịn màng. Một người phụ nữ lai rất đẹp ngoài ba mươi tuổi.
Ngày nào chị cũng ra quán ngồi đợi chồng đi mua ghẹ từ ngoài hòn về mặc dù anh không muốn. Anh nói chị cứ ở nhà, không có chị công việc vẫn trôi chảy. Nhưng chị không thể ngồi yên trong nhà chờ đợi, sốt ruột lắm, hơn nữa ra đây ngồi thấy vui, thời gian trôi nhanh hơn. Sẽ thấy anh đứng ở mũi ghe, mặt đỏ lựng đưa tay vẫy vẫy chào chị khi mũi ghe vừa xuất hiện ở khúc sông, sau hàng cây mắm. Ngồi nhà làm sao có được giây phút ấy, rồi anh sẽ đèo chị về trên xe gắn máy. Ngồi sau lưng chị sẽ nghe thấy mùi nước biển, mùi ghẹ hay cá mực . . . hết thảy nói chung là thứ mùi biển cả quê hương mà anh đã mang từ biển về. Quen thuộc đến mức chị thấy nhớ, thiêu thiếu khi anh tắm rửa sạch sẽ mặc vào người bộ đồ thơm vải mới. Đôi khi còn nhặt những con ốc mang hình thù kì lạ về làm quà cho thằng Sáng.
Một thằng bé đến mời chị mua vé số, chị lắc đầu đưa ly nước lên môi. Ngụm nước còn chưa xuống tới bụng thì người khác lại tới mời mua vé số nữa. Một người phụ nữ khoảng tuổi chị, chân mày mắt đen nhánh, môi xăm đỏ, bàn tay cầm xấp vé số đưa trước mặt chị.Mãi nhìn, chị quên cả lắc đầu .Người đàn bà bán vé số đứng đợi một lát rồi quay đi sang bàn bên kia. Lạ lẫm gì ! Chị biết người đàn bà nọ nhưng con mắt vẫn cứ nhìn. Ba người đàn ông chạy xe ôm đang tán gẩu, họ cầm xấp vé số lựa lựa buông lời bỡn cợt, cho qua ngày giờ. Chiếc tivi đang chiếu phim gì đó mà nhiều người xem rất say mê. Cái màn hình đưa ra ngoài bị ánh sáng dọi rất khó xem. Một chị quay qua. “ Chị Sương ! lát nữa để tui vài kí ghẹ nghen ! làm biếng đi chợ”. “Để coi, không biết có còn không nữa . Ghe bà Hai còn nhiều đó”. Sương vừa trả lời vừa phe phẩy chiếc nón lá. Chị chủ quán thỉnh thoảng đưa mắt nhìn ra chiếc bàn có mấy người đàn ông đang mua vé số rồi lại tiếp tuc xem tivi. Ông chồng nằm trên ghế bố ngáy pho pho như giữa chỗ không người. Chiếc quần soóc ngắn bày đôi chân đầy lông lá. Sương hơi mĩm cười khi nhớ tới những câu chuyện ngồi lê về vợ chồng chủ quán. Ông chồng hơn bà vợ mười tám tuổi. Bốn đứa con đều ở nước ngoài . Hai người vợ trước bỏ đi khi nhà còn ở sâu phía trong . Đất của ông bà để lại bán dần đi . Bốn đứa con là của hai bà .Bà lớn một đứa trai một đứa gái, bà kế có hai đứa con gái . Thằng Dũng là con của bà này, hai người không có con với nhau . Thỉnh thoảng về , chẳng đứa nào cho ông một xu họa hoằn lắm thì có vài chai dầu xanh, cây thuốc. Ông chửi : “Nó nghe lời má nó”. Có trời mới biết vì sao mấy bà vợ bỏ đi.
Thông thường ghe về thì ghẹ đưa đi Hà Tiên Mũi Nai, phần chừa lại ít ỏi để ăn. Mối lấy ghẹ lâu năm phải giữ. Anh ấy cũng không chịu bán lẻ, bận rộn, phiền hà. “Ông chồng hiền như cục đất”. Ai cũng nói với chị như vậy. Mười mấy năm sống chung chị cũng nhìn nhận câu nói đó đúng chín mươi phần trăm. Con người làm sao hoàn hảo được chứ. Mười tám tuổi được gã đi do người mai mối. Vừa hết tiểu học rồi ở nhà tiếp gia đình ruộng nương chăn nuôi, anh cũng như chị thật thà chân chất. Không biết đải bôi lừa lọc, bụng sao thì sống làm vậy, không ảo đường màu mè. Đám nói xong, tình cờ gặp nhau anh bỏ chạy trước khi Sương nhận ra mình cũng muốn chạy như anh. Hơn hai năm sau ngày cưới chị mới sinh thằng Sáng. Ai hỏi sao muộn con cả hai cùng cười không trả lời. Có những chuyện không trả lời được dù là với người thân. Mười phần trăm Sương chừa lại cũng có nguyên do. Lúc cân ghẹ xong ngồi nghỉ uống nước, chủ vựa cười trêu ghẹo. “Cho ảnh ba quan tiền đi học khôn đi. Lấy anh khỏi phải dạy chồng”. Nào ngờ anh đi rửa tay cũng vừa ra tới. Mặt đỏ như trái gấc anh lôi chị ra xe mặc kệ anh kia rối rít xin lỗi . “Bây giờ em tính sao ?” Suốt trên đường đi anh không nói lời nào có lẽ vì ngại có mặt lái xe. Vừa về đến nhà đã lôi chị vào phòng cau có. “Cho tui là thằng ngốc cũng được. Không làm khó dễ gì ai hết, theo nó thì theo, tui trở về nhà ba má tui. Nhà bán đi, thằng Sáng tui nuôi ”. Sương cười ngất. “Ba mày điên rồi hả ?” “Anh ta bắt đầu dụ dỗ em hồi nào ? Từ lúc giao ghẹ đến bây giờ . . .” Chị không còn cười được nữa mà muốn bật khóc . “Thôi đi muốn tui thề hông . . .” Từ lúc ấy không bán ghẹ cho chủ đó nữa, cũng không cho Sương đi Hà Tiên .
“Bún bì đây ! Gỏi cuốn đây ! ” Một phụ nữ đặt gánh xuống trước quán mời. “ Hai dĩa bún , bốn gỏi cuốn đi chị Tư ”. Một người chạy xe ôm lên tiếng. Người mặc áo gió xanh hỏi người kia. “ Sao ông không ăn ? ” “ Tội nghiệp vợ con làm lụng bán buôn cực khổ, ăn không lấy tiền.” “Hứ !” Chị bán bún nạt nhưng miệng thì cười, hàm răng trắng đều làm gương mặt chị sáng lên. Người đàn ông không ăn bún cũng có một chút ngẩn ngơ khi ánh mắt đậu trên mặt chị, tuy vậy anh ta vẫn đùa. “Không ăn bún, chừa bụng để chiều ăn cơm. Mua vài kí ghẹ để lát nữa anh dẫn bạn về nhậu nghen Tư.” .Lời qua tiếng lại, cười nói xôn xao đến lúc chị Tư gánh hàng đi. Sương thấy anh này len lén trông theo dáng đi lắc lư vì gánh nặng của chị. Trời nắng chang chang, chiếc bóng của chị và gánh hàng in xuống mặt cát nghiêng nghiêng về hướng mặt trời lặn. Chị đi xuống con đường mòn dẫn vào trong xóm .
“Ủa ! Chị Sương phải không ?” Sương ngước nhìn hai cô gái vừa bước vào trong quán. Cả hai đều còn rất trẻ, độ khoảng mười chín hai muơi. Trước khi chị kịp nhận ra quen với cô nào thì một cô đã đến bàn chị kéo ghế ngồi. “Quên em rồi sao? Ở bệnh viện tỉnh . . .”À !Chị nhớ rồi. Bé Hiên ! Bảy tám năm rồi thì phải. Bây giờ con bé đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp duyên dáng. Lần đó chị phải nằm viện vì đau dạ dày. Một cô bé bán vé số không bà con thân thuộc từ ngoài Trung vào được đưa đi cấp cứu vì đau ruột thừa. Cha thì không biết, mẹ mất sớm, sống với bà. Bà mất, bé len lỏi vào Nam tự kiếm sống. Vợ chồng chị có giúp một số tiền. Những ngày nằm ở bệnh viện Sương thường đi thăm Hiên, nghe bé tâm sự kể về một miền quê sỏi đá khô cằn, quanh năm suốt tháng người bà không có một đồng bạc trong túi. Từ ngày rời bệnh viện chị không còn gặp¨ lại Hiên cũng như không biết tin tức gì của cô bé . Đôi khi trong cuộc sống bận rộn thường ngày chị vẫn nhớ gương mặt trẻ thơ đầm đìa nước mắt ngày chị xuất viện. Mừng mừng tủi tủi, hàn huyên tâm sự mãi không hết chuyện. Hiên cùng bạn đi Hà Tiên về, ghé uống nước tình cờ gặp chị. Vậy là cả hai có đi qua nhà chị, nhà mới cất lại một năm nay rất khang trang. Sương mời hai cô gái về nhà chơi dùng cơm chiều nhưng phải nán lại đợi ghe về để đãi hai cô gái thị xã một bữa tiệc ghẹ tươi thiệt ngon . Từ chối không được hai cô đành phải ngồi lại mặc dù rất nôn nóng vì trời chiều sắp tối. Một người đàn ông dựng xe trước quán chưa vào đến cửa đã oang oang. “Tao lấy ba kí ghẹ nghen Sương! có khách”. Chị cười nhẹ nói với hai cô gái . “Anh của chị, ngày nào cũng có khách”. Chợt có tiếng máy nổ xa xa, xình xịch mỗi lúc một gần. “Ổng về đó Sương !” Chị chủ quán gọi Sương. Sương lắc đầu. “Hổng phải ghe của bà Hai ”. Hôm nay ghe về muộn thật ! Gần năm giờ chiều rồi mà chỉ mới có một ghe sắp vào. Tám giờ sáng ghe bắt đầu đi, đến khoảng ba giờ về đến là về sớm, còn chùng chình mua bán hay trục trặc máy móc thì cũng phải hơn năm giờ chiều. Hai cô gái sốt ruột cứ nhìn ra khúc sông đầy cây mắm, nơi ghe sẽ xuất hiện đầu tiên. Họ nói chuyện với nhau nho nhỏ, hình như cô bạn thôi thúc Hiên đi về.
Ghe vào đến ! Ghe của bà Hai! Trong quán chộn rộn hẳn lên, nhiều người bỏ ra bờ sông đứng. Ông chủ quán giựt mình mở mắt ngồi dậy đưa tay tắt tivi, mắt nhắm mắt mở ngó ra ngoài, ngáp không buồn che miệng. Khi chiếc ghe vừa ló đầu ra khỏi khúc sông thì mấy chiếc vỏ neo sẵn được đẩy ra, ghe không cặp sát bờ được. Những con ghẹ to bằng bàn tay người lớn, càng buộc co lại để chúng không kẹp lẫn nhau chất đầy trong các cần xé, người ta khiêng xuống vỏ . Bà Hai đứng trên ghe thấy Sương nói : “Sắp vô rồi ! Máy hư”. Sương cười gục gặc đầu để bà Hai biết chị đã nghe. Ghe đi bà không bao giờ chịu ở nhà dù đã năm mươi chín tuổi. Thằng con trai càu nhàu mãi bà cũng không nghe. Ở nhà buồn ngồi đứng không yên. Cũng cỡ ghe Sương, sáu mươi kí ghẹ mỗi ngày. Ít bỏ mối nên bà bán lẻ nhiều. Sự nhộn nhịp bùng lên khác hẳn cái im lìm vừa rồi chỉ cách nhau vài phút. Sương đi xuống bờ sông, vẻ sốt ruột . Hai cô gái còn sốt ruột hơn đi theo chị . “Em về chị ơi!Để lần khác sẽ ghé nhà . Chị chỉ như vậy là em biết nhà rồi. Trời tối đi xe gắn máy tụi em sợ lắm ”. “Ghe sắp về tới rồi”. Giữ mãi không được chị mượn của bà Hai vài kí ghẹ để Hiên mang về. Nài ép nhiều lần cuối cùng Hiên phải cầm. Chiếc xe mang hai cô gái chạy lên cầu. “Tao tưởng mày ở lại đợi ghe về để gặp ảnh chứ”. Làm như không nghe giọng mai mỉa của bạn Hiên buồn buồn chậm rãi nói “Tao thấy có lỗi với chị Sương”. “Mãi đến bây giờ mới thấy có lỗi à! Còn mấy năm trước... .”
Sương nhìn theo hai cô gái trong ánh nắng chiều đã nhạt. Chị vụt nhớ lúc nãy chị có hỏi hiện nay sống bằng nghề gì, chẳng biết Hiên có trả lời hay không hay là nghe qua chị lại quên. Hình như cô bạn trả lời hộ thì phải. Làm gì đó như là uốn tóc, làm móng tay móng chân. Chị vụt gọi : “Sáng ! Sáng! Không được chạy qua cầu. Trở lại !” Thằng bé gần như nằm dài trên chiếc xe cuộc trắng định leo lên dốc cầu nghe mẹ gọi quay đầu xe trở xuốn . “Về nhà đi! Cứ chạy rong ngoài đường”. Thằng bé phụng phịu. “Có chị Nở ở nhà”. Nở là đứa cháu ở trong ruộng ra giúp việc nhà, trông nom thằng Sáng từ khi nó còn nhỏ. Học lớp bảy rồi mà người cứ bé choắt, mãi chơi nên nó rất lười ăn.Đen giòn màu da của ba mẹ nó và đôi mắt đẹp của chị Sương nổi bật trên gương mặt xương xương rắn rỏi. “Chạy ngoài đường hoài đen thui. Về đi, ba sắp về đó. Ghe bà Hai vô rồi”. Dỗ ngon dỗ ngọt một lát thằng bé mới chịu về. “Coi chừng xe nghen con!” Chị dặn vói theo dù biết nói cũng vô ích. Chị lúc lắc đầu kèm theo tiếng chắc lưỡi. Thằng này cưng riết rồi hư. Vậy mà hôm trước anh ấy còn tính dành dụm mua máy vi tính cho nó.
Tiếng máy quen thuộc nổ ròn tan mỗi lúc một gần. Lạ thiệt! Ai cũng vậy, dù có lẫn trong nhiều tiếng máy khác người ta cũng vẫn nhận ra máy nhà. Ông anh đến bên Sương. “Chồng mày về đó.” Sương gật đầu, bước tới đàng sau một chút tránh chiếc ghe của bà Hai che khuất tầm nhìn của chị. Chiếc ghe từ từ chui ra giữa hai hàng cây rậm rạp. Anh đứng trước mũi, hai tay chống hông, dáng dấp mạnh mẽ. Lòng Sương thấy bình yên lạ thường. Có cảm giác yên lành và hạnh phúc. Chị đưa cao chiếc nón lá, miệng mĩm cười. Anh đưa tay vẫy vẫy, cười với chị. Bao nhiêu năm rồi nhỉ mà giây phút này vẫn làm chị xúc động bồi hồi.
Trời đỏ lựng, một chút ráng chiều tiễn đưa ngày vào tối ./.