Tôi có thằng bạn là kỹ sư chuyên ngành về chó. Nó giỏi nghiệp vụ tới mức, hết thẩy mọi người nuôi chó Tây, chó Ta trong thị xã, hầu như ai cũng đã một vài lần phải vời tới nó về nhà. Họ đồn đãi với nhau, bạn tôi có thể đọc được cả suy nghĩ trong đầu của chó.
Sau đây là câu chuyện nó đã kể cho tôi nghe.
“Con chó đói chạy trong thị xã
Chạy cả ngày, đói rã họng mà no”
Nó dừng lại bên bờ sông lúc nhập nhoạng mặt người, khéo léo cúi xuống uống đầy một bụng nước. Nước óc ách, không đánh lừa được cơn đói đang hành hạ. Nó nhớ, nó bị lạc đã bảy ngày.
Đó là vào đêm giao thừa. Khi Thu Hương chạy xe đi dạo phố, nó đã lẻn theo qua cánh cửa sắt quên không khóa lại. Thu Hương chạy xe phía trước, nó lẻo đẻo chạy theo sau với một khoảng cách vừa đủ để không bị nhìn thấy, không bị đuổi trở về. Tới ngã tư, dòng xe cộ đan nhau chằng chịt đã làm nó bị lạc. Mới đầu nó tưởng đơn giản. Nhưng càng chạy lòng vòng tìm kiếm, nó càng thấy nhiều ngã tư, nhiều ngóc ngách. Té ra thị xã cũng không nhỏ như trước đây nó vẫn tưởng.
Giờ thì nó đang đói. Đói sùng sục. Đói run lên. Đói tới mềm xương. Vậy mà cách đây chỉ mới bảy ngày, nó không thể nào tưởng tượng được, đói là gì.
Nó nhớ, vào đêm mồng hai Tết, khi cơn đói cồn cào tới mức không chịu nổi, nó đã dại dột liều mạng mò vào một nhà hàng sang trọng. Xinh đẹp như nó, ai lại dám nghĩ rằng nó đang bị đói. Bởi vậy, nó cứ lững thững đi từ tầng trệt lên lầu một, lầu hai, rồi lên tận lầu ba. Ở đó, nó rón rén bước vào một phòng có đông người đang ăn nhậu. Người ta khui bia bồm bộp. Người ta cười ré lên đú đởn. Chẳng ai thừa thời gian để nhìn thấy nó, để quan tâm tới nó. Nó cứ lẳng lặng đi qua đi lại cạnh những cặp đùi trắng nõn, với hy vọng vớ được miếng nào lót bụng. Nhưng làm gì có được miếng nào. Người ta xực mới gớm chứ. Xực sạch sành sanh. Tôm càng, cua biển, ốc bào ngư, chim sẻ chiên bơ… chẳng ai thèm quan tâm thí cho nó một miếng gọi là. Nó ngước nhìn một gương mặt có cặp môi mọng đỏ, đã nhừ ra vì bia bọt, vì hôn hít, vì mớm mồi. Hồi lâu không thấy cô gái nhìn mình, nó dụi dụi cái mũi ươn ướt vào cặp đùi thon trắng của cô. Cô ta kêu ré lên. Lập tức nó được thằng đàn ông của cô cho xơi ngay một cú đá văng mạng. May mà nó kịp thoát ra ngoài.
Lủi khỏi quán bia sang trọng, nó lết vào một quán cóc bên đường. Năm gã đàn ông đang nhậu, đang huyên thuyên thời tiết chính trị toàn cầu. Một gã lòng khòng, cao hứng, cất tếng ngâm khàn khàn:
Thiên hạ Tết, bạn bè ráo trọi
Lử đử say ta cạn chén trần gian
Biểu cô nàng chủ quán mượn cây đàn
Ta gảy khúc tính tình tang tá lả.
Đám đàn ông cười khả khả, ép gã thi sĩ một ly đầy có ngọn, gọi là phạt xuất bản mồm không xin giấy phép. Gã này ngửa mặt, dốc tuột vào miệng. Xong xuôi, cúi xuống phun nước miếng. Chợt nhìn thấy nó, gã liệng cho nó cục xương, đá đuôi nheo với nó một cái, rồi cao giọng ngâm tiếp:
Lên cung quảng. Ta chào! Lên cung quảng
Giỡn với cô Hằng dập gốc đa
Tiền bạc mà làm chi!.. Chơi xả láng
Thế gian say đâu chỉ một mình ta!
Đang say sưa vừa gặm cục xương vừa thưởng thức thơ ngông, bỗng nó bị một cú đớp điếng người. Một con chó to lớn ở đâu xồ tới, gầm rít lên. Nó hoảng hồn guồng chân bỏ chạy. Máu đỏ tứa ra trên cần cổ, nhểu xuống đất giọt giọt. Nó hiểu thế nào là vi phạm luật rừng.
Từ quán cóc thi sĩ, nó lần mò vào chợ. Chợ mồng hai thơ thớt người mua bán, nhưng vẫn nhóc nhách lũ chó bụi lang thang chạy qua chạy lại, kiên nhẩn sục tìm đồ ăn dư thừa rơi vương vãi. Đây là thánh địa của những con chó hoang lực lưỡng. Nó kịp hiểu ra điều đó khi bị một con chó vàng khè gầm gừ đe dọa.
Cum cúp luồn dưới những sạp hàng trơ trỏng, theo con đường chợ lớp nhớp, sực mùi tanh cá, nó lần tới một đống rác kếch xù. Cơn đói gào lên lời thúc dục kiếm ăn. Dù không muốn, nhưng bàn chân vẫn đưa nó đến bên bãi rác. Ở đó, nó gặp một con chó cái đen tuyền, vóc dạc nhỏ nhắn, có đôi mắt mở to hiền lành. Con chó cái ngúc ngoắc cái đuôi, vẫy vẫy đôi tai, tỏ ra có ý thiện cảm với nó. Nó tiến lại gần con chó cái. Rồi lặng lẽ đi theo con chó cái vòng qua phía bên kia bãi rác. Lanh lẹ một cách tháo vát và dày dạn kinh nghiệm, con chó cái dùng hai chân trước bươi vào đống rác, moi ra từ trong đống bẩn thỉu ấy ê hề đồ ăn, nhưng tất cả đều đã bốc mùi chua chua thum thủm. Con chó cái lần lượt tha đống đồ ăn vào một góc khuất, nằm phục xuống, vừa nhai ngấu nghiên vừa ngoe nguẩy đuôi, rin rít gọi nó. Nhưng nó, nó đã quen sống đài các, phong lưu, vương giả trong một ngôi nhà lộng lẫy, chỉ nội ngửi thấy mùi uế khí tởm lợm đã rùng mình, nói chi tới việc tận mắt nhìn thấy những món đồ ăn dơ bẩn, được moi ra từ đống rác rưởi, tanh sực mùi băng vệ sinh và bao cao su nhầy nhụa. Cứ hễ vừa mới đụng vào một thứ đồ ăn nào đó, nó đã ho sặc sụa, thành ra nó cứ chạy lòng vòng xung quanh đống rác với cái bụng lép xẹp. Tới chừng, từ trong bóng tối thình lình hiện ra hai bóng người, nó mới kịp nhận ra nó đã mắc sai lầm. Hai cái bóng ấy, một bóng của người đàn bà xệch xạc, một bóng của đứa trẻ con xiêu vẹo. Mỗi người quảy trên vai một cái bao bố, cầm trên tay một cái cù móc bằng sắt. Cả hai cùng lúc vung cù móc đuổi cút nó ra chỗ khác. Chính con chó cái đen tuyền đã cưu mang nó, ngoạm tới cho nó một mẩu bánh mì, khả dĩ còn thơm thơm mùi bánh.
Chúng kết bạn với nhau được hai ngày, sang ngày thứ ba thì chia tay. Bởi vì con chó cái đen tuyền ấy chỉ thích sống quanh quẩn bên đống rác, hài lòng với những gì kiếm được từ những thứ bỏ đi. Còn nó, nó không thể nào quen nổi với mùi uế khí tanh tưởi.
Giờ thì nó đang nằm ở một góc kín bên bờ sông. Từ chỗ ẩn nấp của mình, nó lặng lẽ quan sát đám người vô công rồi nghề đang nhấm nháp thứ cà phê hạng bét và phì phèo phun ra những làn khói thuốc lá khét lẹt.
- Tớ sẽ cho nó nốc ao ( tiếng một gã đàn ông xồn xồn sặc mùi rượu ). Sếp đếch gì mà lấy vợ người ta! Đồ chó đểu!
- Mầy là cái đinh gì mà dám chơi lão ta? Lớ mớ lão cho nghỉ cái rụp. Buông cái kho hàng ấy ra, chết mục xương à con !
- Là cái đinh gì à ? Tớ chẳng là cái đinh gì cả. Nhưng tớ biết chắc con cáo ấy vừa ngoạm tươi cả trăm triệu trong hạng mục công trình ký với bên thủy nông. Đụng vào tớ, tớ sẽ la toáng lên, để tụi báo chí nó khui như khui bia cho bỏ ghét!
Nghe cuộc uỵch tẹc bất ngờ ấy, nó vừa tự ái vừa bực mình. Sao lại gọi gã nào đó là đồ chó đểu. Gã đó đểu chứ nó và bạn bè đâu có đểu. Nếu nó không kịp thời sủa và chận bàn chân lên con rít bành tổ trảng trên nệm giường, không chừng cô chủ Thu Hương tới số chớ bộ. Lại còn hôm cô chủ leo bẻ mận, rớt chiếc nơ xuống ao, ai đã vớt cho cô chủ? Nhưng nó không thèm chấp. Bằng kinh nghiệm mấy ngày lân la quán xá kiếm ăn, nghe giọng, nó biết đám người này đã nốc rượu mọp môi rồi mới kéo nhau đi cà phê xả khẩu. Chỉ có người say mới ăn nói bổ bả, coi trời bằng vung. Chứ người đời vốn hèn lắm! sống ở nhà cô chủ, nó biết rất rõ điều đó. Những ông, những bà tới nhà cô chủ, dáng vẻ bệ vệ, đạo mạo là thế, khi gặp ba cô chủ đều rúm cả lại như sâu róm; mồm miệng toàn phun ra những câu, những từ bợ đỡ, xu nịnh, làm hèn kém cả ngôn ngữ. Mà ba cô chủ chắc đã hay ho gì. Không biết đã bao nhiêu lần nó thấy ông ta rước cô này, cô nọ vô buồng hú hí khi cả nhà vắng vẻ. Còn khi có ông lớn hơn tới chơi, ba cô chủ cũng khúm núm, luồn cúi tới tởm lợm. Chỉ thương cô chủ, vô tư như con chim sẻ, chẳng biết bầu bạn cùng ai ngoài cây đàn piano hào nhoáng. Tiếng đàn của cô, chỉ có nó là thành viên duy nhất trong nhà hiểu được. Buồn u ẩn. Buồn tới lịm đi, muốn chết.
Nó ẩn mình khóc lặng giữa màn đêm. Lập lòe đèn đom đóm góc phố chớp nhá theo tiếng nhạc. Đêm chuyển mình rần rật. Nó nghe có tiếng mặc cả sát mí nước.
- Bao nhiêu ?
- Qua đêm hay làm nóng ?
- Nóng !
- Năm tì cứng !
- Mắc thấy mẹ !
- Bớt hai chục. Chịu chưa ?
- Bớt nữa đi ! Ế còn làm tang !
Nó run lên khi thấy gã trai ngổ ngáo lôi con mụ bệu mỡ vô gốc cây của nó. Nó thu người lại, lùi sát vào góc tường.
- Đi giày không ?
- Không !
- Hổng sợ sida sao !
- Làm quần quật như trâu cả ngày, sống đuợc bao lâu nữa mà sợ.
Khi hai kẻ nọ bắt đầu làm việc, nó mắc cỡ, len lén rút ra chỗ khác.
Từ bờ sông, nó theo con lộ đi sâu vào thị xã. Mùi Tết còn tỏa ra lừng lựng từ những căn hộ đầy cám dỗ. Phố khuya vắng vẻ, những cặp tình nhân chở nhau bằng xe máy chạy rì rì, dính bết vào nhau như những cặp sam biển. Chán cảnh lòe loẹt đèn màu, nó quẹo vào con hẻm nhỏ. Ở đây bốc lên mùi chua loen loét, hăng hăng, thum thủm của sự nghèo đói thải vào cống rãnh tù đọng. Từ một góc nào đó, bật lên tiếng khóc u ơ của trẻ sơ sinh khát sữa. Vẳng tiếng ru héo hắt.
Ầu ơ… con ngủ cho ngoan
Để mẹ bán hàng kiếm cháo con ăn.
Nước mắt nó trào ra nóng hổi. Không cầm được nỗi lòng, nó vùng chạy trở lại dãy phố lớn. Chuông nhà thờ buồn bã báo hai giờ sáng. Sương đêm mỗi lúc mỗi dày đặc. Đói và lạnh, nó cúp đuôi lần vào phía sau ngôi nhà thờ rộng lớn. Một cặp Ađam và Êva đang cuộn xiết lấy nhau trong tư thế vụng trộm gấp gáp. Tội nghiệp, họ không biết cả tới thần thánh hay sao !
Chán chường, nó trở ra đường phố. Đường phố vắng vẻ, buồn não lòng. Một chiếc xe lam nổ máy phành phành, xả bựng bựng khói đen. Tiếng máy như dội bom giữa trời khuya tịch mịch. Một chiếc xe lôi trống lổng chạy ngang. Người đạp xe nhìn thấy nó, hất hất mái tóc rối bù, gọi:
- Lu Lu ! Chán đời sao cà ? Theo tao, mầy !
À, thì ra nó vừa được tặng cái tên mới cáo cạnh. Cũng hay đấy! Lu Lu, ta là Lu Lu ! Cảm thấy ấm áp trong lòng, nó cong đuôi, ngoe nguẩy chạy theo chiếc xe. Anh chàng tóc rối vừa đạp thả tà tà, vừa khe khẻ huýt gió. “Cuộc đời dài lê thê, ta yêu người nhiều ghê, nếu như đời không chê, ta thề yêu trọn kiếp”. Không hiểu anh ta vui cái nỗi gì! Nãy giờ có thấy mống khách nào đâu.
Mệt đứ đừ vì đói, vì mỏi, nó bỏ mặc anh đầu bù với chiếc xe không, lách song sắt hàng rào một ngôi nhà có vẻ yên tỉnh, lần dò kiếm chỗ ngủ. Để yên thân qua đêm, nó đi men theo tường nhà, vòng tới cái cửa nhỏ ở bên hông, khoanh người nằm gọn vào một góc. Chờm chợp trong giấc ngủ đói thon thót, nó mơ thấy cô chủ đang chải lông cho nó, xức dầu thơm cho nó, thắt lên cổ nó chiếc nơ màu hồng phấn. Rồi cô chủ bồng nó lên, ấp nó vào lồng ngực ấm nóng. Rồi nó nghe tiếng cô chủ ngọt ngào. “Cưng ráng ăn hết miếng chả lụa này nghen ! Ăn ngoan rồi uống sữa, trưa chị mua cho hai hột vịt lộn”.
Nó giật mình choàng tỉnh. Không phải tiếng cô chủ mà là tiếng chuông nhà thờ đổ dồn báo sáng. Trong ngôi nhà có tiếng động lịch kịch. Rồi tiếng cười rinh rích nho nhỏ. Rồi tiếng chùn chụt vội vả. Nó lật đật rời bỏ xó cửa, vừa lúc cánh cửa từ từ mở ra thận trọng. Một gương mặt đàn bà thò ra nhìn dáo dác. Rồi thêm một gương mặt no đầy, xề xệ.
- Khuya này anh đừng tới nữa nghen ! Dám chừng tối nay ảnh về tới lắm à !
Người đời bạc thế ! Nó vừa đi vừa nghĩ. Vừa sễnh chồng đi vắng mấy bữa đã hư hỏng. Giữ mình mới khó, chứ hư hỏng thì mấy hồi. Ở đây làm gì nữa, thà ra phố lang thang còn hơn.
Vậy là nó trở lại với phố. Phố đã bình minh, đã ồn ào nhộn nhịp. Những dòng người xe vẫn tuôn chảy. Những gương mặt căng lên vì âu lo công việc. Những gương mặt thỏa thuê vì hạnh phúc. Những gương mặt tối sầm toan tính. Những gương mặt hồn nhiên trong trẻo. Những gương mặt chảy dài vì thất vọng. Những gương mặt sáng bừng lên niềm hy vọng vào ngày mới.
Bất chợt nó thấy một cô bé đang vừa đi vừa nhảy lò cò bên kia đường. Vui mắt, nó lon ton chạy theo ở bên này đường. Được một lúc, không hiểu sao, nó sủa lên mấy tiếng. Cô bé nhìn thấy nó. Thật bất ngờ, cô bé cũng gọi nó là Lu Lu.
- Lu Lu! Qua đây nè!
Sau một phút lưỡng lự, nó đứng dựng lên, sủa vang vang, rồi cong đuôi chạy ào qua.
Một tiếng phanh kít rợn người.
Sáng ngày, người ta thấy một cô bé bán vé số bồng trên đôi tay khẳng khiu một con chó lông xù màu trắng, hai chân sau quấn đầy giẻ rách. Con chó lâu lâu lại mở cặp mắt xanh trong veo, vừa trìu mến ngước nhìn cô bé, vừa dụi cái mũi đen ướt vào tay cô bé, vừa rên ư ử.
-Tội nghiệp con chó ! Sao em không đưa nó về nhà ?
- Em còn phải bán hết chỗ vé số này mới đưa Lu Lu về được. Phải không Lu Lu?