Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.083
123.198.636
 
Di sản lịch sử vô giá và thiên nhiên Côn Đảo cần được tôn vinh xứng tầm
Võ Văn Kiệt

Đấy là một cuộc đấu tranh không cân sức giữa một bên là toàn bộ sức mạnh đàn áp khốc liệt của chế độ chiếm đóng, cai trị của nước ngoài, đã biến quần đảo Côn Lôn tươi đẹp thành “một địa ngục trần gian“, mong nghiền nát mọi sự chống đối, với một bên là ý chí sắt thép của những người tù tay không tấc sắt, bị cùm gông, tra tấn, đọa đày, chiến đấu chỉ bằng một thứ vũ khí duy nhất: “lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của truyền thống Việt Nam” được trao lại từ lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Cuộc đấu tranh không cân sức ấy kéo dài hơn một thế kỷ, và cuối cùng, những người Việt Nam yêu nước đã thắng!

 

Tất cả các phong trào yêu nước từ Cần vương, Văn thân, Đông kinh nghĩa thục và các phong trào yêu nước khác như những đợt sóng trào, dồn dập, tiếp nối. Không một phong trào nào không đóng góp cho Côn Đảo những chiến sỹ ưu tú nhất của mình.

 

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), thị trấn ngục tù Côn Đảo thực sự trở thành một lò lửa cách mạng, một trường đào tạo cán bộ. Nhiều thế hệ những người cộng sản đã kinh qua, đã trưởng thành từ đây. Những xà lim án chém, cấm cố, những chuồng cọp đày đọa tù nhân, man rợ ngoài sức tưởng tượng của loài người. Nhưng cũng chính từ những xà lim cấm cố, chuồng cọp, chuồng bò, hầm xay lúa nghiệt ngã ấy, Côn Đảo đã đào tạo và cung cấp cho cách mạng Việt Nam những thế hệ lãnh tụ kiệt xuất từ Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng đến Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng vv… những người cộng sản ưu tú đã dương cao ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, dẫn dắt dân tộc Việt Nam tranh đấu, băng qua bão lửa cách mạng và chiến tranh, đưa đất nước ta đến ngày toàn thắng.

 

Côn Đảo là bản hùng ca bi tráng của cách mạng Việt Nam, là hòn đá thử vàng của khí tiết và nhân cách Việt Nam, là minh chứng hùng hồn của ý chí Việt Nam. Côn Đảo mãi mãi cất cao tiếng nói dõng dạc với nhân loại và lịch sử rằng: “Ý chí và lòng yêu nước Việt Nam là không gì có thể khuất phục”. Tiếng hát kiêu hãnh của liệt sỹ anh hùng Võ Thị Sáu trên địa ngục Côn Đảo trước họng súng pháp trường mãi mãi là biểu tượng lạc quan của niềm tin tất thắng ấy.

 

Ở nước ta, không quần thể di tích nào còn giữ được một cách nguyên vẹn tính trung thực lịch sử như vậy khi chúng ta giành thắng lợi hoàn toàn sau chiến thắng vang dội 1975. Nơi ấy, hơn hai vạn người con ưu tú của dân tộc đã vĩnh viễn nằm lại Hàng Keo, Hàng Dương, đã tan thành cát bụi để giành lấy cuộc sống hôm nay, và gửi lại chúng ta niềm hy vọng cháy bỏng về một tương lai tươi đẹp.

Việc gìn giữ, tôn tạo hệ thống di tích này cho các thế hệ mai sau như một bài học về ý chí bất khuất, tinh thần tự lực, tự cường vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng “một nước Việt Nam giàu, đẹp, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như tâm nguyện của các thế hệ tiền bối đã ngã xuống, đã hy sinh cho sự nghiệp thiêng liêng này.

Tôi tin rằng những giá trị như vậy không có nhiều trên thế giới này, ít nhất cũng không được gìn giữ một cách gần nguyên vẹn như ở Côn Đảo.

 

Thị trấn tù nhân Côn Đảo là một bằng chứng hiếm hoi trong tiến trình lịch sử loài người và cả trong lịch sử kiến trúc xây dựng thế giới mà người Việt Nam chúng ta đã và đang gìn giữ, không phải chỉ cho riêng ta, mà còn cho cả nhân loại, một nhân loại đang vật vã bước vào thiên niên kỷ mới, với những nhà tù mới, đang chà đạp lên nhân phẩm con người. Côn Đảo là “Một Biểu Tượng Hy sinh – Chiến đấu” của Việt Nam, một bằng chứng thể hiện nhiều giá trị cao đẹp của người Việt. Mãi mãi thị trấn Côn Đảo và quần thể di tích mà nó hiện đang tồn giữ, vẫn nóng bỏng tính thời sự. Với Việt Nam, Côn Đảo là Vĩnh Hằng.

 

Về vị trí địa lý, Côn Đảo gần như nằm ở trung tâm cách đều một chùm thủ đô các nước láng giềng trong cộng đồng ASEAN, những quốc gia vùng Đông – Nam Á mà tiến trình lịch sử trong vài trăm năm qua có cùng hoàn cảnh như nước ta. Bài học Côn Đảo chẳng phải là bài học điển hình cho các dân tộc nhỏ, yếu vùng lên dành lại chủ quyền cho nhân dân, cho đất nước mình sao? Nếu vậy, “trường học Côn Đảo” không chỉ là trường học của riêng ta, mà còn là trường học của thế giới, trước hết là của các quốc gia, của các dân tộc nhỏ yếu đang cần xiết chặt tay nhau cùng đi lên trong thế giới này.

Theo tôi, quy hoạch di tích phải được coi là trọng tâm trong mọi hoạt động xây dựng ở Côn Đảo, đơn giản vì nếu không tồn tại cụm di tích quý giá này, Côn Đảo cũng chỉ là một quần đảo bình thường như nhiều quần đảo đẹp khác của đất nước chúng ta.

 

Tiếc rằng trong ba mươi năm qua, dù đã có nhiều cố gắng trong công việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, chúng ta không phải không có những lầm lẫn đáng tiếc, cần sớm được rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá và bổ ích.

 *

 Với Côn Đảo, thị trấn và quần thể di tích chỉ mới là một mảng nội dung.

 

Cách đất liền, cách những thành phố đông dân không xa, quần đảo Côn Lôn với 16 hòn lớn nhỏ quần tụ trong một vùng biển đẹp có thể được coi như một danh thắng của đất nước. Hệ sinh thái đa dạng của biển, rừng Côn Đảo, tiêu biểu cho thiên nhiên nhiệt đới gió mùa có khí hậu đại dương, là một nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá. Vườn quốc gia Côn Đảo trong hệ thống vườn quốc gia của cả nước đã được thành lập và hoạt động trong những năm qua, đang tồn giữ một hệ sinh thái giàu giá trị khoa học là một dẫn chứng.

 

Côn Đảo không chỉ là một vùng cảnh quan tuyệt đẹp mà còn cất giấu trong lòng đại dương những bí ẩn chưa được khám phá hết. Biển Côn Đảo là một không gian rộng lớn tiềm ẩn nhiều giá trị du lịch đặc sắc, mở ra một triển vọng chưa thể ước lượng trong ngành công nghiệp không khói của nước ta. Du lịch đang từng bước trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn hứa hẹn một tương lai rộng lớn, sáng sủa. Vậy thì việc sắp xếp, quy hoạch lại một cách hợp lý, dành không gian thuận lợi cho phát triển du lịch trong khi vẫn đảm bảo những giá trị nguyên bản của quần thể di tích và vườn quốc gia phải là một quy hoạch liên ngành để các bên cùng phối hợp phát triển. Điều hòa lợi ích giữa bảo tồn, khai thác những giá trị lịch sử, giá trị thiên nhiên với lợi ích phát triển kinh tế trong đó có kinh tế du lịch là một bài toán cần tìm cách giải quyết một cách cân đối.

 

Với sân bay Cỏ Ống và cảng Bến Đầm đã xây dựng xong - cùng với Phú Quốc - Côn Đảo hứa hẹn một tiền đồ khai thác du lịch biển đảo của vùng đất phương Nam nhiệt đới, ấm áp quanh năm này là một khả năng mà nhiều vùng trọng điểm du lịch nổi tiếng khác của nước ta không có được. Vấn đề cần thiết hiện nay là nên sớm tiến hành các chương trình khảo sát sâu sắc, toàn diện, đánh giá một cách khoa học, khách quan, để tìm kiếm “một đồ án quy hoạch đủ chất lượng”, nhằm điều hoà mâu thuẫn nếu có, giữa những lợi ích khác nhau để phát triển một cách hài hòa trong chiến lược khai thác tổng thể, lâu dài.

 

Theo tôi, phát triển với quy mô quá lớn như hiện nay ở khu trung tâm, trong một chừng mực nhất định, khó tránh khỏi ảnh hưởng đến quần thể di tích vốn khá mong manh vì, ngoài tác động khó tránh của thời tiết, những tác động nâng cấp nhằm làm mới di tích, hoặc tận dụng di tích vào mục đích dân sinh, đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống đời thường, đang làm di tích ngày một biến dạng. Những công trình mới mọc lên ở chứng tích Hàng Dương, cầu tàu du lịch, nhà nghỉ công đoàn… cùng những công trình khác theo phong cách mới mọc lên tại khu vực trung tâm trong những năm qua là một ví dụ. Những “thêm thắt” đó không những không mang lại cho Côn Đảo một diện mạo kiến trúc mới mẻ, tương xứng với tiềm năng, mà đã, và sẽ làm biến dạng diện mạo kiến trúc tiêu biểu, điển hình như nó đã từng có. Khu vực này cần hạn chế những công trình xây dựng mới ở mức vừa đủ và giữ khoảng cách cần thiết - hoặc có giải pháp cách ly - với khu di tích, để phục vụ cho nhiệm vụ quản lý di tích và bảo tàng. Dành diện tích thoả đáng cho hồ nước, rừng cây, tạo một không gian và không khí thích hợp cho nhu cầu hành hương và tưởng niệm của du khách.

Nên chăng, một lễ cầu siêu long trọng dành cho những người đã khuất sẽ được cử hành định kỳ hàng năm, tiếp nối từ truyền thống dân tộc như một mỹ tục mới mà chúng ta sẽ xây dựng. Ngày ấy, rất có thể được chọn làm “Ngày Côn Đảo” được tiến hành trong cả nước. “Ngày Côn Đảo” cũng là ngày hành hương dành cho thân nhân các gia đình liệt sỹ đã ngã xuống nơi đây, và cũng đánh dấu ngày mở đầu mùa du lịch Côn Đảo.

 *

Côn Đảo đang cần xây dựng cho mình một diện mạo mới, tương xứng với giai đoạn phát triển dài lâu trong tương lai, muốn vậy, cần tìm kiếm những không gian phát triển mới.  Hai khu vực Bến Đầm và Cỏ Ống (bao gồm cả khu vực Đầm Tre) đang mở ra triển vọng hứa hẹn những khu đô thị hiện đại có thể được quy hoạch, xây dựng lớn, sẽ góp phần giúp khu trung tâm giảm bớt áp lực và bảo tồn được những giá trị tiêu biểu mà lịch sử đã trao lại.

 

Với địa hình, địa mạo biến thiên linh hoạt, với hai vịnh biển kín gió, được bao quanh bởi đồi thấp và núi cao, Bến Đầm và Cỏ Ống (bao gồm cả Đầm Tre), như hai cửa ngõ tiếp cận Côn Đảo bằng đường biển và đường bay, hứa hẹn khả năng cho phép hình thành những khu đô thị du lịch hiện đại mà không ảnh hưởng đến quần thể di tích trong khu trung tâm. Nếu biết khai thác tốt thiên nhiên và xử lý tốt địa hình, những khu đô thị mới sẽ đáp ứng yêu cầu khắt khe của những khu du lịch cấp cao mà thế giới đang đòi hỏi.

 

Bến Đầm là vịnh lớn nhất Côn Đảo, đã có cầu cảng thích hợp cho việc neo đậu những du thuyền lớn trong giai đọan trước mắt và hoàn toàn có khả năng mở rộng trong tương lai. Vịnh đủ rộng cho những hoạt động thể thao trên bầu trời và trên mặt biển, phục vụ hoạt động du lịch, và là nơi trú đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão.

 

Địa hình quanh vịnh gồm nhiều sườn núi dốc, cần tìm giải pháp thích hợp cho việc xây dựng những tổ hợp kiến trúc trên các sườn bao quanh, tạo một diện mạo kiến trúc đô thị độc đáo, đặc sắc.

 

Côn Đảo vốn không dồi dào về nước ngọt. Những ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn nước sạch với khối lượng lớn như chế biến thủy hải sản, cơ khí sửa chữa tàu thuyền, phương tiện giao thông vận tải, và các loại máy phục vụ xây dựng vv… cần được cân đối với nguồn nước và nguồn nguyên liệu, nhất là những nguyên liệu phải chở từ đất liền hay có khả năng nhiễm bẩn môi trường.

 

Đất nông nghiệp ở Côn Đảo không nhiều. Sản xuất lương thực, thực phẩm để tự cung cấp rất khó đạt kết quả. Trên những diện tích cho phép, nên nghĩ đến những loại cây trồng có giá trị thương phẩm cao như cây ăn trái nhiệt đới tiêu biểu, đặc trưng, hoặc các giống hoa cao cấp, phục vụ ngành du lịch sẽ phát triển trong tương lai.

 

Rừng Côn Đảo có nhiều đặc sản độc đáo và dược liệu quý hiếm, biển Côn Đảo giàu sản vật hứa hẹn cung cấp dồi dào nguồn nguyên liệu cho ngành thủ công mỹ nghệ vốn đã có truyền thống trên đảo từ thời của những người tù. Nếu biết tổ chức các làng nghề đặc sắc, không những chỉ phục vụ cho ngành du lịch mà có thể nghĩ tới một tương lai rộng lớn hơn, cung cấp cho đất liền hoặc xuất khẩu.

 

Cũng cần nghĩ đến những cơ sở vật chất cần thiết cho công việc nghiên cứu của các ngành khoa học sau này. Có lẽ cần sớm khởi động những chương trình tìm kiếm nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời… rất dồi dào trong khu vực khí hậu đại dương, đảm bảo một môi trường trong lành vốn là một yếu tố hấp dẫn du khách như Côn Đảo.

 

Cụm du lịch Bến Đầm hoàn toàn có thể thông thương với cụm Cỏ Ống – Đầm Tre bằng một con đường xuyên đảo chạy ở sườn phía Tây như trước đây đã dự kiến. Trục đường này chia sẻ một khối lượng vận tải, giao thông sẽ tập nập trong tương lai để tuyến đường hiện có như một hiện vật lịch sử phục vụ nhu cầu hành hương, tưởng niệm.

 

Khu Cỏ Ống – Đầm Tre nằm phía Bắc đảo, kề cận sân bay, địa hình linh hoạt, dự trữ đất xây dựng dồi dào, hứa hẹn một khu đô thị đẹp nếu biết khai thác tốt.

 Đầm Tre là một vịnh nhỏ, kín gió, thông với biển bằng một cửa hẹp, như một không gian biệt lập, dành riêng, cho phép nghĩ đến một đặc khu du lịch cấp cao, hiện đại, trên các sườn đồi quanh vịnh với những công trình kiến trúc du lịch đặc sắc. Hệ rừng quanh vịnh trong tình trạng gần như nguyên sinh chưa bị xâm hại, tàn phá, cần đặc biệt thận trọng trong xây dựng, nên được khai thác như một giá trị tiêu biểu, điển hình.

 

Nếu xây dựng, quản lý và khai thác tốt, khu du lịch Đầm Tre có khả năng sẽ tạo nên một sức cuốn hút, mê hoặc đối với du khách.

 

Khu đô thị Cỏ Ống nằm phía Nam sân bay Cỏ Ống, địa hình rộng rãi cho phép phát triển với quy mô lớn, hứa hẹn khả năng sẽ là khu dân cư chính của Côn Đảo. Ở đây ngoài hệ thống công trình du lịch, có thể bố trí các công trình hành chính, văn hoá, thể thao và các công trình khác phục vụ toàn đảo.

 

Vậy thì tại sao chúng ta không tiến hành tổ chức “một cuộc thi quốc tế”? Kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong thời gian qua đã cho chúng ta những bài học bổ ích. Việc tổ chức một cuộc thi như thế, ngoài những kết quả về chuyên môn thu được còn là một cơ hội quý giá cho chúng ta giới thiệu về Côn Đảo, về cuộc chiến đấu của nhân dân ta trong hàng trăm năm qua, về con đường mà đất nước ta, nhân dân ta đã đi đến thắng lợi.

 

Ngoài hệ thống đường giao thông hiện có và tuyến đường dự kiến chạy phía Tây đảo như đã nói trên, nên chăng một trục đường hoặc một hệ đường thích hợp chạy trên những độ cao cho phép, kết hợp an ninh quốc phòng với quản lý rừng và du lịch.

 

Cần nghĩ đến ngay từ bây giờ trong quy hoạch tổng thể việc khai thác những hòn đảo khác trong quần đảo, giúp quy hoạch du lịch Côn Đảo có thêm nhiều nội dung phong phú, nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc. Khả năng xây dựng một chiếc cầu treo vượt eo biển nối khu đô thị Cỏ Ống với hòn Bãi Cạnh từ mũi Chân Chim cũng không phải là một hiện thực quá xa vời trong mười lăm, hai muơi năm nữa khi chúng ta đã trở thành một đất nước phát triển sánh cùng các quốc gia khác trên thế giới. Ngoài giao thông đường bộ, những phương tiện vận chuyển đường thủy hiện đại đưa khách đến thăm hòn Cau, hòn Tre, hòn Trứng, hang Yến và các hòn khác trong quần đảo cần được nghĩ đến từ bây giờ. Với sân bay Cỏ Ống đã hoàn thành và sẽ được mở rộng, việc ngắm nhìn quần đảo từ trên không bằng tàu lượn, bằng khinh khí cầu phải chăng là những phương thức khai thác du lịch sinh động, làm cho Côn Đảo có thêm nhiều sức hút?

 

Với tất cả những giá trị được trình bày một cách khái quát trên đây, tại sao chúng ta không nghĩ đến, ngay từ bây giờ, khởi động việc xây dựng một hồ sơ đề xuất với Tổ chức Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO), nghiên cứu, xếp hạng “Thành phố Trăm năm ngục tù Côn Đảo” của nước ta vào “Danh mục Di sản lịch sử và thiên nhiên Thế giới”, một di sản đang cần được gìn giữ lâu dài cho Nhân loại, vì chính nó đã được xây dựng bằng máu xương của hàng vạn người con ưu tú của một dân tộc đã bền bỉ tranh đấu, hy sinh cho nhân phẩm và tự do. (Số 09, Tháng 2-2005)

 

 Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 2005

 

Võ Văn Kiệt
Số lần đọc: 3178
Ngày đăng: 03.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thoáng Đông Nam bộ - Địa chí và lịch sử-phần hai và hết - Nguyễn Đức Hiệp
Một thoáng Đông Nam bộ - Địa chí và lịch sử - phần một - Nguyễn Đức Hiệp
Người CHÂU ĐỐC – AN GIANG Làm ăn ở NAM VANG xưa và nay - Nguyễn Hữu Hiệp
TRIỆU ĐÀ và NƯỚC NAM VIỆT trong dòng chảy LỊCH SỬ VIỆT NAM - Trương Thái Du
Vụ thảm án tôn thất nhà Lý nay ở đâu ? - Trọng Huân
Quan hệ VIỆT NAM – ĐÔNG NAM Á trong THẾ KỶ XIX : Một vấn đề cần trao đổi. - Đinh Kim Phúc
100 năm nhìn lại DUY TÂN HỘI và phong trào ĐÔNG DU của PHAN BỘI CHÂU - Đinh Kim Phúc
Bảo tàng lăng mộ TRIỆU VĂN VƯƠNG tại QUẢNG CHÂU - Trương Thái Du
Tìm về tư tưởng HỒ CHÍ MINH - Hà văn Thùy
Bàn về nguồn gốc người Việt - Hà văn Thùy