Từ Trương Định nơi gia đình tôi ở đến Thanh Nhàn nơi gia đình nhà văn Vũ Bão ở rất gần. Vậy mà mãi hai năm nay tôi mới được tiếp cận với nhà văn lão thành- nhà văn “ cụ”- người được mệnh danh là trẻ mãi không già bởi luôn “ chịu” chơi với lớp trẻ chúng tôi.
Mới tuần trước thôi, tôi đưa con gái qua thăm ông, trong câu chuyện ông lại khôi hài với cái máy chữ trước mặt. Ông kể về câu chuyện cái máy chữ của nhà văn Nguyễn Dậu bị người nhà vô tình bỏ xó, để đến khi anh em văn nghệ đến thu gom trưng bày ở Bảo tàng nhà văn phải tìm mãi. Riêng ông- ông nói- nếu ông mất sẽ dặn lại người nhà cứ để ngay ở bàn thờ để không “ bị” lấy vào bảo tàng, ở “ dưới kia” còn có cái mà làm việc chứ. Tôi cười, chợt giật mình sợ ông nói gở.
Vậy mà đúng như một cái điềm.
Dự định in tập truyện ngắn thứ hai, tôi đi nhờ người viết lời giới thiệu. Đã có lời khuyên của một nhà văn: để tác phẩm tự lên tiếng, không cần lời giới thiệu. Nhưng chúng tôi- những người viết trẻ bao giờ cũng mang tâm lí muốn được các nhà văn đi trước “ có nhời”. Đó không phải là sự đánh bóng, làm sang hay làm duyên cho tác phẩm mà là một sự thẩm định tin cậy. Một số bạn viết giới thiệu tôi tìm đến nhà văn Vũ Bão. Mở cửa đón chúng tôi, ông nheo mắt cười với ánh nhìn tinh anh, nhấp nhánh. “Nhìn thấy chú Vũ Bão là nhìn thấy sức sống”- một người bạn tôi thầm bảo. Tôi hiểu lời bạn tôi bởi lớp trẻ chúng tôi bây giờ nhiều khi “ sống không ra hồn sống”, càng hiểu hơn khi sau này được biết nhiều hơn về nhà văn Vũ Bão.
Là một trong những hội viên hội nhà văn Việt Nam từ những ngày đầu, nhà văn Vũ Bão lại không được “ thuận chèo mát mái”. Cuộc đời nhà văn vốn sóng gió, Vũ Bão chấp nhận và “ không bao giờ kêu tôi bị đòn oan”. Cuộc đời người cầm bút, theo ông: “ thở bằng lá phổi của mình, đi bằng đôi chân của mình, nhìn đời bằng đôi mắt của mình, suy nghĩ lẽ đời bằng cái đầu của mình và không bao giờ chịu viết bằng ngòi bút đã bị bẻ cong” ( trả lời phỏng vấn Vietnam net ngày 10/ 2/ 2004- Đào Bá Đoàn thực hiện ). Tên thật là Phạm Thế Hệ ( cái tên ông vẫn đùa nghe như bút danh), vì mê văn Vũ Trọng Phụng nên khi đi công tác ông đổi sang họ Vũ, lấy bút danh Vũ Bão. Ông vẫn luôn cười khi mọi người bàn đến cái bút danh: quả là vũ bão giông tố vận vào đời ông. Năm 1957, tiểu thuyết “ Sắp cưới” của nhà văn Vũ Bão được đón nhận nồng nhiệt nhưng năm sau (1958) thì bị “đánh” tơi bời. Lênh đênh như vạn chài, ông từ quê hương Thái Bình vào Thanh Hóa, trở ra Hà Nam, Nam Định, đi chiến trường, từ Hội Văn nghệ Hà Nội sang Tổng cục Thể dục thể thao rồi báo Điện ảnh. Vậy mà nghe lũ hậu sinh chúng tôi ca thán những con người ấu trĩ đã “ đánh” ông, ông cười ào cho qua chuyện. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đã mượn lời Mác để bình luận về thái độ này của nhà văn Vũ Bão: “ Người ta tiễn đưa quá khứ không phải bằng điệu kèn lâm khốc mà bằng tiếng cười”.
Ông lảng qua chuyện khác. Vẫn là chuyện nghề nhưng đã nổ ra cả kho chuyện cười. Chúng tôi được cười từ nhà ông qua nhà chú Lê Bầu gần đó. Nhà văn- dịch giả Lê Bầu cũng rất hóm, không thua gì ông bạn mình. Hầu chuyện các ông, chúng tôi thu lượm vô khối những triết lí nhân sinh không ở đâu xa mà ở ngay cuộc sống hiện đại ngờm ngợp xung quanh, cứ hối hả mà đôi khi không biết. Đọc “ Lí sự người đời”, “ Bút bi hết mực”, “Phó tiến sĩ không hữu nghị”, “Nhà trẻ không có bô”... thấy ngồn ngộn chuyện đường phố, công sở, giảng đường. Những ngôn từ “ bắt” được từ “kênh” hiện đại của cuộc sống hôm nay, ông dùng còn nhuần nhị hơn lớp trẻ, trở thành ngôn ngữ trào lộng tựa nhà văn họ Vũ trước kia ông yêu quý và “ đổi” họ. Nhưng ông luôn nhắc các thành viên câu lạc bộ văn học trẻ mà ông đỡ đầu: phải thận trọng, làm sao biến ngôn ngữ viết hôm nay thành ngôn ngữ sống được muôn thời, muôn nơi. “ Người vãi linh hồn” của ông được dịch in ở Pháp, Sri Lanka, Mỹ, Ấn Độ vì thế? Câu kết tưng tửng: “Cái quần trong phim là cái quần khác đấy” khiến người ta bật cười mà ngẫm nghĩ...
Có lẽ hiếm ai làm được việc này như nhà văn Vũ Bão: chịu khó đọc và nghe các “ đại thi hào tương lai” say sưa nói về những tác phẩm “ vĩ mô” của mình. Rồi ông nhận xét: bằng lời, bằng máy chữ giấy than cọc cạch rất chi tiết, tỉ mỉ. Cuốn truyện ngắn của tôi được ông nhận xét đầy ba trang đánh máy, tôi vẫn còn giữ dù chỉ xin trích vài lời của ông khi in sách. Bởi ông đã động viên tôi khá nhiều. Tất nhiên là ông có chê nhưng chúng tôi hiểu ông “ giơ cao đánh khẽ” thế thôi, sợ làm tổn thương những “ bầu nhiệt huyết” văn chương đang hừng hực. Vậy mà lũ trẻ chúng tôi đôi lần đã vô tình... Chẳng nề chi, trước kia ông còn xuê xoa nữa là. Từ chuyện tác phẩm, ông cố vấn cho đứa này in sách ở nhà này, đứa kia xin việc ở báo kia. Tôi không quên được lần ông cọc cạch chiếc mini Nhật giúp tôi “ tổng tiến công” vào báo Người đại biểu nhân dân với câu nói đùa: “ Nom như ông dắt cháu đi nhà trẻ, con gái nhỉ ?”. Thấy tôi được “ phỏng vấn”, ông lại vỗ ngực đùa với tổng biên tập Hồ Anh Tài: “ Có nhận thêm thanh niên này nữa không?” Nhẹ nhàng từ bỏ ý định xin vào, thấy ông thương cho cái sự lận đận của mình, tôi buồn mình ít, buồn đã phụ lòng ông thì nhiều.
Tụ họp những chuyến đi xa, trong danh sách khách mời của chúng tôi thường có ông dù chúng tôi có hai cái ngại: sức khỏe của ông và cô Phong vợ ông. Cô Phong là bác sĩ, từng xẻ chia bao cuộc binh biến với chồng, tất nhiên là lo lắng. Cô đã “thả” cho ông vào Nam ra Bắc chinh chiến với văn, với báo quá nhiều rồi. Bằng chứng là cả tập phóng sự “ Đỏ con mắt trái” 347 trang với phần 1 có tít rành rành kia: “ Xuôi Nam ngược Bắc”. Thế mà chúng tôi “ đồng lõa” với ông, cũng vẫn“lừa” được cô, nay kéo ông đi Hưng Yên, mai Hòa Bình. Ngày thơ rằm tháng giêng năm ngoái, 12 giờ đêm ông mới được các anh Nguyễn Vinh Huỳnh, Hồ Khải Hoàn “ hộ tống” từ Hòa Bình về Hà Nội. Tuổi 70 của ông vẫn chủ- nghĩa- xê- dịch kiểu Nguyễn Tuân: túi thuốc uống, áo khoác thể thao, giày thể thao, điện thoại di động, đi và đi, và nhắn tin tít tít: “ Chú đang ở Thác Đa”, “ Chú đang ở Quảng Ninh dự lễ hợp long cầu. Vui lắm! ”
Ước gì bây giờ điện thoại tôi lại rung...
Hà Nội 1- 5-2006